Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 04

NGÀY THỨ BẢY

Hôm nay là thứ Bảy. Svetlana tỉnh dậy vì tiếng kêu ăng ẳng của con chó và tiếng kim loại cọ vào nhau kin kít. Trong phòng đèn đã bật sáng. Petia lại nghĩ ra việc lắp một chiếc đài mới và trong những ngày cuối vì quá mê say sáng tạo nên đã dậy sớm hơn chị và hí hoáy làm không nghỉ tay.

Một cảm giác lâng lâng khoan khoái và đặc biệt dễ chịu xâm chiếm lấy tâm hồn cô gái trong khi cô chờ đợi một sự kiện lớn lao sẽ xảy ra với cô... Với cảm giác đó cô gái hồi hộp chờ đợi ngày thứ Bảy. Mỗi buổi sáng khi quét nhà hoặc rửa bát, cô cố tưởng tượng xem cuộc gặp gỡ giữa cô và Aliosa sẽ xảy ra như thế nào và họ sẽ nói với nhau những gì. Có lúc cô cảm thấy mọi việc xảy ra rất đơn giản và tự nhiên, nhưng cũng có lúc cô có cảm gác là cô sẽ ngượng nghịu, lúng túng và chắc chắn là sẽ nói một điều gì đó thật ngu ngốc. Nghĩ như thế cô thấy thật là đáng ngại và mãi mới trấn tĩnh được. Trước kia Svetlana không bao giờ nghĩ đến huy chương vàng cả. Cô học giỏi vì cô thích học, bởi vì những điểm tốt làm cô hài lòng, và làm vui lòng mẹ. Sau khi nhận được thư Aliosa, cô rất muốn được huy chương; cô tưởng tượng rất rõ vẻ mặt của Aliosa khi cô nói với anh điều đó.

Jenia đến sớm hơn giờ hẹn. Svetlana còn bận việc bếp núc, Petia mở cửa cho Jenia.

- Cậu lại sáng tạo cái gì đó? - Jenia hỏi khi qua phòng.

- Biết nhiều chỉ tổ chóng già. - Cậu bé lúng búng trong mồm.

- Không, chị nói thật mà! Lại lắp đài à?

- Em lại phải giảng giải cho chị làm gì cơ chứ. Đằng nào thì chị cũng chẳng hiểu gì cả cơ mà. - Cậu bé vẫn hí húi làm, trả lời cô gái - Vâng, lắp đài!

- Theo bản thiết kế của em ư?

- Chắc là không theo bản của chị...

- Theo chị thì hình như em phá nhiều hơn là lắp!

Petia khịt mũi với vẻ phớt lờ. Ở cung thiếu nhi định tổ chức triển lãm kĩ thuật và cậu bé muốn làm cho những nhà vô tuyến nghiệp dư phải ngạc nhiên. Cậu nghĩ ra một kiểu đài hình tròn như một cái thùng đựng mật ong nhỏ. Nhưng đó không phải là điều chính. Phép lạ ở chỗ là khi cái thùng đó quay thì nó tự điều chỉnh được theo các làn sóng điện khác nhau. Sự phát minh đó của mình cậu bé còn giữ kín, vì vậy nó không muốn chuyện trò với Jenia. Hơn nữa, cậu rất coi thường những ai cho rằng máy thu thanh tồn tại hình như chỉ để nghe những chương trình văn nghệ. Điều thú vị chính là ở chỗ làm ra chúng, lắp chúng, sáng tạo ra những bản thiết kế mới. Theo ý Petia thì việc truyền tin qua các làn sóng chẳng qua cũng chỉ để kiểm nghiệm lại những chiếc máy được lắp.

Svetlana từ bếp lên, cô cười và đưa hai bàn tay ra.

- Jenia, xem này!

- Cái gì thế? Tay bị chai à? Thế còn tay mình! - Cô bạn vừa chìa tay ra. - Đây, chỗ này phồng lên và bị rộp da, đau lắm...

- Ôi giời! Họ khoe gì thế, - Petia càu nhàu. - Những chỗ chai! Tôi còn cứa hết cả hai bàn tay mà còn chả khoe nữa là. Tôi có cả chỗ chai ở chân nữa kia.

- Chai vì công việc à? - Jenia hỏi.

- Vì đi trượt tuyết đấy. - Cậu bé trả lời và lại tiếp tục cưa thanh sắt...

- Hãy gượm nào, em Petia! - Svetlana van vỉ đưa hai tay bịt tai. - Chị đi bây giờ rồi ở nhà em tha hồ mà cưa.

Cậu bé ngạc nhiên:

- Em chẳng hiểu có điều gì làm chị phật ý. Thì chị đi nhanh lên kẻo em chẳng có thời giờ đâu!

Cậu cố tình ngồi, hai tay bó gối tỏ cho chị biết là cậu đang đợi chị ăn sáng và đi khỏi nhà...

*

* *

Sáng thứ Bảy Catia tỉnh giấc với cảm giác như cô tỉnh giấc trong đêm giao thừa từ khi còn nhỏ, biết trước ông già tuyết có dành cho cô một món quà giấu đâu đó. Với mục đích đó cô thường treo trên thành ghế một chiếc tất dài, tuy rằng mỗi năm cô thấy món quà lại được cất ở một chỗ khác, hình như ông già tuyết cố tình giấu kín hơn: trong chiếc giày, dưới gối, dưới đống quần áo hoặc buộc vào thành giường thật kín đáo, vì thế lần nào cũng phải tìm mãi mới thấy. Hôm nay cô bỗng dưng nhớ lại cảm xúc đáng yêu đó và chính cô đang sống lại những giờ phút đó.

Bố đã đi làm, mẹ đi chợ. Catia chạy chân đất qua bên kia phòng, quay số tám hỏi giờ. Nghe thấy có giọng trả lời mấy giờ cô rất hài lòng quay lại giường vì biết điện thoại vẫn làm việc.

Bây giờ cô cảm giác như sống, học tập và làm việc thú vị hơn, đẹp đẽ hơn, dễ dàng hơn. Máy điện thoại giúp ta biết bao điều thuận tiện. Không cần ra khỏi phòng cô có thể nói chuyện với Moscva, Svelovs, Vladivostoc, với tất cả mọi nơi trên đất Liên Xô và cả với nước ngoài nữa. Catia chả có việc gì và cũng chả có người quen ở tỉnh khác hoặc ở nước ngoài, nhưng điều đó chẳng sao. Cái chính là có điều kiện như vậy, còn có sử dụng điều kiện đó hay không là việc của cô.

Máy điện thoại bỗng reo lên cắt ngang dòng suy nghĩ của Catia. “Ai có thể gọi điện cho mình nhỉ? Chắc lại hỏi về Csana nào đó thôi” - Cô nghĩ thế nhưng lại vội vã chạy ngay đến máy điện thoại:

- Alô!

- Ai nghe máy đấy? - Cô nghe thấy giọng nói trong trẻo vang lên trong máy.

- Thế chị cần ai ạ?

- Cô Catia Ivanova.

- Tôi nghe đây.

- Chào bạn Catia. Raia nói đây mà. Không nhận ra giọng mình à? Raia Loghinova đây mà.

- Ồ! Ồ! Nhưng sao bạn lại biết số điện thoại của mình nhỉ?

- Nina Cosinscaia bảo cho mình biết mà. Bạn ấy bảo mình là hôm nay các bạn sẽ đi mua quà. Catia à, mình không đi lao động với các bạn được nhưng mình làm chỗ khác cũng có được một ít tiền... - Raia báo cho bạn biết và vội vàng nói thêm. - Tự mình kiếm ra đấy.

- Kiếm được bao nhiêu?

- Một trăm rúp.

- Ồ! Nhiều hơn bọn mình đấy. Thế bạn làm ở đâu mà lắm tiền thế?

- Chỗ bố mình, làm thế nào để chuyển số tiền đó cho các bạn được nhỉ?

Catia nhớ là bố của Raia phụ trách một cơ sở thương mại nào đó nên rất có thể là Raia nói thật, nhưng không biết tại sao cô lại không tin lắm.

- Hay là bạn đến nhà mình vậy! - Catia đề nghị bạn, - Jenia và Svetlana cũng sắp đến đây đấy...

- Ừ, mình sẽ đến.

- Thế bạn nói chuyện ở đâu đấy?

- Ở nhà mình.

- Nhà bạn có điện thoại à? Thế mà mình không biết. Số điện bao nhiêu?

Ghi xong số điện thoại của Raia. Catia vội vã tập vài động tác thể dục và mặc quần áo. Câu chuyện vừa rồi Raia vẫn để lại trong lòng cô một cảm giác không vui.

“Không biết nó nói dối làm gì cơ chứ? Dĩ nhiên là nó chẳng làm ở đâu cả mà chỉ xin tiền của bố để khỏi phải đến xưởng máy lao động.”

Càng nghĩ Catia càng thấy giận. Cô định vạch trần sự dối trá đó và không nhận tiền của Raia. Vừa chải đầu cô vừa tưởng tượng xem cuộc nói chuyện sắp đến sẽ xảy ra thế nào và cô bắt đầu lựa chọn lời lẽ để vạch mặt Raia bắt cô ấy phải thú nhận sự thật.

Jenia và Svetlana đến thật là đúng lúc.

- Bạn sẵn sàng chưa? - Jenia hỏi và không vào phòng. - Nào đi thôi!

- Mình sẵn sàng rồi, nhưng còn phải đợi một lát. Raia sắp đến rồi đấy. Các bạn ơi, vào đây đi.

- Nhưng bọn mình không cởi áo khoác ngoài đâu. - Jenia báo trước.

- Không cần cởi đâu. Trong phòng cũng chẳng nóng lắm. Nếu các bạn thích thì có thể gọi điện thoại được.

- Bạn có điện thoại à?

- Ừ. Vừa đặt xong hôm qua. - Catia nói ra vẻ không chú ý lắm. Sự kiện đó không gây ấn tượng mà Catia chờ đợi với các bạn bởi vì họ chẳng biết gọi điện đi đâu cả.

- Thế Raia làm sao? Bạn ấy ốm à? - Svetlana hỏi.

- Không. Hóa ra nó cũng kiếm được tiền để góp mua quà tặng thầy. Kiếm từ trong túi ra của bố mà!

Catia kể về câu chuyện vừa rồi với Raia về nỗi ngờ vực của mình với hai bạn. Jenia hoàn toàn tán thành với Catia và phẫn nộ về hành động của Raia, nhưng Svetlana phản đối hai bạn.

- Không đâu các bạn ạ! Mình không đồng ý với các bạn.

- Chúng ta không thể lên án bạn ấy khi chưa biết rõ đầu đuôi ra sao.

- Thế bạn cho là nó lao động kiếm ra tiền thật ư? - Catia hỏi.

- Mình không biết.

- Vậy nên chúng mình cần phải biết. - Jenia nói. - Cần phải đưa cô ta ra ánh sáng mới được.

- Để làm gì cơ chứ? Nào, các bạn hãy tự nghĩ xem! Theo mình thì điều đó xúc phạm đến bạn ấy. Thì cứ cho là bạn ấy không lao động mà dành dụm được chẳng hạn. Biết đâu bạn ấy lại có con lợn tiết kiệm thì sao... Vấn đề đâu phải ở chỗ đó. Mà nào bạn ấy có ăn cắp đâu! Bạn ấy cũng muốn đóng góp để mua quà tặng thầy. Đó là hành động tốt, thế mà chúng mình lại làm xúc phạm đến bạn ấy. Không, mình không tán thành ý kiến các bạn. Cần phải tin người. Mỗi một con người đều có lương tâm. Nếu chúng ta không tin bạn, lúc nào cũng nghi ngờ thì sẽ còn ra sao nữa?

- Thế còn Catia? Svetlana nói phải đấy. - Jenia nói.

- Mình chẳng biết. Riêng mình thì mình hoàn toàn chắc chắn là nó nói dối, mà bất cứ một sự dối trá nào cũng cần phải vạch trần ra.

- Mà nếu bạn ấy dối chúng mình đi nữa, thì tự bạn ấy sẽ thấy ngượng thôi. Theo mình, cần phải làm khác cơ. Phải khen bạn ấy và nói rằng chúng mình tin bạn ấy... Các bạn có nhớ không, thầy Constantin Sergheevich đã có lần nói là cần phải đề cao những đức tính tốt của con người mà giáo dục họ...

- Nhưng mà nếu như nó không có lương tâm. - Catia hỏi.

- Sao lại không có? Lương tâm thì mỗi con người đều có cả...

Họ chưa thống nhất được với nhau giải quyết vấn đề như thế nào thì Raia đã đến.

- Các bạn đã đến đông đủ rồi à? - Raia hỏi khi nhìn thấy Jenia và Svetlana vẫn mặc áo khoác. - Chào các bạn.

Không biết có phải là lần đầu đến nhà Catia nên không biết phải cư xử thế nào hay vì các bạn nhìn cô chăm chú và xoi mói mà Raia bỗng thấy lúng túng. Cô rút trong túi ra một tờ bạc một trăm rúp mới toanh đưa cho Catia:

- Này, cầm lấy Catia. Nina bảo các bạn định mua đồng hồ. Mình hỏi bố mình... Bố bảo nên đến cửa hàng mậu dịch trung tâm Leningrad mà mua...

- Ngày dài mà. Bọn mình sẽ đi khắp nơi! - Jenia nói.

- Ở đấy có thể đặt họ viết được nữa. - Raia mách các bạn.

- Raia à, bạn làm gì ở chỗ bố bạn thế? - Catia vừa hỏi vừa chăm chú nhìn tờ giấy bạc làm như trong đó có viết rõ lí do gì mà Raia được nhận nó vậy.

- Mình phân loại hoa quả. - Cô gái đã trấn tĩnh lại được, trả lời bạn. - Người ta đưa đến Leningrad rất nhiều táo, quýt... Bọn mình chọn lựa phân loại chúng...

- Và ăn nữa chứ? - Jenia tươi cười nhắc bạn.

- Ăn ít thôi - Raia vui vẻ thừa nhận.

- Raia, bạn cừ lắm! - Svetlana nói và xiết chặt tay bạn. - Bạn làm thế là rất tốt. Lúc đầu bọn mình nghe là bạn ốm... vì là nói chung bạn không được khỏe mà!

- Không, mình chẳng làm sao cả... - Cô đỏ mặt chống chế.

Jenia sốt ruột hỏi:

- Chúng mình cần phải đợi lâu nữa không đấy? Ra phố cũng nói chuyện được cơ mà!

- Catia ơi, đi thôi! Nhanh lên! Nhanh lên nào... - Svetlana giục bạn.

Suốt ngày hôm đó các cô lang thang khắp các cửa hiệu. Ở các quầy hàng có vô số đồng hồ nhưng tất cả chúng đều chẳng phải là loại đồng hồ mà các cô gái muốn mua tặng thầy Vaxili Vaxilievich. Đồng hồ kia thì lại lớn quá, còn loại khác thì mặt không được đẹp. Họ đã mua được dây chuyền, mua được hộp dựng đồng hồ, đã tìm ra người khắc chữ và ông ta hứa là chỉ trong hai ngày có thể khắc bất cứ những gì mà các cô đi muốn, chỉ có chiếc đồng hồ là các cô vẫn chưa tìm được.

Gần tối thì các cô đến mậu dịch trung tâm Leningrad. Ngôi nhà ba tầng đồ sộ rực rỡ ánh đèn, nhạc nổi lên đón mời các cô. Ở ngay tầng một có cây thông cao ngất đến tận tầng ba được trang hoàng lộng lẫy bằng những đồ chơi sặc sỡ và những bóng điện màu lấp lánh. Không biết người ta đã đưa được nó vào ngôi nhà này bằng cách nào và làm sao có thể trang hoàng ngọn cây thông được.

- Thế các bạn có biết trang hoàng bằng cách nào không? - Jenia hỏi và tự trả lời: - Người ta thả người trong những cái bệ có quai vòng bằng sắt từ trên xuống...

- Thôi đi, đừng có mà bịa! Họ đứng trên những chiếc thang cao mà trang hoàng thôi! - Catia nói.

- Theo mình thì người ta trang hoàng khi nó còn nằm dưới đất sau đó mới dựng đứng dậy. - Svetlana đùa trêu bạn.

Cạnh cây thông có ông già tuyết cao bằng ba vóc người thường. Đài truyền thanh ở đây truyền đi khắp cửa hàng những bài hát hay nhất từ những chiếc đĩa hát mới nhất.

Tìm ra được quầy bán đồng hồ, các cô gái dừng lại.

- Các bạn ơi, xem kìa, ở đây có những gì thế này! - Svetlana kêu lên.

Đồng hồ các cô cũng đã nhìn thấy ở những cửa hàng khác và cũng không hiếm gì, thế nhưng ở đây sao mà lắm loại, lắm kiểu thế, làm hoa cả mắt lên. Các cô đã mua được một chiếc đồng hồ tuyệt đẹp có cả kim giây đàng hoàng với giá là tám trăm rúp. Khi các cô học sinh bước ra khỏi cửa hàng thì ngoài phố cũng trở nên ấm áp. Những chiếc đèn được bật lên sáng choang hai bên đường phố nhắc Svetlana là Igor và Aliosa đã về và tự nhiên trái tim cô lại đập lên rộn rã.

- Các bạn đi đâu bây giờ? - Cô hỏi các bạn.

- Bây giờ phải đến bác khắc chữ chứ.

- Thế các bạn đi với nhau vậy nhé. Mình phải về đây vì ở nhà đang đợi mình.

Cô vội vàng chia tay các bạn và chạy đến bến tàu điện, Svetlana về nhà với cảm giác như cô bị muộn giờ hẹn và suốt dọc đường trong đầu cô vang lên điệu nhạc và lời hát.

“Tôi mở rộng cửa sổ.

Để đón mùa xuân về.

Mùa xuân tươi trẻ ấy.

Với giọng hát say mê.”

Trong buổi dạ hội Rita đã hát bài hát này, và Svetlana bỗng nhiên lại thuộc.

Và đây rồi, chỗ tránh tàu điện cuối cùng đây. Cô ra khỏi tàu điện và rảo bước về nhà.

“Tôi mở rộng cửa sổ...”

“Nếu anh ấy tưởng Lida là mình và đưa thư cho Lida thì chính anh cũng không biết là Lida chuyển bức thư ấy cho mình cơ mà. Mình có thể không nhận được bức thư lắm chứ - Có nghĩa là mình cứ đợi và vờ như không biết gì cả. Mặc cho anh ấy, anh ấy sẽ phải nói... Nhưng nhỡ anh ấy hỏi ý kiến thì sao?”

Sự mong muốn của cô gái như có điều mâu thuẫn. Một đằng là cô muốn Aliosa biết rằng bức thư của anh cô đang giữ, rằng những ngày qua tâm trí cô dồn hết vào bức thư của anh, đằng khác - cô hoàn toàn không thể tưởng tượng được là cô sẽ cư xử với anh ấy như thế nào đây và sẽ nói gì với anh.

Gần đến nhà cô dừng lại... Những tấm màn cửa dù có ánh đèn chiếu sáng cũng không cho phép cô nhìn thấu vào trong xem họ đang làm gì trong nhà. “Thôi thì cứ mặc.” - Svetlana quyết định thế và cô khẽ gõ vào cửa sỗ.

Cậu bé Petia ra mở cửa cho chị.

- Cuối cùng thì chị cũng đã về... - Cậu bé làu bàu vẻ không hài lòng.

- Anh Igor đã về chưa em?

- Về rồi.

Mẹ cô, anh Igor, em Petia đang ngồi quanh bàn uống chè từ Xamovar. Bà Ecaterina Andreevna đặc biệt thích những buổi uống nước chè và chiều thứ Bảy để được nghe những câu chuyện bông đùa của các con, trong ngày đó bà mua kẹo, bánh bích-quy và đặt ấm Xamovar.

- Ôi thế là công nhân bốc vác đã về!... Svetlana, em biến đi đâu cả ngày thế?

- Chúng em đi mậu dịch. Giá anh được nhìn thấy chúng em đã mua được một chiếc đồng hồ như thế nào! Đồng hồ chính xác có cả kim giây... Thế còn anh Aliosa đâu?

- Aliosa trực. Cậu ấy nhờ anh gửi lời chào em và lời chúc mừng nhân dịp em kiếm được nghề làm thợ bốc vác.

- Sao anh ấy biết?

- Ừ nhỉ! Sao cậu ấy lại biết được, Petia nhỉ. - Igor hỏi em một cách hóm hỉnh.

- Đó là do anh tự bịa ra lời chúc mừng chứ gì, - Petia nghiêm nghị trả lời.

- Ồ! Thế là cậu em trai của tôi đã lớn rồi đấy. Em đoán được ngay à?

Svetlana ngồi vào bàn. Cảm giác lo lắng khi cô bước vào phòng vụt biến mất, nhường chỗ cho một cảm giác khác một cảm giác mới mẻ mà chưa bao giờ cô biết tới. Có cảm tưởng như là cô bị ai đó chế giễu một cách tàn nhẫn, hứa với cô một điều gì đó tốt đẹp rồi bỗng dưng lừa dối cô.

Igor tiếp tục kể cho mẹ nghe một sự việc khôi hài nào đó xảy ra trong cuộc sống ở trường anh, nhưng Svetlana không nghe anh.

Cô đăm chiêu nhìn con T’ ruc gặm chiếc nấm gỗ cô mới mua mà không hiểu là con chó đang làm hỏng một vật cần thiết. Cô tưởng tượng ra Aliosa với chiếc băng xanh ở cánh tay áo và thanh gươm đen đeo bên hông, chậm rãi bước dọc theo hành lang dài hun hút của học viện: “Thế là anh ấy phải trực cả đêm nay và ngày mai”...

- Sveta! Em điếc rồi sao?

- Cái gì cơ ạ?

- Anh hỏi em đã ba lần rồi. Lida thế nào?

- Chả sao cả.

- Cô ấy bị ốm cơ mà. Đến nỗi không ra nghe điện thoại được mà?

- Có gì đâu? Đầu nó bị nhức lên vì những lời vô nghĩa của anh đó thôi. Anh Igor à, em viết cho anh Aliosa mấy chữ nhé... Tội nghiệp anh ấy quá.

Cô giật chiếc nấm gỗ chỗ con chó lại và ngồi vào bàn học, lấy ra một tờ giấy, rồi thừ người ra suy nghĩ. Viết gì được đây? Có cho anh ấy biết là mình đã nhận được thư không, hay chỉ viết mấy lời thăm hỏi đáp từ. Trong đầu cô lại vang lên bài van-xơ dai dẳng...

“Anh Aliosa! - Cô bắt đầu viết.

“Tôi mở rộng cửa sổ.

Để đón mùa xuân về.

Mùa xuân tươi trẻ ấy.

Với giọng hát say mê.”

Lời hát đó suốt ngày nay văng vẳng trong đầu em và rất phù hợp với tâm trong em lúc này. Em đợi anh, nhưng... làm thế nào được! Nghĩa vụ là trên hết. Chúng mình sẽ gặp nhau vào dịp khác vậy. Anh Igor chuyển lời chào của anh đến em, nhưng em cảm thấy chỉ có thế thôi thì ít quá. Và cũng có thể là anh ấy bịa ra cũng nên.

Anh Aliosa, trong thời gian nghỉ đông em đã nghĩ rất nhiều và muốn hỏi ý kiến anh. Năm cuối cùng ở trường phổ thông rồi... Cần phải quyết định sẽ làm gì tiếp tục. Con đường dẫn đến tương lai thì thật là nhiều, còn em như đứng giữa nẻo đường trăm ngả. Ai sẽ giúp em chọn lấy một đường? Có thể là anh chăng?

Anh thật đáng thương! Cái gọi là trực chắc buồn lắm nhỉ?”

Viết xong thư Svetlana đọc lại, suy nghĩ một lúc rồi bắt chước Aliosa cô viết cuối thư chữ “S.”