Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 10 - Phần 2

Không có ý kiến nào nữa và sau khi biểu quyết Jenia đành rời chỗ “ngồi đã ấm,” như cô vẫn thường nói, giữa Svetlana và Catia.

- Jenia mạnh dạn lên nhé! - Constantin Sergheevich dặn khẽ cô khi cô đi ngang qua chỗ thầy. - Bắt mọi người suy nghĩ và quyết định, phát huy sáng kiến của quần chúng lên nhé.

Jenia không biết cuộc họp sẽ dẫn đến đâu nhưng qua lời thầy chủ nhiệm cô hiểu là người ta trao cho cô trách nhiệm thật nặng nề và chờ đợi là cô sẽ làm cho cuộc họp trở nên hấp dẫn và có ý nghĩa. Trước kia cô cũng đã từng hướng dẫn những cuộc họp của thanh niên toàn trường, nhưng bao giờ cũng có bà Natalia Zakharovna ngồi bên cạnh và những lúc khó khăn bà thường giúp cô. Nhưng hôm nay thì lại khác hẳn. “Không có phao” - Jenia bỗng nhớ lời của Catia và cô bước lên bục.

- Các bạn lại nghĩ ra chuyện gì thế này. - Cô càu nhàu với Lena lúc đó đang đợi cô - Làm như không còn tìm được người khác hướng dẫn cuộc họp không bằng...

- Đây... Tất cả ở đây này! - Lena nói không để ý đến sự phàn nàn của Jenia và đặt hết giấy tờ lên giữa bàn. Cô cũng phải đọc báo cáo, nên hồi hộp không kém gì chủ tịch. - Đây chương trình cuộc họp... Bắt đầu ngay đi và cho mình phát biểu nhé. Đừng nói là “báo cáo” mà chỉ là phát biểu thôi, nghe chưa. Jenia!

- Nghe thấy rồi, nghe thấy rồi.

Vica trịnh trọng ngồi xuống bên cạnh và vội vàng ghi biên bản.

- Chuông đâu? - Jenia hỏi.

- Đây này. - Lena nói và chuyển cho cô một cái chuông cũ kĩ, tra vào một chiếc cán gỗ.

Cái chuông trong tay Jenia ngân lên những tiếng ngân đứt quãng, ngắn ngủi và nhờ nó mà cô đã ổn định được trật tự trong phòng một cách nhanh chóng.

- Các bạn thân mến! Cảm ơn vì các bạn đã tin tôi mà trao nhiệm vụ! - Cô nói dõng dạc đầy tự hào - Đề nghị không nói chuyện riêng nữa. Vấn đề đầu tiên của chương trình cuộc họp hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ của trường ta. Vấn đề thứ hai: Tình hình bất bình thường của những người học khá. Vấn đề thứ ba: Những sinh viên của chúng ta. Và vấn đề thứ tư: Kết nạp vào Đoàn Thanh niên Komsomol. Có ai có ý kiến phản đối, bổ sung, sửa đổi gì không? - Cô dừng lại một lúc rồi tiếp. - Không có à? Thế thì coi như chương trình cuộc họp hôm nay được thông qua. Biểu quyết theo tôi thì không cần nữa. Sự im lặng của các đồng chí tôi coi như tán thành. Để phát biểu về vấn đề thứ nhất tôi xin giới thiệu đồng chí Lena Menicova! - Jenia giới thiệu xong, quay về phía bạn nói thêm:

- Nào, Lena lên nói đi!

Đại diện cho Khu đoàn, phụ trách các trường học - Cô Tonia Zueva ngồi ngay hàng đầu giữa đám học sinh. Đây là một cô gái khoảng hai mươi ba tuổi dáng người tầm thước, có đôi mắt to màu xám và cái mũi hếch. Những món tóc màu nhạt của cô được bím gọn lại và quấn vòng trên đầu. Kiểu tóc, cũng như nét mặt nghiêm nghị không hợp tí nào với khuôn mặt dễ mến của cô, cô cũng biết điều đó nhưng cô muốn tỏ ra người lớn và đứng đắn hơn nên cố tình chải đầu như vậy và không bao giờ mỉm cười.

Ngay từ lời đầu tiên của chủ tịch hội nghị Tonia Zueva đã cảnh giác: “Cô ấy cảm ơn gì thế nhỉ? Thật là điều mới lạ! Cô ấy là đại biểu hay sao mà cảm ơn.” - Chương trình cuộc họp càng làm cho cô ngạc nhiên hơn “Sao lại có cách nói lạ thế? Chẳng rõ ràng gì cả, - Cô bực mình nghĩ thế, - ‘Tình trạng bất bình thường của những người học khá’ thế nghĩa là thế nào? Sao lại bất bình thường? Ở đây muốn nghĩ thế nào thì tùy ý ‘những sinh viên của chúng ta?’... Từ khi nào các cô học sinh này đã có những anh bạn sinh viên?”

Rút ra từ một chiếc cặp chật ních những giấy tờ một quyển sổ ghi chép và chiếc bút máy và cô hí hoáy ghi chép vào đó.

- Các bạn ạ! - Lena Menicova hồi hộp bắt đầu. - Hôm nay là mười chín tháng hai. Đây không phải là một ngày bình thường như những ngày khác đối với chúng ta, những đoàn viên thanh niên Komsomol trường trung học mang tên Usinski. Rất nhiều bạn trong chúng ta quên rằng hoặc không biết là 19 tháng 2 năm 1824 ở thành phố Tula nhà giáo dục Nga vĩ đại Constantin Dmitrievich Usinski đã ra đời. Chúng ta, những đoàn viên thanh niên Komsomol có thể tự hào là trường chúng ta được vinh dự mang tên Người. Constantin Dmitrievich Usinski là một con người rất tuyệt diệu...

Maria Mikhailovna. - Cô giáo dạy sinh vật - ngồi nghe báo cáo và cũng hồi hộp không kém Lena. Cô phụ trách lớp 9A và biết là học trò của cô đã phải chuẩn bị vất vả như thế nào cho cuộc họp hôm nay. Kể về cuộc đời Usinski một cách đơn giản và hấp dẫn đâu phải là chuyện dễ. Usinski không phải là anh hùng với cái nghĩa thông thường người ta vẫn nghĩ. Trong tiểu sử của ông không có những chiến công lừng lẫy như trong chiến đấu và cũng chẳng có những sự kiện nổi bật. Đó là một nhà khoa học có một trí tuệ khổng lồ, có vốn kiến thức rộng, có sự quan sát tinh vi và với tâm hồn trong sạch của một nhà sư phạm. Ông sống trong thời đại mà tài năng của ông không được phát triển hết, nhưng những gì ông đã kịp làm cho tổ quốc, cũng đã quá nhiều rồi. Những hồi ức của bạn bè thời Usinski đã cho Lena hàng loạt những thí dụ lí thú và đáng ghi nhớ.

Jenia ngồi lặng thinh, trong tay luôn sẵn sàng chiếc chuông, nhưng nội dung hấp dẫn của bản báo cáo đã làm cho mọi người chú ý và trong phòng hoàn toàn im lặng. Cô liếc nhìn không quay đầu về phía giáo viên.

Bà Natalia Zakharovna chăm chú nghe báo cáo của bí thư đoàn trường, đầu ngoẹo sang một bên, đôi lông mày hơi nhướng và trên môi bà đọng lại một nụ cười. Những giáo viên khác cũng chăm chú lắng nghe.

Thế là Lena đã đọc xong bản báo cáo và không kịp thở cô vội nói về vấn đề khác.

- Các bạn ạ, Ban chấp hành Đoàn trường có đề nghị là hằng năm chúng ta kỉ niệm ngày sinh Usinski. Hôm nay cần phải quyết định điều đó... Chúng tôi đề nghị các bạn thảo luận ý kiến sau đây... - Cô cầm một tờ giấy trên bàn và đọc: “Quyết định hằng năm đặt cho những lớp lớn hai mươi tám giải thưởng mang tên Usinski vì có những bài làm tốt trong học tập. Những bài làm đó do giáo viên đề nghị, ban giám khảo thảo luận và hiệu trưởng quyết định.”

- Sao lại hai mươi tám? - Một cô kêu lên và thế là hàng loạt câu hỏi từ tứ phía dồn dập:

- Bài làm như thế nào? Về môn học nào?

- Ai có thể tham gia?

- Ai sẽ ở trong ban giám khảo?

Jenia cầm lấy chuông và đứng dậy.

- Đề nghị các bạn trật tự! Trước tiên là nghe hết đã rồi sau đó hãy hỏi. Đồng chí Lena Menicova, tiếp tục đi!

- Bây giờ tôi sẽ giải thích cho các bạn từ đầu đến đuôi theo thứ tự nhé. - Lena giơ tay lên và nói. - Nào, cứ coi như việc học tập của chúng ta vẫn tiến hành bình thường đều đặn như mọi khi. Ở lớp 8 hoặc lớp 9 gì đó có viết luận hoặc kiểm tra viết về môn toán hoặc môn nào đó cũng được... Tất cả mọi người đều viết. Có người viết được điểm ba, có người viết được điểm bốn hoặc điểm năm như mọi khi, nhưng có bạn nào đó bỗng nhiên làm một bài rất tốt, dĩ nhiên là bạn ấy sẽ nhận điểm năm, nhưng cô giáo cho rằng điểm năm vẫn còn ít, bài làm như vậy còn đáng được điểm tốt hơn... Thế là... cô giáo chuyển bài làm đó cho ban giám khảo để thưởng. Các bạn hiểu chưa?... Những bài làm như vậy đến ngày mười chín tháng hai hằng năm chắc không phải ít. Tôi cho rằng có thể có đến hàng trăm bài. Thế là những bài tốt nhất trong số những bài xuất sắc đó sẽ được ban giám khảo tặng phần thưởng Usinski. Những phần thưởng chúng tôi đề nghị phân chia như sau. Về môn văn học và tiếng Nga - năm phần thưởng. Toán - năm. Sử - ba. Ngoại ngữ - ba. Sinh vật - ba. Hóa - ba. Tất cả là hai mươi tám.

Lena nói xong. Để nhắc nhở những cô có tính vội vã và tránh ồn ào, Jenia nói:

- Đề nghị chúng ta giữ trật tự. Ai muốn hỏi phải giơ tay. Các bạn ơi, đừng có bàn luận nữa, ở góc phòng kia kìa!

Những câu hỏi bắt đầu.

- Nếu trước kia bạn nào đó học chỉ trung bình thôi thì có được xét thưởng không?

- Được, dù có điểm hai đi nữa, thưởng riêng những bài làm chứ có phải trình độ học tập nói chung đâu.

- Thế thưởng cái gì? Huy hiệu hay gì?

- Sẽ thưởng bằng sách có ghi lí do được thưởng. Ngoài ra ảnh của những người được thưởng sẽ được treo trên bảng danh dự.

- Giải thưởng dành cho tất cả à?

- Giải thưởng chỉ dành riêng cho học sinh trường Usinski.

- Không, tôi định hỏi là - không phải chỉ dành riêng cho đoàn viên Komsomol chứ?

- Dĩ nhiên, là cho tất cả.

- Thế còn các lớp dưới thì sao? Các em sẽ giận đấy...

- Về vấn đề này cần phải suy nghĩ thêm.

- Chỉ thưởng cho những bài viết thôi à?

- Vâng.

Thắc mắc đã được giải đáp, không còn ai hỏi nữa, bắt đầu chuyển sang phần thảo luận. Đề nghị của Đoàn trường được mọi người ủng hộ, cả gian phòng náo nhiệt hẳn lên.

Bắt đầu thảo luận bản báo cáo. Các em rất hăng hái phát biểu nhưng tất cả đều nói về việc khen thưởng và ủng hộ đề nghị của Ban chấp hành đoàn trường. Khi bà Natalia Zakharovna thấy những ý kiến bắt đầu trùng lặp, bà xin phát biểu.

- Các em thân mến, tôi nghĩ rằng vấn đề đã rõ. Đề nghị của Ban chấp hành Đoàn trường hợp với suy nghĩ của mọi người, trong số đó có cả giáo viên nữa. Tổ chức đoàn Komsomol - đó là cơ sở, đó là cốt lõi của tập thể nhà trường, và rất tốt là các em đã bắt đầu gắn bó công việc của mình vào quá trình học tập một cách tích cực. Trong một cuộc họp giáo viên chúng tôi đã nói rằng hiện nay ta không có một tập thể toàn trường. Những tập thể cơ sở là lớp học thì chúng ta có. Thí dụ như lớp 9A, lớp 10 và lớp 8A. Đó là những tập thể hòa thuận, vững mạnh, nhưng tập thể của cả trường thì chưa có. Trong việc đó Đoàn Thanh niên Komsomol cũng chừng mực nào chịu trách nhiệm. Tôi thấy một số các em ngạc nhiên. Có lẽ các em đó nghĩ: “Sao ta lại không có tập thể là thế nào?” Chẳng cần tranh luận. Chúng ta là một tập thể nhưng không phải là cái tập thể mà tôi muốn nói đến. Trong một tập thể tốt, có phương hướng hành động và đang phát triển đại đa số những người trong đó cảm thấy bị phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích tập thể. Ở trường chúng ta đã phải như vậy chưa? Chúng ta sẽ không tự dối mình... Chúng ta còn xa mới có thể gọi là hoàn thiện và chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn nữa để tìm ra phương hướng xây dựng tập thể chung của cả trường. Các em phải biết rằng ở đây chỉ có lòng mong muốn không thôi thì chưa đủ. Chỉ bằng mệnh lệnh, nghị quyết của tập thể không thể xây dựng nên được, bằng lời nói thôi cũng vậy. Tập thể cần phải hành động, cần có mục đích chiến đấu, cần quyết định gì đó, cần phải hướng đến một cái gì đó, cần đạt được điều gì đó... Ngày sinh của Usinski và phần thưởng mang tên ông... Các em đã có sáng kiến hay. Còn về thành phần ban giám khảo tôi đề nghị bí thư chi đoàn của các lớp lớn, bí thư Đoàn trường và giáo viên giới thiệu những bài làm tốt...

Đề nghị của bà hiệu trưởng về thành phần của ban giám khảo được hội nghị nhất trí thông qua.

- Về vấn đề thứ hai mời Sura Pagarenova phát biểu ý kiến! - Chủ tịch tuyên bố.

Bây giờ đến lượt chị Marpha Ignatievna lo lắng. Chị là chủ nhiệm lớp 8A đã được hai năm. Dù là Natalia Zakharovna có khen tập thể lớp chị là đoàn kết đi nữa thì chị vẫn cảm thấy lớp chưa làm được bao nhiêu để đáng cho mọi người khen. Chị được coi là một trong những giáo viên ít nói, nghiêm khắc và công bằng trong trường này. Các em học sinh thường hay sợ và nể chị.

- Các bạn ơi! - Sura bắt đầu ý kiến mình - Ban chấp hành đoàn trường trao cho tôi nhiệm vụ phải làm sáng tỏ một vấn đề như sau: Trong trường ta có những bạn học được và những bạn học đuối. Một số học xứng đáng được điểm năm, còn số khác - toàn điểm hai, thế thành ra là giáo viên phải làm việc rất nhiều với các học sinh kém, vì thế là họ không còn thì giờ để giúp những học sinh giỏi nữa. Lẽ nào đó lại là điều đúng? Chúng tôi cho rằng không đúng. Đó là một điều hoàn toàn không đúng. Những cô học sinh giỏi đó là những bạn rất muốn học và ham học, nhưng lại ít ai quan tâm đến. Thế là nghĩa làm sao? Vì rằng đại đa số những người học kém là những kẻ lười, và thế là xin mời mọi người, hãy quan tâm lo lắng đến họ đi, còn những người học giỏi thì thậm chí không ai để ý đến. Đoàn Thanh niên không có quyền làm ngơ đối với tình trạng này. Theo phân công của Ban chấp hành đoàn trường tôi đã trình bày với các thầy cô giáo, với các đồng chí bí thư chi đoàn và lớp trưởng. Trong số kém cũng có những người thực sự khó khăn: Họ không có đủ khả năng học, nhưng số đó rất hiếm. Có một số nữa thì hoàn cảnh học tập ở nhà không được tốt lắm. Còn lại thì là những người lười biếng được bà nội, bà ngoại nuông chiều... Nói tóm lại là ai cũng biết cả. Tôi có thể gọi tên những người đó. Tôi đã lập danh sách tất cả các bạn học kém ở các lớp lớn...

Trong phòng ồn ào hẳn lên, và Sura cầm lấy bản danh sách.

- Danh sách thì... để sau hãy đọc, - Jenia khẽ ngăn bạn.

- Được rồi. Tôi sẽ không đọc danh sách này bây giờ, - Sura đồng ý. - Thế là đúng như vậy có phải không? Chừng nào những bạn học giỏi chưa tự quan tâm đến mình thì các thầy các cô giáo vẫn còn phải kèm cặp những bạn học kém.

- Quan tâm như thế nào cơ? - Có người hỏi.

- Quan tâm như thế nào à? - Sura hỏi lại. - Rất đơn giản. Nếu như các bạn học giỏi tự nhận trách nhiệm giúp đỡ những bạn học kém, thì lúc đó các thầy, các cô giáo sẽ bồi dưỡng cho họ, là hãy lấy thí dụ ở lớp 10 xem...

- Lớp ấy chỉ có mười lăm người thôi...

- Đúng rồi, nhưng dù sao kinh nghiệm của các bạn đó cũng có thể áp dụng được chứ. Các bạn lớp 10 còn đấu tranh chống cả điểm ba nữa cơ đấy...

- Thế là không đúng. - Có một học sinh lớp 9 kêu lên.

- Điểm ba, đó là một điểm tốt!

- Các bạn ơi, khẽ chứ! - Jenia ổn định trật tự. - Không được nói vô tổ chức như vậy. Mời các bạn sẽ phát biểu sau. Sura tiếp tục đi.

- Vâng, tôi nói một tí nữa thôi. Các bạn ạ, tình trạng chung là như vậy đấy. Cần phải đề nghị cô Natalia Zakharovna cho chúng ta một hoặc hai phòng để tự học sau khi lên lớp. Đó là để cho các bạn mà ở nhà không có điều kiện đi học. Còn những bạn lười biếng được quá nuông chiều thì ta phải quản lí chặt. Sẽ đấu tranh đến cùng trong những cuộc họp, trên báo chí và phải làm mạnh vào. Và chính là cần phải theo dõi và không rời họ một bước. Còn đối với số các bạn cố gắng nhưng tiếp thu chậm cần phải có cách khác... Tôi sẽ đưa ra thí dụ sau đây... Cô Marpha Ignatievna đã thuyết phục được Nina Sarina và Ania Alecxeeva ở lớp 10 để họ nhận trách nhiệm giúp đỡ hai bạn Marchianova và Phomina ở lớp tôi. Kết quả là rất tốt. Cô Marpha Ignatievna cho rằng khi những lớp trên giúp những lời dưới thì thường là tốt hơn nhưng vẫn có thể trao trách nhiệm cho các bạn cùng lớp giúp nhau được. Tôi có thể đưa ra nhiều thí dụ khác... Không cần nữa à? - Cô hỏi khi nghe có tiếng nói “rõ rồi” - Được rồi… Thầy Constantin Sergheevich có nói, là đại đa số những bạn học khá là đoàn viên Komsomol, và nếu chúng ta muốn thì chúng ta có thể giải phóng các thầy cô giáo khỏi cái trách nhiệm phải phụ đạo học sinh kém đó. Và lúc đó các thầy cô giáo sẽ quan tâm nhiều hơn đến những bạn học xuất sắc. Có đúng thế không hả các bạn?

Cô Vaxivia Antonnovna nghe các em phát biểu và thấy rất hài lòng. Hóa ra vấn đề lí thuyết vừa đưa ra tranh luận ở phòng giáo viên cách đây không lâu không bị lãng quên. Qua đây thấy rõ ràng là Đoàn Thanh niên Komsomol bắt tay vào việc rất nghiêm túc. Những em phát biểu thường là những học sinh giỏi, đưa thêm thí dụ chứng minh, đóng góp ý kiến hứa hẹn. “Nếu sự hăng hái này được đưa vào hình thức tổ chức, - cô giáo toán nghĩ, - giáo viên chủ nhiệm có thể trực tiếp chỉ đạo việc giúp đỡ của những học sinh giỏi đối với học sinh kém, dù chỉ trong thời gian đầu, khi các em chưa quen, thì vấn đề sẽ được giải quyết tốt.” Trong những cuộc họp Hội đồng, họp giáo viên nói về những học sinh kém là nhiều nhất. Cuối học kì và nhất là cuối năm học tất cả những học sinh kém coi mình như những vị “anh hùng.” Ai cũng quan tâm đến: Nào thầy cô giáo, bạn bè, bố mẹ. Phải dỗ dành học, đề nghị họ, làm việc riêng với họ. Vì thế không phải tự nhiên mà đại đa số những người lên phát biểu đều tỏ thái độ phẫn nộ tình trạng bất bình thường đó.

- Cô Natalia Zakharovna ạ, - một trong những em học sinh nói với cô hiệu trưởng, - lớp em có hai bạn... Cô biết rồi đấy: Sazonova và Gluscova. Cả lớp em khổ sở ba năm nay rồi vì các bạn ấy. Và cả các thầy, các cô cũng vất vả lắm. Chúng em phải nắm tay kéo từ lớp này lên lớp kia. Để làm gì? Cô cho rằng nếu các bạn ấy có tốt nghiệp trường phổ thông thì ai đó sẽ có lợi chăng? Không hề như thế? Cách đây không lâu chúng em đã thảo luận vấn đề đó. Bỏ thì giờ giúp các bạn đó thật đáng tiếc. Mà nào có được các bạn ấy cảm ơn cho cam, họ còn chế giễu nữa chứ. Họ biết rõ là nếu họ bị nhiều điểm hai thì chất lượng học tập của cả trường sẽ bị hạ thấp nên mọi người đều sẽ khó chịu...

Bà Natalia Zakharovna lắng nghe những lời nói đáng buồn đó nhưng ngoài một nụ cười thông cảm ra bà không thể trả lời như thế nào cả. Làm thế nào bây giờ? Người ta đòi hỏi ở bà và bà phải phục tùng. Sazonova và Gluscova - không phải là những người duy nhất.

Bà nhớ và ở một cuộc họp Hội đồng gần đây cũng ý nghĩ tương tự như vậy đã làm mọi người lo lắng. Bà bị trách là chỉ quan tâm đến quá trình truyền thụ kiến thức mà chưa chú ý thích đáng đến việc giáo dục. Sự tách rời hai việc đó đã dẫn đến những hậu quả trông thấy. Cô nói, vấn đề như vậy không làm cho những người ít hiểu biết trong ngành giáo dục tách rời cuộc sống, những quan thầy thờ ơ quan tâm lo lắng. Họ chỉ quan tâm đến bề ngoài của việc giáo dục. Vấn đề giáo dục những phẩm chất đạo đức như ý chí, tính cách hình như chẳng phải là trách nhiệm của ai cả và như vậy là chỉ dựa vào lương tâm của những giáo viên chủ nhiệm...

Dòng suy nghĩ của bà Natalia Zakharovna bị giọng nói trong trẻo của Jenia làm gián đoạn.

- Xin mời thầy Constantin Sergheevich phát biểu ạ!

- Các đồng chí thân mến! Đoàn Thanh niên Komsomol của trường đã đưa ra thảo luận một vấn đề rất quan trọng, có một ý nghĩa to lớn đối với tất cả chúng ta. - Constantin Sergheevich bắt đầu. - Và đã đưa ra rất đúng lúc. Ta thử nghĩ xem, tại sao giáo viên lại phải quan tâm săn sóc đến những kẻ lười biếng, những học sinh không tự nguyện học tập nhiều như vậy? Chúng ta phải làm việc với tất cả và phải quan tâm đến từng học sinh. Đó là nghĩa vụ của chúng ta và tất cả đều biết trên thực tế lại hoàn toàn khác. Thời gian quý báu và sức lực giáo viên dành cho những người học kém nhất và những người kém thì lại kéo trường thụt lùi. Và hôm nay các em đã nói đúng, đã tỏ ra không hài lòng là có lí. Không thể kéo dài tình trạng này được nữa. Trường chúng ta cần phải tiến nhanh hơn, làm việc tốt hơn. Em Pagarenova đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ ban chấp hành đoàn trường trao cho, thu thập được những tài liệu quý báu và nghiên cứu sâu vấn đề này. Em có lập được cả danh sách. Tôi cũng tán thành với em là tất cả học sinh yếu kém chia ra làm ba loại, những kẻ lười biếng, những người không có điều kiện tự học ở nhà và những em thực sự tiếp thu chậm. Trước tiên tôi muốn nói về những học sinh lười biếng. Một em khi phát biểu đã tỏ ra bất bình về cách sống của những kẻ lười, và trong những lời phát biểu đó có cả ý này: “Sao chúng ta lại cứ phải quan tâm đến họ làm gì? Không muốn học thì không cần nữa. Đuổi cổ ra khỏi trường thế là xong.” Kết luận đó có đúng không? Dĩ nhiên là không. Cô Natalia Zakharovna đã nói với chúng ta về tập thể. Tôi xin nói thêm. Sức mạnh của tập thể là ở chỗ nó quan tâm đến số phận của mỗi người. Tập thể không để cho ai phải thiệt thòi, song nó cũng đòi hỏi mỗi người phải làm việc hết sức mình với khả năng của mình. Vấn đề khác là ở chỗ không phải lúc nào cũng dỗ dành những kẻ lười biếng mà phải biết tác động họ bằng cách nào đó. Cách nào? Cái đó thì các em hãy suy nghĩ và từng người quyết định lấy tùy ý bởi vì lí do học kém không giống nhau. Các em nên hiểu rằng, một khi giáo dục người khác cũng đồng thời là tự giáo dục mình. Các em phát biểu vấn đề đó đã đưa ra nhiều thí dụ, bổ sung nhiều ý kiến quý báu. Tôi muốn nói thêm về những em học trung bình. Không biết sao ở đây lại chỉ nói đến những em học xuất sắc và những em học kém, còn học trung bình thì hoàn toàn không nhắc đến? Tôi hoàn toàn tin rằng nếu Đoàn Thanh niên Komsomol bắt tay vào việc một cách thật sự thì đối với những học sinh kém chúng ta có thể giải quyết không khó. Nhưng nhiệm vụ của chung ta là ở đâu? Theo tôi thì không phải chỉ có ở đấy. Các em học sinh lớp 10 trong bản “Lời hứa” của lớp đã đặt vấn đề như thế này: “Điểm ba - đó là màu xám xịt. Cần phải đấu tranh với điểm ba.” Đặt vấn đề như vậy có đúng không? Có em nào đó đã nói - “điểm ba là một điểm tốt và không có gì đáng sợ ở đây cả.” Tôi không đồng ý với em đó. Các em ạ, không thể châm chước điểm ba được. Tất cả các em đều có khả năng học ở mức điểm bốn và điểm năm và đừng hạ thấp yêu cầu đối với bản thân mình. Đừng nên quen với điểm ba. Giữa điểm ba và điểm hai không có sự khác biệt lớn lắm và đừng quên rằng từ điểm ba phải đem hết sức lực mới nâng lên điểm bốn được nhưng tụt xuống điểm hai thì rất dễ, không cần phải cố gắng gì cả...

Tonia Zueva ngồi mắm chặt môi, cắm cúi ghi chép, cô thường phải đi dự những cuộc họp của thanh niên Komsomol ở các trường học trong khu, nhưng thường thì cô chỉ ghi vài ba ý, nhưng hôm nay cô ghi gần hết nửa quyển. Cô không biết rõ ý kiến của cô về những vấn đề nói ở đây. Có thể đặt vấn đề về tập thể trường học như bà hiệu trưởng đã đặt ra? Đưa những vấn đề đó ra cuộc họp đoàn có đúng nguyên tắc sư phạm không? Đưa ra để thảo luận trong những cuộc họp kín của giáo viên có tốt hơn không?

Khi học sinh phát biểu lại xuất hiện thêm những dòng ghi chép: “Những loại học yếu phân không rõ,” “Nhiều thiếu sót quá, phải giáo dục trên cơ sở động viên những điều tốt,” “Sự phê phán một cách khéo léo giáo viên không thể cho phép được...”

Bà Natalia Zakharovna mấy lần liếc nhìn quyển sổ ghi chép để mở. Bà tin rằng Zueva cũng giống như mọi người sẽ rút được nhiều ý kiến quý báu trong buổi họp hôm nay cho công tác mai sau... Hôm nay một lần nữa bà Natalia Zakharovna khẳng định là Constantin Segheevich đã nghĩ đúng khi anh tạo điều kiện cho học sinh làm việc một cách chủ động và sáng tạo.