Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 04

TAI NẠN

Tania nằm trên giường và chăm chú nhìn lên trần nhà. Ba con ruồi như tìm thấy món gì đó thú vị nên chúng tranh luận thật sôi nổi, chúng bay về nhiều phía khách nhau, rồi quay đuổi nhau. “Chúng tìm cái gì thế nhỉ?” - Cô gái suy nghĩ và nhìn thật chăm chú vào chỗ mà mấy con ruồi vừa đậu xuống. Hình như cô nhìn thấy một cái chấm đen nhỏ. “Đối với ta thì đó là hạt bụi, nhưng đối với ruồi chắc là to bằng một ổ bánh mì đấy nhỉ - Cô suy nghĩ. - Không biết trong cái chấm đó thì được bao nhiêu nguyên tử nhỉ?”

Khi nằm yên Tania không cảm thấy đau, nhưng chỉ cần cô lấy hết sức định trở mình hoặc thay kiểu nằm thì ở chân đau nhói lên, đau đến nỗi toát cả mồ hôi lạnh. Nếu không đau như thế thì có lẽ cô còn cảm thấy hài lòng nữa là khác. Hai ngày qua cô đã ngủ thỏa thuê. Bố mang sách về cho cô đọc, mọi người trong nhà đều quan tâm đến cô, có gì là không hay đâu?

Bác sĩ đã dặn phải nằm một tháng liền cơ đấy, thế là cô đã thua các bạn trong lớp và chắc chắn là không tài nào đuổi kịp được nữa, nhưng bố đã bảo, chẳng có gì đáng sợ cả, cô sẽ ở lại lớp một năm nữa, không lo lắng làm gì. “Nhanh một năm hay chậm một năm thì có gì quan trọng đâu! Cuộc đời còn dài, còn chán thì giờ.”

“Nhưng không phải thế đâu, bố an ủi đấy thôi. Thế là mình không được cùng học với cả lớp, - Tania lo lắng nghĩ - phải làm cách nào chứ! Người ta còn học hàm thụ thì sao? Mình sẽ nằm và học thuộc các sách giáo khoa vậy.” - Cô tự làm cho mình yên tâm hơn.

Nhưng cứ mỗi lần cô nghĩ đến điều đó thì sự lo lắng của cô ngày càng tăng hơn. Rõ ràng là cô phải ở lại lớp 10 rồi - điều đó đâu phải là chuyện đùa một tháng bỏ học rồi thì dễ gì sau này có thể đuổi kịp.

Trong phòng im lặng. Bố và mẹ đã đi làm. Em gái bé đi chơi, em trai đi học. Dasa ở dưới bếp... Mà cũng có thể chị ấy đi chợ. Nghĩa là không có ai ở nhà cả...

“Thuyền trưởng ơi, thuyền trưởng, anh hãy nở nụ cười!

Nụ cười của anh là lá cờ của chiến hạm.

Thuyền trưởng ơi, thuyền trưởng, anh hãy vươn người...”

Tania hát nghe thật thảm thiết, để quên đi ý nghĩ về trường học. “Thật là một sự ngớ ngẩn - cái gọi là tình cờ! Hai ngày trước đây nào cô nghĩ đến việc mình phải nằm bất động và cắn môi vì đau dớn thế này đâu! Cũng may mà chỉ bị vết rạn ở xương ống chân tình hình có thể còn xấu hơn thế nữa.”

… Từ trường về nhà Tania nghe có tiếng kêu phía sau lưng, cô quay lại thấy gần đấy có bà cụ đã còng lưng. Không để ý gì đến tiếng kêu, bà cụ vẫn chậm rãi qua đường; sau lưng bà, một cuộn giấy to không biết bằng cách nào đã rơi từ xe vận tải xuống đường lăn theo bà. Chỉ cần một phút nữa thì bà cụ bị cuộn giấy xô ngã và đè lên người, trong nháy mắt, Tania bổ nhào về phía bà cụ, đẩy bà cụ sang một bên. Nhưng cô không may vấp phải vỉa hè và ngã quỵ xuống, bên cạnh cô bà cụ cũng nằm sóng soài sợ hãi. Cuộn giấy lăn qua bên cạnh. Lúc mới ngã Tania không cảm thấy đau đớn gì cả, và khi nhìn thấy vẻ mặt sợ hãi của bà cụ đến lúc ấy vẫn chẳng hiểu có gì đã xảy ra, thì cô bật cười.

Đến khi cô định đứng dậy để đỡ bà cụ lên, cô thấy tối mặt vì quá đau nên lại ngồi xuống lề đường.

Sau đó tất cả đều xảy ra như trong cơn mê. Cô nhớ láng máng có một sĩ quan nào đó cúi xuống, sau đó là mùi rượu nồng nặc và khuôn mặt râu ria lồm xồm của người lái xe tải với đôi mắt hiền lành. Họ ra hiệu cho một chiếc xe ô tô con chạy qua đường dừng lại và chở cô gái về nhà...

Cánh cửa buồng mở nhẹ. Có ai vừa đến. Sau đó có tiếng gõ cửa thận trọng và giọng của em trai cô hỏi:

- Chị Tania, em vào được không?

- Vào đi em Sura.

Mặt đỏ lừ vì đi nhanh, vẫn cái món tóc dựng đứng trên đỉnh đầu như mọi khi, chú bé tiến gần về phía chị và dừng lại ở một khoảng cách theo đúng phép lịch sự. Tania quay đầu về phía em và mỉm cười.

- Thế nào? Học hành ra sao? Em có mang điểm về không đấy?

- Không ạ

- Ngoài phố trời có đẹp không em?

- Cũng thường thôi, giống như mọi khi... chị ơi, chị có đau lắm không?

- Bây giờ thì không đau lắm...

- Thế người ta có cưa chân chi đi không?

- Cưa làm gì cơ?

- Thế nhỡ nó bị gãy thì sao?

- Thì... Nó lại mọc ra chứ sao. Nhưng chân chi còn bị gãy đâu, chỉ bị rạn thôi.

Cậu bé đứng suy nghĩ một lúc rồi bỗng hỏi một cách đột ngột:

- Thế tại sao nếu cây gậy gãy nó lại không mọc ra nữa?

- Bởi vì cái chân nó “sống,” cón cái gậy là thứ “đã chết” rồi.

- Thế nếu con mèo nó làm gãy chân thì chân nó cũng lại mọc phải không chị?

- Dĩ nhiên là sẽ mọc rồi.

Tania định quay người lại. nhưng đau quá nên cô nhăn mặt và cắn chặt môi.

- Đau lắm hả chị? - Thằng bé hỏi, mặt cũng nhăn nhó đầy vẻ thương cảm.

- Dĩ nhiên là đau rồi... Cho chị xin ngụm nước nào!

Khi cô uống nước xong, Sura lại hỏi tiếp vấn đề mà em đang muốn biết.

- Chị Tania ơi, thế nếu như con chim sẻ bị gãy chân thì chân nó cũng lại mọc chứ?

- Ôi, Sura ơi, em làm cho chị phát chán lên vì những câu hỏi ngốc nghếch của em thôi!

Cô rất yêu thằng em trai nhỏ của cô tuy rằng cô luôn gọi nó là thằng “hâm.” Hai năm trước đây sau khi nó đi cắt tóc về, nó lập tức biến thành bác thợ cắt tóc. Hôm sau nó cắt mất bộ râu mép của chú mèo, ngày hôm sau nữa nó lại cắt mất món tóc đẹp tuyệt vời của em gái. Có một lần nó đổi được cho một cậu bé ở cùng nhà một tuýp sơn dầu, khi biết được người ta thường dùng sơn dầu để làm gì, nó bèn về nhà leo lên chiếc bàn và vẽ râu mép và râu cằm cho bức tranh “chân dung người đàn bà” - bức tranh yêu thích nhất của bố. Thế là phải lấy xăng tẩy mãi mới sạch sơn dầu, nhưng vẫn còn lại dấu vết. Nó say mê trò chơi “ăn cúc áo” nhưng sau chuyến bị thua, chỉ năm phút sau nó đã có rất nhiều cúc vì đã mang kéo vào tủ quần áo cắt sạch cúc áo dài của mẹ và của những bộ com-lê của bố.

Những tội do bàn tay Sura gây ra có thể kể đến vô tận nhưng dù sao thì Tania cũng yêu thằng bé và hay che chở cho nó để nó khỏi bị bố mẹ mắng.

- Sura, chị với em chơi trò “quân y viện” đi nào? - Tania nói.

- Chơi thế nào cơ?

- Em sẽ là cô hộ lí, còn chị là phi công bị thương ngoài chiến trường được đưa về đây. Em sẽ chăm nom chị và nếu chị nhờ em điều gì, thí dụ như mang cho chị cặp, sách...

- Không, chơi thế em chả chơi đâu...

- Tại sao?

- Hay để em là phi công, còn chị là hộ lí vậy.

- Nhưng em khỏe, còn chị thì ốm cơ mà.

- Chị không phải ốm. Tự chị gây ra chứ còn ai nữa. Tự chị nhảy như con dê ấy chứ sao, - Cậu bé nhắc lại lời bố nói.

- Thế thì cút đi chỗ khác cho rảnh? Tao không muốn nói chuyện với chú mày nữa.

Còn lại một mình, Tania lại nghĩ về trường và cảm thấy buồn quá. Sao có những cái thật là ngớ ngẩn như vậy xảy ra trong cuộc sống nhỉ! Vì một bà cụ đâu đâu ấy mà cuộc đời cô lại phải thay đổi. Điều đáng ngạc nhiên nhất là bà cụ cũng chả ngờ rằng để cứu cụ thì Tania phải trả một giá như thế nào... Không biết những bà cụ như thế còn ra phố làm gì, sao không chịu ngồi nhà cơ chứ...

- Tania, mọi người đến thăm chị kia kìa - Sura mừng rỡ kêu lên và vội mở cửa.

Các bạn Nina Cosinscaia, Catia và Svetlana Ivanova, Jenia Smirnova, Tamara Krapchenco, Nadia Erefeeva và Ania Alechxeeva bước vào phòng. Căn phòng trở nên chật chội. Các cô gái vây quanh chiếc giường và đứng khựng trong trạng thái ngơ ngác, bất lực mà người ta thường có mỗi khi đến thăm người bị ốm nặng lần đầu.

- Sao các bạn lại ỉu xìu thế kia? Mình có chết đâu nào! - Tania cười. - Mình nằm độ vài ba tuần là lại như người khỏe thôi mà.

- Cả lớp gửi lời thăm bạn, thầy Constantin Sergheevich sẽ đến thăm bạn đấy. - Catia nói.

- Bao giờ cơ?

- Có lẽ hôm nay đấy.

- Ai khiến bạn làm gãy chân thế hả? - Jenia hỏi.

- Mình đâu có làm gãy. Chỉ bị rạn thôi.

- Gãy hay rạn cũng thế cả. Chỉ vì bạn quá nghịch ngợm thôi chứ có sao đâu, - Jenia vờ trách móc bạn. - Lúc thì ngủ liên miên cả ngày, lúc lại chạy rông suốt và thế là... mừng nhé!

Tania nhìn các bạn, trên môi đọng lại một nụ cười buồn bã dường như có lỗi.

- Các bạn ơi, cảm ơn các bạn nhé, các bạn đã đến thăm mình. Có lẽ chúng ta rồi phải chia tay nhau thôi.

- Sao thế?

- Các bạn sẽ học tiếp. Còn mình chắc phải chậm lại một năm...

- Bạn điên à! - Catia bực tức nói, - bọn mình đã bàn với nhau rồi. Đầu óc bạn tỉnh táo, nhiệt độ bạn bình thường. Thật hết chỗ nói, bạn đã hành động như một đoàn viên Komsomol đấy ư? Bạn có thể học được không nào?

- Tất nhiên là được rồi.

- Thế là ổn rồi! Nina đã nhận một mình giúp bạn rồi, và nếu như một mình bạn ấy không cáng đáng được thì chúng mình sẽ thay phiên nhau đến giúp.

- Sao mình lại không cáng đáng được cơ chứ? - Nina giận dỗi, - Tuyên bố thật là vô trách nhiệm!

Trong lòng Tania rộn lên niềm vui mới. “Trời đất, sao mình lại ngu đến thế này nhỉ? Tất cả mọi cách mình đã tính đến làm thế nào để đuổi kịp chương trình, thế mà quên bẵng không nghĩ đến các bạn, đến sự giúp đỡ của các bạn.”

- Tania, bạn không được chán nản nhé! - Tamara nói một cách nghiêm khắc. - Bạn chớ có quên là bạn cũng đã từng kí tên dưới bảng “Lời hứa” đấy nhé! Nhớ đấy!

Các cô gái ngồi chơi khoảng nửa giờ đồng hồ, thông báo cho “bệnh nhân” tin tức mới mẻ ở trường rồi chia tay ra về, chỉ riêng Nina còn nán lại.

Tania và Nina thân nhau năm nay đã là năm thứ ba, nhưng trong tình bạn đó lại thiếu điều cơ bản - không có những câu chuyện tâm tình mà lẽ ra bất cứ tình bạn nào cũng có, không có sự bình đẳng nữa: ý kiến của Tania bao giờ cũng là ý kiến quyết định. Điều đó làm cho chính bản thân Tania cũng không thích. Tania muốn tranh luận, chứng minh, thuyết phục, còn Nina thì luôn luôn thụ động uể oải. Nhưng Nina lại có tấm lòng đôn hậu và rất có tinh thần trách nhiệm đối với bất cứ công việc gì.

- Thế là bạn được thuê đến làm hộ lí cho mình à? - Tania mỉm cười khi các bạn đã ra về.

- Sao lại làm hộ lí và sao lại được thuê? Bạn nói gì mà kì lạ vậy? Thế bạn đứng ở địa vị mình thì bạn sẽ hành động như thế nào? - Nina hỏi bạn với một giọng giận dỗi.

- Mình đùa đấy mà...! - Tania nói với vẻ âu yếm và cầm lấy tay bạn. - Dĩ nhiên ở địa vị mình mình cũng sẽ giúp như vậy, nếu cần... Nhưng dù sao cũng phải thỏa thuận với nhau đã chứ, bạn sẽ giúp đỡ mình, nhưng không được để ảnh hưởng đến bản thân cơ. Có hứa thế không nào?

- Ảnh hưởng là nghĩa thế nào?

- Thế mà có nghĩa đấy... Bạn phải hứa, nếu không thì mình sẽ từ chối sự giúp đỡ của bạn.

- Tania ơi! Ôi, bạn thật là kì lạ. Nếu như mình cùng làm bài với bạn thì có gì là ảnh hưởng đến mình? Chúng mình cùng học một lớp mà lại!

- Ừ thì được rồi. Tự mình sẽ thấy thôi. Kể xem hôm nay ở lớp có gì mới nào?

- Bọn mình kể hết rồi còn gì...

- Mới kể qua loa thôi, - Tania ngắt lời bạn. - Còn bạn hãy kể tỉ mỉ xem nào. Valia thế nào?

- Hình như không có gì đặc biệt.

- Sao lại không có gì? Thôi, đừng nói luẩn quẩn nữa!

- Thế sao bạn lại quan tâm đến Valia lắm thế?

- Ngược lại - hoàn toàn không quan tâm! Dạo cuối năm học nó chỉ làm cho mình càng thấy khó chịu thôi. Mình ngạc nhiên là sao trước kia chúng mình không nhận thấy điều đó? Trước kia minh còn thấy nó có vẻ như là một người “xuất chúng” lắm... Thật ra thì... Hừ!... Bố mình gọi đó là sự ích kỉ, sự tự tôn mình. Hôm nay mình vừa nghĩ đến nó xong. Giá nó có một người bố như bố mình, ông cụ sẽ cho biết tay!

- Bác Andrei Petorovich ấy à! - Nina không tin.

- Phải chính bác Andrei Petorovich ấy đấy! Bạn biết ông cụ chỉ một mắt thôi. Nếu ông cụ mà đã nói điều gì, thì ôi thôi thế là hết. - Tania cau mày và bắt chước bố, cô nói một cách nghiêm khắc: “Mày có biết tiếng Nga không? À, nếu không biết thì tao sẽ dịch ra thứ tiếng trẻ con vậy!”

- Tiếng trẻ con là tiếng gì cơ?

- Đứng quay mặt vào tường, còn trước đó thì phát mấy cái vào chỗ mềm ấy!

Hai cô gái cười phá lên. Nina biết bác Andrei Petorovich như một người hiền lành, hay đùa, tính tình rất dễ mến. Thật khó mà tưởng tượng được là bác lại có thể đánh Tania.

- Lẽ nào hồi còn bé bác lại đánh bạn? - Nina hỏi.

- Đánh là thế nào? Chỉ phát vài cái thôi.

- Thế có đau không?

- Không đau, nhưng tức lắm.

- Thế bây giờ?

- Bây giờ thì chỉ cáu hoặc đập bàn là cùng. Bây giờ thì thằng bé Sura bị đòn vì những “trò nghệ thuật” của nó... Bố mình bảo thế này: “Các con ạ, các con phải nghe lời bố, vì các con chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống. Các con không biết cái gì nên làm, cái gì không nên. Thí dụ, một hòn than hồng rất đẹp bắn ra khỏi bếp. Không được sờ tay vào hòn than đó, nhưng bé Natasa lại muốn sờ? Ta bảo cho nó là đừng sờ vào, vì than nóng. Nhưng Natasa mới lên hai và nó không hiểu nóng nghĩa là gì? Giải thích như thế nào bây giờ? Thôi, thì cứ để cho nó cầm lấy hòn than, để cho nó bị bỏng và khóc một tí vậy. Điều đó không có gì đáng sợ, nhưng nhờ thế mà nó tin vào lời khuyên của chúng ta... Cứ như thế trong mọi trường hợp. Nếu bố nói là không nên thì các con nên nghe lời bố. Ông cụ suy nghĩ như vậy có đúng không?

- Chắc là đúng. - Nina tán thành và cô đỏ mặt, nói thêm: - Nhưng mình thì chẳng bao giờ bị phát cả.

- Mình biết rồi. Bạn bị mắng chứ gì? - Tania cười khẩy nói:

- Theo mình bị mắng thì còn khổ hơn. Chả được cái tích sự gì. Ba mẹ mình cũng hay mắng. Hễ cứ bắt đầu trách móc thì phải kéo hàng nửa tiếng...

Tania chống tay ngồi dậy nhưng không cẩn thận nên cô bỗng nhăn mặt vì quá đau đớn. Sự đau đớn đó thể hiện trên nét mặt của Nina.

- Tội nghiệp Tania quá... - Cô bỗng thốt lên.

- Không sao đâu. Chúng ta vẫn sống có chết đâu mà sợ! Cái món xương thế mà đau ghê. Còn đau hơn cả da hay bắp thịt. - Tania mỉm cười trả lời bạn. Tiếng nhạc đâu đây vọng lại. Hai cô lắng nghe. - Nina đã học chơi dương cầm nên cô hiểu biết nhạc.

- Bài gì thế nhỉ? - Tania hỏi.

- Tác phẩm gì có vẻ mới. Mở đài nhé?

- Thôi không cần đâu. Nina này, thế bạn có thích nhạc không?

- Thích. Nhưng mình thích loại nhạc cổ điển, các chủ đề buồn hay trang trọng và hoàn toàn không thích loại nhạc vui. Sao thế nhỉ?

- Đó là sở thích của bạn chứ sao.

- Mình cho rằng, loại nhạc vui chỉ có thể đồng cảm với trạng thái con người, còn nhạc buồn có khả năng biến đổi trạng thái con người kia. Bạn có đồng ý thế không?

- Mình chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề đó.

- Thế nhạc vui không làm cho bạn bực mình ư? Thí dụ, trên đài truyền nhạc vui mà lòng bạn lại thấy buồn chẳng hạn?

- Nina, thế bạn có hay buồn không?

- Mình hay buồn lắm - Cô gái thú nhận và lại đỏ mặt. - Khoảng hai năm cuối đây mình thường hay buồn. Chính mình cũng không biết tại sao nữa...

- Tuổi dậy thì mà? - Tania tuyên bố ra vẻ lắm. - Bạn đang từ một em bé gái biến thành một cô gái. Bạn có những suy nghĩ mới và những đòi hỏi mới của tâm hồn. Bố mình vẫn thường nhắc nhở là trong giai đoạn này cá tính của chúng ta sẽ hình thành và chi cần một sự ngẫu nhiên không đáng kể nào đó có thể đảo lộn tất cả trong lòng chúng ta và để lại dấu vết mãi mãi về sau này...

- Lẽ nào bác Andrei Petorovich lại nói thế? - Nina ngạc nhiên hỏi.

- Đúng là bố nói mà. Thế sao cơ?

- Không sao cả... hỏi thế thôi.

Mẹ Tania về và cắt ngang câu chuyện của đôi bạn.

- Thế nào, Tania, con cảm thấy trong người ra sao? - Bà mẹ lo lắng hỏi.

- Nếu con không cựa quậy thì không sao cả mẹ ạ.

- Cố gắng đừng cựa chân nhé. Bác xin lỗi Nina nhé, hình như bác quên chào cháu thì phải. - Bà mẹ nói và bắt tay Nina, sau đó quay về phía con gái: - Con đã ăn gì chưa?

- Con chẳng muốn ăn mẹ ạ.

- Lại bắt đầu đấy!... Cứ ăn rồi sẽ thấy ngon miệng. Mẹ mang đến ngay bây giờ!

Bà mẹ bước ra, nhưng Nina lại không muốn tiếp tục câu chuyện vừa bị ngắt quãng. Cô lấy sách ra và bắt đầu giảng bài cho bạn.