Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 05

SAU NHỮNG NGÀY NGHỈ ĐÔNG

Những ngày nghỉ đông đã trôi qua. Trường học lại vang lên những giọng nói trong trẻo của trẻ em, tiếng chân chạy ầm ầm và sự rộn ràng náo nhiệt. Các học sinh trao đổi với nhau cảm tưởng về những ngày nghỉ đông, vui chơi, ngạc nhiên và sung sướng.

Lida Versinina bước đến trường với cảm giác về nhà sau một chuyến đi xa. Cả tuần lễ cuối của kì nghỉ đông cô ở liền trong nhà, thậm chí không đi xem cả phim nữa. Ông Sergei Ivanovich để ý thấy có điều gì đó kì lạ đang xảy ra trong lòng con gái ông và đã có lúc định gọi Lida lên, hỏi thật xem sao. Tuy thất bại, nhưng ông rất trung thành với nguyên tắc của mình đề ra, ông bèn né sang một bên đóng vai quan sát viên thôi vậy.

Trong những ngày này Lida đã suy nghĩ lại nhiều điều. Là một cô gái thông minh và ham hiểu biết cô không thể không đặt ra cho mình một câu hỏi rất tự nhiên: “Tại sao Aliosa lại yêu Svetlana, mà không yêu cô? Lẽ nào Svetlana đẹp hơn cô? Thông minh hơn cô? Có giáo dục hơn cô? Không! Thế thì tại sao vậy? Thế nghĩa là mình có những nhược điểm,” Lida kết luận, đẩy Aliosa ra xa mình.

Đi vào con đường tự phê bình Lida tỏ ra không thương tiếc đối với bản thân: “Mình thật là một đứa bé bỏng và trống rỗng. - Cô nghĩ - Còn ai cần đến mình nữa? Mình làm được cái gì? Sống để làm gì? Định sẽ làm gì? Hướng đến cái gì?...”

Những câu hỏi tự nó đặt ra, và cô cũng không xua đuổi chúng như trước kia, cũng không lẩn tránh chúng. Cô cũng không cố gắng xoa dịu những nhược điểm của mình, mà cũng không đổ lỗi cho một ai cả, “Không cần phải biện bạch nữa, - Cô tự nhủ - Những cái gì tốt đẹp vẫn còn mãi trong mình. Cần phải tìm ra những nhược điểm mà suy nghĩ cho kĩ tất cả lại xem. Đúng rồi! Mình là một tiểu thư rỗng tuếch được nuông chiều hết mức và chỉ biết sống cho thú vui của bản thân. Mình sống mà không hề nghĩ đến ngày mai. Sắp đến ngày phải sống một cuộc đời tự lập rồi sẽ lao động và đấu tranh, vậy mà mình không hề chuẩn bị cho cuộc sống đó và đến bây giờ vẫn chưa biết chỗ đứng của mình. Mình hoàn thành nhiệm vụ ở lứa tuổi mình một cách máy móc và hở hang, không cần cố gắng để làm nhiều hơn và tốt hơn nữa.”

Bỗng dưng cô nhớ lại những nhận xét thận trọng của ba cô, của thầy Constantin Sergheevich, những lời trách móc và sự giễu cợt của các bạn cùng lớp. Những lời nhận xét đó được nói ra một cách nhẹ nhàng và thận trọng vì vậy mà cô cũng chẳng bận tâm.

Bây giờ Lida rất tự hào vì cô đã cùng các bạn lao động ở công xưởng và không hé răng cho ai biết về những chỗ phồng rộp lên trên đôi bàn tay vì cô đã quên mang găng. Dù có bị phồng rộp cả tay cô vẫn thấy vô cùng biết ơn nhà máy. Cô đến đấy vì ý thức kỉ luật, không chút hứng thú, nửa như ốm, trong tâm trạng rối bời. Công việc ở nhà máy lúc đầu làm cô thấy lúng túng, sau đó thu hút cô và hình như đã đánh tan được sự buồn bực bâng quơ của cô. “Mình đã bắt đầu cuộc sống mới ở nhà máy - Lida suy nghĩ - Cuộc sống mới!...”

Đó không phải là sự mơ mộng hoặc cơn say mê tiếp theo dòng suy nghĩ của cô gái. Bây giờ cô đã quyết định là sẽ tìm được một chỗ đứng chắc chắn trong cuộc sống để cô có thể tự hài lòng với mình. Cô phải được người khác đánh giá cô. Một thí dụ ngay trước mắt cô - đấy là Svetlana! Ở nhà máy Lida mới hiểu ra bí quyết thành công của Svetlana và nhận ra một sức quyến rũ và duyên dáng kì lạ ở cô bạn gái ấy...

Ở chỗ treo áo khoác thật đông đúc vui vẻ. Mọi người đều vội vã tuy còn lâu mới chuông vào lớp. Có ai đó ở phía sau vỗ vào vai Lida.

- Tamara! Ôi, cái tay của bạn thật là nặng! - Lida nhăn nhó nói.

- Sao hôm qua bạn không đến nhà mình hả?

- Ôi, chẳng có lúc nào cả! Mình làm được việc này rồi bạn sẽ thấy!...

Trong lớp giống mọi khi rất ồn ào. Những bạn có mặt đã kịp tranh luận với nhau rồi. Lida đưa mắt nhìn quanh. Vẫn những dãy bàn đó, chiếc bàn giáo viên, tủ, những chậu hoa, tấm bảng đen và “Lời hứa danh dự,” những bức ảnh treo trên tường và bảng tin “Chúng ta sẽ học tập tốt!” Không có gì thay đổi cả, nhưng cô có cảm giác là tất cả những cái đó đáng yêu hơn, đáng quý hơn, và các bạn gái cũng vậy hình như là khác trước - niềm nở hơn, hiền hậu hơn. Và họ nói cũng khác xưa - thông minh hơn, đứng đắn hơn.

Svetlana bước vào lớp, tay vung mạnh chiếc cặp sách màu nâu nhạt.

- Các bạn ơi! Thầy Constantin Sergheevich đến kìa! Mình nhìn thấy qua cửa sổ. Chúng mình đón thầy đi. Cô đề nghị và cả bọn kéo nhau chạy ra khỏi lớp.

Lida ở lại một mình. Cô ngồi chống cằm trên bàn tay nắm lại và suy nghĩ về cuộc sống mới của cô. “Không! Đó không phải là tâm trạng chốc lát của cô. Đó cũng không phải là điều phô trương bên ngoài...”

Valia bước vào và ngồi xuống bàn mình. Sau một phút im lặng Lida nghe thấy giọng nói sau lưng vang lên.

- Lida, mình phải làm gì để các bạn tha thứ cho mình nhỉ?

- Lộn trái lại và giũ sạch bụi bặm đi! - Lida rít qua kẽ răng, không quay mặt lại.

- Mình không hiểu...

- À bạn không hiểu à? Được, mình sẽ nói cho bạn rõ!

Lida đứng phắt dậy, quay mặt về phía Valia và nói một cách rành mạch, gần như dằn từng từ một:

- Bạn phải hiểu, một mình bạn, bạn chẳng là cái quái gì cả. Nếu bạn học thuộc được một số định luật và công thức thì đâu có phải là bạn phát minh ra chúng, và cho rằng nếu như bạn có phát minh ra chúng đi chăng nữa thì cái đó cũng có cho phép bạn được tự phụ đâu. Bạn phải hiểu rằng hiện nay bạn còn phải sống bằng lao động của người khác, ăn bánh mì không phải chính tay bạn làm ra, mặc quần áo không phải do bạn dệt lấy, đọc những quyển sách giáo khoa không phải do bạn tự in. Tất cả những thứ đó người ta cho bạn, cho mình vay! Bạn hiểu không? Chúng mình mắc nợ và đến lúc nào đó sẽ phải trả nó! Sau nữa bạn nên hiểu rằng chẳng phải mình, Clara, Jenia thua kém gì bạn đâu, mà có thể cũng chẳng dại hơn bạn...

- Điều đó thì mình cũng biết rồi... - Valia rụt rè chêm vào.

- Nhưng chưa biết hết! Chưa biết rõ! Thế tại sao bạn cho là bạn là trung tâm, còn những người khác chỉ là phụ thôi? Thế bạn là cái gì mà ghê vậy? Là cái gì cơ chứ?

Lida nói một cách nhiệt tình, xúc động và đầy sức thuyết phục. Sự nóng nảy đó không phải là thuộc tính của cô và Valia rất ngạc nhiên lắng nghe cô gái ngày thường vẫn điềm tĩnh và từ tốn đó. Valia không hiểu rằng, những lời nói chua cay đó chừng mực nào đó Lida nói với chính bản thân mình.

- Sao bạn lại dám đối xử với mọi người như vậy? Ai cho phép bạn? Trước kia người ta nhồi nhét vào đầu bọn quý tộc, bọn chủ là chúng là những con người đặc biệt, có dòng máu màu xanh, vì vậy mà nhân dân phải cơm bưng nước rót mời họ, phải cho họ mặc đẹp, phải... làm việc cho họ. Còn bạn? Máu của bạn cũng màu xanh chắc? - Lida hỏi, cô quay ngoắt lại và mặt đối mặt với Catia lúc đó đang tủm tỉm cười. Lúc đầu Lida thấy ngượng, nhưng cô trấn tĩnh được ngay. - Bạn ấy hỏi là bạn ấy phải làm gì, - Lida nhún vai và giải thích cho bạn.

- Thế bạn trả lời rồi chứ? - Catia hỏi, không hề để ý đến Valia làm như cô ta không có mặt ở đó vậy.

- Trả lời rồi.

- Bạn cừ lắm! - Catia khen bạn và đột nhiên nói thêm: - Mình thấy hình như... chúng ta có thể bơi không cần phao thì phải...

Chuông vào lớp vang lên và chưa kịp dứt thì các cô gái đã kịp quay về và ai nấy vội vàng về chỗ.

- Ồn ào thế là đủ rồi! - Jenia ra lệnh. Hôm nay bạn nào trực nhật nhỉ? Larisa!

- Sao lại mình? Phải theo thứ tự a, b, c chứ. - Larisa phản đối.

- Chính là theo thứ tự a, b, c đấy. Ngày mai Clara, ngày kia - Nina Sarina và bắt đầu lại từ vần a. Đừng tranh luận nữa! Xem đã đủ chưa: Bảng, phấn, khăn lau... Hãy quên những ngày nghỉ đông đi. Các bạn ơi, có nghe thấy không?

Lập tức bao nhiêu giọng nhao lên trả lời:

- Cái gì cơ? Có việc gì thế?

- Những ngày nghỉ nào cơ?

- Jenia ơi, bạn nói rõ tí nào!

- Trật tự đã chứ! - Jenia lại kêu lên. - Mình bảo các loại phim, nhà hát, trượt băng, trượt tuyết phải dứt ngay ra khỏi đầu! Những ngày nghỉ đã chấm dứt! Các bạn hiểu chưa? Không được nghiêng ngả mà phải vững bước ngay từ ngày đầu! Tất cả đã đến đủ chưa? Thiếu ai không?

- Đủ mặt cả.

- Càng tốt! Tất cả đều khỏe mạnh trẻ trung và đẹp đẽ. - Cô đùa thế và vội vàng về chỗ.

“Tất cả những cái đó thật là bình thường, quen thuộc và dễ chịu. - Lida suy nghĩ. - Sao trước kia mình không nhận ra và không biết quý nó? Một năm nữa sẽ trôi qua và tất cả chúng ta sẽ buồn bã nhớ đến những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường này. Không thể lấy lại được chúng. “Không thể sống lại một lần nữa những gì đã từng sống.” Đến mùa xuân, sau khi thi xong, cuộc sống sẽ ném cái tập thể đầm ấm của chúng ta về nhiều ngả. Qua bốn, năm năm nữa Lida, - Lidoc, Liduxia sẽ biến thành Lida Sergheevna, Sveta thành Svetlana Kirilovna, Tamara thành Tamara Matveevna...” Nghĩa thế cô cảm thấy vui vui. Cô thử tưởng tượng xem các cô sẽ ra sao, với tuổi đứng đắn của mình nhưng không tài nào tưởng tượng ra được.

Cô Vaxivia Antonnovna bước vào lớp. Cả lớp đứng dậy.

- Chào các em! Nào, bây giờ thì các em đã kịp nghỉ ngơi, và đã lại sức để bắt tay vào công việc. Các em ngồi xuống. Chúng ta đã học xong chương trình và bắt đầu từ hôm nay sẽ ôn lại tất cả những gì đã học. Bảng tính nhân chắc là có thể các em chưa quên chứ, - Cô giáo nói đùa nhưng lại tiếp tục một cách nghiêm túc ngay: - Các em sẽ thi tốt nghiệp lớp 10 cả ba môn: đại số, hình học và lượng giác. Ta hãy ôn lại nào. Mời các em lên bảng... Cô giáo mở sổ điểm ra, nhưng lại không gọi theo sổ, cô nhìn các em học sinh và hỏi - Ai muốn lên bảng? Có ai tình nguyện không?

Có ba người giơ tay.

- Ít quá! Tôi chả thấy nhiệt tình của các em đâu cả. Lẽ nào các em lại quên à. Đừng sợ. Tôi sẽ không cho điểm đâu. Nào, Cosinscaia lên bảng... Các em khác - chuẩn bị vở sẵn sàng...

Cô Vaxivia Antonnovna đọc bài tập cho các em ghi, sau đó đi về cuối lớp và dựa đầu vào tường suy nghĩ. Một số giáo viên trong thời gian nghỉ đông đều chuẩn bị làm báo cáo, và trên cơ sở tài liệu vừa đọc được đã có những buổi tranh luận sôi nổi trong phòng giáo viên về quan điểm giáo dục của Macarenco. Nhiều người đã nói lên những suy nghĩ mới mẻ và thú vị, nhưng sự phản đối của bà Lidia Andreevna đã làm phật lòng cô Vaxivia Antonnovna và cô thấy khó chịu. Việc phê bình trong cuộc họp chi bộ hình như chả có tác dụng gì đối với bà Lidia Andreevna thì phải. Bà vẫn đứng trên “quan điểm giáo dục của những người phụ nữ làm công tác xã hội” như Macarenco đã gọi. Cuộc tranh luận bị giờ lên lớp cắt ngang và bây giờ cô Vaxivia Antonnovna tiếp tục suy nghĩ về những điều mà cô chưa kịp nói ở phòng giáo viên.

“Vâng, làm được một chiếc máy, sáng tạo ra một động cơ, xây dựng được một ngôi nhà rất phức tạp và rất cần thiết nhưng không đến nỗi phức tạp và quan trọng như việc giáo dục một thế hệ trẻ của những người cộng sản. Thế nghĩa là phần việc quan trọng có ý nghĩa quyết định, nhất là ở đây, trong nhà trường. Có cảm giác như ai cũng tán thành điều đó, vậy mà trong khi đó trường sư phạm không được thanh niên hâm mộ lắm. Thường thường người ta vào học ở trường sư phạm vì họ không vào được trường khác vì một lí do nào đó. Và tuyệt đại đa số là các cô gái.

Đó là một điều không bình thường. Những nhà giáo dục có thiên hướng lại làm việc trong công nghiệp ở những cơ quan khác trong quân đội... Dĩ nhiên là ở đây cũng cần thầy giáo bởi vì việc giáo dục con người cần thiết đâu chỉ ở thời thơ ấu, nhưng dù sao thì trường học vẫn cần có những giáo viên tốt hơn bất cứ nơi nào, Vaxivia Antonnovna nghĩ thế.

... Người làm xong bài toán trước tiên, giống như thường lệ là Larisa Trikhonova. Cô quay lại nhìn các bạn đang còng lưng ra làm bài toán một cách đắc thắng.

- Larisa, em đã làm xong rồi à? - Cô giáo hỏi.

- Vâng ạ.

Cô Vaxivia Antonnovna đi lại chỗ Larisa cầm vở và đưa lên gần kính.

- Thế... Larisa, em biết là tôi sẽ nói gì với em không? Em nên tiếp tục học toán.

- Thưa cô, cô cho rằng em có thể trở thành người có ích ạ.

- Đúng thế. Em có năng khiếu toán rõ ràng. Dĩ nhiên là em hơi lười, nhưng điều đó nếu em muốn em có thể sửa được.

- Thưa cô, em không lười đâu ạ, em không chăm thôi ạ. - Cô gái buồn bã thú nhận.

- Thế cả thôi, cũng như nói: đúng vào trán và đúng trên trán vậy.

- Thôi được ạ, em sẽ suy nghĩ thêm về lời đề nghị của cô. - Larisa nói với giọng nghiêm trang khác thường.

Cô giáo chăm chú nhìn cô học trò và khẽ lắc đầu:

- Tôi không đề nghị em, mà chỉ khuyên em thôi...

- Nhưng thưa cô, người ta bảo ở khoa toán không phải chỉ dạy có toán mà còn dạy những môn khác nữa...

Cả lớp phải nín cười.

- Đúng rồi, tôi cũng nghe người ta bảo thế. - Cô giáo mỉm cười xác nhận.

- Làm thế nào được ạ?

- Điều này thì rất đáng tiếc là tôi không thể khuyên gì được em cả, - cô Vaxivia Antonnovna nói.