Tuổi Mười Bảy - Phần III - Chương 11

GẶP BÍ THƯ KHU ĐOÀN

- Đồng chí “cây thông” ngồi xuống đây và kể xem nào - Đồng chí bí thư nói nửa đùa nửa thật. - Vấn đề giải thưởng - việc đó sau này sẽ bàn, nhưng còn vấn đề thứ hai thì tôi không được rõ hoàn toàn...

Lena nhìn vào khuôn mặt cởi mở của đồng chí bí thư, bắt gặp cái nhìn thông minh chăm chú và trong cặp mắt xám như chứa đựng nụ cười làm cô càng thấy ngượng nhiều hơn. “Sao anh ấy lại biết, bố gọi mình là “cây thông” nhỉ - Cô nghĩ: - “Đồng chí cây thông” lại một tên mới, cô không biết phải cư xử ra sao. Nếu cách xưng hô như vậy làm hạ phẩm giá của cô nhất định phải giận một tí và cho anh ấy biết là mình không thích thế. Nhưng đằng này có gì đáng bực đâu? Nào anh ấy có chế giễu mình, chỉ gọi mình như thế trên tình đồng chí thôi. Và Lena không định giận anh nữa. Cô kể về nghị quyết cuộc họp về vấn đề thứ hai cho anh ấy nghe.

Đoàn Thanh niên Komsomol quyết định triệt để đấu tranh với các cô nàng lười biếng, giúp đỡ các bạn học yếu và nâng cao chất lượng học tập lên. Biện pháp có thể khác nhau, lớp trên kết nghĩa với lớp dưới và giúp đỡ lớp trong học tập, giúp cá biệt từng người, tác động đến bố mẹ thông qua Đoàn Thanh niên Komsomol ở cơ quan mà họ công tác và còn nhiều biện pháp nữa phụ thuộc vào lí do học yếu của từng người.

Đồng chí Curnesov chăm chú lắng nghe gật đầu tán thành và thỉnh thoảng chêm vài từ động viên: “Tốt lắm... đúng thế... Việc đó có suy nghĩ tốt.” Và khi cô kết thúc, anh nói một cách nghiêm túc:

- Tất cả những cái đó đều tốt... Nhưng có điều này chớ có mà quên đấy Lena ạ. Đó là vấn đề giáo dục đạo đức cộng sản. Chúng ta quan tâm nhiều đến việc học tập, đến kết quả học tập, và ta chẳng có lúc nào để quan tâm đến tâm hồn con người nữa. Nếu người nào đó học tập xuất sắc, thế là ta yên tâm. Riêng tôi, tôi cho rằng mọi việc hoàn toàn không như vậy... Học tập chẳng qua đó là phương tiện kì diệu để giáo dục chứ không phải đó chính là mục tiêu. Trên thực tế, cô thử nghĩ mà xem: ta có cần một kĩ sư giỏi việc làm gì đây nếu trong tâm hồn anh ta chỉ là một tên đốn mạt, ích kỉ? Một người như vậy không bao giờ có thể làm việc được. Thế nào rồi anh ta cũng sẽ phạm sai lầm. Những người ích kỉ hoàn toàn là hạng người không đáng tin cậy trong xã hội của chúng ta. Đó là những “đám lầy,” “bọn côn đồ” - như Macarenco đã gọi họ. Mà chúng ta thì lại cần những người tích cực, càng nhiều càng tốt. Cô có đồng ý với tôi như vậy không? - Thế đấy... Nghĩa là cần phải giáo dục con người, tạo nên một tính cách mới với tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất. Có thể nói như vậy được không? - Anh hỏi và khi thấy Lena đỏ mặt không biết trả lời sao, anh nói tiếp: - Điều đó không quan trọng lắm. Cái chính là Lena hiểu được vấn đề. Còn làm thế nào để tạo nên tính cách! Dĩ nhiên, vô hiệu quả nhất là chỉ bằng lời nói, bằng những bài diễn văn ngọt ngào êm tai. Chúng ta thường hay có nhược điểm: Nói nhiều và tưởng rằng công tác giáo dục chỉ vẻn vẹn có thế. Cần phải hành động nhiều hơn nữa. Cô có nhớ Lenin đã nói trong Đại hội Đoàn Thanh niên Komsomol như thế nào không? Người nói: “Việc giáo dục thanh niên cộng sản không phải ở chỗ nói sao nghe cho êm tai hoặc liệt kê những yêu cầu về đạo đức. Giáo dục không phải ở chỗ đó. Hãy nhớ lấy điều đó!”

Nói đến vấn đề giáo dục Curnesov trở nên say sưa, anh bước ra giữa phòng làm như sau bàn quá chật không đủ chỗ để anh vung tay một cách thoải mái. Anh nói cứ như đang đứng trên diễn đàn - nói to và dõng dạc, quên rằng chỉ có một cô học sinh đang nghe anh thôi.

- Trong thời gian cuối tôi đã nghĩ nát óc về việc này... - Và đâu phải chỉ có trường học. Ở cả những lĩnh vực khác nữa cô hiểu không, người ta cũng hay nói những điều “êm tai” như vậy đấy. Trong văn học, ở nhà hát, trong điện ảnh... Nguyên nhân ở đâu. Sao lại như thế? Lẽ nào những đồng chí công tác ở mặt trận văn hóa lại không hiểu là họ làm ngược lại với lời dạy của Lenin ư? Có khi không hiểu, có khi hiểu, nhưng lại không biết phải tiến hành công tác đó như thế nào. Cũng có khi biết, nhưng lại lười. Giáo dục và để đạt được kết quả nào đó - đó là một điều phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức. Cần phải vật lộn, phải chiến đấu? Thử lấy một thí dụ về tinh thần trách nhiệm chẳng hạn. Chắc cô hiểu là một con người không có tinh thần trách nhiệm thì thực chất là sống chính là cho bản thân mình, - đó không phải là đoàn viên Komsomol và cứ nói thẳng là không phải là một công dân Xô viết nữa. Nhưng làm sao để giáo dục được tinh thần trách nhiệm đó được? Bằng cách nào... Đó là một việc phức tạp mất nhiều thì giờ. Đây mới là điều nát óc... Có phải là đơn giản hơn nếu chỉ việc lên lớp vài bài về tinh thần trách nhiệm rồi báo cáo lên trên rằng những chỉ thị của các đồng chí đã được thực hiện và ở địa phận chúng tôi mọi người đã được giáo dục nên đều có tinh thần trách nhiệm... Cô có biết không? Thế là cũng chẳng có ai kiểm tra cả - Có tinh thần trách nhiệm hay không có. Không thể kiểm tra việc này về lí thuyết được. Thế là có khi chính những người vô trách nhiệm lại đi giáo dục tinh thần trách nhiệm.

Curnesov đưa mắt nhìn Lena và khi bắt gặp cái nhìn chăm chú của cô, anh lại tiếp tục:

- Các cô đã đẩy những bạn học giỏi là những bạn học kém lại gần với nhau... Làm như thế là đúng! Các cô ấy đâu phải chỉ có học bài với nhau, giữa những giờ học còn làm gì nữa chứ... Để cho họ có dịp nhìn kĩ nhau, làm quen với nhau. Và nếu có lúc cào cấu nhau một tí thì cũng chăng có gì đáng sợ cả. Chỉ có lợi mà thôi? Nói thế nào với cô để cho sư phạm hơn nhỉ... - Anh nhấn mạnh từng tiếng - Khi giáo dục người khác họ sẽ tự giáo dục mình... Liên hệ với những tổ chức Đoàn Thanh niên ở xí nghiệp đó là điều mới mẻ đấy. May ra thì sẽ có kết quả. Cô hãy thông báo để tôi luôn luôn nắm được vấn đề nhé. Nếu có gì xảy ra thì khu đoàn sẽ giúp đỡ... Thí dụ như thế này. Có cô con gái của một kĩ sư hoặc một công nhân lành nghề nào đó... ông bố không muốn tác động đến con gái hoặc cô bé đã lừa dối ông. Còn ông, ông yêu con gái nên tin cô. Ai cũng sai cả, chỉ có cô con gái của ông là đúng thôi. Có thể như vậy lắm chứ! Vậy thì Đoàn Thanh niên Komsomol có thể làm gì với những phụ huynh như vậy ở xí nghiệp?... Hơn nữa chắc gì ông đã chịu nói chuyện với bọn trẻ. Làm việc đó phải thông minh, phải láu lỉnh mới được. Phải thông qua báo tường, qua đồng chí giám đốc xí nghiệp hoặc tổ chức Đảng... Cô phải báo ngay cho tôi biết nếu có trường hợp như vậy xảy ra nhé... Nhân đây, cũng cần phải nêu gương những phụ huynh tốt để cho người khác học tập nữa chứ.

Vấn đề này rõ ràng đã làm cho đồng chí Curnesov đặc biệt quan tâm. Sự gắn liền trường học với sản xuất một cách tự nhiên và cụ thể đã hứa hẹn nhiều điều thú vị, và đáng quý. Curnesov là một con người sáng tạo vì thế anh không thể hài lòng với những biện pháp công tác cũ kĩ, rập khuôn.

Đồng chí bí thư nói chuyện với Lena như với một người lớn ngang hàng với mình, một người hiểu rõ trách nhiệm và chính vì vậy mà cô đã lớn lên hẳn ngay trong chính mắt mình.