Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 10 phần 2

Chuông điện thoại reo – điện thoại ở tầng trên vừa mang xuống hầm. Dung gọi Luân. Nghe xong, Luân mím môi.

- Gì thế? - Nhu hỏi.

- Thưa anh, Đại tá Lê Quang Tung bị bắn gục ngay bàn họp tại trại Lê Văn Duyệt!

Nhu ngồi vật xuống ghế. Diệm ôm đầu...

- Họ buộc ông Tung đừng chống cự... - Luân nói tiếp... - Đại tá Huỳnh Hữu Hiền đầu hàng. Đại tá Hồ Tấn Quyền cũng bị giết trên xa lộ...

Căn hầm, ngoài tiếng quạt máy, chỉ còn những hơi thở nặng trĩu, dồn dập.

“Tình thế này, những người ủng hộ Diệm không thể chống cự lâu hơn...” Luân có nỗi lo riêng. Anh muốn liên lạc với trung đoàn 7 Sư 5 – Trung đoàn phó là Lê Khánh Nghĩa. Nhưng anh không dám. Không có sự kìm chế nào khổ tâm hơn sự kìm chế mà Luân đang trải qua. Các ngả cứu viện gần như bị bít.

Một người xuống hầm: Cao Xuân Vỹ. Nhu lãnh đạm nhìn anh ta. Trong giọng lập cập, Vỹ trình kế hoạch huy động Thanh niên Cộng hòa chống đảo chính. Nhu lắc đầu mà không bình luận, hí hoáy viết mấy dòng, đến chìa cho Diệm. Diệm liếc qua rồi uể oải đứng lên, sang phòng truyền tin. Đài phát sóng nhấp nháy đèn:

“Hỡi binh sĩ các đơn vị trong toàn quốc!

Vào 1 giờ 30 trưa hôm nay, 1-11-1963, lợi dụng ngày lễ các Thánh, một nhóm binh sĩ do một nhóm nhỏ sĩ quan bất mãn, hèn nhát và ngu xuẩn cầm đầu đã làm phản, đánh vào các cơ sở của Chính phủ. Lực lượng phòng vệ và các lực lượng trung thành với Chính phủ đang chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổng tư lệnh tối cao. Nhân danh Tổng thống và tổng tư lệnh tối cao quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi hạ lệnh:

Một, quân lính sĩ quan, lỡ tầm nghe bọn Thực – Phong – Cộng xúi giục mà hành động sai quấy hãy quay lại bắn vào những tên chỉ huy bán nước, tách khỏi hàng ngũ chúng, trở về chính nghĩa quốc gia.

Hai, lực lượng ở khắp các vùng lãnh thổ, các quân binh chủng hãy nhanh chóng kéo về thủ đô dẹp phiến loạn, giữ gìn an ninh trật tự.

Ba, đồng bào các giới hãy bình tĩnh, chỉ tuân theo một Chính phủ hợp hiến pháp do tôi đứng đầu. Nhà nước tức là tôi!

Mười sáu giờ ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

NGÔ ĐÌNH DIỆM”

Lời kêu gọi ghi băng, theo chỉ thị của Nhu phát liên tục, dùng cả đài siêu tần số và telex.

- Huỳnh Văn Cao xin nói chuyện với ông cố vấn...

Cao cho biết đã nghe lời kêu gọi của Tổng thống và đang điều động lực lượng, nhưng vì Sư 7 không còn thuộc quyền của vùng IV, cho nên lực lượng của Cao nhanh gì cũng phải giữa đêm mới đến thủ đô, với điều kiện đò giang thuận tiện. Riêng về không quân Trà Nóc thì Bộ tư lệnh đã rút tất cả máy bay chiến đấu về Tân Sơn Nhất từ chiều hôm qua. Lực lượng giang thuyền của vùng IV cũng không mạnh, đặc biệt thiếu tàu vận tải vượt sông.

Nhu ậm ừ chiếu lệ. Hình như từ khi nghe Đính phản, Nhu không còn tin ở cái gì cả.

- Có lẽ Tổng thống nên gọi cho Đại sứ Cabot Lodge – Luân đề nghị.

Cuộc điện đàm giữa Diệm và Cabot Lodge qua máy tuyền tin trực tiếp.

- Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, muốn nói chuyện với đại sứ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Henri Cabot Lodge...

Diệm cố giữ vẻ đĩnh đạc.

- Vâng, xin Ngài Tổng thống chờ nửa phút. – Một phụ nữ Mỹ trả lời rất lễ phép.

Nửa phút chẳng là bao, song Nhu - và hầu hết mọi người – chăm chú xem chừng chiếc kim gió đồng hồ đang nhích.

- Xin chào Ngài Tổng thống. Tôi, Henri Cabot Lodge, xin nghe Ngài.

- Chắc Ngài đại sứ đã biết một nhóm phản loạn đang nổ súng, thậm chí bắn cối và đại bác vào chỗ chúng tôi...

- Tôi có nghe tiếng súng nổ, thưa Ngài Tổng thống kính mến. Tuy nhiên, tôi chưa được thông báo về nguyên cớ. Như Ngài Tổng thống biết, hôm nay là lễ các Thánh, các cố vấn Mỹ đều nghỉ... Riêng tôi, sau khi hội kiến với Ngài cùng đô đốc Felt sáng nay và sau khi cùng Trung tướng Trần Văn Đôn đưa đô đốc Felt lên máy bay, đã về sứ quán giải quyết một số công việc, ăn trưa... Sự thể hiện giờ ra sao?

- Đó là câu tôi muốn đặt với Ngài đại sứ!

- Ồ! Thưa Tổng thống, rõ ràng câu hỏi đó nằm quá giới hạn hiểu biết của tôi.

- Tôi tạm tin lời Ngài đại sứ. Tôi muốn nói chuyện thẳng với Tổng thống Kennedy, nhờ đại sứ giúp...

- Thưa Tổng thống, lại thêm một việc vượt ngoài khả năng của tôi. Như Tổng thống biết, Washington đang giữa đêm, rất khó mà gọi các cố vấn. Tổng thống nước chúng tôi vào giờ giấc như thế và không có các cố vấn cung cấp tư liệu, Tổng thống nước chúng tôi không thể nào đưa ra nhận định, dù nhỏ, dù lớn. Vả lại, tôi có thể cam đoan với Ngài Tổng thống rằng nếu quả xảy ra một điều gì đó liên quan đến chính trị, đặc biệt dưới hình thức xung đội vũ trang giữa các lực lượng thuộc quý quốc thì điều đó nhất định không dính đến nước Mỹ. Tốt nhất, thưa Ngài Tổng thống, Ngài nên liên lạc thẳng với ai đang cầm đầu cuộc phiến loạn, nếu đúng là phiến loạn...

- Xin cám ơn đại sứ...

Điện thoại lại reo – vẫn là điện thoại thường – Dung nói chuyện với Luân:

- Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia đã vào trại Lê Văn Duyệt. Hình như ở đó có một cuộc họp quan trọng. Trung tá James Casey đến Tổng nha, ông ta đề nghị đưa em về nhà, em từ chối. Ông ta bảo tình hình có thể xấu, đe dọa an toàn của em.

- Chẳng có gì đe dọa đâu... Saroyan vẫn gọi em chứ?

- Chừng mười lăm phút, Saroyan gọi một lần...

- Thế thì ổn. Nếu em thấy cần về nhà thì nhờ Saroyan đưa...

- Em cũng nghĩ như anh. Còn anh? Ổn không?

- Gì mà không ổn!

- Một cuộc họp ở trại Lê Văn Duyệt à? – Nhu hỏi gặn.

Chiếc đài bán dẫn mà Đỗ Thọ vẫn mở, chấm dứt bài hành khúc một cách đột ngột. Xướng ngôn viên, giọng hơi khan, loan báo:

- Binh lính hạ sĩ quan, sĩ quan các cấp, tướng lĩnh và đô đốc, công chức và toàn thể quốc dân đồng bào hãy nghe sau đây lời kêu gọi của các tướng lĩnh trong Ủy ban cách mạng.

Một giọng khác, hơi ồm cất lên và gian hầm nhất loạt kêu nhau: Tướng Big Minh!

“Hỡi quốc dân đồng bào!

Hỡi binh lính, sĩ quan, tướng lĩnh!

Sự nghiệp chống Cộng giữ gìn độc lập và tự do của Việt Nam Cộng hòa đang đứng trước nguy cơ thất bại thảm hại do chế độ độc tài gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm gây ra. Xương máu các chiến sĩ quốc gia bị lợi dụng. Chế độ tối phản động của gia đình ông Ngô Đình Diệm đã nã súng vào cả những người theo đạo Phật, mặc dù tín đồ đạo Phật chỉ yêu cầu được hành đạo một cách bình đẳng với mọi tôn giáo và trong khuôn khổ luật pháp.

Để cứu nguy đất nước, quân đội phải đứng lên hành động. Chúng tôi, từ giờ phút này, thông qua Hội đồng cách mạng vừa được công cử, nắm quyền điều khiển đất nước. Hội đồng cách mạng, cho phép ông Ngô Đình Diệm và em trai ông là Ngô Đình Nhu xuất ngoại, đến nước nào mà các ông ấy lựa chọn. Chúng tôi bảo đảm an toàn cho họ và gia quyến họ. Nếu ông Ngô Đình Diệm tự nhận mình là phần tử Quốc gia thì đấy là cơ hội cuối cùng giúp ông bảo toàn thanh danh.

Cũng từ giờ phút này, mọi mệnh lệnh về chính trị, hành chính và quân sự trong toàn quốc chỉ có giá trị khi mang chữ kí của Hội đồng cách mạng.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào bình tĩnh, kêu gọi binh sĩ tướng lãnh tinh thần kỉ luật.

Cuộc cách mạng đánh đổ chế độ độc tài nhất định thành công!

Làm tại Sài Gòn vào mười sáu giờ ngày 1-11-1963.”

Tiếp sau lời kêu gọi, thay cho chữ kí, là từng người xưng danh:

Trung tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng.

Trung tướng Trần Văn Đôn, Đệ nhất phó chủ tịch.

Trung tướng Tôn Thất Đính, Đệ nhị phó chủ tịch.

Trung tướng Trần Thiện Khiêm, Ủy viên quân sự.

Trung tướng Trần Văn Minh, Ủy viên kinh tế.

Trung tướng Phạm Xuân Chiểu, Ủy viên an ninh.

Thiếu tướng Đỗ Mậu, Ủy viên chính trị.

Trung tướng Lê Văn Kim, Tổng thư kí kiêm Ủy viên ngoại giao.

Trung tướng Mai Hữu Xuân, Ủy viên.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu, Ủy viên.

Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Ủy viên.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có, Ủy viên.

“Tôi, Trung tướng Dương Văn Minh”

“Tôi, Trung tướng Trần Văn Đôn...

Đỗ Thọ cố giữ vẻ thản nhiên khi Đỗ Mậu xướng tên. Cả Nhu lẫn Diệm không ai tỏ ra chú ý mối liên hệ này...

- Còn thằng Trí, thằng Cao, thằng Khánh... - Diệm nhắc bâng quơ.

Tất nhiên, mười hai viên tướng chưa đủ. Không quân, hải quân chưa có tên. Tướng Lâm, Tướng Dương Văn Đức và nhiều tướng nữa. Song, Luân hiểu số tướng tiêu biểu nhất đã tham gia đảo chính.

Đài Sài Gòn và Đài quân đội, công suất mạnh, phát lời kêu gọi của Ủy ban cách mạng. Đài của Dinh Gia Long, công suất yếu, vẫn phát lời kêu gọi của Diệm.

Trong khi đó, thành Cộng Hòa tiếp tục đề kháng.

*

Nhân viên truyền tin báo với Diệm: Đại sứ Cabot Lodge muốn nói chuyện. Diệm đứng phắt dậy. Nhu và Luân theo sau ông. Thái độ của Diệm chứng tỏ một chút hi vọng mong manh vừa lóe lên.

- Tôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm đang nghe.

- Kính chào Ngài. Tôi là Cabot Lodge.

- Có việc gì đấy, Ngài đại sứ?

- Thưa Ngài... Tôi vừa liên lạc với Tướng Dương Văn Minh, ông ta rất khổ tâm đã phải hành động. Tuy nhiên, ông ta cùng các cộng sự luôn luôn kính trọng Ngài và rất lo về sự an toàn của Ngài...

- Hết sức đơn giản, nếu quả họ có lòng tốt như Ngài đại sứ cho biết, họ hãy chấm dứt trò phản loạn. Tôi hứa sẽ không truy tố...

- Thưa Ngài. – Cabot Lodge ngắt lời Diệm – tình hình không như Ngài nghĩ. Quân đội quyết định hành động tới cùng. Họ đề nghị một giải pháp...

- Tôi đang nghe...

- Ngài hạ lệnh các lực lượng trung thành với Ngài thôi đề kháng và Ngài cùng gia quyến rời ngay Sài Gòn. Về việc sau, tôi sẽ đảm bảo: nhiều trực thăng của quân đội Mỹ đáp trước sân cỏ Dinh Độc Lập, Ngài và gia quyến được đưa ra chiến hạm của chúng tôi đang đậu ở vùng biển Đông gần Vũng Tàu. Thời gian để Ngài thu xếp có thể đến giữa khuya nay, trong lúc đó, quân của tướng Minh ngưng tấn công...

- Tức là Ngài đại sứ bảo tôi đầu hàng và bỏ chạy? Để bọn phản loạn chiếm quyền? Cuộc bầu cử và hiến pháp bị đối xử theo một thứ luật rừng?

- Có thể mỗi người có cách hiểu hiện thực khác nhau. Song, thưa Ngài, tôi nặng về việc đảm bảo cho Ngài an toàn và giảm tối thiểu đổ máu vô ích...

- Vô ích? Chống phản loạn mà vô ích?

- Theo tôi, vô ích. Vì thưa Ngài, lực lượng của các tướng lĩnh áp đảo...

- Tôi cảm ơn lòng tốt của Ngài đại sứ. Câu trả lời của tôi là: Tướng Minh phải ngừng hành động phản phúc. Về phần tôi, tôi không bao giờ đầu hàng và chạy trốn, tôi nhắc lại: Không bao giờ!

- Tôi thiết tha...

- Tôi không chấp nhận! Ông nghe rõ chứ... Tôi không nhận điều kiện nào hết ngoài việc các tướng đến gặp tôi. Tôi là Tổng thống nước Việt Nam Cộng hòa, thưa ông đại sứ...

Diệm đang nói tiếng Anh, bỗng chuyển sang tiếng Pháp, nhấn mạnh từng chữ:

- Je vous remercie since`rement. Jen e quitte jamais mon people!(1)

(1) Tôi chân thành cám ơn ông. Tôi không bao giờ bỏ dân của tôi.

Diệm vung batoong. Máy truyền tin vỡ. Ông ta hậm hực quay ra phòng khách.

“Cabot Lodge không một lần gọi Diệm là Tổng thống, sự đoạn tuyệt đã rõ. Còn chiếc batoong của Diệm kết thúc cuộc tình duyên chín năm...” – Luân hiểu và có lẽ Nhu cũng hiểu.

- Tình hình này phải đợi Huỳnh Văn Cao và Nguyễn Khánh... Em đề nghị anh phát lời kêu gọi này.

Nhu đưa cho Diệm mảnh giấy.

“Hỡi các sĩ quan, tướng lĩnh trong Ủy ban cách mạng.

Để tránh cảnh huynh đệ tương tàn chỉ có lợi cho Cộng sản và ngoại bang. Tôi, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, chấp thuận sẽ trao quyền cho một Hội đồng tướng lĩnh. Tôi mời Ủy ban cách mạng vào Dinh Gia Long để cùng tôi bàn bạc cách thức trao quyền cốt không rối lòng quân và dân. Tôi cam đoan cuộc bàn bạc sẽ diễn ra trong tình thân ái và bình đẳng tự do...”

Lời của Diệm được truyền tin ngay lập tức.

Tất nhiên, không một ai tin lần này các tướng lĩnh mắc lừa như năm 1960. Nhưng, Nhu không còn kế hoãn binh nào tốt hơn. Thành Cộng Hòa sớm muộn gì cũng bị chiếm, khả năng sống sót của chế độ le lói. Mọi thứ chỉ có thể đảo ngược khi quân đoàn 2 và quân đoàn 4 kịp thời về Sài Gòn.

Gian hầm im ắng. Người ta chờ điện thoại... Ông già phục vụ tên là Ẩn mang xuống một tô cháo gà. Diệm vừa ăn vừa bảo: Mang xuống cho chú Nhu và mấy anh em.

Ông già phục vụ “dạ.” Nhưng, qua cái liếc của ông ta, Luân hiểu rằng Dinh Gia Long chỉ còn có thể nấu đủ một tô cháo gà riêng cho Tổng thống...