Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 15
BẢN BÁO CÁO
Cô Marina Leopoldovna bước vào lớp. Cô để ý thấy ngay rằng các em nữ sinh hôm nay có một tâm trạng phấn chấn đặc biệt. Ngay cả quần áo của họ hôm nay cũng diện hơn mọi ngày. Đầu buộc nơ màu tươi sáng, quần áo ngày hội.
- Các em ngồi xuống! - Cô nói rồi hỏi Tamara, một nữ sinh ngồi ở bàn đầu: - Sau giờ học các em định đi xem hát sao?
- Thưa cô chúng em cũng chưa biết là nhà hát hay nhà tắm đang chờ chúng em.
- Nhà tắm nghĩa làm sao. - Cô giáo ngạc nhiên hỏi. - Em hãy nói cho rõ hơn. Cô không hiểu từ ngữ so sánh của em.
- Hôm nay chúng em sẽ đi dự cuộc họp của ban chấp hành Khu đoàn ạ.
- Nghĩa là, theo em, thì cuộc họp đoàn là nhà tắm hoặc nhà hát? Đáng khen thật!
- Thưa cô, cô hiểu không đúng ý em ạ... Chúng em sẽ bị người ta cạo cho một trận ạ... Vì chúng em sắp phải báo cáo tổng kết ạ.
- À ra thế! Vậy thì cô rất mừng nếu người ta sẽ... “cạo,” sẽ cho các em một trận nên thân... - Bà muốn dùng từ “xát xà phòng” nhưng kịp dừng lại và tìm thấy một từ khác, từ “cạo” thích hợp hơn.
- Vì sao mà phải cạo ạ?
- Chẳng hạn như vì thái độ thiếu lịch sự. Vì “nhà tắm!” Em Tamara Krapchenco, em ngồi xuống... Nhưng không, em hãy lên bảng.
Giờ học bắt đầu.
Valia Belova ngồi thừ ra, mắt dán vào một góc bảng. Tâm trạng em rối bời. Không khí phấn chấn và hồ hởi như ngày lễ của cả lớp đã tác động khá mạnh vào em chứ không như em tưởng.
Kể từ sau khi bị khai trừ đây là lần đầu tiên em cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tất cả bọn bạn em sẽ được đi họp, trừ em... Tuy em không phải là đoàn viên, nhưng điều đó không có nghĩa gì. Raia và Rita chẳng cũng đã được mời đó sao? Trong buổi họp người ta sẽ nói về lớp em và rất có thể sẽ nhắc đến tên em. Bởi em là một học sinh ưu tú... “Hay là ta cứ đi lẻ rồi ngồi vào một nơi nào đấy giữa đám nữ sinh các lớp khác?” - Em thầm nghĩ. Em được biết là các phần tử ưu tú của các trường khác cũng được mời đến dự họp. Em thấy ý nghĩ đó thật hấp dẫn nhưng em phải gạt nó đi ngay. “Không được! Nhỡ ra xảy chuyện chẳng lành thì sao? Con bé Tamara sỗ sàng và bất nhã có thể làm mình mất mặt. Nó thì có khả năng làm việc đó lắm. Chẳng hạn nó xin phát biểu rồi trước mặt bàn dân thiên hạ yêu cầu mình ra khỏi phòng họp.”
Catia ngồi nghe Tamara trả lời liến thoắng, nhưng vì hồi hộp nên em không hiểu gì cả. Giờ học tiếng Đức là giờ cuối. Tan học là họ phải đến phòng họp ngay. Báo cáo Catia đã chuẩn bị đâu vào đấy. Em đã viết xong tuần trước, đã đọc các bạn gái nghe và được thông qua. Sau đó em đưa cho thầy Constantin Sergheevich.
- Nói chung tốt đấy! - Thầy nói, khi đưa lại quyển vở viết chi chít cho em vào ngày hôm sau. - Nhưng theo thầy em phải chuẩn bị thêm. Hoàn toàn không có số liệu. Số liệu có ý nghĩa thuyết phục rất lớn. Em hãy lấy sổ đầu bài, ghi hết điểm ra, tập hợp chúng lại rồi so sánh... Ngoài ra em có nhiều ý đúng và hay nhưng cần phải chứng minh thêm... Thầy đã đánh dấu ở ngoài lề những gì cần tìm và tìm ở đâu. Dẫn chứng và so sánh hơi khô khan và, theo thầy, hơi tẻ nhạt. Nhưng cái chính là ngôn ngữ. Câu cú nặng nề quá, sách vở quá. Nào là “xuất phát từ góc độ”... “là những”... “giai đoạn kết thúc”... “theo đường lối học tập.” - Anh mỉm cười nhận xét. - Viết thật đơn giản vào, Catia ạ. Bằng lời lẽ của mình. Cho dù có không trơn tru, trôi chảy nhưng mà là ngôn ngữ của mình. Em còn nhớ lời của Calinin về việc này mà có lần thầy đã nói với các em không?
Sau lời nhận xét như vậy buộc lòng Catia phải ngồi viết lại báo cáo từ đầu. Phương án thứ hai được mọi người ưa thích, từ ông bố đến bọn bạn và bác Natalia Nicolaevna mà cả thầy Constantin Sergheevich nữa. Vậy thì còn có gì mà lo lắng nữa cơ chứ? Bản báo cáo đã được chép lại sạch sẽ, bây giờ chỉ còn việc đọc nữa thôi...
- Ivanova Catia! - Bỗng cô giáo Marina Leopoldovna gọi, và tim Catia như ngừng đập. Em có cảm giác là ngoài bản báo cáo ra em không còn nghĩ được gì về những việc khác. Và như vậy có nghĩa là đừng hòng thoát điểm 2. “Tốt nhất là ta nên từ chối” - Em nghĩ và đứng dậy.
- Hôm nay em sẽ đọc báo cáo chứ? - Cô giáo hỏi.
- Thưa cô vâng. - Catia lẩm bẩm trả lời.
- Về vấn đề gì?
- Em phải báo cáo về công tác Đoàn trong giai đoạn vừa qua…
Câu này có trong phương án đầu bản báo cáo đã in sâu vào tâm trí em. Catia nhắc lại một cách máy móc và một lần nữa em thấy rõ nó khuôn sáo làm sao.
- Em đừng quên nhắc đến những kết quả trong học tập môn tiếng Đức. - Cô Marina Leopoldovna nhắc. - Em ngồi xuống. Hôm nay cô sẽ không hỏi bài em. Nina Sarina! Em lên bảng.
Catia vẫn không tin là tai họa đã qua. Mãi khi Nadia giật váy cô và thì thầm “ngồi xuống đi” em mới thở phào nhẹ nhõm và ngồi xuống.
Mấy phút tiếp theo sau đó Catia chú ý nghe Nina trả lời và không nghĩ gì đến cuộc họp nhưng rồi em lại bắt đầu nghĩ về bản báo cáo. Chiều qua em đã nghe ra được một dẫn chứng rất có trọng lượng và thông minh để làm so sánh, và dẫn chứng này đã giúp em nhìn thấy điều cơ bản mà trong báo cáo còn chưa nêu lên được. Đã hai tuần nay trong lớp không có một điểm 3 nào. Cả lớp học rất phấn khởi và say sưa. Không ai phải nhắc nhở họ, bắt buộc họ. Tại sao vậy? Phải chăng chỉ có “Lời hứa” mới tác động mạnh vào ý thức của họ? Không! Vấn đề này cần phải phân tích xem xét sâu hơn... Nhiệm vụ đối với Tổ quốc, trách nhiệm với tập thể, lòng tự tin - tất cả những tình cảm này xuất hiện không phải ngẫu nhiên. Hôm nay Catia mang đến cho em một đoạn ghi lời chỉ giáo của Vladimia Ilich Lenin để em cho vào báo cáo. Catia ghi lại nhưng chưa biết đưa vào báo cáo như thế nào. Để làm điều đó phải sửa lại toàn bộ bản báo cáo...
“Tốt nhất là đừng nghĩ gì nữa. Chỉ tổ càng bối rối thêm. - Catia suy luận, vẻ tiếc rẻ. - Không hiểu vì sao nhưng bao giờ ý nghĩ hay nhất cũng đến sau, khi mọi việc đã làm xong hoặc nói xong.”
Và em cố gắng không nghĩ gì thêm nữa, mặc dầu em có cảm giác là bản báo cáo không đạt, không đầy đủ.
Và cuối cùng giờ học đã kết thúc. Cuộc họp của ban chấp hành được tổ chức tại một trường nam gần nhất của khu. Còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ nên mọi người quyết định đi thăm Acxenova Tania.
Mười ba cô gái vất vả lắm mới kiếm đủ chỗ ngồi trên ba chiếc ghế, trên giường, trên bệ cửa sổ, và chỉ một lát sau là câu chuyện đã râm ran. Cậu bé Sura mấy lần định lách vào phòng nhưng đều bị Tania đuổi ra. Họ nói về buổi dạ hội, về lễ kỉ niệm và mọi chuyện rất êm thấm, nhưng khi Tamara bắt đầu tranh cãi với Catia về chủ đề: ngành khoa học nào hơn, khoa học kĩ thuật hay khoa học xã hội, và một số cô gái cũng tham gia vào thì căn phòng ồn lên như chợ vỡ. Đứng ngoài người ta có thể hiểu lầm là ở đây có sự ẩu đả gì ghê gớm. Cuộc tranh luận tiếp tục cho đến lúc Nina Sarina hốt hoảng kêu lên:
- Các bạn ơi, các bạn điên hết cả rồi à? Bốn rưỡi rồi đấy!
- Trời đất ơi, chúng mình đến chậm mất thôi! - Nadia khua tay nói.
Họ vội vã sửa soạn đi.
Khi ra đến ngoài phố các em bắt đầu trêu Catia lúc đó đang trầm tư suy nghĩ. Rồi các em cố đoán xem những ai trong số bạn nam sẽ đến dự hội nghị.
Kia là ngôi trường nơi sắp tiến hành cuộc họp của ban chấp hành với sự tham dự của đông đảo học sinh tích cực. Khi gần đến tự nhiên họ đi chậm lại. Cửa trường đóng mở liên tục mỗi khi có học sinh vào. Tại phòng để áo ngoài có rất nhiều người, và ai cũng lộ vẻ bỡ ngỡ, trịnh trọng trông chẳng khác gì người lạ lần đầu tiên đến nơi không quen biết.
“Chẳng nhẽ tất cả đều đến dự hội nghị sao?” - Catia lo lắng nghĩ.
Khi họ vào phòng đầu gối Catia run lên bần bật vì hồi hộp và lo sợ.
Trong phòng không phải chỉ có thanh niên. Các thầy cô giáo, các vị hiệu trưởng các trường và cán bộ phòng giáo dục khu cũng tới dự. Leva Nikitin một thanh niên nam đến ngồi vào giữa đám thanh nữ và thông báo cho họ biết là cuộc họp còn có đại diện của báo “Smena” và thành Đoàn Thanh niên tới dự.
Tất cả các cô nữ sinh lớp 10 ngồi vào một dãy ghế. Năm phút trước khi cuộc họp bắt đầu thầy Constantin Sergheevich và bà Natalia Zakharovna bước vào phòng.
- Thầy Constantin Sergheevich. Cô Natalia Zakharovna! Mời thầy cô lại đây! - Ania gọi. Các bạn còn lại cũng đưa tay lên vẫy.
Họ vừa ngồi xuống xong thì anh bí thư khu đoàn và tiếp theo là các ủy viên chấp hành khu bước ra sân khấu. Họ ngồi vào bàn đoàn chủ tịch xong thì trong phòng cũng vừa trở lại im lặng.
- Các đồng chí! Tôi tuyên bố khai mạc cuộc họp của ban chấp hành khu đoàn với các đoàn viên tích cực của các trường. Đồng chí Catia Ivanova có mặt đây không?
- Có, - Catia vừa đáp vừa vội vã rút quyển vở viết báo cáo từ trong cặp ra.
- Mời đồng chí lên đây.
- Cachiusa, hãy bình tĩnh! - Thầy Constantin Sergheevich nói khẽ với Catia rồi nắm lấy tay em.
Catia mỉm cười đáp lại, vẻ căng thẳng.
- Các đồng chí! - Anh bí thư nói tiếp khi Catia đã đến bên bục. - Hôm nay chúng tôi quyết định sẽ thảo luận sáng kiến của lớp 10 trường Usinski. Cuộc họp hôm nay có sự tham dự của các đoàn viên, các bí thư chi đoàn, các biên tập viên báo tường của các trường, hiệu trưởng các trường và các đồng chí giáo viên. Chúng tôi thiết tưởng tất cả chúng ta sẽ rất thú vị được nghe và sau đó cũng trao đổi kinh nghiệm về công tác đoàn trong nhà trường. Chúng ta đang sống và công tác trong thời đại vô cùng hạnh phúc, thời đại, khi mà mỗi sáng kiến hay, mỗi việc làm nhằm góp phần nâng cao văn hóa nhân dân và sự phồn vinh của đất nước đều được hết sức khuyến khích và nhân lên. Bây giờ chúng tôi nhường lời cho bí thư chi đoàn lớp 10 trường Usinski đồng chí Ivanova Catia! - và anh quay sang nói nhỏ với báo cáo viên: - Bắt đầu đi, Catia! Mạnh dạn lên!
Mãi đến lúc này, khi anh bí thư tuyên bố khai mạc xong, Catia mới bình tĩnh lại. Đầu gối hết run, đầu óc đã sáng dần. Em đã bắt đầu phân biệt được các khuôn mặt và thậm chí chí các nụ cười niềm nở. Gật đầu chào anh bí thư xong, em đằng hắng để lấy giọng rồi giở vở ra và... em cảm thấy rất rõ là tóc trên đầu đang dựng ngược lên còn chân thì rã rời đến nỗi em phải vịn vào thành bục để khỏi ngã. Đây không phải là bản báo cáo mà là quyển vở môn lượng giác. Làm thế nào bây giờ... Vô vàn ý nghĩ xuất hiện loang loáng trong đầu em trong giây lát, và môi em đã bật ra những từ đầu tiên một cách máy móc:
- Thưa các đồng chí!...
“Thôi hỏng hết rồi! Mình sẽ lẫn lộn, nhầm lẫn lung tung, xấu hổ quá! Rầy rà to!”
Nhưng muốn hay không cũng phải nói. Catia nắm chặt hai tay, tập trung cao độ rồi em bắt đầu nói. Cảm giác của em lúc này giống như của người lần đầu tiên nhảy từ cầu cao xuống nước.
- Tôi phải báo các về công tác Đoàn trong giai đoạn vừa qua...
“Mình nói gì vậy. - Em ngừng lại và buồn bã nhìn xuống phòng họp: - Lại “trong giai đoạn vừa qua.” Lòng em đầy thất vọng. Nhưng bỗng em nhìn thấy thầy Constantin Sergheevich.
Thầy giáo nhìn em mỉm cười. Và Catia có cảm giác là thầy gật đầu tán thưởng em. “Cứ mặc cho lời văn không được trôi chảy, nhưng mà là của em” - Em nhớ lại lời thầy nói.
- Tôi là một nhà diễn thuyết như thế nào, chính tôi cũng không biết, - Catia nói tiếp. - Lần đầu tiên trong đời tôi phát biểu trước một hội nghị như thế này, và tất nhiên tôi hồi hộp... Còn hồi hộp hơn cả lúc đi thi... Đề nghị hội nghị đừng quên chi tiết đó...
Càng nói giọng em càng rắn rỏi, sự sợ hãi biến dần “Con ngốc, gì mà phải hồi hộp? Báo cáo thì gần như đã thuộc lòng” - Catia tự an ủi, nhưng vẫn không làm sao mà nhớ được câu mở đầu của báo cáo.
- Khi tôi đến hỏi khu đoàn hôm nay tôi phải báo cáo về vấn đề gì và bắt đầu từ đâu thì đồng chí bí thư bảo: “Bắt đầu từ đầu.” Làm thế nào bây giờ? Từ đầu có nghĩa là từ khi chúng tôi còn là những cô bé mới bước chân đến trường... Mặc dầu hồi đó chúng tôi chưa phải là đoàn viên và thậm chí còn chưa cả là đội viên, nhưng khởi đầu dù sao vẫn là từ hồi học lớp 1... Vladimir Ilyich Lenin dạy chúng ta phải biết nắm lấy toàn bộ kiến thức của nhân loại, để làm sao cho chủ nghĩa cộng sản đối với chúng ta không phải là một thứ gì học thuộc lòng mà phải là những gì tự chúng ta suy nghĩ kĩ. Vậy đấy!... Chúng tôi đã học đúng như lời dạy của Lenin chưa? Nếu nói một cách chân thật thì chưa! Tất nhiên là chúng tôi có học... Đã cắp sách đến trường là dĩ nhiên là phải học... Nhưng học không tốt lắm, không phải lúc nào cũng say sưa, thậm chí nhiều lúc còn lười, học vì nghĩa vụ. Tôi muốn so sánh cách học đó của chúng tôi với kiểu bơi trên phao. Các đồng chí biết đấy khi người ta học bơi người ta thường mang theo phao... Chúng tôi cũng học theo kiểu như vậy. Học trên phao...
Hình ảnh so sánh này em vừa nghĩ ra hôm qua.
Phòng họp cười ran và vỗ tay tán thưởng. Sự tán thưởng đó làm cho Catia mạnh dạn hơn. Em cảm thấy rằng giữa em và những người ngồi trong phòng họp có những sợi dây vô hình gắn chặt và em quên biến mất rằng trước mặt em không phải là bản báo cáo mà là quyển vở học môn lượng giác.
- Bạn ấy nói gì vậy nhỉ? - Jenia ngạc nhiên hỏi giữa lúc hội nghị đang ồn ào. - Điều này có trong báo cáo đâu...
- Nhưng bơi trên phao không có nghĩa là biết bơi. - Catia nói tiếp. - Nó có nghĩa là chỉ cần xảy ra một sự cố gì là chúng ta sẽ chết đuối, sẽ uống no nước... Chúng tôi bước vào năm học cuối cùng không tốt lắm và, các đồng chí ạ, tôi không biết rồi chúng tôi sẽ thi cử ra sao nếu như không có một thầy giáo mới đến với chúng tôi. Thầy giáo đó nhìn chúng tôi và nói: “Thế là thế nào? Con gái lớn tướng cả rồi mà vẫn còn bám vào phao mà bơi. Đã đến lúc tự bơi lấy rồi đấy”... Tất nhiên thầy không nói về những chiếc phao. Ấy là tôi nói để làm dẫn chứng đấy thôi. Nhưng nội dung đại khái như vậy... Thầy đó đã làm gì? Các đồng chí biết người ta vẫn dạy những kẻ nhát gan bơi thế nào không? Cho ngồi vào thuyền rồi bơi ra giữa hồ và ném tõm xuống nước: “Bơi đi nếu không thì chết đuối đấy.” Anh chàng nọ vùng vẫy chân tay, uống đầy nước nhưng nhận ra rằng mình không chìm - và thế là liền lấy lại được bình tĩnh. Lấy lại được bình tĩnh và bơi tiếp. Chính thầy Constantin Sergheevich đã bắt chúng tôi làm như vậy đó. Ném chúng ra khỏi thuyền. Hãy bơi lấy, không còn bé bỏng gì nữa đâu. Và các đồng chí nghĩ sao? Lúc đầu chúng tôi sợ hết hồn. Phải vùng vẫy tay chân một lúc và sau đó thấy không sao cả… lại hoàn hồn ngay. Và thế là đã hai tuần nay trong lớp không ai bị bị một điểm 3 nào. Trong thời gian đó đồng chí Ivanova Svetlana được hai mươi lần điểm và nếu cộng chúng lại thì vừa chẵn một trăm - Có nghĩa là bạn ấy được toàn điểm năm! Bạn Alechxeeva Ania được chín mươi bảy điểm, - Catia bắt đầu gọi lên những con số mà cô đà thuộc. - Krapchenco Tamara – chín mươi mốt. Nina Cosinscaia được tám mươi chín. Smirnova Jenia. Sarina tám mươi lăm. Nina được tám mươi ba điểm v. v...
Mỗi một con số đều được hội nghị thưởng bằng những tràng vỗ tay ngắn nhưng đều.
Điểm số của Valia cũng được cộng lại và đứng xếp hàng cạnh điểm của Ania, nhưng Catia không xướng lên, vì không muốn hội nghị khen ngợi Valia cũng như các bạn khác.
- Những con số đó nói lên rằng hiện nay chúng tôi học không đến nỗi tồi, - Catia nói tiếp. - Nhưng các đồng chí chớ vội cho là bao giờ chúng tôi cũng học như vậy. Tôi phải thú thực rằng trước đây lớp thỉnh thoảng vẫn có điểm 2 và thậm chí cả điểm 1 nữa. Có cả hiện tượng học gạo, nhắc bạn và học kiểu “cầu may”... Những thứ đó trước kia có cả, nhưng bây giờ - Thời gian gần đây - đã hết. Tại sao lại có tình hình đó? Trước thì chúng tôi cũng là đoàn viên thanh niên cộng sản, cũng biết Điều lệ, biết nhiệm vụ của mình, cũng đọc báo đọc sách; thầy cô giáo, bố mẹ, cũng thường xuyên nhắc chúng tôi là phải học cho tốt, học hết khả năng mình. Cũng có thể là tôi sai, nhưng tôi vẫn có ý nghĩ cho rằng chúng ta biết nhiều nhưng không hiểu. Hai cái đó khác nhau xa, các đồng chí ạ. Biết và hiểu ấy mà! Mãi tận khi chúng tôi bị tước mất phao và bắt buộc phải tự bơi lấy thì chúng tôi mới hiểu hết... Đồng chí Usinski, à quên... Nhà giáo dục Nga vĩ đại Usinski đã nói rằng: “... làm việc chỉ để mà làm việc là điều không thể chấp nhận được. Ta chỉ có thể làm việc hoặc vì mục đích đáp ứng nhu cầu của thể xác hoặc vì mục đích đáp ứng nhu cầu của tinh thần.” Chính ông đã nói như vậy. Tôi đã học thuộc lòng câu nói đó. Thế... Nhưng nếu nhu cầu của chúng ta không phải là học tập mà là những cái gì khác thì sao? Đi trượt băng chẳng hạn. Đọc một quyển sách hay chẳng hạn. Hoặc là những thứ gì gì nữa, rất thú vị chẳng hạn. Mà những nhu cầu thú vị đó thì lúc nào mà chẳng sẵn, nhất là khi chúng ta không có tinh thần trách nhiệm, và ý thức trách nhiệm, khi chúng ta không hiểu thế nào là lao động vì con người, và đã có người làm thay cho chúng ta, nghĩ thay cho chúng ta, còn chúng ta thì chỉ biết ngồi chờ người ta mang đến cho mình.
Bà Natalia Zakharovna quay sang phía Constantin Sergheevich rồi cúi đầu xuống và thì thầm hỏi:
- Tự nó nghĩ ra đấy à?
- Tự nó đấy. - Thầy giáo đáp. - Trong bài chuẩn bị nó viết hoàn toàn khác. Con bé khá lắm...
Dường như Catia nghe thấy câu nói thầy cô vừa thì thầm với nhau, - Em nhìn về phía thầy Constantin Sergheevich ngồi. Đoạn em đưa tay sửa mái tóc rồi bằng một giọng say sưa hơn, em nói về “Lời hứa,” về việc các em, những phần tử tích cực của đoàn, bí quá không biết làm gì phải đến gặp cô hiệu trưởng để xin ý kiến, gặp thầy Constantin Sergheevich và thầy đã gắn liền nhiệm vụ của nhà trường với những nhiệm vụ chung của đất nước, rồi em kể lai lịch xuất hiện “Lời hứa” - Catia đọc thuộc lòng “Lời hứa” trước hội nghị, nội dung của nó đã làm cho hội nghị ồn ào tán thưởng một hồi lâu. Tiếp đến là Catia nói về bản thông báo, dẫn ra những bài đạt nhất, hay nói đúng hơn là những bài buồn cười nhất. Tất cả những bài viết đó em đã nhớ như in.
- Và bây giờ chúng tôi đang thực hiện “Lời hứa” đó một cách nghiêm túc. Không phải vì chúng tôi đã kí tên mình vào đó, mà bởi vì chúng tôi nhận thức được, hiểu được một cách sâu sắc lời nói của Lenin rằng chủ nghĩa cộng sản không thể xây dựng thành công được nếu không có sự lao động quên mình. Chúng tôi hiểu rằng câu nói đó của Lenin cũng liên quan tới chúng tôi, những học sinh phổ thông, như nó có liên quan tới tất cả mọi người... Bởi chúng tôi sẽ lớn và sẽ làm việc, sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Như vậy có nghĩa là sự quan tâm quên mình tới việc nâng cao hiệu suất lao động bắt đầu từ nhà trường phổ thông... Ít ra thì cũng ngay ở đây, trong tập thể, chúng tôi rèn luyện cho mình một thói quen lao động tự chủ, giáo dục cho mình nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa và không những chỉ biết Đảng cần gì ở chúng tôi, mà còn phải hiểu sâu sắc điều Đảng cần... Và từ khi chúng tôi hiểu ra điều đó thì mọi việc được tiến hành không đến nỗi tồi tệ lắm... Vậy đó hình như tôi đã nói xong.
Catia nhảy xuống khỏi sân khấu và chạy về phía các bạn đang ngồi dưới những tràng vỗ tay râm ran.
- Catia! Catia! Hãy đợi đấy đã! - Anh bí thư khu đoàn gọi theo. - Còn trả lời câu hỏi nữa kia mà...
Nhưng em không nghe thấy gì cả. Cảm giác hồi hộp lại chiếm lấy em, toàn thân như mềm nhũn ra. Em ngồi phịch xuống ghế và đưa tay che lấy mặt lúc đó đang nóng bừng bừng. Em cũng chẳng nghe thấy cả những câu chúc mừng của các bạn... Khi tiếng ồn trong phòng đã hơi lắng xuống, em dướn thẳng người lên và quay sang phía Tamara hỏi:
- Bạn thấy tôi nói thế nào? Có khó hiểu lắm không?
Tamara không trả lời mà chỉ đưa tay ra hai bên. Theo thứ ngôn ngữ của các nữ sinh ở lớp thì điều đó có nghĩa là đạt quá 100%.