Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 13 - Phần 1

QUYỂN SỔ LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH

Ania Alechxeeva học rất say sưa, không có sự lên xuống thất thường. Lúc này chính em cũng tin rằng huy chương vàng không chỉ là ước mơ mà đã trở thành khả năng hiện thực rõ ràng. Đạt điểm năm tất cả các môn trở nên khá dễ dàng đối với em và trên thực tế điều đó không có gì phức tạp khó khăn như trước đây em vẫn nghĩ. Chỉ cần có ý chí để điều khiển được bản thân mình, bắt mình phải tập trung trong giờ học, làm theo một kế hoạch rõ ràng trong ngày và chiều nào cũng làm bài tập một cách có hệ thống.

Còn một điều kiện nữa giúp cho em học tập tiến bộ nhưng Ania không bao giờ nhắc tới nó, thậm chí còn cố gắng để không nghĩ đến nó.

Từ khi người bố dượng được chuyển về ở cùng nhà, cuộc sống của em thay đổi hẳn. Em không còn phải lo lắng đến công việc nội trợ và sinh hoạt hằng ngày. Em đã có nhiều thời gian rỗi hơn. Điều này cũng dễ hiểu. Từ khi có ông Mikhail Sergheevich thì bà Xasa, một phụ nữ đứng tuổi, chịu khó và rất chu đáo, trước đây vẫn quán xuyến công việc gia đình cho Mikhail Sergheevich khi ông chưa lấy vợ, cũng đến giúp việc nhà em. Chắc là bà Olga Nicolaevna rất hợp ý bà Xasa nên bà đã đồng ý nhận quán xuyến hết công việc của gia đình mới này. Sáng sáng cứ đúng tám giờ là bà ấy đến và ra về lúc Ania còn ở trường. Sau bữa ăn trưa bao giờ Ania cũng rửa bát đĩa, thu dọn trong phòng mình rồi đi dạo chơi và cuối cùng là đi chuẩn bị bài. Bà Xasa vẫn yêu cầu để bát đĩa lại sáng hôm sau bà rửa, nhưng Ania không nghe và em cũng không đồng ý cả việc để phòng ở và giường nằm của mình cho bà dọn. Em chỉ gặp bà Xasa có một lúc buổi sáng, nhưng họ đã trở nên thân thiết với nhau rất nhanh.

Ania đối xử với người bố dượng vẫn xa cách và lạnh lùng, nhưng thái độ của em lúc này dù sao cũng đã khác hẳn những ngày ông mới đến. Thời gian đầu Ania tránh mặt ông ta, không tham gia vào những câu chuyện chung và tìm mọi cách tỏ cho ông biết rằng đối với em ông chỉ là người dưng nước lã.

Ông Mikhail Sergheevich không bao giờ tỏ ra khó chịu về điều đó, lúc nào ông cũng rất lịch thiệp, vui vẻ và giản dị. Sự ngây thơ trong trắng của cô gái và lòng trung thành với người bố đã hi sinh - một tình cảm sâu sắc, tốt đẹp của em không thể không làm cho một con người thông minh như ông cảm động. “Thời gian là vị thẩm phán tài nhất và sự kiên nhẫn là người thầy giỏi nhất.” Ông rất thích câu cách ngôn thông minh mà bà Olga Nicolaevna nói với ông sau lần bà gặp Constantin Sergheevich và thế là ông quyết định kiên trì chờ đợi.

Thời gian trôi đi, Ania dần dần đã hết khó chịu và quen với nhiều điều xảy ra trong gia đình. Em không còn thấy bực bội với tiếng cười của mẹ từ phòng bên vọng sang, không cau có mặt mày khi ông Mikhail Sergheevich chào hỏi hoặc nhận xét đùa nữa.

Một ngày chủ nhật sau bữa ăn trưa Mikhail Sergheevich làm như vô tình hỏi:

- Sao Ania, ăn xong lại đi chuẩn bị bài chứ?

- Không, cháu muốn đọc một lúc. Cháu vừa mượn được quyển sách “Một chuyến tàu đi xa.” Nghe nói là chủ đề về chúng cháu...

- Hay là ta làm một ván cờ nào?...

Vì đột ngột, Ania đỏ mặt lên nhưng suy nghĩ một lát bèn trả lời bằng một giọng hững hờ:

- Vâng, cháu không phản đối...

Và thế là họ ngồi cúi đầu trên bàn cờ và tấn công nhau dữ dội.

Nếu ông Mikhail Sergheevich biết rằng Ania muốn thắng ông biết chừng nào, dù chỉ là một ván, thì chắc ông đã cố tình “đi hớ một nước” và chịu thua... Nhưng không. Ông đánh giá đối thủ của mình khá cao nên tin rằng một ván thắng như vậy sẽ không làm cho em hài lòng và thậm chí còn làm phật ý. Ania phải giành được thắng lợi bằng con đường khác, con đường trung thực. Ania không thắng nổi. Họ đấu hai ván, một ván Ania thua, một ván hòa.

Sau lần đó Ania biết thêm rằng trong lớp em, người em ra còn có Clara Kholopoeva cũng ham mê đấu cờ vua. Vào chiều thứ bảy em mời Clara về nhà mình và đề nghị ông Mikhail Sergheevich cùng đấu cờ vua với họ.

Đây là một ván cờ rất thú vị. Ania đi quân, nhưng mỗi lần trước khi đi, em thì thầm trao đổi với Clara rồi mới di chuyển quân. Một lúc sau ông Mikhail Sergheevich đã buộc phải lẩm bẩm một điệu nhạc nào đấy một cách trầm tư và suy nghĩ rất lâu. Nhưng những việc làm đó chẳng giúp ích gì cho ông cả. Ông đã mất hai con tốt và sau khi buộc đánh đổi tướng và tượng thì ông lâm vào cảnh vô cùng gay cấn. Một trong mấy con tốt của hai cô phải được sự yểm trợ của con xe đang tiến thẳng về phía trước đến hàng thứ nhất của đối phương. Sau năm phút suy nghĩ, ông kĩ sư đành phải khoa tay nói:

- Hừ... Hôm nay tôi chơi tồi thật. Hòa chứ?

- Ơ... ơ... không được! - Ania buột miệng nói - đầu hàng thôi. Bác thua rồi!

- Cô nói gì lạ vậy... đầu hàng! Thế các cô không biết rằng “đội cận vệ dù có phải chết cũng không hàng” ư?

- Vậy thì bác phải chết! - Clara cười.

Đi thêm ba nước nữa ông buộc phải đầu hàng. Ván thứ hai Mikhail Sergheevich chơi thận trọng hơn vì ông đã hiểu là đối thủ mạnh hơn ông tưởng.

Từ đó trở đi hầu như thứ bảy nào Clara cũng đến nhà Ania chơi cờ vua. Dần dần hai cô gái trở nên thân thiết với nhau. Nadia, người bạn thân thiết vẫn cho mình là người có độc quyền với Ania không những không bực bội, ghen ghét mà còn sẵn lòng kết nạp Clara. Ba cô gái kết thành một nhóm thân tình và đặt tên là “CLAN,” gọi theo chữ đầu của tên ba người.

Trong những ngày đầu tháng mười hai đã xảy ra một chuyện làm thay đổi hoàn toàn thái độ của Ania đối với ông Mikhail Sergheevich.

Chiếc áo măng-tô mùa đông của Ania đã quá cũ nên Ania buộc phải mặc áo mùa thu. Trường cách nhà em không xa lắm, trời cũng chưa lạnh hẳn nên em không để ý lắm đến chuyện đó. Một hôm vào đầu năm học khi bác Olga Nicolaevna đang ngồi lẩm nhẩm tính toán một mình về việc làm thế nào để may cho Ania một chiếc măng-tô đông trong năm nay thì cô gái tuyên bố là em sẵn sàng mặc chiếc áo cũ hết mùa đông. Thế rồi một hôm bác Olga Nicolaevna đi làm về tay xách một gói to tướng.

- Aniuta[40], con ra đây mặc thử áo xem nào? - Bà nói, tay mở gói, - độ này chẳng có hàng gì mà chọn...

[40] Aniuta là tên âu yếm từ tên Ania.

Trong gói là chiếc áo măng-tô bằng thứ dạ đắt tiền màu xanh với chiếc cổ bằng lông rái cá.

- Ôi, áo này cho con đấy à? - Ania nói vẻ ngờ vực.

- Không cho con thì còn cho ai? Mặc vào đi... Cài khuy vào... Thế... quay lại đây xem nào... Bây giờ thử đi đi lại lại xem sao... Tuyệt!... Giơ hai tay lên... - Bác Olga Nicolaevna ra lệnh. - Trông được đấy. Mẹ đã tưởng là phải khâu lại nhưng dáng người con đẹp lắm. Con soi gương mà xem. Thứ dạ này cũng khá đấy...

Ania nhìn thấy trong gương đôi mắt đầy niềm vui của một cô gái xa lạ, không quen biết trong chiếc áo măng-tô mới, đẹp. Và em cảm thấy khó chịu. Em biết rằng việc mua này không thể không có sự tham gia của ông Mikhail Sergheevich, mà như vậy có nghĩa là chiếc áo được mua nhằm một mục đích không hay khác. “Ông ta muốn mua chuộc mình đấy,” - Ania thầm nghĩ.

- Mẹ ạ, con sẽ không mặc nó đâu! - Ania nói với giọng cương quyết. Đoạn em cởi áo ra.

- Sao vậy con? Con không thích à?

- Thích, không thích, vấn đề không phải như vậy.

- Vậy thì vì sao? - Bác Olga Nicolaevna gặng hỏi, mỗi lúc một ngạc nhiên thêm. - Mẹ không hiểu con muốn gì.

- Tất nhiên là mẹ không hiểu gì rồi. Nếu không thì đã không vặn vẹo con... Mẹ cho con là cái con quay gió...

- À, ra như vậy... - Bác Olga Nicolaevna hiểu ra. - Con tưởng Mikhail Sergheevich mua áo này cho con à?

Ania im lặng bước đến bên cửa sổ. Bằng thái độ của mình, em muốn tỏ ra cho mẹ em biết rằng em không thích nói về vấn đề ấy.

- Con bé này hỗn thật! - Bác Olga Nicolaevna nổi nóng. - Con cho là ông Mikhail Sergheevich muốn chiếm cảm tình của con bằng chiếc măng-tô này sao? Con có hiểu con nghĩ như vậy là không tốt không? - Càng nói, bà càng tức giận. - Ông Mikhail Sergheevich không có một tí quan hệ nào tới việc mua bán này. Thậm chí còn không hay biết gì nữa. Tao được nhà máy phát phiếu mua vì đã làm tốt công tác... Tao xấu hổ vì mày. Ông ấy là một người mà khắp nhà máy ai cũng quý mến vì tính thẳng thắn, nguyên tắc, và nghiêm khắc. Mày hãy nghe công nhân người ta nói về ông ấy với một vẻ tôn trọng như thế nào! Thế mà mày, một con bé vắt mũi chưa sạch, dám nghĩ xấu xa, đê tiện như vậy về ông ta...

- Mẹ ạ, con kính trọng ông ấy...

- Kính trọng mà thế!

- Nhưng con nào có biết mẹ mua theo phiếu cung cấp... Con xin lỗi mẹ... Con rất cảm ơn mẹ.

Sự việc này bắt Ania phải suy nghĩ nhiều, phải xem lại thái độ của mình đối với ông Mikhail Sergheevich. Và em cảm thấy xấu hổ với tình cảm xa lạ và khó chịu mà từ trước đến giờ em vẫn dành cho ông ta.

Cuộc họp lớp đã giữ Ania lại đến tận chín giờ và khi em về đến nhà thì đã thấy chiếc áo măng-tô của ông Mikhail Sergheevich và chiếc áo lông của mẹ treo ở mắc áo.

- Bác Mikhail Sergheevich, bác có bận gì không đấy? - Từ phòng ngoài em vừa cởi áo măng-tô vừa gọi.

- Có chuyện gì thế? - Ông ta hỏi lại.

- Cháu có chuyện muốn nói với bác...

- Có chuyện cần thì có nghĩa là được... Vào đây.

Đây là trường hợp đầu tiên cô con gái rượu của vợ chủ động hỏi ông, nên Mikhail Sergheevich thấy phải cảnh giác.

Trong phòng chỉ có một mình ông. Bác Olga Nicolaevna đang sửa soạn bữa cơm tối ở dưới bếp.

- Sao cháu về muộn thế? - Ông Mikhail Sergheevich hỏi, mắt nhìn vào khuôn mặt đỏ hồng của cô gái vừa đi bộ ngoài lạnh về.

- Chúng cháu vừa họp lớp xong, - Ania đáp.

- Họp lâu vậy à?

- Vâng. Nhiều chuyện phải bàn quá. Lớp cháu quyết định tổ chức dạ hội, ngày kỉ niệm và nói chung là... Cuộc họp thú vị lắm.

- Các cháu định kỉ niệm sinh nhật ai vậy?

- Chính đây là vấn đề mà cháu muốn bàn với bác... Bác Mikhail Sergheevich, cháu muốn hỏi... - Ania ngập ngừng. - Các bạn giao nhiệm vụ... Ở nhà máy chỗ bác có việc gì cho chúng cháu làm với không, trong thời gian nghỉ đông ấy?

Ông Mikhail Sergheevich gãi tay vào sống mũi, suy nghĩ một lát rồi dang tay ra:

- Bác chả hiểu gì cả. Không hiểu một tí gì hết ấy. Cho chúng cháu là cho ai? Mà sao lại vào thời gian nghỉ đông? Công việc là công việc gì và ngày sinh nhật có liên quan gì ở đây?

- Để cháu nói rõ cho bác hiểu. Ở trường cháu sắp kỉ niệm bốn mươi năm phục vụ trong ngành giáo dục của một thầy giáo.

- Thâm niên ác đấy chứ!

- Chúng cháu định mua tặng phẩm. Chúng cháu là học sinh của cả ba lớp cấp ba.

- Ý ấy hay đó!

- Nhưng chúng cháu quyết định tặng phẩm phải mua bằng tiền của mình làm ra...

- Các cháu giỏi lắm! - Ông Mikhail Sergheevich nói. - Nếu tự các cháu nghĩ ra điều đó thì bác rất mừng cho những cái đầu minh mẫn của các cháu.

- Bởi thế nên cháu mới hỏi xem ở nhà máy có việc làm gì không?

- À ra thế! Bây giờ thì bác hiểu rồi, thế đấy. Việc này hay đó, phải nghĩ kĩ mới được. Nhưng ở nhà máy nếu có việc chăng nữa thì nó cũng là... Thứ việc “khuân lên đặt xuống” - Các cháu có biết làm gì khác nữa đâu...

- Việc gì cũng được ạ.

- Nếu việc gì cũng được thì đơn giản hơn nhiều... Olia[41]! - Bỗng ông gọi ầm lên và đợi khi có tiếng trả lời từ dưới bếp vọng lên ông lại gọi tiếp. - Em lên đây một phút!

[41] Olia là tên Olga.

Bà Olga Nicolaevna mở hé cửa và ngó nhìn vào. Ống tay áo bà xắn lên tận khuỷu tay, đầu quấn chiếc khăn vuông.

- Olia, em có nhớ... Năm nay liệu còn món tiền nào dự chi cho việc thu dọn phân xưởng ba nữa không?

- Năm nay thì không, nhưng sang năm thì có.

- Vậy à ờ, nhưng các cháu nghỉ đông vào tháng một cơ nhỉ!

- Anh hỏi việc đó làm gì?

- Anh đang thuê công nhân đây, - ông ta cười, giải thích - Các cháu có khoảng bao nhiêu người?

- Khoảng năm chục hay hơn gì đấy... - Ania ngập ngừng đáp.

- Được... Mời các cháu đến. Ta kí hợp đồng và mời các cháu cứ việc lao động. Nhưng tôi phải giao hẹn trước: công việc chỉ có “khuân lên đặt xuống” thôi đấy và khá bẩn nữa...

Ania không ngờ mọi việc lại được giải quyết nhanh gọn như vậy. Vấn đề này đã làm cho cả lớp nhốn nháo lên và khi ra về em vẫn còn ấn tượng của những cuộc tranh cãi vừa rồi. Trong cuộc họp có rất nhiều ý kiến đề nghị, nhưng không đề nghị nào được chấp thuận cả trừ một ý kiến: thỏa thuận với nhà trường cho dọn tuyết suốt mùa đông ở khu vực trường đóng...

- Xong rồi chứ? - Bà Olga Nicolaevna hỏi nhưng không đợi trả lời bác đã đi xuống bếp.

- Cảm ơn bác lắm, bác Mikhail Sergheevich ạ. - Ania chân thành nói. - Vậy mà cả lớp nghĩ mãi vẫn không có cách gì đấy.

- Thật là phí công...

Ông có cảm giác là Ania còn muốn nói một điều gì nữa nhưng còn ái ngại.

- Cháu muốn... Nhưng thôi, không sao cả... cũng chẳng vội lắm... - Em lầu bầu. Nhưng rồi em vội vàng mở cặp sách lấy quyển sổ liên lạc và đặt lên bàn: - Sổ liên lạc lâu nay chưa ai kí. Nếu bác không ngại, bác kí hộ... hoặc đưa cho mẹ cháu...

Nói xong em vội vã đi ra khỏi phòng.

- Thế đấy... - Ông Mikhail Sergheevich lẩm bẩm và đưa mắt nhìn theo Ania.

Cảm động trước cử chỉ của cô gái, một cử chỉ hứa hẹn sự biến đổi lớn trong cuộc sống gia đình của ông, ông ngồi lặng đi một lúc lâu. Sổ liên lạc do bố mẹ học sinh kí, và như vậy có nghĩa là cô gái đã thừa nhận ông và tin ông. Nhưng liệu đây là một hành động có suy nghĩ chín chắn hay chỉ là một cơn bốc do những nguyên nhân nào đấy mà ông không biết gây ra? Ông Mikhail Sergheevich hồi hộp mở cuốn sổ liên lạc được bọc rất cẩn thận. Đúng thế. Chữ kí cuối cùng của bác Olga Nicolaevna kí dưới điểm số thuộc tuần thứ hai của tháng mười. Không hiểu vì sao nhưng gần hai tháng Ania không đưa sổ liên lạc cho mẹ xem. Ông Mikhail Sergheevich rút bút từ túi ra. Càng xem sổ, ông càng ngạc nhiên. Điểm năm... rồi lại điểm năm liên tục... Ông biết là Ania học khá nhưng không ngờ lại giỏi như vậy. Hầu hết toàn điểm năm...

Trước khi đưa lại sổ liên lạc cho Ania, ông cầm nó xuống bếp.

- Olia, em có biết con gái em học thế nào không?

- Sao lại không?

- Biết thế nào nào?

- Nó học được.

- Học được à? Ồ, nếu thế này mà gọi là học được thì không hiểu thế nào mới là học giỏi? Nó có khả năng được huy chương vàng đấy!

- Anh Misa[42], anh nói gì vậy?

[42] Misa là tên Mikhail gọi rút gọn và âu yếm.

- Đây em cầm lấy sổ liên lạc của nó mà xem!