Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 07
SỰ CÔ ĐỘC
Kéo chăn lên đến tận cằm, cô đắp khăn mặt ướt. Valia nằm gần như bất động trên giường. Ông cô ngồi cạnh cửa sổ, đầu ngửa ra phía sau, hai tay cầm tờ báo giơ ra phía trước. Cặp kính tụt xuống tận mũi làm cho ông cụ có vẻ mặt kiêu kì một cách thật khôi hài. Thỉnh thoảng ông đưa mắt qua phía trên cặp kính nhìn cô cháu gái.
- Valia, ông hâm nước uống chè nhé.
- Không.
Không nghe rõ cô cháu gái trả lời sao, ông đợi một lúc rồi lặp lại câu hỏi.
- Ông bảo hay là cháu uống cốc nước chè nóng vậy nhé?
Valia tỏ thái độ khó chịu, cô nói theo kiểu làm nũng:
- Cháu chẳng muốn uống chè... Chẳng muốn gì cả... Ông để cho cháu được yên thân mà chết cho xong...
Ông cụ gật đầu tán đồng và lại tiếp tục đọc báo. Đã đúng năm hôm nay Valia bị cảm cúm. Đến hôm nay thì nhiệt độ đã trở lại bình thường. Cô cảm thấy dễ chịu hơn, chỉ những khớp xương là nhức nhối khó chịu thôi. Những cơn đau đớn như vậy hoặc nói theo kiểu bác sĩ vẫn thường nói, những “đợt tấn công” như vậy nối tiếp nhau hành hạ làm cô gái tuyệt vọng. Valia muốn khóc, muốn kêu lên vì những cơn đau nhức nhối và dai dẳng đó, nhưng cô chịu đựng một cách dũng cảm đến cả những giọt nước mắt ứa ra vì bản năng cô cũng giấu không cho mẹ biết. Cô chắc chắn đây là kết thúc cuộc đời. Hồi nhỏ cô rất hay bị cảm và sau đó bị biến chứng. Cô biết không có thuốc nào cứu chữa được và sau khi bị tê thấp có thể biến chứng vào tim. Thế là hết. Tất cả những cái đó cô vừa mới vô tình đọc được trong quyển cẩm nang y học dùng cho các bác sĩ... Nhưng không biết tại sao cô không thấy sợ. Cứ mặc cho những điều bất hạnh sẽ đến vì bây giờ cũng chẳng ai cần đến cô nữa. Từ hành lang hai giọng nói đàn bà dội vào phòng.
Một giọng rất thấp, còn giọng kia the thé đáng ghét - có lúc nó rít cao đến nỗi có cảm tưởng sẽ đứt giọng. Đó là hai bà láng giềng đang cãi nhau, nguyên nhân những cuộc cãi vã đó giống như mọi khi thường là từ những chuyện không đâu, trả tiền điện, tranh nhau bếp khí, phiên dọn bếp v. v...
“Ôi, sao họ bần tiện và nhỏ nhen đến thết - Valia nghĩ thế và quay mặt vào tường. - Đúng là những người bo bo ích kỉ.”
Thời gian kéo dài nặng nề. Cơn đau đã dịu đi, nhưng Valia lại sợ hãi chờ đợi đợt “tấn công” mới.
Chiếc đồng hồ kêu rè rè rồi điểm hai tiếng. Mẹ cô sắp đi làm về và lại sắp sửa làm cho cô chán ngấy bằng sự quan tâm của bà.
Nghĩ đến mẹ. Valia cảm thấy nỗi bực dọc lại dâng lên trong lòng cô và để át nó đi cô bèn nghĩ đến trường. Sự tưởng tượng vẽ ra rước mắt cô hình ảnh quen thuộc và cô thấy rõ chiếc bàn học cũ kĩ của cô được nhiều người ở những thế hệ khác nhau khắc tên chằng chịt. Chữ khắc bị cào đi, quét sơn lại nhưng những khe lõm xuống vẫn còn và vì vậy mà mặt bàn rỗ chằng chịt. Không biết tại sao Valia nhìn thấy rất rõ ràng cái lưng của Clara ngồi bàn phía trước, và bỗng nhiên tim cô se lại.
“Bàn của mình bỏ không và điều đó cũng không làm cho ai phải phiền lòng. Chắc tất cả các bạn cùng lớp còn hài lòng khi không có mặt mình là đằng khác. Bây giờ họ không còn phải nhìn về phía mình thăm dò khi muốn nói một điều gì, không cần phải giấu giếm điều gì cả... Họ có cuộc sống của họ, những điều họ cùng quan tâm, công việc của họ, dự định của họ, còn mình - như một cái gì đó ngoài rìa xa lạ, thậm chí còn là thù địch đối với họ. Mình chỉ làm phiền họ... Chắc họ căm tức mình lắm! - Valia nghĩ thế và cảm thấy giọt nước mắt nóng hổi đang lăn trên má mình. - Có lẽ nào mình lại xấu xa đến như vậy?”
Cách đây chẳng bao lâu có lúc Valia đã tự lừa dối mình một cách dễ dàng và đã ngây ngô tin tưởng vào chính sự lừa dối đó. Tất cả những điều đã xảy ra với cô, cô cố gắng nhìn với góc độ có lợi nhất cho mình, hiểu theo lối riêng của mình và luôn luôn chắc chắn rằng mình đúng. Và cái luận chứng cơ bản nhất, có trọng lượng nhất trong sự suy nghĩ của cô là “cái tôi,” “Tôi muốn,” hoặc “Tôi không muốn,” “Tôi thích” hoặc “Tôi không thích.” Và đây là kết quả. Dù cô có tự tước bỏ trách nhiệm, tự bào chữa, tự biện bạch cho mình như thế nào đi nữa, thì tất cả những cái đó đến bây giờ cô cảm thấy như không ai cần đến nữa cả. Không ai quan tâm đến việc cô muốn gì, thích gì nữa... Cô chỉ có một mình.
Bố mẹ thì cô không tính đến. Bố mẹ đối với cô là một cái gì đương nhiên phải có, như một cái gì tất yếu và vì thế mà cô chẳng bao giờ đánh giá đúng lòng thương yêu của mẹ đối với cô, cô không bao giờ biết quý trọng tình cảm đó. Lúc đầu, việc cô tự tách khỏi tập thể không làm cô lo lắng lắm, thậm chí cô còn cảm thấy thú vị nữa là đằng khác. Cô cho rằng đó là một thủ thuật sư phạm tồi do “bộ ba chịu trách nhiệm giáo dục” nghĩ ra. Họ muốn tác động cô ư, họ định giáo dục cô nên cô đã trả đũa. Cô không cho phép Catia Ivanova, Jenia Smirnova và nhất là Tamara Krapchenco sai khiến cô đâu. Cô đã quen thói ngồi trên đầu người khác ở nhà cô và cô muốn làm như vậy ở trường.
Dấu hiệu rất đáng sợ đầu tiên là ở trong giờ lượng giác khi Valia đang “bơi” trên bảng. Sự thờ ơ nhất trí của cả lớp như gáo nước lã giội vào cô, cô hốt hoảng nhận ra rằng, đây chẳng phải là trò đùa, là thủ thuật sư phạm nào đó cả. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Cô lại thấy yên tâm ngay và luôn tự nhủ: không đáng phải để ý đến những việc vặt như vậy...
Càng ngày cô càng bị cô lập và điều đó càng làm cho cô trở nên ương bướng. Cô tự lừa dối mình bằng cách khẳng định hành động của mình bằng những suy nghĩ về lòng tự trọng, tự ái, về ý chí, về tính nguyên tắc...
Sau buổi nói chuyện với thầy Constantin Sergheevich trong buổi dạ hội nhân dịp năm mới Valia bắt đầu nhìn lại quan hệ của mình với tập thể một cách trung thực. Sự tức giận của Lida Versinina và lễ kỉ niệm bốn mươi năm trong nghề dạy học đã làm cô gái chết điếng và làm tiêu tan nốt dấu vết của sự khoe khoang kệch cỡm của cô. Lòng tự trọng, tự ái, ý chí và nguyên tắc của cô trở nên nhỏ nhen và thảm hại. Những luận chứng cô đưa ra để biện bạch hành động của mình và cô đeo đuổi đến cùng cũng tỏ ra không có cơ sở! Chưa bao giờ Valia lại cho rằng cô không tưởng tượng được rằng khổ tâm và đáng sợ biết bao khi chỉ có một mình. Cuộc sống bỗng dưng trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
“Sống để làm gì? - Cô tự hỏi mình - Học để làm gì, làm việc, nhận điểm năm để làm gì, khi tất cả những cái đó chẳng làm một ai vui sướng, chẳng ai cần đến và cũng chẳng có ai quan tâm? Các bạn cùng lớp đã cộng điểm của nhau lại để lấy điểm trung bình còn điểm của mình coi như một thứ rác rưởi... Dù mình có toàn điểm năm - họ cũng mặc. Hoặc có thể có những điểm hai. Điều đó cũng chẳng làm cho ai phải bận tâm... Vậy mà tất cả mọi chuyện có thể xảy ra hoàn toàn khác...”
Tiếng cánh cửa đập, những bước chân vội vã và giọng nói đầy vẻ lo lắng vang lên từ hành lang đã cắt ngang dòng suy nghĩ của cô. Cô giả vờ đang ngủ.
Mẹ cô bước vào phòng và cô thấy bàn tay lạnh giá của mẹ đặt lên trán cô. Sau đó có tiếng thì thầm:
- Thế nào, con bé có đỡ không bố?
- Bữa trưa bố đã nấu xong rồi. Hâm lại nhé?
- Con hỏi bố là con bé thế nào cơ mà? - Mẹ cô hỏi to hơn một tí.
- Không biết nữa. Hình như cũng không sao thì phải...
- Nó có ăn uống gì không?
- Không.
- Có kêu đau cổ họng không?
- Không nghe thấy nói gì...
- Khẽ chứ, bố làm cho nó thức dậy bây giờ... ra ngoài này vậy.
Ông cụ lê chân theo mẹ cô ra ngoài hành lang. Valia vẫn nghe thấy câu chuyện của họ qua cánh cửa khép hờ:
- Bác sĩ có đến không ạ?
- Không có ai đến cả.
- Con gọi điện đến phòng khám bệnh rồi mà. Thế thì chắc chốc nữa họ sẽ đến. Nó ngủ đã lâu chưa?
- Nó có ngủ đâu.
- Sao lại không ngủ? Con có đến gần xem mà... Hình như nhiệt độ có giảm xuống..
Có tiếng chuông gọi cửa. Tất cả những người ở cùng một hộ đều có chìa khóa riêng, - thế nghĩa là có người lạ đến. Có lẽ là bác sĩ. Valia nghe thấy tiếng vặn khóa và mở cửa. Ngoài cầu thang có tiếng ai hỏi gì đó và Valia cảm thấy giọng nói đó rất quen thuộc.
- Các cháu vào đi. Valia nó đang ngủ đấy, - bà mẹ mời một cách lịch thiệp.
Valia nín thở. Lẽ nào có bạn nào ở lớp đến? Clara? Svetlana?
- Nó bị ốm. Bị viêm họng nặng, - bà mẹ nói. Nhiệt độ lúc nào cũng rất cao...
Người đến còn hỏi thêm điều gì đó nữa, nhưng dù cho Valia hết sức lắng tai nghe, cô cũng không thể nhận ra giọng nói đó.
- Cái đó thì chưa thấy bác sĩ nói gì, - cô nghe thấy tiếng mẹ cô trả lời - Chỉ sợ biến chứng thôi. Con bé hay đa cảm lắm. Tất cả những điều... khó chịu ở trường đã tác động mạnh đến nó... - Bà mẹ phàn nàn. - Nói thật là tôi cũng không hiểu nổi tại sao các cháu lại còn đến đây. Chẳng phải là các cháu đã xua đuổi nó, khai trừ nó đấy à.
- Chúng cháu đến không phải vì Valia mà vì chính chúng cháu. - Catia bảo thế. Bây giờ thì Valia nhận ra giọng Catia.
- Tôi chả hiểu gì cả. Cháu giải thích xem là ý cháu muốn nói gì? - Bà mẹ hỏi.
- Thưa bác có gì đâu mà bác không hiểu, Valia không phải chỉ là học sinh của lớp chúng cháu mà còn là học sinh của trường chúng cháu. Hơn nữa... Nói thế nào với bác nhỉ... Bạn ấy có thể làm thế nào tùy ý bạn ấy chứ chúng cháu thì lại không thể xử sự như bạn ấy được... Chúng cháu hiểu khác hơn về nghĩa vụ và tình đồng chí. Vì vậy mà chúng cháu đã đến đây. - Jenia nói.
Jenia nói rất nhanh, nhưng Valia nghe rõ mồn một từng tiếng, tuy rằng vì quá xúc động cô chưa hiểu rõ hết ý nghĩa của câu chuyện đó.
“Các bạn đã đến... Họ đã đến.” Môi cô mấp máy khẽ nói và cô muốn nhảy thót dậy chạy ra đón các bạn.
- Hơn nữa bác nói cũng chưa được chính xác ạ. - Catia nhận xét không phải chúng cháu xua đuổi bạn ấy mà chính bạn ấy đã tự xua đuổi chúng cháu ạ.
- Chỉ là trò chơi chữ thôi!
- Sao bác lại nói thế ạ. Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau đấy chứ ạ! - Jenia kêu to lên.
- Các cháu khẽ chứ! Nó đang ngủ. - Bà mẹ nói và khép chặt cửa lại.
Phần sau của câu chuyện Valia không nghe thấy. Cô nằm yên lặng sau khi các bạn ở lớp đến thăm và suy nghĩ xem mình cần phải làm gì bây giờ. Cô không thể đợi lâu nữa. Không biết đến bao giờ cô mới khỏi ốm, đến trường và thú nhận trước cả lớp về lỗi lầm của mình. Cần phải hành động ngay lập tức, càng nhanh càng tốt!
Hai ngày trôi qua. Trong trường học đang là giờ học thứ tư, ở phòng giáo viên có cô Varvara Timofeevna, Vaxivia Antonnovna và thầy Constantin Sergheevich. Cô Vaxivia Antonnovna nói:
- Vấn đề đó không biết tại sao chúng ta lại khiêm tốn mà im lặng thế, ở đây giá như bớt khiêm tốn một chút thì hay hơn.
Những đứa trẻ thông minh, có năng khiếu bẩm sinh thì bị bỏ rơi, và cũng dễ hiểu là chúng sẽ không lớn lên, không phát triển được như cần thiết. Giáo viên thường tập trung sự chăm sóc vào các em học kém và hầu như rất ít quan tâm đến những em giỏi. Nếu chúng học được điểm năm - thế là tốt rồi! Nhưng việc đâu chỉ có vậy! Chúng ta cần phải chăm lo sao cho năng lực của con người trong xã hội chúng ta phải được phát triển hết mức. Việc đó nhà nước rất quan tâm. Tôi nói thế có phải không anh Constantin Sergheevich?
- Tôi đồng ý với chị.
- Anh có đồng ý với tôi rằng chúng ta dành quá nhiều thì giờ cho các em học sinh kém không?
- Ở những lớp đông học sinh thì đúng là như vậy.
- Đấy, thế đấy!... Có một sự cân bằng nào đó, ta cố thúc cho học sinh đạt mức trung bình. Vấn đề này tôi đã từ lâu quan tâm đến nhưng không biết nói ở đâu?
- Viết lên báo chị ạ, - Constantin Sergheevich nói.
- Tôi chẳng biết viết báo đâu.
- Vậy thì đặt vấn đề ở hội nghị giáo viên vậy - Cô Varvara Timofeevna góp ý.
Cô Vaxivia Antonnovna nói:
- Làm việc đó chẳng có lợi ích gì. Vấn đề này cần phải đặt ra ở Bộ giáo dục, hoặc là ở hội đồng bộ trưởng mới được. Hiện tượng này đâu có phải chỉ ở trường ta thôi...
Constantin Sergheevich ngồi tựa lưng ra sau ghế, tay gõ chiếc bút chì lên mặt bàn, dáng đăm chiêu. Cô Vaxivia Antonnovna đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng và phức tạp. Chính gần đây anh có nói chuyện với tổ chức Komsomol của trường về vấn đề này.
Sau mỗi cuộc họp chi bộ ở phòng giáo viên thường xảy ra những cuộc tranh luận sôi nổi và đúng nguyên tắc. Họ thường thảo luận những bài báo, bàn về những hiện tượng cụ thể trong trường và hầu như tất cả giáo viên đều tham gia vào những cuộc tranh luận đó. Những người thờ ơ ngày càng ít đi.
Điều đáng mừng nhất là, những lí do cá nhân, những bực dọc riêng tư, sự xoi mói và hiểu lầm đã từng cản trở sự trao đổi ý kiến thẳng thắn và chân thành đã trở thành thứ yếu. Giáo viên không còn giữ kẽ nữa, không cố ý bảo vệ “trí óc sáng suốt tuyệt đối” của mình nữa, họ không sợ nói lên những suy nghĩ thật của họ. “Có gì là đáng sợ đâu nếu họ có thể nhầm lẫn lắm chứ, và chính ở đây, trong tập thể này các đồng chí sẽ giúp họ tìm ra một quan điểm đúng đắn chung cho tất cả họ. Trường học Xô viết hãy còn quá non trẻ và còn đang tìm những phương hướng giáo dục đúng đắn. Đối với những kinh nghiệm giáo dục trước cách mạng cần phải có thái độ phê phán, chọn lọc.”
Bác lao công Phenesca bước vào phòng giáo viên và đưa cho Constantin Sergheevich một bức thư.
- Mẹ của Valia Belova đến đây, nhưng vội đi làm và không đợi được anh. Bà ấy nhờ tôi đưa hộ tận tay anh.
Constantin Sergheevich bóc phong bì trên có đề “Kính gửi thầy Constantin Sergheevich và toàn thể các bạn lớp 10” mở tờ giấy ra anh thở dài nhẹ nhõm. Anh đã chờ đợi sự thú lỗi này từ lâu rồi và sự kháng cự lặng lẽ của Valia đã làm anh bắt đầu nghi ngờ: “Không hiểu mình làm như vậy có đúng không, cho phép tập thể khai trừ em ấy?” Anh thấy cô gái đã biết lỗi của mình, biết sự cư xử của mình như vậy là không phải, những sự bướng bỉnh và lòng tự ái không cho phép cô thú nhận điều đó. Sự việc kéo dài khá lâu và điều đó có thể làm cho cô gái bực dọc. Giá như mà cô tìm thấy sự đồng tình của người khác ngoài phạm vi nhà trường thì sự khai trừ tạm thời cô ra khỏi tập thể không những không đóng vai trò tích cực mà ngược lại còn tiêu cực trong cuộc đời cô gái.
Trong khi Constantin Sergheevich đọc thư, giờ học đã tan và giáo viên quay về phòng nghỉ. Cô Marina Leopoldovna bước vào phòng.
- Đây này, chuyện Valia vậy là kết thúc, - Constantin Sergheevich quay về phía chị nói. - Tôi biết chị có quan tâm đến việc này, - anh nói và chìa cho chị một bức thư.
Marina Leopoldovna không hiểu là Constantin Sergheevich nói gì. Chị ngơ ngác cầm lấy bức thư đi về phía cửa sổ và bắt đầu đọc.
Sau kì nghỉ đông quan hệ của chị và giáo viên chủ nhiệm lớp 10 có thay đổi. Cũng có thể do Constantin Sergheevich lúc nào cũng điềm đạm, bình tĩnh và phục thiện trong quan hệ với mọi người, cũng có thể việc anh trúng chân bí thư Đảng ủy chứng tỏ sự tin tưởng của tập thể giáo viên đối với anh và chị hiểu ra rằng, anh ấy chả gây ra điều gì để chị có thể có ác cảm với anh ấy cả.
Mà cũng có thể giải thích, bởi vì các em học sinh lớp 10 đã tỏ ra lạnh lùng với cô, vì cô đã ghen tức và xét nét đối với thầy Constantin Sergheevich. Dù vì lí do gì đi chăng nữa thì cô Marina Leopoldovna cũng đã phải xem lại quan hệ của mình đối với Constantin Sergheevich và cô hài lòng vì sự mâu thuẫn đó dừng lại ở mức bị hiệu trưởng gọi lên nói chuyện thôi. Bức thư của Valia đã nhắc cô về cái lỗi trước kia của cô và cô cảm thấy hơi bất tiện.
- Ra thế... Trên “mảnh giấy trắng’’ đã viết lên nhiều điều thừa quá... - Cô giáo nói với đầy ngụ ý đưa trả lại bức thư. - Nhưng tôi cũng mừng cho Valia. Đối với em ấy đây là một bài học bổ ích.
- Thế ở đây có gì là thừa đâu chị? - Thầy Constantin Sergheevich hỏi.
- Đây chẳng có gì là thừa cả! Anh chẳng hiểu tôi. Tôi đã từng đọc ở đâu đó là tâm hồn một đứa trẻ sơ sinh giống như một tờ giấy trắng mà nhà giáo dục có thể viết bất cứ điều gì vào đó cũng được. - Cô giáo giải thích.
- Tôi lại thích một sự so sánh khác hơn kia. - Vaxivia Antonnovna nói. - Tâm hồn đứa trẻ giống như một cánh đồng được cày lên và đã được gieo các loại hạt giống... Khi mới sinh tất cả những hạt giống đó còn đang nẩy mầm. Và việc giáo dục đã làm cho những hạt giống hữu ích mọc tốt. Còn cỏ dại dĩ nhiên là cũng mọc nhanh, nhưng phải chống chúng...
Có tiếng gõ cửa và Jenia Smirnova bước vào phòng với chiếc bản đồ cuộn tròn trong tay. Trong khi cô cất nó vào chỗ thì Constantin Sergheevich đến bên cô và đưa bức thư cho cô.
- Em cầm lấy. Valia gửi đến đấy. Cả lớp hãy đọc đi và quyết định xem phải làm gì tiếp.