Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 23

CON GÁI VÀ MẸ

Ania Alechxeeva đã đáp ứng được những hi vọng lớn lao của cả lớp, em đã vượt lên ngang hàng với Svetlana và là một trong những học sinh dẫn đầu lớp. Jenia, Catia và nhất là Tamara tin chắc là thế nào Ania cũng vượt Valia. Nhưng đột nhiên xảy ra một chuyện không lường trước được. Vào một buổi sáng tháng mười mưa rả rích Ania đến trường buồn bã, mặt tái nhợt hốc hác và ngay giờ hình học đầu tiên em đã bị điểm ba. Mà trước khi cho điểm cô Vaxivia Antonnovna cũng đã phải đắn đo đấy. Tất cả mọi người đều hiểu điểm ba này đã là sự rộng lượng của cô giáo đối với người học sinh có hàng loạt điểm năm trước đây.

Đến giờ sử Ania từ chối không trả lời viện lí do là ốm. Điều đó làm cho cả lớp phải lo sợ. Đến giờ nghỉ các bạn quây lấy Ania, nhưng em lấy tay bịt hai tai lại, và mặc cho các bạn hỏi em không trả lời. Jenia xua hết các bạn có tính tò mò đi, ngồi sát cạnh Ania và kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc bạn bỏ tay ra.

- Ania, có phải bạn ốm thật không - Jenia hỏi bạn với vẻ đầy thông cảm.

- Không.

- Thế thì có việc gì xảy ra thế? - Jenia vẫn tiếp tục dỗ dành bạn - Đã bảo là không có gì xảy ra cả mà lại!

Ania bực tức nói, quay mặt đi phía khác.

- Không thể học thuộc bài, chỉ có thế thôi.

Nhưng dứt khỏi Jenia đâu có phải dễ dàng. Jenia muốn biết đã có việc gì xảy ra với bạn, đâu phải vì trách nhiệm của lớp trưởng và là một trong những người “lãnh đạo” lớp. Bản chất của em là không thể thờ ơ khi có ai đó bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Và bây giờ đây em cảm thấy bạn đang có một niềm đau khổ lớn.

Em thân mật trách bạn:

- Không nhẽ bạn không tin mình à? Mình muốn giúp bạn mà, - Anesca, có gì xảy ra thế? Giấu mình làm gì...

- Đã bảo là không có gì xảy ra cả mà lại! Mình cãi nhau với mẹ mình hôm qua... chỉ có thế.

- Ôi! Ôi... Dĩ nhiên đó là việc hoàn toàn riêng tư. Nhưng điều đó chả đáng ngại! Bạn đừng buồn nhé. Ừ thì cãi nhau, rồi lại làm lành! Chắc không lâu đâu. Mình tin là như vậy. Mẹ mình vẫn thỉnh thoảng mắng mình nhưng sau đó sống với nhau lại tốt hơn.

Điểm ba về môn hình học của Ania đã làm cho Catia lo lắng nhất. Em không thể lường trước được những trường hợp như thế, nhưng Ania kiên quyết từ chối, không chịu nói chuyện với bạn về vấn đề đó nữa.

- Ừ, ba điểm thì ba điểm... Cứ cho tôi điểm một cũng được. Để cho tôi yên thân!

- Bạn điên rồi à? Thế còn bản “Lời hứa” thì sao? Bạn là đoàn viên Komsomol. Bạn đã kí tên vào đó... Bọn mình đã đặt nhiều hi vọng vào bạn! Bạn xem, Valia mở mặt mở mày kìa...

- Mặc kệ nó, - Ania thờ ơ trả lời.

Catia hiểu là tiếp tục câu chuyện cũng chỉ vô ích nên em đã quyết định hành động theo cách khác.

- Nadia, Ania có chuyện gì vậy? - Catia khẽ hỏi.

- Làm sao mà mình biết được? - Nadia giận dỗi trả lời. - Nó có nói gì với mình đâu...

- Bạn đừng có mà giấu giếm! - Catia bực mình nói - Mình hỏi bạn như một đoàn viên Komsomol, có việc gì thế?

- Đấy mình nói thật đấy, xin hứa là mình hoàn toàn không biết mà. Hình như ở nhà bạn ấy đang có điều gì đó không vui thì phải...

- Ở nhà với chả ở nhà... Rõ là không phải trên tàu điện rồi.

Nhưng có chuyện gì ở nhà cơ chứ - Bạn có chặt tôi ra thành từng mẩu - tôi cũng chỉ trả lời là không biết!

- Coi chừng đấy! Bạn chịu trách nhiệm về Ania hơn bất cứ ai đấy Bọn mình sẽ khảo bạn đấy. - Catia dọa.

- Ô hay, sao lại thế?

- Bởi vì, bạn với Ania là bạn thân. Đã là bạn thì phải chịu trách nhiệm về bạn của mình chứ, dĩ nhiên nếu đó là một người bạn thật sự. Bạn nhớ cho điều đó.

Cuối giờ nghỉ, Catia sực nhớ ra và vội vàng đến phòng giáo viên. Rõ ràng em là cánh tay phải của thầy Vaxili Vaxilievich. Catia rất yêu môn hóa học và quyết định sẽ suốt đời theo cái nghề đó.

Nhìn thấy người phụ tá của mình, thầy Vaxili Vaxilievich mỉm cười.

- Thầy Vaxili Vaxilievich ạ, em muốn - em nhìn quanh một lượt rồi khẽ đề nghị - hôm nay thầy đừng hỏi bài Ania nhé. Hôm qua bạn ấy ốm và hình như không thuộc bài.

- Thế em ấy bị làm sao? - Người thầy lo lắng hỏi. - Em bảo em ấy về nhà nghỉ đi vậy.

- Không ạ. Bạn ấy... không sao ạ... nhiệt độ bình thường...

- Được, tôi sẽ không hỏi!

Catia thấy cần phải có biện pháp gì đó nữa và muốn xin ý kiến thầy Constantin Sergheevich, nhưng trước tiên là hãy tìm hiểu xem có chuyện gì xảy ra với Ania đã. Em chưa bao giờ thấy bạn trong trạng thái như thế này cả.

Trong giờ hóa học Ania ngồi cùng bàn với Nadia. Câu chuyện vừa rồi với Catia đã làm cho Nadia đa cảm thấy lo lắng, và em hi vọng rằng Ania không giữ được nữa và sẽ kể cho em nghe nỗi đau khổ của mình trong giờ học hóa. Nhưng vô ích. Ania ngồi im như tượng đá, không hề để ý gì đến bạn, và mắt đăm đăm nhìn vào một chỗ. Nadia cố bắt chuyện với bạn và rụt rè thì thầm.

- Anesca, bạn có bị mệt không đấy?

- Im đi! - Ania nói rít qua kẽ răng. Ania Alechxeeva đang ở trạng thái đau khổ và phức tạp vô cùng.

Từ lâu em nhận thấy thời gian cuối mẹ em thường để ý đến dung nhan hơn trước rất nhiều. Bà ít kêu mệt mỏi, lúc nào cũng vui vẻ và hiền hậu chưa từng thấy. Cũng có lúc sự thay đổi đó làm Ania lo lắng, nhưng em đã yên tâm một cách nhanh chóng. Sự thay đổi đó theo chiều hướng tốt chứ không phải chiều hướng xấu.

Ông Mikhail Sergheevich làm việc ở cùng một nhà máy với mẹ Ania, thậm chí cùng một phân xưởng. Lần đầu tiên khi ông đến thăm nhà, Ania đã thấy có thiện cảm với ông. Ông kĩ sư đã làm Ania mến bởi tính tình vui vẻ và vô tư của ông, bởi giọng nói đầy sức sống, bởi những quan điểm gay gắt và thẳng thắn của ông. Em rất hài lòng vì được vui với mẹ và ông trong những buổi chiều sau khi đi học về. Ông Mikhail Sergheevich bắt đầu dạy em chơi cờ.

- Ôi chị nhìn mà xem, cái đứa bé hiểm độc này nó làm gì vậy? - Ông nói sau mỗi nước cờ cô gái vừa đi. - Có nghĩa là cô đang tìm cách đến gần con “tướng bà” của tôi đây. Có nghĩa là cô đang chuẩn bị thòng lọng đấy. Thế cờ hay thật... Phân tích! Cần phải phân tích! Phân tích sẽ cho ta biết điều gì? Nếu tôi đi con tốt thì cô sẽ cho con mã nhảy qua rồi sẽ chiếu tướng... rồi sao nữa? Ê ê... ê... Không đâu! Tiết mục đó của cô không ăn thua đâu Anesca ạ...

Trong quan hệ với ông Mikhail Xerghecvich, Ania thấy vui vẻ thoải mái và em hoàn toàn không nghi ngờ gì ông. Em rất ngây thơ nên không bao giờ, dù chỉ trong giây lát thôi, lại có thể có ý nghĩ vô lễ như “sự bội bạc đối với bố.” Ngoài ra em sống gắn bó với nhà trường và ít khi gần gũi người mẹ luôn bận bịu của mình.

Hôm qua, sau khi về nhà, Ania thấy mẹ đang ngồi ăn cơm tối với ông Mikhail Sergheevich.

- Đây rồi, địch thủ của tôi đã xuất hiện ở chân trời kia rồi! - Ông kĩ sư vui vẻ nói. - Tôi đang nóng ruột chờ đây... Ta mở cuộc chiến đấu quyết liệt chứ?

- Nhất định rồi!

- Ania, chẳng nhẽ con lại thích chơi cờ đến thế ư? - Mẹ em hỏi.

- Dĩ nhiên là thích rồi.

Cô gái ăn qua loa, rồi mang bàn cờ ra và hai bác cháu bất đầu chơi cờ. Trận đấu xảy ra đang lúc thú vị. Mikhail Sergheevich bị thua mất con “tốt” và bắt đầu suy nghĩ kĩ mỗi khi đi một nước cờ.

- Phải phân tích, phân tích... - Ông luôn miệng lặp đi lặp lại.

- À cái cô bé láu lỉnh này còn bày ra cái trò gì thế này - Và đột nhiên, ông quay lại nói với mẹ cô, - Này, em xem đây này, Olia, cô bé này đã âm mưu gì đây...

“Olia” thay vào tên gọi hằng ngày “Olga Nicolaevna” và ông chuyển sang gọi mẹ bằng “em” đã làm cho cô gái sửng sốt tưởng như chiếc đèn chùm bằng pha lê rơi xuống đầu em. Bị xúc động mạnh vì đã đoán ra quan hệ của ông kĩ sư và mẹ, em nhìn người cùng đánh cờ với mình một cách hốt hoảng và không nói lời nào, em đứng phắt dậy đi vào phòng mình. Em ngồi thật lâu, không nhúc nhích, không nhìn thấy gì và cũng không nghe thấy gì.

Đây, bố em mặc chiếc áo khoác của sĩ quan đang nhìn em từ bức ảnh chụp cuối cùng trong đời mà ông gửi về cho em trước khi chết khá lâu có đề: “Gửi con gái yêu quý của bố.” Sau đó không bao lâu người ta báo tin về “Đồng chí đã hi sinh anh dũng như một anh hùng”...

Ania yêu bố hết mức. Tất cả những gì tươi sáng nhất, quý giá nhất, dịu dàng nhất đều gắn liền với hình ảnh bố em. Em không thể quên được với cái chết của bố. Đến bây giờ trong trí tưởng tượng của em, bố vẫn sống, vẫn cười, vẫn bế em lên và cà râu vào tai em. Bố cũng gọi mẹ bằng “Olia” và “em.” Khi sự xúc động đầu tiên đó lắng xuống, Ania đi lại mấy lượt trong phòng, nhưng chợt nghe thấy tiếng nói ở cửa, em vội cởi quần áo ngoài và nằm xuống giường. Bài vở chưa làm tí nào cả. Lẽ nào em lại có thể nghĩ đến bài vở hay đến một điều gì đó khác ngoài việc nghĩ đến bố ra! Bố em hiện lên trước mắt em giống hệt như lần cuối cùng em nhìn thấy ở ga. Vẫn trong chiếc áo khoác kỉ niệm đó, với nụ cười như hối lỗi trên môi và đôi mắt buồn.

Sau khi Mikhail Sergheevich về, mẹ em vào phòng bật điện lên, dừng lại cạnh giường và dịu dàng hỏi:

- Ania, con làm sao thế? Sao con lại không chơi tiếp.

- Mẹ ơi, mẹ muốn lấy chồng à? - Ania nhổm dậy trên giường và hỏi mẹ một cách thẳng thắn và gay gắt. Đôi mắt em rực lửa căm hờn, giọng nói cương quyết.

- Sao thế con? - Bà Olga Nicolaevna ngượng nghịu hỏi. Về nguyên nhân việc con gái đùng đùng bỏ đi dĩ nhiên là bà đã đoán ra và đợi những câu hỏi con gái sẽ đặt ra, nhưng bà không ngờ con bé lại nói về việc đó với cái giọng như thế. - Ừ, thì cứ cho là như vậy. Bà không trả lời thẳng vào câu hỏi của con. - Thế con cho là mẹ đã già rồi ư?

- Mẹ phải biết rằng... điều đó sẽ không bao giờ có đâu?

- Tại sao thế?

- Tại vì đó là sự xúc phạm đến vong linh của bố? Con... con không thể chịu đựng được điều đó!

- Thế con có nghĩ đến những điều mình nói không?

- Hoặc ông ta, hoặc con! Mẹ phải nhớ lấy điều đó!

- Ani, hãy gượm đã. Con không còn bé bỏng gì nữa, nên mẹ và con có thể nói chuyện với nhau như... như hai người phụ nữ. - Olga Nicolaevna nhẹ nhàng nói, bà ghé ngồi vào giường con. - Mẹ mừng vì con bắt đầu câu chuyện đó. Hôm nay mẹ và bác Mikhail Sergheevich vừa nói chuyện xong.

- Con không muốn nghe gì hết!...

- Ania nghe lời mẹ.

- Con đã nói hết với mẹ rồi đấy. Hoặc ông ta, hoặc con!

- Sao con lại nói điều dại dột vậy? Ania con lớn rồi kia mà!

Mẹ không ngờ... Sang năm con đã là sinh viên rồi đấy...

- Mẹ ạ, con chẳng nói điều gì dại dột đâu... mẹ hiểu cho...

Ania cố nói cho có sức thuyết phục bằng một giọng lạc hẳn đi. Có cảm giác như em sắp òa lên khóc.

- Ừ được. Lúc khác ta sẽ nói chuyện với nhau nhé. Hôm nay nói chuyện với con khó quá.

- Mẹ hãy nhớ lấy, con đã báo trước cho mẹ biết rồi đấy. - Ania nói như báo trước điều dữ và quay mặt vào tường em kéo chăn trùm kín tận đầu...

Gần hết giờ học thầy Vaxili Vaxilievich đến gần bàn của Ania Alechxeeva và nói với em có vẻ thông cảm.

- Ania hình như em không được khỏe lắm phải không? Em đi gặp bác sĩ đi.

- Không ạ, thưa thầy, em vẫn khỏe ạ.

- Trông em xanh lắm, và mắt em hôm nay không giống như mọi hôm... Đi đi em, đi đi...

Đành phải vâng lời thầy vậy. Em cầm lấy sách ra khỏi phòng và về lớp. Em đi đâu bây giờ? Về nhà ư? Không! Chỉ cần nghĩ đến chuyện gặp mẹ hoặc ông Mikhail Sergheevich là tim em như thắt lại và người em cứ run lên.

Trên bệ cửa sổ của lớp, những chậu hoa kê sát vào nhau. Ở góc lớp, gần bảng, trên một chiếc ghế đẩu cây phi-cútx xòe rộng những chiếc lá to màu sẫm. Trên cửa sổ treo lủng lẳng hai chậu cây có tên gọi rất buồn cười - “Chuyện phiếm của đàn bà.” Trên tường, ngoài chân dung của Usinski ra, vừa mới treo thêm chân dung của Macarenco, Gogol, Solokhov và Puskin. Chiếc tủ bị đẩy vào sát góc tường, vì vậy mà căn phòng có cảm giác như rộng thêm ra. Bản “Lời hứa” và bảng tin “Chúng ta hãy học tập sao cho đẹp” nhắc Ania nhớ đến điểm ba vừa rồi, nhưng em vẫn thờ ơ.

Bây giờ, đối với em, mọi việc trở nên vô nghĩa. Em đã quyết định là dứt khoát sẽ không nhân nhượng mẹ.

- Hoặc ông ta, hoặc con! - Ania lặp lại. Hôm qua em thức trắng đêm, sáng nay nhịn đói đi học, để lại cho mẹ một mẩu giấy với mấy dòng chữ: “Sau giờ học con đến nhà Nadia học bài. Có thể con sẽ ngủ lại đằng ấy. Ania.”

Giờ tiếng Đức đã trôi qua một cách may mắn. Cô Marina Leopoldovna đã hai lần liếc nhìn Ania một cách ngờ vực và đến gần cuối giờ cô đến tận bàn đưa tay sờ trán cô gái xem có sốt không. Trán Ania vẫn lạnh. Giờ học cuối cùng là giờ vẽ kĩ thuật.

Cô Marpha Ignatievna gọi Nina Cosinscaia lên bảng, ra bài cho em và cô giáo bắt đầu đi lại giữa hai dãy bàn. Thỉnh thoảng cô dừng chân, nhìn qua vai học trò và khi yên tâm là em vẽ đúng, cô lại tiếp tục đi.

Ania cũng vẽ cùng với các bạn. Và lạ thay. Em vừa mới chấm bốn góc hình vuông đầu tiên nối thành các đường dài, tự nhiên ý nghĩ của em không rõ ràng những đường vẽ nhòe dần và hòa lẫn với trang vở và mặt bàn, như trước mắt em sương mù bỗng từ đâu bốc lên vậy. Đầu em nặng trịch khó chịu, tai ù lên. “Sao thế này nhỉ? Hay là mình ốm thật?” - Ania nghĩ thế. Nhưng sau đó em hiểu ngay là đêm hôm trước vì không chợp mắt nên hôm nay nó đã cho biết thế nào là thức trắng đêm. Chỉ cần ngả lưng vào thành ghế, tựa đầu vào tường, nhắm mắt lại là lập tức em sẽ chìm đắm trong giấc ngủ say sưa rồi. Đấu tranh với sự buồn ngủ mỗi lúc một khó khăn hơn. Phải làm gì mới được. Chẳng nhẽ lại ngủ gật trong giờ học sao?

- Thưa cô, cho phép em ra ngoài một lúc ạ.

- Em cứ đi.

Ania vào phòng rửa mặt, em rửa mặt bằng nước lạnh. Cơn buồn ngủ tiêu tan ngay, đầu óc trở nên sáng sủa. Nhưng em không thể quay về lớp được. Ania biết rõ rằng nếu em lại về lớp trong sự im lặng mà chỉ có tiếng kêu kín kít đều đều của phấn đang viết trên bảng và những bước đi của cô Marpha Ignatievna vang lên đều đặn thì lập tức cái ngủ sẽ quay lại và em sẽ phải khó nhọc lắm mới đấu tranh nổi.

Em chậm rãi xuống phòng gửi áo khoác. Ở đây bác Phenesca đang ngồi trên chiếc ghế dài kể chuyện gì đó cho một bác lao công khác nghe. Khi nhìn thấy Ania, hai bác im bặt.

- Em làm sao thế, Ania? - Bác Phenesca hỏi.

- Cháu quên chiếc khăn mùi xoa trong túi áo khoác. - Ania trả lời và đi về phía có những mắc áo. Tìm được áo của mình, em sờ vào túi áo rồi quay ra.

Hội trường cửa bỏ ngỏ. Để tránh khỏi phải gặp ai, Ania leo lên sân khấu, đến ngồi trên bệ cửa sổ cạnh chiếc lò sưởi hơi nước.

Tì trán vào cửa kính lạnh giá em nhìn mãi những giọt nước nối nhau rơi trước mắt và không hề nghĩ đến một điều gì. Đó là một tâm trạng kì lạ. Dần dần Ania không còn cảm giác được cả thân thể mình nữa như là toàn thân em tan ra trong không khí vậy.

Hồi chuông vang lên đưa em ra khỏi trạng thái suy nghĩ mê man đó và em trở về lớp. Trên cầu thang Nadia gặp bạn.

- Bạn còn ở đây à? - Nadia ngạc nhiên hỏi - Thế mà bọn mình tưởng bạn đã về rồi? Cặp của bạn đây này. Mình thu dọn hết sách vở cho bạn rồi.

Khi đôi bạn ra đến phố, Nadia khoác tay Ania.

- Anesca, đi về nhà mình nhé...

- Ừ thì về.

Trong số phận của đôi bạn còn cái giống nhau và chính vì thế mà họ đã chơi thân với nhau mặc dù tính tình rất khác nhau.

Họ thường hay đến nhà nhau chơi và ở lại ngủ. Bà Olga Nicolaevna không can thiệp vào việc của con gái và không quan tâm lắm đến việc Ania chơi thân với ai, thường lui tới đâu. Tuy vậy bà đối xử với Nadia rất tốt. Bà Marina Ivanovna Eropheeva - mẹ của Nadia - là một người đàn bà đẫy đà, nhưng lại rất nhanh nhẹn và quán xuyến, bà cũng ủng hộ tình bạn đó của con gái. Bà cho Nadia là một cô gái nhu nhược và cả tin, nên không ai có thể tác động đến Nadia tốt bằng Ania. Thỉnh thoảng bà vẫn đùa:

- Giá như đem hai đứa bay cho vào bột chua mà nhào cho kĩ rồi chia đôi ra, đem nướng... lúc đó sẽ có thứ bánh mì tuyệt vời.

Trước chiến tranh bà Maria Tvanovna không làm việc ở đâu cả, chỉ làm việc gia đình. Sau khi chồng bà ra mặt trận, bà đi học một lớp ngắn hạn và hiện nay làm kế toán ở cơ quan mà trước kia chồng bà vẫn công tác.

Về đến nhà, Nadia vui vẻ hẳn lên.

- Bây giờ bọn mình sẽ ăn tha hồ ngon nhé. Bạn có ăn cơm không đấy?

Hôm nay chúng ta có món canh bắp cải tươi. Thật không ngờ! Và còn món gì đó nữa... nhưng mình không biết là món gì...

Những cà mèn cơm canh được gói vào tờ báo và ủ vào đống gối nên bữa cơm vẫn còn nóng nguyên. Ania ăn canh bắp cải tươi một cách ngon lành và nghe bạn nói chuyện phiếm. Còn Nadia, thì cố gắng bằng mọi cách làm cho bạn vui. Em đã đoán biết tâm trạng của bạn không phải do sức khỏe gây nên mà vì một lí do nào đó khác.

- Nadia, bạn nghĩ thế nào về việc... Không hiểu người ta lấy chồng làm gì nhỉ? - Đột nhiên Ania hỏi bạn.

Câu hỏi đó làm cho Nadia bỗng sặc và ho lên. Ho xong, cô trố mắt nhìn bạn và hồi lâu mới có thể định tâm nghe câu trả lời.

- Bạn hỏi thật đấy chứ?

- Dĩ nhiên rồi.

- Lấy chồng để làm gì ư? - Nadia hỏi lại, - thì chắc là để sau này có gia đình, và nói chung là có chồng thì dễ sống hơn. Chồng sẽ làm ra tiền... Và sau nữa... thì, nếu thí dụ người ta yêu ai, thì lúc đó người ta lấy.

- Thế cái đó có nhất thiết không? - Ania hỏi.

- Mình cũng không biết nữa. Theo mình thì không nhất thiết, thí dụ như mình đây, mình nhất định sẽ không lấy chồng đâu, Nadia ngượng đỏ cả mặt, thổ lộ tâm tư với bạn. - Mà bạn có biết không, cũng có khi thế này... Chồng bỏ, còn mình, mình muốn làm sao với một lũ con đó thì làm. Bạn có biết là bố của Svetlana vẫn còn sống không? Ông ấy bỏ mấy anh em Svetlana từ lâu rồi, bạn có tưởng tượng được không, bỏ ba đứa con cơ đấy?... Còn ông ta thì trốn đâu mất, cũng chẳng buồn gửi tiền nuôi con nữa. Bạn có biết mẹ Svetlana cực nhọc vất vả đến mức nào không?

Nadia ngừng khoảng một phút. Nhìn thấy Ania không chú ý nghe cô mà nghĩ đâu đâu về chuyện riêng tư của mình, em vội nói theo kiểu khác.

- Dĩ nhiên, mình không tranh luận, gia đình đó là đơn vị tối thiểu của xã hội. Là tập thể đầu tiên. Như vậy nghĩa là nhà nước cần có gia đình. Bởi thế nên thể lệ về việc li hôn ngày càng khó khăn. Đến lúc đó cứ thử mà li dị xem!

Ăn xong Nadia lại gói cà mèn và ủ vào gối như cũ.

- Còn mình nghĩ rằng, nếu người phụ nữ đã yêu một người nào đó thì họ không có quyền bội bạc với người đó. - Cuối cùng thì Ania cũng đã nói. - Chẳng lẽ đó lại là một tình yêu thật sự?

Chắc là người phụ nữ lúc nào đó cũng đã hứa với người mình yêu như thế chứ gì?...

- Ai cơ?

- Người phụ nữ đó... Thế bạn có hiểu thế nào là lòng chung thủy không? - Ania hỏi, đôi mắt cô rực sáng. - Lòng chung thủy. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu mình thì thà mình chết còn hơn. Đó chẳng khác gì là phản bội tổ quốc cả!

Nadia ngạc nhiên nghe bạn nói. Em không hiểu biết những điều bạn nói, nhưng sự xúc động của bạn cũng truyền sang cho cô. Cô cũng đồng tình với bạn:

- Lòng chung thủy? Ừ, đúng đó là điều quan trọng nhất. Mình là người rất chung thủy... Có đúng thế không Ania?

Ania đưa mắt nhìn bạn, và đôi mắt cô vụt tắt. Nó có hiểu gì đâu, cô gái nghĩ - “Thật chẳng khác nào một đứa trẻ.”

Ngồi ở nhà khoảng nửa tiếng đồng hồ, hai người ra đường đi dạo. Đôi bạn đi dạo nhưng không nói chuyên gì. Ania thì như đang tập trung suy nghì gì đó, và vì vậy Nadia cũng lặng thinh và còn như buồn bã nữa. Và chỉ có một lần khi em bắt gặp cô giáo Natalia Nicolaevna khoác tay một sĩ quan không quân đi bên kia đường, em mới phấn chấn hẳn lên.

- Ôi các bạn ơi! Ania, xem kìa! Cô Natalia Nicolaevna chứ còn ai kia nữa?

- Thì đã sao nào?

- Cô đi với ai thế nhỉ?

- Với chồng cô chứ còn ai.

Cô Natalia Nicolaevna nhìn thấy hai học sinh của mình, gật đầu chào. Sau đó không biết cô nói gì với người sĩ quan không quân mà ngưòi kia nhìn các em có vẻ tò mò.

Nadia nhận xét:

- Thật cũng lạ nhỉ. Vợ là giáo viên, còn chồng là phi công!

- Có gì là lạ ở đây, - Ania cũng không hiểu nữa, nhưng em cũng không muốn hỏi lại và tranh luận với bạn.

Bà Maria Tvanovna về nhà khá muộn khi hai em đã làm xong bài vở. Ania chỉ chờ xem cơn buồn ngủ lại sẽ đến với mình, nhưng không biết tại sao điều đó lại không xảy ra và đầu óc em vẫn minh mẫn. Vừa ăn cơm, bà Maria Tvanovna vừa kể cho các cô gái nghe câu chuyện mà các em khó lòng hiểu được là bà đã kiểm tra sổ tài chính và tìm ra một lỗi rất quan trọng và nhờ đó mà đã cứu ông giám đốc khỏi bị tòa án truy tố. Theo ý bà thì kế toán - đó là mấu chốt, là động cơ của ‘‘tất cả mọi người và mọi việc.” Sau bữa ăn bà bắt tay vào việc khâu vá, còn Nadia và Ania thì dọn bàn ăn và rửa bát đĩa.

- Bác Maria Tvanovna ạ, - bỗng Ania hỏi. - Bác thử nói thật với cháu xem... bác có thể đi lấy chồng bây giờ không ạ?

- Bác à? Lấy chồng à?- Bà Maria Tvanovna ngạc nhiên hỏi lại và bỗng nhiên bà cười rũ rượi đến nỗi các cô gái nhìn bà cười cũng phải cười theo. - Ôi, cháu đã làm bác buồn cười quá... Không, nhất định mai tôi phải kể cho các bác ở cơ quan nghe mới được. Ôi cháu Anesca của bác... Nhất là nó lại hỏi tôi một cách nghiêm trang nữa chứ! Lấy chồng... Bác sắp cho con Nadia nhà bác đi lấy chồng thì có, chắc là cháu nhầm đấy thôi.

- Con không lấy chồng đâu, mẹ ạ. Mẹ không phải lo đến việc đó nữa, - Nadia giận dỗi.

- Ừ nhất định rồi! Tất cả các cô nói vậy đến một lúc nào đó thôi. Đồng hồ điểm mười giờ. Bác Maria Tvanovna thu dọn đồ khâu và vỗ vào lưng Nadia nói:

- Thôi đến giờ rồi. Mẹ đi ngủ đây. Mai bảy giờ phải đi làm rồi. Ania, cháu ở lại đây ngủ chứ?

- Cảm ơn bác, thưa bác, vâng ạ.

Chỉ khi hai cô đã thay quần áo, nằm xuống giường Ania mới kể tất cả những gì đã xảy ra ở nhà mình, em đã nói chuyện với mẹ như thế nào và đã quyết định sẽ cắt đứt quan hệ với mẹ nếu mẹ làm trái lời mình nói.

Nadia cũng khóc một hồi lâu và thuyết phục dỗ dành, van bạn mãi, đến khi em nhận ra rằng những lời thì thầm nóng hổi của em và tiếng ngáy khá to của bà Maria Tvanovna cũng không ngăn được cơn buồn ngủ của Ania đã ngủ say.