Tuổi Mười Bảy - Phần I - Chương 25

QUYẾT ĐỊNH

Ba ngày trôi qua, Ania không nói năng gì, mặt đăm chiêu, nhưng học tốt. Em sửa được điểm ba hình học, được điểm năm về sử. Thế là “bộ ba lãnh đạo” yên tâm. Các em học sinh lớp 10 biết là Ania có điều gì đó không vui nhưng không túm vào hỏi bạn. Ai mà chả có lúc có chuyện này chuyện khác! Nếu tự Ania hỏi ý kiến và không cần các bạn thông cảm, thì không nên tò mò hỏi lại.

Và chỉ có riêng Nadia Erefeeva vẫn tiếp tục lo lắng cho bạn. Em là người duy nhất biết tấn bi kịch của bạn biết sự quyết định của Ania và lo lắng chờ sự bất hạnh sẽ giáng xuống đầu. Điều đáng sợ nhất là Nadia phải lặng thinh. Giữ điều bí mật như vậy thật là nặng nề. Chỉ có Constantin Sergheevich, người duy nhất em tin tưởng kể cho nghe chuyện đó và nhờ vậy mà thấy thanh thản phần nào, nhưng thầy lúc nào cũng bận. Và mãi đến hôm sau, khi nói chuyện với thầy lúc đi ngang qua mặt em thầy nói khẽ: “Nadia, em đừng lo lắng nhé, tất cả rồi sẽ tốt đẹp.” Chỉ có thế thôi! Thầy tưởng thế là đã làm em yên lòng.

Hằng ngày, sáng nào Nadia cũng sợ hãi đến đón bạn cùng đi học, thấy bạn vẫn sống, không bị làm sao cả thế là em dần dần yên tâm. Hầu hết thời gian trong ngày, đôi bạn ở bên nhau nhưng cứ hễ chia tay là em lại thấy bắt đầu lo lắng cho bạn. Lúc nào em cũng chập chờn thấy những điều đáng sợ xảy ra và em không sao yên lòng được.

Những ngày này Ania tránh gặp mẹ và nếu như mẹ em ngỏ ý muốn nói chuyện với em, thì em giả vờ đang bận hoặc đang mệt.

Vào thứ Bảy, sau giờ nghỉ, thầy Constantin Sergheevich tìm Ania và dặn em nán lại sau giờ học một chút.

Khi tầng trên đã vắng tanh, ở tầng một và tầng hai những lớp học buổi chiều đã bắt đầu học, thầy Constantin Sergheevich vào lớp với chiếc cặp căng phồng sách vở. Ania và Nadia đợi thầy ở đấy.

- Thưa thầy, em cũng ở lại có được không ạ? - Nadia xin phép thầy. - Em và Ania muốn về cùng với nhau...

- Không sao, em ở lại cũng được, có điều là em chả có việc gì làm cả.

- Em ngồi đợi vậy ạ.

Thầy lấy ra mấy tờ giấy, có một tờ viết chi chít.

- Ania, tôi muốn nhờ em chép hộ tôi bản kế hoạch công tác của tháng mười một. - thầy giáo nói. - Chữ em đẹp. Em chép cho tôi làm hai bản. Em giúp tôi tí nhé?

- Vâng ạ.

Ania ngồi vào bàn, lấy thước kẻ và bút ra và bắt đầu đọc bản kế hoạch. Em thích được thầy giao việc cho và phấn khởi khi thấy thầy Constantin Sergheevich không về mà cũng ngồi xuống gần cửa sổ làm việc.

- Thế nào, có đọc được hết không? - Nadia thì thầm hỏi bạn.

- Được, ngồi yên đấy. Lấy sách ra mà đọc vậy.

- Mình sẽ học bài hóa.

Trong lớp yên lặng một lúc. Nadia ngồi với quyển giáo khoa đang mở làm như đang học bài. Ania kẻ ô tờ giấy và chép lại bản kế hoạch, còn thầy Constantin Sergheevich thì chấm luận của lớp 8. Bỗng nhiên anh nói, giọng trầm tư:

- Hôm nay là ngày đáng ghi nhớ của tôi... Sáu năm trước đây, cũng vào ngày này, lần đầu tiên tôi tham gia chiến đấu.

- Thưa thầy, có đáng sợ lắm không ạ? - Nadia hỏi.

- Sợ à?... Không phải từ đó em ạ. Trước khi ra trận trong lòng cảm thấy rất hồi hộp, trong khi chiến đấu tôi cũng không biết nữa.

Không biết lúc đó tôi có cảm giác gì? - Thầy tự hỏi và cũng tự trả lời ngay. - Nhiều cảm xúc lắm, nhưng không có cảm giác sợ hãi, khi mà thần kinh bị tập trung cao độ thì thường không có chỗ dành cho sự sợ hãi nữa. Tôi cho rằng, sự sợ hãi thường có do tưởng tượng, chờ đợi... Lúc đó các em ở trong lòng thành phố Leningrad này còn đáng sợ hơn nhiều.

- Ôi, không phải thế đâu thầy Constantin Sergheevich ạ! - Nadia nói một cách vô tư. - Chúng em ở đây đã quen rồi... Còn không để ý đến tiếng súng nổ là đằng khác!

- Bạn không để ý đến tiếng súng nổ ấy à? - Ania hỏi bạn một cách giễu cợt.

- Chứ sao? Mình và mẹ mình tối còn không xuống hầm trú ẩn chứ. Mẹ em bảo, đằng nào cũng chẳng trốn thoát được. Muốn ra sao thì ra! Chỉ có lúc còi báo động rú lên thì... ối! Thật là kinh khủng! Mãi đến bây giờ em vẫn còn kinh hãi khi nghe còi rú. Nó rú lên một cách khó chịu lắm, thầy Constantin Sergheevich ạ. Chắc thầy không tưởng tượng được đâu. Còn kinh hơn bất cứ môt quả bom nào.

- Bố em cũng đã hi sinh ở chiến trường à? - Thầy giáo hỏi.

- Vâng ạ, - Nadia trả lời một cách buồn bã và thở dài. - Bố em hi sinh ngay trong những ngày đầu chiến tranh cơ, ở đội dân quân ạ.

- Bố em chiến đấu ở chiến trường nào? - Thầy giáo hỏi Ania.

- Ở chiến trường miền Trung. Bố em ở đơn vị kĩ sư dò mìn. Em nói có đúng không ạ?

- Đúng. Có đơn vị như thế.

Khoảng ba phút trôi qua im lặng. Tiếng ngòi bút của Ania vẫn đều đều đưa trên giấy không ngừng. Thầy giáo phá tan sự yên lặng:

- Trong cuộc chiến tranh vừa qua, nhân dân đã chịu đựng biết bao nhiêu đau khổ và nếu như kí ức có thể ghi nhận tất cả sự đau khổ đó thì cuộc sống tưởng chừng như đã tắt. Mẹ mất con, con mất bố, vợ mất chồng, chồng mất vợ con, em mất anh... Các em thử tưởng tượng xem, giả sử đến bây giờ người ta vẫn nhớ nỗi đau khổ của mình một cách nhức nhối như những ngày đầu... Thí dụ như em đã mất bố. Hãy nhớ lại xem ngày đầu tiên em đã khổ như thế nào! Tôi hoàn toàn tin rằng em sẽ nhớ bố mãi cho đến chết, nhưng điều đó không cản trở em học tập, sung sướng, vui cười... vì trước mắt em là một tương lai rộng lớn. Cuộc sống đã dành lấy phần thắng, nó đã thắng nỗi đau buồn. Và không thể khác được, vì đây là quy luật mà không ai và không bao giờ có thể thay đổi được.

- Thưa thầy, thầy nói với em những điều đó làm gì thế ạ? - Ania ngạc nhiên hỏi thầy.

- Bởi vì tôi biết em yêu người bố đã hi sinh của em đến mức nào...

- Vâng, em rất yêu bố em. - Cô gái nói và thở dài. - Thầy Constantin Sergheevich ạ, giá như thầy biết bố em là con người tuyệt diệu như thế nào! Thầy có thích đi săn và nói chung là có yêu thiên nhiên không ạ? - Bất thình lình cô gái hỏi.

- Thiên nhiên thì tôi yêu, còn đi săn thì không. Tôi chỉ thích câu cá thôi.

- Bố em cũng là một người thợ săn tồi, nhưng ông rất thích lang thang trong rừng, thầy ạ. Một hôm bố kể cho em nghe là bố đã đi trong rừng và hát thật to... và dĩ nhiên là đã đuổi chim bay đi hết.

Khi nói đến bố, Ania phấn chấn hẳn lên. Hai má em ửng đỏ, mắt sáng long lanh và cả người em như vụt lớn.

- Có một lần bố em mang về hai con gà rừng. Bố em kể rất hấp dẫn, ông đã nhìn thấy chúng như thế nào, đã rón rén đến gần chúng... Và đúng lúc ấy mẹ em từ dưới bếp lên bảo: “Không biết sao trong những cánh rừng Xô viết của chúng ta những con gà rừng này nó sống có văn hóa đến thế! “Còn mua cả báo đọc cơ đấy” - “Sao lại thế?” - “Vì trong bụng chúng có những những mẩu giấy báo!” Hóa ra là bố em mua chúng ở cửa hiệu... thế là cả nhà được một mẻ cười, thầy Constantin Sergheevich ạ!

Câu chuyện vừa kể đã làm cho mấy thầy trò trở nên vui vẻ và thân mật hơn.

- Thầy Constantin Sergheevich ạ, còn ở nhà em cũng có chuyện, - Nadia vui vẻ góp chuyện, - thầy có biết không, cũng buồn cười lắm! Lúc đó em còn bé tí. Mẹ em kể lại cho em đấy.

Em cũng không biết là việc xảy ra vào năm nào nữa. Người ta chở từ đâu về không biết rất nhiều dứa và bán ở các cửa hiệu, mà mẹ em thì chưa lần nào được nhìn thấy dứa. Bố em mua một quả dứa mang về nhà và vội đi họp. Lúc đó mẹ em không có ở nhà. Khi về mẹ em thấy quả dứa bèn đem trồng. Thầy có tưởng tượng được không, bà trồng vào một cái chậu cũ trước để trồng hoa, lấp đất lại và tưới nước hẳn hoi. Thế có buồn cười không?

- Buồn cười thật, - thầy giáo mỉm cười. Ania không nghe câu chuyện đó em đã biết rồi. Em cau mày, nắn nót chép lại bản kế hoạch và đăm chiêu suy nghĩ về một điều gì đó, thỉnh thoảng ngước nhìn thầy giáo. Cuối cùng em quyết định:

- Thưa thầy, đã có lúc thầy bảo thầy vẫn đợi ở chúng em những câu hỏi... phải không ạ?

- Đúng thế. Đúng là tôi có bảo thế.

- Thế bây giờ em muốn hỏi thầy một việc... Người đàn bà cần phải làm gì sau khi người chồng yêu quý của mình đã chết? - Ania hỏi thầy giáo với bản tính thẳng thắn của cô.

Đó là câu hỏi mà thầy đã chờ đợi từ lâu, dù nó có được đặt ra dưới hình thức nào đi nữa và chính vì nó mà hôm nay anh đã nán lại và gợi chuyện để các em nói. Nhưng anh giả vờ không hiểu câu hỏi.

- Tôi xin lỗi, tôi không hoàn toàn hiểu em? Người đàn bà cần phải làm gì...

- Sau khi người chồng yêu quý của mình đã chết? - Ania nhắc lại - Cứ cho là đã hi sinh ở chiến trường chẳng hạn...

- Như bố em ấy à?

- Vâng... Thế người vợ cần phải làm gì ạ?

Constantin Sergheevich nghĩ một lúc, nhìn các cô học sinh nói một cách nghiêm nghị:

- Tôi cho rằng, tốt nhất là bà ta cũng chết theo chồng.

- Thầy nói đùa ạ?

- Tôi đùa đấy, - thầy giáo mỉm cười nói. - Nhưng em hỏi tôi với một giọng mà tôi không thể tìm câu trả lời nào thích hợp hơn. Vẫn có những dân tộc người ta chôn sống người vợ cùng với chồng. Họ cho rằng người phụ nữ là một sở hữu thuộc về người chồng. Và sau khi người chồng đã chết thì người phụ nữ không còn có việc gì để làm nữa trên thế gian này.

Nadia tròn xoe hai mắt và nín thở. Cô hiểu được thầy giáo định nói gì, nhưng đùa như thế có thể xúc phạm đến Ania.

- Thưa thầy, thế người đàn bà đó có thể đi lấy chồng nữa không ạ? - Ania hỏi.

- Nếu bà ta đã quá già rồi thì cũng chả nên.

- Thầy Constantin Sergheevich, thầy cứ đùa mãi, mà em thì hỏi thật thầy đấy.

- Thì chính chúng ta vừa nói xong đấy thôi. Nếu người phụ nữ đó còn sống, còn khỏe mạnh mà không quá già nua - thì cuộc sống sẽ chiến thắng.

- Nhưng như thế có nghĩa là không tôn trọng vong linh của bố, tức là của người chồng bà!

- Sao lại thế? Người đàn bà đó vẫn có thể nâng niu những kỉ niệm êm đẹp về người chồng của mình suốt đời, nhưng nếu bà còn trẻ và bà yêu một người khác...

- Không... Em không đồng ý với thầy. Không thể yêu hai lần được!

- Tôi cho rằng, em nhầm lẫn đó! Bằng một tình yêu đầy nhựa sống chỉ có thể yêu một người còn sống mà thôi. Người đã chết không cần tình yêu đó. Hồi tôi nằm ở quân y viện và thấy mình khó lòng sống nổi, tôi đã viết cho vợ tôi một bức thư dặn rằng, nếu cô ấy ở lại một mình, không có tôi, thì hãy... Tôi dặn dò cô ấy nhiều điều lắm và cả việc cần phải lấy chồng nữa.

- Thế cô ấy nghĩ sao ạ? - Nadia vội hỏi.

- Cô ấy có đọc thư của tôi đâu. Tôi viết thư như viết một bản di chúc sợ nhỡ tôi không sống được, nên khi bệnh giảm bớt, tôi đã đốt bức thư đó.

Ania nghe thầy giáo kể một cách chăm chú và căng thẳng... Thời gian còn lại em lặng thinh làm việc, nhưng nhìn nét mặt em, Constantin Sergheevich biết rằng, cuộc nói chuyện hôm nay không phải là vô ích.

Kết quả đúng như vậy. Sự quyết định đã tự nó đến và Ania tức quá là sao em lại không nghĩ ra điều đó trước kia. Chép xong, em chia tay với thầy giáo, cùng Nadia xuống dưới nhà mặc áo khoác.

- Bạn đến nhà mình nhé. Bạn giúp mình một tay, - cô vừa mặc áo vừa nói với bạn.

- Làm gì cơ?

Vừa ra khỏi trường Ania liền nói lên suy nghĩ của mình với bạn:

- Mình không hoàn toàn tán thành với thầy Constantin Sergheevich. Bạn biết mình nghĩ gì không? Bố mình - đấy là bố của mình. Mình phải yêu bố, dù ông có là người như thế nào đi nữa. Điều đó là như vậy? Thế ông là gì đối với bà ấy? Chẳng là gì cả! Là một người ngoài. Họ làm quen với nhau, khi bà ấy đã tốt nghiệp trường phổ thông. Còn trước đó? Thậm chí họ còn không biết nhau nữa cơ. Rồi họ đã đăng kí kết hôn? Thế rồi sao nữa? Họ cũng có thể li hôn và lại là những người xa lạ. Và cuối cùng, có thể họ không bao giờ gặp nhau trong đời nữa và thậm chí không biết tí gì về nhau cả...

Nadia hiểu một cách lơ mơ những điều Ania nói. Em hiểu từ “bà ấy,” Ania dùng để ám chỉ bà Olga Nicolaevna, nhưng tại sao bà ấy lại trở thành người xa lạ đối với chồng bà thì Nadia không hiểu hết.

Ania lại tiếp tục:

- Cứ cho là như thế! - Bà ấy định li dị với bố và lấy người khác. Kệ bà ấy! Mình không có quyền ra lệnh, nếu bà ấy không thấy quý trọng vong linh của bố. Nhưng đối với mình thì bố bao giờ cũng vẫn là bố. Mình chỉ có một người bố thôi người yêu quý nhất... Bạn có hiểu không, Nadia? Mình không biết giảng cho bạn hiểu được! - Em bực mình nói khi nhìn thấy đôi mắt tròn xoe của bạn. - Thôi, thí dụ như ông nào đi đằng kia kìa. Bên kia đường ấy thấy chưa? Người có râu ấy. Đối với bạn, ông ấy là gì? Chả là gì cả! Bạn đi với ông ta đến phòng đăng kí kết hôn và đăng kí thế là ông ấy thành chồng bạn. Hiểu không? Lại không hiểu gì à? Thôi thế thì im đi cho được việc.

Về đến nhà Ania cùng bạn bắt tay vào việc. Trong phòng mẹ em có nhiều đồ đạc của bố. Trước tiên là Ania mở tủ lấy một bộ com-lê của bố mang sang phòng em và treo vào tủ. Em chọn lấy những quần áo lót, những đồ đạc của bố đến cả những chiếc mùi xoa mang về phòng mình. Sau đó thì chọn sách. Nadia giúp đỡ bạn một cách chân thành. Bây giờ em mới hiểu là Ania cho rằng chỉ có nó là người thừa kế duy nhất của bố nó. Và muốn tách khỏi bác Olga Nicolaevna.

Khi mọi việc đó được xem xét kĩ và chuyển sang phòng mình, Ania để ý đến bức tranh to trong một chiếc khung mạ vàng treo trên giường mẹ.

- Hồi còn sống bố rất thích bức tranh này. Nadia ơi, bạn giúp một tay nào.

Hai cô leo lên giường và khó khăn lắm mới hạ được bức tranh xuống.

- Bây giờ thì hết rồi đấy, - Ania thở dài nhẹ nhõm.

Đi làm về, bà Olga Nicolaevna nhìn thấy sự lộn xộn trong phòng, bà sợ quá. Bà nghĩ ngay là có kẻ trộm. Nhưng khi nghe thấy tiếng nói chuyện của hai cô gái ở phòng bên, bà vội chạy sang.

Trong phòng con gái cũng bừa bãi như vậy, đồ đạc chuyển từ phòng bà sang vứt ngổn ngang. Hai cô gái đang đứng trên ghế treo bức tranh.

- Ania, thế nghĩa là thế nào?

Cô con gái đặt bức tranh xuống một cách chậm rãi, nhảy xuống ghế phủi bụi ở người và trịnh trọng nói:

- Mẹ ơi, sang đây con bảo.

Hai mẹ con sang phòng Olga Nicolaevna.

- Mẹ ạ! - Ania lạnh lùng nói - Nếu đối với mẹ vong linh của bố không đáng quý, thì mẹ có thể tự do. Mẹ muốn lấy chồng hoặc làm gì thì tùy mẹ. Nhưng con không cho phép một người ngoài nào động chạm đến đồ đạc của bố con. Chỉ có thế thôi.

Bây giờ bà Olga Nicolaevna mới hiểu lí do tại sao, bà cảm thấy mệt mỏi quá chừng và ngồi phịch xuống ghế. Bà nhìn con gái hồi lâu với một nụ cười buồn bã trên môi, tựa hồ như đã từ lâu bà không thấy con vậy.

- Ania! Ôi sao con tôi còn bé dại thế này? - Bà trách yêu con gái.

- Mẹ ơi! Con sẽ không cãi mẹ nữa, - Ania trả lời. - Mẹ có thể cho con là ngu ngốc, nhưng con đã nghĩ kĩ rồi và đã quyết định.

- Nào mẹ có phản đối gì con đâu... Mẹ rất sung sướng thấy con yêu bố con. Và bố con rất xứng đáng được con yêu như vậy...

- Cứ cho là con ngu ngốc đi nữa theo ý mẹ. - Ania cắt ngang lời bà Olga Nicolaevna, - nhưng con nghĩ thế... Người đàn bà có thể có người chồng thứ hai, hoặc thậm chí cả thứ ba nữa, chứ con chỉ có một người bố thôi, không thể có người bố thứ hai được!

- Mẹ hiểu con, Ania ạ. Nhưng người mẹ thứ hai con cũng không thể có cơ mà.

- Vâng! Dĩ nhiên là thế!

- Tốt lắm! - Olga Nicolaevna nói một cách vui vẻ. - Thế là mẹ con mình đã thỏa thuận với nhau rồi nhé. Thấy chưa, tình hình không đến nỗi bế tắc như lúc đầu nữa. Chỉ cần suy nghĩ một tí và không nên nóng vội. Mikhail Sergheevich đối với con rất tốt nhưng bác ấy có định làm bố con đâu. Con đã mười bảy tuổi còn gì. Bác chỉ muốn trở thành bạn con thôi...

- Mẹ ạ! Bác Mikhail Sergheevich thì dính dáng gì đến đây!

- Ania ngắt lời mẹ. - Con không có ý định nói chuyện này với bác ấy. Bác ấy đối với con chẳng là gì cả! Chỉ là một người quen. Nếu mẹ có lấy bác ấy đi nữa thì bác ấy cũng không có quyền...

- Thì dĩ nhiên rồi... Nhưng mẹ thấy con vẫn đối tốt với bác ấy đấy chứ, hai bác cháu còn đánh cờ vui vẻ với nhau kia mà...

- Mẹ! Sao lại có thể nói chuyện đánh cờ ở đây được! - Ania bàng hoàng nói và em nhún vai, ra khỏi phòng.