Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 24

GẶP GỠ

Ngày hôm sau Constantin Sergheevich phải trực ở tầng trên, nên anh đến trường sớm hơn thường lệ. Nadia Eropheeva đã chờ sẵn anh ở ngay cửa ra vào. Rõ ràng là em đang có điều gì lo lắng.

Vì sốt ruột quá nên Nadia luôn đổi chân, tay mân mê chiếc khăn quàng và thỉnh thoảng lại đằng hắng như chuẩn bị nói ra điều gì.

Vừa thoáng thấy bóng thầy giáo, cô gái bổ nhào về phía thầy, nhưng dừng ngay ở cửa phòng cởi áo khoác ngoài của giáo viên.

- Thầy Constantin Sergheevich ạ, em đợi thầy mãi - em rất cần gặp thầy. Có một việc rất hệ trọng... - em nói vội vàng khi thầy vừa xuất hiện.

- Có việc gì thế hở, Nadia?

Đối với một số học sinh thầy gọi bằng tên[35] ngoài giờ học điều đó làm các em rất tự hào.

[35] Theo phong cách cư xử của người Nga, thầy giáo gọi học sinh bằng tên tức là tỏ sự thân mật, trong giờ học thường gọi họ.

- Ở đây em nói điều đó không tiện lắm thầy ạ... Nadia nói.

Hai thầy trò vào thư viện. Bà trông thư viện đang làm gì đó, sau các tủ sách. Nghe tiếng cửa kẹt, bà nhìn ra nhưng thấy thầy giáo bà yên tâm và biến mất.

- Nào em nói đi, tôi nghe đây.

- Thưa thầy, em không biết trao đổi với ai, hỏi ý kiến ai xem em phải làm gì... Có một việc rất hệ trọng thầy ạ... Nhưng mà thầy đừng nói cho ai biết nhé... Đó thật là một điều không thể tưởng tượng được...

- Em bình tĩnh lại đi, Nadia. Em cứ bình tĩnh trình bày, ta sẽ cùng suy nghĩ xem nên giải quyết thế nào.

- Ania nó định tự tử thầy ạ! Ania Alechxeeva... Em phải làm gì bây giờ? Làm như vậy chẳng giống đoàn viên Komsomol tí nào, phải không thầy?

- Sao lại tự tử? Có chuyện gì xảy ra thế em?

- Đầu đuôi thế này thầy ạ... Em sẽ kể hết cho thầy nghe nhé... Ania có một người bố đã hi sinh ngoài mặt trận. Nó rất yêu bố nó. Đối với Ania bố là tất cả trên thế gian này! Thầy không biết được nó yêu bố như thế nào đâu! Em không biết nói sao để thầy hiểu...

Vì hồi hộp quá Nadia có cảm giác là em không tìm ra được những từ cần thiết để diễn đạt ý mình, là thầy giáo sẽ không hiểu hết mức độ diễn đạt ý mình, là thầy giáo sẽ không hiểu hết mức độ trầm trọng của việc này và sẽ không tin là như vậy.

- Thế có việc gì xảy ra với Ania vậy em?

Nadia tiếp tục kể:

- Thế mà bác Olga Nicolaevna - là mẹ của Ania ấy, muốn đi lấy chồng. Ania đã bảo với mẹ: “Hoặc ông ta, hoặc con.” Thầy có tưởng tượng được không a? Và nếu bác Olga Nicolaevna không nghe Ania thì nó sẽ tự tử... Em thề là như vậy. Thầy chưa biết tính nó đấy. Nó là một con bé rất biết giữ lời! Đã nói sao là làm vậy! Nó là đứa như thế đấy!...

- Vấn đề thật là phức tạp... - thầy giáo nói một cách trầm ngâm và thở dài. - Rất may là em đã nói với tôi. Thế Ania bây giờ ở đâu?

- Nó đang ngồi trong lớp ạ. Hôm nay nó cũng trấn tĩnh được phần nào rồi. Hôm qua chúng em cứ tưởng là nó ốm chứ. Nó còn bị điểm ba về môn hình học cơ đấy, thầy có tưởng tượng được không ạ?

- Em ấy nói với mẹ bao giờ?

- Tối hôm qua ạ.

- Nadia, thế này em nhé. Bây giờ em đừng lo lắng gì và vào lớp đi. Sau giờ nghỉ, em tìm tôi ở tầng ba và chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện nhé. Điều chính là không nên quá lo lắng.

- Làm sao mà không lo lắng được, thưa thầy. Giá thầy biết được Ania là người như thế nào...

- Tôi cũng biết chút ít về Ania.

Hai thầy trò rời khỏi thư viện và lên tầng trên. Các em học sinh gái ở các lứa tuổi khác nhau đang nhảy tung tăng trên các bậc thang từng đôi một. Có em bím tóc, có em lại cắt tóc ngắn, có em thì xách cặp có em lại đeo ba lô sau lưng hoặc mang túi dết. Những em nhỏ đang vội nên nhảy hai bậc thang một. Các em lớn hơn chậm rãi đặt những bước chân chắc nịch lên các phiến đá đã bị hàng nghìn chiếc đế giày chà mòn. Chiếc cầu thang rộng với hàng lan can đẹp như trải ra trước mắt, trường học dần dần náo động hẳn lên bởi giọng nói líu lô và những bước chân vội vã của các em.

Thầy Constantin Sergheevich đứng gần lan can của tầng ba - từ đó nhìn thấy rất rõ cả hành lang và cầu thang - chào lại các em.

Theo thói quen, tâm trí anh vẫn luôn nghĩ đến Ania. Đó là một trường hợp rất khó, đòi hỏi phải có sự can thiệp trực tiếp của anh...

Bà Olga Nicolaevna về nhà với trạng thái vui vẻ, hạnh phúc mà suốt thời gian gần đây mọi người luôn luôn nhận thấy ở bà. Hạnh phúc thường đến một cách bất ngờ, ít ai đoán trước được. Sau khi chồng đã hi sinh, bà thề là sẽ suốt đời ở vậy và cảm ơn số phận đã cho mình một nghề để sinh sống. Trong công tác bà tìm thấy sự an ủi và thanh thản.

Kế hoạch năm năm sau chiến tranh đòi hỏi biết bao sức lực và sự căng thẳng. Xưởng máy chuyển hướng sản xuất phục vụ cho thời bình và từ chối việc kinh doanh lấy lãi. Càng ngày nhịp độ lao động càng tăng. Năng suất lao động càng nâng cao. Công nhân chuyển sang phương pháp sản xuất hiện đại hơn nên thường xuyên đòi hỏi kĩ sư phải bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho họ. Ngoài ra phải không ngừng đấu tranh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả những vấn đề đó đã thu hút toàn bộ tâm trí bà và bà đã hết lòng vì công việc.

Nhưng dù sao thì hạnh phúc riêng tư của bà cũng đã đến. Nó đến một cách kín đáo, xuất phát từ một tình bạn thật sự, từ những vấn đề hai người cùng quan tâm. Cùng với sự mê say hình như tuổi trẻ cũng quay lại với bà.

Có tiếng chuông gọi cửa. Con gái bà có chìa khóa riêng nên chắc đây lại là khách. Đành phải đứng dậy đi mở cửa vậy.

Trước mặt bà là một người đàn ông dong dỏng cao, mặc chiếc áo măng-tô màu xám, tay chống gậy.

- Tôi có thể gặp chị Olga Nicolaevna Alechxeeva không ạ?

- Chính là tôi đây ạ.

- Tôi có thể nói chuyện với chị một lúc được không?

- Vâng, xin mời anh vào!

Constantin Sergheevich bước vào cửa và tự giới thiệu:

- Tôi là giáo viên chủ nhiệm của con gái chị đấy. Tên tôi là Constantin Sergheevich.

- Tôi rất vui mừng được gặp anh! - Olga Nicolaevna vui vẻ bắt tay anh. - Cháu Ania kể về anh rất nhiều. Mời anh vào phòng.

Không cởi áo khoác, Constantin Sergheevich theo bà Olga Nicolaevna vào phòng.

- Mời anh ngồi. Lẽ nào cháu Ania nó lại dại dột làm việc gì để anh phải đến gặp tôi?

- Chị bảo đây là phòng của Ania à? - Constantin Sergheevich hỏi thay vào câu trả lời.

- Vâng, đây là phòng của cháu. Phòng tôi sau phòng này, phía bên cạnh.

- Điều kiện học tập của em như vậy là rất tốt...

- Xin lỗi anh... - Olga Nicolaevna chợt nhớ ra vội vàng nói.

- Tôi xuống bếp một tí, bếp đang cháy dưới đó...

Nước trong ấm đã sôi những bà không pha cà phê mà vội tắt bếp rồi quay lên. Thầy giáo đứng cạnh bàn của Ania và đang chăm chú nhìn tấm ảnh trên bàn.

- Đấy là nhà tôi, bố cháu Ania. Anh ấy đã hi sinh. Tấm ảnh cuối cùng trước khi chết, - bà giải thích.

Constantin Sergheevich đặt tấm ảnh vào chỗ cũ, không biết bắt đầu câu chuyện thế nào đây. Anh biết là Olga Nicolaevna đã tốt nghiệp đại học, là kĩ sư làm việc ở nhà máy, nhưng anh không ngờ trông bà còn trẻ và đẹp đến thế. Hơn nữa, câu chuyện mà anh sắp nói không được vui vẻ cho lắm, và anh rất tiếc là phải làm cho người đàn bà chắc là đang hạnh phúc kia sẽ phải đau khổ.

- Tôi muốn đến gặp chị để biết rõ một vài việc - anh ngập ngừng bắt đầu câu chuyện. - Con gái chị tính tình hơi độc đáo...

- Đúng thế! Tôi ngạc nhiên thật, không biết cháu nó giống ai? - Olga Nicolaevna nhanh nhẹn trả lời. - Chẳng giống tôi mà cũng chẳng giống bố cháu tí nào.

- Cũng có thể... Vấn đề là ở chỗ trong hai ngày gần đây Ania học sút hẳn đi. Có thể chị biết rằng lớp của em đã hứa là sẽ kết thúc phổ thông một cách xuất sắc, và cần phải nói rằng con gái chị là một trong những em dẫn đầu...

Nghe những lời đó, Olga Nicolaevna liền chú ý ngay. Trong tâm trí bà lại hiện lên cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con vào tối hôm kia về chuyện bà sắp đi lấy chồng. “Lẽ nào điều đó lại ảnh hưởng đến con bé nhiều thế ư?” - Bà nghĩ thế, nhưng gạt ngay ý nghĩ đó sang một bên.

- Chúng tôi là những giáo viên và nói chung là nhà trường, - anh tiếp tục nói một cách chậm rãi, chọn từng từ cần thiết - trong công tác của mình thường hay phụ thuộc vào gia đình học sinh.

Thường phải tìm nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả học tập hoặc một tâm trạng đặc biệt nào đó của các em chính ở trong gia đình các em.

- Tôi hiểu anh, nhưng giải thích nguyên nhân vì sao Ania trở nên lười nhác thì tôi chịu. Điều đó thật không giống nó một tí nào.

- Vâng. Tôi có cảm giác như em đang đau khổ vì một điều gì đó... thần kinh bị chấn động... Và chính vì vậy mà tôi đến chị để tìm hiểu xem vì sao...

Olga Nicolaevna đứng dậy và đến gần cửa sổ. Bà lặng lẽ nhìn cây phong lớn đơn độc mọc trong sân nhà. Bây giờ thì bà khẳng định là tâm trạng “thần kinh bị chấn động” của Ania mà thầy giáo nhận xét đúng là do cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con gây nên.

Không thể có một lí do nào khác. Chỉ tại vì bà không biết truyền lại cho con gái một phần rất nhỏ của tình cảm mà mình ấp ủ, không biết lựa lời nói cho con nghe những điều đã xảy ra. “Thế nghĩa là thế nào? - Bà nghĩ - Lí nào Ania không hiểu nổi những vấn đề bình thường như vậy trong cuộc sống? Hay con bé sợ có bố dượng? Sợ rồi đây mình sẽ không yêu nó nữa?”

Constantin Sergheevich kiên nhẫn chờ đợi. Anh nhìn thấy người mẹ đang lo lắng, đang lưỡng lự và ngượng ngùng, không muốn nói đến những việc có tính chất riêng tư như vậy.

- Chị Olga Nicolaevna, việc giáo dục đòi hỏi sự chân thành, cởi mở, - anh thận trọng nói, - nếu vì một lí do nào đó mà không tiện hoặc chị ngại nói ra việc đó thì chị cứ nói thẳng...

- Tôi hiểu, - bà tán thành và bước ra giữa phòng.

- Được chúng ta sẽ nói chuyện cởi mở với nhau vậy. Tôi thấy anh cũng biết hết rồi.

- Tôi có biết, nhưng rất ít. Từ một người khác.

- Anh chưa nói chuyện với Ania chứ?

- Chưa. Nói với em ấy bây giờ cũng vô ích, chị ạ.

- Không biết sao bây giờ mà con bé vẫn chưa về? - Olga Nicolaevna bỗng lo lắng. - Cả hôm qua cháu cùng không ngủ ở nhà...

- Bây giờ em đang ở nhà bạn.

- Có phải ở đằng cháu Nadia Eropheeva không anh?

- Đúng thế.

Olga Nicolaevna đi đi lại - lại trong phòng, luôn ngẩng đầu lên, tay sửa mái tóc. Bà cảm thấy khó chịu và khổ tâm khi phải nói với một người xa lạ về quan hệ giữa mình bà con gái, về tình cảm của mình.

- Tôi nghĩ chắc là vì thế này... Con bé nó giận tôi đấy. Tối hôm kia, tôi và cháu giận nhau. Tôi cứ tưởng là cháu nó đã lớn rồi, đọc nhiều sách và... có ngờ đâu nó vẫn còn trẻ con quá. Nó cấm tôi không cho đi lấy chồng, anh ạ. Ai lại thế bao giờ cơ chứ?

Olga Nicolaevna chờ đợi và nghĩ rằng sau khi nghe chuyện đó thế nào người thầy giáo cũng mỉm cười một cách độ lượng nhưng anh vẫn nghiêm nghị như cũ Chị Olga Nicolaevna ạ. - Anh cố gắng nói thật nhẹ nhàng.

Tôi không định ám chỉ chị, nhưng nói chung các bà mẹ vì quá bận rộn thường không để ý đến lứa tuổi có nhiều biến đổi của các em và thế là họ rơi vào tình trạng hiểu sai con cái mình. Họ quen cho rằng chúng hãy còn nhỏ... và chính các em lại phải tự mình giải quyết lấy những vấn đề quá phức tạp của cuộc sống. Những bậc cha mẹ quên rằng, tuổi trẻ nhìn đời bằng con mắt khác với họ. Xin lỗi chị, có thể là tôi nói không được rõ lắm.

- Không! Không! Tôi hiểu anh, anh Constantin Semionovich ạ. - Chị vội vàng nói và gọi nhầm tên thầy giáo. Những vấn đề giáo dục thật là phức tạp... Tôi không hiểu tại sao Ania lại có phản ứng gay gắt như vậy đối với việc... việc thay đổi trong gia đình chúng tôi. Có thể cháu nó ghen... sợ tôi không yêu nó...

- Thế em đã nói gì với chị? - Thầy giáo hỏi.

- Cháu bảo việc tôi đi lấy chồng làm xúc phạm đến vong linh của bố cháu. - Olga Nicolaevna thú nhận và đưa tay chỉ vào tấm ảnh trên bàn. - Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là cái cớ. Thực ra ở đây có một nguyên nhân khác kia.

- Thế mà tôi chắc chắn đó chính là nguyên nhân. Và chỉ có nguyên nhân đó thôi - là bố em.

- Anh cho là thế à? - Bà hỏi với vẻ không tin và cảnh giác.

- Tôi tin chắc là như vậy!

- Nhưng đó là một điều kì lạ thật.

Thầy giáo cắt ngang lời bà:

- Kì lạ đối với chúng ta - những người đã có tuổi để suy xét. Chị đừng lo... Tôi sẽ không thuyết phục chị ở vậy nuôi con đâu... Ngược lại, tôi rất chân thành mong muốn chị có hạnh phúc, nhưng chị cũng nên bàn bạc với con gái chị thêm. Ania là một cô gái có nghị lực và cương quyết... Anh nói đúng... Nhưng cháu nó có thể làm điều gì? Chị Olga Nicolaevna ạ, em ấy có nói với chị câu này: “Hoặc là ông ta, hoặc là con” không?

- Vâng, có. Đúng là như thế. Chính cháu nó tuyên bố như vậy đấy: “Hoặc là ông ấy, hoặc là con!” Sao anh lại biết điều đó?

- Từ một người khác chị ạ. - Thầy giáo nhắc lại. - Thế chị có nghĩ là sau câu nói đó có sự đe dọa nào không?

- Có lẽ là lúc đang bực tức thì cháu bỏ nhà đi. - Bà nói với nụ cười buồn bã - Thường trẻ con vẫn nghĩ là bỏ nhà ra đi để trừng phạt bố mẹ mà lại.

- Tôi lo rằng, con gái chị có thể làm một điều gì đáng sợ hơn thế...

Bà Olga Nicolaevna tái mặt đi. Sau đó trên mặt bà hiện lên những chấm đỏ, đôi mắt mở to.

- Anh ngụ ý điều gì vậy?

- Tôi muốn nói là em ấy có thể làm bất cứ điều gì chợt nảy ra trong đầu em, nhất là khi em đang ở tâm trạng bị kích động mạnh như vậy.

- Không, không... Nếu như vậy thì đáng sợ quá không bao giờ tôi có thể tha thứ cho mình điều đó. Tôi chả cần niềm hạnh phúc nào cả... - bà vừa nói vừa bước nhanh trong phòng. - Anh làm tôi lo quá! Trời ơi!

- Tôi không muốn làm chị lo lắng thế đâu, chị Olga Nicolaevna ạ. Ania đủ trí thông minh để không làm một điều gì quá dại dột đâu, nhưng tôi muốn làm cho chị hiểu rằng, cần phải tính đến cá tính của con gái chị và không thể không nghĩ đến tình cảm thiêng liêng của em đối với người bố đã hi sinh.

- Vâng... Nhất định là như vậy... Nhất định là như thế. - Bà nhắc đi nhắc lại thế và tiếp tục đi lại trong phòng. - Nhưng tôi cần phải làm gì bây giờ? Tôi hoàn toàn bất lực. Anh hãy góp ý cho tôi với, anh Constantin Sergheevich... Anh là nhà sư phạm, là thầy giáo. Anh hãy dạy bảo cả tôi nữa là phải xử sự như thế nào cho phải.

- Tôi có thể góp được ý kiến gì với chị? Tôi không được rõ quan hệ giữa chị và con gái chị ra sao... Điều đó rất phức tạp và cần thận trọng, chị ạ.

- Anh có uy tín đối với cháu. Nó tin anh.

- Nói chuyện với em thì tôi có thể làm được và cũng rất muốn làm điều đó, nhưng, chị thử nghĩ xem, em ấy sẽ nghĩ gì về những lời nói đó của tôi. Tôi là người ngoài, người xa lạ...

- Không phải thế! Anh không phải là người ngoài và không phải là người xa lạ. Anh là thầy giáo.

- Chị Olga Nicolaevna này, chị nghe tôi nhé: “Thời gian là người chánh án công minh nhất, còn sự kiên nhẫn chịu đựng là người thầy tốt nhất.” Có lẽ đó là điều duy nhất tôi có thể và có quyền khuyên chị.

- Vâng, vâng... Cần phải biết chờ đợi. Tôi rất cảm ơn anh.

Nghĩ lại thấy thật đáng sợ, nhỡ có điều gì xảy ra thì chết mất...

- Tôi phải về đây, - người thầy nói và đứng dậy. Hai người bước ra khỏi phòng. Olga Nicolaevna bật điện sáng ở hành lang, với nụ cười ấm áp chị mở của cho thầy giáo, vẻ mặt như người có lỗi.