Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 06
BÍ MẬT CỦA TUỔI TRẺ
Chị Nina Cuzminisna Crưlova là cán bộ quản trị, phụ trách một ngôi nhà lớn, lúc nào cũng bận rộn, cho nên Rita chỉ có thể nói chuyện được với mẹ hằng ngày vào buổi sáng. Hai mẹ con ngủ dậy cùng một lúc, nhưng chị không có thì giờ để trò chuyện với con gái về những đề tài quan trọng. Chị chăm chú trang điểm cho mình từng li từng tí, mong giữ lại cái vẻ đẹp đang tàn. Và giờ đây, vừa ướm tóc, chị vừa kể chẳng hiểu để cho cái gương hay cho Rita nghe:
- Đằng nhà chỗ làm việc, trong số các hộ sống ở đấy, có một anh bác sĩ trẻ giỏi nổi tiếng. Hôm qua anh ta đến phòng làm việc xin đăng kí hộ khẩu cho em gái và tiết lộ một điều bí mật rất lí thú về cách làm cho da dẻ được mịn đẹp. Chả hiểu anh ta nói những chuyện khoa học gì về chất lòng trắng trứng và chất mỡ, về những tế bào gì gì ấy... Đại khái là buổi tối trước khi đi ngủ nên lấy lòng trắng trứng bình thường xoa lên mặt và sáng sớm dậy thì rửa mặt bằng rượu. Đơn giản mà lại rẻ tiền. Anh ta bảo loại thuốc công hiệu này gọi là “Bí mật của tuổi trẻ.”
Rita đã sửa soạn đi đến trường nhưng còn nấn ná lại.
- Mẹ ơi, mẹ hứa là đến tết may cho con một chiếc áo dài.
- Mẹ hứa thế bao giờ? Con đừng có mà bịa… chuyện đấy nhé. Sao mẹ lại có thể hứa...
- Mẹ dễ quên thế. - Rita ấm ức nói.
- Mẹ chả mới may cho con áo dài là gì?
- Nhưng mà, đấy là áo dài đồng phục của học sinh! Còn mẹ hứa là hứa cho con áo để mặc đi chơi ngày nghỉ cơ mà!
- Thế thì mẹ lấy đâu ra ngần ấy tiền! Mẹ sẽ không đời nào lại đi ăn cắp cho con đâu!
- Thế thì để cho ai ạ? Để cho mẹ đấy à?
- Rita, không được hỗn! Đừng có mà trông chờ áo dài mới. Cần thì có thể chữa áo của mẹ mà dùng vậy.
- Áo xanh, mẹ nhé, - Rita nhắc luôn.
- Gớm nhỉ!... Có quá đáng không đấy? Cái áo ấy bằng hàng sa-tanh cơ đấy!
- Mẹ mặc áo ấy trông già đi, mẹ ạ. Đằng nào thì mẹ cũng sẽ chẳng dùng đến nó cơ mà.
Chị ngoảnh cổ lại, chăm chú nhìn con gái, nhưng Rita tỏ ra rất nghiêm chỉnh.
- Thôi, con đừng có mà giở trò láu cá với mẹ nhé. “Trông già đi…” Ai bảo con cái điều vớ vẩn ấy?
- Chẳng ai bảo con cả, nhưng cái đó thì ai mà chẳng thấy? Mặc cái áo xanh nào, trông mẹ như một bà đứng tuổi, bệ vệ ấy.
- Ồ, lạ nhỉ! Bà đứng tuổi, bệ vệ! Thì mẹ cũng phải bệ vệ chứ. - Chị phản đối một cách yếu ớt.
- Bệ vệ nhưng không đứng tuổi…
- Thôi đủ rồi, Rita ạ! Đừng làm cho mẹ bực mình nữa. Ừ, thế con cần cái áo dài mặc tết để làm gì nào?
- Con sẽ hát… Nói chung, con không có mặc để biểu diễn...
- Để biểu diễn con đã có cái áo màu da trời... Một cái áo dài rất đẹp và con mặc vào trông vừa xinh, - người mẹ nói rồi bỗng dưng nhượng bộ: - Ừ, thôi được. Để mẹ xem sau...
Rita suýt nữa nhảy cẫng lên vì sung sướng. Thế là cô ta đã có thể coi cái áo dài sa-tanh như là của mình!
Trên đường tới trường cô bỗng nhớ đến câu chuyện “Bí mật của tuổi trẻ” và đâm ra suy nghĩ. Mà có lẽ cũng nên thử cái cách làm này xem sao. Hay đây chỉ là chuyện tào lao mà cái anh chàng bác sĩ kia trêu mẹ mình nhỉ?... Rita định bụng sẽ kiểm nghiệm “Bí mật của tuổi trẻ” bằng cách xui con bé Larisa Trikhonova nhẹ dạ làm thử.
Giờ ra chơi, Rita kéo bạn mình đến bên cửa sổ ngoài hành lang và ngắm nghía nhìn khuôn mặt Larisa một hồi lâu. Trên mặt Larisa chẳng hề có lấy một nếp nhăn, một cái mụn trứng cá hay thậm chí một vết tàn hương, nhưng Rita vẫn lắc đầu tỏ vẻ thương hại. Cô nói:
- Larisa này, da mặt bạn làm sao ấy. Bạn nên chữa đi thì phải...
- Làm sao hả, Rita? - Cô gái hoảng sợ hỏi.
- Trông nó nhăn nheo, sần sùi thế nào ấy, màu da thì xấu lắm. Mình biết cách làm cho da đẹp và mịn rồi.
- Rita bảo mình đi nào!
- Bí mật, bạn lại lộ ra thì có mà chết.
- Mình thế đấy!
- Thôi được. Nhưng mà cấm không được cho ai biết đấy nhé!... có một ông bác sĩ tiết lộ với mẹ mình điều bí mật này mình cũng định làm thử xem sao. Rất đơn giản mà lại rẻ tiền. Lấy trứng gà bỏ phần lòng đỏ, giữ lại lòng trắng để tối trước khi đi ngủ thoa lên da. Sáng dậy lấy rượu rửa đi... Da sẽ đẹp, sẽ nhẵn và mịn.
- Kiếm đâu ra rượu được?
- Nếu không có rượu thì rửa bằng nước xà phòng cũng được - Rita nghĩ ngay một câu trả lời.
Câu chuyện vừa qua làm cho Larisa thấy xốn xang trong lòng. Cô định bụng sẽ thử “Bí mật của tuổi trẻ” nhưng trước hết hãy hỏi ý hến của Svetlana và Nina về da mặt của mình. Cả hai cô bạn đều nói rằng da mặt của Larisa bình thường, chẳng thấy có gì đặc biệt cả. Thật là kì lạ, nhưng câu trả lời này làm cho cô càng quyết tâm làm hơn. Cô cảm thấy trong ý kiến của bạn mình như không thành thực và ngờ rằng họ không muốn làm cho cô buồn phiền.
Tối hôm ấy, sau khi đã làm xong bài vở, trước khi đi ngủ, Larisa lấy trứng đập và tách riêng lòng trắng ra một cái đĩa con, không ai ngăn cản cô. Mẹ cô còn đi làm, còn bà thì cô vốn không nghe ý kiến của bà bao giờ.
- Larisa ơi, làm gì đấy cháu? - Bà cụ ngừng tay đan, đến gần bàn hỏi Larisa.
- Bà không trông thấy hay sao? Trứng gà đấy.
- Cháu định nấu nướng gì vậy?
- Không phải, đây là thí nghiệm bà ạ. Bọn cháu vừa học phân chất an-bu-min trong môn hóa, vì thế cho nên phải làm thí nghiệm.
- À ra thế! Thí nghiệm gì đấy cháu?
- Thôi, bà để cho cháu yên nào.
- Trứng tươi đấy chứ?
- Vâng, trứng tươi. - Larisa trả lời, nhưng nhân tiện cô cũng ngửi thử.
- Thôi cháu học đi, học đi. Cố mà học cho khôn lớn - bà Larisa hiền hậu trả lời và lại tiếp tục đan. - Dạo còn con gái, bà là rất hay tò mò để ý. Cái gì cũng muốn biết... cái gì cũng hỏi tại sao, như thế nào. Đến bây giờ bà cũng vẫn nghĩ thế... Thí dụ cái đồng hồ chẳng hạn. Người ta nghĩ ra cái đồng báo thức có bánh xe, ừ thế tại sao còn gà sống không cần đồng hồ báo thức vẫn biết giờ giấc? Cứ đến lúc là nó gáy, không sớm hơn, không muộn hơn, mà cứ rất chính xác, đúng lúc. Cháu có biết không, hả Larisa?
- Thôi bà đừng làm phiền cháu nữa!
- Ừ, thôi thôi. Bà thôi đây.
Bà ngoại im lặng. Những ngón tay lanh lẹ đưa đôi kim đan thấp thoáng. Trông thấy đứa cháu gái đang lấy tay xoa lòng trắng trứng lên má, bà ngẩng đầu lên ngạc nhiên:
- Sao cháu lại làm hỏng da mặt thế kia?
- Bà chẳng hiểu gì hết? - Larisa bực dọc đáp. - Cháu đã bảo với bà đây là thí nghiệm mà lại.
- Giá lần đầu cháu thử lấy mèo mà thí nghiệm có phải hơn không?
- Mèo không có da.
- Sao lại không có! Dưới lớp lông mèo là da chứ gì.
Larisa chẳng buồn nghe bà già “hay tò mò” như cô thường thầm gọi bà ngoại của mình. Xoa nốt lớp lòng trắng trứng còn lại lên mặt, cô đi ngủ. Để không làm bẩn gối, Larisa đành nằm ngửa.
Sớm hôm sau, Larisa tỉnh dậy vì đau và khó khăn lắm mới mở được mắt. Lòng trắng trứng đã khô, làm cho da mặt căng lên. Tay còn chưa việc gì, nhưng trên mặt thì một lớp lòng trắng trứng đã khô cứng tạo thành một lớp vỏ rất chắc dính chặt vào da và vì vậy không một thớ thịt nào có thể động đậy được. Larisa chồm dậy và vội cạo nó đi. Nhưng nào có phải chuyện dễ. Lòng trắng trứng bám rất chặt vào da. Choàng vội chiếc áo khoác và gần như phát khóc lên, cô chạy vội ra vòi nước. Cô lấy xà phòng rửa, rồi lấy cả tro để cọ, nhưng tất cả đều vô hiệu, nước lạnh không thể nào rửa sạch lớp lòng trắng trứng đã bám chắc vào da. Da mặt bị căng ra, và Larisa có cảm tưởng như mình càng rửa bao nhiêu thì lớp vỏ bám ngoài càng trở nên cứng thêm. Đành phải thắp bếp dầu lên và cấp tốc đun nước sôi.
“Chắc là con Rita cố tình xỏ mình! Vớ ngay được một đứa ngu mà!” - Larisa vừa đun nước, vừa nghĩ vậy về bạn mình. Nước mắt tuôn trào trên mặt cô. Vừa đau, vừa tức, nhưng lại chẳng dám thổ lộ với ai về cái chuyện khờ dại ngu ngốc của mình.
Nước nóng quả là có tác dụng, nhưng cái cảm giác da bị căng lên và lớp màng cứng trên mặt suốt ngày vẫn ám ảnh cô...
Hôm qua, trời trở lạnh, làm cho đường phố Leningrad khô đanh lại. Học sinh tề tựu đến trường sảng khoái, vui vẻ, má đỏ hồng.
Người ta có cảm tưởng như mùa đông đã đến và chẳng ai muốn nghĩ đến những cơn gió ấm sẽ lại đưa về cái ẩm ướt. Nếu thời tiết này còn tiếp tục thì chắc chắn các sân trượt băng sẽ mở cửa.
- Svetlana ơi, chủ nhật bạn định đi đâu? - Lida hỏi bạn khi cô gặp bạn ở dưới phòng gửi áo ngoài.
- Mình chưa biết.
- Đi trượt băng đi!
- Bạn nghĩ là người ta sẽ mở cửa hay sao? - Svetlana hỏi bạn với một niềm hi vọng sung sướng.
- Nhất định sẽ mở chứ. - Lida quả quyết đáp. - Nha khí tượng đã dự báo là trời sẽ lạnh đến mười lăm độ âm. Bạn có biết thế là thế nào không! Ta đi sáng chủ nhật nhé. Bây giờ băng mới, trượt tốt... đến nhà mình rồi cùng đi.
- Nếu mình đi thì không đi một mình đâu. Tốt nhất là ta gặp nhau ngay trên sân băng.
Lida hơi nheo mắt, má ửng hồng:
- Thế bạn định đi với ai đấy? Có đông không? - Cô thờ ơ hỏi - Mình đi với anh mình. Có khi Aliosa cũng sẽ đến đây.
- Được, đến ngày thứ bảy sẽ thỏa thuận.
Trên đường đến trường Larisa gặp Catia. Thế là quên lời thề danh dự, cô kể cho Catia về “Bí mật của tuổi trẻ” và về những điều khổ sở của mình. Catia cười suốt đường đi.
- Cười đi, cứ cười đi... - Larisa bực mình nói. - Bạn cứ thử xoa lên mặt mình mà xem, chắc chắn bạn chẳng cười như thế đâu. Còn cái Rita rồi sẽ biết tay mình...
- Sao lại thế! - Catia ngăn cô lại. - Điên à! Ngược lại! Bạn cứ bảo với nó là một chuyện đều tốt đẹp cả! Bạn hiểu chứ? Cứ làm như bạn rất thú vị và cứ khen đi. Cứ cười, cứ khen, thậm chí cảm ơn nó nữa. Lúc bấy giờ tự nó sẽ thử làm lấy cho mà xem.
- Theo ý bạn thì nó sẽ tự xoa mặt hay sao? - Larisa ngờ vực hỏi.
- Tất nhiên là nó sẽ tự xoa? Bạn tưởng nó đùa bạn đấy à? Không phải thế đâu. Nó muốn thử. Cứ tin mình! Mình không biết nó hay sao?
Thế là Catia cười vang. Cô tưởng tượng con bé Rita láu cá sáng ra tỉnh dậy với cái mặt bị căng da ra và sẽ không thể nói lên được một lời. Larisa cũng cười to.
Nhờ xoa xát nhiều lần da mặt Larisa được rửa sạch có một màu hồng dễ chịu. Khi Rita bước vào lớp và trông thấy bạn, cô để ý thấy ngay.
- Bạn đấy à, Larisa?
- Rõ, mình làm rồi - Cô gái trả lời với một nụ cười thỏa mãn.
- Hôm nay mình cũng sẽ làm!
- Nào, đi ra ánh sáng đi.
Họ đi ra phía cửa sổ. Rita chăm chú nhìn khuôn mặt Larisa, lấy ngón tay sờ sờ trên má bạn và rất hài lòng.
- Bạn thấy thế nào? - Larisa hỏi.
- Theo mình, có tác dụng tốt lắm. Thế lúc rửa thì cũng dễ chứ?
- Ừ... Ừ... Ngay rửa nước lạnh thì cũng sạch ngay.! - Larisa cố trả lời với thái độ là vững tin. - Mình còn khuyên cả bà mình nữa cơ mà...
Suốt ngày Larisa và Catia nhìn nhau và cả hai phải cố ghìm mình để khỏi phì cười.
Sau giờ học, Catia giữ Tamara và Jenia để trao đổi. Cứ đến cuối tuần cả ba bao giờ cũng chuẩn bị và bàn bạc nội dung bản tin số mới.
- Các bạn ơi, bản tin của ta lần này sẽ rất buồn cười... Mình đã có hai chuyện... - Catia xoa xoa tay nói.
- Thế thì tốt, nếu không thì chúng mình chết mất! - Tamara nói. - Nào, nói đi!
- Chúng mình chẳng chết đâu. Tamara ạ. Chẳng qua là chúng mình kém quan sát thôi, - Catia nói trách móc. - Nếu mà đào sâu vào tình hình lớp thì ở mỗi bạn nữ sinh ta có thể tìm thấy tài liệu đủ cho cả một số họa báo châm biếm “Cá sấu.” Chẳng qua là chúng mình không biết cách nhìn, không biết cách quan sát, không biết cách nhận xét.
- Nhìn mãi hóa quen đi mất rồi. Bạn thử nói cho mình nghe xem, thí dụ như tại sao Nadia khóc? Bạn định làm phóng viên trong tương lai, và nếu như không phải là “kĩ sư” thì cũng là “cán bộ kĩ thuật” của tâm hồn. Bạn thử giải thích đi xem nào!
Tamara nhún vai ngẫm nghĩ, rồi hóm hỉnh nhìn Catia đang cười và lại nhún vai:
- Mình biết là nó cãi nhau với Ania. Thế thôi.
- Đấy đấy. Thế gọi là thái độ hình thức chủ nghĩa đối với vấn đề đấy. Bạn bị ba điểm luận thật là đáng đời. Thế nào là cãi nhau? Có lí do nào không?... Phải đi sâu nghiên cứu...
Thế là Catia kể lí do của vụ cãi nhau.
- Cái đó không tiêu biểu, - Tamara phản đối để gạt bỏ những lời trách móc mình là thiếu con mắt quan sát.
- Thế nào là không tiêu biểu? - Jenia phẫn nộ hỏi. - Mê tín là không tiêu biểu ấy à? Khối người thế? Đến người lớn... Ngay cả đàn ông cũng còn tin vào điềm lành dữ nữa là!
- Đàn ông thì liên quan gì đến chuyện này?
- Đấy nhé... Bạn lại một lần nữa chứng tỏ rằng bạn sẽ là một nhà báo tồi, - Jenia nói. - Sao bạn lại không hiểu được rằng nếu như người lớn tin vào điềm lành dữ thì con cái họ lại càng mê tín hơn? Trẻ con học ai trước hết?
- Thôi các bạn ơi, mình nghĩ chẳng có gì phải tranh luận. Nếu những hiện tượng ấy có thì phải đấu tranh chống lại! - Catia nói.
- Thế sao bạn lại cho là phải đưa vấn đề này vào bản tin? Bản tin gọi là “Chúng ta sẽ học tập thật đẹp” tự dưng lại đưa cái chuyện mê tín dị đoan vào đây, - Tamara bướng bỉnh vẫn chưa chịu thua. - Chuyện ấy thì dính dáng gì đến việc học tập cơ chứ?
Jenia phát bực mình:
- Bạn thế mà cũng đòi… Rõ thật là... Thôi được! Đây, mình sẽ giải thích cho bạn rõ. Bạn biết bọn trẻ con có một thói quen tin như thế này: muốn được điểm năm[36] thì bỏ đồng năm xu vào giày hoặc tìm tàu điện số năm mà đi. Như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng nó không tin vào cái đầu của mình, mà lại trông cậy vào đồng năm xu, chúng nó sẽ học bài kém đi. Cái đó có dính dáng gì đến việc học tập hay không? Vả lại, chúng ta vẫn chả nói rằng phẩm chất đạo đức của người đoàn viên có ảnh hưởng đến học hành là gì? Những mặt tiêu cực sẽ có ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng lẽ phải bắt đầu tất cả lại là từ đầu ư?...
[36] Thang điểm ở Liên Xô điểm năm là điểm cao nhất.
- Thôi, anh tranh luận đủ rồi. - Catia ngăn lại. - Gì thế Tamara? Cứ như có ai cắn bạn không bằng! Tiết mục thứ hai của ta sẽ buồn cười hơn. - Thế là Catia bắt đầu kể chuyện về “Bí mật của tuổi trẻ.”
Ba cô gái cười mãi khi tưởng tượng cái cảnh Larisa tội nghiệp lấy tay cào da mặt mình... Bằng “cát,” bằng “bàn chải,” thậm chí Tamara còn bịa ra là bằng “giấy nháp” nữa.
- Chuyện này để mình viết cho, - Tamara nói. - Đây sẽ là tác phẩm trào phúng và mình sẽ nghĩ thêm một cái gì đó...
- Mình không phản đối, bạn cứ viết đi, nhưng bạn định viết về ai đấy? - Catia nheo mắt hỏi.
- Viết về ai là thế nào? Tất nhiên là viết về cái Larisa chứ còn gì?
- Không, các bạn ạ? - Jenia tham gia. - Không nên giễu cợt Larisa. Các bạn xem, nó đang rất cố gắng vươn lên trong tất cả các môn. Giễu cợt nó thì chúng mình sẽ làm nó mất hết cả nhiệt tình.
- Ừ, không nên viết như thế về Larisa, - Catia nói.
- Cái “đơn thuốc” này do Rita xúi nó cơ mà...
- Mình đồng ý. Do Rita xúi thì viết về Rita. - Tamara vỗ tay xuống bàn, thở dài nói: - Chà chà, giá mà có một bức tranh biếm họa...
- Các bạn này, tại sao bọn mình không hề bao giờ viết về Valia nhỉ? - Theo mình ta có cái đề viết về nó đấy...
- Nhưng mà nó có kí tên vào tờ “Lời hứa” đâu, - Tamara phản đối.
Catia nói:
- Vấn đề có phải ở chỗ ấy đâu! Với Valia thì phải thận trọng hơn. Thầy Constantin Sergheevich khuyên chưa nên động đến nó. Cứ để cho nó suy nghĩ xem xét. Đừng nên làm cho nó phải bực tức. Biết đâu nó lại chẳng nghĩ lại.
- Nhưng mà, các bạn ạ, tình trạng hiện nay thật kì quặc, - Jenia nói với thái độ buồn bã. - Lúc nào nó cũng đứng ngoài mà phê bình nhạo báng.
- Thì mặc kệ nó! - Tamara nói.
Catia phản đối:
- Không, không thể mặc kệ được! Nên thử nói chuyện đúng đắn với nó xem sao. Nó không chịu nhận khuyết điểm của bản thân bao giờ vì nó tự ái, nhưng ta cần phải giúp đỡ nó. Phải tạo điều kiện cho nó sửa chữa khuyết điểm chứ...
- Đúng đấy! - Jenia đồng ý. - Các bạn này, hay là bọn mình đến thăm gia đình nó, cứ coi như là không có chuyện gì xảy ra, ta tâm tình trò chuyện với nó...
- Một đề nghị hay đấy, - Catia tán thành. - Nhưng mà cần phải có lí do...
- Bạn nói tiếp đi, nói tiếp đi, - Tamara thúc.
- Thì hãy khoan nào! Vấn đề rất là hệ trọng, - Jenia ngăn bạn. - Catia ạ, bạn biết không, ta nên giao cho nó một công tác nào đó của tập thể...
- Các bạn ơi, nói chuyện Valia thế đủ rồi, - Tamara nói. - Chúng mình đang thảo luận về bản tin cơ mà.
- Ừ, thôi được, - Catia đồng ý. - Ta sẽ bàn sau. Đã có hai chủ đề. Còn gì nữa?
Tiếp đó phải nói đến bạn, - Jenia vừa nói vừa lấy ngón tay làm như khẩu súng lục chĩa vào Catia.
- Mình ấy à? Tại sao thế nhỉ?
- Vì cái tội hôm thứ ba bạn dám đến khu Đoàn chậm những hai mươi phút. Nào, có đúng không?
- Mình không thanh minh. - Catia nói. - Các bạn cứ viết.
- Đúng đấy! - Tamara mừng rỡ reo. - Đã gọi là tự phê bình thì phải tự phê bình. Đối với bản thân bọn mình lại càng phải nghiêm khắc hơn là đối với người khác!
- Toàn những chuyện khuyết điểm cả... - Jenia thở dài - Phải nói về ưu điểm nhiều hơn mới phải chứ. Trước hết mình đề nghị tuyên dương Ania và Svetlana. Chà, chà, các bạn này, các bạn có biết mình ước ao cho chúng nó tốt nghiệp được huy chương vàng biết chừng nào không! Nhất là cái Svetlana. Như thế mới công bằng chứ.
- Đúng, Svetlana rất xứng đáng, - Catia đồng tình - Cũng cần viết cả về Tania. Nó bị ốm nhưng vẫn chịu khó học, không chịu thua kém bọn mình. Điều ấy cần chú ý.
- Đúng thế! - Jenia hưởng ứng. - Và nhất định phải biểu dương cả Larisa. Các bạn xem dạo này nó học tiến bộ không! Hình như đã có một chuyển biến quan trọng.
- Nghĩa là nói đến cả Rita - Tamara nói. - Nó cũng có tiến bộ nhất định. Nhưng nếu chúng mình biểu dương mấy người ấy thì cũng nên biểu dương mấy cái “tàu kéo” nữa chứ.
- Vấn đề “tàu kéo” phải để riêng. Lớp mình chẳng những có những “tàu kéo” được phân công, mà còn có cả những “tàu kéo” tự nguyện xung phong. Nhiều đứa giúp nhau lắm, - Catia nói.
- Thí dụ xem nào? - Tamara hỏi.
- Bạn không biết hay sao mà còn phải hỏi! - Catia tỏ vẻ không hài lòng đáp - Ania giúp Nadia, bạn giúp Lida…
- Đây không phải là giúp đỡ, mà là tác động qua lại của các bộ phận, - Tamara phản đối đùa. - Mình đề nghị chuẩn bị thật kĩ về vấn đề những “tàu kéo” và tách riêng ra thành một bản tin.
Đề nghị được chấp nhận. Nửa giờ sau, bản tin đã được chuẩn bị xong, nhưng trước khi ba cô rời lớp học về nhà, Catia còn kể một tin mới thú vị.
- Hôm qua Hội đồng giáo viên quyết định giao cho mỗi lớp phụ trách một buổi liên hoan văn nghệ thành nếp thường xuyên từ nay về sau. Lớp 10 phụ trách đêm liên hoan Tết, khối lớp 9 lo buổi văn nghệ mừng Cách mạng tháng Mười, khối lớp 8 chuẩn bị buổi buổi diễn mừng ngày mồng một tháng năm.
Các bạn có hiểu như vậy nghĩa là thế nào không? - Catia hỏi với thái độ ám chỉ nhiều ý nghĩa và tự trả lời ngay: - Như vậy có nghĩa là sẽ trở thành truyền thống! Bọn nó sẽ bắt đầu chuẩn bị cho đêm văn nghệ của mình từ năm lớp 7.
- Khoan đã nào, Catia... Nhưng như thế là bọn mình sẽ phải chuẩn bị, vì đêm liên hoan đầu tiên sẽ do chúng mình phụ trách phải không? - Jenia hỏi.
- Đúng thế!
Tamara ngạc nhiên huýt sáo lên, và nói.
- Thật là tuyệt diệu? Thế mà thời gian thì lại chẳng còn là bao. Chúng mình còn kịp làm gì đây?
- Đừng lo, chúng mình sẽ làm thôi! Chúng mình sẽ chuẩn bị một đêm liên hoan văn nghệ hay để cho nó sẽ trở thành một đêm liên hoan mẫu mực cho tất cả các đêm liên hoan văn nghệ khác.