Sắp cưới - Phần IV (Hết)

PHẦN THỨ TƯ

1

Công văn gọi Bưởi lên làm ở cửa hàng Hợp tác xã của huyện đã gửi về từ lâu, nhưng lúc đó nhà Bưởi đang bị kích lên địa chủ, nên văn phòng Đội giữ lại. Đến nay nhà Bưởi được hạ thành phần xuống trung nông và trả lại tài sản, Đội mới gửi xuống xóm cho Bưởi. Ở lại mấy ngày thu xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa đâu vào đấy, hôm nay Bưởi lên cửa hàng nhận công tác. Lựu cũng sang đưa chân một quãng xa rồi quay lại. Bưởi níu lấy cánh tay Lựu kéo đi:

- Chị đi với em một quãng. Bao giờ hai chị em lại còn được đi cùng nhau ở quãng đường này.

Lựu phát vào lưng Bưởi:

- Dơ nó vừa chứ, đừng có mà đùa. Tôi về đây.

Bưởi càng kéo khỏe:

- Không, chị phải đi với em.

Lựu đứng dừng lại:

- Có dặn dò gì thêm nữa không. Hay còn thắc mắc gì chưa yên trí mà đi được?

- Nhớ nhau thì rủ chị đi chứ thắc mắc gì. À còn mỗi thắc mắc là chưa xé cho con thợ đấu một trận, mấy hôm nay nó trốn đi đâu không biết?

- Thế cô không thông chính sách à?

Bưởi tặc lưỡi:

- Đánh xong một trận thì có thông mới thông.

Lựu nắm lấy hai vai Bưởi mà đu đi đu lại:

- Thôi tôi can cô, mình làm thế thì chỉ tổ đầu têu cho bọn địa chủ nó ùa theo thì sao.

- Ùa mà được. Đã có tòa án nhân dân đặc biệt, còn trung nông chỉ bị kiểm thảo đến ủy ban là nhiều. Chị còn thương con thợ đấu à? Không có nó thì làm gì thằng Xuân khinh nổi em, thì làm gì em không được vào thanh niên lao động từ lâu rồi.

Lựu vỗ khe khẽ vào vai Bưởi:

- Thôi chuyện cũ. Này còn chuyện anh Xuân cô phải tính sao chứ. Ai lại cứ thế à?

Bưởi vung tay ra trước mặt chém mấy cái:

- Cắt đứt. Em đã bảo chị cắt đứt là cắt đứt. Suốt đêm qua em đã không nói hết lời với chị rồi sao.

- Hay định nhằm đám nào?

- Chuyến này em đi tu.

Lựu đấm thùm thụp vào lưng Bưởi:

- Khỉ ạ, dơ nó vừa vừa chứ. Tu gì, tu hú! Ngữ cô trông mắn lắm, có mà tu ba năm đôi.

Bưởi vẫn chẳng nhếp mép cười:

- Đấy rồi chị xem. Còn chị nữa. Nay mai anh Viên về thì chị cũng đồng ý cho anh ấy xây dựng đi, đừng chờ em nữa. Hơn hai năm tìm hiểu rồi, kéo dài làm gì.

Lựu nắm lấy câu đó mà bàn vào:

- Thế cô cũng hai năm tìm hiểu rồi chứ ít à?

- Em hỏi chị sợi tơ của con nhện có dệt nổi tấm lụa đào như sợi tơ của con tằm không? Thôi chị đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, ruột em xót như đổ nước cà vào mà vò rồi. Chuyến này em đi em không về nữa đâu.

- Ruộng nương cô định bỏ đấy à?

- Đã có tổ đổi công. Mẹ em vào tổ rồi chẳng nhẽ tổ để nhà em bỏ ruộng hóa?

- Thế còn bà cụ nữa chứ?

- Em bàn với bu em rồi. Anh Hồng bị bắt oan thì cũng được tha, sắp về. Chuyến này anh ấy về thì xây dựng với chị Khẩn, đã có chị Khẩn trông nom.

- Không về à? Gan thật!

Bưởi thở dài:

- Em thích làm con chim bay đây bay đó, chứ em không thích chỉ quanh quẩn ở góc vườn. Chuyến này em cố học văn hóa. Khi nào có lớp y tá em bảo anh Hồng giới thiệu cho em đi.

Lựu chớp chớp mắt mấy cái rồi quay lại:

- Này, Bưởi này!

- Chị gọi gì em?

- Thế là chị em mình phải xa nhau.

- Em đã đi xa ngay đâu. Gọi là huyện thì cũng ở Bùi chứ ở đâu xa. Phiên chợ nào chị chẳng tạt vào chơi với em được.

Thấy xa xa có bóng người đang đứng dưới gốc đa, Lựu vội cầm lấy tay Bưởi:

- Thôi cô đi nhé. Cô xây dựng với ai cứ im im đi thì chết với tôi đấy.

- Em đi tu.

Lựu cười khanh khách:

- “Tuổi hai mươi như nắng xuân đang reo cười” ai lại đi tu. Thôi đi nhé. Nào bắt tay cái nào.

Hơn tuần lễ nay Lựu mới thấy Bưởi nhếch mép cười. Lựu nắm chặt tay Bưởi mà giật giật:

- Tích cực vào cô nhé. Thanh niên lao động, tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên. Thôi đi đi không nắng đấy.

- Còn em em nhớ chị lắm. Không có chị thì em đến chết với con thợ đấu từ lâu, ơn này em biết lấy gì mà trả?

Lựu phì cười:

- Thì tích cực đi, làm sao chuyến này được bầu làm cá nhân xuất sắc là tôi thích. Đi nhé.

- Chị về nhé.

Mắt hai người cùng ướt. Lựu vội quay ngoắt đi sợ cứ dùng dằng mãi như thế này Bưởi càng bịn rịn. Đi được vài bước Lựu quay lại đã thấy Bưởi đang ngoái lại nhìn mình. Lựu lại vẫy tay:

- Đi nhé. Chủ nhật về chơi nhé. Thôi đi đi không nắng.

Bên đường đôi chim khuyên ưỡn bộ ngực mặc yếm vàng đang nghếch cái mỏ nhọn hoắt mà kêu chít chít trong bụi tầm xuân trắng xóa những hoa là hoa. Trên đám cỏ hai mé đường từng bụi cây khúc, lá dán sát mặt đất dương những cuống dài như cái tăm để đỡ lấy từng cụm hoa năm cánh vàng tươi. Cây bàng đầu xóm đã trút hết đám lá úa màu tiết đọng. Lá non bánh tẻ đã nhú trên cành. Gần đó đám lá trinh nữ vừa chạm phải gót chân người cụp vội lại, không muốn nhìn thấy chuyện đau thương.

Lựu vẫn đứng đấy nhìn theo Bưởi rồi lấy cánh tay áo lau nước mắt. Nó đi. Nó đi thật. Nó nói là nó làm. Nó chán đất làng Chè đến thế kia ư? Mười chín rồi vẫn một thân một mình mãi à? Không biết ra đời xa mình nó có bị ai lừa dối, không biết nó có giữ gìn được không? Khôn ba năm dại một giờ mà tính nó thì dễ dãi quá, ai cũng anh anh em em. Ai như Xuân kia. Xuân thật. Hai đứa gặp nhau rồi. Không biết có ăn thua gì không. Tội nghiệp. Đáng lẽ được bảy tám phần đường rồi, chúng hắn chỉ cố gắng tí nữa cho đủ mười phần đường, ai ngờ đến nay chúng hắn phải đi lại từ một hai. Con cái Bưởi lạ thật, sao cứ cùn cụt định đi thế kia. Còn Xuân không biết có nói nên lời không. Nói đi chứ. Việc hàng đời kia mà.

2

Thấy Xuân đứng đón ở gốc đa, Bưởi giật mình. “Chính trị” của bà Lựu ghê thật. Kệ, cứ quay nón rảo bước cho nhanh là yên chuyện.

- Bưởi này.

Bưởi giả tảng không nghe thấy, chân cứ rảo bước đi. Xuân chạy theo:

- Bưởi ơi! Đứng lại tôi hỏi cái này tí đã nào.

Bưởi quay phắt lại:

- Anh hỏi gì?

Xuân ấp a ấp úng:

- Tôi có câu chuyện này muốn nói với Bưởi.

Bưởi lắc đầu:

- Hết chuyện rồi!

Xuân bước lên mấy bước rồi xoay người lại chặn đường Bưởi.

- Lần trước tôi nhầm.

Bưởi gạt phắt:

- Không có lối nhầm chết người ấy. Anh xê ra cho tôi đi.

- Thế Bưởi cứ giận tôi mãi à?

- Không hoài hơi.

Bưởi nói xong liền tránh sang bên cạnh đường mà đi. Xuân vội lẽo đẽo theo sau:

- Này Bưởi này, rồi hãy đi.

Bưởi quay ngoắt lại:

- Anh đi theo tôi làm gì?

- Tôi đi lên văn phòng Đội.

- Thi đi trước đi. Tôi đi đâu kệ xác tôi.

- Nhưng tôi muốn nói với Bưởi một tí.

Mắt Bưởi quắc lên, giọng đã gay gắt, Bưởi dồn tất cả những nỗi bực mình vào câu trả lời:

- Ngày trước tôi phải khóc lên với anh mà anh cứ chạy cùn cụt có thèm ngoái cổ lại đâu. Tôi bảo anh chờ xem thế nào đã, anh cứ khăng khăng cắt đứt. Tôi ngồi ở nhà chị Lựu chờ anh mà anh khinh tôi anh không thèm gặp. Chúng nó bôi gio trát trấu vào mặt tôi, anh có nói được câu gì?

- Tôi có nói đấy chứ. Tôi nói với Đội là nhà Bưởi có lao động chính, sau này tôi lại bảo bu tôi ký đơn kêu cho nhà Bưởi đấy thây.

Giọng Bưởi trở lên chua chát:

- Cám ơn. Tôi không phải là hạng người để cho anh thích thì anh lấy, anh chán thì anh bỏ được đâu.

- Khổ lắm, Bưởi phải hiểu cho tôi chứ.

- Anh im đi. Tôi chán lắm rồi. Hai năm nay tôi đã biết anh là người thế nào rồi.

- Thế Bưởi đi thật à, nhà cửa ruộng nương Bưởi định bỏ đấy không về à?

- Không khiến anh lo cho tôi. Nếu anh thương tôi thì anh lo cho tôi từ lâu rồi. Tôi đi đâu kệ tôi, anh hỏi làm gì. Ngày xưa tôi trót dại nghe anh ở lại nhà nên anh mới khinh được tôi, chúng nó mới vít được đầu tôi. Anh đi đi.

Đầu Xuân cúi gục xuống, giọng Xuân run run như người muốn khóc:

- Bưởi giận thì giận, Bưởi đi đâu thì đi, tôi vẫn nhớ Bưởi, tôi…

Xuân định lấy quyển sổ tay đút trong túi áo ra tặng Bưởi, nhưng thấy càng nói Bưởi càng thờ ơ thì đã biết dù có đưa Bưởi chẳng cầm đâu.

Bưởi lắc đầu:

- Tôi chán những lời nói từ đầu lưỡi trở ra lắm rồi. Anh đi đâu thì đi.

- Thế Bưởi định đi đâu?

- Anh đi đâu thừa thì tôi đi.

- Tôi muốn đi tiễn Bưởi một quãng.

Bưởi cười nhạt:

- Những ngày cực nhục anh bỏ tôi, tôi vẫn đi một mình nó quen rồi.

Xuân nắm lấy cánh tay Bưởi:

- Sao Bưởi lại thế. Hai năm trời…

Bưởi gạt phắt tay Xuân ra:

- Anh nói rác tai lắm. Xê ra cho tôi đi.

- Này Bưởi.

Nhưng khi nhìn thấy đôi mắt Bưởi quắc lên, Xuân cúi mặt xuống như nhìn vào mặt trời và vội lùi sang bên đường nhìn theo chiếc áo màu hạt cau khuất dần sau rặng tre xa tít.

Đôi lúc Xuân đã định chạy theo nhưng đôi mắt người con gái ấy đã quắc lên nhìn mình, chân Xuân không còn đủ sức bước lên bước nữa. Đôi con mắt ấy trước kia Xuân rất ưa nhìn, nhìn như muốn nuốt chửng cả người con gái, nhìn như muốn hỏi: “Về đấy à?” nhìn như muốn hẹn: “ra gốc sung đi”. Trong đám đông, đôi con mắt ấy hoàn toàn thuộc về mình, bao nhiêu anh con trai khác đều bị trượt qua đôi mắt ấy. Mỗi khi đôi con mắt đó bắt gặp cái nhìn đắm đuối của Xuân thì cái miệng khẽ nhích một nụ cười. Xuân rất hãnh diện nhìn những thanh niên khác dưới con mắt khinh thường của mình.

Mà nay…

Xuân tự oán mình, tại sao biết nhà Bưởi như thế mà không dám nói thẳng. Nếu hôm ấy mình bạo dạn hơn nữa nói rõ cho Độ hiểu nhà Bưởi chỉ còn hai mẫu và có hai lao động chính thì Độ không phạm sai lầm mà ngày nay mình không đến nỗi mang tiếng. Chuyện Xuân đứt khoát với Bưởi trước kia cũng có đôi ba người khen là vững lập trường giai cấp thì nay mang lại cho Xuân bao tủi hổ chẳng riêng ở xóm Đông mà cả Xuân Hạ này ai cũng chê trách Xuân là con người bạc tình. Nhất là câu chuyện Độ làm mối cho Xuân lấy Lý đã lan khắp xã, khác nào cầm nắm đậu xanh ném vung ra vườn làm sao Xuân có đủ chân, đủ nhời chạy khắp nơi thanh minh cho hết.

Ừ, tại sao mình cũng là người tại sao không cất đầu lên nói lớn tất cả sự thật. Tại sao mình không giơ nổi cánh tay cứng rắn của tuổi trẻ ra bênh vực cho lẽ phải. Nghĩ thế Xuân lại tự an ủi: Chuyện, mình chỉ là thanh niên trơn, anh Viên anh ấy là đồng chí anh ấy được sinh hoạt Đảng, được giáo dục nhiều, nhưng hình ảnh người con gái đầm đậm da bánh mật, mặt bầu bầu, có đôi mắt đen và tròn, tiếng nói oang oang trong buổi họp xóm “xác minh tài liệu”, làm Xuân bừng tỉnh. À Lựu, Lựu thì sao? Lựu cũng chỉ là thanh niên như mình, Lựu cũng bằng tuổi mình, Lựu cũng ở du kích với mình, tại sao trong buổi họp Độ đuổi bà Khuyến thì Lựu dám giơ tay ngăn cản. Tại sao Lựu dám che chở cho Bưởi suốt thời gian bị kích lên địa chủ? Tại sao Lựu dám làm giấy lên Khu minh oan cho Viên và Bưởi? Tại sao hôm cán bộ Kiểm tra của Khu về Lựu đi tìm tận nơi nói tất cả sự thật? Lựu không biết sợ cái gì cả, Lựu chỉ sợ lẽ phải thì lẽ phải đã có trong tay rồi. Sao mình cũng có lẽ phải mà mỗi khi đến gần Độ, người cứ run bắn lên. Khi Độ quát: “Chính chính cái con khỉ” thì không dám bênh vực lẽ phải ấy nữa. Đã thế, bao lần Lựu lại nhắc cho mình lẽ phải đó tại sao mình không dám nghe, không dám làm như Lựu. Khác nhau ở cái gì? Xuân chưa tìm ra được vì Xuân không muốn mình chịu tiếng một thanh niên hèn. Đang độ tóc còn xanh, máu còn nóng, mắt còn sáng, tay còn rắn chắc mà chịu tiếng hèn thì nhục nhã biết bao. Giá lúc bấy giờ mình cứ nghe lời Lựu ở lại chờ Bưởi đến nhà Lựu. Xuân sẽ nói với Bưởi rằng:

- Hôm qua anh nói chuyện với Bưởi ngoài đường không tiện, hôm nay anh chờ Bưởi ở đây. Bưởi có giận anh không?

Bưởi sẽ khẽ lúc lắc cái đầu như những lần gặp gỡ trước. Xuân lại cầm lấy tay Bưởi:

- Bưởi không sợ, anh chỉ một lòng với Bưởi. Đội làm sai thì nay mai Đội phải sửa. Nếu không anh sẽ tranh đấu cho nhà Bưởi phải hạ xuống trung nông như cũ.

Rồi mặc kệ ai trù, mặc ai đe dọa, mặc ai nói xấu, mặc ai can ngăn, Xuân nhất quyết chờ Bưởi như Lựu đã chịu đựng bao cay đắng để chờ Viên. Và hôm nay Xuân chỉ việc gọi Bưởi lại:

- Này Bưởi này, chúng mình định ngày tổ chức đi.

Bưởi sẽ cúi mặt xuống di di ngón chân xuống đất mà nói:

- Tùy anh.

Tùy anh. Hai tiếng vừa ngắn gọn vừa êm êm của người con gái đã tỏ hết lòng mến phục, lòng yêu thương của mình. Tùy anh. Khác nào Bưởi nép đầu vào ngực Xuân mà chịu theo Xuân hoàn toàn từ nay đến lúc chết. Tùy anh. Ôi thôi chỉ vì một lúc vụng suy, Xuân đã bỏ chạy, nên đến nay Xuân không có quyền được nghe nữa.

Bưởi có thể giận mình mãi ư? Không những thế, Bưởi còn có quyền đi lấy người khác. Thôi sau này Bưởi sẽ hiểu mình, sẽ thôi giận và Bưởi bảo gì mình cũng làm theo. Mình sẽ tìm cách nói với Bưởi, Bưởi không nghe thì nhờ Viên, nhờ Lựu nói vun vào, nói mãi chắc phải được. Nồi nước sôi bắc ra khỏi bếp cũng phải nguội dần chứ có nguội ngay được đâu. Vả lại thấy mình buồn như thế này chắc Bưởi không nỡ giận lâu. Không có thì mình nói chuyện với anh Hồng để anh Hồng đả thông cho Bưởi, tất nhiên Bưởi không nghe không xong.

Hai bên đường, lúa đã quay cổ, bông lúa nhảy múa quanh những tấm thẻ nhận ruộng quết vôi trắng xóa. Trên đầu mỗi tấm thẻ là một lá cờ đuôi nheo cắt bằng giấy hồng điều đang vẩy sột soạt theo chiều gió như reo mừng, từ nay ruộng đất mãi mãi về tay nông dân. Gần đấy, trên hai mảnh năm sào, gối đầu vào khuỳnh con sông Chè có hai tấm thẻ cùng cưa chung mảnh gỗ, cùng quét ba nước vôi trắng mịn mặt, cùng một kiểu chữ bằng phẩm lục:

VŨ THỊ LỰU, bần nông

LÊ VĂN VIÊN, cố nông

Lúa đã quay cổ trùm kín bờ, làm cho hai mảnh ruộng đó xích gần nhau hơn. Xuân thở dài ngẫm nghĩ. Vụ mùa họ phá bờ làm chung được rồi.

Đàn chim ri thấy bóng người bay vù lên như tàn than của một đám cháy lớn. Con diều ro ro nỉ non ở lưng chừng trời trông xa khác nào mảnh trăng lưỡi liềm bị ám khói. Cỏ đã mọc xanh um trên cái ụ đấu trường. Gần đó có hai ngôi mả mới, mưa gió đã làm cho trôi từng mảng đất. Ngôi mả phủ lượt cỏ xanh là ngôi mả tên chánh Thoại bị tử hình từ đầu đợt. Ngôi mả có một vòng hoa tươi đặt trên là ngôi mả đồng chí bí thư chi bộ bị xử trí oan vào cuối bước hai. Xuân thở dài. Không phải riêng mình mà đến cả bao gia đình khác còn có những vết thương không biết đến bao giờ mới hàn gắn được chỉ vì trong cơn bão táp vừa qua cũng còn có nhiều người như mình không dám giơ tay bênh vực lẽ phải, không dám nói tất cả sự thật mà chỉ muốn được an thân. Tuổi hai mươi đâu có phải là đám cỏ dại chỉ một cơn gió nhẹ đã rạp mình.

3

Một tháng sau…

Thấy Lựu đứng thập thò ngoài cửa sổ họp Đại hội chi bộ thì một đồng chí vội hích Viên mà rằng:

- Có khách kìa.

Viên nhìn ra cửa. Lựu đưa mắt, gật gật đầu mấy cái làm Viên vội giơ tay liếc mắt ra cửa. Chủ tọa hiểu ý gật đầu.

- Ra được à?

- Được. Thằng cu Độ vừa đọc bản kiểm thảo xong. Bây giờ chi bộ bắt đầu bổ sung hiện tượng. Thằng cha này ngoan cố lắm, cái gì nó cũng đổ cho Đoàn ủy thúc. Nói không nghe được, thế cái tội treo đảng viên lên xà nhà lấy cung thì Đoàn ủy nào xui? Chuyến này phải đấu cho nó mất mặt mất mũi đi ấy chứ, đấu cho mất băng cái đội trưởng đi ấy chứ.

- Đồng chí cũng đấu nhau à?

Viên biết lỡ lời liền đánh trống lảng:

- Đi đâu giờ?

- Em lên “hợp tác”. Anh có nhắn gì Bưởi không?

- Chỉ bảo cô ấy thư từ in ít chứ mà còn để tâm vào công tác, vào học tập.

- Thế còn việc cô ấy với Xuân thì anh định sao?

Viên ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:

- Việc lấy chồng là do cô ấy quyết định, mình không nên ép. Nếu cô ấy còn yêu Xuân, nếu cô ấy thấy lấy Xuân không cản trở gì đến bước đường tiến bộ của cô ấy thì cô ấy lấy. Bằng không thì thôi.

Lựu dẫy nảy lên:

- Ai lại thế?

Viên cười nhạt:

- Tôi hỏi cô. Thí dụ như bây giờ, qua đấu tranh, Bưởi đã hiểu rõ Xuân, nó không thích lấy một thằng chồng hèn thì cô tính sao?

Lựu cãi biến đi:

- Thì mình phải đả thông chứ. Ai mà chẳng có lúc sai. Chính phủ còn phải sửa sai nữa là dân mình. Em định lên bàn với cô ấy xem thế nào, nếu thông rồi thì hôm Đội sắp rút ta tổ chức tập đoàn cho đỡ tốn kém.

Viên gật gù:

- Khó lắm. Việc này là việc lâu dài chứ không thể túm cây lúa kéo lên cho lúa mau cao được đâu. Chưa chắc nó có ưng không. Đến tôi, tôi còn ghét cay ghét đắng cái thằng ấy.

- Anh thì anh ghét cả làng này. Ai mà anh bảo một tiếng không nghe thì anh cũng ghét. Dạo nọ anh xui em đi lấy người khác thì sao?

- Thì thôi.

- Thế mà nói được.

- Sao không rủ Xuân đi.

Lựu chép miệng:

- Anh ấy cứ sợ lên đó Bưởi sinh sự thì bẽ mặt. Anh ấy cứ thúc mãi em đi. Tức thì có tức thấy thế em lại thương anh ấy. Anh ấy có tội tình gì đâu.

Viên tặc lưỡi:

- Những thằng hèn như thế thì bao giờ hạnh phúc đến tay? Ở đời bao giờ cũng chỉ chết những thằng hèn. Thôi cô đi nhé. Bao giờ về nào? Chiều hử? Vào qua đây nhé.

*

* *

Bưởi chặn ngay câu chuyện:

- Thôi đi, em biết cái “chính trị” của chị rồi. Chị lại đến “địch vận” em chứ gì. Em cảnh giác lắm đây. Khốn khổ, ăn gì uống gì mà chị cứ chuốc cái vất vả vào thân. Quanh đi lại chuyện anh Xuân, quẩn lại lại chuyện anh Xuân. Gớm, làm như anh Xuân nhà chị báu lắm đấy. Không lấy được nó thì em ế chồng đấy. Chị đừng tưởng, ngày con Bưởi còn địa chủ thì cũng ba bốn đám hỏi chứ chẳng phải vừa. Chị đến thăm em là quý, chị có thương em nên mới cất công đi đến đây nhưng chị có thương cả đời em nữa không?

Lựu níu lấy chữ thương ấy:

- Ấy cũng vì thương cô nên tôi mới bàn chuyện ấy với cô. Khỉ ạ, dơ nó vừa vừa chứ, lối đâu cứ giận đùng đùng lên không chịu nghe người ta một tý.

Bưởi lắc đầu chua chát:

- Họ vững lập trường họ dứt khoát với em để lấy cốt cán. Chị có nhớ hôm ấy không, em về em khóc với chị. Chị đi tìm nó mà gọi thế nào nó cũng vùng cẳng chạy. Ngữ ấy thì em thèm vào. Cứ nghĩ đến là lộn ruột lên.

- Cứ nhắc mãi chuyện cũ làm gì. Đây anh ấy gửi cho cô cái thư, đọc đi xem họ nói cái gì.

- Em hỏi chị gương vỡ rồi có lành được không?

- Được. Bây giờ có lò nấu thủy tinh rồi.

- Em sợ thư từ lắm rồi, toàn những lời đường mật từ đầu lưỡi trở ra, chẳng biết thế nào là tốt, thế nào là xấu cả.

Lựu phát vào lưng Bưởi:

- Dơ nó vừa vừa chứ. Đọc đi xem nó nói gì nào?

Bưởi thở dài:

- Thì chị lạ gì tính lão ta nữa.

- Dạo này hay đốc chứng thế?

- Em sắp chết đây.

- Đừng có nói nhảm. Hay định tìm hiểu cậu nào rồi thì bảo thẳng cho anh ấy rút lui.

Bưởi thở dài:

- Chị ạ. Em chẳng lấy ai cả. Phải một lần em sợ như con chim bị đạn. Con trai thì tài nói lắm. Lúc thích lấy thì đòi cưới, lúc chán thì lại bỏ, chị thử xem.

Lựu ngồi sát lại Bưởi, lấy tay quàng qua lưng Bưởi:

- Bây giờ anh ấy hối lỗi rồi thì mình phải xử hòa đi chứ. Này dạo này anh ấy săn sóc bà cụ lắm, đi chợ về lần nào cũng mua quà mua bánh cho bà cụ; đêm đi đổ đó hay cất vó về có con cá lại mang sang. Anh ấy định gửi cho Bưởi quyển sổ tay nhưng sợ cô không nhận nên anh ấy chờ khi nào cô về anh ấy đưa tận tay xin lỗi. Thôi, bớt giận đi, đọc tí đã.

- Chị đọc đi. Em kém chính trị lắm, hiểu sao được nghĩa lý cao xa của người ta.

Vớ được câu ấy, Lựu mỉm cười:

- Ừ thì tôi đọc cô nghe vậy.

Nói xong xé phong bì lấy thư ra.

Thôn Chè 20 tháng 5 năm 1956

Cô Bưởi thân mến

Bưởi cười nhạt:

- Bây giờ lại thân mến. Một dạo gọi tôi bằng chị đấy. “Chị hỏi gì”. Chị… chị…

- Hay nhỉ, có để yên cho người ta đọc không nào.

Cô Bưởi thân mến,

Thật là khổ tâm cho tôi. Đáng lẽ tôi phải lên Hợp tác gặp Bưởi nhưng sợ Bưởi giận, tôi phải chong đèn viết đi viết lại lá thư này cốt làm sao cho Bưởi khỏi giận tôi là được. Chắc Bưởi cho tôi gửi thư này để chính trị với Bưởi đây. Tôi xin thề rằng nếu tôi định chính trị với Bưởi thì tôi sẽ chết…

Bưởi quay lại:

- Nếu thế thì mỗi người con trai chết bao nhiêu lần cho đủ.

Lựu phải kéo vào:

- Đã nghe hết đâu.

…Chắc Bưởi thắc mắc về chuyện Đội xây dựng tôi với Lý. Đây chỉ là tin hoang mang. Tôi không có tình ý gì cả nhưng nói thẳng ra thì tôi sợ Lý nó nghi tôi vẫn còn đi lại với Bưởi, nó báo cáo với Đội thì tôi chết…

Bưởi cười nhạt:

- Lại chết. Một tý thế đã hai lần chết.

- Yên nào.

…Thật ra tôi vẫn nhớ Bưởi nhưng hoàn cảnh không cho phép. Tôi không thể nói thẳng như anh Viên, như chị Lựu được. Mọi người sẽ bảo tôi là vì quyền lợi cá nhân chứ không biết cho tôi là vì theo đúng chính sách. Tôi phải xa Bưởi không phải tôi ghét Bưởi mà vì tôi không muốn Bưởi phải vạ lây. Người ta sẽ buộc cho Bưởi mua chuộc nông dân, có phải nặng tội không?

Bưởi ơi, ngày Đội về bốn chúng ta cùng đi xem chiếu bóng ở chợ Thiện, bốn chúng ta cùng hứa với nhau sẽ cưới một ngày. Cuối tháng này anh Viên cưới chị Lựu đây thì Bưởi suy nghĩ xem có nên giận mãi không?

Thôi Bưởi bớt giận đi. Chủ nhật này Bưởi về, tôi sẽ thảo luận hết với Bưởi. Nếu Bưởi cứ giận tôi thì tôi sẽ xin đi lớp thanh niên xung phong ba năm của Tỉnh đoàn sắp tuyển, không bao giờ tôi trở lại làng Chè này nữa.

Cuối thư chúc Bưởi vui vẻ, mạnh khỏe luôn.

Chào thân ái và quyết thắng

Đỗ Văn Xuân

Tái bút: có thế nào Bưởi gửi mấy chữ cho chị Lựu cầm về. Chuyện cũ Bưởi quên đi nhé.

Nghe xong thư, Bưởi chép miệng:

- Quên có lợi như thế làm gì mà không xui em quên. Chị xem cầm dao chém vào da thịt người ta, có quên thì quên, vết dao vẫn còn đó.

Lựu vỗ vỗ vào lưng Bưởi:

- Cô ạ, chẳng may tay phải chém nhầm vào tay trái, bây giờ lại cứ cầm dao khoét vết thương cho nó to hay sao. Tôi hỏi cô bây giờ cô leo cau gần tới buồng rồi chỉ vì tức mình một tí thì cô định thế nào? Leo nữa hay thôi?

Bưởi nhìn ra cửa, cười nhạt:

- Thì lấy cái mo về mà che mặt vậy.

Lựu lại bàn vào:

- Không thể thế được. Đấy anh ấy cất công xin lỗi đấy. Cô định sao thì biên thư cho anh ấy mấy chữ.

Bưởi thở dài:

- Em sợ lắm rồi. Nay mai anh ấy làm cho một trận nữa thì lại bêu cái mặt.

Lựu ngồi sát vào người Bưởi, ôm chặt Bưởi trong tay:

- Chẳng may mới xảy ra chuyện này, chứ có ai muốn (?) gây ra. Anh Viên bị ba chìm bảy nổi, hai mẹ con tôi giấu diếm cô, bà cụ Trí, bà Thủy ký cả vào cái đơn khiếu nại cho nhà cô cũng chỉ mong cho cô với anh ấy được đoàn tụ và từ nay trở đi không còn có những chuyện như thế xảy ra nữa.

Bưởi chớp chớp mắt. Hai hàm răng trắng muốt cắn nhè nhẹ mấy cái vào môi dưới:

- Chị thấy anh Viên bảo sao?

- Anh ấy à? Anh ấy gắt om lên: chỉ rắc rối thôi, nó xin lỗi rồi còn cứ sinh sự làm gì. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Không lấy nó thì còn lấy ai. Tôi định đi xay thúng thóc, anh ấy tháo tràng xay ra bắt đi ngay. Đấy cô xem ai cũng mong cho đôi bên hiệp thương rồi thống nhất. Thế nào, có đồng ý không?

Bưởi thở dài:

- Hôm qua, bu em cũng lên đây, bà cụ nói nhiều lắm, em thì em có thương bu em nhưng nghĩ đến sau này phải ăn đời ở kiếp với người bạc bẽo như thế em chán lắm. Việc hàng đời của em, chị có thương em đừng thúc giục em quá thế. Em thì em quyết định cắt đứt rồi, nhưng em cũng biên thư hỏi ý kiến anh Hồng xem thế nào cho phải đạo làm em. Không anh ấy giận.

Lựu cũng thở dài. Lựu biết rằng Bưởi đang đau đớn như thế, mỗi khi nghe đến chuyện Xuân thì Bưởi như bị ai chạm phải vết dao chém trên mình chưa liền miệng. Nó đã mười chín rồi, lại qua một lần thử thách như vậy, chắc nó đã hiểu cuộc đời. Từ nay trở đi nó không hấp tấp nữa. Nó đã biết suy nghĩ rồi đây. Vả lại anh Hồng trước là cán bộ tỉnh cũng bị bắt oan, bây giờ vừa được phục hồi công tác. Đã qua cầu ấy và lại là người của Đảng, chắc anh ấy sẽ giúp cho Bưởi suy nghĩ chín chắn hơn.

Lựu quay sang định nói nốt câu chuyện nhưng thấy Bưởi đang nhìn ra xa và khe khẽ thở dài. Đôi con mắt đờ đẫn nhưng sâu thẳm ấy còn dấu bao nhiêu là chuyện.

Ngoài trời gió nhè nhẹ thổi làm đứt chân từng đám mây xam xám, vẩn đục và rách nát đang lờ đờ trôi về phía xa như những đau thương theo thời gian lùi dần vào dĩ vãng.

Bắt đầu viết từ ngày sắp cưới

(Tháng 10-1956)

V.B