Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 18
CHUẨN BỊ CHO BUỔI DẠ HỘI
Hai tuần cuối của tháng mười hai có nhiều việc đến nỗi các có nữ sinh lớp 10 gầy sút hẳn đi. Trong thời gian này không có sự cố gì đặc biệt nên họ tập trung tất cả cho việc học. Lida nhận được điểm năm về môn lịch sử, nhưng Catia vẫn tuyên bố là cái đó vẫn chưa làm cho cô ta yên tâm.
- Ở bạn thì bất kì lúc nào cũng có thể có những thứ tâm trạng. - Cô khoa tay vòng tròn, - bất bình thường...
Trên tường, giữa bản “Lời hứa” và bản tin sau cùng “Chúng ta sẽ học không chê vào đâu được,” còn xuất hiện một tờ giấy màu mận chín. Trên tờ giấy có dán hai bản tin ngắn cắt từ báo đoàn ra. Tờ “Smena” đăng tường thuật về cuộc họp của ban chấp hành khu đoàn dưới đầu đề “Một kinh nghiệm quý báu,” còn báo “Sự thật Đoàn thanh niên Cộng sản” đăng một bài rất dài với đầu “Đoàn viên thanh niên trong nhà trường.” Cả hai bài đều hiện hiện ngay sau lần Catia báo cáo và đã mang lại cho lớp nhiều niềm phấn khởi.
Buổi dạ hội nhân dịp năm mới sắp đến. Các cô dự định tổ chức nhiều tiết mục đến nỗi phải lôi kéo tất cả những ai có thể lôi kéo được vào công tác chuẩn bị: Học sinh lớp 10 ở trường nam trước đây họ đã có lúc học cùng, bố mẹ và một số thầy cô giáo, cô giáo. Thầy Vaxili Vaxilievich cùng Catia chuẩn bị một trò vui hóa học. Thầy Constantin Sergheevich đến lớp vào một buổi chiều hoạt động sôi nổi như vậy, khi các cô gái đang dán những chiếc đèn giấy.
- Việc đến đâu rồi?... Thầy mang đến cho các em một tin vui.
- Tin gì vậy ạ?
- Ông phụ trách quản trị đã thương lượng với đồng chí cửa hàng trưởng. Hôm dạ hội sẽ có hai quầy bán hàng. Một quầy sẽ bán pháo, băng giấy màu, hoa giấy và mặt nạ; quầy thứ hai sẽ bán kem và nước ngọt...
- Ôi, kem Eskimo tuyệt vời! - Nadia vui sướng reo lên.
- Sống rồi! - Larisa buột miệng nói.
- Thầy Constantin Sergheevich, thầy đã bàn với cô Natalia Zakharovna về giờ kết thúc dạ hội chưa ạ? - Jenia hỏi. - Không thể xong trước hai giờ sáng đâu ạ. Được không thưa thầy?
- Thầy cũng chưa biết.
- Thầy ơi... - Em kéo dài giọng, vẻ không hài lòng. - Chẳng nhẽ chỉ được đến 12 giờ đêm thôi ạ? Nghỉ đông mà, thưa thầy, chúng em sẽ ngủ bù!
- Em đừng buồn vội. Theo thầy chắc là được thôi. - Thế còn Tamara đâu?
- Bạn ấy đang cùng cô Natalia Nicolaevna và Catia viết “thiếp chúc mừng” ở phòng giáo viên ạ.
Thầy Constantin Sergheevich ngồi xuống bên cạnh Nina Sarina lúc đó đang cắt giấy theo mẫu vẽ sẵn.
Hôm đó là lần đội một làm ở trong lớp và công việc của họ được tiến hành rất có tổ chức. Nina cắt giấy, Larisa gập các góc, Nadia thì phết hồ lên giấy, Ania thì dán chúng vào bìa các-tông, Jenia thì cắt lỗ, xâu dây và xếp những chiếc đèn đã làm xong vào một tập.
- Thế còn đội hai làm ở đâu? - Thầy giáo hỏi.
- Họ đang chuẩn bị quần áo ở phòng vật lí ạ, - Jenia đáp. - Hề, buồn cười.
- Buồn cười gì?
- Thầy có biết lớp ta có bao nhiêu cô thợ may không ạ?
- Bao nhiêu?
- Hai ạ! Bạn Svetlana và Catia. Số còn lại thì chưa bao giờ biết cây kim sợi chỉ là gì ạ.
- Nói dối! - Ania phản đối.
- Ừ thì cứ cho là biết đi thì cũng chỉ biết đính khuy thôi. Theo bạn đó là thợ may à?
- Nhưng như tôi chẳng hạn, tôi chả cần tự may vá gì. Đã có cửa hàng may mặc rồi, - Larisa nói.
- Thế mà cũng nói! Mỗi khi cần đơm khuy bạn cũng chạy đến cửa hàng à? - Nina phản đối. - Chẳng phải đi tìm thí dụ đâu xa. Cứ lấy quần áo dạ hội của chúng mình thì thấy. Bạn có biết nếu nhờ cửa hàng thì họ sẽ cắt hết bao nhiêu không?
- Nhưng tôi có bắt các bạn phải nghe theo tôi đâu. Các bạn có muốn đi học may, xin cứ việc.
- Đúng. Đến lúc cần, tôi nhất định sẽ đi học may. - Nina Sarina đáp.
Constantin Sergheevich vừa lắng nghe học sinh tranh luận vừa theo dõi công việc với một vẻ thú vị. Không những chỉ trong lời nói mà còn cả trong từng động tác đều thể hiện những nét đặc biệt tính cách từng học sinh của anh.
Jenia Smirnova là đội trưởng. Em làm việc với sự say sưa thể hiện cả ra ngoài, trông “ngon lành” lắm. Xâu dây xong em thận trọng xếp từng chiếc đèn một, rồi vừa lắp bắp môi vừa tay vuốt ve chúng. Ai nhìn thấy Jenia đang làm việc cũng muốn nhảy vào xắn tay lên làm cùng.
Nina Sarina thì vừa cắt giấy các-tông, vừa mấp máy miệng theo nhịp đưa của kéo.
Ania thì làm vội vẻ căng thẳng. Lông mày em nhíu lại. Thỉnh thoảng em ném những cái nhìn dữ dội về phía những bạn đang nói chuyện. Em bị lôi cuốn hết vào công việc nên những câu chuyện không đúng lúc gây mất tập trung làm em rất khó chịu.
Không thể nhìn Nadia mà không cười được. Ngón tay em dính đầy hồ đến nỗi những mảnh giấy thừa lúc nào cũng bám chặt lấy tay.
Còn Larisa thì làm như máy, không thèm nhìn vào đống giấy đã được cắt sẵn.
- Các bạn ơi, tôi đau nhừ hết cả lưng rồi đây này! - Nadia than thở. - Jenia cho nghỉ đi thôi.
- Nghỉ giải lao! - Jenia hô to.
- Đủ rồi! - Ania họa theo.
- Thầy Constantin Sergheevich. Thầy có sang phòng vật lí với chúng em xem đằng ấy làm ăn ra sao không ạ? - Nina hỏi.
- Nào thì đi.
Cả nhóm kéo đi theo dãy hành lang tối om về phía cuối trường. Khắp ngôi nhà vắng người vang lên tiếng chân họ bước.
Đi gần tới phòng họp họ nghe có tiếng hát.
- Khẽ nào, các bạn! - Jenia thì thầm qua kẽ răng.
Tất cả dừng lại, im lặng và họ nghe rõ lời của một bài hát:
“Mỗi lùm cây, mỗi bông hoa.
Mỗi tiếng thở dài của gió.
Ấy là biển sống chan hòa.
Ấy là dòng sông hạnh phúc...”
- Rita hát hay quá! - Nadia thì thầm qua tiếng thở dài. - Trời phú cho bạn ấy giọng hát tuyệt vời!
Constantin Sergheevich ngay từ đầu đã nhận thấy rằng các học sinh trong lớp đối với Rita không được thân thiết lắm, nhưng mỗi lần nói tới giọng hát của em họ đều tỏ ra thán phục và vui sướng. Đây là lần đầu tiên thầy giáo nghe thấy Rita hát. Rita lĩnh xướng, còn những người còn lại thì khẽ hát theo làm nền. Giọng Rita khỏe và trong, còn âm sắc của nó thì, như Jenia nhận xét, “mịn như nhung.”
Họ nhón chân qua phòng họp và dừng lại bên phòng vật lí để nghe đoạn cuối của bài hát.
“Tôi mở toang cửa sổ.
Để chào đón mùa xuân.
Bằng giọng hát ví von.
Chào mùa xuân tươi trẻ.
Tim tôi đập nhịp nhàng.
Không lời than, nước mắt.
Gió về đuổi mây tan.
Mây đi rồi, xa lắc.”
- Tuyệt! - Tuyệt! - Jenia thét to, đoạn em mở toang cửa phòng và vỗ tay bôm bốp. Những người còn lại. trong đó có cả thầy Constantin Sergheevich, cũng làm theo em.
- Em hát tốt lắm. - Thầy nói. - Bài hát này nhất định phải được trình diễn tại buổi dạ hội.
- Em không hát trong buổi dạ hội đâu. Không, không, không!
Rita lắc đầu nguây nguẩy, vẻ nũng nịu.
- Tại sao?
- Thầy đừng nghe bạn ấy. Bạn ấy ngúng nguẩy một chút thế thôi rồi lại đồng ý ngay đấy mà, - Jenia nói. - Bạn ấy có tính thích cho người ta khẩn khoản đề nghị.
Đội hai khâu quần áo cho những người điều khiển buổi dạ hội. Theo lời Lida thì đây phải là loại “quần áo của Piereta.” Một cái váy đơn giản bằng thứ vải trắng rẻ tiền, một cái mũ với những quả bông màu, cái nơ ở ngực và chiếc thắt lưng vải cũng cùng màu. Các cô gái lớp 10 trong những bộ y phục như vậy sẽ nổi bật hẳn lên trong đám người còn lại, còn bản thân họ chỉ khác nhau ở màu sắc của các quả bông, của nơ và thắt lưng.
- Công việc thế nào hở em đội trưởng? - Constantin Sergheevich hỏi.
- Chúng em sẽ làm xong trong hôm nay, - Clara trịnh trọng trả lời - Bạn nào muốn mặc thử? Nadia, bạn mặc thử bộ áo của bạn vào. Kia, treo ở kia... Có quả bông màu vàng ấy.
- Sao lại màu vàng? Tôi đã đề nghị cho tôi màu xanh cơ mà!
- Thôi đi, đừng yêu sách nữa. Chúng ta đã bắt thăm rồi cơ mà. Bạn nào cũng thích màu xanh! Mặc vào!
- Mặc ra ngoài váy ấy à?
- Chứ sao? Cái này giống như một thứ áo khoác ngoài...
Trong khi Nadia mặc áo hóa trang, thầy giáo đến chỗ Svetlana ngồi. Cô ngồi cạnh Lida. Các em đang thùa khuyết, đính quả bông vào mũ. Lida làm chưa thành thạo những bình tĩnh.
- Lida, em học may đấy à?
- Đâu phải chỉ có chúa mới biết nung bình hở thầy, - Lida đáp.
- Xem chừng em cũng thích công việc này đấy?
- Vâng. Hơi đơn điệu một chút nhưng lại tha hồ mà suy nghĩ... Thầy Constantin Sergheevich, em và Svetlana vừa tranh luận xong. Thầy phán xét giúp chúng em nhé?
- Lại tranh luận - Thầy nhếch mép cười. - Tranh luận về gì vậy?
Lida liếc mắt nhìn bạn rồi nói, mắt vẫn không dám nhìn thầy giáo:
- Khi một cô gái đi lấy chồng mà không yêu... Nên đánh giá việc đó như thế nào? Svetlana nói là việc làm đó là vô đạo đức và phản lại quy luật tự nhiên. Còn em thì cho rằng nếu cô ta lấy chồng mà không yêu nhưng lại tôn trọng và quý chồng như một người bạn thì tình yêu sau này có thể đến...
Thầy Constantin Sergheevich ngạc nhiên liếc nhìn Lida. Trên khuôn mặt cô lộ rõ một sự lúng túng cao độ và cũng dễ dàng thấy được rằng cô phải dùng một nghị lực như thế nào để bắt mình nói ra câu hỏi đó. Còn Svetlana thì tựa lưng vào ghế và nhìn thầy với vẻ chờ đợi với chút hồi hộp.
- Em biết một trường hợp như vậy trong cuộc sống. - Lida nói thêm.
- Thưa thầy, - Svetlana nói, - Trước kia người ta ép gả con gái cho người cô ta không yêu, và ta không thể lên án cô ta được... Cô ta có thể làm được gì? Còn ngày nay... Nên gọi việc làm đó bằng thứ tên gì?
- Các em đặt thầy vào một tình huống thật khó xử? Câu hỏi rất phức tạp...
- Thật thế hả thầy? - Svetlana ngạc nhiên hỏi.
- Tôi biết ngay mà! - Lida nói, môi nở một nụ cười đắc thắng - Bạn nhìn vấn đề đơn giản quá.
Constantin Sergheevich dịch chiếc ghế để không đến cạnh máy khâu rồi ngồi xuống, hai tay tì lên chiếc gậy. Đoạn thầy nói:
- Chúng ta biết nhiều trường hợp người ta lấy nhau mà không yêu nhau mấy, nhưng vẫn sống hòa thuận cho đến già. Chúng ta cũng biết nhiều trường hợp trai gái lấy nhau vì tình yêu nhưng rồi chỉ một năm sau đã bỏ nhau và coi nhau như kẻ thù. Theo thầy vấn đề này còn phức tạp ở một điểm nữa là mỗi trường hợp đòi hỏi phải có một sự xem xét riêng. Nhưng nếu cô gái lấy chồng vì sự tính toán, vì mục đích ích kỉ, thì điều đó rõ ràng là một điều đáng ghê tởm. Còn nêu cô ta tôn trọng chồng, coi chồng như bạn, thêm vào đó nếu họ có cùng những nhu cầu chung, mục đích chung, thì rõ ràng, điều đó cần được đánh giá khác hẳn...
- Thế theo thầy, tình yêu có thể đến với họ được không ạ? - Svetlana hỏi.
- Có thế chứ! Nhưng dù sao thì cũng nên chọn người mình yêu mà lấy.
Trong lúc đó Nadia đã mặc xong áo và đang quay đi quay lại giữa đám bạn vây quanh cô.
- Thầy Constantin Sergheevich! Mời thầy xem đây ạ!
Thầy quay đầu về phía họ:
- Ừ. Theo thầy, trông đẹp đấy! Nào, em thử đeo mặt nạ vào xem nào.
- Clara, mang mặt nạ lại đây!
Clara lấy từ tủ ra một chiếc mặt nạ màu đen và đưa cho Nadia. Mặt nạ chưa có dây nên cô gái chỉ ướm thử vào mắt.
- Đẹp tuyệt vời! - Jenia thốt lên. - Đồng chí mặt nạ, đồng chí cho phép được đi với đồng chí một điệu Van-xơ!
- Bao giờ bọn mình mặc hết hóa trang... chắc nhộn lắm đấy!
Cửa phòng mở. Tamara, Catia, cô Natalia Nicolaevna và Acxenova Tania bước vào.
- Thế mà chúng tôi cứ nghĩ mãi không biết là chúng nó bỏ đi đâu hết cả rồi? - Cô giáo nói, - vứt hết đèn lại và đi mất...
- Thưa cô bọn em nghỉ giải lao ạ.
Mọi người đang loay hoay mặc thử quần áo nên không nhìn thấy Tania ngay.
- Các bạn ơi! - Bỗng Svetlana kêu lên - Xem kìa! Tania! Bạn ấy không cần gậy nữa!
Tất cả reo lên vui sướng. Họ quây lấy Tania, ôm bạn chúc mừng bạn. Đã quên mất cảnh ồn ào và bàng hoàng với sự đón tiếp niềm nở, cô gái đứng ngây ra như phỗng, vẻ đầy sung sướng.
- Catia, cho bạn ấy vào đội chúng tôi! - Jenia nói to.
- Tại sao lại vào đội bạn mà không phải đội tôi? - Calra lập tức phản đối.
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết thì bác Phenesca bước vào.
Bác nói:
- Các cháu ơi, người ta chở ván đến cho các cháu đấy! Các cháu ra mà đón khách. Tamara, bố cháu cũng đến đấy.
- Họ mang cầu trượt đến! - Tamara vui sướng kêu lên. - Đi đi các bạn ơi.
Tại một cuộc họp phụ huynh học sinh, Tamara giới thiệu bố mình với thầy giáo. Thầy Constantin Sergheevich nhận ngay ra rằng ông là một người thợ biết nhiều nghề, nên trong khi nói chuyện, thầy giáo đã dẫn ông ta đến bên cạnh cầu thang và chỉ:
- Anh Matvei Stepanovich, anh xem, chiếc cầu thang của chúng tôi cũng tốt đấy chứ?
Bác thợ đến bên tay vịn lắc lắc chúng xong ông nhìn vào nhịp và những bậc lên xuống rất rộng xây bằng đá - Cầu thang tốt đó. Phải hàng trăm năm mới hỏng, chắc chắn lắm, - ông đồng ý.
- Chúng tôi có một ý định... Liệu có thể đặt hai - ba mảnh ván bào thật nhẵn giữa cầu thang nối từ tầng ba xuống được không? Để sát chúng vào nhau và gắn thật chặt. Rồi làm thêm những cái gò con. Thử hỏi kém gì cầu trượt thật.
- Cầu trượt? - Bác thợ ngạc nhiên hỏi. - Để làm gì cơ chứ?
- Để cho các cháu nó vui chơi, trượt vào những hôm có dạ hội. Hồi nhỏ anh đã bao giờ trượt trên gò băng chưa?
- Trượt gò băng ấy à? Không phải một lần! - Matvei Stepanovich nhếch mép cười rồi nói và bước đến chỗ ngoặt của cầu thang. Có điều chúng tôi trượt bằng xe trượt tuyết. - Anh Constantin Sergheevich ạ... Còn ở đây thì “ngồi lên gì” mà trượt? - Ông dừng lại hỏi.
- Lo gì, ngồi lên gì mà trượt chẳng được, - Ông giáo cười. - Không, chúng ta sẽ làm một con đường bằng thảm rộng chừng nửa mét tha hồ mà trơn.
- Thế còn chỗ dưới? Trượt thẳng vào phòng học à?
Phía bên kia hành lang, đối diện với cầu thang là cửa vào lớp.
- Dưới ấy ta sẽ lấy một chiếc đệm ở phòng thể dục thể thao kê vào nếu có chỗ rộng.
- Thế đấy! Thế đấy... - Ông Matvei Stepanovich kéo dài giọng và cố gắng hình dung xem trên thực tế tất cả những thứ đó sẽ ra sao. - Tất nhiên, đối với bọn con trai thì đây là một trò chơi trứ danh đó... Không có gì nguy hiểm cả. Bên trái là tay vịn, bên phải là tường. Có điều là chúng nó sẽ trượt chồng trượt chéo lên nhau mất... Vâng, thì cứ cho cả bọn con gái nữa... Nhưng các vị lãnh đạo nhà ta liệu có cho phép không?
- Chắc là được.
- Thế anh định đặt cho đâu làm chiếc cầu trượt này. Nhờ ở xưởng hay là nhờ thợ?
- Nhờ anh đấy.
- Nhờ tôi ấy à? Vâng, tôi hiểu. - Matvei Stepanovich nói không chút ngạc nhiên. Đúng thế... phụ huynh học sinh phải là những người giúp việc đắc lực nhất của nhà trường... Điều đó không còn gì phải bàn cãi... Ván không cần dày lắm... Nằm vừa khít bậc thang... Rãnh không to lắm... - Ông suy nghĩ thành tiếng rồi bỗng ông gật đầu dứt khoát: - Chúng tôi sẽ làm cho, anh Constantin Sergheevich ạ. Thỉnh thoảng cũng nên cho bọn trẻ nó nô đùa một chút, điều ấy chẳng hại gì.
Ngày hôm sau ông mang theo thước dây đến trường rồi hí hoáy đo, tính toán và ghi chép...
Và thế là chiếc cầu trượt đã làm xong. Các cô học sinh mong nó từng giờ. Bỏ hết mọi việc, các cô chạy ùa xuống sân.
- Bố ơi, bố chở cầu trượt đến đấy à?
Tamara từ trên cầu thang hỏi vọng xuống.
- Ừ, chở đến rồi, Timosa[43] ạ. - Ông Matvei Stepanovich lắp bắp đáp. Ông đang dùng giẻ lau những tấm vách lấm tấm những hạt nước. Đứng cạnh ông là ông Mikhail Phomich Ivanov, người cùng ông tham gia làm việc này, và hai người đàn ông khác không quen biết, bố của học sinh ở các lớp khác.
[43] Timosa: gọi âu yếm.
- Cầu trượt cho các cháu đấy, - một trong hai người đàn ông nọ nói. - Thứ này ở Uran người ta gọi là con trượt. Ở Leningrad gọi là cầu trượt. Ta lắp vào thôi chứ, anh Matvei Stepanovich?- Ông ta quay sang nói với ông bố của Tamara. - Còn phải điều chỉnh nữa.
- Cũng chẳng còn gì mà phải điều chỉnh đâu, - Ông Stepanovich đáp, vẻ tin tưởng. - Mọi thứ đã đâu vào đấy cả rồi. Nhưng dù sao ta cũng nên lắp thử xem. Phải làm thêm mấy cái vấu...
Thầy Constantin Sergheevich đến. Anh chào các phụ huynh học sinh xong bắt đầu xem chiếc cầu trượt.
- Bên cạnh có những con chữ làm những chức năng riêng, - ông Matvei Stepanovich giải thích. - Đầu các tấm ván sẽ tì vào các ván... Ba cái ở giữa, còn những cái này...
Thầy Constantin Sergheevich nghe bác thợ nói, đưa tay vuốt vào bề mặt bào nhẵn, mát lạnh của các tấm ván và mỉm cười nhìn các cô gái đang xúm quanh anh. Mắt các cô ánh lên một niềm vui và sốt ruột…
Trong khi đó bác thợ Matvei Stepanovich vẫn tiếp tục nói:
- Các tấm tán được bắt chặt vào nhau bằng cách... Những cái gờ này lắp vào rãnh... Tất cả chỉ có thế thôi.
- Ta nên xem cụ thể tại chỗ. - Thầy giáo đề nghị.
- Nào, các đồng chí, mỗi người một tay nào, - bác thợ Mikhail Phomich ra lệnh.
Họ khuân ván lên gác đặt vào cạnh cầu thang và mấy bác thợ bắt tay vào lắp ráp.
Constantin Sergheevich gọi Catia, Jenia và Clara lại chỗ mình.
- Các em! Thầy nghĩ là hôm nay các em không thể làm thêm được gì nữa đâu. Trước hết là trời đã muộn, và sau nữa là chả còn tâm trạng nào để làm nữa đâu. Các em dọn dẹp hết cả lại và giải tán về thôi. Thầy nhắc là dù sao thì cũng đừng quên ôn tập đấy...
Các đội giải tán. Theo yêu cầu của thầy giáo bác Phenesca mang chìa khóa lớp 4A đến, lớp này nằm đối diện với cầu thang. Bác mở cửa lớp và đứng chắp tay lên ngực quan sát một hồi lâu công việc của các bác thợ. Bác không hiểu nổi tại sao người ta lại phá hỏng sàn nhà và mang gỗ mang ván đến để làm gì.
- Thầy Constantin Sergheevich, người ta làm thế để làm gì?
- Bác Phenesca hỏi thầy giáo khi những chiếc lỗ đặt vấu đã được làm xong.
- Làm cầu trượt đấy.
- Cầu trượt? Cầu trượt để làm gì?
- Rồi khắc biết.
Một lúc sau các cô gái lại kéo đến và đứng vây quanh các bác thợ.
- Chúng em chỉ xem một chút rồi đi ngay thầy ạ. - Tamara thanh minh bằng giọng của người có lỗi khi bắt gặp cái nhìn dò hỏi của thầy Constantin Sergheevich.
- Timosa, con làm vướng chân các bác ấy đấy... Mày lại che mất ánh sáng rồi, - bác Matvei Stepanovich đẩy cô con gái lúc đó đang cúi xuống xem ông làm ra chỗ khác.
- Nhưng con muốn giúp bố.
- Ai người ta cần... Này, muốn giúp thì cầm hộ bố cái đục.
Cuối cùng các tấm ván đã đặt xong. Bác Mikhail Phomich đưa tay sờ đi sờ lại mấy lần để kiểm xem chúng có còn lồi lên khỏi sàn nhà không. Sau đó họ quét sạch sàn và bắt đầu lắp cầu trượt.
- Nhiệm vụ đã hoàn thành, thưa đồng chí Constantin Sergheevich! - Một lúc sau các tiếng ông Matvei Stepanovich nói.
- Các cháu, trượt thử đi? Nào, Timosa, trượt đi xem nào!
- Ngồi lên gì mà trượt?
- Ngồi phệt xuống ván chứ còn gì nữa.
- Bố nói buồn cười thật!... Sàn bẩn thế kia mà đòi...
Tuy trước đó sàn gỗ ở hành lang đã được lau sạch nhưng khi làm nó đã bị xéo bẩn.
- Có cần lấy chổi không? - Bác Phenesca hỏi.
Nhưng từ tầng dưới Nina Sarina đang mang lên một tấm bìa các-tông to. - Này, tôi trượt trước đấy nhé!
Nina trèo nhanh lên đỉnh cầu trượt đặt tấm các tông xuống mặt dốc xong cô nhìn xuống và mọi người thấy mặt cô đỏ bừng.
- Sao? Sợ hả? - Jenia hỏi. - Đồ nhát gan!
Nina vừa lấy lại dũng cảm và đang định ngồi xuống thì bỗng Jenia đã nhảy tót lên và ngồi phịch xuống tấm bìa.
- Đi nào! Ù - ù - ù...
Jenia trượt như bay xuống chân cầu thang dưới sự hoan hô và cười đùa của mọi người. Cô trượt qua hành lang rồi biến mất hút trong lớp học tối om. Một giây sau cô đã xuất hiện ở cửa.
- Thế mới là cầu trượt chứ... Tôi nói thật đấy... kinh cả hồn! Các bạn nhanh lên! Phải xếp bàn học sang một bên. - Tớ suýt đâm thẳng vào chúng đấy...
Trong khi mọi người xếp dọn bàn ghế, một cô nào đó mang đến hai tấm các-tông nữa, và thế là cuộc trượt đua đã bắt đầu. Người lớn đứng cả sang một bên và khoái chí theo dõi các cô gái nô đùa. Tiếng cười, tiếng kêu, những câu đùa tếu vang lên không ngớt. Các cô đang “làm quen” với cầu trượt. Từng cặp một, lúc trượt đứng, khi trượt ngồi, trượt cả bằng đầu gối. - Thôi đủ rồi, bác Matvel Stepanovich ạ, cho kết thúc thôi. - Constantin Sergheevich nói, đưa mắt nhìn đồng hồ. - Các em, đủ rồi đấy. Tháo cầu trượt ra và mang hết ván cất vào phòng thể dục. Ta sẽ bảo quản chúng ở đó.
Khi nhìn thấy phụ huynh học sinh trèo lên sân cầu trượt. Anh bèn bảo họ:
- Các đồng chí, cứ để cho các em ấy làm lấy. Muốn ăn phải lăn vào bếp chứ...
Khoảng mười phút sau chiếc cầu trượt đã được tháo xong và xếp gọn vào chỗ quy định. Hành lang chìm sâu vào bóng tối và trở lại yên tĩnh.