Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 03

ĐIỂM BA ĐẦU TIÊN

Constantin Sergheevich bước vào lớp tất cả học sinh nhìn thấy tay thầy cầm một tập vở.

- Ôi, các bạn ơi! Luận! - Nadia kêu lên.

Đi cùng với thầy có bà trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna. Bà đứng sau bàn giáo viên và nói một cách vui vẻ lạ thường:

- Chào các em! Mời các em ngồi xuống. Tôi đem đến chỗ các em tin vui đây. Chúng tôi đã nhận được kết quả của những bài kiểm tra luận ở thành, và lớp ta... - Bà dừng lại đưa mắt nhìn các cô học sinh đang chăm chú nghe, mỉm cười và kết thúc: - Lớp ta được coi là một trong những lớp khá nhất!

Các em vỗ tay vang hoan nghênh tin mừng đó. Trên những khuôn mặt trẻ bừng lên niềm vui, niềm tự hào và vẻ đắc thắng. Đây rồi, những kết quả đầu tiên của sự làm việc kiên trì. Bây giờ thì chắc chắn không còn ai bảo “Lời hứa” chẳng qua là tờ giấy rỗng tuếch huênh hoang. Các em đã biết giữ là hứa như những người Bolsevich chân chính.

- Các em ơi, hãy trật tự nào - Bà trưởng phòng giơ tay lên ra hiệu. - Cô Natalia Zakharovna muốn thân chinh đến truyền đạt tin vui này cho các em, nhưng rất tiếc là có ấy bận đi họp và giao lại cho tôi đến chúc mừng các em. Cần phải nói thêm rằng, đây là một thắng lợi lớn, bởi vì nếu để ý thì sẽ thấy từ trước đến nay các em không phải là những học sinh xuất sắc. Không thể bảo các em học kém - bà vội chữa. - Nhưng nếu so với những người học sinh xuất sắc thì các em còn phải cố gắng nhiều... Các em trật tự nào!

- Sao lại ồn lên thế? Đấy, coi như tôi đã nói xong những điều muốn nói. Mong rằng các em không tự mãn với kết quả đạt được và cố gắng duy trì những thành tích đó.

Khi bà Varvara Timofeevna ra khỏi phòng thì thầy Constantin Sergheevich về chỗ bàn giáo viên.

- Tất cả những điều đó đều rất tốt nếu như không có chữ “nếu!” - Thầy bắt đầu nói khi cả lớp đã im lặng. Chữ “nếu” ở đây có nghĩa là tôi muốn nhắc đến hai điểm ba cuối cùng và bài làm hôm nay đây. Tôi cố tình không báo cái tin “vui” đó cho các em trước khi trả vở với mục đích làm cho các em mất vui đấy. Đúng thế đấy. Tôi không đùa đâu. - Thầy khẳng định thêm khi nhìn thấy những nụ cười trên môi các cô gái.

- Người ta thường bảo “trong bất cứ cái rủi nào cũng có cái may” nhưng rõ ràng là đôi khi có thể nói “trong bất cứ cái may nào cũng có cái rủi.” Sao thế hả các em? Choáng vì thành tích đã đạt được ư? Hay các em cho rằng sau khi kiểm tra các em có thể xả hơi được? Dù vì lí do này hay lí do kia đi nữa thì các em cũng đã tỏ ra chưa cố gắng khi viết bài luận cuối cùng này.

Constantin Sergheevich nói không giống như cách “lên lớp” thông thường của một ông thầy. Trong cách nói đó có xen sự đau đớn nỗi thất vọng của anh và chính điều đó đã tác động đến các cô học sinh. Đại đa số các cô ngồi im, mặt cúi gằm. Valia có cảm giác như mình là “người chiến thắng.” Cô không dính dáng gì đến “Lời hứa” và sự trách móc của thầy giáo không liên quan gì đến cô. Constantin. Sergheevich nói tiếp:

- Các em sẽ nhận bài làm ngay bây giờ. Đề luận: “Đất nước ta giàu đẹp biết bao!” đã tạo cho các em nhiều khả năng để viết. Đâu có phải đó là một đề tài về địa lí và về việc này chúng ta đã có dịp nói cặn kẽ rồi. Tôi chờ đợi ở các em cái gì đó lớn hơn kia.

- Anh lấy quyển vở trên cùng. - Acxenova Tania!

Tất cả ngẩng đầu lên, còn Tania thì đứng dậy.

- Em không nên vội vàng. Khi vội em thường quên bẵng ngữ pháp đi. Chú ý đến việc đánh dấu phẩy. Khó khăn lắm tôi mới cho em được điểm bốn đấy.

Anh đưa quyển sách cho cô gái và cầm đến quyển tiếp theo.

Ania hơi tái mặt và trong đôi mắt mở to của cô không khó khăn gì mà không nhận thấy sự sợ hãi cả.

- Ania Alechxeeva! Em vẫn mắc phải những lỗi cũ. Bài làm của em bắt đầu tốt, nhưng sau đó vì vội vàng em đã làm hỏng một bài luận hay. Tôi cho em điểm bốn.

Cô gái đã bớt sợ nhưng tay vẫn run run khi cầm lấy vở.

- Valia Belova!

Anh đưa mắt nhìn cô gái đang đứng dậy. Trong đôi mắt của cô học trò quen được nuông chiều và quá ư tự tin đó anh đọc thấy sự chờ đợi bình thản. Cô vẫn quen được nhận điểm năm mà.

- Tôi hoàn toàn tin là em thuộc bài hát đó và kể lại nội dung của nó cũng không đến nỗi tồi, nhưng em không hề có một ý nghĩ nào mới mẻ của riêng em cả. Hoặc em quên, hoặc em không thèm tính đến những hoàn cảnh của chúng ta. Em dùng lời lẽ của người khác, suy nghĩ của người khác. Điểm ba.

Valia tái mặt cầm lấy vở, và cô đưa mắt nhìn xung quanh như muốn tìm kiếm sự thông cảm của các bạn.

- Lida Versimna, - Constantin Sergheevich tiếp tục - Em thoát khỏi điểm ba là nhờ bài viết đúng ngữ pháp và kiến thức về địa lí Liên Xô của em khá tốt. Cuộc tham quan đất nước Liên Xô của em không phải là một sáng kiến hay lắm. Em có thể và nhất định phải làm bài tốt hơn. Điểm bốn.

Khi thầy giáo đưa vở cho Lida, Nadia vì quá hồi hộp nên cấu vào tay bạn, cô bạn lại đập mạnh vào tay Nadia. Constantin Sergheevich trông thấy và đưa mắt nhìn về phía Nadia.

- Các em có việc gì thế?

- Thưa thầy, tiếp theo là bài của em ạ... - Nadia nói khẽ thay vào câu trả lời.

- Đúng rồi. Nadia Erefeeva. Em chọn đề luận về việc chọn ngành nghề. Thế là tốt - Thầy giáo nói. Điểm bốn.

- Ôi suýt nữa thì em chết mất! - Nadia thì thầm khi nhận vở.

- Thưa thầy, cho phép em ra ngoài ạ. - Valia xin phép.

- Em đi đi.

Môi dưới của Valia run run, mắt cô tràn nước mắt. Cô vội vã bước ngang qua chỗ thầy đứng và ra khỏi lớp.

- Ivanova Catia. Bài của em ý rõ ràng, trình bày mạnh lạc, nhưng cũng giống như Lida, còn thiếu sự tưởng tượng, thiếu tầm rộng lớn. Điểm bốn. Ivanova Svetlana - Thầy gọi và mở vở ra - Bài này tôi khuyên tất cả các em nên đọc. Rất chân thành, mạnh dạn, hình ảnh, có thể nói đó là một bài độc đáo. Hai bạn gái viết thư trao đổi với nhau sau khi cùng tốt nghiệp lớp 10. Một sống ở Leningrad, còn cô kia thì đi Vladivostoc. Điểm năm! - Thầy kết thúc một cách hài lòng, đưa vở cho cô gái đang ngượng vì được thầy khen.

- Hì... hì... bài khá nhất! - Jenia nói thầm.

- Tamara Krapchenco!

Chưa từng bao giờ có chuyện Tamara lại bị điểm dưới năm về môn luận, vì thế cô đứng dậy, mỉm cười điềm tĩnh. Nhưng trạng thái đó chỉ có trong giây lát. Đôi lông mày chau lại của thầy giáo khi cầm vở cô lên, như một cơn gió mạnh thổi phăng nụ cười đi khỏi khuôn mặt cô gái.

- Sao thế hả Tamara? Chúng ta đã phân tích vấn đề này rồi cơ mà. Em đã nhấn chìm cả nội dung chủ đề trong những lời lẽ hay ho, những câu rập khuôn sáo. Hình thức cần phải nhấn mạnh được nội dung, còn của em thì hình thức chỉ để tôn lên hình thức. Những lời lẽ hay chỉ để nhấn mạnh cái hay của lời lẽ. Em có những cách nói hoa hòe đến nỗi khó đọc cơ. Tôi đòi hỏi ở em cao hơn các bạn khác. Em là nhà báo tương lai, là chủ nhiệm báo tường của lớp. Điểm ba.

- Ối! Jenia không nén nổi ngạc nhiên, tiếp theo cô là tiếng thở dài rõ to của cả lớp.

- Larisa Trikhonova.

- Larisa sợ hãi nhìn chằm chằm vào thầy giáo, nhưng khi anh giở vở ra và gật đầu khích lệ, đôi mắt cô tròn xoe ra.

- Tốt lắm. Em có những tiến bộ đáng kể. Trong bài của em phảng phất có sự hài hước. Tuy trong bài cũng nói nặng về địa lí nhưng những nhà du lịch của em rất đáng mến. Điểm năm.

Nhận vở xong. Larisa với vẻ mặt đầy tự hào và đắc thắng quay về chỗ làm cho cả lớp phải mỉm cười.

- Thôi xin lỗi các vị ạ! - Cô nói thì thầm vói các bạn ngồi phía sau. - Điểm năm này là không có ai giúp cả nhé. Tự đạt được bằng mồ hôi và máu đấy!

Thoáng thấy vở mình trong tay thầy giáo, Nina Sarina theo thói quen đã vội cho rằng cô “chết” rồi và đứng dậy không còn cái cảm giác là hai chân mình đứng vững nữa.

- Nina Sarina, em cho tôi biết là em có biết gì về hội họa không? - Constantin Sergheevich hỏi.

- Em có biết chút ít ạ. Bác em là họa sĩ mà, - cô gái trả lờ rất khẽ.

- Điều đó dễ thấy thôi. Các em ạ, đây cũng là một bài làm hay đấy. Ở triển lãm nghệ thuật qua những bức tranh của họa sĩ và những câu chuyện của khán giả, bạn Nina Sarina đã biết nói lên được rất nhiều. Điểm năm. Những vở còn lại thầy trả “không có nhận xét,” như vở của Clara Kholopoeva, chỉ thông báo điểm. Nhưng cái lắc đầu của thầy lại còn “hùng hồn” hơn cả những lời nói.

Trả bài xong thầy giáo ngồi xuống và mở sổ điểm ra.

Trong khi đó Catia đã kịp tính kết quả chung của cả lớp. Ba điểm năm, mười điểm bốn và một điểm ba. Điểm của Valia cô vẫn không tính như trước. Tổng cộng được năm mươi tám điểm trong số bảy mươi điểm có thể có. Hơi ít nhưng dù sao cũng chưa đến nỗi quá tồi như cô tưởng lúc đầu giờ học.

- Thế Valia bị làm sao hả các em? - Thầy giáo bỗng nhớ ra và đưa mắt nhìn cái bàn trống, hỏi - Jenia Smirnova, em ra xem thử nào.

Jenia gần như chạy ra khỏi lớp và sau một phút cô quay lại.

- Thưa thầy, bạn ấy đang khổ tâm ạ.

- Khổ tâm thế nào cơ?

- Bạn ấy khóc ạ...

- Thế phải làm gì bây giờ? Trẻ con thì tôi còn biết dỗ, chứ ở tuổi các em... Jenia, em thấy nên làm gì bây giờ?

- Thưa thầy, chả cần phải làm gì cả ạ. Ở lứa tuổi chúng em càng dỗ dành bao nhiêu thì lại càng muốn khóc bấy nhiêu ạ.

- Thôi được. Chúng ta không phải mất thì giờ nữa, - Thầy nói và mở tập thơ Maiacovski ra.

... Valia Belova ngồi ở lò sưởi hơi nước, vo viên trong tay một chiếc khăn mùi xoa, nhưng mắt cô đã ráo hoảnh. Một cảm giác độc ác, muốn trả thù bùng lên và làm khô những giọt nước mắt, thôi thúc cô “trả thù” một ai đó. “Được rồi được rồi... - Có dọa dẫm trong đầu. - Cái đó thì ta còn xem đã? Việc này không dễ gì mà bỏ qua đâu! Rồi sẽ có lúc các người phải hối tiếc...”

Cô căm ghét ai, cô muốn trả thù ai và ai sẽ phải hối tiếc, bản thân cô cũng không hiểu rõ nữa. Người đầu tiên dĩ nhiên là thầy Constantin Sergheevich... Thầy cho cô điểm ba không đúng, mục đích để làm nhục cô vì cô không xun xoe nịnh bợ thầy như những đứa khác.

Cô nhớ lại câu chuyện gần cầu thang hôm nào và cô đã trả lời một cách hóm hỉnh về việc những cô bảo mẫu. Lúc đó thầy làm như không hiểu cô nói có ngụ ý gì, nhưng đã đến lúc là trả thù đấy. Sau đó đến lượt Catia có lỗi. Nó luôn luôn xúi bọn bạn chống lại cô. Đến cả Clara cũng bị bọn nó cấm chơi với cô.

“Thì cứ mặc! Nào mình có cần gì bọn nó. Đến cuối năm học chẳng còn bao lâu. Còn sau đó, để rồi xem.” - Cô nghĩ thế và đã đoán trước là cả bọn kia sẽ bị nhục như thế nào. Valia chưa có giây phút nào không tin là mình sẽ được huy chương vàng, sẽ tốt nghiệp trường tổng hợp một cách xuất sắc, sẽ được phân công vào một chỗ làm việc rất tốt và sẽ sống hoàn toàn theo ý mình. Sau này thế nào thì cô chưa để tâm nghĩ đến, nhưng mươi năm sắp tới đây thì cô đã nhìn rõ số phận cô ra sao rồi. Và lúc nào cô cũng tưởng tượng ra rằng cô sẽ gặp biết bao cái nhìn ghen tị của các bạn cùng lớp và thấy cả thái độ kính nể và cầu cạnh của họ khi nói đến việc xưa kia họ cùng học với cô. Trong những giấc mơ đó của cô bây giờ còn xuất hiện một nhân vật mới nữa - Đó là thầy Constantin Sergheevich, người mà sau này sẽ phải hối hận và tự trách mình là sao khi đó không đánh giá được cô ta. Cứ mặc cho thầy ấy hối hận và tự trách mình vì sự thiển cận đó nếu như thầy không biết phân biệt trắng đen.

Valia bắt đầu có cảm giác như lúc này thầy Constantin Sergheevich đã ân hận vì đã cho điểm không đúng. Jenia đến dỗ cô về lớp chắc chắn không phải tự ý nó rồi.

“Chắc chắn là thầy lo lắng và sẽ cử đứa khác đến. Nhưng cử ai nhỉ? Chắc lại Catia Ivanova. Thầy tin tưởng nó và không biết sao lúc nào cũng trách nó trong khi những đứa khác có lỗi. Trong việc xảy ra với cô Natalia Nicolaevna mình có lỗi hơn tất cả chúng nó, vậy mà Catia lại bị một trận...”

Thời gian trôi đi và chẳng có ai đến cả. Điều đó bắt đầu làm cô lo lắng. Chắc bây giờ thầy đang giảng về Maiacovski và kể rất nhiều điều mà không có trong sách giáo khoa. Nhưng tự mình quay về lớp học thì cô lại không muốn.

“Ồ, sao mình lại khóc thế này nhỉ! Cái Tamra cũng bị điểm ba đó thôi,” Cô nhớ lại lời Jenia vừa kể và những suy nghĩ của cô chuyển sang hướng khác: “Lẽ nào đó là sự thật? Tamara lại bị điểm ba về luận à? Tamara luôn tự cho mình là nhà văn, là nhà báo ấy à?” Valia nghĩ thế và với ý nghĩ là thầy giáo làm nhục không chỉ một mình cô, cô cảm thấy dễ chịu hơn.

- Valia Belova, sao em lại trốn ở đây? - Bác lao công Phenesca xuất hiện từ đâu không biết hỏi cô.

- Đó không phải là việc của bà! - Valia nói cục cằn.

- Hay là không thuộc bài?

- Thì có liên quan gì đến bà cơ chứ!

- Này, em đừng có mà hỗn với tôi nhé. Tôi hỏi em với ý định tốt cơ mà.

- Tôi không muốn phải báo cáo với bà.

- Dĩ nhiên là đối với tôi em chẳng phải báo cáo gì cả, nhưng phải tuân theo nội quy của nhà trường, em không còn bé bỏng gì nữa!

Bác Phenesca đợi một lúc nhưng khi thấy những lời bác nói chẳng tác động gì đến cái cô học trò bướng bỉnh kia, bác bèn nổi cáu:

- Này, em có nghe thấy tôi nói gì không? Tôi nói với em bằng tiếng Nga chính cống đấy: Đi vào lớp ngay lập tức!

Valia biết cách chọc tức người ta lắm, nên cô nhìn bác mỉm cười khinh bỉ. Cô đợi bác Phenesca dỗ dành cô, sẽ van nài hoặc chửi bới cô, nhưng bác chỉ lắc đầu trách móc:

- Ôi thế mà cũng là học trò sắp tốt nghiệp lớp 10 đấy. Khắp trường đưa các em ra làm gương cho bọn nhỏ còn em... Em thế nào vẫn nguyên xi thế ấy.

- Thế bà cần gì ở tôi nào?

- Không thì để cho em làm loạn à?... - Bác nói.

- Nghĩ một lúc, bác lần đến cạnh cửa lớp 10 để nhìn vào cửa kính xem tại sao Valia lại trốn học. Trong lớp thầy Constantin Sergheevich đang giảng bài, sau bàn mười bốn cô gái đang chăm chú nghe thầy giảng, mắt không rời thầy. Và chỉ có mỗi một cô học trò - Cô học trò xuất sắc Valia là không có mặt trong lớp. Tại sao thế nhỉ? Đó là con toán mà bác Phenesca không tài nào giải nổi nếu không có sự giúp đỡ của người khác.