Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 14

TRÁI TIM NGƯỜI MẸ

Cuộc họp lớp để lại cho Valia Belova một cảm giác nặng nề nhưng vẫn không bẻ gãy được tính bướng bỉnh của em. Điều đó cũng dễ hiểu: Ngay từ những bước đi đầu tiên trong đời mình Valia đã quen với cái địa vị xuất chúng của mình trên quả đất.

Mọi yêu cầu và đòi hỏi nhũng nhiễu của em đều được thực hiện ngay tức khắc. Chưa bao giờ và chưa một ai đòi hỏi em, bắt buộc em phải làm một điều gì. Người ta đã làm hết cho em và vì em.

Chưa bao giờ em cảm thấy có trách nhiệm với ai và cũng không có một khái niệm nào về trách nhiệm đạo đức. Người ta đã mang lại cho Valia một ý niệm rằng em là trung tâm mà mọi thứ phải xoay quanh nó và vì nó. Tóm lại là em có một “thời thơ ấu hạnh phúc nhất” - hiểu theo nghĩa tệ hại nhất của những từ đó. Ở trường tình hình có thay đổi chút ít nhưng cả ở đây em cũng nhanh chóng được liệt vào kẻ có địa vị ưu tiên, do có trí nhớ và khả năng, và được người ta nâng niu như một đứa trẻ thiên tài.

Thời gian trôi đi, Valia đã thông minh hơn và đã hiểu được rằng không phải lúc nào muốn gì là được nấy, rằng thỉnh thoảng cũng phải đóng kịch: Lúc thì ốm, lúc thì buồn phiền, lúc thì tức giận, để đạt được điều mình muốn. Và thế là lúc cần cô liền đóng ngay.

Việc lớp khai trừ ra khỏi tập thể và nhất là việc cô Marina Leopoldovna từ chối không đỡ đầu nữa thoạt đầu làm cho cô gái lo sợ. Em cảm thấy mình cô đơn và không nơi nương tựa. Nhưng điều đó cũng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn mà thôi. Sau một đôi lần suy nghĩ Valia thấy rằng hình phạt nọ chẳng qua cũng là một sự ước lệ, tượng trưng và không có gì đáng sợ cả.

Ra khỏi trường Valia đi lững thững trên các phố sáng rực ánh đèn và suy nghĩ về số phận của mình. Em không chút mảy may suy nghĩ về những nguyên nhân dẫn đến thái độ như vậy của các bạn đối với em; em cũng không đả động gì đến chuyện làm thế nào để xoay chuyển tình hình đó. Em chỉ nghĩ là rồi đây sẽ có chuyện gì đến với mình và càng nghĩ em cũng thấy rõ rằng thực chất không có gì thay đổi cả, rằng mọi việc vẫn như cũ. Rồi hằng ngày em vẫn đến trường, vẫn ngồi sau chiếc bàn học cũ, vẫn nhìn các điểm năm... và rất có thể sau này những cô gái đã biểu quyết khai trừ em hôm nay sẽ rơi vào tình trạng khó xử.

Ý nghĩ đó làm Valia vui hẳn lên. “Thật vậy, - Em suy nghĩ tiếp. Chúng nó khai trừ mình ra khỏi đầu? Ra khỏi các trò chơi của chúng. Nhưng chăng phải mình đã có lần từ chối không chơi cái trò “thề thốt” với chúng nó đó sao. Chúng nó sẽ tổ chức dạ hội vào dịp năm mới mà không có mình! Xin cứ việc! Chúng nó sẽ phải làm việc, còn mình thì tha hồ nhiều thời giờ rỗi để đọc sách, đi chơi. Chúng nó trừng phạt ai vậy? Chúng nó sẽ không nói chuyện với mình ư? Xin cứ việc! Mình cũng cóc cần chúng nó...”

Và thế là Valia đã hoàn toàn yên tâm. Đoạn em bắt đầu nghĩ em phải tỏ thái độ thế nào với những người xung quanh.

Trước khi về nhà Valia đã nghĩ kĩ cách xử lí ở trường và cân nhắc kĩ từng cử chỉ của mình. Thờ ơ với việc bị khai trừ - Có nghĩa là tỏ cho chúng nó biết mình khinh chúng nó. Muốn làm được như vậy cần: đến trường trước giờ học vài ba phút và tan giờ là về ngay; giờ giải lao không ngồi lại trong lớp mà ra ngay hành lang; chuẩn bị bài thật tốt và bằng mọi giá phải đạt được huy chương vàng; đối với các thầy thì lịch thiệp, không bắt chuyện trước với bất kì một ai, còn nếu có ai hỏi thì trả lời một cách thận trọng và đầy vẻ tự trọng; không tham gia tranh luận gì với ai, không đi dự dạ hội, ngay cả khi chúng nó mời... Và em đã thực hiện như vậy.

Cũng cần phải công tâm mà nhận xét rằng Valia tỏ ra rất bình tĩnh. Khi đi, đầu em bao giờ cũng ngẩng lên kiêu hãnh và mặt biểu hiện một thái độ làm như việc bị khai trừ đã mang lại cho em một sự thỏa mãn nào đấy ở bên trong. Miệng lúc nào cũng nở một nụ cười khoan dung dường như nó muốn nói là em đang sống với những đứa trẻ con ngờ nghệch, nên không thể đòi hỏi được gì ở chúng nó hơn.

Những ngày đầu sau buổi họp các bạn gái thấp thỏm chờ đợi. Xem em có kiếm ra kế gì để thay đổi tình hình không. Nhưng hằng ngày phải chứng kiến một thái độ khinh thường ra mặt của Valia đối với quyết định của tập thể, họ hết sức phẫn nộ và hoàn toàn không để ý đến nữa.

Ở nhà Valia không nói gì cho mẹ cô biết. Bà Dinida Grigorevna - mẹ cô - tình cờ biết được về chuyện chẳng lành của con mình qua một cô giáo quen dạy ở trường Usinski khi bà gặp cô ta ở ngoài phố. Về đến nhà bà thấy con bà đang ngồi học.

- Valia! Sao con lại giấu mẹ? - Vừa vào đến phòng bà đã hỏi con gái, giọng đầy tuyệt vọng.

- Con giấu gì?

- Sao con không nói gì cho mẹ biết cả? Có chuyện gì đã xảy ra với con ở trường?

Giọng nói xúc động, khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt sợ hãi đã nói hết tất cả nên Valia hiểu ngay rằng mẹ cô đã biết mọi chuyện.

Cô nhún vai và nói bằng một giọng thờ ơ:

- Có chuyện gì à? Chả có gì đặc biệt cả.

- Valia! Con không biết xấu hổ à? Phải chăng mẹ không xứng đáng để được con nói thật với mẹ? Mẹ là kẻ thù của con hay sao?

- Mẹ, con đề nghị mẹ đừng dựng chuyện không đáng để ý thành bi kịch làm gì! - Cô con gái bực bội ngắt lời mẹ.

- Mẹ đã biết hết cả rồi... Con bị đuổi...

- Đấy, lại bắt đầu rồi... Đuổi khỏi đâu? Ai đuổi? Đuổi vì chuyện gì? Mẹ chỉ được cái nghe hơi nồi chõ.

- Valia, sao con cứ khăng khăng chối mãi thế? Phải tìm biện pháp ngay kẻo muộn.

- Biện pháp gì? Mẹ miễn đi cho... và con xin mẹ đừng thọc vào việc của con. Con không cần đến mẹ đâu. - Valia cáu kỉnh nói. - Không ai đuổi con cả, còn nếu bọn nó không muốn con giúp chuẩn bị dạ hội thì con cũng cóc cần. Càng thiệt cho chúng thôi.

Nhưng thuyết phục được bà Dinaida Grigorevna không phải là dễ. Bà cởi vội chiếc áo bành tô ra, sửa qua loa lại mái tóc rồi đi lại bên bàn nơi con gái đang ngồi, rồi bà ngồi xuống phía đối diện và đẩy mấy cuốn sách giáo khoa sang một bên. Bà kiên quyết yêu cầu con gái:

- Kể hết từ đầu đến cuối coi! Mẹ phải biết hết mọi chuyện.

Valia thở dài rồi đưa mắt nhìn trần nhà và đứng dậy. Cô hiểu rằng lúc này khó mà nói qua loa cho xong chuyện với mẹ được, rằng sớm muộn gì rồi cũng phải kể hết cho bà nghe.

- Cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, - cô nói, rồi đi về phía để chiếc đàn Piano. - Con cãi nhau với con bé bí thư chi đoàn lớp. Thế rồi nó vận động bọn đoàn viên chống lại con... Đấy tất cả chỉ có thế. Trong cuộc họp lớp chúng nó tuyên bố là con không được tham gia buổi dạ hội năm mới. Chúng nó sẽ điều khiển buổi dạ hội, còn con thì không được phép...

- Người ta nói cho mẹ biết là con bị khai trừ khỏi tập thể lớp...

- Thế không phải con đang nói về chuyện ấy là gì! Đây chính là khai trừ đó. Thử hỏi chúng còn làm được gì con nữa nào? Đuổi khỏi trường ư? Con thách đấy... Mẹ cũng là giáo viên, mẹ phải hiểu chứ! Một số đứa ghen với thành tích của con rồi đâm ra bực tức. Mẹ còn nhớ chuyện chúng nó đến đây chứ? Mẹ tưởng chúng nó đến chỉ vì chuyện đỡ đầu không thôi ấy à...?

Valia không chuẩn bị trước để nói chuyện này nhưng em biết rằng mẹ sẽ tin tất cả những lời em nói. Và đúng như thế thật. Trái tim đầy tình thương của người mẹ không thể buộc cho con gái mình những tội xấu xa được. Trước đây bà ta vẫn tin rằng con gái bà không có lỗi, kẻ có lỗi là những người khác. Tất nhiên là người ta ghen với Valia, tất nhiên là người ta không công bằng với con bà, và tất nhiên, người ta không cần đếm xỉa gì đến tính hay xúc động và đa cảm của con gái bà... Tất cả những hành động vô lí, ngang ngược, những thái độ hỗn xược, những lời nhạo báng, gắt gỏng của con gái đều được bà giải thích bằng tính đa cảm và hay xúc động đó.

Và lần này sau khi nói chuyện với Valia, bà Dinaida Grigorevna cũng quyết định sẽ can thiệp vào việc này và chứng minh cho mọi người thấy con người bà đúng. Ngày hôm sau bà đến trường mà không nói gì cho Valia biết.

Bà Natalia Zakharovna không quy định giờ tiếp phụ huynh học sinh riêng. Bà tiếp họ vào bất kì lúc nào, trừ khi phải lên lớp hoặc hội họp.

Bà Dinaida Grigorevna biết bà hiệu trưởng từ lâu nhưng khi bước vào phòng làm việc của bà ta bà vẫn thấy có cảm giác rụt rè. Bà cúi đầu chào một cách không tự nhiên:

- Chào chị Natalia Zakharovna.

- Chào đồng chí! Mời đồng chí ngồi. Đồng chí là Dinaida... xin lỗi, tôi quên mất phải gọi tiếp như thế nào...

- Grigorevna.

- Vâng đúng rồi. Dinaida Grigorevna, đống chí cần gặp tôi có chuyện gì?

- Tôi ghé vào hỏi về việc của cháu Valia.

- Con gái đồng chí học tốt nhưng rất đáng tiếc là thái độ xử sự rất tồi. Đến nỗi là trong cuộc họp lớp các bạn quyết định khai trừ ra khỏi tập thể lớp.

Bà Dinaida Grigorevna tái cả mặt, như thể bà mới lần đầu được nghe tin này. Bà rút chiếc khăn tay gập tư, giở nó ra rồi lại cất đi.

- Việc khai trừ như vậy có nghĩa gì? - Bà hỏi bằng một giọng bối rối.

- Có nghĩa là lớp không muốn có quan hệ gì với con gái đồng chí... Đồng chí cũng là giáo viên nên phải hiểu điều đó có nghĩa gì...

- Vâng... Nhưng đây là lần đầu tôi được nghe nói về loại khai trừ kiểu này... - Bà nói, thái độ đã bình tĩnh hơn. - Tôi công tác ở trường không phải mới một, hai năm và chưa bao giờ nghe nói tới thứ biện pháp như vậy... Tôi muốn biết cháu Valia phạm sai lầm gì... Biết cụ thể!... Nó có thái độ đặc biệt như thế nào? Chị có nói là “tồi”... “tồi” là thế nào?

- Là không tập thể.

- Điều đó thể hiện ở chỗ nào? Xin chị cho thí dụ. Đây chỉ là những lời chung chung. - Bà Dinaida Grigorevna hỏi mỗi lúc một gay gắt.

- Đồng chí cần gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp. Anh ấy sẽ cho đồng chí biết cả thí dụ lẫn những điều kinh nghiệm. Đồng chi có thì giờ chứ? - Natalia Zakharovna nhìn thời khóa biểu rồi nhìn đồng hồ. - Bây giờ anh ấy còn lên lớp. Mười phút nữa sẽ hết giờ học.

- Vâng, tôi sẽ chờ. - Bà Dinaida Grigorevna đồng ý. Và lại rút khăn mùi xoa ra không hiểu để làm gì. - Nhưng thưa chị, tôi không hiểu nổi sao chị lại để cho điều đó xảy ra...

- Điều gì?

- Cái điều khai trừ ấy!

- Các em ấy không hỏi ý kiến tôi.

- Nhưng sao chị không can thiệp vào, không ngăn các em ấy lại không thay đổi quyết định.

- Tôi thay đổi sao được khi việc làm đó là hợp pháp? Sao đồng chí tưởng tôi có quyền can thiệp và bắt học sinh phải làm theo ý mình lúc nào cũng được sao? - Bà hiệu trưởng trả lời. Thấy bà kia không có ý định đáp lại lời mình bà hỏi tiếp: - Đồng chí có thấy còn ai muốn gặp tôi nữa không?

Bà Dinaida Grigorevna bỗng nhớ ra rằng trong phòng đợi còn một người phụ nữ nữa.

- Còn. Vậy tôi sẽ đợi thầy chủ nhiệm, - bà trả lời và bước ra khỏi phòng.

Cuộc nói chuyện với bà hiệu trưởng để lại cho bà Dinaida Grigorevna một ấn tượng nặng nề. Toàn một giọng khô khan, trịnh trọng, không một lời thông cảm! Trên đường đến đây bà có ý định buộc bà Natalia Zakharovna vào tội thiếu chu đáo, thiếu chú ý, thiếu tế nhị sư phạm và bắt cho được bà ta phải nhận sai lầm và thay đổi cái quyết định ngu ngốc, vô lí nọ. “Sao bà lại có thể để cho trẻ em dắt mũi? Bà là hiệu trưởng và nhà giáo gì mà lại để cho trường loạn lên như vậy? - Bà dự định phải nói như thế - kỉ luật của nhà trường đâu? Sao bà không tạo những điều kiện bình thường cho một học sinh ưu tú của trường học tập và sao không ngăn chặn những sự công kích bỉ ổi của bọn bạn gái hay ghen đối với em?...”

Bà còn định dọa bà Natalia Zakharovna rằng bà sẽ xin chuyển trường cho con bà... Thế mà thay vào đó là cảm giác của một học sinh bị gọi lên gặp hiệu trưởng để nghe những lời quở trách.

Mười phút trôi qua nhanh chóng và khi khắp các hành lang của cả mấy tầng vang lên tiếng chuông ra chơi, bà Dinaida Grigorevna cảm thấy hồi hộp. Valia đã mấy lần nói với bà về thầy giáo mới, nhưng bà chưa gặp thầy bao giờ và đã chuẩn bị sẵn một thái độ không thiện ý đối với thầy. Vấn đề không nhưng chỉ ở chỗ, theo bà là thầy không biết giáo dục học sinh. Bà cho rằng một thầy giáo từ mặt trận về phải vào làm việc ở trường dành cho học sinh nam, còn trường của nữ sinh không phải là chỗ của anh ta.

Bác Phenesca nhanh nhẹn không hiểu từ đâu xuất hiện.

- Chị cần gặp thầy Constantin Sergheevich phải không ạ? Tôi sẽ bảo với thầy ấy.

Bác Phenesca biến mất, và một lát sau một người đàn ông cao gầy tay chống gậy, đi đến chỗ bà.

- Chị là mẹ cháu Valia phải không? - Anh hỏi. - Thật may là chị đã đến. Tôi đang định cho mời chị lên... Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 10.

Họ chào nhau xong, thầy Constantin Sergheevich mời bà mẹ Valia đi vào thư viện nói chuyện.

- Thế là thế nào hở đồng chí Constantin Sergheevich? - Bà Dinaida Grigorevna vào chuyện ngay khi họ vừa ngồi xuống.

Nói chuyện với thầy giáo này bà có cảm giác thoải mái chứ không như với bà Natalia Zakharovna.

- Thế nào à? Rất dở, đồng chí Dinaida Grigorevna ạ...

- Đúng là rất dở? Nhưng dở cho ai? Bà Natalia Zakharovna đã nói cho tôi biết. Học sinh của đồng chí muốn làm gì thì làm, thậm chí còn không xin phép hiệu trưởng nữa...

- Đúng thế. - Thầy giáo xác nhận. - Các em gái ấy rất tự lập.

- Họ thậm chí còn không nghe cả đồng chí. Em Valia có nói cho tôi hay là đồng chí cũng có mặt trong cuộc họp.

- Tôi cũng có mặt.

- Thế sao đồng chí không can thiệp vào, không cấm... - hay đúng hơn là không giải thích cho các em ấy hiểu.

- Vô ích thôi. Các em ấy không nghe đâu.

- Đồng chí nói gì lạ vậy? - Bà mẹ Valia ngạc nhiên hỏi. - Tôi thật không ngờ... Tôi dạy ở trường học sinh nam. Nam học sinh cơ đấy. - Bà nhắc lại với đầy vẻ ngụ ý. - Thế mà tôi vẫn cai quản được.

- Trước hết điều đó nói lên rằng đồng chí là một nhà giáo có kinh nghiệm. Ngoài ra công tác giáo dục trong nữ sinh, nói đúng hơn là trong nữ thanh niên - Cũng có những khó khăn riêng của nó. Hãy lấy con gái của đồng chí làm dẫn chứng. Một cô gái thông minh, có nghị lực, có tính cách... Nhưng, rất đáng tiếc, được giáo dục không đúng lối...

- Đồng chí cho rằng em nó có tính cách?

- Vâng, có lòng tự ái, độc lập, và, theo tôi hơi bướng bỉnh. Chắc đồng chí vất vả với con gái lắm. - Thầy giáo hỏi.

- Vâng, rất vất vả... Rất, rất vất vả, - bà Dinaida Grigorevna thú nhận.

Bà rất thú vị khi nghe thầy giáo nói về Valia. Qua giọng nói bà nhận ra sự quan tâm và thiện chí của anh.

- Chắc đồng chí nuông chiều nó lắm. - Thầy giáo trách móc.

- Tôi chả giấu gì đồng chí... Nó là con một. Trái tim của bà mẹ... Chắc đồng chí cũng hiểu đấy.

- Vâng! Trái tim của bà mẹ - đó là nguồn gốc của lỗi lầm. - Bỗng anh nói bằng một giọng đầy nghiêm khắc. Rồi không để cho bà ta kịp trấn tĩnh, anh tiếp tục: - Đồng chí là một giáo viên đồng chí phải hiểu rằng nhà giáo dục, nếu như muốn con mình được hạnh phúc, thì phải giáo dục chúng không phải để hưởng hạnh phúc mà là chuẩn bị cho chúng bước vào lao động trong cuộc sống. Đồng chí còn nhớ câu nói của Usinski chứ?

- Nhớ mang máng...

- Nhớ mang máng thì rất đáng trách. Mỗi người làm bố mẹ phải nhớ kĩ điều đó. Nếu người ta đã đẻ con ra thì có trách nhiệm phải giáo dục nó thành một thành viên có ích cho xã hội nơi mà nó đang sống. Còn đồng chí? Đồng chí đã làm những gì cho con gái mình? Đồng chí yêu trẻ và chính vì thế mà đồng chí trở thành nhà giáo. Nhưng tại sao đồng chí lại chỉ có biết giáo dục, và chắc là giáo dục không tồi, con cái người khác? Tại sao đồng chí có đủ khả năng để kiểm tra lời lẽ, hành động của mình khi làm việc với con cái người khác? Đồng chí nghĩ tới tương lai của những đứa trẻ đó nên, khi cần, đồng chí có những biện pháp, đồng chí yêu cầu đòi hỏi, trừng phạt... Nhưng khi va chạm với con gái mình đồng chí đã để giáo dục học của đồng chí đâu hết? Tình yêu mù quáng, trái tim người mẹ bắt lí trí phải im miệng và thế là đồng chí không đủ thông minh để xử lí nữa! Ai là người có lỗi trong chuyện Valia tự cho mình là một người xuất chúng, không tôn trọng ai, không cần đếm xỉa đến mọi người, coi khinh mọi người! Thử hỏi một cô gái Xô viết lấy đâu ra những thứ ích kỉ ấy? Theo tôi, đồng chí là người có lỗi trong chuyện này... Đống chí chỉ còn có thể tự an ủi mình rằng đồng chí không phải là người duy nhất như vậy. Đồng chí hãy nói thật, con gái đồng chí có yêu, có tôn trọng đồng chí không?

- Tất nhiên là có!

- Đồng chí lầm rồi! Anh quả quyết nói. - Nó không thể yêu, cũng không thể tôn trọng đồng chí được. Sau này khi nó đã lớn hơn, khi cuộc sống tự lập đã sửa tính sửa nết cho nó, thì điều đó có thể có còn bây giờ thì không. Đồng chí lầm rồi.

- Sao anh lại có thể nói như vậy? Làm sao anh biết?

- Đó là quy luật. Những kẻ ích kỉ nói chung không biết yêu, đặc biệt lại càng không yêu những ai đã làm họ trở thành người ích kỉ. Thử hỏi con gái đồng chí yêu đồng chí vì điểm gì? Vì trái tim của đồng chí ư? Vì đồng chí do mềm yếu, đã khuyến khích mọi sự nhũng nhiễu của nó ư? Vì đồng chí đã cho phép nó chỉ huy đồng chí ư?

Bà Dinaida Grigorevna ngồi im lặng, đầu cúi gầm xuống.

Trong óc bà bỗng xuất hiện hàng loạt dẫn chứng chứng minh cho lời của thầy giáo Constantin Sergheevich. Và bà cảm thấy mình là một người bất hạnh, khốn khổ, cô đơn: Cô con gái, vì nó mà bà sống và làm việc, không yêu bà. Lại còn hơn thế nữa, - nó khinh miệt bà vì bà mềm yếu, vì bà giám hộ nó, vì những lời dạy bảo trống rỗng của bà... Thầy giáo không dùng những lời lẽ cay nghiệt, tàn bạo như vậy nhưng tự bà bà cũng hiểu như thế.

- Đồng chí thấy tôi phải làm gì bây giờ? - Bà hỏi, đưa mắt nhìn vào đôi mắt trong sáng của thầy Constantin Sergheevich với đầy hi vọng.

- Làm gì ư. Chị hãy ghìm trái tim mình lại và đừng coi con gái mình là một đứa trẻ xuất chúng. Tôi xin nói với chị những đứa trẻ như Valia có rất nhiều.

- Thế còn chuyện khai trừ?

- Đây là việc của tập thể và chị không nên can thiệp vào. Chỉ có Valia mới thay đổi được thái độ của mọi người đối với em, nếu em muốn, nếu em hiểu các bạn đòi hỏi gì ở em. Không ai đuổi em ra khỏi trường. Em vẫn được tiếp tục học tập, và nếu như tập thể thấy cần thiết phải gạt em ra ngoài thì tôi cũng muốn tin rằng điều đó chỉ là tạm thời. Em ấy chưa đến nỗi hư hỏng đâu. Còn nếu chị muốn giúp chúng tôi thì, trước hết, chị hãy cố gắng đừng để tình cảm mẹ con xâm lấn hết chỗ của nhà giáo dục trong con người chị. Sau nữa chị đừng làm cho nó thấy rằng nó không có lỗi gì hết. Con người càng nhận thức sớm được trách nhiệm của họ đối với hành động của họ bao nhiêu thì càng tốt cho họ bấy nhiêu...

Từ ngoài có tiếng chuông vọng vào và Constantin Sergheevich đứng dậy.

- Chị cho phép tôi, anh nói giọng rất nhẹ nhàng - Tôi phải lên lớp bây giờ. Nếu chị muốn, chúng ta sẽ gặp nhau vào một lần khác... Tốt nhất là vào buổi chiều sau giờ học. Chị dạy vào buổi nào.

- Tôi dạy buổi sáng.

- Càng tốt. Mời chị cứ việc đến, - đoạn anh đi ra cửa.

Ra khỏi trường bà Dinaida Grigorevna đưa mắt nhìn xung quanh. Làm gì bây giờ? Đến phòng giáo dục khiếu nại như đã định hay là để vào lần khác? Câu chuyện trao đổi với thầy Constantin Sergheevich đã thay đổi hết các nước cờ của bà, nhưng bà cảm thấy yên tâm. Và những lời lẽ về một sự thật đau buồn mà thầy giáo nói với bà không những không làm cho bà thất vọng mà trái lại đã gieo cho bà một niềm tin rằng không có gì đáng sợ xảy ra với Valia.