Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 22

CATIA IVANOVA

Mãi đến bây giờ, khi sắp tròn mười bảy tuổi Catia Ivanova mới thật sự hiểu thế nào là trách nhiệm. Và trách nhiệm không phải chỉ với các bạn trong lớp, với Đoàn Komsomol, với các thầy, cô giáo, với hiệu trưởng, mà còn với lương tâm của chính bản thân mình nữa.

Nhận thức đó mới có từ lúc ba người cùng kí tên vào bản “Lời hứa” ở nhà Tamara. Trước khi kí tên Catia đã nói trước với các bạn là “chính họ phải gương mẫu, nếu không thì sẽ không còn có chút uy tín nào nữa.” Lúc đó cô nói vậy mà đến bây giờ cô cũng nghĩ thế. Nhưng gương mẫu đâu có phải là chuyện dễ! Gương mẫu nghĩa là gì?... Phải học giỏi, phải cư xử ở nhà và ở trường như thế nào để không ai chê trách được, không làm điều gì dại dột, lúc nào cũng phải giữ vững nguyên tắc, tích cực tham gia mọi công tác xã hội... Những điều đó thì dễ lắm. Không làm điều gì dại dột. Thế dại dột nghĩa là gì? Là hành động hoặc lời nói thiếu suy nghĩ bồng bột. Mình là người có đôi chút kiến thức nghĩa là có trí thông minh, sao lại có thể làm điều dại dột? Vậy mà lại có thể đấy. Câu chuyện xảy ra với cô Natalia Nicolaevna đã chứng minh điều đó. Tất cả mọi người đều có lỗi, nhưng mình là người có lỗi trước tiên. Và thầy Constantin Sergheevich đã nói cho mình hiểu điều đó. Lúc đầu Catia cũng thấy hơi tủi thân. Tại sao cô lại phải xấu hổ thay cho tất cả mọi người? Nhưng sau khi suy nghĩ, cô hiểu là thầy giáo đã hành động đúng. Tất cả các bạn có vẻ thông cảm với cô, nhưng trách nhiệm của bí thư chi đoàn trong con mắt mọi người do đó mà cũng được nâng lên.

“Ôi, trách nhiệm thật là nặng nề!” - Catia suy nghĩ và thở dài.

Bài vở đã chuẩn bị xong, nhưng Catia vẫn ngồi ở bàn với quyển sổ ghi chép để mở, tên gọi của quyển sổ đó là: “Những quy tắc cuộc sống của tôi.” Bây giờ cô thường xuyên dùng đến quyển sổ này. Trong đó có biết bao suy nghĩ bổ ích. “Con người không biết tự kiềm chế mình khác nào chiếc máy hỏng.” Câu châm ngôn của các bạn ở trại “Công xã” do Macarenco tổ chức giờ đây trở thành phương châm hành động của cô. Catia nghiệm thấy là khi trên vai mình mang trách nhiệm nặng nề, thì lúc nào cũng bắt buộc phải kiềm chế mọi tình cảm, những cơn bột phát, những ý thích của mình và trước khi làm hoặc nói một điều gì - phải đắn đo suy nghĩ. Không có cái “phanh” tốt thì rất dễ dàng bị rơi xuống vực thẳm. Bây giờ rất cần phải tự kiểm tra mình, để lúc nào mình cũng ở vị trí xứng đáng nhất. Ừ, thế còn các bạn? Thói quen biết tự kiềm chế mình chẳng bạn nào có cả, và các bạn thường hành động giống như trái tim các bạn mách. Thế thì trái tim là cái gì? Có thể tin tưởng ở nó được không?...

Để khỏi dứt dòng suy nghĩ, Catia lấy bút chì ghi vào một tờ giấy: “Cần phải xác định rõ vấn đề. Thứ nhất là ‘người không phanh.’ Thí dụ: Nadia, Tamara, Clara.” Sau đó, cô cô gõ đầu bút chì vào răng và tiếp tục suy nghĩ như là đang giải một bài toán.

“Thế chúng ta hiểu ‘trái tim’ là cái gì?” Trái tim - đó là tình cảm, nguyện vọng, cơn sốc nổi, tâm trạng. Đó là một cái gì đó có tính chất tự phát, vô ý thức, có khi còn ích kỉ, thiếu suy nghĩ nữa...

Nếu không có lí trí thì trái tim có thể luôn luôn “chơi khăm” chúng ta được. Vâng, chính nó đang “chơi khăm” đấy. Lí trí và trái tim thường hay mâu thuẫn với nhau và luôn luôn đấu tranh với nhau.

“Muốn đi xem phim quá!” - Trái tim đòi hỏi. “Nhưng mình còn phải làm bài đã chứ” - Lí trí nhắc nhở. “Không sao, còn kịp chán” - Trái tim rủ rê. Đúng... trái tim bao giờ cũng biết cách dụ dỗ, và nghe nó bao giờ cũng thú hơn.

Catia muốn viết về vai trò phản diện của trái tim trong cách xử sự của con người, nhưng lại thôi. Cô có cảm giác các bạn đã là học sinh lớp 10 rồi nên những thí dụ ngây ngô như vậy đối với các bạn không phù hợp nữa. “Thế còn lí trí là gì? Lí trí - đó là kiến thức, là sự hiểu biết, là những kĩ xảo”… Và bỗng nhiên Catia hiểu rõ ràng rằng lí trí - đó chính là “cái phanh” mà các cô thường ít khi có được. Thế nghĩa là tất cả các bạn đều có “cái phanh” chỉ phải cái là ít dùng đến nó.

“Trái tim và lí trí, - cô viết - Sự mâu thuẫn cuộc đấu tranh nội bộ. Trái tim - đó là tôi. Lí trí - đó là chúng ta. Lí trí như là một cái phanh.”

Bút chì bị gãy khi cô chấm. Catia với nó ra giữa bàn, dang hai tay ra và uốn mình nói: “Ôi đến giờ đi ngủ rồi!” Nhưng ngay lúc đó cô lại bắt gặp mình đang hướng vào ý muốn của trái tim “Thầy Constantin Sergheevich nói là rất cần thiết phải biết nhìn trước sự việc, - Catia tiếp tục ghi ra những suy nghĩ của mình - Vâng. Chính điều đó thật là quan trọng. Thế mình phải nhìn thấy trước cái gì nhỉ? Nhìn thấy trước là Larisa sẽ lại nhận điểm ba về môn sử ư? Điều đó nhìn thấy trước được cũng dễ thôi. Chắc là sẽ nhận điểm ba và không phải là một lần. Thế thì mình làm được điều gì? Hôm kia ở cuộc họp, các bạn đã làm Larisa phải khóc. Và không biết tại sao người tham gia hăng hái nhất lại chính là bạn thân của nó, Rita. Thật là một tình bạn kì lạ! Phê bình Larisa, nhưng còn chính Rita không bị điểm ba, chẳng qua chỉ vì cô giáo không hỏi bài nó thôi. Giữa họ có sự chồng chéo rất phức tạp về tâm lí. Để có thể nhìn thấy trước được một vấn đề gì, cần phải hiểu thấu mọi chi tiết đó... Mối quan hệ phức tạp thứ hai - giữa Clara và Valia. Trong cuộc họp hai đứa cãi nhau, và có thể là lần này khá lâu đấy. Thật là chẳng ra sao nữa hoàn toàn không có sự kiềm chế nào và không biết tôn trọng nhau một tí nào. Lớp mình chẳng phải là một tập thể tốt và chắc gì sẽ có thể xây dựng được!” - Catia đau khổ nghĩ vậy.

Trong những giây phút suy tư như vậy, những ý nghĩ không vui thường đến với cô. Catia không thể than phiền rằng có người nào đó gây khó khăn cho công việc của mình. Ngược lại. Tất cả mọi người đều sẵn sàng ủng hộ em nhất là các thầy, cô giáo. Bây giờ hằng tuần ở lớp cô có hai giờ học thêm và ba lần giải đáp thắc mắc của các giáo viên. Rất nhiều bạn, trong số có cả Catia, đã tổ chức một số bài học theo phương pháp tập thể. Thứ hai hằng tuần ra bản tin ngày càng sắc sảo và thú vị. Tamara rất say sưa với việc này. Không, Catia không có quyền kêu ca gì cả nếu như có điều gì đó không như ý thì có nghĩa là chính cô không biết cách điều chỉnh, hướng dẫn thôi. Còn phần cô, dĩ nhiên là cô có cố gắng, đến nỗi gầy cả người đi... Nghe lời mẹ, Catia vừa đi cân về và thấy mình bị gầy đi chín mươi ba gam. Mà gầy đi thì cũng phải. Cứ mỗi một điểm ba mà các bạn nhận được cũng đủ làm Catia lo lắng khổ sở như chính điểm ba của mình. Cứ mỗi ngày đợi đấy xem thử có bạn nào trong số những bạn “bướng bỉnh” lại cho ra tiết mục mới nào đó, hoặc xảy ra chuyện tương tự như chuyện với cô Natalia Nicolaevna, mà sau đó em phải gầy đi đến hai trăm gam. Catia không ngờ lớp 10 lại nhanh chóng rơi vào trung tâm chú ý của toàn trường như vậy. Nhiều lớp noi gương lớp 10 cũng lập bản “Lời hứa.”

Theo đề nghị của Svetlana, ngay ngày hôm sau học sinh lớp 10 mang đến bao nhiêu là hoa. Đến cả Raia cũng mang đến hai chậu cảnh có lá li ti rất đẹp. Hoa quả nhiều, đến nỗi để không hết ở các bệ cửa sổ phải đem cho lớp bên cạnh. Và bây giờ thì toàn trường như bị cuốn vào cơn lốc. Không ai chịu thua cả. Ngày nào cũng có người mang hoa đến trường.

Bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna hôm qua vừa mới đến thăm lớp, bà khen lớp 10 đã có sáng kiến đó. Hôm nay bà bí thư chi bộ Sophia Borisovna gọi Catia lên báo cáo tình hình công việc của lớp. Thực ra thì bà bí thư quan tâm nhiều không phải về công tác của cô, mà xem thử Constantin Sergheevich đã làm gì ở lớp. Nhưng đằng nào chả thế. Cái nọ có tách rời cái kia đâu. Lại còn về cái chuyện Valia nữa chứ. Sophia Borisovna trách Catia là thiếu nhạy cảm. Nhưng làm gì được với cái con “cá nhân chủ nghĩa” ương bướng này cơ chứ? Catia không biết cô đã phải “gầy đi mấy trăm gam” vì cái con Valia này, chỉ biết là việc này đã kéo dài quá lâu rồi. Gần đây cô vô tình nghe được câu chuyện giữa Valia và thầy Constantin Sergheevich.

- Valia, em cho tôi biết, tại sao em lại không muốn kí tên vào bản “Lời hứa” của lớp? - Thầy giáo hỏi.

- Em cần gì cái bản “Lời hứa” đó ạ. “Lời hứa” chỉ cần thiết cho những người học kém, chứ em thì không cần... Valia trả lời một cách vô tâm, không phải suy nghĩ gì.

- Em chắc chắn là như vậy ư?

- Vâng, chắc chắn ạ.

- Belova, em hãy nhớ rằng, trong cuộc sống có khi là thế này... một người bướng bỉnh, sĩ diện đã có hành động không đúng, và nhẽ ra phải nhận ra lỗi của mình để sửa chữa, thì người đó lại bảo thủ. Lỗi thứ nhất lại kéo theo lỗi thứ hai, thứ ba và cuối cùng, người đó hoàn toàn nhầm lẫn... Em có hiểu tôi nói gì không?

- Dĩ nhiên rồi ạ... Có điều là thầy đã lo lắng một cách vô ích, thầy Constantin Sergheevich ạ. Chính thầy đã chẳng nói với chúng em là chúng em đã lớn rồi và không còn cần đến người bảo mẫu nữa là gì ạ, - Valia hơi đỏ mặt trả lời thầy.

Đó là một sự hỗn láo được che đậy một cách vụng về và Catia cảm thấy lộn tiết lắm, nhưng thầy Constantin Sergheevich thì lại giả vờ không hiểu hành động láo xược đó của cô học sinh.

Và anh tán thành:

- Cô bảo mẫu thì rõ ràng là các em không cần đến thật, tất cả mọi người đều hiểu thế. Nhưng một lời góp ý chân thành thì cả những người lớn cũng cần, cả những người lớn hơn tuổi mười bảy nữa kia...

Câu trả lời của thầy giáo làm Catia rất thích nhưng Valia thì dĩ nhiên là bỏ ngoài tai. Catia nhớ lại lời phát biểu của Valia ở buổi thảo luận:

“Cái con Valia này thật là kì quái. Chúng ta biết nó từ bao nhiêu năm rồi, thế mà vẫn không nhìn nó được kĩ.” “Tôi sẽ sống tùy theo ý thích của tôi.” “Như thế đâu có phải là hành động theo kiểu Xô viết? Ai có thể phát biểu như thế? Chỉ có các tiểu thư khó tính được nuông chiều mới nói thế thôi.” “Tôi muốn thế!” Ôi chà cho tôi biết cô là tiểu thư nào vậy?

Catia đã hai lần đến chơi nhà Valia và nhận thấy bạn sống trong gia đình như thế nào. Mẹ nó dạy môn địa lí ở trường học dành cho các em trai, còn bố nó làm ở phòng cứu hỏa của thành phố, ông nó trước kia là công nhân, bây giờ đã về hưu. “Không biết nó học ở đâu ra cái thái độ đó?” - Catia tự hỏi và không thể trả lời được nữa. Tại sao trước kia em không bao giờ nghĩ đến điều đó... Cùng học với nhau mà vẫn không biết cặn kẽ về nhau. Ừ, các bạn gái thì bạn nào cũng thế? Bạn này thì tâm hồn rộng lớn hơn - bạn kia thì nhỏ hẹp hơn. Chỉ có khi nào kết nạp bạn nào đó vào Đoàn thì mới quan tâm xem: bạn ấy học hành ra sao, có tham gia công tác xã hội không, có thuộc điều lệ không, có đọc báo không... Và có lẽ, chỉ có vậy thôi. “Thế thì còn phải biết cái gì nữa cơ chứ? Họ thì có liên quan gì đến mình? Miễn là các bạn học tốt là được,” - Catia nghĩ thế, nhưng ngay lúc đó cô đã vứt bỏ khỏi đầu ý nghĩ đó. Nếu các bạn bầu cô làm bí thư chi đoàn, thì cô có trách nhiệm phải lãnh đạo và giúp đỡ những đoàn viên để họ tiến bộ. Bởi vì đoàn viên Komsomol là những đảng viên cộng sản tương lai. Và không phải chỉ có đoàn viên thôi. Cả Valia, Rita và Raia phải trở thành những công dân Xô viết và họ sẽ cùng với tất cả mọi người xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Trước kia khác, em không thấy mình có trách nhiệm đối với các bạn đó, và chỉ sau khi thầy Constantin Sergheevich trao cho em trách nhiệm giáo dục, Catia mới hiểu là thầy đã làm đúng. Thầy cũng chẳng trao cho cô trách nhiệm gì mới mẻ. Cô là cán bộ đoàn, vấn đề giáo dục đoàn viên là một trong những nhiệm vụ cơ bản của cô...

Sau lưng cô cánh cửa cót két mở. Bố cô đã về, ông làm việc theo ca hai.

- Catia, học đi con. Bố sẽ không làm phiền con đâu, - ông nói giọng trầm trầm khi thấy cô quay lại nhìn ông.

- Con đã làm xong hết bài rồi bố ạ.

Bác Mikhail Phomich - bố Catia - là một người ít nói và ưa sự yên tĩnh. Người mà chưa quen ông mấy thường hay sợ nhưng câu trả lời cụt ngắn và những cử chỉ lạnh lùng của ông. Nhiều người cho rằng ông là người có tính khí khó chịu và ít ưa giao thiệp. Nhưng thực ra không phải thế. Ông không thích lăng xăng, không ưa chuyện phiếm, mọi sự băn khoăn lưỡng lự, không đứt khoát đều làm cho ông bực mình, nhưng ông không phải là người khô khan, độc ác hoặc hay cau có. Ông làm thợ rèn ở một nhà máy gang thép lớn. Ông là thợ rèn gia truyền đấy. Ông nội của Catia mãi đến khi chết vẫn là thợ rèn.

- Bố ơi, hôm nay bố có vui không? - Catia hỏi.

- Thế sao cơ? Con bị điểm hai à?

- Không ạ, con được điểm bốn môn lượng giác, nhưng không phải việc đó. Con muốn nói chuyện với bố.

- Con cứ nói.

- Nhà ta cần đặt máy điện thoại bố ạ.

- Máy điện thoại. Để làm gì con? - Ông ngạc nhiên hỏi.

- Bố cũng cần, mẹ cũng cần, cả con cũng cần có máy điện thoại, bố ạ. Có máy điện thoại thật là thuận lợi mà lại không đắt.

- Thôi, con đừng có nghĩ những chuyện viển vông nữa.

Ông Mikhail Phomich cởi áo lao động treo lên mắc, cầm chiếc khăn mặt và ra khỏi phòng. Sự từ chối của bố không làm cho Catia lo lắng. Cô biết rằng bố không tiếc tiền, nhưng bố cần phải hiểu được máy điện thoại không phải là đồ chơi, không phải là trò tiêu khiển của bọn nhà giàu, mà là một vật rất cần thiết và tiện lợi.

Catia đã nghĩ được một kế hoạch thuyết phục bố rất chi tiết. Cô đã nói với bố về chuyện chiếc máy điện thoại và bây giờ thì dứt khoát là bố không quên rồi. Sau đó cô sẽ lựa chọn lúc thuận lợi, sẽ thuyết phục dần dần bố là máy điện thoại vô cùng cần thiết đối với cả nhà. Phải tìm cách gì đó đặc biệt lắm mới nói cho bố nghe được.

Suốt đời cô nhớ mãi một việc xảy ra và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ sau này giữa hai bố con. Hồi đó cô mới lên chín. Hai bố con đang đi trên đường phố chính. Ở góc phố có bán kem Eskimo. Chắc là bố đã để ý thấy Catia nhìn chiếc thùng màu xanh lơ có vẽ một chú gấu trắng một cách thèm thuồng như thế nào rồi.

- Con có muốn ăn kem không? - Bố đi chậm lại và hỏi.

Dĩ nhiên là em thích quá rồi. Có đứa trẻ nào mà lại không thích kem Eskimo? Nhưng một sự khiêm nhường giả dối, một cách không muốn tỏ rõ sự thèm muốn của mình đã làm Catia phải cúi nhìn xuống đất.

- Con không biết ạ. - Em khẽ nói.

- Bố cũng không biết, - ông lẩm bẩm rồi hai bố con đi thẳng.

Trường hợp tưởng như không đáng kể trên đây đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tính cách của cô gái mãi về sau này. Bây giờ thì Catia đã hiểu là bố em ưa sự thẳng thắn và đã cố tình không mua kem cho em lúc đó.

Ngày lễ mồng một tháng năm. Ở khắp các hè phố bán những quả bóng đủ màu, những lá cờ đỏ, những chiếc còi xinh, các loại hoa, những chiếc kẹo có hình những chú gà trống, các loại bánh ngọt và còn biết bao thứ hấp dẫn khác nữa. Khi đó bố cùng với mẹ và Catia đi chơi, ông lấy tiền trong ví ra, cho con gái xem một tờ giấy bạc màu xanh và nói:

- Catia! Này bố cho con ba rúp để tiêu. Con thích gì thì cứ mua. Nhưng hãy nhớ: tiêu hết ba rúp là hết đấy. Bố không có tiền nữa đâu. Con hiểu rồi chứ?

- Vâng ạ. Thế còn xi-nê nữa?

- Cả xi-nê cũng trong số tiền đó. Tất cả, tất cả ở đấy đấy!

Tiền nằm trong túi bố, và Catia biết chắc rằng em chỉ cần nói: “Bố ơi, mua cho con quả bóng màu xanh kia” - thì lập tức bố em mua cho ngay. Em sẽ có quả bóng nhưng đồng thời số tiền cũng sẽ bị ít đi. Và đừng hòng nói đến chuyện bố cho thêm tiền. Thế là Catia bắt đầu nhẩm tính kế hoạch chi tiêu trong óc.

Thỉnh thoảng mẹ em định góp ý cho em nhưng bố chặn ngay:

- Đa-sa ạ, em đừng can thiệp vào. Cứ để con nó tự tính toán lấy... Bây giờ nó đã biết chữ. Việc cộng trừ ba trăm côpếch nó cũng đã thành thạo và nếu như có nhầm lẫn chăng thì cũng lỗi tại nó thôi.

Bà Daria Stepanovna, mẹ Catia, đó là sự đối lập hoàn toàn đức tính bố cô. Là một phụ nữ niềm nở, hiền từ, hay nhường nhịn, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, lúc nào bà cũng như sợ làm mọi người giận và bà luôn bố gắng cư xử hòa thuận với mọi người.

Catia có cảm giác mẹ em sợ không chỉ bố em mà sợ tất cả những ai có lòng tin và thậm chí tự phụ nữa. Có lúc em bực thay cho mẹ nhưng đồng thời lại thấy thương bà. Catia cố gắng củng cố cho bà có lòng tin, nhưng vô hiệu quả. Bà Daria Stepanovna sinh trưởng trong một gia đình cố nông. Sau cách mạng tháng Mười khoảng hai năm, Mikhail Phomich, lúc đó làm việc ở Peterburg đã nhiều năm, về quê chơi rồi cưới bà, và đưa bà về thành phố ở. Tuổi thơ đau khổ, cuộc đời làm thuê ở mướn của bà đã để lại dấu vết sâu sắc trong bà, cái thành phố đồ sộ, ồn ào và xa lạ này, hình như đã làm bà hoảng sợ suốt cả đời. Catia ra đời quá muộn màng, mười năm sau khi bố mẹ cưới nhau. Hai người đã mất hết cả hi vọng có con. Bố em tất nhiên là muốn có đứa con trai, nhưng không hề vì vậy mà ông kém yêu con gái và lúc nào ông cũng cố gắng giáo dục em trở thành một con người có chí hướng, trung thực, thẳng thắn, chứ không phải là một tiểu thư nông cạn và rỗng tuếch.

- Catia, con có định ăn tối không? - Bà mẹ nhìn vào phòng hỏi.

- Không mẹ ạ, con không muốn ăn cơm.

- Ra ngồi ăn cùng với bố cho vui con ạ... Kể cho bố nghe công việc ở trường. Bố vẫn thích nghe mà. Hôm nay không biết sao bố có vẻ không vui... và cứ im lặng, không nói năng gì.

Catia hiểu ngay là bố đang nghĩ gì và cô quyết định thuyết phục bố.

- Thôi được. Con sẽ uống trà vậy. Khi có cả con lẫn bố, mẹ hỏi bố xem mấy giờ rồi nhé.

- Hỏi giờ làm gì cơ, Catia?

- Chỉ hỏi xem mấy giờ thôi. Mẹ cứ hỏi bây giờ mấy giờ rồi? Và mẹ bảo bố là đồng hồ của nhà sai.

- Nhưng để làm gì cơ chứ?

- Cần mà. Mẹ sẽ biết, để làm gì. Mẹ rót cho con một cốc trà, đặt lên bàn và hỏi, - Catia giải thích cho mẹ và theo mẹ ra bếp chỗ bố đang ăn tối.

Tất cả mọi chuyện xảy ra giống như Catia đã đoán trước. Khi mẹ rót trà cho cô và hỏi mấy giờ, Mikhail Phomich chậm rãi lôi trong túi ra chiếc đồng hồ quả quýt và nói:

- Mười hai giờ kém mười lăm phút.

- Không phải đâu. Đồng hồ bố chậm rồi bố ạ. Bây giờ chắc phải nhiều giờ hơn. - Catia nói.

Bố em rất tự hào vì chiếc đồng hồ đó của mình, chiếc đồng hồ ông được ban giám đốc nhà máy tặng.

- Nếu có chậm chăng, cũng chỉ hai phút thôi...

- Dĩ nhiên là con không muốn tranh luận với bố, nhưng...

Catia nói và giơ ngón tay trỏ ra. - Đấy, bố thấy không, trường hợp đầu tiên đấy. Giá như nhà ta có máy điện thoại, có phải bây giờ ta có thể kiểm tra ngay chiếc đồng hồ trứ danh này của bố chạy có đúng hay không.

Ông nhìn con gái. Đôi mắt em ánh lên sự tinh nghịch láu lỉnh, và em đang khó khăn lắm để giữ cho khỏi bật cười.

- Hóa ra là thế?

- Vâng, Con biết là bố nghĩ gì rồi... Nhưng bố đã nhầm bố ạ. Máy điện thoại được nghĩ ra không phải chỉ để làm chức năng liên lạc giữa các công xưởng...

- Tốt hơn là con đi ngủ đi, Catia. Muộn rồi...

Và câu chuyện về chiếc máy điện thoại cũng kết thúc ở đây.