Đông Cung - Chương 02 - Phần 03

Rượu Mễ La bán quả nhiên lợi hại. Hôm nay tôi uống hơi nhiều, lúc rời quán, mặt đất dưới chân mềm nhũn, cứ như vừa giẫm lên một đụn cát trên sa mạc. Ngoài trời gió mưa tầm tã, bóng chiều dần buông, mưa về giăng bụi, dềnh lên quầng trắng mịt mùng phương xa, mưa bụi giăng mờ thủy các[20], cầu hoa đôi bờ sông đào, nhấn chìm mười vạn hộ dân trong tòa thành tĩnh mịch phủ làn hơi mưa. Gió rắc hạt mưa đậu lên gò má nóng ran, cảm giác mát lạnh, khoan khoái chợt ùa về, tôi chìa tay đón hạt mưa phùn li ti như bụi lưu ly sà xuống lòng bàn tay, mưa khẽ khàng chạm vào da thịt dậy cơn ngứa ngáy. Đốm lửa thấp thoáng, dập dờn từ nhà dân ở phía xa, tửu lâu, quán trà nơi lề đường phố thị chong đèn sáng trưng. Thân đò trên sông đã kịp khoác lên mình chuỗi chuỗi những đèn lồng đỏ, ánh lửa soi tỏ sợi khói tỏa lên từ bếp nhà, bảng lảng trong làn mưa rả rích.

Thượng Kinh lất phất mưa bay đẹp tựa như tranh, dù họa sư[21] ở Tây Lương có tài năng đến mấy cũng không thể mường tượng ra được cảnh sắc phồn hoa nơi này. Nơi đây giống như kinh đô của thiên hạ, thành trì tiên cảnh mà thần tiên ưu ái ban cho. Nơi đây là Thượng Kinh của thiên triều, là đô thị sầm uất, phồn thịnh, khắp thiên hạ không đâu sánh bằng, Thượng Kinh khiến vạn nước thuần phục, vạn dân cảm mến, song tôi biết mình không quên được Tây Lương. Thượng Kinh có đẹp đến mấy thì cũng không phải là Tây Lương của tôi.

[19] Dịch nghĩa: “Lấy gì giải sầu, chỉ có rượu mà thôi.” Câu thơ trích trong Đoản ca hành, thuộc Tương họa ca, Tào Tháo sáng tác bài thơ này trước khi lâm trận Xích Bích. Trong câu thơ, Tào Tháo ám chỉ rượu là Đỗ Khang, Đỗ Khang thường được xem là ông tổ nghề rượu.

[20] Thủy các: gác lầu làm trên mặt nước sông, hồ để ngồi thưởng ngoạn.

[21] Họa sư: một tên gọi khác của từ “họa sĩ”, thường được gọi ở thời phong kiến, thường vẽ tranh trong cung đình.

Bùi Chiếu tiễn tôi đến cửa hông của Đông cung. Thấy chúng tôi lẩn được vào hắn mới quay gót rời đi. Tôi ngà ngà say, chếnh choáng chỉ muốn nôn. A Độ vỗ nhẹ vào lưng tôi, chúng tôi ngồi xổm trong hoa viên một lúc lâu, hứng gió cho tỉnh táo phần nào rồi mới rón rén về cung.

Vừa đặt chân qua cửa, tôi sững người nhìn Vĩnh Nương đang đợi mình trong điện. Bà ấy nhìn tôi, tuyệt nhiên không mắng tôi lại lẻn ra ngoài chơi lấy nửa câu, cũng không trách móc mùi rượu trên người tôi nồng nặc, càng không có ý kiến gì về bộ đồ nam tôi mặc, thay vào đó, bà ấy sầm nét mặt, hỏi:

- Thái tử phi có biết trong cung xảy ra chuyện rồi không?

Tôi tò mò hỏi:

- Xảy ra chuyện gì thế?

- Đứa con của Tự Nương… không còn nữa rồi.

Tôi giật mình trong khi mặt mày Vĩnh Nương vẫn đanh lạnh, bà ấy chỉ nói:

- Nô tì vừa tự ý sai người tiến cung thăm hỏi Tự Nương rồi. Chỉ e chốc nữa Hoàng hậu sẽ vời Thái tử phi vào cung hỏi chuyện.

Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi:

- Hoàng hậu muốn hỏi gì à?

- Hoàng hậu là người đứng đầu hậu cung, phàm khi hậu cung có chuyện, đương nhiên sẽ do Hoàng hậu phân xử. Đứng đầu Đông cung là Thái tử phi, bây giờ Đông cung xảy ra chuyện lớn, đương nhiên Hoàng hậu sẽ hỏi tới Thái tử phi.

Nhưng tôi đã gặp cô Tự Nương kia bao giờ đâu, hỏi tôi cái gì chứ?

Ngặt nỗi từ xưa đến nay Vĩnh Nương phán đâu trúng đó, bà ấy bảo Hoàng hậu sẽ vời tôi thì chắc chắn người của Hoàng hậu sắp đến rồi. Bây giờ người ngợm tôi thành ra nông nỗi này, sao dám đi gặp Hoàng hậu đây? Tôi lo đến cuống cuồng, nhảy cả lên:

- Mau! Mau lên! Ta phải tắm rửa! Mau đi sắc cho ta một bát canh giải rượu thật đặc!

Cung nữ tất tả giúp tôi chuẩn bị, chưa bao giờ tôi lại nôn nóng muốn lao ngay vào nhà tắm như hôm nay. Nước nóng đã sẵn sàng, tôi liền nhảy bổ vào thùng, trầm mình trong làn nước. Thấy tôi cuống cuồng, Vĩnh Nương bảo:

- Giá mà hằng ngày Thái tử phi chịu tuân thủ nội quy trong cung thì bây giờ đâu đến nỗi “gặp nạn mới ôm chân Phật”?

Trước kia, tôi chẳng bao giờ để lọt tai những lời Vĩnh Nương nói, bây giờ phải công nhận câu “gặp nạn mới ôm chân Phật” quả nhiên đúng. Tôi nói:

- Ngày nào cũng phải tuân theo mấy nội quy ấy, khéo ta chết vì chán mất thôi. Thì có gặp nạn mới nhớ tới Phật Tổ chứ! Phật Tổ ơi, xin ngài hãy phù hộ độ trì cho con!

Tuy Vĩnh Nương vẫn đanh nét mặt nhưng tôi biết bà ấy đang cố nhịn cười. Tôi giơ cánh tay ướt sũng khỏi thùng nước, kéo góc áo Vĩnh Nương, nói:

- Vĩnh Nương à, ta biết bà là người tốt, hằng ngày bà vái Phật Tổ nhớ khấn hộ ta mấy câu nhé, đa tạ!

- A di đà Phật! Há lại lấy Phật Tổ ra làm trò đùa! - Vĩnh Nương chắp tay trước ngực. - Thật tội lỗi, tội lỗi!

Tuy ngoài miệng nói thế nhưng Vĩnh Nương vẫn không nén được cười, đón bát canh giải rượu từ tay cung nữ, nói với tôi:

- Xin Thái tử phi mau uống, để nguội sẽ chua lắm đấy!

Canh giải rượu chua ngoét, tôi bịt mũi uống một hơi hết sạch. Vĩnh Nương cắt đặt người xông hương y phục, tôi tắm rửa sạch sẽ, thay bộ quần áo mới. Vừa vấn xong mái tóc, chưa kịp cài trâm, khoác áo, cung nữ do Hoàng hậu phái đến đã chạm cổng Đông cung.

Tôi bảo Vĩnh Nương ngửi thử xem trên người tôi còn mùi rượu không. Vĩnh Nương hít hà cẩn thận một hồi, xịt thêm cả lọ dầu thơm lên người tôi xong, lại bảo tôi ngậm một viên hương hoàn trắng như tuyết. Bỏ viên thuốc đắng ngắt vào miệng, quả nhiên hơi thở thơm mát hơn nhiều, hiệu nghiệm thật.

Bữa nay Hoàng hậu tuyên thiệu cả tôi và Lý Thừa Ngân.

Mấy ngày không gặp Lý Thừa Ngân, hôm nay gặp, thấy hắn dường như lại cao thêm một chút, chắc bởi hôm nay nhập cung nên hắn đội thêm chiếc mũ tiến đức[22], mặc lễ phục, mang cửu ngọc, thêm trang sức bằng vàng. Hắn bước thẳng lên xe, chẳng buồn liếc nhìn tôi lấy một cái.

Lúc triệu kiến Hoàng hậu, tôi mới hay thì ra Tự Nương bất ngờ đau bụng, ngự y chẩn đoán nguyên nhân là do uống nhầm thuốc trợ sản. Hoàng hậu bèn tống giam cả đám cung nữ hầu hạ Tự Nương, kế đó niêm phong toàn bộ thực phẩm, nước uống để Dịch đình lệnh[23] tiến hành kiểm tra. Cuối cùng điều tra ra cơm kê bị bỏ độc khiến Tự Nương sảy thai. Hiển nhiên Hoàng hậu nổi cơn lôi đình, hạ lệnh phải tìm cho ra nhẽ, về sau, có cung nữ không chịu được hình phạt của Dịch đình lệnh nên đã thú nhận có kẻ xúi bẩy ả.

[22] Mũ mão ban cho cận thần ở thời nhà đời Đường.

[23] Dịch đình lệnh là chức danh dành cho hoạn quan.

Vẫn lời lẽ mềm mỏng, Hoàng hậu từ tốn nói:

- Nói gì thì nói, dẫu sao đứa con trong bụng Tự Nương cũng là cốt nhục đầu tiên của Thái tử, ta chỉ sợ mẹ con Tự Nương có bề nào nên mới đưa vào cung. Chẳng ngờ ngay trong cung, có ta ngồi đây mà kẻ khác vẫn ngang nhiên hãm hại mẹ con Tự Nương. Thiên triều ta hơn trăm năm nay, chưa từng để xảy ra chuyện hoang đường này!

Tuy Hoàng hậu nói với ngữ khí ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng ngôn từ lại nghiêm khắc, nặng nề. Chưa bao giờ tôi nghe Hoàng hậu nói như thế, bảo sao tôi không dám thở mạnh. Mà không chỉ tôi, tất cả những ai có mặt trong điện đều khúm núm, bọn họ nín thở nghe Hoàng hậu nói:

- Hai con có biết, cung nữ kia đã khai nhận kẻ nào sai khiến ả không?

Tôi đánh mắt liếc nhìn Lý Thừa Ngân, hắn không buồn nhìn tôi lấy một cái, lãnh đạm trả lời:

- Nhi thần không rõ.

Hoàng hậu sai cung nữ:

- Đọc khẩu cung cho Thái tử và Thái tử phi cùng nghe.

Cung nữ dõng dạc đọc khẩu cung của cung nữ nọ, thoạt đầu tôi nghe bập bõm, cố nghe thêm vài câu nữa liền luýnh quýnh phân trần:

- Bẩm Hoàng hậu, việc này không phải do con làm! Con không hề sai người mua chuộc ả hạ độc Tự Nương.

Hoàng hậu lạnh lùng phán rằng:

- Hiện tại nhân chứng, vật chứng đều đủ, con nói không phải mình làm, vậy có chứng cớ gì không?

Rõ ràng tôi bị người ta vu oan, tôi nói:

- Cớ gì con phải hạ độc mẹ con Tự Nương? Con và Tự Nương không hề quen biết, cũng chưa từng gặp gỡ, vả lại, từ lúc Tự Nương nhập cung, thị ở đâu, con cũng không biết...

Thực sự tôi bị oan! Chẳng hiểu tai bay vạ gió ở đâu lại bị kẻ khác vu oan giáng họa thế này.

Hoàng hậu hỏi Lý Thừa Ngân:

- Ngân Nhi, con thấy thế nào?

Lý Thừa Ngân liếc tôi một cái rồi quỳ xuống, thưa:

- Xin tùy mẫu hậu định đoạt.

Hoàng hậu nói:

- Tuy Thái tử phi có thân phận đặc biệt, lại là công chúa của Tây Lương, nhưng vì nhất thời hồ đồ mà gây ra chuyện lớn này, xem ra không thích hợp để làm chủ Đông cung nữa.

Lý Thừa Ngân lẳng lặng làm thinh.

Tôi ức quá, toàn thân run rẩy:

- Chuyện này không phải con làm, con thà chết chứ không nhận, kể cả mấy người giết con cũng vậy thôi! Đông cung với Tây cung gì chứ, con chẳng thiết, nhưng con quyết không để kẻ khác vu oan giáng họa cho mình!

Hoàng hậu nói:

- Khẩu cung ở ngay đây. Ngân Nhi, con nói xem?

Lý Thừa Ngân thưa:

- Xin tùy mẫu hậu định đoạt.

Hoàng hậu khẽ cười, bảo:

- Một ngày phu thê, trăm năm ân nghĩa, con không nể tình vợ chồng bấy lâu nay sao?

Lý Thừa Ngân chùng giọng, nói:

- Nhi thần không đành, nhưng quốc có quốc pháp, gia có gia quy, nhi thần không dám vì tình riêng mà bất chấp.

Hoàng hậu gật gù nói:

- Được, được lắm! Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nói hay lắm!

Vẻ tươi cười trên gương mặt Hoàng hậu chợt vụt tắt.

- Phế Triệu Lương đệ xuống làm thường dân, lập tức trục xuất khỏi Đông cung!

Tôi giật mình sửng sốt, Lý Thừa Ngân mặt mày tái mét như thể bị sét đánh:

- Mẫu hậu!

- Khẩu cung vừa rồi quả thực không sai dù chỉ một chữ, hiềm nỗi sau khi khai xong, cung nữ kia đã cắn lưỡi tự vẫn. Đừng tưởng chết là hết nhân chứng. Dịch đình lệnh đã mất rất nhiều công sức để điều tra, hóa ra trước kia, cung nữ này từng chịu ơn nhà họ Triệu. Tội ả đáng phải tru di cửu tộc, nhưng truy ra mới biết, ả không có họ hàng thân thích, trừ một người mẹ nuôi. Dịch đình lệnh vừa tìm được một trăm đĩnh bạc trong hầm đất nhà ả, một trăm đĩnh bạc này đều là tiền của công, mở sổ khắc tra được ngay... Sau khi bắt giam và dùng hình đối với bà mẹ nuôi kia, bà ta đã khai rằng Triệu Lương đệ từng sai người đến nhà mình. Chiêu này của Triệu Lương đệmột mũi tên trúng hai đích, lại gắp lửa bỏ tay người. Kẻ lòng lang dạ sói như thế thật đáng hận. Cứ tiếp tục dung túng ả, chẳng phải sẽ đẩy hoàng tộc ta đến bờ tuyệt tự hay sao?

Tôi chưa kịp hiểu rốt cuộc Hoàng hậu nói thế nghĩa là gì thì Lý Thừa Ngân đã cướp lời:

- Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần nghĩ, chuyện này ắt hẳn có kẻ gài bẫy hãm hại Triệu Lương đệ, cần phải cho người từ từ truy cứu. Xin mẫu hậu bớt nóng giận, kẻo ảnh hưởng đến ngọc thể.

Hắn không nói thì còn đỡ, mở miệng nói là đổ thêm dầu vào lửa.

- Quả nhiên ả hồ ly tinh ấy làm con mụ mị đầu óc mất rồi! Trước kia vì chuyện Tự Nương mang thai mà ả Triệu Lương đệ này đã làm ầm ĩ một trận, bây giờ lại mua chuộc người hãm hại Tự Nương! Chưa kể ả còn vu oan giáng họa cho Thái tử phi, có tội khắc phải nghiêm trị!

Lý Thừa Ngân luýnh quýnh nói:

- Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần biết Triệu Lương đệ tuyệt đối không phải loại người đó, mong mẫu hậu minh xét.

- Minh xét cái gì? Đứa con trong bụng Tự Nương nào có gây tổn hại đến ai? Vậy mà ả lại xem như cái gai trong mắt! Loại người như ả sống trong Đông cung chính là mầm mống đại họa của quốc gia! - Hoàng hậu càng nói càng gay gắt. - Vừa rồi, ta đưa khẩu cung của cung nữ kia ra, con không biện bạch hộ Thái tử phi lấy nửa lời, giờ ta nói với con chân tướng sự việc, con lại liến thoắng nói ả hồ ly kia bị oan. Bây giờ con là Thái tử, sau này sẽ làm vua, sao lại thiên vị tình riêng đến vậy? Con cứ như thế, làm sao có thể trị vì đất nước! Loại mầm mống này tất phải diệt trừ. Không giết ả, chỉ e sau này con sẽ bị mê hoặc đến độ bỏ bê thiên hạ!

Lý Thừa Ngân sợ xanh mặt, tôi đành quỳ xuống, thưa:

- Xin mẫu hậu bớt giận, Triệu Lương đệ nhất thời hồ đồ, nếu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e... e là…

Vế sau tôi không biết phải nói thế nào, Lý Thừa Ngân liền tiếp lời:

- Xin mẫu hậu cân nhắc, cha và đại huynh của Triệu Lương đệ đều là cận thần trong triều, được phụ hoàng trọng dụng, xin mẫu hậu cân nhắc.

Hoàng hậu cười gằn:

- Chính con vừa nói, quốc có quốc pháp, gia có gia quy, con không dám vì tình riêng mà bất chấp!

Mặt mày Lý Thừa Ngân tái xám, hắn chết trân, miệng chỉ thốt được một câu:

- Mẫu hậu!

Hoàng hậu nói:

- Chuyện Đông cung đáng lý phải do Thái tử phi xử lý. Ta bao biện làm thay, âu cũng là bất đắc dĩ, song loại người lòng dạ độc ác này, ta đành phải giải quyết vậy.

Nói đoạn, Hoàng hậu liền sai cung nữ đi truyền lệnh. Tôi thấy sự tình căng thẳng, bèn ôm gối Hoàng hậu, thưa:

- Mẫu hậu cho phép con nói vài lời được không ạ? Mẫu hậu đã nói, chuyện Đông cung do con toàn quyền quyết định, con biết xưa nay mình chểnh mảng nhưng hôm nay xin mẫu hậu cho con được thưa vài lời.

Dường như Hoàng hậu đã nguôi ngoai phần nào:

- Con nói đi!

- Điện hạ thực lòng yêu mến Triệu Lương đệ, nếu mẫu hậu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e cả đời này Điện hạ sẽ buồn bã không thôi. - Tôi rối ruột quá nên câu cú lộn xộn. -

Nhi thần và Điện hạ kết nghĩa phu thê đã ba năm, dẫu không được Điện hạ yêu quý nhưng con vẫn biết, Điện hạ không thể sống thiếu Triệu Lương đệ. Bây giờ Triệu Lương đệ phải chết, Điện hạ sẽ càng căm ghét con. Hơn nữa, có rất nhiều việc con không cáng đáng được, đều do một tay Triệu Lương đệ thu vén, như sổ sách của Đông cung, con không hiểu đành giao cả cho Triệu Lương đệ. Nếu không có Triệu Lương đệ, Đông cung không thể yên ổn như ngày hôm nay...

Tôi luống cuống không biết phải nói tiếp thế nào, bèn quay ra gọi Vĩnh Nương:

- Vĩnh Nương, bà giải thích với Hoàng hậu giúp ta!

Vĩnh Nương kính cẩn thưa “vâng” rồi dập đầu, nói:

- Bẩm nương nương, ý Thái tử phi muốn nói, Triệu Lương đệ hầu hạ Thái tử bao năm, dẫu không bỏ công thì cũng bỏ sức. Vả chăng hằng ngày Triệu Lương đệ đối nhân xử thế ôn hòa, đối với Thái tử phi một mực tôn kính, lại dốc sức trợ giúp Thái tử phi quản lý Đông cung, xin nương nương niệm tình Triệu Lương đệ nhất thời lầm lỡ mà mở lòng khoan dung.

Hoàng hậu từ tốn nói:

- Nói gì thì nói, cũng khó giữ Triệu Lương đệ lại được, giữ ả lại chính là mầm họa của Đông cung. Xưa kia, tại đại lễ sắc phong Thái tử phi, Hoàng thượng từng nói, dâu hiền con thảo quả thực là phúc của hoàng tộc ta. Các con thành hôn đã ba năm, chỉ hiềm đến nay vẫn chưa có một mụn con nối dõi, bây giờ lại xảy ra chuyện của Tự Nương, thật khiến ta phiền não.

Lý Thừa Ngân dán mắt nhìn xuống sàn nhà, lí nhí nói:

- Nhi thần bất hiếu!

Hoàng hậu nói:

- Nếu con thực lòng muốn báo hiếu, vậy tranh thủ dành thời gian gần gũi Thái tử phi, tránh xa ả tiện nhân kia ra.

Lý Thừa Ngân khẽ dạ:

- Vâng ạ!

Mình nên nói gì nữa nhỉ? Vĩnh Nương quỳ phía sau cứ kéo váy tôi mãi, ý dặn tôi chớ nên nhiều lời. Khóe môi Lý Thừa Ngân hơi giật giật, song vẫn không thốt ra lời nào.

Hoàng hậu nói:

- Đứng dậy cả đi!

Nhưng Lý Thừa Ngân cứ chết trân ở đó, tôi cũng không đành đứng dậy.

Hoàng hậu không buồn nhìn hắn lấy một cái, song vẫn bảo:

- Chuyện Tự Nương, con đừng quá đau buồn, dẫu sao các con vẫn còn trẻ.

Lý Thừa Ngân lặng thinh, tôi nghĩ bụng, hắn thì đau buồn cái nỗi gì, nếu có đau buồn, âu cũng là vì Triệu Lương đệ.

Hoàng hậu lại nói:

- Tự Nương đúng là đáng thương, sau này phong nàng ta làm bảo lâm[24] vậy.

Lý Thừa Ngân có vẻ ngán ngẩm trong lòng:

- Nhi thần không đồng tình… Nhi thần còn trẻ, ngự thê[25] tại Đông cung còn nhiều, nhi thần cảm thấy không tương xứng.

[24] Bảo lâm là danh hiệu dành cho thiếp của thái tử, địa vị đứng sau thái tử phi và lương đệ.

[25] Ngự thê là tên gọi chung của các thị thiếp của nhà vua.

Tôi biết hắn từng hứa với Triệu Lương đệ sẽ không nạp thêm bất kỳ thê thiếp nào nữa, hèn gì hắn quả quyết thế. Hoàng hậu lại nổi giận đùng đùng, nói:

- Tương lai con sẽ làm hoàng đế, cớ gì mà lại nông cạn, hời hợt thế?

Hoàng hậu chuyển sang tôi, nói:

- Thái tử phi đứng dậy đi, con giúp ta đi thăm nom, an ủi Tự Nương mấy câu.

Tôi có phải kẻ ngố đâu, cũng rõ ý người muốn xua tôi đi để giáo huấn Lý Thừa Ngân. Tôi bèn đứng dậy, hành lễ rồi cáo lui.

Tiểu Hoàng môn[26] dẫn tôi đến một ngự hoa viên vắng lặng, nơi Tự Nương ở, lúc này tôi mới được gặp người con gái tên Tự Nương ấy. Cô ấy nằm trên giường, thần sắc võ vàng, song không che giấu được nét mỹ miều vốn có. Nghe cung nữ hầu hạ bẩm báo: “Thái tử phi tới!”, cô ấy liền lóp ngóp bò dậy. Vĩnh Nương theo sau tôi vội vàng tiến lên, ấn Tự Nương nằm xuống.

[26] Tiểu hoàng môn là chức quan trong cung, thường là hoạn quan.

Tôi cũng chẳng biết phải an ủi ra sao, đành bắt chước Hoàng hậu, nói:

- Muội đừng quá đau buồn, dẫu sao muội vẫn còn trẻ...

Mắt Tự Nương ngấn lệ, nói:

- Đội ơn Thái tử phi, nô tì phúc phận bạc bẽo, giờ chỉ mong được chết.

Tôi ngượng ngập nói:

- Thực ra... có gì đâu mà cứ đòi chết thế! Muội xem, không phải ta vẫn sống vui vẻ...

Tôi nghe Vĩnh Nương đằng hắng một tiếng, biết ngay mình lại nói sai mất rồi. Tôi hỏi để lấp liếm:

- Muội muốn ăn gì không? Ta sẽ bảo người làm rồi đem đến.

Đợt trước tôi ốm liệt giường, Hoàng hậu cũng phái người đến thăm và thường xuyên hỏi tôi thèm ăn món gì, có thiếu thốn gì không. Thực ra Đông cung thì thiếu gì chứ! Chắc người ta thường dùng những câu như vậy để tỏ ý quan tâm. Tôi không biết nên thăm hỏi người ốm thế nào, đành bắt chước theo khuôn sáo ấy.

Tự Nương thưa:

- Đội ơn Thái tử phi!

Tôi trông dáng vẻ tê tái của Tự Nương, dường như có phần âu sầu, ngán ngẩm. Sau vẫn để Vĩnh Nương tiếp lời, tuôn một tràng những câu an ủi. Tự Nương liên tục đưa tay gạt nước mắt, lúc chúng tôi ra về, cô ấy vẫn còn thút thít.

Tôi và Vĩnh Nương quay về cung, bấy giờ Hoàng hậu đã sai người soạn chiếu sắc phong bảo lâm. Mặt mũi Lý Thừa Ngân xầm xì như đeo đá, Hoàng hậu nói tới đoạn:

- Đông cung trước nhất phải hòa thuận, ấm êm. Tính tình Thái tử phi còn nông nổi, bồng bột, nhiều khi thiếu chu toàn, có thêm người trợ giúp âu cũng là ý hay.

Người ngước lên, thấy tôi bước vào, liền vẫy tay ra hiệu. Tôi bước lại gần, hành lễ với người, người không để cung nữ hầu cận dìu tôi dậy, mà đích thân vươn tay đỡ tôi đứng lên. Khi ấy tôi quả thật vừa mừng vừa lo. Thường ngày, Hoàng hậu vốn đoan trang, quý phái, chẳng mấy khi thân mật thế này.

- Còn Triệu Lương đệ, tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó tha. - Hoàng hậu lạnh nhạt nói. - Phế thành thường dân, giam lỏng ba tháng, Thái tử không được phép thăm nom, bằng không ta sẽ hạ chỉ trục xuất ả khỏi Đông cung.

Tôi để ý thấy khóe mắt Lý Thừa Ngân giật liên hồi, song hắn vẫn cúi gằm mặt, ủ rũ lên tiếng:

- Vâng ạ!

Vừa rời cung, Lý Thừa Ngân giáng thẳng vào mặt tôi cái bạt tai. Bấy giờ tôi đang mải lơ đễnh, bất thình lình bị ăn tát liền đờ đẫn như trời trồng.

A Độ tuốt đao nhảy vọt lên, sau một tiếng soạt nhanh như cắt, lưỡi đao sắc lẹm đã kề cổ hắn. Vĩnh Nương giật mình gào toáng lên:

- Không được!

Không để Vĩnh Nương nói dứt câu, tôi đã vả lại Lý Thừa Ngân một cái không thương tiếc. Tuy mù tịt khoản võ công nhưng tôi không phải kẻ dễ chọc, hắn dám đánh tôi, đương nhiên tôi phải đánh trả!

Lý Thừa Ngân buông tiếng cười khẩy, chỉ thẳng vào tôi, nói:

- Có giỏi thì giết ta đi! Cô là loại đàn bà nham hiểm, ta biết chính cô là kẻ đầu trò! Cô gài bẫy khử đứa con trong bụng Tự Nương, đồng thời hãm hại Sắt Sắt.

Người tôi run lên vì tức, tôi đáp lại ngay:

- Điện hạ dựa vào đâu mà dám nói vậy?

- Cô luôn giả vờ đáng thương, làm bộ làm tịch trước mặt mẫu hậu, lại còn giả ngơ! Đừng tưởng ta không biết, chính cô mách lẻo với mẫu hậu, bảo ta hắt hủi cô. Vì ghen với Sắt Sắt nên cô bày trò hãm hại nàng ấy, con người cô độc địa hơn tất thảy loài rắn độc trên thế gian này! Bây giờ cô vừa lòng rồi chứ! Rõ ràng cô muốn tống cổ Sắt Sắt, cô muốn chia cắt bọn ta! Nếu Sắt Sắt có mệnh hệ gì, đừng hòng ta tha cho cô. Ta nói để cô biết, chỉ cần ta đăng cơ hoàng đế, ta sẽ phế truất cô ngay lập tức!

Ba máu sáu cơn nổi lên khiến tôi mụ người, tôi gạt phăng A Độ sang một bên, sấn đến trước mặt Lý Thừa Ngân:

- Giỏi thì phế truất ngay đi, ngươi tưởng ta thích lấy ngươi lắm à? Ngươi tưởng ta báu cái địa vị Thái tử phi này lắm à? Đàn ông Tây Lương chúng ta hàng vạn người, người nào người nấy anh hùng xuất chúng, nào có giống loại người ăn hoang mặc hại như nhà ngươi! Ngoài thi văn ra, ngươi thì biết cái gì? Bắn tên thua ta! Cưỡi ngựa cũng thua ta! Cái loại người như ngươi mà sống ở Tây Lương thì chẳng ai thèm lấy!

Lý Thừa Ngân phủi áo bỏ đi trong tức tối, hậm hực.

Lòng tôi ngùn ngụt tức giận, chúng tôi cãi nhau liên miên suốt ba năm nay, vẫn biết hắn không ưa gì mình nhưng tôi không ngờ hắn lại hận mình, ghét mình, rủa sả mình bằng những từ ngữ tồi tệ nhất trên đời. Vĩnh Nương dìu tôi lên xe, dịu giọng vỗ về:

- Vì Triệu Lương đệ mà Thái tử giận cá chém thớt với Thái tử phi, Thái tử phi đừng để bụng.

Tôi biết chứ, sao lại không biết? Hắn thương Triệu Lương đệ phải chịu oan uổng nên mới thỏa sức trút giận lên tôi. Nhưng khổ nỗi tôi có làm gì đâu, hắn là cái thá gì mà dám giận cá chém thớt với tôi!

Hắn bảo tôi đố kỵ với Triệu Lương đệ, thì đúng là tôi có hơi ghen tỵ thật. Tôi ghen là bởi có người yêu thương ả, lúc nào cũng tin tưởng, săn sóc và bảo vệ ả, nhưng ngoại trừ việc đó ra, tôi không thèm ghen tỵ chứ đừng nói đến việc rắp tâm hãm hại ả.

Triệu Lương đệ nhìn thì có vẻ dịu dàng, mềm mỏng, mấy lần đến chỗ tôi chơi bài, tôi thầm đánh giá cô ả cùng lắm cũng thuộc dạng sắc sảo chứ không hơn, sao có thể làm ra chuyện động trời ấy nhỉ? Với lại, tôi không thấy cách làm của Hoàng hậu có gì là hay ho, Tự Nương có vẻ là người yếu đuối, nhu nhược, dù được phong làm bảo lâm, nhưng nếu Lý Thừa Ngân không ưa nàng ta thì trong Đông cung chỉ thêm một người đáng thương nữa mà thôi.

Đêm đến, tôi mải nghĩ ngợi linh tinh nên mất ngủ, liền bật dậy, hỏi A Độ:

- Em thấy Triệu Lương đệ có giống người xấu không?

A Độ gật gật, rồi lại lắc lắc.

- Ta chẳng hiểu nổi con gái Trung Nguyên nghĩ gì. Mặc dù đàn ông Tây Lương chúng ta cũng năm thê bảy thiếp, nhưng nếu sống với nhau không hợp, vẫn có thể đi lấy người khác cơ mà.

A Độ gật đầu.

- Hơn nữa, Lý Thừa Ngân chẳng được nết gì, trừ cái vẻ ngoài cũng tàm tạm ra, còn lại xấu tính xấu nết, nhỏ nhen, ích kỷ... - Tôi buông mình nằm xuống. - Nếu được chọn, đừng hòng ta lấy hắn.

Tôi nói những lời từ tận đáy lòng. Nếu cho tôi quyền lựa chọn, không bao giờ tôi để bản thân mình rơi vào bước đường thê thảm thế này. Rõ ràng hắn thích người con gái khác, còn tôi bắt buộc phải lấy hắn, bảo sao hắn ghét tôi, tự nhiên cuộc sống của tôi trở nên bức bối, khó chịu. Giờ Triệu Lương đệ rơi vào cảnh bị giam cầm, hẳn Lý Thừa Ngân phải ghét tôi lắm, mà tôi có muốn lấy một người chồng lúc nào cũng thù hằn mình đâu cơ chứ! Nếu để tôi tự chọn lựa, tôi thà lấy một người đàn ông Tây Lương bình dị, chí ít chàng cũng thương tôi thật lòng, chàng sẽ rong ngựa trở tôi, đưa tôi đi săn bắt, thổi kèn cho tôi nghe, rồi tôi sinh cho chàng những đứa con đáng yêu, cả nhà bên nhau êm ấm qua ngày...

Thực ra tôi biết, cuộc sống ấy mãi mãi chỉ gặp trong mơ mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3