Đông Cung - Chương 06 - Phần 02

Tôi nói mãi, mềm nắn rắn buông đủ cả, vậy mà Vương đại nương nhất quyết không chịu. Bà ấy làm ăn không phải chỉ ngày một ngày hai, chắc không nỡ hủy hoại danh tiếng đã gây dựng bấy lâu. Bà ấy ân cần dẫn chúng tôi lên một gian phòng đẹp đẽ, lộng lẫy, còn gửi hai bộ quần áo, gọi hai đứa a hoàn xinh xắn vào giúp chúng tôi thay đồ, sau đó tự mình đi chuẩn bị tiệc rượu thết chúng tôi.

Đợi bà ấy đi khuất, tôi mới xua hai đứa đầy tớ ra ngoài, tự thay bộ quần áo ướt sượt trên người, âu cũng vì sợ lòi cái đuôi mình là con gái. Lý Thừa Ngân khẽ hỏi:

- Nàng định làm thế nào?

Tôi cười ngô nghê nhìn hắn:

- Làm thế nào cái gì cơ?

- Nàng đừng giả ngốc! Ta biết chắc chắn nàng có cách để đi xem mặt gã khách kia!

- Đương nhiên rồi! Nguyệt Nương là tỷ muội kết nghĩa với thiếp, nếu bị gã đàn ông xấu xa kia lừa thì sao? Thiếp phải đi xem mặt hắn ta mới được!

Lý Thừa Ngân “hừ” một tiếng, bảo:

- Nàng thì hiểu gì về đàn ông mà tốt với chẳng xấu?

Sao lại không hiểu? Tôi thừa hiểu nhé!

Tôi trỏ vào mũi hắn:

- Chàng đừng khinh thường thiếp! Loại người như chàng, đích thị là hư hỏng!

Sắc mặt Lý Thừa Ngân tối sầm:

- Thế ai mới là người đàn ông tốt?

Đàn ông đích thực đương nhiên là cha tôi rồi, nhưng bây giờ, tôi mà lấy cha tôi ra nói, thể nào hắn cũng sẽ cãi cho bằng được. Tôi nhanh trí nói:

- Như Phụ hoàng ấy, người mới là đàn ông chân chính.

Y như rằng, sắc mặt Lý Thừa Ngân càng khó coi hơn, tím tái như bị ngạt thở, nhưng hắn không thể bảo cha mình không phải người đàn ông tuyệt vời được, thế là hắn câm như hến, không dám tranh cãi với tôi nữa.

Tôi dẫn hắn ra ngoài, băng qua dãy hàng lang, thấy bốn bề không một bóng người mới lôi tuột hắn vào một gian phòng.

Phòng không ánh đèn, tối như bưng, giơ bàn tay còn không nhìn thấy đủ năm ngón. Tôi mau chóng lần mò khóa trái cửa lại, rồi lại sờ soạng đai lưng trên người Lý Thừa Ngân.

Thấy tôi vừa trở gót đã ôm chầm lấy mình, Lý Thừa Ngân bất giác cũng gồng mình, nhưng vẫn không đẩy tôi ra, trái lại, còn để tôi thỏa sức lần mò. Khổ nỗi tôi mò mãi chưa xong, hắn tò mò hỏi:

- Nàng định làm gì thế?

- Suỵt! Chàng mang theo ngòi châm lửa đúng không? Đưa đây xem nào.

Lý Thừa Ngân hậm hực móc ngòi châm lửa, dúi vào tay tôi, xem chừng có vẻ giận dỗi, nhưng ngày nào hắn chẳng chơi bài hờn dỗi với tôi, thôi chẳng thèm bận tâm. Châm nến trên bàn xong, tôi nói:

- Bây giờ thiếp phải cải trang đã, rồi lát nữa đi xem mặt gã khách quý của Nguyệt Nương.

Lý Thừa Ngân nói:

- Ta cũng muốn đi!

Tôi mở hòm xiểng, vừa lấy đồ vừa nói với hắn, không buồn ngẩng lên.

- Chàng không được đi!

- Sao nàng được đi mà ta lại không?

Tôi xếp phấn hồng, bột nước ra bàn, cười tít mắt, hỏi:

- Thiếp định trang điểm thành con gái, chàng đi được không?

Quả nhiên Lý Thừa Ngân cứng họng. Lúc tôi hí hửng ngồi xuống, soi gương dặm phấn thì Lý Thừa Ngân chợt buông thõng một câu:

- Ta cũng cải trang thành con gái!

Tôi ngã khỏi ghế, mông đánh phịch xuống nền.

Ôi, cái mông của tôi! Đau quá... Đến khi Lý Thừa Ngân kéo tôi dậy, mông vẫn còn ê ẩm.

Lý Thừa Ngân nói:

- Kiểu gì cũng được, ta quyết phải đi với nàng.

Tôi bất lực ngước hỏi trời cao:

- Thiếp đi xem mặt gã kia, liên quan gì đến chàng mà chàng đòi đi theo?

- Nàng chẳng bảo cô Nguyệt Nương kia đẹp đến mức chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn còn gì...

Tôi tức đến chết mất thôi, vẫn biết Lý Thừa Ngân là gã lưu manh, nhưng không ngờ hắn còn trắng trợn đến nỗi sẵn sàng hạ mình, không ngại hy sinh thể diện, hóa thân thành con gái chỉ để ngắm hoa khôi Nguyệt Nương.

Tôi nguýt hắn:

- Thôi được, chàng qua đây!

- Làm gì?

Tôi soi gương, nở một nụ cười nham hiểm:

- Đương nhiên là thiếp... trát phấn tô son cho chàng, chứ còn sao nữa!

Lý Thừa Ngân vốn sẵn nét khôi ngô, trang điểm lên ắt hẳn sẽ kiều diễm chẳng kém mỹ nhân nào.

Tôi chải đầu, dặm phấn, cài trâm, đeo bông tai, điểm hoa văn lên trán hắn… Chưa hết, còn phải lục đáy hòm, tìm trong tủ một bộ váy cỡ lớn cho hắn mặc, quả là... Phớt tay áo, tha thướt như nàng tiên, rồi nhành hoa gì mà trĩu hạt mưa xuân đầm ấy nhỉ...

Điều khiến tôi thất vọng nhất là, lúc chúng tôi soi gương, nom hắn còn đẹp hơn cả tôi chứ!

Ai bảo da hắn mịn sẵn rồi, lại thêm lớp phấn khiến khí khái anh hùng biến đi đằng nào, chỉ còn thấy một bóng hồng xinh đẹp.

Điểm trở ngại duy nhất chính là vóc người cao lênh khênh của hắn, mặc đồ nữ vào trông hơi thô. Lúc xuống gác, không ít gã vẫy tay đong đưa với chúng tôi vì tưởng chúng tôi là những cô nương của phường Minh Ngọc. Tôi cười giả lả, lách bên này, tránh bên nọ, chật vật lắm mới tới được cửa sau, bất thình lình bị một gã say chặn đường. Gã cười hềnh hệch, chụp lấy bả vai tôi:

- Tiểu nương tử ơi, qua đây ngồi với ta nào!

Miệng gã phả đầy hơi rượu làm tôi choáng váng. Tôi chưa kịp xoay xở, Lý Thừa Ngân đã vung tay giáng cho gã một cái tát.

“Bốp!”

Gã nọ bị đánh cho đờ người, tôi bèn nặn ra một nụ cười:

- Có... có con muỗi...

Rồi kéo Lý Thừa Ngân chạy biến.

Chạy một mạch ra tới lầu sau mới nghe thấy tiếng gào như lợn bị chọc tiết vẳng lại từ lầu trước.

- Ối! Nó dám đánh người...

Phía lầu trước thoáng xôn xao, gã khách nọ la hét om sòm, nhưng thể nào cũng có người đến giải quyết ngay ấy mà. Bước ra đằng sau yên tĩnh hơn nhiều, tuy có cầu mái hiên nối liền, nhưng gian nhà phía sau chỉ dành để thết đãi thượng khách. Tiếng đàn ca thỉnh thoảng chen lẫn một vài câu nói cười lọt qua ô cửa sổ. Bên ngoài, tơ trời rả rích tuôn rơi, dường như phụ họa theo tiếng đàn thánh thót văng vẳng trong căn phòng. Khoảnh sân tĩnh lặng như tờ, vốn trồng lưa thưa vài loại cây chưa đến mùa nảy lộc, trông chỉ một màu tối đen. Tôi tò mò bèn kéo Lý Thừa Ngân chạy băng qua cầu mái hiên. Tai nghe xiêm y sột soạt, quét lê dưới đất, rồi tiếng bội ngọc va vào nhau thánh thót. Đèn lồng phía xa, từng chiếc nối đuôi nhau tỏa ánh đỏ mông lung, tưởng là xa nhưng hóa ra thật gần. Nhận ra mình đang nắm tay người nào đó, tôi sực nhớ ra, hình như đây là lần đầu tiên chúng tôi tay trong tay, chẳng hiểu vì sao vành tai tôi bỗng nóng bừng. Những ngón tay tôi nằm gọn trong bàn tay mềm mại, ấm áp của hắn. Tôi không dám ngoái nhìn, cũng không rõ mình sợ hãi điều gì. May sao cây cầu rất ngắn, chẳng mấy chốc tôi đã kéo Lý Thừa Ngân vào một gian phòng.

Căn phòng được bài trí vô cùng tinh tế, lửa nhảy nhót trên bấc nến đỏ, khắp phòng thơm nức mùi trầm, đặt chân lên tấm thảm đỏ trải sàn mềm mại như đạp lên một đụn tuyết. Tôi biết Nguyệt Nương thường tiếp thượng khách ở đây, tôi nín thở, rón rén tiến lên phía trước. Ghé mắt nhìn qua lớp bình phong, loáng thoáng thấy bóng dáng một gã đang ngồi giữa, Nguyệt Nương ngồi cạnh, vừa gảy tỳ bà vừa hátVĩnh ngộ lạc. Đáng ghét nhất là tấm mành rủ hờ sau bức bình phong, che lấp gần hết thân hình gã khách kia, khiến tôi chẳng nhìn rõ gì cả.

Tiếng bước chân dồn dập bất thình lình vang lên khiến tôi chết đứng, cứ tưởng gã nát rượu ban nãy đuổi tới nơi, hóa ra là Du Nương với mấy ca nhi. Thấy tôi và Lý Thừa Ngân, Du Nương giật mình hoảng thốt, tôi phải níu tay áo muội ấy, thì thào:

- Du Nương, ta đây mà!

Du Nương bụm miệng giật lùi nửa bước, mãi sau mới cười, nói:

- Sao Lương công tử lại ăn vận như thế này, làm em suýt nữa không nhận ra.

Rồi cô ấy đảo mắt sang Lý Thừa Ngân đang đứng sau lưng tôi:

- Đây là vị tiểu thư nào, nhìn lạ quá!

Tôi cười giả lả, nói:

- Nghe nói chỗ Nguyệt Nương có thượng khách đến chơi, ta ghé qua xem cho biết thôi.

Du Nương cười, bảo:

- Ra thế!

Tôi ghé tai Du Nương nói nhỏ với cô ấy mấy câu, sắc mặt Du Nương có phần đăm chiêu, song tôi vẫn cố nằn nì:

- Ta chỉ liếc một cái rồi đi luôn, đảm bảo không gây chuyện gì đâu.

Ở phường Minh Ngọc này, ngoài Nguyệt Nương ra thì Du Nương với tôi cũng là chỗ thân tình. Con người Du Nương vốn hiền lành, dễ bị lung lay trước màn chèo kéo của tôi, cuối cùng cô ấy đành gật đầu đồng ý. Tôi sung sướng, quay sang hỏi Lý Thừa Ngân:

- Chàng biết múa không?

Cứ đinh ninh Lý Thừa Ngân sắp hộc máu, không ngờ hắn hỏi tôi tỉnh bơ:

- Múa điệu gì?

- Đạp ca[52].

[52] Đạp ca là một hình thức nghệ thuật vừa múa vừa hát, mang tính truyền thống của dân tộc Hán.

Chỉ chờ câu “không biết” của hắn là tôi sẽ cắt đuôi ngay lập tức, không ngờ hắn thẳng thừng buông hai từ:

- Ta biết!

Mình ngốc quá! Hắn là thái tử, cứ độ tháng Ba hằng năm, trong cung làm lễ Kỳ yên[53], năm nào cũng do thái tử đạp ca, mình thật ngốc quá đi mất!

[53] Theo tục lệ cũ, mùa xuân, mùa thu hằng năm làm lễ trừ tà ở bến nước. Vào mùa xuân, lễ Kỳ yên thường được tổ chức vào ngày Tị, thượng tuần tháng Ba âm lịch.

Tôi cố níu kéo chút hy vọng:

- Nhưng đây là điệu múa của con gái mà.

- Ta xem không biết bao nhiêu lần rồi, giống nhau cả thôi.

Thôi thì... đã đến nước này rồi, đâm lao đành phải theo lao vậy.

Trong phòng, tiếng đàn tỳ bà của Nguyệt Nương đã ngừng, tiếng sáo dìu dặt vang lên, trong đó ắt hẳn còn một đội chuyên đàn sáo nữa. Làn điệu thúc giục đám ca nhi ra sân khấu, nhịp phách lững lờ chậm rãi, uyển chuyển mà tao nhã.

Tôi hít một hơi thật sâu. Nhận quạt lụa từ tay Du Nương, Lý Thừa Ngân và tôi nối đuôi mấy ca nhi tiến vào.

Lúc ấy, Nguyệt Nương đã se sẽ cất giọng ca: “Chàng là trăng trên cao...”

Giọng Nguyệt Nương hay quá, mượt mà như châu như ngọc, mới hát một câu đã khiến người ta mê đắm... Tôi nghe tim mình đập rộn rã, cuối cùng cũng được thấy mặt mũi gã khách nọ ngang dọc ra sao, vừa háo hức, vừa phấn khởi lại vừa tò mò... Đám ca nhi chúm chím mỉm cười, chuyển mình xoay người lại, tôi và Lý Thừa Ngân cũng quay theo. Mọi người đồng loạt hạ tay quạt, chỉ có tôi vừa hạ quạt xuống đã cứng đờ người.

Chết trân tại chỗ…

Mà không chỉ mình tôi…

Lý Thừa Ngân ắt cũng thảng thốt như tôi. Những ca nhi khác đã bắt đầu hòa mình vào điệu múa, chỉ có tôi và hắn chững lại, đờ người.

Thì bởi vì, tôi có quen vị khách kia, không chỉ tôi, ngay cả Lý Thừa Ngân cũng biết.

Mà đâu chỉ quen biết bình thường...

Trời cao ơi...

Xin người cho chúng con một cái lỗ để chui xuống...

Hoàng thượng ơi...

Người có nhớ cánh sen trong cơn mưa mùa hạ bên bờ hồ Đại Minh không?

Bên cạnh tôi, những ống tay áo muôn màu bồng bềnh phiêu diêu theo điệu hát, tà váy tựa như có làn gió chao nghiêng, như băng tuyết tan chảy, lay động và đi vào lòng người. Tôi và Lý Thừa Ngân đứng ngây ra như khúc gỗ. Du Nương liên tục nháy mắt ra hiệu, tôi phải nhéo mình một cái, rồi lại cấu Lý Thừa Ngân... Phải chăng mình đang mơ? Nhất định là mơ rồi!

Bệ hạ... Phụ hoàng... Trời ơi sao lại là người? Người... người... người... bảo nhi thần và Thái tử Điện hạ nên trốn vào đâu đây... Nhi thần chỉ muốn đào một cái lỗ...

May thay, Bệ hạ không hổ là Bệ hạ, dù chúng tôi đứng chết trân vì quá đỗi kinh ngạc thì người vẫn rất điềm tĩnh quét mắt nhìn qua chúng tôi rồi thản nhiên nhấc chén trà, nhấp môi.

Lý Thừa Ngân là người lấy lại tinh thần trước, hắn kéo tay áo tôi, lả lướt nhún nhảy từng bước theo đám ca nhi. Vừa múa vừa nơm nớp lo sợ, lòng dạ bồn chồn không yên. Tôi vừa quay đầu lại, thấy Nguyệt Nương đang trợn mắt nhìn mình, chắc tỷ ấy đã nhận ra tôi rồi. Tôi bèn nháy mắt, đáp lại tôi là cái lườm của Nguyệt Nương. Chắc tỷ ấy sợ tôi quấy quả làm thượng khách mất hứng, nhưng có đánh chết tôi cũng không dám làm trò xằng bậy trước mặt vị khách này.

Chẳng dễ gì qua được khúc đầu tiên, Nguyệt Nương mỉm cười đứng dậy toan lên tiếng thì vị khách liền nói:

- Điệu đạp ca này quả không tệ!

Nguyệt Nương khéo léo nói:

- Vẫn còn chưa hay, may đại nhân không chê. Chi bằng tạm cho họ lui xuống, Nguyệt Nương đàn mấy bài hầu đại nhân nghe.

Thượng khách gật đầu:

- Cũng được.

Nguyệt Nương vừa buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, vị khách lại giơ tay chỉ:

- Bảo hai ca nhi này nán lại.

Ngón tay của vị khách trỏ vào Lý Thừa Ngân, kế đó chuyển sang tôi, không sai lệch chút nào. Nguyệt Nương như sắp ngất, nụ cười trên môi cứng đờ:

- Thưa đại nhân... giữ lại... giữ lại bọn họ là sao ạ?

- Kỹ thuật múa của hai ca nhi này rất khá, giữ lại để hầu rượu ta.

Lời thượng khách nói, ai dám khước từ! Thế là Nguyệt Nương ái ngại liếc tôi, tôi ái ngại ngó sang Lý Thừa Ngân, Lý Thừa Ngân ái ngại nhìn Bệ hạ, mà Bệ hạ ái ngại... khụ khụ, người đang nhìn xoáy vào chúng tôi.

Tóm lại, tất cả lui ra ngoài, bao gồm cả những nghệ nhân chơi nhạc, trong phòng chỉ còn bốn người ngơ ngác nhìn nhau, người nào người nấy đều có suy tính riêng.

Sau cùng, vị thượng khách lên tiếng:

- Nguyệt Nương, đi xem có món gì không!

Bấy giờ Nguyệt Nương luýnh quýnh nhìn tôi một lúc, rồi lại đưa mắt nhìn sang vị khách quý nọ. Trông vị đại nhân kia vẫn bình thản như không, dù tôi đã nháy mắt ra hiệu, song quả thực Nguyệt Nương chẳng hiểu ý tôi. Về sau lại sợ vị khách sinh nghi, Nguyệt Nương đành vái chào rồi lui ra ngoài.

Đầu gối bủn rủn, tôi quỳ sụp xuống, sợ thì không sợ, mà do lả người. Vừa rồi nhảy múa mệt phờ, đám ca nhi dưới trướng Du Nương đều là những ca kỹ có tiếng ở kinh thành, bở hơi tai mới bắt kịp bọn họ.

Lý Thừa Ngân cũng bắt chước tôi quỳ xuống, cảm giác trong phòng có điều gì đó khác thường, bầu không khí cũng thật lạ lùng.

Đừng có phạt tôi chép sách nữa nhé! Tôi rầu rĩ nghĩ, phen này mình gây họa lớn thật rồi, dám dẫn Thái tử Điện hạ đến kỹ viện, lại còn bị Hoàng đế Bệ hạ bắt tại trận nữa chứ! Bây giờ phạt mình chép ba mươi lần Nữ giới, chết chứ làm sao sống nổi!

Nhưng tôi sực nhớ ra một chuyện, Bệ hạ cũng đến thanh lâu kia mà. Chẳng hóa ra, cả nhà rủ nhau đến kỹ viện rồi còn gì, chắc người không nỡ phạt tôi chép sách đâu.

Tôi đang mải suy nghĩ thì bỗng nghe Bệ hạ hỏi:

- Ngân Nhi, sao con lại ở đây?

Tôi liếc nhìn bộ dạng giả gái của Lý Thừa Ngân, Bệ hạ hỏi câu này cũng thật oái oăm. Bây giờ Lý Thừa Ngân mà khai tôi ra là hắn không xong với tôi đâu.

May mà Lý Thừa Ngân dõng dạc đáp:

- Do con hiếu kỳ, muốn đến xem cho biết ạ!

Bệ hạ chỉ vào tôi, hỏi:

- Thế Thái tử phi thì sao?

Lý Thừa Ngân vẫn hùng hồn đáp:

- Do Thái tử phi cũng thấy hiếu kỳ nên con mới dắt theo.

Có tình có nghĩa đấy! Bấy giờ, tôi chỉ muốn vỗ vai Lý Thừa Ngân nói: “Không ngờ chàng lại trượng nghĩa đến thế! Nể tình lần này chàng ra tay nghĩa hiệp, lần sau thiếp nhất định sẽ báo đáp.”

Bệ hạ cất tiếng “ờ” nhàn tản, sau đó nói:

- Không ngờ phu thê hai con lại sắt son như vậy.

Vẻ mặt Lý Thừa Ngân vẫn tỉnh bơ:

- Con xin mạo muội hỏi phụ hoàng, sao người cũng có mặt ở đây?

Thật không ngờ Lý Thừa Ngân lại to gan đến thế, thì cả nhà ngao du kỹ viện chứ có gì đâu, hà tất phải nói trắng ra như thế, chỉ làm khó xử hơn. Nhưng Bệ hạ vẫn cười, nói:

- Chấp chính không khó, miễn là không đắc tội với các danh gia thế tộc[54], thân là Thái tử, lẽ nào con không hiểu đạo lý đó?

[54] Trích Mạnh Tử.

- Những gì phụ hoàng chỉ bảo, nhi thần luôn ghi lòng tạc dạ, song phụ hoàng cũng từng nói, tiền triều diệt vong, căn nguyên bởi kết bè kết cánh, đảng phái trong triều mọc lên như nấm, lệnh vua như không, lại thêm dịch châu chấu triền miên, giang sơn xã tắc vì lẽ đó mà tuột khỏi tầm tay, đại nghiệp từ đó mà mất.

Họ nói gì mà tôi chẳng nghe lọt câu nào. Rõ ràng hai người này đang bàn chuyện triều chính, chứ ngao du kỹ viện gì chứ!

Tôi thấy chán ngán, bỗng Bệ hạ cười phớt, nói:

- Trước mắt con định xử trí ra sao?

- Lật lại bản án ạ!

Bệ hạ lắc đầu:

- Án cũ từ mười năm trước, đâu dễ lật được. Vả chăng nhân chứng, vật chứng giờ đây đã thất lạc gần hết, phải lật lại từ đâu đây?

Lý Thừa Ngân cũng cười, nói:

- Cần bao nhiêu vật chứng, ắt sẽ có bấy nhiêu. Về phần nhân chứng... Phụ hoàng đã thân chinh vi hành tới đây, tất phải biết nhân chứng đã ở đây rồi.

Bệ hạ bật cười, thở dài, nói bảo:

- Con thật là…

Tôi nhớ mỗi lần nghịch ngợm đòi cưỡi con ngựa bất kham, cha luôn mắng yêu tôi bằng câu nói vẻ bất lực ấy. Nỗi nhớ cha gợi lên trong lòng tôi một cảm giác ấm áp, thân thương, dù tôi không hiểu hai cha con họ đang nói gì. Lát sau, chợt vang lên tiếng bước chân hớt hải, liền đó, một ca nhi vốn quen biết đứng ngoài gõ cửa, cuống quýt gọi tôi:

- Lương công tử! Lương công tử!

Cả Bệ hạ và Lý Thừa Ngân đều đổ dồn ánh nhìn về phía tôi, tôi luýnh quýnh bật dậy:

- Có chuyện gì thế?

- Có kẻ tự nhiên xông vào, bảo Du Nương nợ tiền hắn rồi trói Du Nương lại, bây giờ đang đòi bắt Du Nương đi!

Tôi vừa nghe đã thấy nóng gáy:

- Mau dẫn ta đi xem!

Lý Thừa Ngân kéo tay tôi, nói:

- Ta đi cùng nàng!

Tôi ngoái đầu nhìn Bệ hạ, khẽ giọng nói:

- Chàng ở lại với Phụ hoàng đi!

Bệ hạ gật đầu với chúng tôi:

- Các con cứ đi đi, ta có người bảo vệ rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3