Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 12 - Phần 2

Lida đứng dậy, mặt hơi tái đi. Đoạn cô nói với lớp.

- Nói chung, Ania nói đúng, nhưng theo tôi đề nghị của bạn ấy là hơi vội. Các bạn hãy nhớ lại xem Đoàn đã dạy ta những gì. Chúng ta phải đấu tranh giành lấy từng người. Đấu tranh một cách kiên trì, nhẫn nại. Chúng ta phải giáo dục con người chứ không phải vứt bỏ họ đi... Vứt bỏ họ thử hỏi có gì đơn giản bằng? Vất bỏ có nghĩa là chúng ta công nhận sự bất lực của mình, nếu không thì cũng là công nhận sự bất tài...

- Thế bạn tưởng chúng ta chưa gắng giáo dục sao? - Catia hỏi.

- Chưa đủ! Phải tiếp tục nữa. Đây, bạn ấy đang ngồi suy nghĩ về điều gì đấy. Ta phải hỏi bạn đó xem. Valia, tại sao lại có chuyện như vậy? Bạn hãy nói thật và nói thẳng ra xem ai là người có lỗi? Bạn có lí do nào? Các bạn ạ tôi, tôi không bảo vệ Valia, nhưng tôi thấy, trước khi quyết định ta phải cân nhắc và suy nghĩ hết mọi nhẽ đã. Chẳng gì chúng ta cũng đã là người lớn.

- Bạn có đề nghị gì? - Catia hỏi.

- Để cho Valia phát biểu, - Lida đáp và ngồi xuống.

- Có ai bịt miệng bạn ấy đâu. Valia, lớp muốn nghe những lời giải thích của bạn, - Catia nói.

Valia đứng dậy.

- Tôi biết nói gì bây giờ... - Vất vả lắm Valia mới bắt đầu được. - Cả lớp chống lại tôi... Nếu tôi phải xin lỗi tôi cũng không biết phải xin lỗi ai, và tôi cũng không hiểu mình đã phạm tội gì. Nếu vì tôi không chịu kí vào bản “Lời hứa.” Nhưng việc ấy là tự nguyện cơ mà... Cũng được... Nếu người ta bắt kí thì tôi kí, chuyện ấy chẳng có gì...

- Đừng có mà nói bậy nói bạ! - Ania buột miệng thốt lên.

- Đấy các bạn thấy chưa! Tôi nói bậy bạ gì nào?

- Để yên cho bạn ấy nói, - Catia nghiêm khắc đề nghị.

- Phải chăng tôi có khuyết điểm vì đã nói với Svetlana những gì người khác nói về bạn ấy? Có phải tôi nói đâu!

- Thế ai nói? - Svetlana hỏi.

- Hừ, thiếu gì người nói... Tôi không muốn làm những trò mách lẻo và đơm đặt chuyện. Tôi không có thói quen phản bạn!

- Ấy thế mà bạn lại đi tâu với cô Marina Leopoldlovna hết mọi chuyện đấy, lại còn thêm muối thêm mắm vào nữa chứ! - Tamara nói.

- Điều ấy là ngoại lệ, vì cô Marina Leopoldovna là cô giáo của chúng ta.

- Nhưng bạn lại đến khóc lóc, than phiền với cô ấy.

Catia nghiêm khắc nói:

- Thôi đi, Tamara! Cô Marina Leopoldovna không có liên quan gì vào đây cả. Và cũng đừng có cãi cọ tay đôi nữa. Valia bạn nói tiếp đi.

- Các bạn có thể buộc tội gì tôi cũng được, có điều là chẳng ai tin đâu. Các bạn không có bằng chứng gì hết? - Valia bỗng tuyên bố.

- Chúng tôi cần bằng chứng! - Ania nói.

- Các bạn vung tay quá trán đấy! Các bạn không có quyền khai trừ tôi... Không ai cho phép làm như vậy. Nhà trường sẽ không cho phép các bạn!

- Lại nói dớ dẩn rồi! - Ania tức giận thốt lên.

- Biết làm thế nào được? Như vậy có nghĩa là tôi ngốc, còn bạn thì thông minh!

Ania say sưa nói tiếp:

- Chuyện bàn hôm nay không phải là về nhà trường mà là về tập thể của chúng ta. Mà ở đây chúng ta là chủ nhân.

- Nói vào vấn đề đi. Valia phát biểu tiếp đi. - Catia nhắc.

- Tôi đã nói là tôi không hiểu phải thanh minh gì. Tự mình bày ra trò hề mà không biết là muốn gì!

Nói xong câu đó Valia ngồi xuống. Lúc này cô đã hoàn toàn bình tĩnh chẳng khác gì những lần ở nhà bị mẹ la mắng.

- Tamara, bạn nói đi.

Tamara bắt đầu và chỉ tay về phía Valia:

- Đấy! Bây giờ thì các bạn đã nghe rõ cả rồi! Theo bạn ấy thì tất cả những gì xảy ra ở đây đều là trò hề! Bạn ấy thậm chí còn không hiểu là tại sao người ta nói về bạn ấy! Làm như mình là một con cừu non rơi vào giữa đàn sói. Mẹ không cho phép đỡ đầu bạn học kém. Còn bố thì chắc là cấm bạn ấy kí tên vào bản “Lời hứa.” Bạn ấy nói những điều thối tha với Svetlana rồi lại đổ cho người khác... Đồ dối trá! Dối trá một cách trắng trợn! Trong hàng ngũ của chúng ta không có kẻ hèn hạ chuyên đi bày đặt chuyện. Chính bạn bịa đặt ra chuyện đó và tôi biết tỏng là để làm gì rồi. Bạn muốn làm cho Svetlana và Lida xích mích nhau hoặc giả là muốn làm cho Svetlana nghi ngờ chúng tôi. Đích thị là như vậy rồi... Bạn đã có tính toán cả rồi! Có điều là bạn đã tính lầm...

- Bạn có đề nghị gì? - Catia hỏi.

- Các bạn ạ, ta giữ ý như vậy là đủ lắm rồi! Đã đến lúc phải hành động. Tôi đồng ý khai trừ. Ý kiến của Ania rất đúng. Khi mà bạn ấy chưa tự mình hiểu thấu cái biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong từng bước đi, từng lời nói và tự khắc phục nó thì đừng có hi vọng nói gì được với bạn ấy. Mà chắc cũng chóng thôi. Hiện giờ bạn ấy đã có một điểm ba về môn văn học, điểm hai về môn lượng giác... Chớ nên quên một điều rằng việc đó không phải là tình cờ. Bao giờ bạn ấy nhận thức được sức mạnh của tập thể, bạn ấy khắc tìm đến chúng ta. Và lúc ấy ta lại sẽ nói thẳng ra với nhau một lần nữa!

- Nếu tôi không tìm đến thì làm gì nhau? - Valia hỏi, vẻ thách thức.

- Nếu không đến... Chúng tôi cũng không cần. Chúng tôi không van nài đâu... Cứ để cho trường đại học lo liệu cho bạn. Việc gì mà ta cứ bàn cãi mãi! Không có bạn ấy ta cũng còn khối việc phải làm! Catia, bạn cho biểu quyết đi.

- Sao, còn ai có ý kiến nữa không? - Catia hỏi, đưa mắt nhìn thầy Constantin Sergheevich nhưng ông lắc đầu.

Trong lớp đã nhìn thấy cái lắc đầu từ chối ấy và thế là mọi người nhao lên:

- Thôi đủ rồi!

- Lấy biểu quyết đi!

- Vậy thì tôi lấy biểu quyết, - Catia nói. - Ai đồng ý khai trừ Valia khỏi tập thể chúng ta, đề nghị giơ tay.

Cô đưa mắt nhìn lớp. Mọi người ngồi trang nghiêm cau có, nhưng không một ai, kể cả Lida, là không giơ tay.

- Nhất trí hoàn toàn!

- Trừ một người bỏ phiếu trắng. - Valia nói, vẫn cố gượng cười. - Tôi cũng phải được tính chứ!

Câu nói đó làm cho cả lớp phật lòng. Lúc này mà Valia vẫn còn đùa được, hơn nữa là đùa trước mặt thầy Constantin Sergheevich!

- Ôi, các bạn ơi, bạn ấy điên rồi? - Nadia buột miệng kêu lên.

Nghĩa là Valia sẽ biết ý và ra khỏi lớp, Catia đợi thêm một phút, nhưng cô học sinh đã bị khai trừ vẫn ngồi yên sau bàn học của mình, làm như không có gì xảy ra cả.

- Valia Belova, đề nghị bạn ra khỏi lớp! - Chủ tịch phiên họp nhắc.

- Tại sao? - Valia hỏi lại. - Tôi dự họp lớp, chưa ai đuổi tôi khỏi trường này!

Tamara bật người dậy và bước nhanh đến chỗ Valia ngồi.

Đồng thời, từ phía đối diện, Jenia cũng bước tới để ngăn chặn cuộc đụng độ.

- Mời bạn ra khỏi lớp! - Tamara dằn từng tiếng, đôi mắt nheo lại.

- Đừng dọa mà người ta khóc bây giờ.

- Tôi nói với bạn lần cuối cùng đấy! - Tamara nói qua kẽ răng.

- Valia, tôi nói với bạn với tư cách là lớp trưởng, - Jenia vội nói chen vào, - bạn về đi...

Tiếp tục ngồi lại với tư cách là một người quan sát thì không được nữa, vả lại thầy Constantin Sergheevich cũng đã đứng lên.

- Valia Belova! Em có hiểu em đang làm gì không? - Thầy giáo nghiêm khắc hỏi - Chủ tịch cuộc họp đã nói cho em biết quyết định của tập thể. Tại sao em lại không thi hành quyết định đó?

- Vâng, em đi đây. Em không có ý định đánh nhau với họ.

Xếp sách vào cặp xong cô đi ra khỏi phòng, đầu ngẩng lên kiêu hãnh trong sự im lặng hoàn toàn của lớp.

Cũng vào thời gian đó cô Marina Leopoldovna gõ cửa vào phòng bà hiệu trưởng.

- Chị cho gọi tôi phải không, chị Natalia Zakharovna? - Cô mở cửa phòng và hỏi.

- Mời chị vào, chị ngồi xuống đây, - bà hiệu trưởng mời.

Trong phòng không phải chỉ có một mình bà. Trên chiếc ghế xa lông để cạnh bàn đã có cô Vaxilixa Antonnovna ngồi vắt chân lên nhau. Cô ta để quyển sách trên đầu gối, trên cuốn sách có một mảnh giấy chi chít chữ. Khi cô Marina Leopoldovna ngồi xuống chiếc ghế xa-lông thứ hai, bà hiệu trưởng nói:

- Chị Marina Leopoldovna, tôi mời chị lên để bàn một việc như sau: Chúng tôi quyết định nghiên cứu kĩ các quan điểm giáo dục của Macarenco. Cần phải làm cho tập thể giáo viên trường ta hiểu rõ những luận điểm cơ bản của ông ta. Và tôi định đề nghị với chị chuẩn bị báo cáo theo chủ đề: “Tập thể học sinh trong trường trung học, sự ảnh hưởng của nó tới từng cá nhân và tới mối quan hệ với thầy giáo.”

- Ra vậy. Thế cái này thay cho học chính trị à? - Cô Marina Leopoldovna hỏi.

- Không phải là thay mà là song song với việc học chính trị. - Cô Vaxilixa Antonnovna sửa ngay lời của cô Marina Leopoldovna.

Marina Leopoldovna liếc nhìn cô giáo toán nhưng không nói gì với cô. Cả hai cô giáo này làm việc cùng trường đã hơn hai mươi năm, nhưng họ không thân nhau, không là bạn của nhau. Họ chỉ có những quan hệ sự vụ, công tác bình thường, lịch thiệp với nhau mà thôi.

- Thời gian làm bao lâu? - Cô Marina Leopoldovna hỏi.

- Báo cáo phải được chuẩn bị xong vào cuối tháng Giêng. Đúng thế không, chị Vaxilixa Antonnovna?

- Vâng, - Cô giáo toán khẳng định, đưa mắt nhìn bản kế hoạch.

- Nhưng tại sao lại là tôi phải viết báo cáo? Tại sao các đồng chí không giao việc cho các giáo viên trẻ?

- Các báo báo đều giao cho những giáo viên công tác lâu năm làm, - bà hiệu trưởng giải thích. - Chị có nhiều kinh nghiệm, nhiều sự kiện trong hoạt động thực tế của mình, nhiều thí dụ...

- À ra thế! - Marina Leopoldovna đã hết lo lắng. Cô mở cặp ra và nói: - Phải ghi lại đã. Chị nói thế nào nhỉ?

Bà Natalia Zakharovna đọc đầu đề cho cô viết và nói thêm:

- Nếu chị có vấn đề gì chưa rõ, chị đến gặp chị Vaxilixa Antonnovna. Chị ấy chịu trách nhiệm tổ chức chuyên đề. Còn việc này nữa, - bà hiệu trưởng nói thêm, khi thấy Marina Leopoldovna sửa soạn đi - Còn một chuyện nữa phải nói. Tất cả chúng ta đều biết ở lớp 10 giữa Valia Belova và lớp hiện có những quan hệ không được lành mạnh...

- Đúng đấy! - Marina Leopoldovna khẳng định.

- Chúng tôi cũng biết là chị có thái độ thông cảm với Valia Belova và, có thể nói là dung túng cho nó. Có đúng thế không?

- Thế nào là dung túng. Tôi chỉ có thể thông cảm! Khi mà một học sinh xuất sắc... Niềm tự hào của trường bỗng dưng bị điểm ba, rồi sau đó lại bị điểm hai, thì tất nhiên, tôi phải thông cảm chứ!

- Đấy chính là một thí dụ cụ thể minh họa cho báo cáo của chị đấy, - Cô Vaxilixa Antonnovna bình thản nhận xét.

- Điểm hai ấy ư? - Cô Marina Leopoldovna hỏi vặn lại bằng một giọng xói móc.

- Cả điểm hai và cả việc chị dung túng nữa, - cô Vaxilixa Antonnovna trả lời.

- Vâng được. Tôi sẽ dẫn thí dụ này.

- Nếu chị không dẫn thì tôi sẽ dẫn, - cô Vaxilixa Antonnovna nói, giọng lạnh lùng. - Tôi sẽ dẫn nó ra ngay trong cuộc họp hội đồng giáo viên sắp tới.

Nghe lời đe dọa đó, cô Marina Leopoldovna phát hoảng lên. Cô nhìn bà hiệu trưởng rồi lại nhìn cô giáo toán và hiểu ngay ra rằng họ nhất trí với nhau. Chắc là họ đã bàn vấn đề này trước khi cô đến.

- Tôi xin lỗi... Tôi không hiểu chị buộc tôi tội gì? - Marina Leopoldovna hỏi bằng một thái độ đã hoàn toàn khác hẳn.

- Buộc tội là chị cản trở công việc của thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 và phạm một sai lầm nghiêm trọng về mặt giáo dục. - Cô Vaxilixa Antonnovna chỉ trích thẳng, tay đưa chiếc kính không gọng lên mắt.

- Vậy chị làm ơn giải thích giùm - Marina Leopoldovna nén tức đề nghị. - Có thể là tôi không còn đủ thông minh để hiểu những vấn đề đơn giản nhất nữa chăng?

- Vâng! Đấy chính là những điều sơ đẳng. Tập thể giáo viên phải nhất trí, mỗi một sự thiếu nhất trí sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc của chúng ta. Thông cảm với Valia chị đã gây ra một tai hại lớn cho cả tập thể lớp.

- Nhưng chị có liên quan gì tới việc này? - Marina Leopoldovna ngắt lời cô - Theo chỗ tôi biết thì chị không phải là giáo viên phụ trách lớp 10 cơ mà.

- Cũng như chị thôi.

- Tôi có nhiều quyền hạn đối với lớp ấy hơn.

- Quyền hạn gì?

- Tôi biết các em học sinh đó từ lâu... Trong thời gian bị phong tỏa chúng tôi đã sống suốt hai mùa hè với nhau trong vườn sau...

Thấy Marina Leopoldovna vẫn bảo thủ và cuộc tranh luận đã mang tính chất quan hệ cá nhân, bà Natalia Zakharovna, theo thói quen, gõ bút chì lên lọ mực.

- Không ai xóa bỏ công lao của chị đâu, chị Marina Leopoldovna ạ, nhưng chúng ta tất cả đều là người và không tránh khỏi sai lầm. Hiện giờ lớp 10 đang họp, và theo tôi thì Valia gay đấy. Tôi nói thật là trong chuyện này chị cũng có lỗi một phần đấy.

- Tôi ấy à?! - Marina Leopoldovna hỏi giọng kéo dài đầy ngạc nhiên. - Lỗi ở chỗ nào?

- Sự dung túng, thông cảm của chị đã dẫn Valia đến chỗ không coi ý kiến và nguyện vọng của lớp ra gì và có thái độ khinh mạn.

- Nhưng có chuyện gì xảy ra ghê gớm vậy. Em ấy có lỗi gì. Thái độ của Valia đối với giáo viên bao giờ cũng đúng đắn, không thể chê trách được. Nó là người lịch thiệp, lễ độ, sẵn sàng trả lời câu hỏi, học giỏi... Ta còn muốn gì ở em ấy?

Cô Vaxilixa Antonnovna nổi nóng:

- Trong nhà trường cũ, trong nhà trường thời Sa hoàng thì đúng là không cần gì hơn nữa. Nhưng chị đang dạy học trong nhà trường Xô viết.

- Chị Vaxilixa Antonnovna, chị hãy bình tĩnh. - bà hiệu trưởng ngắt lời cô rồi quay sang nói với Marina Leopoldovna, giọng đầy trách móc: - Sao chị cứ vờ vịt làm gì? Chị hãy nhìn lên đầu của chúng ta. Tóc chúng ta đã bạc cả rồi... và chúng ta hiểu rõ nhau lắm.

Cô Marina Leopoldovna nhìn thẳng vào mặt bà Natalia Zakharovna một lúc rồi cúi gầm mặt xuống. Có thể là lời trách móc của bà hiệu trưởng đã có tác động đến cô. Cũng có thể cô hiểu ra rằng tiếp tục ngoan cố cũng vô ích. Song cô vẫn khẽ hỏi:

- Thế các chị muốn gì ở tôi?

- Chúng tôi muốn chị nhận ra lỗi của mình và giúp cho anh Constantin Sergheevich làm việc chứ không phải cản trở anh ấy. Chỉ có vậy thôi. Phương thức hành động của tập thể giáo viên bất kì chỗ nào và bao giờ cũng phải nhất trí. Nếu có điểm nào chị không thích hoặc không đồng ý, chị hãy nói trực tiếp với anh Constantin Sergheevich. Bây giờ điều đó lại càng dễ dàng vì anh ấy đã được bầu làm bí thư chi bộ trường.

- Vâng, - Marina Leopoldovna đáp rồi đứng lên khỏi ghế - Tôi không còn việc gì nữa chứ?

- Vâng.

Vừa ra khỏi phòng để đi đến phòng để áo ngoài cô Marina Leopoldovna đã nhìn thấy Valia. Cô gái đứng chờ cô, mặt mày ủ rũ. Khi nhìn thấy cô giáo, cô ta vội vã đi lại gần:

- Cô Marina Leopoldovna, em có việc cần gặp cô...

- Chắc là việc về cuộc họp hôm nay của lớp em chứ gì?

- Vâng.

- Valia Belova, hình như em quên mất rằng cô không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp các em. Trước hết em hãy đến gặp thầy...

- Nhưng... Thưa cô!...

- Đủ lắm rồi! Đừng quấy rối tôi nữa! Các em hãy tự đi mà giải quyết lấy việc của mình. - Cô giáo quay ngoắt đi và bước thẳng đến phòng để áo của giáo viên.