Đông Cung - Chương 05 - Phần 03
Lý Thừa Ngân xoay mặt tôi về phía hắn, hắn ngậm trọn vành môi, trao tôi sự nồng nàn trước nay chưa từng có, dường như hắn muốn nuốt chửng tôi xuống bụng. Cả người hắn nóng rực, tỏa hơi nóng rực như nồi nước sôi.
Tôi chợt hiểu ra thứ thuốc nào được bỏ vào canh.
Hả?
Á!
Ối!
Thái hoàng thái hậu ơi, người già mà không nên nết!
Vậy mà... mà... lại...
Tôi hộc máu mất thôi... Tôi không còn gì để nói nữa rồi... Tôi gọi trời trời không thấu, gọi đất đất không thưa...
Lý Thừa Ngân đã nhanh tay cởi bỏ quần áo của tôi, vừa cắn tới tấp, hắn vừa đẩy tôi lên giường.
Hai chúng tôi vật lộn một hồi, chẳng mấy chốc tôi đã lép vế và bị lôi tuột lên giường. Tôi hốt hoảng nghĩ, không biết ngày mai hắn có hối hận không, Triệu Lương đệ của hắn mà biết lại chẳng làm ầm lên, và tôi nữa, lại chẳng đáng thương...
Mười tám món võ nghệ tôi đều giở sạch, thế mà quần áo trên người từng chiếc, từng chiếc cứ rơi xuống. Không chỉ cởi áo quần của tôi, ngay cả quần áo trên người mình, Lý Thừa Ngân cũng tự cởi bỏ. Tôi chẳng hiểu quần áo con trai thì cởi kiểu gì, hắn tuột nhanh như chớp, nhoáng cái đã đối diện với cơ thể trần trụi của nhau... Nhìn thế này liệu có bị đau mắt không nhỉ? Tôi chưa thấy Lý Thừa Ngân trong trạng thái thiếu vải bao giờ...
Thấy tôi láo liên đảo mắt, khóe môi Lý Thừa Ngân nhếch lên, hắn cười gian:
- Đẹp không?
Tôi trỏ tay vào hắn:
- Đồ lưu manh chết tiệt! Đẹp cái nỗi gì! Đừng tưởng ta chưa từng nhìn! Chưa từng ăn thịt heo nhưng ta nhìn heo chạy nhiều rồi!
Lý Thừa Ngân không tranh cãi với tôi, trái lại, còn hùa theo, hắn rót vào tai tôi ngọt xớt:
- Vậy... giờ có muốn thử trò heo chạy không?
- Hả!
Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, tôi liền gào toáng lên:
- Sắt Sắt!
- Sắt Sắt cái gì!
Tôi lay cánh tay hắn:
- Sắt Sắt của chàng đấy! Nghĩ cho Triệu Lương đệ đi mà, chàng không thể có lỗi với muội ấy được! Chàng đừng phụ lòng muội ấy! Chàng thích muội ấy nhất cơ mà!
- Nàng là vợ ta, ta và nàng đường đường chính chính... Ta chẳng làm gì có lỗi với cô ta cả!
- Điện hạ có thích thiếp đâu!
Hắn rủ rỉ nói:
- Ta thích nàng! Ta thích nàng...
- Tại chàng uống nhầm thuốc thôi!
- Uống nhầm thuốc ta vẫn thích nàng, Tiểu Phong, ta thích nàng, thật đấy.
Thật không thể chịu nổi, đàn ông rặt một lũ cầm thú, đồ cầm thú! Chỉ uống nhầm có chút thuốc bổ vào người mà đã quên phắt Triệu Lương đệ. Mắt hắn lúng liếng nhìn tôi, chỉ thiếu chảy nước miếng nữa thôi. Tôi lay hắn:
- Chàng là thái tử, là thái tử kia mà! Nhịn mấy chuyện tầm thường này đi! Bình tĩnh nào! Đừng để một bước sa chân… Cái gì mà hận ấy nhỉ?
- Một bước sa chân muôn kiếp hận.
- Đúng rồi! Một bước sa chân muôn kiếp hận! Chịu đựng một chút... Vì Triệu Lương đệ... chàng phải giữ thân như ngọc chứ...
Giọng hắn nỉ non như giọng chú cún con:
- Ta không muốn giữ! Sao nàng máu lạnh thế, vô tình thế, tàn nhẫn thế?
Tôi sởn da gà:
- Thiếp máu lạnh đâu! Vô tình đâu! Tàn nhẫn đâu!
- Có chỗ nào nàng không máu lạnh? Có chỗ nào nàng không vô tình? Có chỗ nào nàng không tàn nhẫn?
- Thiếp máu lạnh chỗ nào? Vô tình chỗ nào? Tàn nhẫn chỗ nào?
- Ở đây! Ở đây này! Đây nữa!
Mẹ ơi... Ngờ đâu hắn lại cắn... cứ cắn... Nhục chết mất thôi!
Tên đã lên dây, ngàn cân treo sợi tóc!
Tôi nghiến răng quyết tâm, chụp lấy chiếc gối sứ sau đầu nện cho Lý Thừa Ngân một cú. Trong lúc điên đảo thần hồn, quả nhiên hắn lơ là mất cảnh giác, trán hứng một cú trời giáng.
RẦM!
Ngất rồi!
Ngất thật rồi!
Trán Lý Thừa Ngân sưng to như quả trứng gà, tôi lóng ngóng ép chặt cái gối sứ vào chỗ sưng. Có lần tôi va đầu vào chốt cửa, đầu sưng vù, Vĩnh Nương từng dạy tôi một mẹo, bà ấy bảo cứ đội cái gối sứ lên đầu, hỏi thì bảo mấy vết sưng tấy sẽ mau tan.
Đến ngày hôm sau, cục u trên trán vẫn còn đấy, song hắn lại khoan thai trở mình, vừa tỉnh đã trợn mắt nhìn tôi:
- Nàng trói ta làm gì thế?
Tôi vỗ vào vào mặt hắn ra chiều an ủi:
- Kẻo “một bước sa chân muôn kiếp hận” chứ sao nữa? Chàng chịu khó đi! Chàng muốn lật người hả? Để thiếp giúp chàng.
Ngẫm ra, hắn nằm bất động cả đêm chắc cũng chẳng thoải mái gì, nhưng tôi trói chặt tay chân hắn bằng cái móc vàng dùng để mắc màn, muốn lật người e cũng khó. Tôi đành phải lấy hết sức bình sinh đẩy hắn nghiêng sang một bên, nhưng quá trình xê dịch thật khó khăn, loay hoay thế nào mà tôi ngã đè lên người hắn, tóc tai rối bù móc vào khuy cài màn, gỡ mãi không ra.
Đôi mắt hắn rừng rực như chực trào lửa:
- Nàng có thôi trèo lên người ta không thì bảo?
- Xin lỗi, xin lỗi nhé!
Tôi lúng túng gỡ tóc, mải gỡ nên không để ý hắn hôn mình. Nụ hôn trượt từ bờ vai lên cổ, những cái cắn khẽ đầy đê mê gợi cơn run rẩy kỳ lạ trong tôi.
- Cởi trói đi. - Hắn cắn vành tai tôi, nói khẽ. - Ta cam đoan không làm chuyện gì xấu xa đâu... Thả ta ra đi...
- Đời nào thiếp tin chàng!
Tôi không việc gì phải khách khí cả, bao năm đấu chọi với hắn rồi, có dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết chắc chắn hắn đang bày trò. Lần mò mãi mới gỡ được tóc, tôi nhổm dậy, không quên nguýt hắn một cái:
- Chàng ngoan ngoãn chịu đựng đi!
- Ta muốn...
- Chàng không được muốn!
- Ta cần lắm!
- Không được phép cần!
Hắn gầm lên:
- Nàng biết điều chút đi! Con người ta có ba cái mót! Sao nàng tối dạ thế? Ta muốn đi giải quyết!
Tôi ngớ ra, nói cũng phải, đúng là con người ta có ba cái mót. Lần trước ở Đông cung tôi cũng đã sốt vó cả lên, suýt thì khóc đấy thôi. Ngẫm thấy cũng đồng cảm với hắn, dù sao không thể cấm hắn đi nhà cầu được.
Tôi tháo hai chiếc móc màn đang quấn trên tay hắn, nói:
- Đi đi!
Giải quyết xong, hắn liền quay về, đúng lúc cung nữ đẩy cửa bước vào, thấy quần áo ngổn ngang dưới đất, bọn họ đỏ bừng mặt. Lại nhìn vết sưng trên trán Lý Thừa Ngân, ánh mắt càng thêm kỳ quái. Cung nữ dâng nước cho chúng tôi súc miệng, lại hầu thay xiêm y, xong xuôi thì đoàn người lập tức rút lui. Đến thần tốc và rút lui chớp nhoáng, không quên khóa trái cửa.
Tôi điên mất, lại tiếp tục nhốt chúng tôi sao?
Bữa sáng dâng lên lại có món bánh canh bỏ thuốc, Lý Thừa Ngân bực mình, gào qua ô cửa sổ:
- Cụ ơi... Cụ muốn hại cháu trai của cụ à?
Tôi thì chẳng sao, cùng lắm là không ăn.
Lý Thừa Ngân không hề đụng đũa. Chúng tôi nằm dài trên giường với cái bụng lép kẹp, cũng bởi có mỗi giường là nơi ấm nhất.
Thái hoàng thái hậu thật quá đáng, thậm chí chậu than cũng không cho người đến thay.
Lý Thừa Ngân cũng chung tình với Triệu Lương đệ ghê gớm, thà chịu đói còn hơn một bước sa chân muôn kiếp hận…
Nhưng nằm mãi cũng chán, chúng tôi đành chơi cờ, khổ nỗi hắn thắng suốt, hắn nói chơi với tôi chẳng thú vị gì cả nên chán chẳng muốn chơi nữa. Đến tầm trưa, cả hai đã đói muốn chết, Lý Thừa Ngân vẫn hoạnh họe đòi tôi mua vui:
- Hát một bài cho ta nghe đi!
- Sao thiếp phải hát cho chàng nghe?
Lý Thừa Ngân nhổm dậy:
- Không hát chứ gì? Đã thế ta ăn bánh canh vậy.
Tôi níu chặt cánh tay hắn:
- Được! Được! Hát thì hát!
Mà tôi có biết hát bài nào khác đâu, hát đi hát lại mãi một bài:
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.”
Lý Thừa Ngân chê tôi hát dở, tôi hát được hai đoạn, hắn cấm tôi hát tiếp. Chúng tôi vẫn nằm dài trên giường, rỗi hơi liền tâm sự mấy chuyện trên trời dưới đất.
Cũng tại buồn tẻ quá nên Lý Thừa Ngân bắt đầu nói liên miên. Hắn kể toàn những chuyện trước nay tôi chưa từng nghe. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Đông cung lại gọi là Đông cung, rồi biết hóa ra hồi nhỏ tay Lý Thừa Ngân này cũng bướng ghê gớm, thậm chí hắn từng nhổ trộm râu của Bùi lão Tướng quân, thêm chuyện bà nhũ mẫu hắn yêu quý nhất qua đời năm ngoái vì bị bệnh khiến hắn buồn lòng một thời gian dài, và cả chuyện lúc nhỏ hắn hay gây gổ với con trai của Trung vương. Hắn còn tiết lộ thêm vài chuyện lùm xùm trong Hoàng cung, toàn mấy tin lạ tai, hóa ra Phổ vương Lý Thừa Nghiệp, em trai cùng cha khác mẹ với hắn thích đàn ông thật, rồi cả lý do Công chúa Vĩnh Ninh nằng nặc đòi xuất gia...
Có nằm mơ cũng chẳng ngờ, có một ngày tôi và Lý Thừa Ngân lại nằm dài trên giường nói chuyện phiếm với nhau.
Thậm chí còn nói chuyện sôi nổi không dứt ra được.
Tôi cũng kể vài chuyện mà mình mắt thấy tai nghe bên ngoài cung cấm mỗi lần lang thang ngoài phố. Đương nhiên Lý Thừa Ngân không ngờ kiến thức của tôi lại sâu rộng đến thế, chuyện nào cũng khiến hắn phấn khích, giật mình.
Lý Thừa Ngân hỏi:
- Nói tóm lại, nàng thấy heo chạy ở đâu?
Tôi ngẩn ra chưa kịp định thần:
- Heo nào?
Hắn tỏ vẻ bực bội:
- Nàng chẳng bảo, chưa ăn thịt heo nhưng đã thấy heo chạy rồi đấy thôi?
- À!
Tôi phấn khích bật dậy, khoa tay múa chân miêu tả phường Minh Ngọc cho hắn nghe. Qua lời kể của tôi, phường Minh Ngọc được tâng thành chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, là nơi trú ngụ của một bầy tiên nữ thông thạo đàn ca sáo nhị, thơ từ ca phú, không gì không biết, không gì không tường…
Sắc mặt hắn chuyển sang tối sầm:
- Nàng dám đến kỹ viện à?
- Kỹ viện gì chứ, đó là phường Minh Ngọc!
- Đường đường là Thái tử phi của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Trời đất ơi, cái miệng hắn cứ bô bô, lỡ vách nhà có tai thì sao! Tôi bổ nhào đến, bịt miệng hắn, quýnh quáng nói:
- Đừng có gào lên! Gào cái gì! Thiếp chỉ đi mở mang tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Lý Thừa Ngân liếc xéo tôi, ú ớ nói dưới sức ép của tay tôi:
- Ừ... i... àng... a... ới... ông… (trừ phi... nàng... ta... mới... không)
Đừng bảo lại muốn gặm môi nhé?
Sao bọn đàn ông lại xấu tính thế nhỉ?
Tôi hậm hực nói:
- Hôm qua chàng đã hôn thiếp mấy lần rồi, chúng ta chẳng nợ nhau gì cả.
Lý Thừa Ngân phanh ngực áo, chỉ vào vết sẹo trên ngực:
- Thế cái này thì tính sao? Nàng định trả thế nào đây?
Trông vết sẹo hồng hồng ấy, tôi không khỏi chột dạ:
- Tại tên thích khách đâm đấy chứ, có phải thiếp đâm đâu.
- Tại cứu nàng cả đấy! Ta mà không đẩy nàng ra thì nàng đã chết dưới kiếm của hắn rồi.
Tôi cứng họng bởi những gì hắn nói hoàn toàn là sự thật, song vẫn cố cãi cùn:
- Thế giờ chàng muốn gì?
- Lần sau nếu nàng đến phường Minh Ngọc, phải dẫn ta theo.
Tôi hãi hùng, rướn giọng bảo:
- Chàng... chàng... Đường đường là Thái tử của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Lần này đến lượt Lý Thừa Ngân bổ nhào đến bịt miệng tôi, quýnh quáng nói:
- Đừng có gào lên! Gào cái gì! Ta chỉ đi mở mang tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Tôi buồn ra mặt:
- Đang bị nhốt thế này, đi phường Minh Ngọc chơi kiểu gì... Thái hoàng thái hậu định giam chúng ta đến sang năm sao?
Lý Thừa Ngân nói:
- Lo gì, ta có cách!
Không cách nào tệ hơn cách của hắn, hắn dám xúi tôi giả bệnh.
Tôi giả bệnh thế nào được chứ?
Từ nhỏ tới lớn tôi khỏe như ngựa, mới ốm một lần từ hồi đến Thượng Kinh. Bảo tôi giả bệnh, tôi biết phải giả thế nào?
Lý Thừa Ngân nói tôi cứ nằm im một chỗ là được, nhưng khổ nỗi, chỉ được một lúc là tôi lại phá lên cười. Lý Thừa Ngân sốt ruột nói:
- Nàng không làm được thì để ta làm!
Hắn đóng kịch mới khéo làm sao, vừa vật ra giường đã duỗi thẳng đơ rồi nằm bất động.
Tôi chạy xộc ra cửa sổ, gào lên thất thanh:
- Người đâu! Thái tử Điện hạ ngất rồi! Có ai không…
Sau mấy câu gào, cửa điện mới chịu mở toang, nhiều người hớt hải ùa vào, nội quan tất tả đi truyền ngự y, phen này kinh động đến cả Thái hoàng thái hậu thật rồi.
Ngự y bắt mạch hồi lâu, sau cùng kết luận Lý Thừa Ngân mạch phù, tỳ khí hư.
Hai ngày không hạt cơm bỏ bụng, bảo sao tỳ khí hư. Nhưng Thái hoàng thái hậu nào có nghĩ thế, người đinh ninh Lý Thừa Ngân ngất vì kiệt sức. Dù người già không nên nết thì cũng không nỡ nhốt chúng tôi lâu hơn nữa.
Tôi được tiễn về Đông cung, song Lý Thừa Ngân lại xui xẻo bị đưa vào Trai cung, dù gì mai cũng phải làm lễ tế trời. Dẫu đã về tới Đông cung nhưng tôi cũng bận tối mắt tối mũi. Bệ hạ không để Cao Quý phi đứng ra lo liệu đại lễ Nguyên thần, mà việc ấy tạm thời do tôi đảm nhận.
Tết nhất bận túi bụi, người tôi lúc nào cũng mệt bã, thành ra chẳng thấy thích thú chút nào.
Cái đáng lo nhất bây giờ là đại lễ Nguyên thần, tuy có Vĩnh Nương và Cao Quý phi phụ giúp, nhưng tôi cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để học thuộc bài lễ tiết rườm rà ấy, chưa kể lễ lạt, yến tiệc này nọ lũ lượt kéo tới…
Hằng tối, tôi mệt đến nỗi gà gật cả trong lúc tẩy trang. Thế rồi sáng nào cũng như sáng nào, trời tờ mờ chưa tỏ mặt nhau đã bị Vĩnh Nương đánh thức để trang điểm. Trước kia có Hoàng hậu, tôi chẳng phải lo chuyện gì, giờ thì khổ không biết để đâu cho hết. Ngày nào tôi cũng phải gặp rất nhiều người, cả quen lẫn không quen, phải nhận lễ của họ, phải trệu trạo nhai những bữa cơm chán ngắt, tuần rượu nào nghe nữ quan xướng tên, tôi lại phải đứng lên trình bày một bài chúc mừng lấy may, kế đó phải xem mấy bài múa hát nhạt nhẽo, nghe mấy vị mệnh phụ nội ngoại cười nói líu lo.
Bữa yến duy nhất có thể coi là thú vị chỉ có hôm mùng Năm. Hôm đó, tất cả dâu mới trong thiên hạ đều về thăm đằng ngoại, và Hoàng thất thết yến mời tất thảy các công chúa tới tham dự. Chủ tiệc là hai em gái của Hoàng đế Bệ hạ, sau đó lần lượt là mấy vị trưởng công chúa, đều là cô của Lý Thừa Ngân. Mở màn có Trưởng công chúa Bình Nam đến kính rượu tôi. Tuy tôi là lớp hậu bối, nhưng trước mắt ngôi vị Hoàng hậu còn đang bỏ ngỏ, Thái tử phi tôi tạm thời trở thành nữ chủ nhân của hoàng thất.
Tôi nhấp ngụm rượu, đích thân Vĩnh Nương đỡ Công chúa Bình Nam đứng dậy, tôi mới sực nhớ ra, bà ấy chính là mẫu thân của Bùi Chiếu đây mà.
Bùi Chiếu và bà ấy chẳng được mấy nét giống nhau.
Bất giác tôi đảo mắt tìm Công chúa Lạc Hy, chính là cô gái mặc áo chim trĩ đang ngồi đằng kia. Trước kia tôi thật sự không để ý đến Lạc Hy lắm, chung quy cũng tại hoàng thất có quá nhiều công chúa, tôi và các Công chúa không mấy khi gặp gỡ, nhiều người tôi thấy chẳng khác gì nhau. Lần này vì Bùi Chiếu nên tôi mới chăm chăm để ý Công chúa Lạc Hy. Cô ấy không chỉ xinh xắn mà còn tao nhã, mà không ngờ, trông Lạc Hy và Trưởng công chúa Bình Nam hệt như mẹ và con gái. Theo thông lệ cung đình, tiệc rượu thường có tiết mục ngâm thơ, vịnh phú. Vĩnh Nương đã sắp sẵn người viết hộ tôi ba bài Mừng thái bình đâu vào đấy, tôi chỉ việc ngâm nga theo những gì đã thuộc là xong. Công chúa Lạc Hy làm một bàiKhúc hát thanh bình, trong đó có nhiều chữ tôi chẳng biết chứ đừng nói xa xôi đến việc hiểu ý thơ. Ai nghe xong cũng trầm trồ khen thơ tôi làm hay, còn Công chúa Lạc Hy chỉ xếp hạng nhì. Bấy giờ tôi nghĩ bụng, có lẽ đám đàn ông thích một người vợ lá ngọc cành vàng, dịu dàng, nhã nhặn, đa tài đa nghệ như Lạc Hy, nói chung rất xứng với Bùi Chiếu.
Cũng có thể vì quá mệt mỏi nên tôi thấy Tết năm nay chẳng có gì vui vẻ cả. Bẵng đi mấy ngày không thấy bóng dáng Lý Thừa Ngân, nghe nói hắn làm lành với Triệu Lương đệ rồi, hai người lại mặn nồng như xưa. Tự nhiên tôi thấy chạnh lòng, dù sao cả tháng Giêng chỉ có ngày rằm là khiến tôi háo hức nhất.
Tôi thích Thượng Kinh âu cũng bởi tết Nguyên tiêu.