Sắp cưới - Phần III - Chương 7 - 8

7

- Đội Công bằng sắp về vùng ta!

Tin đó như một tàn lửa rơi vào đồng cỏ khô trong những ngày gió hanh. Lửa bén rất nhanh, loang rất rộng ào ào cuồn cuộn theo hướng gió. Tin tức trên báo Đảng về Đội Kiểm tra lại cải cách ruộng đất được người nọ truyền miệng cho người kia tới tấp:

- Về đến Vĩnh Yên, Phúc Yên rồi!

- Khu ta bắt đầu làm ở Sơn Tây rồi.

- Thanh Hóa rồi.

Ở chợ, đi đường, làm đồng, quanh bát nước chè xanh câu chuyện về “Đội Công bằng” càng được đặt lên hàng đầu như hồi một chạp mọi người đã bàn về Đội chia ruộng đất.

- Ghê lắm nhé! Đội Công bằng về đến đâu, là bao nhiêu người oan ức được khiếu hết.

- Toàn cán bộ cũ cả, không táp nham như cái Đội này.

- Hừ, đừng có vơ đũa cả nắm.

- Nói văng tê đi. Sai tiệt rồi, Đội Công bằng về phải xóa sạch, cải cách lại.

- Chuyến này khối đứa “sặc son”.

- Lúc bấy giờ rạch mồm con thợ đấu ra.

- Không thích. Khâu mồm nó ấy chứ.

Những tên địa chủ chính cống như Phó Văn, Lý Bản cũng bặng nhặng ra tuồng, đi đường không chào nông dân nữa “để Đội Công bằng về xem ai chào ai”.

Mấy buổi chợ nay, bà Khuyến để một mình Bưởi đi làm cỏ bên Bắc còn bà chỉ đi xách giỏ cua ra chợ nghe ngóng binh tình. Cán bộ cũ nhan nhản. Chiều hôm nay, bà gặp ông trưởng ban thuế cũ, ông xã đội phó cũ đi bán cá. Hai người có kể cho bà nghe nhiều chuyện ở những xã xung quang, đến tối về bà kể hết cho Bưởi nghe:

- Ta dại con ạ. Khổ cực oan ức cứ ngậm miệng mà chịu thì cấp trên ở cao, ở xa làm sao biết được. Ta cứ để độc lực anh Viên kêu làm sao cho lại. Ở Xuân Thọ có người làm giấy kêu lên tận Hồ Chủ Tịch, ở Xuân Châu có người đi lên tận Hà Nội tìm vào chỗ ông Trường Chinh mà kêu. Thế là trên phái cán bộ xuống bắt Đoàn ủy về tận xóm điều tra. Phải làm thế mới được, con không khóc sao mẹ cho bú. Nước ta còn có Cụ Hồ thì Đội không thể nào bưng tai ngồi yên được.

Bưởi suy nghĩ một lát rồi thưa với mẹ:

- Kể có tiền hai mẹ con ta cứ đi tận Hà Nội mà kêu thì chóng nhất.

Bà Khuyến thở dài:

- Hàng vạn, bây giờ đào đâu ra. Ta cứ kêu cho trên cử người về đã. Cả xóm Đông này thiếu gì người sống đã bạc đầu, thiếu gì người ăn rau sam, rau má thâm cả miệng thì ai lạ gì nhà ta. Kể Đội nào về cứ từ tốn như đội Văn thì ai mà chẳng nói thật. Không nhưng cứ đùng đùng như hung thần gió lại đi hỏi đám trẻ ranh tám năm kháng chiến chui rúc ở đâu giờ mới về dương vây thì làm gì không chết mẹ con mình. Phải kêu cho trên thấu là chính sách sai rồi. Phải kêu cho trên thấu là cán bộ cho xuống chuyến này về phải dạy dỗ thế nào chứ cứ đi đến đâu làm sai đến đấy chỉ tốn cơm nhân dân. Không biết có phải người của Đảng ít quá không, nên mới đưa những đứa làm bậy quá như thế về đây.

Hai mẹ con bàn nhau thật chín, Bưởi trở ra lấy chà rào rấp ngõ cẩn thận, lúc trở vào Bưởi lại buộc phên cửa thật chặt rồi tìm tờ giấy thật trắng trải lên chõng để viết giấy khiếu oan. Bưởi vừa viết xong hàng chữ: “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, bà Khuyến lại hỏi giật lại:

- Cô định gửi đi đâu?

- Lên tận chỗ Cụ Hồ.

- Không được. Bây giờ trên ấy nhiều việc, chờ Cụ xét đến đơn của mình, lại chờ trên tìm được cán bộ cử về thì lâu lắm, ta hãy kêu đến chỗ Đảng bộ Khu thôi. Ở Khu có nhiều ông biết nhà ta.

Mười chín năm nay Bưởi mới viết giấy lên tận cấp Khu, nên Bưởi nắn nót từng chữ. Mỗi dòng chữ là một nhát dao cứa vào sợi dây đang trói buộc tuổi mười chín của mình nên Bưởi viết liền bốn trang giấy khổ rộng kín đặc những chữ là chữ. Bà Khuyến thấy thế cũng phải kêu lên:

- Thôi viết ngắn thôi, viết dài như thế các ông Khu ông ấy bận việc không đọc hết đâu.

Nhưng Bưởi cứ viết, viết mải mê đến nỗi quên cả nắn nót. Khi nào mỏi tay Bưởi lại đặt bút sang một bên rồi xòe cả năm ngón tay ra một lúc rồi lại viết. Hình như khuya lắm rồi đây. Mai nghỉ một buổi cũng được. Cứ viết đã. Bưởi rất kinh ngạc trong đời mình chưa bao giờ Bưởi viết được lá thư dài đến thế.

À phải rồi, đây là việc hàng đời của mình.

*

* *

Nhất định nhà mình không phải là địa chủ. Bưởi suy nghĩ suốt đêm và tự bảo mình như thế. Bưởi đã mua được quyển “Quy định thành phần” ở chợ Thiện những hai trăm. Bưởi đọc suốt ngày rồi Bưởi cũng hỏi chị Khẩn, hỏi Lựu, ai cũng bảo thế. Vài năm nay bu Bưởi mới làm ăn chậm chạp chứ trước đây ở làng Chè đã mấy người theo kịp. Còn Bưởi thì chưa biết cầy bừa thật nhưng cấy gặt, nước nôi, phân gio, cỏ dả một năm hai vụ có ai thấy Bưởi vắng mặt trên đồng. Bưởi còn cấy còn gặt đổi công trâu nữa là khác.

Nhà mình nhất định không phải là địa chủ. Địa chủ thì phải nhân dân căm thù, nhưng đằng này có mặt Đội thì chặt chẽ như thế mà vắng mặt Đội thì nhân dân vẫn nới tay, vẫn che chở. Hôm đấu thì có ai vạch mặt? Mẹ con nhà thợ đấu thì cả xã này ai nó đấu mà không được. Và hai người ở xóm Nam tố về việc tranh nhau nong nước với nhà Bưởi từ năm Bưởi mới lên năm.

Nhà mình nhất định không phải là địa chủ. Bưởi so sánh nhà mình với tụi Phó Văn, Chánh Thoại, Lý sản. Nhà chúng đều bốn, năm mẫu đổ lên mà có đứa nào chân bén gót bùn. Những buổi đi dự phiên tòa, bu Bưởi và Bưởi phải ngồi cùng với bọn chúng. Cả lũ nhâu nhâu vào nói khích:

- Ông tưởng chỉ mình ông là địa chủ.

Phó Văn cười khẩy:

- Cứ tưởng hòa bình thì làm trời, ai ngờ cũng mắm sốt bớp.

Thằng khác lại đế vào:

- Hồi thuế, cán bộ huyện về ôm chân cho lắm vào. Bây giờ không vác mõm đi mà cắn thóc lép nữa đi.

- Có giời quả báo, mẹ kiếp, hồi Đội mới về ông chạy hai gánh thóc sang Sổ mà con ranh con vác súng đuổi theo. Nay biết thân chưa?

Phó Văn lại ngoác mồm ra:

- Ơn Đảng. Con mẹ móm đi đâu cũng ơn Đảng, nay về nó đá đít cho, thật trắng mắt nhá. Đã biết mùi chính sách của nhà Hán chưa?

Trí chạy xăm xăm lại:

- Cái gì? Cái gì?

Bưởi liền chỉ mặt từng đứa?

- Những thằng này nó chửi tôi.

Tức thời Trí cầm cái gậy gõ vào đầu từng đứa mà bảo:

- Thằng Văn, thằng Sản, hai chúng mày ngồi xa nhau ra. Còn rì rầm thì tao bảo.

Mặt chúng lại tiu nghỉu như ngày họp thuế. Ừ, dạo đó Phó Văn có mảnh ruộng năm sào tư giáp lưng với cái năm sào của nhà Bưởi. Phó Văn kéo cả họ hàng hang hốc ra xóm gân cổ cái lấy cãi để chỉ có năm sào, sau Bưởi giơ tay nói:

- Nếu thế tôi xin đổi cái năm sào của nhà tôi lấy cái năm sào của nhà ông Phó, nếu đồng ý thì tôi chịu thiệt đổi ngay.

Hội nghị vỗ tay hoan hô bưởi và ban Thuế xã có phát thanh chuyện này.

Lại đến khi giao lương, chánh Thoại trộn thóc vịt vào thóc thuế. Bưởi đi cắn chắt từng thúng nên chánh Thoại bị lòi đuôi. Nay thấy nhà Bưởi thế này chúng túm vào rỉa rói. Trước kia ba đứa ấy không kiện nhau chí chạp về chân lý trưởng làng Chè. Chúng đã từng ném bã rượu lậu vào nhà nhau để hại hàng nửa cơ nghiệp của nhau hay sao. Sao chúng không quấn quít lấy mình.

Nhà mình nhất định không phải là địa chủ. Nhất định Độ quy sai. Không phải riêng nhà mình, nhà ông chủ tịch có tám sào, cũng bị lôi ra đấu trường toàn xã cho bọn con Lý đấu lấy đấu để. Công thì chẳng ai nhắc mà tội thì cứ dựng đứng lên. Đến như anh Hồng cũng bị Đội đưa lý lịch khắp nơi này nơi khác để phát hiện. Sao lại sai quá thế này. Lá thư lên được Khu chắc trên mới thấu nỗi khổ của những gia đình cán bộ kháng chiến đang bị oan ức, chắc Khu mới thấy tay phải chém nhầm vào tay trái từ lâu rồi.

Mỗi lần nghĩ thêm được một chuyện Bưởi lại càng tin tưởng như người leo thêm một bậc thang, leo dần lên tới chân lý.

8

Bao nhiêu bận thăm dò nghe ngóng, bà Thủy không hiểu bụng dạ con mình ra sao. Lần này bà Thủy nhất định hỏi thằng Xuân:

- Anh định lấy cái Lý thật đấy à?

Xuân vội lắc đầu chối quanh:

- Con không…

- Đã không có tình ý thì anh lấy khăn tay của nó làm gì?

- Con có lấy đâu, cô ấy “kỷ niệm” cho con đấy chứ.

Nhìn chiếc khăn màu lòng tôm viền chỉ màu cánh sen hoen cả bốn đường viền đang phơi trên dây thép, bà Thủy hơi nghi ngờ câu chối quanh của Xuân. Ngày trước trong xóm đang kháo nhau về chuyện con trai bà tằng tịu với con gái bà Khuyến, bà thường thấy trong túi áo cộc của Xuân có cái khăn tay màu hồ thủy viền chỉ màu cá vàng. Đến nay trong xóm đang kháo nhau về chuyện Xuân sắp cưới Lý thì bà lại thấy con trai bà giấu biến cái khăn màu hồ thủy đi và rước cái của nợ này về. Sao con người ta thì tinh khôn mà con mình thì dại gái quá như thế. Bà Thủy liền chỉ tay ra chiếc khăn:

- Thế thì mang giả ngay đi có hơn không.

- Con mang giả thì nó lại nghi con chưa dứt khoát tư tưởng với cái Bưởi. Nó báo cáo với Đội thì chết con.

- Thế thì lúc Đội đi anh mang giả vậy. Bu nói thật với anh, con ấy dựa vào thế Đội nó vu oan giáng họa cho bao nhiêu người, nên trong xóm chẳng ai ưa nó đâu.

- Cô ấy cũng tốt. Hôm nó không biết đứa nào báo cáo với anh Độ là nhà ta thông gia với nhà Khuyến. Anh Độ lại “điều tra” cô ấy, may cô ấy gạt phăng đi cho chứ không có con đã bị lôi thôi từ lâu rồi. Bu cứ nhẹ dạ nghe người ta. Bu lạ gì cái đất làng Chè này nữa, bao giờ trâu buộc chẳng ghét trâu ăn, họ thấy cô ấy sắp được vào Đảng nên nhiều người ghét đặt điều bàn xấu cô ấy.

- Anh xem bu với nó có gì ghen ghét nhau không?

Xuân tắc cổ không trả lời, bà Thủy nói tiếp:

- Kỳ đại hội lần này chưa chắc nó đã trúng. Mà có trúng, Đội đi thì nhân dân họ đánh đổ. Mấy hôm nay anh có nghe tin tức gì không?

- Không.

Bà Thủy xích lại phía con giai rồi thì thầm tiếng to tiếng nhỏ:

- Hôm qua bà Khuyến làm đơn cho cái Bưởi gửi lên Khu để kiện Đội, kiện cái Lý đấy.

Xuân lắc đầu:

- Ăn thua gì, anh Văn, anh Viên cũng đã gửi thư lên Đoàn, Đoàn lại gửi xuống Đội, anh Độ anh ấy gắt om lên. Anh Viên thì như thế còn anh Văn nghe đâu cũng bị Đoàn ủy kiểm thảo mấy ngày.

Bà Thủy thở dài:

- Thế mà mẹ con bà cụ Lựu, bà cụ Trí định làm giấy lên tận Đoàn ủy kêu cho nhà bà Khuyến. Nghe đâu họ định rủ thêm mấy người nữa cùng đi.

Xuân quay ngoắt lại:

- Thế bu có đi không?

- Anh tính xem có nên đi kêu hộ cho bên ấy một tiếng không?

- Con sợ lắm. Không biết thày nhà ta có bằng lòng không?

- Thầy anh thì chưa nóng nước đã đỏ gọng còn có dám nói cái gì. Đã thế lại định xin Đội cái năm sào của bà ấy ở đồng Bầu. Sáng nay bà cụ Lựu bảo cấp trên đã đăng báo dịch loa đi các xã, bất cứ thành phần gì ai thấy bị oan ức đều có quyền được khiếu lên Đoàn, lên Khu, lên “Trung ương”. Bu nghĩ thế mới phải, chẳng nhẽ Chính phủ thì tuyên truyền công bằng hợp lý mà ở dưới cứ như quấy cám lợn thế này này.

Xuân vội gắt lên:

- Bu hay nhỉ, bu nói lung tung như thế thì Đội lại nghi cho là địch có dại không?

Bà Thủy chép miệng:

- Địch hay không đã có dân có làng. Bu già rồi bu không cần. Bu chỉ nghĩ đến anh. Nhà mình với nhà người ta đi lại hai ba năm giời, nay bên ấy gặp cơ sự này anh tính xem cháy nhà hàng xóm bình chân như vại mà được. Bây giờ mình không nói hộ cho bên ấy vài câu, sau này cán bộ Khu về hạ thành phần cho bên ấy, đám khác đến hỏi bà ấy nhận lời, mình cũng phải chịu cứng cổ ra ấy chứ.

Xuân ngắt lời mẹ:

- Con địa chủ thì ai lấy.

- Anh cứ tưởng ai cũng dại như nhà mình. Bà cụ Lựu nói chuyện với bu rằng bên ông chủ tịch định xin cái Bưởi về cho thằng cả nhà ông ấy.

- Địa chủ thì nó thích lấy con nông dân cho đỡ ảnh hưởng chứ dại gì mà nó lại đi lấy con địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ cho nặng “ảnh hưởng” ra.

- Nhưng bu nghe họ kháo là hai nhà rủ nhau làm giấy khiếu lên khu. Xóm Bắc, xóm Trung khối người ký tên vào đơn. Thế nào hai nhà ấy cũng được hạ. Nếu Khu không xét có khi họ lên tận dinh Cụ Hồ họ kêu. Bu nghĩ mãi rồi, bu định bàn riêng với anh, nhân lúc cấp trên cho nói thì bu cứ điểm chỉ liền vào một cái xem nó ra làm sao. Thời dân chủ ai làm thì người ấy chịu, Đội có làm lôi thôi chỉ làm lôi thôi đến bu, còn anh thì vẫn làm việc ở Đội.

Xuân thở dài:

- Con sắp được kết nạp vào thanh niên lao động, con sợ chuyện này xẩy ra con lại mắc tiếng liên quan.

Bà Thủy nghĩ ngợi một lát rồi hỏi con:

- Lâu nay anh xem báo có thấy Cụ Hồ còn làm chủ tịch không?

- Còn.

- Ông Trường Chinh còn làm Đảng Lao Động không?

- Còn.

- Ông Võ Nguyên Giáp còn làm Đại tướng nữa không?

- Còn.

- Thế thì nhà cửa, ruộng nương nhà bà Khuyến cũng còn. Anh đừng lo. Bu có ký thì bu ký tên bu chứ không ký tên thầy. À mà cấp trên đã cho dịch loa như thế thì bao giờ lại làm tội mà sợ.

Xuân ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Giấy khiếu nại sớm hay muộn cũng lên tới Khu. Khu thế nào cũng phái cán bộ về điều tra lại. Mình sẽ ăn nói làm sao.

Ngoài sân chiếc khăn tay phơi trên dây thép đã nỏ từ lâu; một trận gió ào đến hất cả bốn mép khăn ngược lên trời, tung ra khỏi dây phơi và bay phật phà phật phờ xuống sân. Con chó vàng đang nằm dán bụng xuống hè vội chồm ra lấy chân trước cào cào cái khăn và lấy mũi khịt khịt mấy cái rồi lại quắp đuôi chạy vào.