Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 06

LỄ KỈ NIỆM BỐN MƯƠI NĂM TRONG NGHỀ

Sự lo lắng của Tamara thật vô ích. Sau kì nghỉ đông các bạn không hề “lỏng lẻo” mà từ ngày đầu đã dốc sức học. Không có tài liệu cho bảng tin “Chúng ta sẽ học tốt!” nữa và thầy Constantin Sergheevich góp ý là nên ra nó khi nào thật cần thiết thôi. Tamara rất vừa ý bởi vì cô đang bận tờ báo tường kỉ niệm bốn mươi năm trong nghề của thầy Vaxili Vaxilievich.

Ngay tuần đầu Lida đã làm mọi người phải chú ý đến cô. Cô nhận liên tiếp hết điểm năm này đến điểm năm khác và “Bộ ba lãnh đạo” định sẽ có cách khuyến khích cô. Đến thứ Sáu chủ tịch các ban tổ chức lễ kỉ niệm họp mặt tại phòng bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna, và Catia báo cho mọi người biết rằng người đại diện cho lớp 10 chúc thầy Vaxili Vaxilievich sẽ là Lida Versinina.

Việc chuẩn bị để kỉ niệm bốn mươi năm trong nghề dạy học của thầy Vaxili Vaxilievich được tiến hành một cách bí mật. Ngoài bà hiệu trưởng, bà trưởng phòng giáo vụ và thầy Constantin Sergheevich ra không ai được biết cả.

Và đây, ngày lễ cuối cùng cũng đã đến. Sáng thứ Bảy khi đi ngang qua hành lang, các giáo viên rất ngạc nhiên khi thấy các em học sinh cấp ba đều ăn mặc như trong những ngày lễ.

- Này, các đồng chí ơi, các đồng chí có để ý thấy các em học sinh hôm nay đến trường mặc lễ phục không? Có biết là nhân dịp gì không? - Cô Anna Vaxilievna hỏi khi bước chân vào phòng giáo viên.

- Hay là các em định sau giờ học đi xem hát luôn? - Cô Lidia Andreevna nói lên dự đoán của mình.

- Sau giờ học? Còn sớm quá!

- Có nhiều học sinh mặc thế không? - Cô Sophia Bonsovna hỏi. - Nhiều. Tôi thấy các em lớp 9, cả lớp 8 và lớp 10 đều mặc thế, - Cô Anna Vaxilievna trả lời và ngồi xuống đi văng.

Cô Marina Leopoldovna vừa bước vào phòng giáo viên, hỏi to lên:

- Các đồng chí ơi, có biết tại sao học sinh những lớp trên hôm nay lại diện thế không? Tôi hỏi thì các em trả lời hôm nay là ngày lễ của các em. Ngày lễ gì nhỉ? Có việc gì thế nhỉ?

Thầy Constantin Sergheevich xuất hiện.

- Anh Constantin Sergheevich, anh thường biết hết mọi việc trong trường, - cô Anna Vaxilievna vội hỏi thầy, - anh làm ơn cho bọn tôi biết tại sao hôm nay các em lại mặc lễ phục diện thế?

- Rất đáng tiếc là tôi không thể trả lời câu hỏi đó của chị. Cần hỏi các em ấy, - anh nói, hai tay dang ra một cách thất vọng.

Thầy Constantin Sergheevich vào lớp trước chuông một tí.

Đúng là tất cả các em đều ăn mặc như trong những ngày lễ lớn.

Chỉ một mình Valia vẫn mặc chiếc áo đồng phục màu nâu mà ngày thường cô vẫn mặc đến trường.

- Các em thỏa thuận với nhau hay là vô tình đấy, - Thầy mỉm cười hỏi.

- Cái gì vô tình cơ ạ? - Catia không hiểu thầy.

- Tôi muốn nói đến quần áo và nơ của các em.

- Thưa thầy, chẳng lẽ thầy lại cho rằng chúng em nhạy đến thế sao? - Cô trả lời - Dĩ nhiên là ngày hôm qua phải ra lệnh đấy.

- Rất tốt. Thế lúc nào các em định treo tờ báo tường lên?

- Theo ý thầy thì nên bao giờ ạ? - Tamara hỏi.

- Tôi không biết. Việc của các em mà.

- Trong giờ nghỉ giữa buổi học được không ạ?

- Cũng được... Bắt đầu từ giờ nghỉ giữa buổi vậy.

- Thầy Constantin Sergheevich ạ, thế người được chúc mừng đã đến chưa ạ?

- Tôi chưa nhìn thấy nhưng chắc là đến rồi.

- Thầy ấy không biết gì chứ ạ?

- Theo tôi thì không biết.

- Thưa thầy, giáo viên thì tự thầy mời chứ ạ? - Nina Sarina hỏi.

- Sao lại tôi? Không, không. Tôi không can thiệp vào bất cứ một việc gì.

- Làm thế nào bây giờ? Có nghĩa là ai đó trong bọn chúng ta phải đến phòng giáo viên bảo: “Các đồng chí ơi, sau giờ học đề nghị đừng về vội...”

Các cô gái bối rối. Tất cả đều đã suy nghĩ kĩ, đã xem trước rồi nhưng cũng giống như mọi trường hợp khác, suýt nữa lại quên điều quan trọng nhất. - Có lẽ ta nên nhờ cô Varvara Timofeevna vậy, - Ania bảo. Nhờ cô ấy báo tin giúp.

- Không! Tốt nhất là chúng mình viết giấy cho tất cả các thầy cô vậy. Vẫn còn kịp đấy, - Catia đề nghị - “Kính mời...” và vân vân... “Học sinh những lớp lớn kính mời thầy, cô và vân... Vân... Và kí tên: “Ban tổ chức.”

- Ý kiến hay đấy. - Thầy Constantin Sergheevich tán thành.

Hồi chuông vang lên. Giờ học đầu tiên bắt đầu.

Cô Marina Leopoldovna dừng lại ở cửa lớp 10, đưa mắt lạnh lùng nhìn những cô gái đang đứng dậy chào và lại bàn giáo viên.

- Jenia, nhân dịp gì mà cô mặc thế kia? - Cô giáo hỏi lớp trưởng.

- Nhân dịp gì ạ?... Thưa cô, hôm nay sau giờ học em đến nhà người quen!...

- À ra thế! Đến nhà người quen? Còn cô, Nadia, cũng định đến nhà người quen hôm nay chứ?

- Thưa cô Marina Leopoldovna hôm nay là... Ngày sinh của em ạ, - Nadia trả lời hai mắt nháy lia lịa.

- Trong trường hợp này cho phép tôi được chúc mừng. Ngồi xuống? Ania, hôm nay chắc cũng là sinh nhật của cô?

- Không ạ. Em định đến nhà bạn Nadia mừng sinh nhật của bạn ấy ạ. - Ania trả lời mặt đỏ lên vì ngượng.

- Ồ, ra thế? Ngồi xuống? Lida, cô cũng định đến nhà bạn.

- Vâng ạ!

- Tất cả mọi người đều đến chơi nhà người quen, nhà bạn... Các em không muốn trả lời câu hỏi của tôi! Ivanova Catia!

- Thưa cô, chúng em mặc... - Catia bắt đầu bằng tiếng Đức nhưng Nadia ngồi cạnh cô đã kịp nhắc cô và Jenia thì rít qua kẽ răng:

- Cứ liệu đấy hễ nói ra...

- Chúng em mặc... Nói tóm lại là cô sẽ biết trong giờ nghỉ buổi trưa. - Catia kết thúc bằng tiếng Nga.

- Tôi không hiểu nổi những trò kì lạ đó của các em! Thôi được! Tôi cũng chẳng tò mò làm gì, có điều làm tôi buồn là các em không tin tôi... Các em giở vở ra...

Thầy Vaxili Vaxilievich không hề hay biết gì, thầy vẫn đến trường trước chuông mấy phút. Giờ đầu tiên của thầy ở lớp 9.

Thầy không để ý đến cách ăn mặc theo ngày lễ của các em, nhưng thầy lại nhận ngay ra sự im lặng căng thẳng trong lớp. Thầy gọi ba em lên bảng. Hai em thầy cho làm thí nghiệm, còn một em thầy hỏi miệng. Sau đó thầy chú ý đến cái không khí không bình thường trong lớp hôm nay. Sao lại im lặng thế? Không hề có ai thì thầm, không ai động đậy, không ai viết cả. Ngồi im như ngậm tăm vậy. Hôm nay các em trả lời cũng tốt hơn và thầy rất hài lòng cho vào sổ hết điểm năm này đến điểm năm khác.

Trong giờ ra chơi giữa buổi học ở hành lang tầng hai bỗng xuất hiện một tờ báo tường lớn sáng chói. Tên gọi số báo lá “Số báo kỉ niệm” và ở giữa phía dưới viết bằng chữ số La Mã màu vàng óng “XL.” Ở hàng đầu có vẽ hai bức chân dung: Chân dung nhà hóa học khi còn trẻ trong chiếc áo khoác sinh viên và bên cạnh là chân dung của thầy hiện nay như mọi người thường gặp.

Trang xã luận bắt đầu bằng dòng chữ: “Thầy Vaxili Vaxilievich kính mến! Bốn mươi năm - những năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình - Thầy đã dành cho chúng em...”

Số báo này là số báo đặc biệt, cả tờ dành để nói về thầy Vaxili Vaxilievich. Ngoài bài xã luận ra còn có hai bài hồi ức của hai học trò cũ của trường bây giờ là hai nhà hóa học nổi tiếng, mấy bức biếm họa hài hước “Lời chúc mừng của những nguyên tố hóa học,” “Sự hối hận của những học sinh bị điểm ba,” “Giấc mơ hóa học,” “Những lời khuyên bổ ích đối với những người dốt và giỏi môn hóa.” Các tác giả và người biên tập đã bỏ biết bao công sức và sự sáng tạo vào tờ báo này. Tờ báo nói lên lòng quý mến, sự ấm áp và chân thành đối với thầy.

- Tội phạm đây rồi! - Cô Marina Leopoldovna kêu lên sau khi đã xong giờ dạy. - Vậy mà chúng tôi nghĩ nát óc ra - không hiểu tại sao cả... Còn bác, bác im lặng như là chuyện chẳng dính dáng gì đến bác ấy. Xin chúc mừng bác!

- Sao thế? Có việc gì thế? - Thầy Vaxili Vaxilievich ngạc nhiên hỏi.

- Bác cũng không biết sao? Điều đó mới thật là thú vị đấy.

Các giáo viên lần lượt bước vào phòng và không để cho thầy Vaxili Vaxilievich kịp trấn tĩnh, họ thi nhau bắt tay ôm thầy chúc tụng...

- Bác Vaxili Vaxilievich, năm nay là đúng bốn mươi năm bác công tác trong ngành giáo dục phải không ạ? - Constantin Sergheevich hỏi.

- Vâng, hình như thế. - Ông trả lời.

- Các em học sinh những lớp lớn biết được điều đó và định hôm nay chúc mừng bác.

- Tổ chức chúc mừng ư? Sao lại không cho tôi biết trước? Thật là một tình thế ngu ngốc...

- Bác cho là thế à? - Marpha Ignatievna vừa nói vừa cười - không đâu, theo tôi thì điều đó chẳng có gì là ngu ngốc cả.

- Các đồng chí lại không hiểu tôi rồi... Tôi không biết trước... Thế là không mặc quần áo cẩn thận... và nói chung là không chuẩn bị gì cả. - Thầy Vaxili Vaxilievich nói một cách ngượng nghịu.

- Và cũng chẳng cần bác ạ.

- Bác Vaxili Vaxilievich ạ, bác đã nhìn thấy tờ báo tường chưa ạ? Nào ta đi xem đi. Tờ báo tường như vậy tôi không nhớ ở trường ta đã từng có hay chưa! - Cô Anna Vaxilievna nói.

Họ cùng nhau ra khỏi phòng. Gần phòng giáo viên tụ tập một nhóm học sinh khá đông, đang đợi thầy Vaxili Vaxilievich. Thầy giáo vừa bước ra khỏi cửa, họ liền vỗ tay hoan hô. Ông cụ dừng lại phẩy tay và quay lưng vào phòng trong tiếng cười vui vẻ của mọi người.

- Tí nữa tôi xem cũng được... lại vẽ chuyện ra làm gì thế này?... Chúng không còn việc gì để làm chắc... - Ông cụ làu bàu rồi ngồi xuống chỗ thường ngày ông yêu thích bên cửa sổ.

Catia Ivanova mang đến phòng giáo viên những giấy mời cho từng thầy giáo, cô giáo, - mời họ ở lại dự cuộc họp của học sinh những lớp lớn.

- Ôi các đồng chí ơi, thật là cảm động! - Cô Doia Petrovna âu yếm nói. - Chúng ta thường hay kêu ca các em học sinh của chúng ta, cáu kỉnh với chúng, nhưng nếu nghĩ cho kĩ... chúng thật là những đứa bé tốt bụng!

- Chúng làm tôi phải ngạc nhiên đấy! - Cô Valentia Vipentiena nhận xét.

- Vì sao cơ?

- Tôi hoàn toàn không ngờ chúng lại... Nói như thế nào nhỉ... lại chu đáo đến thế.

- Xin chớ quên rằng, đối với chúng đó còn là trò giải trí nữa chứ. - Cô Marina Leopoldovna cũng tham gia vào câu chuyện.

- Tôi không nghĩ thế! Tất cả những cái đó các em làm với cả tấm lòng mình. Các em rất quý mến bác Vaxili Vaxilievich - Cô Anna Vaxilievna nói. - Cần phải công bằng với các em chứ.

Cô Natalia Nicolaevna bước vào phòng giáo viên mặt rạng rỡ.

- Các đồng chí ơi! Tờ báo tường thật là tuyệt vời! Những em học sinh thật là có tài! Bác Vaxili Vaxilievich tôi chưa kịp chúc mừng bác!

Giờ nghỉ giữa buổi học kết thúc, giáo viên ai về lớp nấy. Ông Vaxili Vaxilievich là người cuối cùng về lớp. Ông dừng lại rất lâu chỗ tờ báo vừa đọc, vừa đưa khăn tay lên lau kính. Sau đó ông về phòng hóa học. Ông đi với vẻ mặt như là cậu học sinh có lỗi bị hiệu trưởng gọi lên hỏi tội. Đó là lần đầu tiên thầy Vaxili Vaxilievich đi dạy muộn.

Hội trường của trường học quá lớn đối với cuộc họp mặt ít người như thế này. Vì vậy mà bàn chủ tịch đoàn đưa xuống dưới sân khấu, ghế được kê gần lại. Như vậy trông giản dị và ấm cúng hơn. Khoảng mười phút sau giờ học cuối cùng của buổi sáng, học sinh các lớp lớn và hầu hết giáo viên đã ổn định chỗ ngồi. Bà hiệu trưởng Natalia Zakharovna, thầy Vaxili Vaxilievich và bà Varvara Timofeevna vào cuối cùng. Bà trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna bước lên trên và lấy một trong những thanh gỗ nhỏ trên bàn gõ gõ ra hiệu cho mọi người im lặng.

- Các em im lặng nào! - Bà nói. - Chúng ta bắt tay ngay vào việc. Tôi được biết là các lớp đều có cử ban tổ chức lễ kỉ niệm. Tôi đề nghị chủ tịch của các ban tổ chức đó lên ngồi sau bàn dành cho ban tổ chức. Có ai phản đối không?

Hàng tràng vỗ tay vang lên trả lời.

- Tốt lắm! Nào, im lặng nào, các em! Mời những đồng chí chủ tịch các ban tổ chức lên ngay cho.

Catia Ivanova, Lena Menicova và cô bé ở lớp 8 bước lên ngồi sau bàn.

- Tôi xin nhường quyền điều khiển hội nghị lại cho các em vì các em chính là những người tổ chức lễ kỉ niệm hôm nay.

- Thưa các bạn! - Catia nói giọng rắn rỏi. - Chúng tôi đề nghị bầu thầy Vaxili Vaxilievich, cô hiệu trưởng Natalia Zakharovna, cô trưởng phòng giáo vụ Varvara Timofeevna và thầy Constantin Sergheevich vào chủ tịch đoàn. Có ai phản đối không?

Trong khi các em học sinh vỗ tay tán thành và các thầy cô giáo lên ngồi sau bàn chủ tịch đoàn, cô Vaxivia Antonnovna ghé vào tai cô Marina Leopoldovna ngồi dãy ghế trước thì thầm:

- Một thí dụ tốt cho bản báo cáo của chị...

Cô giáo ngoảnh lại và nhún vai thay cho câu trả lời.

Catia tiếp tục:

- Chương trình cuộc họp hôm nay chỉ có một vấn đề. Vấn đề đó mọi người đã rõ... Xin giới thiệu cô Natalia Zakharovna phát biểu.

- Thưa các đồng chí và các em! Hôm nay tại đây có mặt đông đủ học sinh ba lớp 8, 9, 10 và giáo viên của trường. - bà hiệu trưởng bắt đầu. - Chắc tất cả chúng ta đều biết là năm nay là năm thứ bốn mươi bác Vaxili Vaxilievich công tác ở trường ta, nhưng vì nhiều lí do khách quan trường chúng ta định tổ chức kỉ niệm vào đầu năm học mới. Các em học sinh biết được việc đó đã vội vàng, nhưng tôi không muốn kìm hãm sự vội vàng đó của các em. Đó là nguyện vọng của các em và chúng tôi không muốn cản trở họ. Tóm lại là lễ kỉ niệm sẽ chính thức tổ chức trong tháng chín đến. Và bây giờ thì cho phép tôi được cùng các em chúc mừng bác nhân dịp này, bác Vaxili Vaxilievich ạ.

- Trông kìa thầy đang ngượng kìa, - Nadia thì thầm. Cô quay về phía Tamara và nhìn thấy Valia. - Các bạn ơi, sao Valia lại có mặt ở đây nhỉ? Ai mời bạn ấy đấy?

- Kệ xác nó! Cho nó ngồi đấy. - Tamara cố tình nói khá to.

- Đằng nào cũng không có chữ kí của nó trong “danh sách” cơ mà. - Ania nói rành rọt từng tiếng.

Valia Belova ngồi cách đấy không xa lắm, nhưng không nghe rõ câu chuyện. Từ sáng đến giờ cô có cảm giác như muốn ốm. Tai cứ ù lên, cổ khô lại, người ớn lạnh.

- ... Bốn mươi năm làm việc tại trường! Chúng tôi là thầy giáo, chúng tôi biết giá trị của những năm tháng đó lắm chứ. Biết bao sức lực và trí tuệ... - Bà Natalia Zakharovna nói tiếp.

Thầy Constantin Sergheevich chống hai tay xuống bàn nhìn cả gian phòng. Nina Sarina để quyển địa chỉ bọc trong tấm bìa da màu xanh sẫm và một cái hộp trên đầu gối. Đôi má cô lúc đỏ ửng, lúc lại tái đi. Cô được cử làm nhiệm vụ trao tặng món quà cho thầy Vaxili Vaxilievich vì thế mà cô hồi hộp quá. Lida Versinina bên ngoài thì ra dáng bình tĩnh lắm, chỉ có những ngón tay mân mê chiếc khăn tay là biểu lộ sự hồi hộp của cô.

Bà Natalia Zakharovna kết thúc, nhường lời cho Lida Versinina đại diện cho lớp 10 lên phát biểu.

- Thưa thầy Vaxili Vaxilievich kính mến! Trong ngày vinh quang này em xin phép được thay mặt các bạn học sinh lớp 10 và cá nhân em phát biểu vài lời. Dù cho có lúc trong giờ học của thầy chúng em không được trật tự như hôm nay, dù cho chúng em vẫn có những điểm dưới điểm năm về môn hóa, chúng em vẫn rất kính trọng và quý mến thầy. Bằng từ ngữ khó mà nói lên được tình cảm của chúng em... - Cô dừng lại, đưa mắt nhìn thầy giáo rồi bao quát cả hội trường, thở dài và nói tiếp: - Chúng em được may mắn hơn người khác. Từ những bước đầu tiên của cuộc đời chúng em đã gặp được một người thầy tuyệt diệu, một con người tốt bụng và nhạy cảm như thầy. Em tin chắc rằng “dù số phận có phiêu bạt chúng em đến nơi nào, dù hạnh phúc có đưa chúng em đến bờ bến nào” thì hình ảnh của thầy cũng vĩnh viễn khắc sâu trọng tâm khảm của chúng em như một hồi ức đẹp đẽ và kỉ niệm ấm áp về ngôi trường trong tuổi thơ của chúng em. Trong những ngày như thế này người ta thường tặng những món quà kỉ niệm...

Nina mở hộp lấy ra chiếc đồng hồ bỏ túi và đưa cho Lida.

- Món quà nhỏ mọn này có một đặc điểm mà em muốn thưa để thầy rõ. Chúng em mua nó bằng tiền mà tự chúng em lao động kiếm được. Ở đây không có một xu nào xin của bố mẹ cả. Phía sau mặt đồng hồ có viết: “Kính tặng thầy Vaxili Vaxilievich nhân dịp tròn bốn mươi năm cuộc đời hoạt động trong ngành giáo dục của thầy. Lớp học yêu quý thầy nhất.”

Lida ngừng nói, đưa mắt nhìn Catia, cô bước đến gần thầy giáo và trao món quà tận tay thầy.

Trong khi đó Nina đặt trước mặt thầy chiếc hộp đựng đồng hồ và “bản danh sách.” Thầy không thể nói một lời nào vì quá xúc động. Ông chỉ biết ôm hôn Lida và Nina. Hai cô gái thẹn đỏ mặt quay về chỗ trong tiếng vỗ tay vang dội của gian phòng.

Cuộc họp lại tiếp tục. Lớp 9 tặng thầy một bộ ấm chén cà phê, còn lớp 8 tặng thầy chiếc máy thu thanh và chiếc cặp sách.

Các em học sinh nói ít thôi và cũng có thể trong những lời phát biểu ngắn gọn của các em chúng ta nghe thấy những lời nói thông thường mà người ta vẫn phát biểu trong những dịp như thế này, nhưng những lời lẽ đó vang lên sao mà giản dị, ấm áp và chân thành đến thế, làm cho mọi người có cảm giác như được nghe thấy chúng lần đầu.

Cuối cùng thì thầy Vaxili Vaxilievich đứng dậy.

- Thấy chưa... - Thầy bắt đầu, giọng khàn khàn... - Nhẽ ra tôi cần phải nói, phải trả lời như thế nào đó, vậy mà chẳng tìm ra được lời lẽ... Đúng rồi... Cách đây không lâu đã có em bảo tôi, hình như em Catirina thì phải, là các em có tranh luận với nhau về hạnh phúc con người thì phải. Tôi biết đó là một đề tài rất lí thú... Tôi muốn nói với các em ý kiến của mình, nhưng không có dịp nào cả. Có lẽ bây giờ tôi sẽ nói ý kiến tôi... sẽ diễn đạt bằng cách có thể... Cũng có lúc nào đó tôi đã từng ở lứa tuổi của các em, còn trẻ trung... Trong thời gian ấy vấn đề đó cũng đã từng làm cho tôi suy nghĩ. Có lẽ đề tài này đã từng làm cho tất cả mọi người ở lứa tuổi đó luôn luôn suy nghĩ. Và sau đó... sau đó tôi thấy các bạn cùng lớp của tôi đã tròng vào cổ mình cái ách và bị cuốn vào cỗ xe của cuộc sống... Những người khác từ những giờ phút đầu tiên của cuộc chiến đấu vì lí tưởng đẹp đẽ đã bị bỏng, sợ hãi và bỏ cuộc chui vào cái vỏ của mình không thiết gì đời nữa. - Thầy ngừng lại, bỏ lời nói còn dở dang, và im lặng một lúc như muốn nén sự xúc động lại. Các em học sinh có cảm giác là thầy đang bị xúc động bởi những kỉ niệm từ thời niên thiếu của thầy và tất cả chờ thầy nói tiếp, nhưng thầy Vaxili Vaxilievich không tiếp tục ý nghĩ bỏ dở trên kia nữa. - Các em thân mến! - Thầy lại bắt đầu nói - Các em sinh ra và lớn lên trong một thời đại khác. Và nếu như các em biết cách giữ gìn sự trẻ trung cho đến khi già đến khi chết thì đó là tất cả những gì cần thiết để có được hạnh phúc. Và giờ đây khi tôi đã già và tôi nhìn vào tương lai qua quá khứ của mình, tôi hiểu được rằng chỉ có thể giữ gìn sự trẻ trung... Tâm hồn trẻ trung nóng bỏng của mình bằng cách đấu tranh cho lí tưởng cao đẹp. Đấy là tất cả những gì mà tôi muốn nói hôm nay. - Thầy kết thúc, nhưng lại giơ tay lên nói thêm: - Trong ngày kỉ niệm của đời làm thầy giáo của tôi mà chẳng hiểu vì lẽ gì các em lại bày vẽ như thế này.

Các em học sinh đứng dậy và vỗ tay, còn trên khuôn mặt của thầy giáo lại xuất hiện nụ cười quen thuộc, thẹn thùng dường như có lỗi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3