Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 17

NHỮNG NGƯỜI BẠN GÁI

Ngoài Svetlana ra, Jenia Smirnova còn có một cô bạn nữa, người mà cô yêu tha thiết và tâm sự được hết đủ điều từ những ý nghĩ, ước mơ đến những điều cô băn khoăn nghĩ ngợi. Họ hiểu nhau ngay từ câu nói đầu tiên và sống rất hòa thuận. Người bạn đó chính là mẹ cô. Kia, bà đang ngồi đối diện với Jenia sau chiếc bàn to, và đang khâu áo cho em gái cô. Jenia rời mắt khỏi cuốn sách giáo khoa và đưa mắt nhìn không chớp theo những động tác mềm mại, thong thả của bà. Mẹ cô còn rất trẻ. Những nếp nhăn lăn tăn bên đuôi mắt không làm cho bà già đi mà chỉ làm tăng cái nhìn đôn hậu và rất sinh động của bà và làm cho người ta có cảm giác là chúng tụ tập lại để nghe giọng cười sắp bật ra thành tiếng:

- Con nghĩ gì vậy? - Bà Vera Gavrilonna hỏi, đưa chỉ lên miệng cắn.

- Con nghĩ về mẹ.

- Thế con nghĩ gì về mẹ nào?

- Mẹ ơi, nếu mẹ có thể trở lại với tuổi mười bảy thì mẹ có đồng ý với con không?

Bà Vera Gavrilovna ngạc nhiên ngẩng đầu lên và nhìn chằm chằm vào con gái.

- Mẹ có thể đồng ý, - bà trả lời sau một phút suy nghĩ.

- Nhưng tại sao?

- Sao lại tại sao? Được trẻ mà không thích à?

- Thế lúc đó mẹ sẽ sống như thế nào? Khác hẳn bây giờ chứ?

- Có lẽ là sẽ sống khác.

- Thế mẹ sẽ làm gì?

- Mẹ sẽ học... sẽ học rất nhiều.

- Điều ấy thì đã hẳn. Mẹ định ám chỉ con chứ gì. Thế còn chúng con? Chúng con sẽ đi đâu? Con, em Alia, em Diuca?

- Các con vẫn ở với mẹ.

- Hê hê! - Mẹ khôn thật. Cái gì mẹ cũng muốn: Cả tuổi trẻ lẫn chúng con.

- Nhưng nếu không có các con thôi mẹ không đồng ý.

- Có nghĩa là mẹ sẽ sống cuộc sống thứ hai cũng như cuộc sống thứ nhất.

- Nhưng con nói chuyện này với ý gì vậy?

- À con nói cho vui thôi... - Jenia trả lời lấp lửng nhưng đoạn cô thở dài rồi giải thích: - Con nghĩ xem con người có nhiều đòi hỏi không?

- Cái đó còn tùy thuộc con người ấy là ai, Jenia ạ. Kẻ thì cần nhiều, người thì lại không đòi hỏi gì.

- Con người là loài sinh vật tham lam. Đúng không hở mẹ? Có mấy cũng không vừa... Cái đó thật là không tốt! Mà con cũng là đứa tham lam!

- Nhưng tại sao cái đó lại là không tốt?

- Lòng tham ấy à? Chứ sao! Lòng tham là một đặc tính đáng ghê tởm. Lòng ghen, lòng tham, ích kỉ!

Bà Vera Gavrilovna đẩy chiếc váy đang khâu dở ra giữa bàn rồi ngồi xuống.

- Mẹ cũng chẳng biết nữa, Jenia ạ. Liệu con có hiểu sai không? Có nhiều loại lòng tham chứ. Con lúc nào cũng nhìn có một phía, phiến diện. Nếu một người tham lam muốn tranh hết phần của những người khác thì hẳn là xấu rồi. Nhưng, ngoài ra còn có những loại lòng tham khác nữa. Tham công tiếc việc, tham học tập...

- Không, đó không phải là lòng tham. Mẹ có biết cái đó gọi là gì không? Là lòng ham mê! Mẹ ơi, có đúng là trong mỗi con người đều có cái cá nhân ích kỉ mà người này thì khuất phục được vì có lí trí, còn kẻ khác thì không thể hoặc không muốn chống lại nó? Mẹ thấy thế nào?

- Mẹ chẳng biết... Theo mẹ, cái đó không phụ thuộc vào ý muốn của con người mà phụ thuộc vào sự giáo dục, con người khi mới sinh ra đã có nhiều tiềm năng.

- Nhiều tiềm năng? - Jenia ngạc nhiên hỏi. - Có nghĩa là, theo mẹ, cả tính ích kỉ, cả lòng tham, cả lòng ghen trong con người ta do bẩm sinh chứ gì? Không, mẹ ạ, mẹ lầm to. Và nếu mẹ muốn biết thì con nói cho mẹ nghe - đó là thứ tư tưởng phản động! Về sự giáo dục thì mẹ nói đúng. Con người sinh ra chỉ có năm giác quan: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Thế thôi! Những thứ còn lại thì phải giáo dục!

- Trên đời này có nhiều loại người khác nhau, Jenia ạ, - bà mẹ nói. - Con vừa nói về “lòng tham”... Có những kẻ suốt đời chỉ có một việc làm là ki cóp. Cái cần cũng như không cần - họ đều lôi tất về nhà. Còn có kẻ thì chả nghĩ gì đến chuyện dự trữ. Sống có việc làm, đủ ăn đủ mặc - Thế là được rồi. Cái đó nên cắt nghĩa thế nào? Do giáo dục ư? Nhưng cả hai loại người đó đều cùng học ở một trường. Theo mẹ, như vậy có nghĩa là giáo dục cũng bằng thừa chứ - Giáo dục có thể mang lại nhiều điều bổ ích, nhưng con người vẫn khác nhau quá... Khác đến mức ngạc nhiên lên được! Và không dễ gì mà hiểu được họ đâu. Chẳng hạn bọn bạn con, con có hiểu biết họ không nào?

- Đôi lúc con tưởng là hiểu, nhưng nghĩ kĩ một tí... Thì lại thấy con biết về họ quá ít.

- Thế đấy... Chẳng qua chỉ vì con suy bụng ta ra bụng người cả đấy thôi.

Cô con gái bé Diuca thường ngày trong gia đình vẫn gọi như vậy, - mếu máo trong mơ và cựa quậy. Jenia đến cạnh giường sửa lại chăn rồi hôn vào trán em gái, sau đó cô quay về chỗ cũ. Cô ngồi im lặng suy nghĩ về câu chuyện vừa xong một lúc lâu. Cô nhớ lại các bạn gái cùng lớp và vô tình so sánh họ với nhau. Thật vậy sao mà họ khác nhau đến thế? Chẳng hạn như Valia và Ania. Họ có gì giống nhau không? Cũng có một điểm gì đấy nhưng đồng thời cũng lại hoàn toàn khác nhau. Hai là Nadia và Lida, - rồi Catia và Larisa chẳng hạn. Việc so sánh hai người cuối cùng làm cho cô phải mỉm cười. Từ khi Larisa học khá lên hơn, cô ta có một cái vẻ ngạo mạn và tự hào làm như số mệnh của cả thành phố Leningrad phụ thuộc vào điểm số của cô. Vì sao vậy? Vì ngốc chăng?

- Đúng! Mẹ nói đúng. Không nên suy bụng ta ra bụng người thật. Thầy Constantin Sergheevich cũng đã có lần nói về điều ấy. - Cô thì thầm rồi thở dài. - Đúng! Một người đần có thể sống hạnh phúc, nhưng khi hắn ý thức được sự đần độn của mình chắc hắn sẽ thấy bất hạnh lắm...

- Nhưng nếu hắn đần thì lấy gì mà ý thức được?

Câu hỏi ấy làm cho cô gái sửng sốt... trong khi họ tranh luận với nhau thường vẫn xảy ra những chuyến đại loại: Bà mẹ đưa ra một câu hỏi nào đó làm cho cô tắc tị và thế là câu chuyện ngắt ở đây. Và mỗi lần như vậy Jenia lại ngạc nhiên không hiểu vì sao.

Mẹ cô chỉ học hết lớp năm, thế mà cô, một học sinh lớp 10, lại chịu thua bà. “Dù sao mình vẫn là một con ngốc, - Jenia thầm nghĩ. - Không biết chứng minh, lập luận gì cả.” Ngay cả những khi đề cập đến những kiến thức chuyên môn và Jenia bắt đầu tính hết đoạn này đến đoạn khác của các chuyên gia nổi tiếng, mẹ cô vẫn nói được...

- Đấy không phải là lời lẽ của con. Bao giờ con hiểu hết và tự mình trải qua những cái đó...

- Nhưng sao mẹ lại nghĩ là không phải lời lẽ của con?

- Vì con chưa đủ trình độ để có những lời lẽ ấy! Vớ ở sách ra gặp đâu ba hoa lên đấy. Mẹ còn nhớ hồi con còn bé, bé như con Diuca bây giờ ấy, mẹ vẫn thường nghĩ... mẹ ngắm con ngủ và nghĩ... Bao giờ con gái mẹ lớn lên - mẹ sẽ nói hết cảnh éo le của cuộc sống cho nó biết. Để nó hiểu nên làm gì, nên xử lí ra sao... Nhưng bây giờ mẹ hiểu rằng mẹ nghĩ vậy là vì lúc đó mẹ còn trẻ. Tất nhiên, mẹ có thể bảo ban con đôi điều và ngăn chặn con đúng lúc, ngoài ra nhà trường, sách vở sẽ dạy cho con nhiều điều, nhưng dù sao trong cuộc sống có những cái mà không ai dạy nổi con đâu. Khi chính con chưa trải qua điều đó thì con chưa thể hiểu được...

Đôi lúc bà Vera Gavrilovna rất thích nói và những lần như vậy bà ta thường ngồi tỉ tê với con gái rất lâu. Bà lấy những dẫn chứng trong cuộc sống của bà nói cho con nghe.

- Nhưng mẹ ạ, mẹ sống ở một giai đoạn khác. Lúc này có nhiệm vụ khác, nhu cầu khác, - Jenia cố cãi.

- Thế mà cũng nói! Chẳng nhẽ mẹ đã già lắm rồi sao? Con gái của mẹ, con hãy nhớ điều này. Thời nào thì thời nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống và con người vẫn là con người. Nếu theo kiểu lập luận của con thì tất cả những gì con người đã làm ra trước đây đều phải vứt bỏ đi hết và bắt đầu lại từ đầu. Không đâu, con ơi! Cái cũ cũng cần phải hiểu một cách có suy xét mới được. Thế mà con thì lúc nào cũng hung hăng xông về phía trước mà không cần đếm xỉa gì đến cái cũ. Cứ thế thì chẳng mấy chốc mà đi lạc đường. Con có biết người ta đi quanh co trong rừng như thế nào không? Người ta cứ tưởng là mình đang đi lên phía trước nhưng trên thực tế - Thì cứ quanh quẩn ở một chỗ...

Bà mẹ nói rất có lí và khó mà không tán thành với bà được nhưng bao giờ Jenia cũng cố gắng tìm ra những chỗ hở trong cách lập luận của bà để chứng minh cho mình là mẹ cô đã lỗi thời, rằng mẹ cô hiểu nhiều điều còn quá đơn giản và đôi lúc còn không biết nữa. Làm việc đó không có gì là khó, và cô gái sau mỗi lần nghe bà nói đều tìm thấy những khe hở và vẫn không thay đổi ý kiến của mình. Nhưng ấy là cô tưởng thế thôi. Trên thực tế thì lời lẽ của mẹ cô đã ăn sâu vào đầu óc cô và dần dần đã biến thành ý kiến của chính bản thân cô. Do đó mà trong lời cô bao giờ cũng có cái từng trải trong cuộc sống kết hợp với cái ngây thơ non nớt.

Tiếng gõ cửa thận trọng đã đưa Jenia ra khỏi trạng thái trầm tư.

- Xin mời vào!

Svetlana bước vào làm cho Jenia vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

- Sao cửa nhà bác lại không đóng ạ? - Svetlana cởi áo, hỏi.

- Chắc là bà hàng xóm vừa ra khỏi nhà đấy. Chào Svetlana!

Bà Vera Gavrilovna niềm nở nói.

- Cháu vừa đi trượt băng về.

- Bạn làm xong bài chưa? - Jenia hỏi.

- Rồi. Còn bài vật lí tớ đến hỏi bạn đây.

- Svetlana, bạn coi chừng đấy, mải chơi vừa vừa chứ trượt băng với chả trượt tuyết, vứt hết đi, nếu không chúng tôi sẽ cạo cho bạn một trận như cạo Lida ấy.

- Thôi, tôi xin bạn đừng càu nhàu nữa. Bạn học thuộc bài vật lí chưa?

- Tôi đang học đây.

Svetlana lấy ghế ngồi xuống cạnh bạn.

- Mẹ đi nấu nước pha chè uống. Bố cũng sắp về rồi đó. - Bà mẹ nói và bước ra khỏi phòng.

- Bạn đi với Lida đấy à? - Jenia hỏi, vẻ hơi ghen.

- Không, tôi đi một mình.

- Tôi không thích chuyện đó... Bạn với bè gì nó.

- Bạn không thích nó điểm nào?

- Tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết là không thích thôi.

- Thật đáng tiếc. Bạn ấy tốt và giản dị. Bố bạn ấy quá là một con người thông minh và vui nhộn. Thật tôi không bao giờ lại có thể nghĩ rằng ông ấy là một viện sĩ viện hàn lâm. Ông ấy nói anh Igor cừ lắm, làm cho mọi người lăn ra mà cười... Ông ta thích anh Igor lắm.

- Tôi rất mừng cho các bạn... - Jenia làu bàu, vẻ giận dỗi.

- Thôi đừng giận nữa, tôi đã nói cho bạn biết rồi còn gì... - Svetlana thì thầm. - Igor phải lòng Lida... và thế là... vì anh ấy mà bọn tôi phải đến đó. Anh ấy đến một mình không tiện.

- Thế còn Lida? - Jenia hỏi, mắt nhìn lim dim.

- Lida cái gì?

- Cũng phải lòng anh ấy à?

- Tôi không biết. Hình như không thì phải. Chắc là chẳng có chuyện gì, chỉ để giải trí đấy thôi.

Jenia phá lên cười và ôm choàng lấy cổ bạn.

- Thôi đi, bạn ngốc lắm!... Chỉ để giải trí! Thế tại sao nó lại đỏ mặt khi tôi ám chỉ về chuyện đó? Bạn có để ý thấy không?

- Hừ, thiếu gì lí do... để ngượng. Ai mà chẳng khó chịu khi bị người ta lôi những điều thầm kín ra mà nói, - Svetlana nói, đoạn cô chuyển sang chuyện khác. - Các bạn đã đến nhà máy chưa?

- Rồi. Việc ra việc đấy. Rồi sẽ bở hơi tai cả nút cho mà xem. Một phân xưởng to đùng bỏ không, không ai nhòm ngó đến. Rác rưởi đầy ắp! Kinh!

- Thế là các bạn sợ à?

- Sợ gì? Ngược lại Catia xem xong rồi nói: “Việc này là hợp với Lida và Nina Cosinscaia nhất” - Jenia cười thông báo lại.

- Thế rồi sao nữa?

- Không sao. Mọi người cười và đồng ý. Người ta sẽ cho xe tải... việc của bọn mình là hót hết rác lên xe. Thế thôi. Họ sẽ trả cho ba nghìn rúp đấy.

- Nhiều vậy à?

- Ấy, bạn đừng ngạc nhiên vội. Nếu bạn tận mắt nhìn thấy khối lượng công việc thì bạn cũng phải kêu lên cho mà xem.

Diuca thức giấc và bắt đầu ọ ọe như sắp sửa khóc, Jenia đến bên giường và bế lên một đứa bé gần như trần truồng, còn ấm hơi:

- Diuca, bé Diuca của chị... - Cô nói, giọng âu yếm - Diuca bé tí xíu của chị...

Svetlana nhìn bạn vồ vập âu yếm đứa bé và bỗng tim cô rộn lên cảm xúc thắt lại dịu dàng.

- Ngủ đi, em bé của chị... Ngủ đi, tí hon của chị... Jenia vừa thì thầm vừa thay tã lót cho em và đặt nó xuống giường - ... Thế được rồi. Ồ, em của chị vươn người dài quá.

Cô đứng cạnh giường thêm một lúc chờ cho em ngủ.

Công việc thú vị nhất của Jenia là chơi đùa với em gái. Cô thường dẫn nó đi chơi phố rất lâu. Nhiều người tưởng nhầm cô là mẹ của đứa bé. Điều này làm cô rất buồn cười.

- Con chị đấy à? - Một bà trông trẻ hay một bà cụ nào đấy đang dạo chơi trong cái công viên nhỏ hỏi cô.

- Thế bà tưởng con ai?

- Chị còn trẻ quá. Chị bao nhiêu tuổi?

- Mười sáu - Cô đáp, cố tình ăn bớt một tuổi.

- Vô lí. - Bà già tò mò nọ kinh ngạc. - Lạy chúa tôi! Tuy ngày xưa chuyện này là thường. Con gái đi lấy chồng sớm và đẻ hàng tá con, mà đứa nào cũng khỏe như vâm.

Và bà ta bắt đầu kể lại chuyện ngày xưa đã sống như thế nào, còn “bà mẹ trẻ” thì vội vàng tránh bà cụ già lắm điều nọ.

Khi Jenia dỗ em ngủ xong trở về chỗ cũ. Cô vừa ngồi vào học thì bà Vera Gavrilovna bước vào và bắt đầu dọn bàn ghế.

- Các con, cất đi uống nước chè đã rồi lại học, - bà ra lệnh.

- Bác Vera Gavrilovna. Cháu vừa uống xong, - Svetlana định nói tiếp nhưng bà Vera Gavrilovna ngắt lời:

- Đừng nói thế nữa. Cháu đến đây cũng như ở nhà, đừng có mà khách khí. Hôm nay bác sẽ chiêu đãi món bích-quy tự bác làm.

Svetlana biết rằng từ chối cũng vô ích nên đành ngoan ngoãn ngồi vào bàn. Bà Vera Gavrilovna bỏ bích-quy vào đĩa cho cô và nói bằng một giọng vờ nghiêm khắc:

- Mời cô ăn hết đi cho, nếu không tôi phật ý đấy.

Bà yêu cô gái này lắm và cũng chỉ mong cho con gái mình tìm được những đứa bạn tốt như thế. Bà cho Svetlana là một cô gái ngây thơ, hơi quá bộc tuyệch bộc toạc, không kiên quyết, hay nhân nhượng và quá khiêm tốn. Những đức tính ấy bà cũng tìm thấy ở con gái mình, nên bà thường nói với họ:

- Các con xem chừng khó mà ăn ra làm nên lắm “Ai liều lĩnh, người đó sẽ có ăn.” Thế mà các con thì lại sẵn sàng nhường hết cho kẻ khác.

Jenia bực bội khoa tay lên và cố gắng tìm những lên lẽ có sức thuyết phục lớn để phản đối:

- Mẹ ơi, mẹ toàn nói những chuyện không đúng... Non nớt về chính trị. Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa mọi thứ đều sẽ có tổ chức.

- Im đã nào, Jenia. Mẹ không muốn tranh cãi với con về chủ nghĩa cộng sản. Còn lâu mới đến chủ nghĩa cộng sản...

- Vậy bây giờ có những khó khăn gì?

- Lớn lên con sẽ biết...

- Lại “lớn lên.” Lần nào cũng thế. Còn lớn đến bao giờ nữa mới biết hết mọi nhẽ? Bọn con cũng chẳng còn bé bỏng gì nữa đâu! Jenia tức tối nói. - Con thừa hiểu mẹ muốn nói gì rồi! Vâng, vâng! Cái lí thuyết của mẹ về các chàng rể ấy... bạn nghĩ mà xem. Sveta. - Cô nói với bạn, - mẹ tớ cho rằng các chàng rể đã chết hết ngoài mặt trận rồi nên chúng mình, những con bé đáng thương, sẽ phải ở vậy suốt đời...

- Hừ, về Svetlana thì mẹ đã khỏi lo - bà Vera Gavrilovna mỉm cười nói. - Nó sẽ không phải ở vậy đâu.

Thật kì lạ là những câu nói đại loại như vậy không làm cho Svetlana bối rối, và bao giờ cô cũng chỉ cười rất thoải mái. Dường như Svetlana không biết là mình đẹp. Ở lứa tuổi của cô những cô có sắc đẹp đó thường biến thành những con “búp bê” trống rỗng, được nuông chiều, ngạo mạn. Còn Svetlana thì vẫn giữ được cái trong sạch tuyệt vời, sự khiêm tốn và thật thà.

Lúc này cũng vậy. Cô chậm rãi nhấp nước chè với bích-quy và nghĩ về một điều sâu xa nào đó. Thậm chí cô còn quên cả việc khen tài nấu ăn của bà Vera Gavrilovna.

- Bạn có chuyện gì vậy, Sveta? - Jenia hỏi.

Câu hỏi làm cô gái hết đăm chiêu, đoạn cô quay sang hỏi bạn;

- Jenia, bạn hiểu thế nào là cảm giác thẩm mỹ?

- Cảm giác thẩm mỹ à? - Jenia ngạc nhiên hỏi lại. - Ta thử phân tích xem. Thẩm mỹ là cái đẹp. Vậy nó có nghĩa là cảm giác đẹp.

- Không. Không hoàn toàn vậy... Nói đúng hơn đó là cảm giác về cái đẹp.

- Có thể là như vậy. Nhưng sao tự nhiên bạn lại hỏi thế?

- Bạn thử hình dung xem... Svetlana bắt đầu chậm rãi nói. - Chẳng hạn, ta lấy thầy Constantin Sergheevich làm thí dụ. Chẳng hạn, do một sự tình cờ nào đó thầy ấy đến dạy chúng ta trước chiến tranh. Bạn với tôi và nói chung là cả lớp ta, sẽ yêu quý thầy ấy, tất nhiên...

- Điều ấy thì đã hẳn!

- Và thế rồi thầy ấy ra mặt trận, khi về thầy mang đầy thương tích mặt. Xấu xí... và bạn hãy hình dung xem có kẻ nào đây trong bọn mình không chịu học bài của thầy ấy, tránh mặt không muốn nói chuyện với thầy ấy.

- Tại sao?

- Vì trông thầy ấy xấu xí quá. Vì “cảm giác thẩm mỹ” của bạn đó bị xúc phạm...

- Xì! Chỉ nói dớ dẩn! - Jenia nói, vẻ khó chịu. - ngồi phịa chuyện ấy ra làm gì?

- Đâu phải chuyện tôi phịa. Tôi mới biết tối hôm qua đấy, không nhẽ có những cô gái như vậy thật ư?

- Thiếu gì những kẻ quái đản hở cháu, - bà Vera Gavrilovna nhận xét sau khi nghe xong câu chuyện.

- Đấy không phải là một người quái đản, bác Vera Gavrilovna ạ. Một cô nữ sinh xuất sắc của lớp và nói chung là một nhân vật chính diện.

- Một cô gái người nước ngoài à? - Bà Vera Gavrilovna hỏi.

- Với đầy các thói quen tư sản.

- Không ạ, là một cô gái Nga... cô gái Xô viết.

- Bạn cứ nói thẳng ra xem nào, việc gì mà cứ úp mở mãi thế. - Jenia nói. - Bạn định ám chỉ ai? Valia à?

- Không. Ania cho tôi mượn quyển chuyện “Một chuyến tàu đi xa.”

- Chuyện về thủy thủ à?

- Không. Về chúng ta, những nữ sinh lớp 10, về một trường phổ thông nào đấy trong chiến tranh. Trong chuyện tả lại sự việc vừa rồi. Jenia ạ, đọc xong tôi kinh ngạc không thể tả được! Vì tôi thấy buồn bực quá... Tôi định tìm thầy Constantin Sergheevich để nói chuyện nhưng Ania ngăn tôi. Thầy ấy cũng bị thương mà...

- Mẹ nghĩ là một cô gái Nga khi thấy một con mèo ốm yếu ghẻ lở đầy người thì cũng thương tình và chữa chạy cho khỏi, - bà Vera Gavrilovna nói trong khi cô con gái đẩy tách chén sang một phía để lấy chỗ học. - Theo mẹ thì đấy mới là cảm giác đẹp. Nhưng tất nhiên, cũng có những tiểu thư, những “mợ” sợ không dám bế con mèo như vậy lên. Cũng có khối kẻ chứ không ít đâu. Nhưng ghê tởm thầy dạy mình, một người bị chiến tranh làm cho tàn phế, mẹ không tin là có những kẻ quái đản như vậy...