Sắp cưới - Phần I - Chương 3 - 4 - 5

3

Nghe tiếng kẹt cửa, bà Khuyến hỏi ngay:

- Bưởi đi đâu về thế con?

Bưởi vẫn bình tĩnh như mọi bận:

- Con sang chị Lưu.

- Lần sau có đi thì liều liệu mà về.

- Chúng nó cứ níu lại hết chuyện nọ sang chuyện kia. Lần này tập vở mới, chúng con may một bộ hai vạn, một bộ ba vạn, cậu Viên cậu ấy bảo con thế nào cũng phải đóng một vai, bu cho con đi tập nhé?

Bà Khuyến biết thừa là con gái rượu của mình đang đánh trống lảng. Bốn mươi năm trước đây bà thường trả lời mẹ câu hao hao như vậy. Bà đã biết lúc nãy Bưởi và Xuân nói chuyện với nhau ở gốc sung, nên bà không lo lắng lắm; nhưng dạo này thấy con gái lớn phổng lên, cái áo lông cũ đã chật căng. Bà Khuyến đã phải bán chục thóc để dóng cho Bưởi cái áo lông trần hạt lựu, ngoài bọc láng đen, trong lót vải hoa đào, thì đêm nào cũng như đêm nào bà lại đem những lời khuyên của bà mẹ từng trải nói cho con gái nghe:

- Con trai nó như cái nơm nó úp đâu được đấy, phận mình là con gái thì phải giữ thân. Mình xuồng xã quá, họ dễ khinh thường. Ngày xưa có anh học trò đi hỏi vợ. Đến nhà ấy có hai chị em. Cô em xinh hơn cô chị, anh ta đón ở chợ, anh ta ghẹo được. Phiên sau, biết cô chị đi chợ, anh ta lại đón đường ghẹo nốt cô chị nhưng chẳng ăn thua. Bốn phiên chợ liền ghẹo không được, đến phiên thứ năm anh ta thử lòng cô chị lần cuối cùng, anh ta đến cầm tay cô chị xem cô ấy bảo sao. Không ngờ cô này nổi xung lên tát cho anh ta một cái. Thế là anh ta nhất quyết về nhà hỏi cô chị. Bố mẹ hỏi sao không lấy cô em thì anh ta trả lời: "Mình trêu được thì đứa khác cũng trêu được". Đấy, con xem họ khôn ngoan tính toán như thế đấy.

Hoặc có khi bà cũng phân tích thái độ các tầng lớp cho Bưởi nghe:

- Ra đời phải tính mới được. Thấy con gái đứa nào mà không xấn đến. Cũng có người thật lòng muốn lấy mình thì dù bố mẹ ngăn cấm, dù lội núi vượt sông họ cũng chẳng từ. Cũng có hạng người vừa thích mình lại vừa đi kén đám khác, gặp ai hơn thì họ kiếm cách ngãng mình ra. Cũng có hạng ba que xỏ lá, trêu được thì thấy hoa là hái. Mình có thân phải lo, dân chủ thì dân chủ, chưa hết những hạng ba que xỏ lá đâu.

Những chuyện đó bà Khuyến ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại, những bận nào Bưởi đi vắng độ mấy ngày bà lại lo lo. Nhìn con gái thấy dáng người vẫn thon thon, vú ví vẫn gọn gàng, hằng tháng Bưởi vẫn giặt dũ đều, bà Khuyến nào đã yên tâm; xem chừng cái cổ tay tròn trĩnh kia đã có phen nhẹ dạ trao cho người khác, đôi mắt đen láy của con gái mình có lúc bị anh con trai thiên hạ láu lỉnh liếc đắm đuối đến nỗi quên lời mẹ dặn.

Dạo này thanh niên đến nhà bà soành soạch. Vốn biết con gái mình hay so sánh, hay lưỡng lự, hay cười và đôi lúc dễ ngả nghiêng, nên bà thường nghĩ: đói thì thêm thịt thêm xôi, hễ no cơm tẻ là thôi mọi bề. Nó đồng ý ai thì trong năm nay, họ xin là bà gả luôn cho yên trí.

Kể ra thì nhiều đám hỏi Bưởi từ năm kia rồi, nhưng bà có hỏi Bưởi, Bưởi chỉ vùng vằng: "Kệ bu đấy, con không chồng chềnh gì cả. Con "đi tu". Bà Khuyến có nói tha thiết đến mấy đi nữa, Bưởi dám gắt cả với bà: "Bu lôi thôi lắm… Bu đến hay… Bu thật rắc rối…". Từ dạo bà Thủy nhờ người đánh tiếng xin Bưởi cho Xuân thì Bưởi trả lời mẹ từ tốn hơn: "Tùy bu".

Hồi còn bé, bà Khuyến cũng đã nhiều lần "kệ bu đấy" và cũng nằng nặc đòi đi tu để đến bây giờ đã năm mặt con, hai giai, ba gái, nên bà thừa biết con gái đã ưng, nhưng bổn phận làm mẹ dù là thời dân chủ cộng hoà đi chăng nữa nếu mình dễ dãi quá họ sẽ hạ giá con gái mình, nên bà đã khôn khéo nói lại:

- Ấy nó lớn thế mà ngộc ngà ngộc nghệch lắm, đã biết gì đâu. Tôi đã hỏi nó mà nó cứ chối phăng phăng. Bây giờ dân chủ tự do, không phải thời xưa mà ép duyên nó được. Bà cứ yên trí để tôi khuyên bảo cháu.

Và trong khi bà Khuyến ra sức khuyên bảo con gái thì những cánh thư vắn tắt: Gốc sung… Được… Chờ nhé!... Vâng… và những câu trả lời "con sang chị Lựu" đã quá nhiều rồi. Khi biết đích xác là Bưởi chỉ nói chuyện với Xuân thì bà cũng không khe khắt lắm. Tuổi mười tám, mười chín của bà đã bị khe khắt quá rồi, con tim bị đóng gông tuỳ nơi bố mẹ đặt. Đôi mắt tỏ tình giấu diếm, miếng trầu đưa vội vàng, buổi hẹn hò đầy lo sợ trong những ngày hội; tất cả đều kết thúc bằng trận roi song. Là người thương con, bà chỉ dặn dò nhưng không ngăn cấm vì Xuân là người bà ưng hơn cả. Xuân hơn Bưởi một tuổi, bên mười chín, bên mười tám thật vừa xinh. Xuân rất hiền lành chưa hề to tiếng với ai. Ngày còn bé đi học bị trẻ con bắt nạt, Xuân chỉ chạy về và khóc mà không chửi lại. Ngay đến bây giờ thấy ai sừng sộ, Xuân nhường ngay. Bà vốn thích con người như thế. Vả lại tuy mới học lớp 5 nhưng Xuân là tay văn hoá cao nhất xóm, lại còn là chấp hành chi đoàn. Ông bà Thuỷ lại là người cùng xóm. Có con gái gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho, chứ cô Mận lấy anh bộ đội ở Thái Ninh ba năm nay chưa về một lần. Cô Đào lấy anh bộ đội quê ở Hưng Nhân hai năm nay đá thảo về chưa được ba ngày đã kêu sốt ruột đòi xin đi. Nói dại nói dột mà bà có mệnh hệ nào thì xanh ngọn cỏ, nỏ hòn đất chưa chắc có đứa nào biết mà về. Ngay bây giờ cái nhà có dột đố có đứa nào cho nổi bà nắm rạ hay bắc cái thang lên được tới mái nhà. Gả Bưởi cho Xuân bà không lo gì nữa. Có dạo Bưởi chê Xuân, mà nào Xuân có tội tình gì, đầu đuôi chỉ tại con gái mình nhẹ dạ. Vì thương con, bà càng nẹt khoẻ, không thì đã lôi thôi to. Thấy hai đứa lại vui vẻ với nhau, bà cũng thích.

*

* *

- Này Bưởi này, bu bảo anh độ sang tháng sau thì… ấy đấy.

Câu nói run run, đứt đoạn của Xuân làm Bưởi bồn chồn suốt từ lúc bừng giấc tới lúc gà gáy dồn.

Lấy chồng! Bưởi cứ thích chuyện đó như cái bóng trước mặt, tuy rất gần nhưng không bao giờ tới. Lấy chồng! Bưởi phải bước sang cuộc đời khác với bao nhiêu là chuyện. Mà ngày ấy chỉ còn một tháng nữa mà thôi. Bưởi sẽ phải ngồi cạnh anh Xuân cho hàng trăm người nhìn vào. Họ sẽ bắt phát biểu cảm tưởng, họ sẽ bắt hai người hát đồng ca, họ sẽ bắt Bưởi châm lửa cho Xuân hút thuốc lá, họ sẽ làm vô khối là câu hò châm chọc.

Chỉ còn một tháng nữa thôi ư? Bưởi phải về ở hẳn bên nhà Xuân, ăn nằm với Xuân, gọi bố mẹ Xuân bằng thầy bu. Thật chẳng còn có ra làm sao, tự dưng chạy về nhà người ta, ăn nằm với người ta, rồi ít lâu sau vác cái bụng kềnh kềnh ra. Và chẳng còn bao lâu nữa mình sẽ thành chị Xuân vú ví thỗn thện ngồi ôm thằng bé con cho nó bú chòm chọp. Lại còn lo nó cam sài, lại còn chạy thuốc chạy men.

Chỉ còn một tháng nữa thôi ư? Những chuyện đi văn công, đi học y tá, đi công trường, Bưởi đành xếp tất. Về nhà người ta phải lo liệu, làm gì được tự do như nhà mình. Dân chủ thì dân chủ, mình vẫn là con dâu, hễ bỏ bễ việc nhà thì bố mẹ chồng eo xèo. Mà làm thế nào chiều được bố mẹ chồng? Lại còn việc Đoàn? Có thể bỏ bễ được sao? Người ta không nói đến tận tai:

- Ờ, ngày nào "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" ấy nhỉ?

Rồi cuộc họp phân đoàn, khi điểm danh, đồng chí phân đoàn trưởng lại hỏi:

- Đồng chí Bưởi đâu ấy nhỉ?

Ở dưới lại nhao nhao:

- Đang quắp nặng quặp ở nhà.

- Đang vui duyên mới.

Có là cái mặt mẹt Bưởi mới dám ra đường.

Chỉ còn một tháng nữa thôi ư? Bưởi phải xa bu. Bưởi thương bu lắm. Năm nay gần sáu mươi rồi còn gì. Đáng nhẽ từng ấy tuổi đầu bu chẳng phải làm gì nữa, chỉ việc an dưỡng tuổi già. Bưởi mà đi thì một mình bu làm sao chăm nom được hơn mẫu ruộng. Ai đi gặt đi cấy đôi công trâu cho bu? Ai đi tát nước cấy chạy se. Ai chạy hàng xáo cho bu nuôi thêm lứa lợn. Bưởi lại giận lây đến anh Hồng, năm nay hai mươi bốn tuổi rồi mà không chịu lấy vợ để giúp đỡ cho bu. Bu có giục như hò đò thì anh Hồng cậy thề đi công tác mà khất lần: nay để con tìm hiểu, mai để con tìm hiểu. Bưởi mà đi thì vụ nào làng xóm cũng cấy trước, nhà mình cứ phải cấy vá ruộng mất thôi. Nhưng còn Xuân. Thật khó nghĩ. Bưởi cũng thương Xuân. Bao lần Bưởi làm tình làm tội Xuân, Xuân không nản lòng cứ ra công đeo đuổi. Nếu mình không để anh Xuân cưới thì anh Xuân buồn, anh Xuân đi bộ đội, đi thanh niên xung phong thì sao? Nước đến chân rồi, thế nào cũng phải lấy.

Chỉ có một tháng nữa thôi ư? Ban ngày thân mình thuộc về bố mẹ người ta, ban đêm lại thuộc về chồng. Bưởi chợt nghĩ đến lúc đó, cái lúc cửa buồng kẹt một cái... những bước chân nhè nhẹ đi về phía giường... Một bàn tay đặt lên ngực mình... Tiếng thì thầm:

- Ngủ chưa?

Ngọn đèn chỉ bằng hột đỗ xanh cũng đã tắt phụt. Thế thì còn có ra làm sao.

4

Bưởi vắt khăn và độn khăn lên vai, lấy tay rũ mớ tóc đen như gỗ mun ra, tay kia kéo cái chổi rồi ngồi bệt xuống sân. Lựu ngồi trên hè, hai đầu gối kẹp lấy hai bả vai Bưởi, tay bới bới đám tóc để tuốt trứng chắc cho Bưởi. Thỉnh thoảng Bưởi ngả hẳn đầu vào ngực Lựu, Lựu lại ẩy ra:

- Ngồi thẳng dậy. Bé lắm đấy. Sắp làm mẹ trẻ con rồi còn gì.

Bưởi bĩu môi:

- Tổng tuyển cử.

Lựu phát vào lưng Bưởi mà cười:

- Khỉ ạ. Im nào. Này nói nốt câu chuyện lúc nãy đi. Sao họ "nhất thống" với nhau thế nhỉ. Anh Viên anh ấy bảo mình cũng tháng sau.

Bưởi chép miệng:

- Khiếp, họ ne mình như ne gà. Đầu têu chỉ tại anh Xuân nhà này cứ đòi cưới trước, thành ra anh Viên cũng bị động.

Lựu bĩu môi:

- Anh Viên cũng chẳng kém đâu. Tháng trước anh ấy hỏi, mình vừa ngần ngừ là ông ấy khoát tay liền: "Thôi, hay muốn kén ai cao hơn thì tùy".

Bưởi thở dài:

- Sao họ cứ rối tinh như canh hẹ ấy nhỉ? Em thì cứ mười năm nữa cũng vậy thôi.

Lựu lấy tay xoa má Bưởi:

- Nói như cô thì ai chẳng nói được. Mình là bị động với họ mà lại. Nhiều lúc vắt tay lên trán mà nghĩ thì lý do của họ cũng phải lắm cơ. Không xây dựng năm nay thì sang năm cũng xây dựng. Cô xem có mà trốn được à? Sáng nay Xuân nó tìm cô mà cô đi đâu mất mặt.

Bưởi ngoái cổ nhìn không thấy ai mới móc túi lấy cái thẻ giấy vàng in chữ khắc gỗ bằng mực nho đưa cho Lựu:

- Chị này, sáng nay em ra đền Chè xin quẻ thẻ tốt lắm, tự thân gia trạch già trẻ, cầu tài, công danh đều rất tốt, ông Đồng Điếc ông ấy bảo năm nay đẻ con trai.

Lựu củng vào đầu Bưởi mấy cái:

- Khỉ ạ. Tháng này sang tháng bảy rồi, đẻ đẻ cái gì, có mà đẻ con gỗ à? Quẻ thẻ khá đấy hành thông mà lại tốt lành, xem phần hôn nhân thánh đoán có đúng không nào?

Cỏ nội hoa đồng thì quý mến

Tính suy chỉ mãi lại lỡ lầm

Không cầu chẳng lẽ nhân duyên đến

Trăng thanh gió mát khúc đồng tâm.

"Cỏ nội hoa đồng" tức là ám chỉ vào anh cu Xuân xóm Đông đây.

Bưởi tấm tắc khen:

- Tài nhỉ? "Tính suy chỉ mãi lại lỡ lầm". Chị ạ, về bên đó vừa gần mà ông bà ta cũng dễ dãi. Nơi khác thì khó được như thế.

- "Không cầu chẳng lẽ nhân duyên đến". Đúng đấy. Cô cứ hay ngủng nghỉnh với anh ấy, anh ấy theo đuổi mãi cũng chán, thế là không thành. Bây giờ phải chiều anh ấy nghe chưa?

- Chị thì em mới dám nói thật: yêu thì em có yêu mà lấy thì em cứ thấy nó còn vội quá.

Lựu đem hết tâm can của mình ra khuyên nhủ Bưởi:

- Anh ấy cũng là người trong giai cấp mình thì cô đứng ở lập trường nào mà so sánh. Mình mà đã yêu ai là chỉ yêu một người đến khi chết.

Bưởi đâm cãi cố:

-Nhưng anh ấy cứ như người bắt cá hai tay.

Lựu cười:

- Khỉ này, do nó vừa vừa chứ. Tại cô cứ ngủng nghỉnh nên đứa khác nó mới xán đến với anh ấy. Tôi thì tôi nói thật. Cô hay so sánh quá. Giai thiên hạ thì mỗi người một vẻ, mình mà không vững lập trường thì dễ lung lay lắm. Vì anh này đẹp giai, anh kia văn hóa cao, anh khác lại chính trị giỏi...

Bưởi thấy Lựu nói trúng những điều mình đã nghĩ nên vội xí xóa:

- Chẳng nhẽ họ viết thư cho mình mà không trả lời à?

Lựu cười nhạt:

- Cô thì mỗi tháng cũng tròn chục cái thư, tôi thì chẳng phải vạ. Không lấy được nhau thì cứ anh anh em em làm gì. Kệ họ, họ nói gì phải để ngoài tai. Nhận được cái thư nào, đọc xong thì cất nó đi. Đằng này cô cứ đút túi, chốc chốc lại giở ra đọc. Họ đang theo dõi mình thì làm gì họ nói chẳng bùi tai. Nay buồn đọc một tí, mai buồn đọc một tí, thế là cô bị họ "tiểu thuyết" cho rồi.

Trong khi Lựu đang nói thì Bưởi lấy tay ấn mấy cái thư cho nó chúi đầu xuống tận đáy túi áo cộc của mình.

Viên đến đó đã từ lâu nhưng thấy hai cô đang tâm sự chưa dám lên tiếng, chờ cho Lựu nói xong, Viên mới đánh tiếng. Bưởi vội giật cái thẻ đút vội vào túi. Viên thấy thế hềnh hệch cười:

- Thanh niên 55 gì mà còn mê tín thế này.

Lựu ôm chặt lấy Bưởi:

- Phải, chị em tôi chỉ có vậy thôi, làm gì giác ngộ bằng đảng viên, bằng Bôn-sê-vích, bằng nữ đồng chí nhà các anh.

Viên vặn lại:

- Thế hai cô không là đoàn viên thanh niên, không là cánh tay phải của Đảng à?

Nói xong liền móc túi lấy quyển "LUẬT CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT", giở giở vội mấy tờ:

- Này, hai cô muốn xem hậu vận ra làm sao thì cứ tìm quyển này mà bói này.

Bưởi vấn lại khăn rồi đứng dậy chép miệng:

- Thế mà khối anh cứ đòi tháng sau lấy cái loại mê tín này đấy.

Viên cười, quay sang phía Lựu:

- Đúng, lấy về để cải tạo.

Lựu phá lên cười:

- Phải, để cải tạo cái hay cáu ấy mà, để cải tạo cái tính thấy người ta chưa kịp trả lời đã cau mặt lại: hay muốn kén ai hơn thì tùy!

Viên không trả lời, đến ngồi cạnh Lựu, hỏi nhỏ:

- Này, bà cụ bảo sao?

Bưởi thấy hai người bàn chuyện riêng liền xách cái ấm đi xuống bếp.

Lựu lắc đầu:

- Bu em còn phong kiến lắm, bu em bảo có tổ chức thì mới ngoài, cũ trong. Liên hoan ở ngoài đình xong thì về cỗ mặn ở nhà.

Viên cắn môi suy nghĩ:

- Như thế thì hàng mấy chục vạn, đào đâu ra. Tôi không thể làm như thế được.

Lựu chép miệng:

- Anh còn vài vạn, em cũng còn lứa lợn, ta vay mượn thêm vào sau này trả dần. Đằng nào cũng một lần, tốn một tí đã sao. Anh thì chỉ muốn theo không...

Viên gật gù:

- Gác chuyện ấy lại, bây giờ phải bàn vào, đừng bàn ra nữa. Cưới xong thì uống nước lã mà sống à?. Chịu, tôi không thể làm như thế được. Thanh niên cứu quốc gì mà hữu khuynh chết đi được ấy.

Mắt Lựu tròn lại:

- Thế anh định sao? Yêu nhau thì phải gặp khó khăn, anh cứ muốn dễ dàng làm sao được.

Viên ngồi thẳng dậy:

- Tôi rất khó nghĩ. Đây không phải là câu chuyện tiền nong mà là vấn đề danh dự của tôi. Lựu tính xem chi đoàn đang chủ trương cưới theo lối đời sống mới thì đám cưới của tôi là đảng viên lại bày ra ăn uống hết ba chục vạn, trả mãi cũng hết nhưng còn danh dự, còn uy tín, còn dư luận?

- Nhưng bu em không nghe thì làm thế nào?

- Thì phải làm cách nào đả thông cho bà cụ. Không có phải chờ đến cải cách vậy.

- Cải cách thì khác gì bây giờ?

- Thì lúc bấy giờ được học tập, bà ấy phải giác ngộ ra. Ta nhờ cán bộ đội vào giải thích, được chia ruộng, chia trâu, chia nhà, mấy mà bà ấy không nể. Thế nào, có đồng ý hay không mà cứ xị cái mặt ra thế kia?

Lựu chớp chớp mắt nghĩ ngợi:

- Tùy anh. Anh làm thế nào thì làm. Nếu thiếu tiền thì anh cứ bảo em, cho em lo liệu. Đời người chỉ có một lần, tốn một tí đã sao.

Viên giơ tay ra chém chém phía trước mặt:

- Vấn đề bây giờ là cưới đời sống mới. Sớm hay muộn không cần. Còn cô thì phải bàn vào, lúc này rắc rối như thế mình cứ bàn vào thì chẳng ai làm cho mình ngãng ra được.

Lựu chẳng biết nói sao, bên là mẹ, bên là Viên, nên chỉ biết lấy chữ "tùy anh" mà đối đáp.

5

Thỉnh thoảng lại có người đến xì xào với bà Thủy:

- Này bà ạ, hình như anh Xuân có tình ý gì với chị Bưởi thì phải.

Bà Thủy không hề giận con, không hề giận những người kháo chuyện mà lại thấy khởi lởi trong lòng. Con mình đã được gái mê, mà lại là người con gái xinh nhất xóm, siêng ăn siêng làm, gia đình nhà người ta cũng căn cơ, hai người con đều đi làm việc cho Chính phủ. Thương con bao nhiêu thì người mẹ càng thấy việc lo liệu không còn rùi dắng được nữa. Bưởi đã vào ban kịch xã, có bận tập trung ở xã ăn tập liền ba ngày. Có khi đi diễn ở hàng huyện. Đầu năm đến giờ, kẻ ra người vào bên ấy cũng lắm: bộ đội hai túi có, bốn túi có, cán bộ huyện có, cán bộ tỉnh có, lại có mấy anh giáo viên cấp hai mới ở Trung Quốc về thỉnh thoảng cũng đến chơi.

Đã qua tuổi mười tám, đôi mươi, bà Thủy rất hiểu Bưởi. Khi còn ở nhà thấy loai soai trứng gà trứng vịt một lượt thì chẳng có gì đâu, nhưng Bưởi đã tiếp giáp trai thiên hạ thì dễ so sánh và thay lòng đổi dạ. Nghe đâu Bưởi cũng đòi đi thoát ly. Điều này bà ngại nhất. Bưởi mà đi thì xa cha xa mẹ những lúc voi đú, chuột chù cũng đú, lấy ai mà can ngăn. Chỉ có cách bà xin cưới sớm đi là hơn cả. Cô Bưởi về thì chiêm sang năm cấy thêm mẫu nữa, nhà có con trâu chẳng lo người cắt cỏ. Xuân tha hồ mà đi công tác.

Nghĩ thế bà Thủy lại tưởng tượng những lúc thấy Bưởi gánh lúa chạy thoăn thoắt qua cầu Chùa, mấy bà kháo với nhau:

- Con dâu bà Thủy đấy, đảm nhỉ?

Những lúc khách khứa bên Sổ đến chơi ở lại ăn cơm có nếm bát tương ngọt như đường hay mở hũ mắm tép ra coi thấy đỏ như son, thơm như rượu nếp bà Thủy lấy làm hãnh diện khoe với mọi người:

- Ấy nhà cả nó làm còn vụng lắm.

Tiếng con dâu bà Thủy sẽ dồn về tận Sổ, tận Cồn. Nhưng những mong ước ấy phải bắt đầu bằng cái gì chứ? Bà đã hỏi Viên thì Viên chỉ gật đầu:

- Cũng xong thôi.

- Nghe ba chữ "Cũng xong thôi" sao mà nó thông đồng bén giọt thế. Không hiểu vào việc có bị chà rào kéo ngược không. Bà Thủy rất sốt ruột, việc thì như nước sôi lửa nóng mà nhắn hai ba tin chưa thấy ông Thủy về.

*
* *

Tuần sau ông Thủy quẩy cưa, dùi đục, rìu, răm tre về nhà. Ông vẫn đội cái mũ Ta-bo bấm bẹp một bên vành, vẫn mặc cái áo com-ba xam xám của lính "ngụy" dày như mo nang mà ông hôi được ở bốt Chè. Bề ngoài thì không khác lắm: vẫn cái quần "bắt gà" lấy được ở bốt Thi, vẫn đôi giầy cao đế của lính nhảy dù do ông nhặt được trong trận Tây rút chạy xuống Bùi, nhưng cái khác là khác bề trong vì ông vừa đi đóng cối ở Hà Nam về.

Bà con đến chơi khá đông. Phần thì theo tục lệ cũ, thấy ai đi xa về người làng cũng đến thăm một tí cho phải phép. Phần thì muốn nghe ông kể lại những chuyện đã nghe đã thấy để giúp mình khai thông bao nhiêu con tính hóc búa đang tù hãm trong đầu; nào là cải cách làm có lâu không, có cào bằng giũ rối ra chia lại không? Mỗi nhân khẩu được bao nhiêu? Tố ra làm sao? Đấu như thế nào? Những ai được chia nhà? Mấy người được con trâu? Chia ruộng xong mang máy cày về phải phá bờ cho máy chạy thì mồ mả tổ tiên sang cát đi đâu? Những nơi ít nhà giàu như vùng ta thì có đi xin nơi khác về chia cho không?

Khốn thay ông Thủy không phải là bí thư Đoàn ủy cải cách, cũng không phải là cốt cán Đội dựa. Ông chỉ là ông phó cối đá đưa đến xã cải cách làm ít ngày để nghe ngóng tình hình. Vả lại, ông có đi họp xóm bao giờ. Sâm sẩm tối, ông mò ra phố Thạch Tổ làm tạm một cút cho ấm bụng, khi lảo đảo trở về thì thấy hai ba vầng trăng sa xuống mặt, gió hun hút tuồn vào lỗ chân lông. Nhưng ông được cái chịu nghe, lúc chẻ dăm, lúc nện đất, lúc đánh đai, lúc ăn cơm có câu chuyện gì thoảng bên tai là ông nhất tâm ghi nhớ hết. Kinh nghiệm bản thân đã cho ông thấy bệnh thường tự mồm vào, họa thường tự mồm ra nên một đống: ai? Tại sao? Thế nào? ông chỉ dám trả lời cầm chừng.

Nhưng khi khách khứa về cả, chỉ còn có vợ chồng và đứa con trai và thấy vợ bàn chuyện sang chơi bên bà Khuyến, tức thời ông xòe ngay bàn tay ra mà xua lia lịa:

- Nhẩn nha chứ!

- Ông còn định để đến bao giờ?

- Biết rồi. Này tôi bảo thật, hai mẹ con đừng có đi bép xép với ai, nhà ấy không khéo địa chủ đấy.

Bà Thủy giật mình:

- Sao lại địa chủ?

Ông Thủy ngồi nhích lại:

- Mấy nhà ở Thạch tổ hao hao như thế mà lên thì bên ấy muộn mằn gì mà không lên.

Xuân hỏi vào:

- Thầy nói thế nào chứ bà ta có hơn một mẫu cả ao lẫn thố thì lên địa chủ làm sao được?

Ông Thủy bĩu môi:

- Mẫu ruộng. Người ta cộng tất ráo cả từ 49 đổ về, bán mặc, chia cũng mặc.

Xuân lại nói luôn:

- Chúng con đi họp được trên phổ biến: ai không lao động mà chiếm hữu nhiều ruộng đất mới là địa chủ.

Ông Thủy gật đầu:

- Đúng đấy, bà Khuyến mấy năm nay có làm được mấy đâu.

Bà Thủy không chịu:

- Thì còn cái Bưởi nữa chứ. Tháng trước cấy chạy se cho nhà ta, chị ta ra cây mạ trông thoăn thoắt. Đấy ông xem khắp khoảng chị ta cấy có bụi nào tỏe chân hương đâu.

Ông Thủy lại dồn vợ:

- Thế nó đã lao động đủ năm năm chưa?

Bả Thủy cướp lời:

- Bên ấy đứa nào làm cũng khỏe: từ thằng Cậy, thằng Hồng, đến con Đào, con Mận, con Bưởi. Tôi còn nhớ năm nó mới mười ba, ông ấy đã đóng hai gầu sòng ở đồng Ghềnh, hai bố con cùng tát nước. Năm sau ông ấy lại bắt tập gặt.

Xuân được thế hùa theo:

- Bên ấy phải tính là lao động chính hết.

Ông Thủy thở dài:

- Đội người ta đâu có chịu. Đấy rồi nay mai mẹ con nhà bà xem.

Sau đó ông gật gù suy hơn tính thiệt:

- Kể cưới sớm cho nó về bên này cũng hay. Phân đôi gia đình ra thì khi chia "hỏa thực" Cả hai gia đình làm gì không ăn đứt hai con trâu. Nhưng ngộ nhà đó lên địa chủ thì sao, nhà mình lại bị liên quan còn có mà đi tố khổ, còn có mà vào nông hội nữa à? Bây giờ cưới tiềm tiệm ra cũng hai ba chục vạn. Dại gì mà đi chuốc cái lo vào mình.

Bà Thủy giục chồng:

- Thế thì thôi à. Ông liệu thế nào, việc này khó mà rùi dắng được. Mình không xin cưới, đám khác họ chen vào, bên ấy họ ngãng ra có phải là mình dại không?

Ông Thủy tặc lưỡi một cái:

- Ít nhiều ta đã đánh tiếng sang bên ấy, họ chẳng dám muối mặt mà gạt được ta. Không xin được cái Bưởi về thì tiếc thật, nhưng thằng Xuân nhà ta cũng còn phải ra làm việc chứ. Chi bằng cứ chờ khi nào quy thành phần xong hãy lo liệu, vừa yên trí vừa đỡ tốn kém. Ở Hà Nam, Phủ Lý, Đội tổ chức cưới vợ cho cốt cán hết có hai vạn. Thật là đỡ được bao nhiêu. Đội họ đã rút về học, chỉ tháng sau là về vùng ta thôi.

Bà Thủy chợt nghĩ ra một điều:

- Hay là ta cứ cưới ngay bây giờ, Đội về ta trình với Đội là khi đó thấy nó làm ăn khỏe khoắn nên mới cưới về thì Đội cũng đại xá cho chứ gì. Ông xem hồi tháng năm gặt mò mà nó gánh gánh lúa lượm ba bó bẩy chạy phăng phăng chẳng kém gì thằng Xuân nhà mình.

- Thầy cứ lo vớ lo vẩn. Nhà ấy chỉ là trung nông yếu, làm gì mà lên địa chủ được. Đếm đầu cả năm xóm làng Chè thì chỉ có lý Sản, phó Văn, Chánh Thoại, lý Bản...

Pho sách của ông Thủy học được ở Thạch Tổ bắt đầu được giở ra giảng cho vợ con mình hiểu:

- Bây giờ thì hỗn độn như thế, nay mai Đội về thì ra rông rổng. Lắm thứ địa chủ lắm: địa chủ đầu sỏ, địa chủ cường hào gian ác, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, địa chủ ngoan cố, địa chủ lọt lưới, địa chủ công thương, địa chủ cá biệt. Đội người ta tinh lắm, chẳng thế mà dân Hà Nam vẫn ca tụng: nhất Đội, nhì giời cơ mà. Ai dám ra mà cãi với Đội. Cho nên ta cứ chậm một tí là yên trí cả đời. Lúc bấy giờ thật là long trời lở đất. Phú nông bây giờ thì cải cách cứ "lên" đứt đuôi con nòng nọc. Ở Thạch Tổ có nhà hôm trước chỉ là trung nông, hôm sau đã lên địa chủ rồi. Đấy rồi mẹ con nhà bà xem tôi nói có đúng không.

Và sau đó là ông phổ biến sau phần nhiệm vụ mới để chuẩn bị cho cải cách ruộng đất:

- Bây giờ ai làm gì nhất cử nhất động đều có người ghi, chẳng thế mà đội về cái gì người ta cũng biết. Bà mày và thằng Xuân từ nay sang bên đó in ít chứ, sau này Đội lại ghi là liên quan. Bộ "phăng" của thằng Xuân thì cất đi, mặc thường thường thôi không có Đội cho là có khả năng chẳng chia cho nhà mình cái gì. Chẳng nhẽ thức toét mắt đi đấu tranh mà chịu bụng chay trở về à?

Bà Thủy thấy chồng tính toán cẩn thận như thế cũng phải. Còn Xuân thấy ông bố quá lo xa bảo nán lại ít ngày thì thấy như thế cũng không hại gì, miễn là những lần sau gặp nhau ở gốc sung phải kín đáo hơn nữa, không lộ cho ai biết là được.