Sắp cưới - Phần I - Chương 1 - 2

Tặng Minh Phong,
nhớ lại những ngày sắp cưới,
V.B.

PHẦN THỨ NHẤT

1

Tiếng ồn ào mỗi lúc một hăng:

- Ông chi đoàn ơi! Họp đi!

- Bắt bao nhiêu người chờ vài người à?

- Tác phong thanh niên. Đúng giờ cứ họp.

Anh chị em ra sức gào lấy gào để làm Xuân đang đứng ở ngoài sân cũng phải chạy vào nói với từng người một:

- Rồi hẵng, đã đủ đếch đâu.

Một anh vẫn gân cổ gào:

- Đau đẻ chờ sáng trăng à? Quá bán là đúng điều lệ Đoàn rồi.

Góc đằng đông, một chàng đang cay, trên tay giữ một "phăng teo" một "át chủ" và ba con "quy" nên cũng nghển cổ ra:

- Làm đếch gì mà vội. Chờ chúng nó đến đủ một tí đã. Họp về lâu về dài, làm đếch gì mà vội vã. À đỡ "cu vuông" à… thì có "cu nhép" đây… "Hai chủ"… được "cu cơ" này… Ôm chưa? Không có thì "hai cơ", "hai nhép". Đại hội "hai", đại hội "cu", ngoan cố nữa thì "cu chủ"… "Ôm" chưa?...

Tiếng "ôm" mừng thắng lợi reo vang nhà họp. Nạn nhân cất giọng "lè nhè như chè thiu" cười gượng:

- Được bộ "cu", "ôm" cái đã.

Nói xong chàng ta buồn bã nhặt đám bài lỏng chỏng dưới chiếu xếp lên tay trông như cái quạt.

Góc đằng kia mấy anh có tiếng là léng phéng đang chạy lăng quăng rồi hỏi nhau như dân chài ra khơi gặp lúc mây mù mà chưa tìm thấy sao bánh lái:

- Quái, Bưởi đâu ấy nhỉ?

- Chả biết. Hỏi làm gì?

- Hỏi cái này.

Xuân lại lững thững ra sân lầm bầm: "Quái thật, làm gì mà đến giờ chưa về. Thật là bực mình" … Chiều nay Bưởi sang bên Sồ đong năm thùng thóc, Xuân nhắc tam lần tứ lượt liều liệu mà về, Bưởi chỉ cười:

- Thanh niên 55 đấy, anh Xuân ạ.

Xuân phải nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của tối họp hôm nay:

- Liệu mai đi có được không? Lần này học tài liệu của khu đoàn gửi về kia mà.

- Bưởi hết cám rồi. Không làm gấp gánh gạo đi chợ thì lại đi đong cám ấy à, anh Xuân xem thả lứa lợn thế thì còn ăn thua gì. Bưởi cứ đi nhé?

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Đôi con mắt tình tứ, cặp môi hồng mòng mọng, hai hàm răng trắng muốt đã làm cho người lãnh đạo tạm thời quên ý chí cương quyết cần phải có và tươi cười gật đầu.

Trời đã tối mi tối mịt, Xuân thúc lần kẻng này là lần kẻng thứ tư rồi, vẫn chưa thấy Bưởi về.

Cứ lững thững đi tới cổng Đông, Xuân lại quay trở về chỗ họp, đứng chưa nóng chân Xuân lại đi ra ngõ. Lưng dựa vào cánh cổng, Xuân ngắt từng cái lá tre một rồi lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ bứt bứt lá tre làm nhiều mảnh vụn rơi lả tả xuống chân. Chợt có tiếng chua như dấm sau lưng:

- Sốt ruột, anh Xuân nhỉ?

Mùi xà phòng Con ong thơm ngát, chẳng cần quay lại, Xuân cũng thừa biết là Lý rồi.

Lý xoắn lấy Xuân như néo kè, Xuân thì không ưa lắm. Lý bỏ làng đi từ dạo Tây nhảy dù xuống Bùi, thỉnh thoảng mới thì thọt về Chẻ, khi mang súc vải, khi lọ đá lửa, khi cái đồng hồ ra khu Bốn. Người ả đã béo nứt chương như cái bồ sứt cạp, má lại phị như người hai cằm, bộ răng đen cạo át-xít luôm nhuôm khác nào răng lợn luộc.

Thấy Xuân yên lặng, Lý lại xán đến bên:

- Anh Xuân ơi, anh Xuân, sao anh khinh người thế. Người làng người nước với nhau, anh không thèm trả lời cho chúng tôi được một câu hay sao?

Xuân ngắt lời Lý:

- Chị vào trong nhà đi, đừng ở đây với tôi, không tiện đâu.

Tức thời cái mồm Lý đã liến láu trơn như mỡ, hai môi không kịp dính với nhau.

- Anh phải hiểu rằng nghĩa là chúng ta là thanh niên, là cánh tay của Đảng, là cháu Bác Hồ chứ có phải là thanh niên thời đế quốc, phong kiến thối nát đâu. Sao dạo này hay phát bẳn thế đồng chí? Lại thất vọng vì tình rồi chứ gì?

Xuân quay phắt đi định bước trở vào: Lý vội níu lấy Xuân, hai mắt đung đưa như thuyền hái muống:

- Đồng chí làm gì mà nóng thế. Này cho hỏi cái này tí nào. Nghe tin xóm Đông có tin mừng cơ mà.

- Mừng cái gì?

- Đồng chí ơi đồng chí, đồng chí cứ vờ mãi. Bưởi sắp xây dựng rồi phải không?

- Chả biết, chị hỏi cô ấy xem.

Lý bĩu thượt môi như mỏ con gà rồi "phì" một cái:

- Anh phải hiểu rằng Công an một thước thì tôi cũng chín tấc, năm phân. Đừng úm nhau mãi. Tháng trước có anh bốn túi về nhà ông chủ tịch lấy lý lịch Bưởi rồi; nghe đâu tháng tám này thì đơn vị cho về xây dựng đây. Kín thế đấy.

Câu chuyện này bắt buộc Xuân phải dò la ngọn nguồn:

- Sao chị biết?

- Lý đứng áp người vào Xuân, Xuân lùi lại. Lý vừa nói vừa gõ nhẹ tay mình vào tay Xuân:

- Úi giời ơi, cả xóm đồn rinh lên. Anh ấy bây giờ đóng ở Sổ chứ đâu. Bộ đội thì các ông ấy xung phong ghê lắm, về phép chỉ ba ngày lấy được vợ, mình chẳng sánh được đâu. Anh phải hiểu rằng các cô ấy chỉ thích ngưỡng thiên nên lập trường bấp bênh lắm. Mà bà Khuyến một khi ưa loại quan to súng ngắn thì kén gì những hạng tép viên như mình. Xã ta khối anh tưởng bở cứ đệ đơn vào, tháng tám này cô ấy ném cho quả bom nguyên tử là tan mộng thôi.

Thấy đứng với Lý quá lâu không tiện, Xuân gỡ tay Lý ra rồi đi trở vào chỗ họp. Khốn thay, Lý đã say Xuân như điếu đổ nên bám chặt lấy Xuân kiếm dăm câu chuyện làm quà, rồi lết thếch theo sau như có nhã ý giới thiệu kín đáo với mọi người mối tình đang được tìm hiểu của mình.

Viên và bốn anh thanh niên nữa đang túm đầu vào bàn chuyện phá hoang mấy mảnh ở Gò Ồi để gây quỹ phân đoàn. Anh bàn để vụ sau: anh bàn mỗi đoàn viên nên góp hai kilô thóc thôi đừng phá hoang nữa; anh thì lắc đầu quầy quậy: mệt lính lắm chả chắc ăn thua gì. Thấy trái ý mình, Viên vội đập đập tay xuống bàn gắt lên:

- Này, bàn vào đi, đừng ai bàn ra nữa. Cứ nhắm mắt lại thì còn thấy cái gì?

Thoáng thấy Xuân và Lý đi vào, bốn anh kia liền đưa mắt cho nhau tủm tỉm cười. Viên thì cau mặt lại, đôi lông mày chổi xể nhíu lấy nhau. Chờ Xuân đi tới, Viên níu lấy áo Xuân kéo lại, để Lý đi vượt qua. Nhìn đôi mắt đầy bực dọc của Viên, Xuân vội lắc đầu thanh minh:

- Có gì đâu?

Viên kéo Xuân ra chỗ vắng:

- Liệu đấy, đừng có giây vào. Con ấy lăng nhăng lắm. Chuyện trò với nó, anh em lại hiểu nhầm là mình thế nọ thế kia.

Xuân vội xoè ngửa hai bàn tay ra mà cãi:

- Không mà, tôi có làm gì đâu. Tôi ra cổng gõ kẻng thì cô ấy cũng ra, lúc tôi vào thì cô ấy cũng vào.

Viên dịu giọng:

- Ấy tớ nói đề phòng thế thôi. Bưởi nó đang ngủng nghỉnh mà tính nó lại hay nghi, chẳng may ai nói đến tai nó, lại sinh rắc rối. Này, anh em đến đông rồi đấy. Họp thì họp đi, không có lấy báo ra mà đọc có hơn không?

Xuân vội vàng móc túi lấy tờ báo rồi tất tưởi chạy vào vỗ tay mấy nhịp lấy trật tự:

- Này nghe, báo này, tin đặc biệt, đặc biệt: "MỘT NGHÌN BẢY TRĂM HAI MƯƠI GÁNH NƯỚC TRONG HAI MƯƠI NGÀY".

Nghe cái đầu đề khá hấp dẫn như vậy, mọi người im lặng nghe Xuân đọc tiếp:

- Anh Nguyễn Văn Khiếu, thanh niên xã Xuân Đồng, huyện Thành Dương trong thời gian chống hạn vừa rồi đã nêu được thành tích đặc biệt, mặc dù ruộng nhà anh ở xa sông hàng cây số nhưng anh đã vượt khó khăn gánh nước cứu lúa. Kết quả trong hai mươi ngày anh đã gánh được một nghìn bảy trăm hai mươi gánh nước tưới cho hai sào ngô, năm sào khoai, đã sắp chết khô trở nên xanh tốt.

Tiếng tặc lưỡi vang khắp chỗ họp:

- Ghê nhỉ.

- Thanh niên thiên hạ như thế ấy chứ.

- Chỉ thanh niên thôn Chè này là hạng Bê thôi.

- Một nghìn bảy trăm gánh. Tuyệt.

Một người tóc húi ngắn, da ngăm đen, mũi bè bè như mũi sư tử đứng dậy hềnh hệch cười nhe cả bộ răng bàn cuốc ra:

- Phịa.

Xuân giơ tờ báo lên:

- Không. Đúng một… bảy… con hai con dia-dô đây. Tờ báo XUNG PHONG trên huyện mới gửi về, bài ký tên là Văn Soan cẩn thận.

Một anh nói tiếp:

- Thế cậu Viên có ý kiến gì, nói đi.

Viên đi lên chỗ Xuân đọc lại bài báo rồi nói:

- Đây tôi xin tính cho các đồng chí xem. Ruộng cách sông cứ gọi cho một cây số thôi thì một gánh nước đi về hết hai mươi phút, một giờ ba gánh, một ngày hai mươi bốn giờ được bảy mươi hai gánh, hai mươi ngày mới được một nghìn bốn trăm bốn mươi gánh, ấy là vừa gánh vừa chạy suốt ngày suốt đêm, không ăn không ngủ vẫn không đủ một nghìn bảy trăm gánh. Phịa. Báo với bồ.

Một anh làm ra vẻ thạo đời:

- Ấy nhà báo bao giờ cũng thế, họ có nói trừ hao như vậy ta mới cố gắng mà thi đua chứ.

Xuân vừa giơ tay kêu gọi trật tự để đọc tiếp thì ngoài hè có tiếng lanh lảnh như tiếng chuông vọng vào:

- Báo cáo toàn thể đồng bào, tôi đã đến.

Mấy chục cái đầu quay cả về phía đó như những cái kim để trong hộp gặp sức hút của một miếng nam châm để ở bên:

- À! Bưởi!

- Vào đây! Vào đây!

- Vào đây!

Xuân đặt tờ báo xuống, vặn to ngọn đèn:

- Các đồng chí cho ý kiến: hội nghị ta đã đông đông đấy. Đề nghị ta họp chứ ạ?

- "Tán thiềng"

Xuân cài lại cúc áo, vuốt lại ve sơ mi cho phẳng rồi bắt chước đồng chí huyện đoàn móc túi lấy tờ giấy trắng ra cầm trước mặt:

- Thưa các đồng chí, tôi xin tuyên bố lý do. Đề nghị trật tự ạ. Vâng. Theo ý kiến chi đoàn thì hôm nay xóm ta học tài liệu "Thanh niên ta phải làm gì trong Cải cách ruộng đất" của khu đoàn gửi về.

Ở dưới này mấy anh đổi chỗ chuyển đến cạnh Bưởi. Anh bên phải ngồi sát bên Bưởi thì thào:

- Này, về muộn thế? Phê bình đấy nhé.

Bưởi chưa kịp trả lời thì anh bên trái đã kéo tay Bưởi về phía mình:

- Mạn đàm cái này tý đã. Sắp tập vở mới đấy, nhận vai nào không?

Bưởi lắc đầu:

- Chịu.

Anh ngồi phía sau cũng lấy ngón tay trỏ khẽ gõ vào lưng Bưởi:

- Này, này, quay lại bảo cái này.

Tất cả những tiếng thì thầm ở sau lưng làm cho anh ngồi đằng trước mặt Bưởi cũng phải sốt ruột quay phắt lại lên mặt đạo đức, lấy tay khẽ vỗ vào đùi Bưởi mấy cái mà rằng:

- Trật tự! Trật tự!

Trên kia Xuân đằng hắng một cái cho thêm phần long trọng:

- Xin bầu chủ toạ ạ.

Tất cả ào một tiếng như sóng trào:

- Xuân.

Xuân lại hỏi:

- Còn thư ký?

Tất cả im lặng. Anh nào chị ấy lo bị bỏ bom vào mình. Khổ nhất là làm thư ký, không được phát biểu thì chớ, lúc về lại phải ở lại đến hàng tiếng đồng hồ để chép thêm một bản gửi huyện, một bản gửi chi đoàn. Ghi thì ghi lia ghi lịa, lại gặp những anh nói nhanh như "đui xết", cũng có anh chuyện thôn Chè mà nói tận Sơn Tây, Hà Nội chẳng biết đâu mà tóm tắt.

Lý đắm đuối nhìn Xuân và giục anh bên cạnh một cách khéo léo:

- Lạy anh, anh đừng giới thiệu tôi đấy, tôi không làm được đâu.

Anh này chưa kịp suy nghĩ thì góc nhà có tiếng gào lên:

- Chủ toạ Xuân. Thư ký Bưởi.

Tất cả vỗ tay hoan hô. Bưởi vừa cười vừa cãi:

- Lần trước làm rồi, bầu người khác chứ.

Lý họa theo:

- Đúng đấy ạ.

Anh em phản đối:

- Thôi, Bưởi cứ lên đi. Bàn mãi mất thì giờ.

- Ngồi cạnh nhau như thế thích bỏ xừ lên được, cứ vờ mãi.

Bưởi dúi ngón tay trỏ vào má anh này, rồi nguýt một cái rõ dài:

- Ngứa miệng đấy à?

Đau thì đau thật nhưng người con trai cũng thấy cái gì nong nóng chạy từ đầu ngón tay ấy chuyển vào má mình và tan khắp cơ thể.

Chủ toạ thư ký ngồi chung một bàn hai người sát cạnh nhau. Một anh đề nghị:

- Đồng chí Bưởi cho nghe một bài đi.

Bưởi lắc đầu:

- Mệt lắm. Ống bơ bờ rào các đồng chí nghe làm gì?

Tất cả ồn ào. Bưởi phải tươi cười đứng dậy:

- Vâng, sau khi được các đồng chí chỉ định, tôi xin xung phong hát… bài…

Vừa nói vừa móc túi lấy quyển sổ tay giở từng tờ một. Tờ thứ nhất, bài "Mười yêu" do anh cán bộ Ty Thông tin chép kỷ niệm; tờ thứ hai là bài "Vì nhân dân quên mình" của anh bộ đội đóng quân ở Chè chép "lưu niệm"; tờ thứ ba là bài "Yêu nhau cởi áo cho nhau" do anh văn nghệ khu chép và còn vẽ thêm hai con chim bồ câu ở cuối bài; mỗi tờ sau là một bài hát mới có bút tích của gần hết thanh niên thôn Chè, anh thì "thân tặng chị Bưởi", anh thì lằng ngoằng như cái lò xo nằm ngang.

Bưởi giở từng tờ một, anh nào cũng mong Bưởi hát bài của mình. Năm ngón tay của người đẹp lướt trên từng trang sách khác nào lướt trên dây thần kinh của những anh con trai đang đắm đuối nhìn lên. Đây là bài quyết định:

- Tôi xin hát bài "MÌNH CƯỜI MIỆNG NỞ HOA XIM". 1

Xuân khoan khoái thở dài. Bài ấy Xuân chép cho Bưởi từ tháng trước. Như thế là Bưởi còn nhớ đến mình và chỉ nhớ đến mình chứ không phải Bưởi sang Sổ thăm anh bốn túi như Lý đã bảo.

___________________

1. Ca dao của Trung Anh.

Mình cười miệng nở hoa Sim

Hàm răng trắng ngọt càng nhìn càng say

Bưởi vừa mới cất giọng, anh nào anh nấy đờ đẫn cả người. Ba hồn bảy vía đã bị Bưởi thu vào tiếng hát giọng kim lanh lảnh cao vút, khác nào tiếng chim sơn ca tung cánh bay tận trời xanh vọng lại.

Má hồng nắng ửng hây hây.

Mắt đen lay láy bàn tay dịu dàng.

Giọng cò lả Bưởi chỉ hát "này có biết, biết hay chăng" có một lần không láy lại. Chẳng hề gì, có ai chấp cái vặt ấy. Anh thì vừa dặm chân vừa ngắm đôi lông mày tuy Bưởi không tốn công tỉa mà cong như trăng mồng bốn. Đôi con mắt hơi dài thỉnh thoảng liếc khẽ một cái rất tình làm anh nào cũng tưởng Bưởi liếc riêng với mình. Anh thì vừa vỗ tay vào nhau vừa ngắm khuôn mặt trái xoan lại có mấy sợi tóc mai buông xuống, khác nào hàng liễu rũ lá trước vầng trăng đêm rằm. Anh thì vừa đập tay lên đùi vừa ngắm cái răng cời khênh khểnh ở về mé bên phải hàm trên và gật gù khen lấy khen để. "Ấy thế mà lại có duyên thầm, lại làm xinh thêm cái miệng tươi như hoa". Những cảm tình đó kéo đi rất nhiều làm cho mọi người trở nên dễ dãi, đánh liền hai chữ đại xá cho tội đi họp muộn và hát sai.

Cưới em dọn nếp hoa vàng,

Bên anh không cấy nhờ làng đổi cho

Vì không nhìn vào sách nên hát nhầm mất hai câu sang bài "Đường đi liền ngõ" (1). Bưởi tủm tỉm cười. Hai bên má có lúm đồng tiền. Một anh tưởng Bưởi cười với mình liền lấy khuỷu tay huých anh bên cạnh. Anh này mãi ngắm cái áo phìn màu mận chín chật căng, bộ ngực nở nang trông đến khiêu khích và chỗ xẻ tà lại để hở độ đốt ngón tay quãng áo lót bằng vải phỉn trứng sáo. Bưởi vội nhìn vào sổ hát tiếp, một vài anh hát nhẩm theo.

____________________
1. Ca dao của Trung Anh.

Ông trời có nắng có mưa,

Mình ơi có bạn cày bừa vẫn hơn,

Nhà anh ở cạnh đầm sen,

Nhà em ở Giếng Chùa lên cũng gần.

Anh này nhẩm khe khẽ, anh khác thú chí cũng hát nhẩm theo, anh nào cũng tưởng nhà mình ở cạnh đầm sen cả. Cứ thế mãi cho đến khi Bưởi hát tới câu:

Hai nhà chung một ông trăng

Chúng mình chung một tấm lòng thi đua

thì bài đơn thanh của cô nữ thư ký hội nghị đã biến thành bài hát tập đoàn của gần chục anh con trai làng Chè.

Hát xong, Bưởi vừa ngồi xuống thì Xuân đã đứng ngay dậy tiếp tục điều khiển chương trình. Miệng thì nói thao thao bất tuyệt còn tay thì đun mảnh giấy con con về phía Bưởi. Bưởi liếc mắt đọc vội: "Gốc sung" rồi viết chữ "Vâng" vào bên cạnh. Xuân cầm lấy mảnh giấy con con đó hớn hở như hồi lên sáu được mừng tuổi đồng xu đồng mới tinh.

2

Hai mươi giấc tốt, đến giờ trăng vẫn chưa lên. Trên trời, sao Nam tào uy nghi bệ vệ trấn thủ tận góc đằng nam đang soi thiên lý kính để giữ an ninh cho đám hội sao mở từ hàng triệu năm rồi. Chỗ này, chỗ kia từng chùm sao túm tụm lại. Có những đôi sao đang sóng vai nhau thủ thỉ, người con gái đang chớp mắt suy nghĩ về lời thề thốt của người con trai. Ngôi sao Ba còn dùng dằng như cô con gái có hai người đến tỏ tình cùng một lúc. Con rô cũng tiếc, con giếc cũng ham, hàng triệu năm nay rồi cô ta vẫn còn so sánh. Mấy ngôi sao khác vây quanh cái đám tình duyên khó xử đó, ai nấy ngó cố chờ xem ai là kẻ được hưởng hạnh phúc, người thì nháy mắt ra hiệu cho cô nàng chọn chàng bên phải, người thì gọi khe khẽ nhắc cô chọn chàng bên trái tốt đôi hơn. Góc đông, góc đoài, góc nam, góc bắc cũng còn nhiều ngôi sao e lệ như những cô mới đi trẩy hội lần đầu tiên cứ thập thà thập thò làm cho nhiều chàng sao nóng ruột chờ không cầm lòng được nữa phải lấy sức băng qua dòng sông Ngân để đến bên nàng mà trách nàng đã quá thờ ơ với lời hẹn ước. Chòm sao con Vịt chống phao câu trông như con đò bị khê đang ghếch đầu lên bãi cát, anh lái nghịch ngợm đã cắm đò đi xui cô bạn gác gầu sòng bên bờ vực và cả đôi không biết đã chạy biến đi tận nơi nào; chỉ có cụ Thần là mải mê ngó xuống trần xem thiên hạ cày cấy, mặc cho dân trẻ đàn đúm sau lưng cụ. Họ cứ vui, họ cứ chơi, tận hưởng những ngày đầy hoa hồng của đám hội, chưa ai nghĩ đến ngày rã đám.

Dưới này gió hây hây, bờ tre nọ khoác vai bờ tre kia lắc lư đưa câu hát ca ngợi tình yêu đi vạn dặm, làm cho những tàu cau nọ cũng phải đung đưa như cố vời bàn tay thân yêu của hàng cau kia.

Trên con đường ống thẳng tắp, Xuân lững thững đi về phía gốc sung nhà Bưởi. Những đêm thư nhàn, nhớ nhau, họ vẫn đến đó để cùng hát bản tình ca, câu chuyện quanh đi quẩn lại chỉ có thế mà họ có chán bao giờ đâu.

- Sao tối nay Bưởi về muộn thế?

- Em về đã họp đâu?

- Bốn lần kẻng rồi đấy.

- Sao anh Xuân không họp đi?

- Khốn nhưng không về, nhớ lắm. Sao đi lâu thế?

- Đừng làm thế, ai biết người ta cười cho, anh Xuân ạ. Anh Xuân tính một mình em gánh năm yến thóc suốt từ Sổ về đây. Em cứ tưởng về đến cầu Chùa thế nào anh Xuân cũng ra gánh đỡ.

Xuân cười:

- Sao không dặn? Ai biết đâu. Thương nhỉ?

- Thương cái xương chẳng còn.

Xuân lại hỏi:

- Sao sang bên ấy không đi chơi đâu cả, lại chịu về ngay à?

Bưởi lắc đầu:

- Việc nhà bời bời như thế bụng dạ nào em đi chơi.

Tiếng nói thì thào qua những chùm lá áp mặt với nhau đưa tiếng cười rúc rích của đôi trẻ tới nhà trên. Bà Khuyến liền kẹt cửa đi ra:

- Bưởi ơi, con liệu xem đống rấm thế nào, không có sáng mai chạy khắp xóm xin lửa thì nửa ngày không được bữa cơm đâu.

Bưởi quay ra:

- Anh Xuân có hỏi gì thì hỏi để em về không có bu em mắng.

Xuân gật đầu:

- Có. Bưởi này.

- Dạ.

Cả hai im lặng chờ tiếng guốc bà Khuyến lệt sệt vào tới buồng. Chân quay cánh cửa kêu kèn kẹt nhắc đôi trai gái cứ thả cửa chuyện trò.

Xuân cầm lấy tay Bưởi:

- Bưởi ạ, bu anh định sang tháng sau thì… ấy đấy.

Bưởi giẫy nầy nậy:

- Ai lại thế.

- Thế thì Bưởi tính xem đằng nào không một lần cưới.

- Em chịu thôi. Cưới ngay em sợ dư luận. Tháng trước có lớp nữ hộ sinh, em định đi, anh Xuân bảo thôi, nay em làm như thế thiên hạ cười, cho là không thích đi học, ở nhà lấy chồng.

Xuân cười:

- Kệ thiên hạ, việc của ta ta cứ làm.

Bưởi vẫn lắc đầu quày quạy:

- Chịu. Em không đồng ý anh Xuân cưới ngay đâu. Anh Xuân phải cho em được hoạt động một tí chứ. Lấy chồng rồi con thơ cái quấn chẳng còn đi đâu được. Bưởi thấy các chị ấy thoát ly đi công trường, đi phục vụ, đi học y tá, Bưởi thích lắm.

Xuân trả lời bừa:

- Cưới xong thì lại đi.

Bưởi bĩu môi:

- Cưới xong thì "đi" về nhà anh ấy à. Em ngại lắm. Lấy chồng tức là lấy tròng. Bây giờ các anh còn hơi nới cái tròng, sau này các anh thít cái tròng lại còn có mà giãy được chứ. Hay anh Xuân sợ em không vững lập trường?

Xuân vội trả lời át đi để thú tội một cách vụng về:

- Bậy nào.

Bưởi nói tiếp:

- Trước kia em còn dại, em có vùng vằng với anh Xuân thật, nay em đã lên Đoàn rồi, em phải khác đi chứ! Dạo ấy em cứ ngủng nghỉnh như thế, anh Xuân có giận không?

- Không.

- Sao anh không đi tìm người khác?

Xuân ôm ghì lấy Bưởi:

- Tại anh chỉ yêu Bưởi thôi.

- Hão!

- Thật đấy! Anh mà ăn ở hai lòng với Bưởi thì anh chết. Dạo ấy không lấy được Bưởi thì anh sẽ đi thanh niên xung phong hay đi bộ đội đến già thì thôi.

Gió đưa vầng trăng khum khum gọng vó bay bổng khỏi ngọn tre. Hai người lại xích về phía đằng kia gốc vối để tránh ánh trăng tinh nghịch đang chen qua kẽ lá nghe trộm câu chuyện của trai gái dưới trần. Đứng sát bên nhau, họ nghe rõ từng hơi thở của nhau, họ cùng im lặng nhớ tới câu chuyện cũ. Ôm chặt người yêu trong lòng, Xuân đã rộng lòng tha thứ, gọi thời gian ngủng nghỉnh ấy là chuyện trẻ con.

Được lúc lâu, Xuân lại hỏi:

- Thế nào?

- Em thấy bó cẳng lắm.

- Anh là chấp hành Chi đoàn, anh cứ giữ em ở nhà thì anh còn đi tuyên truyền giải thích cho ai được nữa không?

Bưởi phì cười:

- Nếu không là chi đoàn thì anh Xuân giữ em ở nhà chứ gì. Thanh niên các anh ích kỷ lắm. Các anh tha hồ đi bộ đội, đi cán bộ tám năm, mười năm thì được mà nữ giới đi dăm tháng, đố các anh cho đi.

Vừa lúc đó lại có tiếng bà Khuyến từ trong buồng vọng ra:

- Bưởi ơi, con xem con lợn sao cắn chuồng thế này?

Bưởi định thưa, Xuân ghì chặt lấy Bưởi ra hiệu thôi. Bưởi giãy ra nói nhỏ:

- Bu gọi em là bu biết em ở đây rồi. Không vào bu chửi chết. Bu gọi thẳng sợ hàng xóm biết đấy.

- Thế Bưởi định sao. Anh bảo bu anh sang hỏi nhé?

Bưởi lắc đầu một cách sung sướng:

- Chả biết.

- Có lấy không đã.

- Hỏi mình ấy.

- Anh có lấy.

- Em không lấy.

Xuân càng ghì chặt Bưởi rồi lấy mũi thơm thơm mấy cái vào cái má hồng hồng ấy làm Bưởi lim dim mắt lại tê mê cả người, run run nói với Xuân:

- Bỏ… em ra… Bỏ…

- Chưa lấy đã định bỏ à.

- Không, buông ra. Không em kêu lên đây này.

- Có lấy thì đây mới buông.

Bưởi vội gỡ hai tay ra đỡ lại vành khăn nâu cho khỏi xổ tóc, rồi vội vàng trả lời:

- Phát xít thế. Ừ thì có.

Thế là Xuân thú chí phá lên cười:

- Thật đấy nhé. Tháng sau nhé.

Bưởi vội vàng nắm chặt lấy tay Xuân, mắt đảo vội về bốn phía:

- Khe khẽ chứ anh, ai biết được thì còn có ra làm sao.

Ánh trăng tinh nghịch đã luồn sang bên này gốc vối, lách qua bờ tre nhìn thẳng vào đôi tình nhân. Bóng cây vối nằm dài trên mặt nước lăn tăn, bóng trăng vỡ vụn làm trăm mảnh. Bưởi gỡ tay Xuân ra:

- Thôi về đi anh. Khuya rồi. Đừng bảo bu sang vội nhé.

Xuân ngần ngừ:

- Thế cũng được. Anh chỉ muốn đứng với nhau thế này mãi, không có thì anh bế thốc Bưởi về nhà.

Trận gió ào đến. Hàng cây quanh đó cũng phì cười vì nghe câu nói ngô nghê. Một đám mây vụt tới che khuất vầng trăng để cho đôi lứa chia tay nhau được kín đáo hơn và để chị Hằng khỏi tủi thân khi thấy trai gái dưới trần cầm tay nhau hò hẹn buổi tình tứ ngày mai.