Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 02

Ở NHÀ

Olia mặc áo choàng lông, đầu đội chiếc mũ len, hai má đỏ ửng vì lạnh, xuất hiện ở cửa.

- Nào đi dạo chơi đã thỏa thích chưa con? - Constatin Sergheevich xoay người trong chiếc ghế bành, hỏi con gái.

- Bố ơi, con có đi dạo đâu. Con ở ngoài vườn chứ.

- Thế con làm gì ngoài đấy nào?

Con bé chưa kịp trả lời thì bà nó đã nói đỡ:

- Olia, cháu bảo bố thế này nhé: Con đi chơi với các bạn gái...

- Mẹ ạ, đừng làm thế, - Constantin Sergheevich nhăn nhó tỏ vẻ không hài lòng, ngắt lời mẹ vợ - Cháu nó tự nói lấy được mà!

- Thì đã sao nào? - Bà Aria Timopheevna giận dỗi. - Nào tôi có nói điều gì xấu cơ chứ...

- Không nên trả lời thay cho cháu. Nếu cứ làm như vậy mãi cuối cùng ta sẽ giết chết tính tự lập của đứa trẻ mẹ ạ.

- Đừng vẽ vời nữa? Tôi chả giết chết cái gì cả... Còn nếu như cháu bé nó chưa biết tự nói lấy thì...

- Cháu nó biết đấy. Nó biết tất cả. Nó là con bé lớn thế kia cơ mà.

- Xin các người đi! Các người đã trở thành những người có học thức quá đấy. Bà cụ làu bàu và bỏ đi cởi áo khoác cho đứa cháu nhỏ.

Trong thời gian cuối giữa bố mẹ và bà ngoại có cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Bà nhất định không tán thành việc phải dạy cho đứa trẻ tự lực trong tất cả mọi việc ngay từ bây giờ.

Bà cởi quần áo, mặc quần áo cho cháu, bón cơm cho cháu bằng thìa, can thiệp vào các trò chơi của nó và sẵn sàng gói nó vào tã bông giấu kín vào một nơi nào đó để tránh những việc kinh khủng có thể xảy ra với nó. Khắp mọi nơi bà luôn luôn tưởng tượng ra mọi sự nguy hiểm: Nào gió lùa, nào bệnh tật, nào rác bẩn, những cái dầm, những cái có thể va đầu vào v. v... Điều làm cho bà thấy tủi hổ nhất là con bé như đã thỏa thuận với bố mẹ nó vậy. Nó rất thích thú nếu được rửa mặt bằng nước lã chứ không phải là nước ấm, muốn tự mình mặc lấy và cởi lấy quần áo, và rất không hài lòng nếu bà làm hộ cho nó một cái gì.

Khi Constantin Sergheevich còn nằm trong quân y viện, Tania Mikhailovna luôn luôn bận bịu nên ít khi can thiệp vào việc giáo dục cháu bé của bà cụ, nhưng khi bố cháu về nhà đến nay chị đứng hẳn về phía anh. Dù đứa bé còn bé bỏng và ngây thơ đến đâu đi nữa thì Constantin Sergheevich cũng yêu cầu phải tôn trọng nhân cách của nó và luôn luôn cư xử với nó như với một con người. Đó là yêu cầu hàng đầu và cơ bản nhất cả ở nhà lẫn ở trường. Mọi sự vuốt ve phụ họa và che chở luôn làm anh bực tức.

Anh hiểu là trẻ con luôn nhận thấy rõ và cảm giác được khi người ta định lấy lòng chúng. “Những cái tay nhỏ nhắn” “những cái chân xinh xắn,” “những con mắt tí tẹo” bọn trẻ chỉ có ở lứa tuổi con bú, Constantin Sergheevich khẳng định thế, chứ sau đó thì chúng nó có tay, có chân và có những con mắt như người lớn. Bộ óc của trẻ em phát triển nhanh hơn là học nói, bởi thế nếu có bà cô mê trẻ nào đó nói với chúng: “Michenca, tào táu né” “Ôi, tằng bé chí chẹo của chôi!” Thì cậu bé Misa lên hai sẽ ngạc nhiên nhìn bà, trong bụng nghĩ “Lớn thế mà không biết nói!”

Nhảy lò cò một chân Olia chạy đến gần bố, leo lên đầu gối của anh ngồi, hai chân đu đưa.

- Nào, kể cho bố nghe xem, con đã làm gì ngoài phố thế?

- Con trượt tuyết bố ạ! Một chị đẩy xe cho con trượt năm lần, còn chị khác cũng đẩy xe trượt cho con! Con cũng muốn đẩy xe trượt cho các chị ấy nhưng xe cứ đứng ì một chỗ bố ạ! Ngày mai con lại đi đẩy xe trượt cho các chị ấy.

- Con cừ lắm! Thế áo choàng và mũ con đã để đúng chỗ chưa?

- Bà treo hộ con rồi.

- Có nghĩa là con không biết tự treo chứ gì?

- Không, không phải thế đâu, con biết treo chứ, nhưng bà lại cứ bảo: - “Mặc bà, để bà treo.”

- Thế sao con không bảo: “Không, cháu treo được mà!” Bà đã già rồi, bà hay chóng mệt, phải giúp bà chứ. Thế là con đã cư xử không tốt rồi...

Con bé chăm chú nhìn bố, suy nghĩ một lúc và chạy ra cửa.

- Olia, con đi đâu đấy?

- Con đi treo áo lại đây bố ạ.

- Bây giờ thì muộn rồi con ạ. Phải nghĩ sớm hơn kia. Đến lần sau bố chắc rằng con sẽ tự cởi lấy áo và treo đúng chỗ. Phải thế không?

- Dĩ nhiên là thế bố ạ!

- Còn bây giờ đã đến lúc cho bé Natasa ăn rồi, cả Misa nữa bây giờ vẫn chưa được ăn, bụng đói meo rồi đấy...

Constantin Sergheevich rất thích khi Olia chơi đâu đó sau lưng anh. Anh rất thích thú lắng nghe những câu chuyện nghiêm túc của con gái anh với những đồ chơi của nó. Trong khi chơi như vậy sẽ hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của cô bé, tính chu đáo, quán xuyến, sự tưởng tượng độc lập, tính tháo vát:

Khoảng tiếng rưỡi đồng hồ sau, Tania Mikhailovna về và chứng kiến một cảnh tượng sau: Constantin Sergheevich tay phải tì vào bàn, ngồi cặm cụi chấm bài. Tay trái anh đỡ con gái đang ngủ trên đùi anh một cách say sưa.

- Anh, anh bế nó làm gì thế?

- Em có biết không, thế này nhé... Sau khi đi dạo, con nó buồn ngủ. Anh không thể bế con mà đứng dậy được, mà đánh thức nó thì lại không muốn. Ôi, sao mà nó ngủ ngon thế. Em xem này má nó đỏ lên kia kìa.

- Thế còn mẹ đâu?

- Cụ giận anh rồi.

- Lại về chuyện con chứ gì?

- Dĩ nhiên rồi.

Tania đến cạnh chồng định bế lấy con gái, nhưng anh hất tay chị ra:

- Đừng em ạ. Để cho con nó ngủ một tí chứ. Con bé ấm quá đi mất.

Ở góc bàn có một chồng giấy chưa rọc anh ghi chằng chịt những chữ.

“Nghịch ngợm, lười biếng, trò nũng nịu, ghét học, giả dối, lừa đảo. Hãy làm cho trường học không phải là nơi tẻ nhạt chán ngán thì tất cả đám mây đen làm cho giáo viên thất vọng và đầu độc cuộc sống tươi sáng của trẻ thơ kia cũng sẽ tự biến đi.”

- Cái gì thế này anh? Tania Mikkhailovna hỏi chồng sau khi đã đọc lướt những dòng ghi chép trên kia.

- Lời của Usinski.

- Để làm gì thế?

- Sắp có cuộc hội nghị báo cáo kết quả giáo dục, chắc anh sẽ phải phát biểu em ạ. Chẳng biết tại sao người ta lại cứ gán cho anh những công trạng đâu đâu mà anh không có.

- Anh đừng khiêm tốn nữa, đừng khiêm tốn nữa...

- Anh có khiêm tốn gì, mà chỉ nói lên sự thật thôi. Nào, anh làm được cái gì trong hai tháng cơ chứ? Ở trường có một tập thể giáo viên vững mạnh giáo dục các em các em học sinh của anh. Rất tiếc là một số giáo viên lại trốn tránh trách nhiệm giáo dục. Anh không tranh luận, dĩ nhiên vấn đề giáo dục và giáo dưỡng là khác nhau nhưng chúng gắn bó với nhau đến nỗi khó lòng là tách riêng chúng ra được. Bất cứ người thầy giáo nào dù muốn hay không muốn cũng giáo dục bằng hành động của mình, bằng lời nói giọng nói, cá tính tâm trạng và cả hình thức, bề ngoài của mình nữa... Đây nhé thí dụ như việc cho điểm...

Olia bỗng cựa quậy trên đùi anh nó muốn trở mình.

- Nào, đưa em đặt con vào giường cho, - Tania Mikhailovna nói với chồng và chị nhẹ nhàng bế bổng đứa bé lên, đưa vào một phòng khác. Olia vẫn ngủ say. - Thế nào? Anh vừa bảo - việc cho điểm... - Tania quay lại nhắc chồng.

- Việc đánh giá kiến thức... cho điểm, anh nói và chỉ vào quyển vở mà anh vừa cho điểm năm. - Thầy giáo được quyền cho điểm và không ai có thể can thiệp vào hoặc sửa đổi được. Cho điểm - đó là công việc của lương tâm người thầy giáo. Người thầy cho điểm dựa trên cơ sở nào? Dựa vào mức kiến thức của học sinh? Và chỉ có vậy thôi ư? Đây là bài làm của một học sinh yếu, em ấy làm đáng được điểm bốn. Thế nhưng anh lại cho điểm năm. Sao lại thế? Bởi vì em đó đã tỏ ra rất cố gắng. Em cố gắng đến nỗi không thể không động viên em được. Cũng có thể có trường hợp khác. Em học sinh giỏi thông minh và em có thể dễ dàng làm bài được điểm năm, nhưng em lại chỉ làm đáng được điểm bốn mà lại còn gượng cơ đấy. Anh cho em có điểm ba. Điều đó làm cho em học sinh ấy chạm phải tự ái và lần sau em sẽ có thái độ làm bài cẩn thận hơn. Nhưng hạ điểm thì phải nên hết sức thận trọng.

Cũng có thể vì vậy mà giết chết mất cái thú muốn học tập của các em. Nói chung, cho điểm công bằng không thiên vị, đó là một nửa uy tín của giáo viên rồi.

- Thế mà chỗ em có một giáo viên rất dễ tính và hay nâng điểm cho các em.

- Cũng có những người như vậy. Đó là con đường giả dối và tai hại. Cô giáo ấy muốn chiếm được lòng quý mến của học sinh và muốn vì thế mà nổi danh. Điều đó rất có hại - Constantin Sergheevich nhắc lại một lần nữa. - Ngoài tất cả những ai đó ra, cô giáo hiền lành như vậy đặt tất cả những giáo viên khác vào tình trạng giả dối. Thật ra thì học sinh cũng chóng hiểu ra điều đó thôi. Lại có một loại giáo viên khác, luôn luôn tạo cho mình một uy tín bởi sự nghiêm khắc. Họ hạ thấp điểm và rất dễ dàng cho điểm hai và điểm một. Anh không hiểu còn gì tồi hơn thế. Trong cả trường hợp này hoặc trường hợp kia, động cơ vẫn là cá nhân cả. Mà động cơ cá nhân là cái xấu nhất trong công tác của chúng ta. Em có đồng ý không?

- Dĩ nhiên rồi.

- Nói đến việc cho điểm anh muốn chứng minh rằng bất cứ một giáo viên nào hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn và nguyện vọng của mình cũng đều là một nhà giáo dục cả... Khi nhắc đến vấn đề anh ham thích, - Constantin Sergheevich đã nói một cách say sưa và không để ý bà Aria Timopheevna đã bước vào phòng. Bà dừng lại giữa phòng đưa mắt nhìn bọn búp bê đang “ăn trưa” bên cạnh ghế đi văng và thở dài:

- Thế nghĩa là thế nào hả Tania... Có nghĩa là tôi được về hưu hoàn toàn ư?

- Về hưu là thế nào hở mẹ?

- Làm như chị không biết ấy? Nghĩa là bây giờ tôi không được nói lời nào với con bé cháu chứ gì? Cái này thì không ổn, cái kia lại chưa tốt... Có phải vậy thì anh chị nói cho tôi rõ chứ...

Bà Aria Timopheevna chưa nói hết, nhưng Tania Mikhailovna và Constantin Sergheevich đã biết trước câu chuyện sẽ tiếp tục ra sao: “Cứ nói thẳng ra rằng anh chị không cần tôi nữa. Để tôi còn về ở với bác Andrei. Tôi đâu có phải là người không có họ hàng thân thích.” Bác Andrei là anh trai của bà sống ở thành phố Kalinin, và cứ mỗi khi gia đình có chuyện không vui thì bà dọa sẽ đến ở với bác. Tania Mikhailovna đưa mắt nhìn chồng và chị hiểu là chính chị phải thưa chuyện với mẹ.

- Mẹ lại thế rồi! - Chị nói với giọng làm lành - Mẹ giận làm gì vậy? Cuối cùng thì vẫn phải hiểu... Chúng con chỉ can thiệp khi nào mẹ chiều cháu quá thôi chứ. Cần phải dạy cho con bé ngăn nắp, yêu lao động, sạch sẽ, kỉ luật, cần phải lèn luyện nó. Không có sau này lớn lên như một tiểu thư õng ẹo rồi lúc đó chính mẹ lại phải khóc vì nó đấy.

Bà Aria Timopheevna đứng nghe với dáng điệu bực bội, môi mím chặt, hai tay khoanh trước ngực. Những câu chuyện tương tự xảy ra không phải là lần đầu.

- Tania, tôi chẳng tốt nghiệp trường đại học nào cả thế mà cũng giáo dục chị nên người chứ nào có phải thành cô tiểu thư õng ẹo.

- Mẹ ơi, việc không phải ở bản thân con hoặc ở chỗ tốt nghiệp hay không tốt nghiệp đại học.

- Thế thì ở đâu?

- Ở chỗ mẹ hay dỗi ấy. Mẹ quý cháu Olia, nhưng chúng con quý cháu cũng có ít hơn mẹ đâu. Nhưng không nên yêu quý nó một cách mù quáng. Cháu nó lớn lên phải trở thành một người hữu ích. Để được như vậy thì phải làm gì? Mẹ hãy chăm chú nghe chứ đừng có lắc đầu như thế kia - Tania Mikhailovna bắt đầu nóng gáy khi thấy bà mẹ vẫn khăng khăng bảo thủ. - Con còn được nhà nước uỷ nhiệm giáo dục những ba mươi lăm cháu bé như cháu Olia đấy...

- Như Olia! - Bà Aria Timopheevna hỏi giọng đầy trách móc đau khổ. Bà chắc chắn là trên thế giới không có đứa trẻ con nào giống như Olia và cũng yêu cầu bố mẹ cháu phải công nhận điều đó.

- Dĩ nhiên là có rất nhiều cháu giống như cháu Olia, - Tania Mikhailovna trả lời. Cháu Olia của nhà ta thì có gì là khác biệt so với các cháu khác?

- Ồ, các người hoàn toàn điên rồi hay sao ấy...

- Mẹ ạ người ta thường đếm gà con vào mùa thu. Ở trường chúng con luôn gặp phải những trường hợp những đứa trẻ ngoan, thông minh thường bị hư hỏng vì cách giáo dục không đúng. Chúng được nuông chiều sinh ích kỉ lười biếng, thậm chí còn độc ác như các công tử ngày xưa. Rất đáng tiếc mẹ ạ... Thế ai có lỗi? Chính là lỗi của bố mẹ? Nói đúng hơn chính là do tình thương yêu mù quáng của bố mẹ. Họ không nghĩ đến tương lai của con cái họ.

- Tania, mẹ đã thừa hiểu những điều đó rồi - Constantin Sergheevich can thiệp vào câu chuyện - Cái chính là anh nhận xét không được lịch sự lắm mà làm mẹ giận đấy thôi. Con xin lỗi mẹ. Con biết mẹ quý cháu và đứt ruột đi vì nó.

- Dĩ nhiên là tôi đứt ruột vì cháu tôi chứ, Constantin. Tim tôi đau nhức lên vì nó.

Constantin nói với vợ:

- Hôm kia anh đi làm về trước em. Olia đang ở trong bếp và thậm chí còn không ra chào anh nữa cơ. Anh nghĩ không biết con bé làm gì thế? Anh nhìn thấy trong chậu có nước và con bé đang giặt quần áo cho búp bê một cách rất nghiêm túc. Kệ, cứ cho nó giặt và phải như thật cơ - Có cả xà phòng nữa... Còn những việc như thế này thì không nên để cho xảy ra tí nào - anh lấy tay chỉ đống đồ chơi còn để bừa bãi - đó là lỗi tại anh. Nhẽ ra phải bảo Olia xếp dọn đồ chơi lại cho ngăn nắp mới phải. Mẹ ạ, mẹ đã bắt cháu tự cởi lấy áo khoác và bắt cháu treo lên mắc cẩn thận là việc rất tốt. Mẹ làm thế là đúng lắm. Cần để cho cháu nó tự phục vụ lấy bản thân chứ. Con bé rất quý bà và nó phải cố gắng sao cho lòng quý mến đó không chỉ biểu hiện bằng lời nói và những chiếc hôn mà cả trong việc giúp đỡ bà nữa. Nếu nó yêu mẹ thì nó phải giúp đỡ mẹ. Như việc mẹ để cho cháu rửa bát ấy. Thật là tuyệt diệu. Để cho cháu giúp mẹ, thế mới tốt. Đối với cháu đó là niềm vui, là trò chơi và đồng thời cũng là lao động nữa...

- Thế... tôi lại không hiểu được điều đó sao, Constantin?

- Thì con hoàn toàn tin chắc là mẹ hiểu. Thế mà đôi khi ta còn có sơ hở... Chúng ta là con người, cũng có đôi khi sơ hở, làm lỡ chứ. Thí dụ như con đây này, con vẫn thường hay quên rằng cháu đâu có phải lên hai, lên ba mà sắp lên năm rồi cơ đấy. Con bé bắt đầu hiểu nhiều thứ, và chính cháu muốn mang lại lợi ích cho mọi người...

Như những trường hợp đã xảy ra trước đây, câu chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng cách là bà Aria Timopheevna giành phần toàn thắng về mình và bà ra khỏi phòng với cảm giác rất hài lòng là có được thằng con rể biết điều như vậy. Hễ lúc nào nó hiểu là nó có lỗi thì nó chẳng đổ lỗi cho kẻ khác mà nhận lấy lỗi về phần mình và xin lỗi hẳn hoi. Đối với bà thì nó luôn luôn tỏ ra kính trọng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3