Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 21

GIỜ TÂM LÍ

Sự hiểu lầm xảy ra ngay từ giờ đầu. Tâm lí học là môn học mới ở trường, nó động đến nhiều vấn đề đáng hồi hộp và theo tin đồn thì phải có một thầy giáo mới dạy môn này. Mọi người chờ đợi giờ học đầu tiên với sự quan tâm đặc biệt. Khi cô Varvara Timofeevna vào lớp và cũng như mọi lần, cô giới thiệu cô giáo mới, thì một số em không sao nhịn cười được. Cô giáo trẻ đến nỗi thoạt nhìn cô chỉ khác học sinh ở kiểu chải đầu và bộ quần áo.

- Các em, năm nay các em sẽ học môn tâm lí - Cô giáo phụ trách giáo vụ nói và chợt nhìn thấy những cái cười không đúng lúc cô cau mày lại. - Cô Natalia Nicolaevna sẽ dạy môn này. Trách nhiệm của các em buộc các em... như học sinh lớn của trường, phải giúp cô Natalia Nicolaevna quen với công việc. Cô là cô giáo mới... Các em hiểu tôi chứ? - Cô Varvara Timofeevna kết thúc và khi cô giáo trẻ đã tiến đến gần bàn, cô ra khỏi lớp.

- Mời các em ngồi! - Cô Natalia Nicolaevna lạnh lùng nói và cúi đầu xuống.

Các em ngồi xuống. Một sự im lặng căng thẳng bắt đầu.

Suốt đêm qua Natalia Nicolaevna chuẩn bị cho giờ học đầu tiên này. Cô đã suy nghĩ trước và học thuộc lòng lời mở đầu, nhưng giờ đây vì hồi hộp cô đã quên hết. Sự lúng túng bối rối thể hiện rõ trên nét mặt cô, nên Jenia Smimova vội vàng hỗ trợ cho cô.

- Em muốn phát biểu à? - Cô giáo hỏi khi thấy một cánh tay - Thưa cô, cô tốt nghiệp trường phổ thông nào ạ? - Lớp trưởng hỏi điều em chợt nẩy ra trong đầu. Và khi thấy mặt cô giáo đỏ bừng lên em nói rõ thêm: - Ở Leningrad hay thành phố nào ạ?

Câu hỏi của Jenia đúng là đã giúp cô giáo thoát khỏi sự bối rối nhưng cô lại hiểu câu này theo một ý khác.

- Tôi không tốt nghiệp phổ thông mà tốt nghiệp đại học! - Cô đột ngột trả lời. - Tôi đề nghị không hỏi những câu vô nghĩa lí như thế nữa.

Jenia tròn xoe mắt vì ngạc nhiên:

- Em xin lỗi ạ, nhưng em tưởng trước khi học đại học cô cũng học ở phổ thông chứ ạ... - Em tức mình nói và ngồi xuống.

- Nghĩa là, tóm lại là không được hỏi cô phải không ạ? - Valia hỏi.

- Hỏi thì hỏi được, nhưng phải có liên quan đến môn học của chúng ta, - Natalia Nicolaevna trả lời với một giọng trịnh trọng.

Sự hiểu lầm bắt đầu là như thế. Các em học sinh lớp 10 cho rằng cô giáo mới hay tự đề cao, theo lời nói của các em là “kênh kiệu” và trong giờ học họ thường tìm mọi cớ để tranh luận với cô để “cho cô biết tay.” Cô Natalia Nicolaevna biết thế, cảm thấy mối quan hệ không có gì thiện ý và cô thường đối xử với các em một cách gay gắt, lạnh lùng và xa lạ. Sợ mất uy tín, vì chưa có kinh nghiệm, nên không bao giờ cô mở rộng ra ngoài chương trình đã có cả: giảng tóm tắt và khô khan những chương trong sách giáo khoa và yêu cầu những câu trả lời cũng đúng như thế.

Vì thế càng ngày mối quan hệ càng xấu đi và cô bước vào ngưỡng cửa của lớp 10 với một tâm trạng nặng nề, gần như sợ hãi.

Hôm nay khi vào lớp cô không nhìn các em học sinh đang đứng dậy mà đi thẳng về bàn của mình.

- Ngồi xuống!

- Thưa cô, em xin phép hỏi được không ạ? - Clara Kholopoeva đứng dậy hỏi.

- Nếu có liên quan đến bài học.

- Vâng ạ.

- Nói đi.

- Hôm nay chúng em học chương ba “Tình cảm.” Ở mục thứ hai mươi lăm nói về khí sắc. Về vấn đề này cô cũng đã nói. “Thiên nhiên, mùa trong năm, thời tiết có ảnh hưởng đến khí sắc của một số người.” - Clara đọc trong sách giáo khoa rồi lập tức hỏi: - Thưa cô, có đúng không ạ?

- Đúng.

- Thế mùa xuân có ảnh hưởng thế nào đến khí sắc ạ?

- Theo tôi, vấn đề này không cần giải thích cũng rõ: Sảng khoái, lâng lâng, vui vẻ.

- Vâng. Thế mùa thu ạ.

- Theo em thì thế nào?

- Theo em thì ngược lại ạ. Khi bên ngoài cửa sổ trời mưa, bùn lầy, trời u ám thì tâm hồn nặng trĩu, héo hon, uể oải.

- Rất đúng. Em còn muốn hỏi gì nữa.

Lớp học giỏng tai lên lắng nghe, cảm thấy Clara đang chuẩn bị một cú chơi khăm gì đây.

- Nếu cô nói là đúng, thì em không thể hiểu được tại sao lại thế ạ... - Clara nói với sự băn khoăn thắc mắc và giở sách giáo khoa ra. - Đây em xin đọc: “Như chúng ta đã biết, trong bốn mùa thì Puskin thích mùa thu hơn cả, về mùa này, tâm trạng nhà thơ đặc biệt nhẹ nhõm, lâng lâng, sảng khoái, kích thích sức sáng tạo” Thế nghĩa là thế nào ạ?

Cô giáo mặt đỏ bừng lên và hỏi lại:

- Thế là thế nào nhỉ?

- Thật là vô lí ạ! Mâu thuẫn. Như em chẳng hạn, em không biết phải hiểu thế nào cho đúng. Cô nói một đằng...

- Không phải tôi nói thế, mà là khoa học.

- Khoa học gì mà cũng cùng một chương lại giải thích các sự việc một cách hoàn toàn khác nhau?

- Thôi được, chúng ta sẽ đề cập vấn đề này vào buổi học sau.

Ngồi xuống! - Natalia Nicolaevna ra lệnh.

- Nhưng chúng em lại đang học bài đó hôm nay...

- Ngồi xuống! - Cô ra lệnh gay gắt.

Clara ngồi xuống nhưng lập tức Valia Belova giơ tay.

- Em muốn gì? Cũng thắc mắc à?

- Vâng. Cô nói chiều sâu của tình cảm không liên quan gì đến những cảm xúc mạnh mẽ, càng không liên quan đến những biểu hiện sôi nổi. Lermontov viết: “Sự hoàn thiện và chiều sâu của tình cảm không cho phép có những cơn dữ dội.” Có đúng không ạ?

- Thế thì sao?

- Em muốn biết điều đó có đúng hay không đúng ạ? - Valia kiên trì hỏi.

- Thế sao nữa? - Cô giáo tránh trả lời thẳng vào câu hỏi như đoán trước sắp có sự khó xử gì đây.

- Tạm thời chỉ có thế thôi ạ. Em chỉ muốn biết điều đó có đúng hay không đúng thôi.

- Đúng.

- Thế theo cô Kutuzov có phải là con người sâu sắc không ạ?

Natalia Nicolaevna im lặng. Cô đã biết ý định của Valia. Một ví dụ rút ra từ “Chiến tranh và hòa bình” đã được nêu trong chương “Cơn xúc cảm mạnh”: cơn thịnh nộ của Kutuzov khi nghe tên lính Đức Vonxoghen báo cáo về diễn biến của chiến dịch Borodino. Và ở đây mức độ nào đó cũng có mâu thuẫn với khái niệm chiều sâu của tình cảm. Nhưng những mâu thuẫn đó cũng không gay gắt lắm và trong những tình thế khác thì có thể cô đã lí giải xong hết, nhưng trong tình trạng thần kinh căng thẳng nặng nề, cô sợ lầm lẫn.

Những nụ cười đầy ngụ ý xuất hiện trong gương mặt học sinh làm Natalia Nicolaevna điếng người đi.

- Tôi chỉ có thể truyền đạt cho các em kiến thức thôi... còn cái đầu các em phải có cái đầu chưa các em chứ. Đầu các em để làm gì? Để cho đẹp thôi à?

- Lại còn thế nữa cơ! Tự mình lại đổ cho người, - Valia nói.

- Thế là thế nào hả? - Cô giáo hét lên qua hàng nước mắt, rồi không đủ sức tự chủ, cô chạy ra khỏi lớp.

Điều đó xảy ra thật bất ngờ. Các em nhún vai, liếc nhìn nhau một cách ngượng nghịu và tiếp tục ngồi tại chỗ của mình. Cảm giác lúng túng khó xử xâm chiếm lấy các em, mặc dù lỗi do ai thì cũng chưa ai thấy.

- Đấy, lại có một tiết mục - Jenia nói trong sự im lặng hoàn toàn.

- Rồi chúng ta sẽ được “tắm gội” một chầu cho xem! - Catia khẽ nhận xét. - Vì sao? Thật ra chúng mình chỉ thắc mắc hỏi cô.

Nếu cô giáo không biết thì tự mình làm sao biết được? - Valia nói một cách cứng rắn, nhưng mọi người biết là em rất sợ.

- Đáng lẽ không nên nói về “cái đầu đau,”[34] - Lida trách bạn.

[34] Nguyên bản tiếng Nga, tục ngữ: “Cái đầu đau đổ cho cái đầu minh mẫn.”

- Nhưng mình có nói đâu!

- Không, mình nói đấy! - Svetlana trả lời. - Đấy là mình lấy câu tục ngữ làm ví dụ.

- Thôi được. Đừng làm toáng lên nữa. Cô ấy chạy đi đâu nhỉ? - Tamara hỏi.

Larisa nói:

- Chắc đến cô hiệu trưởng để mách chứ gì.

Nhưng Larisa đã nhầm. Natalia Nicolaevna chạy vào phòng giáo viên, gieo mình xuống đi văng và nức nở khóc. Cô không thấy lúc đó trong phòng bên cạnh cửa sổ thầy Constantin Sergheevich đang ngồi đọc báo, tờ báo che trước mặt.

- Sao, có chuyện gì xẩy ra thế hả chị Natalia Nicolaevna. - Anh hỏi và chạy lại ngồi gần cô.

Cô nức nở nói:

- Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa... Chúng làm tôi mệt lắm rồi! Tôi sẽ không đến với chúng nữa đâu? Tôi có làm gì chúng đâu cơ chứ?

- Chị hãy bình tĩnh, chị Natalia Nicolaevna ạ...

Anh rót một chén nước đưa cho cô. Cô giáo trẻ gạt tay ra, lấy khăn che mặt và càng nức nở hơn, Constantin Sergheevich đặt chén nước xuống chạy lại xem thời khóa biểu, và sau khi đã biết sự việc không hay xảy ra ở lớp anh, anh vội chạy lên gác.. Mọi người không chờ đợi sự xuất hiện của thầy giáo. Ngồi xuống ghế, anh lạnh lùng hỏi:

- Các em vừa có chuyện gì thế?

Học sinh im lặng.

- Ivanova Catia, - thầy giáo gọi. Nếu giáo viên bỏ ra khỏi lớp thì điều đó chắc hẳn là có lí do.

- Thưa thầy, chúng em lấy đanh dự Đoàn xin đảm bảo với thầy là chúng em chỉ ngồi yên không làm gì cả ạ... Bạn Clara và Valia thắc mắc hỏi cô giáo rồi không hiểu sao cô ấy cáu ạ.

- “Cô ấy” à? Ai là “cô ấy?” Khi nói với tôi về các thầy giáo, cô giáo các em phải gọi tên và tên đệm. Hơn nữa câu trả lời của các em, tôi không hiểu gì cả. Các em nói đi, chuyện gì xảy ra với cô Natalia Nicolaevna thế? Tại sao các em lại im lặng? Nhắc lại xem.

- Cô Natalia Nicolaevna... thưa, nổi nóng ạ...

- Thôi được. Em ngồi xuống. Clara em đã hỏi gì cô giáo?

Clara nhắc lại đúng từng lời một cuộc đối thoại của mình với cô giáo.

- Thưa thầy, thầy có thể trả lời câu hỏi của em không ạ. - Em kết thúc với nụ cười hối lỗi.

- Không. Câu hỏi đó các em tự trả lời lấy nhưng không phải bây giờ. Vấn đề này có liên quan đến văn học cũng không kém gì so với tâm lí. Chắc các em còn nhớ, các em đã từng học ở lớp 7, lớp 8 rồi đấy, các em đọc lại đi, suy nghĩ lại đi, đến giờ học sau của tôi, tôi sẽ hỏi: - Tại sao Puskin lại thích mùa thu? Thế còn câu hỏi thứ hai?

- Valia kìa, nói đi, - Jenia nói lúng túng.

Valia kể lại câu hỏi của mình và cuộc đối thoại xảy ra sau đó - lờ đi chuyện “cái đầu đau.”

- Tôi thấy câu hỏi này hôm nay sẽ làm các em không ngủ được đâu. Theo tôi thì điều đó không phụ thuộc vào chiều sâu của tình cảm, ý chí và tính cách, trên đời này không có ai là không có lúc mất tự chủ nhất là trong hoàn cảnh như chiến trận Borodino. Cho nên ví dụ nêu ra với Kutuzov chỉ là lí sự cùn của các em thôi. Không có nguyên tắc nào là không có ngoại lệ cả, trong tâm lí học thì ngoại lệ càng nhiều. Đây là môn khoa học rất phức tạp. Hết chứ?

- Vâng, hết ạ, - Catia trả lời.

Constantin Sergheevich suy nghĩ. Anh nhớ có lần để trả lời câu hỏi của anh “Các em sắp có giờ học gì thế?” Jenia nhăn mũi trả lời một cách mỉa mai: “Chúng em cứ lần theo sách giáo khoa mà nghiên cứu tâm hồn con người ạ.” Anh còn biết, giữa các em với nhau, các em còn gọi cô Natalia Nicolaevna là “cô tâm thần.”

Đó là bí danh các em dùng để tỏ thái độ coi thường cô giáo, ngay cả cách phát biểu của bí thư chi đoàn “không hiểu vì sao cô ấy lại nổi cáu” cũng vậy - tất cả những điều đó chứng tỏ rằng cô giáo trẻ đã không tìm thấy sự nhất trí với tập thể học sinh và không có khả năng làm cho các em thích môn học của mình. Sau một phút im lặng, quay về phía Catia, thầy bắt đầu nói: - Ivanova! Em thay mặt các bạn, lấy danh dự của Đoàn Thanh niên Cộng sản hứa là đã nói đúng sự thật. - Tôi tôn trọng các em và không thể không tin các em...

- Thưa thầy, bạn ấy chỉ hứa là đã nói thật về việc chúng em ngồi im lặng thôi ạ? - Ania sôi nổi nói.

- Ania, tôi không nói chuyện với em. Tôi không có ý định thảo luận riêng với từng em về chuyện này. Nếu trong lớp có chuyện gì xảy ra thì bí thư chi đoàn là người có lỗi. Nghĩa là đã không suy nghĩ chín chắn, đã có điều gì đó thiếu sót, đã không lắng nghe, không hỏi ý kiến. Tôi hoàn toàn tin rằng các em ngồi im nhưng đồng thời cô Natalia Nicolaevna phải phát khóc và bỏ ra khỏi lớp. Im lặng có nhiều kiểu khác nhau. Tôi thật xấu hổ vì các em!

- Thưa thầy, chúng em chưa kịp... - Catia bắt đầu nói nhưng thầy không nghe, bước ra khỏi lớp.

Mọi người đều thấy thầy giáo nói đúng. “Im lặng cũng có nhiều kiểu khác nhau.” Câu chuyện đáng ghét ấy tất nhiên là không thể biện bạch với thầy được. Họ có quyền gì đối xử với cô giáo như vậy?

Sự việc không chỉ là những câu hỏi nhằm làm cho cô giáo bế tắc. Giờ học nào họ cũng xử sự với cô Natalia Nicolaevna như những kẻ thù bí ẩn vậy. Nhưng bực nhất là thầy Constantin Selgheevich lại chỉ nói có mỗi một mình Catia thôi, làm như mọi việc xảy ra đều do lỗi một mình Catia cả.

Về phòng giáo viên, thầy Constantin Sergheevich thấy cô Natalia Nicolaevna đã dịu đi, nhưng vẫn còn bối rối. Cô không biết phải làm gì để thoát ra khỏi hoàn cảnh đã tạo ra.

- Chị có thể bình tĩnh nghe tôi nói và không giận tôi không? - Dừng lại trước mặt cô, Constantin Sergheevich nói.

- Vâng, tất nhiên.

Anh trầm tĩnh bắt đầu:

- Tôi sẽ nói thật với chị. Có thể sự thật làm chị bực mình khó chịu nữa. Trong những va chạm như thế này thì chính quyền thường đứng về phía giáo viên. Bình thường là như thế... trừ một số ít trường hợp. Ở đây, lô-gích cũng khá đơn giản. Bằng mọi cách phải củng cố uy tín của cô giáo - thế có nghĩa là học sinh có lỗi. Các em có nhiệm vụ phải học tập, có nhiệm vụ phải tôn trọng cô giáo, có nhiệm vụ phải vâng lời và nhiều nhiệm vụ khác nữa. Còn nếu các em không thấy thích thú, thấy chán ngán trong giờ học thì sao? Nếu cô giáo không xứng đáng được tôn trọng thì sao? Tóm lại, tôi thì tôi suy nghĩ khác. Trong những sự va chạm này, trừ một số ít trường hợp, còn thì lỗi thường là tại giáo viên.

Bình thường không có những trẻ em hư... Tôi muốn nói đến những trẻ em mới sinh, - anh Constantin Sergheevich giải thích thêm, khi thấy cô giáo trẻ nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. - Ở trường ta cũng đã đạt được những thành tích giáo dục nhất định. Tuy vậy mỗi em cư xử một khác... Chị hãy nghĩ mà xem, chị Natalia Nicolaevna ạ... Vì sao chị Vaxivia Antonnova lại tiến hành công việc một cách có kết quả và quan hệ bình thường với lớp như thế?

Cả chị Anan Vaxilievna, Marina Leopoldovna thậm chí cả bác Vaxili Vaxilievich, một người quá hiền lành, hoặc nói như chị Varvara Timofeevna là người thiếu tính kiên quyết cũng thế... Sao họ lại có những mối quan hệ khác?

- Vì họ có kinh nghiệm...

- Đấy, đấy! Trong trường hợp này lỗi của giáo viên là không có kinh nghiệm. Đúng hơn thì đây chưa phải là lỗi mà là điều không may. Tôi rất phấn khởi nếu như ở đây chỉ có thế. Nhưng một điều làm tôi phải suy nghĩ là thế này... Khi làm quen với chị, tôi cứ nghĩ nhất định các em sẽ gọi chị là “Natasa” với nhau đấy nhưng thật bất ngờ khi biết chúng gọi chị là... chị có biết chúng gọi chị là gì không?

- Gọi là gì?

- “Cô giáo tâm thần.”

Nụ cười thoáng hiện trên mặt cô Natalia Nicolaevna bỗng biến mất. Cô nói:

- Hồi tôi còn học phổ thông, chúng tôi cũng gọi cô giáo dạy vật lí là “cô vật lí.” Không, tôi không thanh minh đâu. Tôi hiểu anh...

- Tôi không biết rõ chuyện của chị xảy ra ở lớp thế nào, nhưng tôi muốn nói với chị điều này... Nếu chị về trường công tác chỉ vì chị tốt nghiệp trường Đại học sư phạm, nếu chị không thích môn của chị, nếu chị không biết tôn trọng trẻ... thì chị nên đến gặp bà Natalia Zakharovna nộp đơn xin chuyển công tác. Chị còn trẻ, phía trước chị là cả cuộc sống. Đừng vùi dập nó. Dẫu sao chị cũng sẽ không thành công được. Rồi chị sẽ trở thành một công chức quan liêu...

- Không, không... sao anh lại nói thế, anh Constantin Sergheevich! - Natalia Nicolaevna nói với vẻ sợ sệt. - Đấy là ước vọng của tôi chứ... Cho đến nay tôi vẫn nghĩ đó là ước vọng của tôi... Tôi tin chắc như thế... thậm chí ngay từ hồi còn ở phổ thông.

- Hay lắm! Vậy chị hãy nghe tiếp... điều cuối cùng. Tôi không biết ở đại học chị học gì, còn theo tôi điều chủ yếu trong mối quan hệ với học sinh là sự chân thành và lẽ phải. Có thể, một đôi khi cũng cần phải im lặng, lảng tránh không trả lời, nhưng không bao giờ được lừa dối các em. Bất kể là hoàn cảnh nào! Các em rất tế nhị và nhạy cảm, mọi sự lừa dối các em đều phát hiện ra ngay, không được cậy thế giáo viên... phải chân thành và thẳng thắn! Như vậy có nghĩa là chị tôn trọng các em mà vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Chị có hiểu tôi không, chị Natalia Nicolaevna?

Cô yên lặng gật đầu.

- Nếu chị hiểu, ta hãy đến với các em đi.

Hai người rời khỏi phòng giáo viên, ung dung đi dọc theo hành lang.

- Chị bao nhiêu tuổi rồi?

- Hai mươi ba.

- Không sao. Chị bắt đầu như thế có lẽ tốt đấy. Sau này sẽ thuận lợi hơn. Phải biết rằng uy tín của giáo viên không thể được tạo ra bằng các biện pháp chính quyền. Uy tín được thổi phồng lên, giả tạo - đó là sự tự phỉnh nịnh mình có hại. Uy tín chỉ có thể có được bằng cách trung thực thật thà. Nếu ta có lỗi ta hãy nhận lỗi. Như vậy uy tín của ta càng tăng thêm, che giấu khuyết điểm của mình, có thể sẽ mất hết uy tín.

Tới gần lớp, họ nghe thấy giọng nói của Catia Ivanova. Vì cửa đóng nên không nghe rõ, nhưng rõ ràng cô nói với vẻ hăng hái, phẫn nộ. Hai người đưa mắt nhìn nhau. Constantin Sergheevich nói:

- Đấy, chị nghe thấy đấy! - Đây là những em tốt, giả sử đôi khi các em có hành động bộp chộp thiếu suy nghĩ thì cũng vì các em mới mười bảy tuổi. Đừng để mất phẩm chất, đừng xu nịnh, bợ đỡ. Phải yêu cầu nhiều hơn, nhưng cũng phải tôn trọng hơn...

Khi thầy giáo và cô giáo vào, các em đứng cả dậy. Vẻ mặt các em đều cau có bực bội, Catia nước mắt còn rưng rưng.

- Các em ngồi xuống! - Thầy Constantin Sergheevich nói khi cô giáo đã đi lại phía bàn. - Tôi đã nói để cô Natalia Nicolaevna trở lại sau khi đã đảm bảo với cô rằng sự hiểu lầm như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa! - Thầy chỉ nói thế và rời khỏi lớp.

Cô giáo lấy khăn tay lau mắt rồi nhìn các em học sinh. Bây giờ cái nhìn của cô đã hoàn toàn khác cái nhìn trước đây, dường như nước mắt đã làm tiêu tan đi sự lạnh nhạt đồng thời cũng cuốn phăng cả sự xa cách. Sau khi thấy Catia lặp lại hành động ấy của cô cũng lấy khăn lau mắt, Natalia Nicolaevna không kiềm chế được, mỉm cười.

- Các em ạ, tất cả những cái đó, tất nhiên không hay ho gì, nhưng không thể làm khác được... - Cô bắt đầu nói và thở dài chua xót - Tôi đồng ý với thầy Constantin Sergheevich rằng đây là một sự hiểu lầm và chỉ đơn giản là vì chúng ta chưa hiểu nhau... Ai có lỗi trong chuyện này, thật cũng khó nói. Ngay từ buổi học đầu giữa chúng ta hình như có một bức tường nào đó ngăn cách và thú thực với các em là tôi rất tủi thân... Tôi biết trong sự hiểu lầm này tôi cũng có sai sót, song phải làm gì để phá vỡ bức tường ngăn cách đó đi, phải làm gì để thu xếp lại mối quan hệ giữa chúng ta thì tôi lại không biết... Và thế là như các em đã thấy đấy, thật không hay một tí nào... - Cô giáo nói với nụ cười hối tiếc. - Chúng ta hãy vạch một đường dứt bỏ hẳn với quá khứ và bắt đầu mọi việc từ đầu vậy. Sự sai lầm đó của cả hai bên cho chúng ta thêm một bài học kinh nghiệm và tôi hi vọng rằng, điều đó sẽ không lặp lại nữa... Và bây giờ các em đang nghe tôi, tất cả sự chú ý của các em đang tập trung vào tôi. Không có yểu tố kích thích bên ngoài nào có thể làm các em xao nhãng sự chú ý đó cả...

Cô giáo đã khéo léo chuyển sang bài giảng. Và thật là kì lạ, chương “Sự chú ý” trong sách giáo khoa đã được nhiều bạn đọc, hôm nay cũng trở nên hấp dẫn lạ thường.

Hồi chuông vang lên cũng vừa đúng lúc cô Natalia Nicolaevna giảng xong bài, cô đóng sổ điểm lại và đứng dậy. Các em học sinh cũng đứng dậy. Mọi người đều thấy rõ là chuyện cũ không đáng nhớ nữa và giữa họ và cô giáo vừa bắt đầu một mối quan hệ mới.