Đông Cung - Chương 08 - Phần 02
Chúng tôi vừa đi ngang qua phố Nam Thị, bỗng có tiếng huýt sao, liền đó là tiếng nổ “bịch” giữa không trung. Người đi đường đồng loạt ngước nhìn lên, thấy góc trời rợp ánh vàng, ánh bạc, lồng vào nhau đơm thành bông hoa sáng rực, khiến trăng rằm kia cũng phải nép mình nhường bước cho pháo bông nở rộ. Thì ra trên tháp Thất Tinh đã bắt đầu thi bắn pháo hoa.
Tháp Thất Tinh như đang vẩy vàng, rắc bạc vào không trung, những tràng pháo hoa liên tiếp bùng nổ trên bầu trời, mở đầu là “Đất bằng sấm nổ”, sau là “Mẫu đơn mừng xuân”, tiếp đến là “Thái bình thịnh vượng”, thậm chí có cả “Trăm năm hòa hợp” và muôn vàn những dáng vẻ khác nữa... Người trên phố đều ngẩng lên ngắm nhìn với vẻ hồ hởi, si mê. Cố Kiếm cũng không ngoại lệ, chiếc khăn chít đầu phất phơ trong làn gió đêm nhè nhẹ mang theo cái se lạnh của ngày xuân, sau lưng gã là con phố rực ánh đèn. Mỗi lần pháo bông vụt sáng, khuôn mặt gã cũng bừng lên rạng rỡ, mỗi lần khói lửa lụi tắt, khuôn mặt kia như phảng phất chìm trong bóng tối. Tôi chăm chăm nhìn gã trong khung cảnh tranh tối tranh sáng ấy.
Mà thực ra tôi đang nghĩ, nhân lúc này mình có bỏ chạy, chưa chắc Cố Kiếm đã đuổi kịp. Đường chật như nêm thế này, tôi cứ lẩn vào dòng người, gã có tìm đằng trời cũng chẳng ra.
Ngặt nỗi gã cầm khư khư bàn tay tôi, cầm miết từ bấy tới giờ. Tôi đành tự nhủ, mình khó mà vùng tay ra được.
Hàng quán ven đường trải dài san sát, họ rao bán tuyết liễu, ngải tằm[58], cờ xuân, hoa thắng[59]… óng ánh, rung rinh, thoạt nhìn đã lóa cả mắt, nhưng nhiều người thích những thứ như vậy. Tôi nhìn trân trân xuống dưới, không thèm nhìn những thứ ấy. Bỗng nhiên có gã tiểu thương không biết điều chặn chúng tôi lại, đon đả chèo kéo Cố Kiếm:
[58] Mũ hình con ngài và tuyết liễu là những đồ trang sức, phụ kiện phụ nữ thường mang trong tiết Nguyên tiêu.
[59] Người xưa cắt giấy màu làm hoa, để cài lên tóc cho đẹp, gọi là hoa thắng.
- Công tử ơi, mua cho nương tử nhà ngài một đôi trâm cài đầu đi! Phu nhân nhà ngài duyên dáng thế kia, cài thêm chiếc trâm này, chẳng khác nào gấm đơm hoa, đã đẹp lại càng thêm xinh! Mười đồng một đôi, vừa đẹp lại vừa rẻ!
Thấy Cố Kiếm định phẩy tay, tôi đoán hắn phẩy tay xua tay bán hàng rong, không ngờ gã lại chọn hai chiếc trâm cài đầu rồi trả cho tay kia mười đồng.
Gã nói:
- Cúi đầu xuống nào!
Tôi bảo:
- Tôi không thích những thứ này.
Gã cài trâm lên tóc tôi, coi như không nghe thấy gì. Cài xong một chiếc, lại cài tiếp chiếc kia.
Do khoảng cách gần kề nên tôi cảm thấy rất rõ ràng hơi thở khẽ khàng, ấm áp của gã, mà còn hơi ngưa ngứa nữa. Cơ thể gã tỏa ra một làn hương dịu nhẹ, không phải mùi trầm hay long diên hương hằng ngày tôi vẫn quen thuộc, mà là một mùi hương nào đó rất khó gọi tên, thơm như mùi dưa lê trồng trên đất Tây Lương, ngọt thanh mà thoáng cảm giác mát dịu. Cài trâm xong, Cố Kiếm kéo tay tôi để ngắm trái ngắm phải, như thể sợ cài lệch dù chỉ một chút. Chưa bao giờ gã nhìn tôi chằm chằm kiểu đó, hai mang tai tôi nóng bừng, mất tự nhiên, bèn giục gã:
- Đi thôi!
Thực ra tôi vẫn chưa biết nơi gã định dẫn tôi tới, mà dường như gã cũng vậy. Chúng tôi vừa đi vừa dừng trên con phố tưng bừng, tấp nập ấy. Dòng người như cơn thủy triều dồn sóng về phía trước, đi nhanh thì khó, mà muốn lách cũng không được.
Cho đến tận chỗ rẽ cuối cùng, con đường Chu Tước thẳng tắp hiện ra ngay trước mắt. Phóng tầm mắt nhìn ra con phố Thiên Nhai dẫn tới Thừa Thiên Môn hằng ngày vốn cấm dân chúng lại gần, thế mà nay người ta đứng chen vai ngóng lên Minh lầu trong ánh đèn lộng lẫy.
Bấy giờ tôi mới biết gã định đưa mình đi đâu, thế rồi nỗi sợ hãi trong tôi vô tình trỗi dậy.
- Sao? Không dám đi à?
Cố Kiếm ngoái đầu nhìn tôi, thản nhiên cười hỏi. Tôi luôn cảm thấy nụ cười ấy có phần mỉa mai, nhớ lần đầu tiên gặp nhau, gã đâu có cười kiểu này. Lúc ấy gã mặc áo choàng màu xanh, đứng dưới mái hiên ven đường, dõi theo tôi và A Độ đang chạy trốn trên phố.
Sao bây giờ lại thành ra thế này?
Tôi tự huyễn hoặc mình, nói:
- Rốt cuộc huynh muốn gì?
- Ta muốn muội đau đớn, quằn quại tưởng như trái tim đã ngừng đập. - Giọng gã đều đều, như thể đang kể một câu chuyện phiếm. - Lòng ta đã chết, ta muốn muội cũng nếm trải cảm giác đó!
Tôi nào có nghe rõ gã đang nói gì, tư tưởng chỉ hướng về phía cổng lầu xa lắc, chót vót trên cao kia. Nơi ấy chính là Thừa Thiên Môn, lầu cao khoe đèn lồng đỏ thắm, pha trộn đủ sắc màu tươi vui từ những cụm đèn nhỏ, cả tòa lầu được điểm xuyết sắc màu lung linh, đèn đuốc rỡ ràng vây quanh chân thành, biến Thừa Thiên Môn thành chốn lầu son gác tía trổ lưng chừng trời. Càng bước lại gần, cảnh sắc càng hiện ra rõ ràng. Trên lầu buông lớp màn đỏ thắm, gió đưa mành lụa phất phơ, thấp thoáng sau màn có đội nghi trượng[60] lẫn trong bóng người. Trên ấy in bóng búi tóc cao ngất của đám cung nữ và dáng người thướt tha, yêu kiều đang dạo gót trên lầu, ánh đèn dán những chiếc bóng xinh đẹp của họ lên tấm màn, gợi tôi nhớ đến màn múa rối bóng trước đây từng xem trên phố. Cổng Thừa Thiên sừng sững cao ngất trời, mọi thứ diễn ra trên ấy giống như con rối in bóng lên tấm vải trắng, nhất cử nhất động đều mang lại cho tôi cảm giác xa vời.
[60] Vật trang hoàng nơi cung thất, dinh thự, hay dùng khi vua quan đi đường, như: tàn, cờ, quạt, binh khí, v.v...
Loáng thoáng có những âm thanh từ trên lầu vọng xuống, ngay cả tiếng đàn ca cũng bị đẩy dạt vào xa xăm. Người dân tụ tập dưới chân thành bỗng nhốn nháo, thì ra tấm màn trên lầu cao vừa hé mở, đám cung nữ rảy tay vung đồ xuống, dân chúng đứng dưới tranh nhau nhặt. Cung nữ vừa ném xuống những đồng tiền Thái Bình do nội cung đúc riêng, ngự ban cho bách tính kéo về ngắm hoa đăng. Những đồng tiền vàng rơi tới tấp, đáp xuống nền đá xanh trên phố Thiên Nhai, phát ra những tiếng leng keng, như một cơn mưa rào lộng lẫy ánh vàng. Thiên triều giàu sang, thịnh thế bao nhiêu, chỉ cần lắng nghe trận mưa với tiếng leng keng ấy là rõ... Người ta đua nhau thụp xuống nhặt tiền vàng, còn tôi đứng im như trời trồng, mắt vẫn hướng về Thừa Thiên Môn.
Lúc đó Lý Thừa Ngân xuất hiện, tuy xa xôi cách trở, song tôi nhận ra chàng chỉ bằng cái nhìn đầu tiên. Chàng khẽ tựa vào lan can trên Minh lầu, lọng biếc hoa lệ khoe ngọn gió sau lưng, tua cờ buông mình phất phơ, gió gieo cả vào tay áo. Bấy giờ dân chúng đồng loạt quỳ xuống, tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!”, tôi mới nhìn thấy Bệ hạ.
Nhà đế vương phú quý, cảnh thiên hạ thái bình, chưa một lần tôi cảm thấy những thứ ấy xa vời đến thế, lạ lẫm đến thế.
Tôi thấy Triệu Lương đệ mặc trang phục hoàng tộc, từ đằng sau dạo gót tiến lên, đành rằng không lộ diện, nhưng tôi vẫn nhận ra bóng hình đổ trên tấm rèm kia, rồi lại trông cánh tay đưa ra từ sau rèm, choàng lên vai Lý Thừa Ngân một tấm áo lông đen tuyền. Trời trở gió, tấm áo chao nghiêng, lớp gấm đỏ tươi bên trong chiếc áo lẫn hoa văn thêu nổi bằng kim tuyến lóng lánh dưới ánh đèn nơi Minh lầu. Mọi thứ thu cả vào mắt tôi. Lý Thừa Ngân ngoảnh mặt sang phía đó, ở khoảng cách xa xôi, tôi không tài nào nhìn rõ vẻ mặt chàng, phải chăng trên bờ môi ấy là nụ cười dành cho người đẹp khuất sau rèm?
Trước kia, tôi chưa từng đặt chân lên Thừa Thiên Môn. Trước kia, tôi chưa từng ăn một cái Tết tử tế với Lý Thừa Ngân. Bao năm nay tôi nào có hay, thì ra mỗi dịp tết Nguyên tiêu, chàng và Triệu Lương đệ lại vai kề vai, cùng sánh đôi nơi lầu cao, nhìn xuống mười vạn đèn hoa phủ trùm Thượng Kinh.
Đôi lứa sánh vai, đêm nay đây, đêm nay vốn là đêm se duyên lành.
Tôi cứ đinh ninh chúng tôi đã thay đổi. Tôi còn nghĩ, sự cố ngày hôm qua, đáng lẽ đã tạo ra sự khác biệt… Tối qua tôi bị thích khách bắt đi, chàng từng nhìn tôi, chàng từng gọi tên tôi, chàng bẻ mũi tên thề… Tất thảy những thứ ấy đều khiến tôi ngộ nhận, ngộ nhận chúng tôi đã đổi thay, thế nhưng sao vẻn vẹn có một ngày, chàng đã đứng kia, sánh vai bên người con gái khác, nhàn nhã ngắm cảnh Nguyên tiêu đô hội, đón nhận câu chúc phúc của muôn dân...
Trong khi… tôi sống chết thế nào còn chưa hay. Trong khi… tôi còn đang biệt tăm biệt tích. Trong khi… tôi mới là thê tử của chàng.
Thoáng nghe có ai đó gọi tên mình:
- Tiểu Phong!
Tôi quay sang, bần thần nhìn Cố Kiếm.
Gã nhìn tôi chăm chú, tôi cố nặn ra một nụ cười, định nói vài câu.
Nhưng gió ùa vào khuôn miệng vừa hé mở, gió buốt lạnh kéo theo cơn ho không thể dứt, cổ họng trước đó đã đau ghê gớm, giờ đây từng cơn ho như chực xé toạc yết hầu. Ho cơn nào, đầu nhói theo cơn đó, chẳng khác nào bị một hòn đá sắc nhọn cứa vào huyết mạch, muốn thở cũng thật khó khăn. Tôi còng lưng ho không dứt, những cơn ho dữ dội như muốn nôn ra thứ gì đó trong bụng mới thôi. Đau là lẽ đã đành, mà nơi lồng ngực cũng vô cùng khó chịu. Trách chăng cái lạnh, trách chăng người vốn đang bệnh... có bệnh tất phải khó chịu thế thôi.
Cố Kiếm đỡ tôi, tôi lảo đảo một hồi, cảm thấy như có thứ gì đó vừa nứt đôi. Khi âm thanh khàn đặc thoát ra khỏi cuống họng, dường như lồng ngực cũng được vỗ về phần nào.
Gã nâng mặt tôi lên, tôi nghe tiếng mình vang lên:
- Cũng chẳng có gì ghê gớm...
Tôi thấy trong đôi mắt ấy hằn lên ánh nhìn day dứt lạ thường, gã chợt đưa tay quệt khóe miệng tôi.
Dưới ánh đèn, tôi thấy trên ngón tay gã còn đọng vệt máu, những ngấn loang lổ, từng đốm bám cả trên ống tay áo, là máu. Chân tay bủn rủn, mặt mày xây xẩm, tôi biết mình đứng không vững, như thể vừa rồi tôi đã gồng mình nôn ra cục máu ấy. Gã ôm tôi, thầm thì bên tai:
- Tiểu Phong, muội cứ khóc đi, muội cứ khóc một trận cho thỏa!
Tôi đẩy gã bằng chút sức lực cuối cùng:
- Sao phải khóc? Huynh cố ý dẫn tôi đến đây cơ mà, sao tôi phải khóc? Huynh đừng vờ vĩnh nữa, việc gì tôi phải khóc? Huynh bảo xem xong, huynh lập tức thả người, đúng không? Bây giờ tôi phải đi đây!
- Tiểu Phong!
Gã đuổi theo định đỡ tôi. Bước chân loạng choạng song tôi vẫn gắng đứng vững, ngoái đầu, tuốt trâm cài tóc quẳng xuống chân gã, nhìn gã bằng ánh mắt lạnh lùng, cất giọng:
- Huynh đừng đụng vào tôi, cũng đừng có theo tôi, bằng không tôi chết cho huynh xem. Đành rằng huynh có võ công tuyệt thế, nhưng ngăn thế nào được một khi tôi đã muốn chết. Huynh cản được một lần, cản sao được cả đời! Huynh cứ thử theo tôi xem, tôi sẽ tự sát bây giờ đấy!
Có lẽ tôi đã nói với giọng cương quyết khiến gã chững lại, không dám tiến đến gần.
Tôi thất thểu bước đi, chẳng biết đã đi được bao xa, chỉ thấy bốn bề là người, bốn bề là đèn, ánh đèn chói chang đến nhức nhối. Tôi nắm chặt cổ áo khoác, cảm nhận từng cơn run rẩy, lạnh đến nỗi răng lợi va vào nhau lập cập. Tôi biết mình đang sốt, chân bước ngỡ đạp lên cát, chẳng còn mấy sức lực. Bải hoải đứng dưới giàn đèn, giữa những tiếng cười nói hân hoan, giữa dòng người nhộp nhịp, dưới bầu trời tưng bừng pháo hoa, chắc là tháp Thất Tinh đang thi bắn hoa. Một cái tết Nguyên tiêu rực rỡ sắc màu, một cái tết Nguyên tiêu nơi phồn hoa đô hội, nhưng tôi phải đi đâu, về đâu?
Gầm trời bao la, hỏi có chốn nào cho mình dung thân?
A Độ ơi, muội đang ở đâu? Chúng ta về Tây Lương thôi, ta nhớ Tây Lương lắm rồi!
Trước mắt tôi là một chiếc lồng đèn kéo quân, chao đèn dán giấy thếp vàng in hình một người con gái, hơi nóng từ ngọn nến uốn lượn tỏa ra, chao đèn quay mòng mòng. Người con gái đó thoắt đứng, thoắt ngồi, thoắt yêu kiều, thoắt giận dữ, lại thoắt hoan hỷ... Trước mắt tôi tối dần, người con gái in bóng trên chao đèn sao có nét hao hao Triệu Lương đệ thế nhỉ? Ả ta bưng miệng cười, ngạo mạn bảo tôi: “Tỷ tưởng mọi thứ đã đổi khác ư? Tỷ nghĩ mình đã chiếm được chỗ đứng trong lòng chàng rồi ư? Tỷ tưởng mình làm con tin thay Bệ hạ thì chàng sẽ rủ lòng thương ư...”
Tôi phải dựa vào thân cây mới có thể đứng vững, lớp vỏ sần sùi, thô ráp cào vào áo lông đau buốt, nhưng lại khiến tôi thấy dễ chịu hơn... Chỉ cần cơn đau nhức ấy làm vơi đi sự âm ỉ trong lồng ngực. A Độ thì chẳng thấy đâu, ở Thượng Kinh này, tôi trở thành bơ vơ. Tôi có nơi nào để đi? Một thân một mình về Tây Lương, dẫu phải đi một tháng, một tháng không đến thì ba tháng, ba tháng không đến thì nửa năm, nửa năm vẫn không đến thì một năm, thế nào chẳng về được Tây Lương.
Tôi ngước mắt trông trăng, vầng trăng tròn đầy, sáng trong, dịu dàng soi tỏ từng mặt người. Dưới ánh trăng kia, Thượng Kinh yên bình làm sao, phồn thịnh làm sao... Trước đây tôi và A Độ từng dạo khắp phố lớn, ngõ nhỏ của Thượng Kinh, nhưng nơi này mãi mãi không phải nhà tôi, tôi muốn về nhà.
Tôi lê bước về phía tây, muốn về Tây Lương ắt phải đi qua Quang Hoa Môn, rồi cứ thẳng tiến về phía tây, qua được Ngọc Môn Quan là đến Tây Lương.
Tôi phải về nhà thôi.
Chưa đến được Quang Hoa Môn, bỗng nghe người dân quanh đó xôn xao, có người gào lên:
- Thừa Thiên Môn bốc cháy rồi!
Tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm, lúc đó mọi ánh nhìn đều đổ dồn về phía nam, thoáng thấy ngọn lửa bập bùng trên Thừa Thiên Môn và những cột khói đen dày đặc bốc lên cuồn cuộn từ mái vòm, ai nấy đều kinh hãi, giương mắt nhìn tòa thành dần chìm trong biển lửa. Những chuỗi đèn như châu như ngọc, những mành rèm thắm đỏ, những mái hiên sừng sững, đồ sộ... giờ đây đã bị nuốt chửng trong ngọn lửa cháy ngùn ngụt. Đám cháy mỗi lúc một lớn, lửa bùng lên dữ dội, gió được đà bốc ngọn lửa lên cao, Thừa Thiên Môn bừng bừng bốc cháy.
Từ đầu đường đến cuối phố bỗng trở nên hỗn loạn, dân chúng nhốn nháo lo chạy thoát thân, thì còn biết làm gì vào lúc này nữa. Chênh chếch bên kia đường đã xuất hiện người của Thần vũ quân, tôi nghe họ quát tháo ầm ĩ, hò dân chúng tự giác nhường đường, tiếng vó ngựa ào ào như cơn lốc quét qua, đám người đến cứu hỏa cũng rầm rập xuất hiện ngay sau đó. Họ vác ống gỗ, kéo theo những thùng xe lớn chở đầy nước, lộc cà lộc cộc lao về nơi xảy ra hỏa hoạn. Rằm tháng Giêng năm nào cũng đốt pháo bông và chăng đèn lồng, nếu để xảy ra cháy nổ thì đúng là đại họa, vì lẽ đó mà quan Kinh triệu doãn hằng năm đều chuẩn bị sẵn ống cứu hỏa và xe nước, nhưng trước kia chỉ thấy nhà dân bốc cháy, không ngờ năm nay lại phải dùng vào việc lớn thế này.
Tôi đánh mắt trông về phía Thừa Thiên Môn trong vòng vây kín mít của Thần vũ quân. Lát sau đã thấy một toán cung nữ mang nghi trượng, cờ lọng nối đuôi Thần vũ quân đi về phía Hoàng cung, tôi nghĩ ắt cũng chẳng có gì to tát.
Mà thực ra, tôi còn lo lắng làm gì nữa, người trên Thừa Thiên Môn ai chết ai sống, nói cho cùng, giờ đâu còn liên quan gì tới tôi...
Giờ tôi chỉ lo về Tây Lương, chỉ muốn nói với cha rằng: “Con đã về”, rồi lấy ngựa, chạy băng băng trên thảo nguyên, như những ngày tháng vô tư lự thuở trước.
Tôi giữ sức để tiếp tục cuộc hành trình về phía tây thành, ngựa của Thần vũ quân vụt lướt qua, chỉ kịp nghe tiếng roi quất vun vút lẫn trong tiếng thét:
- Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành!
Tiếng họ ngân vang, đi một đoạn rất xa rồi mà vẫn còn vọng lại:
- Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành! Hoàng thượng có chỉ! Đóng chín cổng thành!...
Tết Nguyên tiêu ngắm hội hoa đăng có lịch sử hàng trăm năm nay, chưa bao giờ để xảy ra chuyện này, song dân chúng cũng không lấy làm lạ, sở dĩ họ vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy xảy ra quá đột ngột, đến tận lúc này họ vẫn đang bàn tán xôn xao. Không biết bao nhiêu thùng nước đã được đổ vào đám cháy, cuối cùng đã khống chế được ngọn lửa, khói dịu bớt, thay vào đó, hơi nước bốc lên nghi ngút, mùi than cốc nồng nặc tỏa vào bầu không khí.
- Cổng thành đóng rồi, về thế nào đây?
- Ôi trời, cháy lớn, sợ loạn nên đóng cổng thành thế thôi, đợi lúc nữa, Thừa Thiên Môn tắt lửa rồi, thế nào cổng thành chẳng mở...
Người trên phố xôn xao bàn tán khiến tôi sốt ruột. Chưa nhúc nhích thêm được bước nào, đến thở tôi cũng thấy nóng như thể cổ họng đang ngậm hòn than, ráo và rát cháy. Tôi thở hổn hển rồi ngồi phịch xuống lề đường, ngả đầu vào thân cây.
Tôi tự nhủ, mình chỉ nghỉ một lúc thôi, không ngờ tựa ở đó rồi mê man, lịm dần.
Hình như khi còn bé, có lần theo cha đi săn, tôi ngủ quên trên lưng ngựa, cha cõng tôi về đến tận nhà. Tôi nhoài người trên tấm lưng rộng của cha, đánh một giấc ngon lành, lúc ngủ còn quệt nước miếng làm lưng áo cha ẩm ẩm. Tôi uể oải nhấc mí mắt, chỉ thấy phố xá vẫn ngập trong ánh đèn lung linh, huyền ảo, tựa như sao băng thỉnh thoảng xẹt qua bầu trời đêm mùa hạ trên thảo nguyên. Nghe nói nếu may mắn được gặp sao băng, trước tiên phải thắt đai áo, vừa thắt vừa ước điều gì đó thì điều ước ắt sẽ linh nghiệm. Nhưng tay chân tôi lóng ngóng, lần nào gặp sao băng cũng vậy, mải cầu nguyện thì quên thắt đai áo, mải thắt đai áo thì quên mất phải cầu nguyện...
Đêm nay sao lại nhiều sao băng đến vậy! Nếu bây giờ mình ước, liệu còn điều gì để mong muốn nữa nhỉ?
Tôi gắng nhấc tay định thắt đai áo, vậy mà ngón tay mềm oặt, không chút sức lực, tôi buông thõng tay, đành thôi vậy...
Tôi nhắm mắt, chìm sâu vào giấc ngủ.
Giấc ngủ kéo dài bao lâu tôi không rõ, nó đằng đẵng như trọn vẹn một kiếp người, song cũng có thể chỉ là một thoáng ngắn ngủi. Giấc ngủ có vẻ sâu nhưng thực ra rất mơ hồ, lúc nào cũng có cảm giác trước mắt mình có chiếc đèn kéo quân xoay tít, giấy thếp vàng tỏa thứ ánh sáng nhức nhối, bên tai lúc nào cũng có tiếng người rì rầm, không chịu để cho tôi chút yên tĩnh dù chỉ một khắc. Tôi thấy tức tối, bọn họ có để yên cho tôi ngủ không chứ? Tôi biết mình ốm rồi, cơ thể lúc nóng lúc lạnh... Lúc lạnh, răng nghiến kèn kẹt, lúc nóng, răng nọ đập răng kia, mũi thở ra bỏng rát...
Trong cơn mê tôi cũng lẩm bẩm nói mấy câu, nào thì tôi muốn về Tây Lương, tôi muốn gặp cha, tôi muốn gặp A Độ, tôi muốn con ngựa nhỏ của mình...
Tôi muốn có cuộc sống như trước kia, song chỉ mình tôi biết, thứ tôi muốn, thực ra đã không thể tìm lại được.
Mới trước đó, lúc ho ra máu, tôi đã hiểu ra tất thảy.
Lồng ngực tôi đau đớn, quặn thắt, ý thức mờ dần rồi tôi lả đi.
Trong giấc mơ, tôi thúc ngựa lao vun vút giữa thảo nguyên hoang vu bất tận, ráo riết kiếm tìm khắp bốn phương, quẩn quanh, lạc lõng giữa mọi bề, lúc ấy, có lẽ nước mắt đã rơi, tôi nghe thấy tiếng mình khóc nghẹn.
Khóc cái gì chứ? Con gái Tây Lương đâu có dễ sụt sùi chỉ vì mấy chuyện vặt vãnh này.
Đến khi tôi lờ mờ tỉnh dậy trong trạng thái toàn thân ê ẩm, mí mắt nặng trĩu, cố mở mắt cũng không được. Tôi hé mắt, đập vào mắt là cái nhìn hoen ướt, đỏ au của A Độ đang bám lấy mình. Bốn bề tối như hũ nút, đỉnh đầu lưa thưa mấy lỗ thủng hứng ánh sao lờ mờ. Tôi láng máng nhận ra, hình như mình đang ở trong một ngôi miếu hoang. Sao tôi lại ở đây? A Độ đỡ tôi dậy, bón cho tôi ít nước. Lồng ngực bỏng rát cũng phần nào nguôi ngoai, tôi nắm chặt tay A Độ, thì thào:
- A Độ, chúng ta về Tây Lương thôi!
Giọng tôi khản đặc, nói không ra hơi, chính tôi cũng chẳng nghe rõ, thế mà A Độ vẫn gật đầu, ngón tay mát rượi của muội ấy vuốt trên trán tôi, mang lại một cảm giác khoan khoái lạ thường. May sao A Độ đã trở về rồi, may mà A Độ đã tìm thấy tôi. Tôi chẳng còn sức để hỏi xem hai ngày qua muội ấy đã chạy đi đằng nào, tôi bị thích khách bắt cóc, hẳn muội ấy cũng nóng ruột lắm. Có A Độ ở bên, lòng tôi nhẹ nhõm hẳn. A Độ đã trở lại và chúng tôi sẽ quay về Tây Lương. Tôi mê man như lại sắp chìm vào giấc ngủ. Bỗng A Độ đứng phắt dậy, tôi cố gắng mở mắt nhìn muội ấy. A Độ đứng ngay bên cạnh tôi, hình như muội ấy đang cố lắng nghe điều gì đó, chính tôi cũng nghe loáng thoáng có tiếng sấm rền vang, một đội kỵ binh đang tiến về phía này.
A Độ cúi xuống, dìu tôi dậy, người tôi mềm oặt, chẳng còn chút sức lực.
Nếu những người sắp đến là Thần vũ quân hoặc Vũ lâm lang tôi cũng chẳng thiết gặp, bởi lẽ tôi không muốn gặp lại Lý Thừa Ngân, chỉ e A Độ không thể dẫn tôi trốn khỏi bọn chúng.
Có kẻ đạp tung cửa miếu. Chính lúc nước sôi lửa bỏng ấy, từ trên xà nhà, một bóng trắng bỗng lao xuống. Lưỡi kiếm sáng loáng đâm thẳng hướng cửa, những tiếng rú thảm thiết vang lên tức thì. Thì ra Cố Kiếm phi thân từ trên xà nhà xuống, mà những kẻ ngã xuống ngoài cửa đều vận trang phục của Thần vũ quân. Lúc ấy tôi có cảm giác máu nóng trong người đang sôi lên, đã không muốn gặp lại Lý Thừa Ngân, đằng này Cố Kiếm còn đang ra tay giết người.
A Độ cầm đao, cảnh giác dõi mắt nhìn theo Cố Kiếm và Thần vũ quân đang đánh nhau, tôi giành lấy thanh đao trên tay A Độ khiến muội ấy nhìn tôi đầy vẻ nghi ngờ.
Tôi dấn bước lại gần đám người đang ẩu đả ấy, những người của Thần vũ quân tưởng tôi với Cố Kiếm cùng một giuộc, chúng bèn hướng vũ khí lao về phía tôi. Võ công của Cố Kiếm rất cao cường, tuy bị kìm kẹp song mỗi lần có kẻ định tấn công tôi, gã vẫn thừa sức chống đỡ. Gã xuống tay nhanh gọn, không để phí một đường kiếm nào. Mỗi nhát kiếm vung ra, tức thì có kẻ gục ngã trước mặt tôi.
Máu nóng bắn lên mặt, những kẻ gục xuống xung quanh tôi mỗi lúc một nhiều. Vậy mà đám Thần vũ quân vẫn như không biết sợ, người trước ngã xuống, kẻ sau liền tiến lên, song vẫn đổ gục dưới đường kiếm của Cố Kiếm, rồi bọn họ trút hơi thở cuối cùng ngay trước mặt tôi, gần trong gang tấc. Tôi kinh hãi trước cảnh thảm sát không đáng có này, chỉ muốn gào lên: “Dừng lại đi”, nhưng giọng khản đặc, không cách nào thốt nên lời, Cố Kiếm thì ngoảnh mặt làm ngơ.
Tôi nghiến răng, vung đao lao về phía gã. Gã gẩy nhẹ thanh đao trên tay tôi, khiến tôi rủn tay đánh rơi đao. Đúng lúc ấy, tôi nghe thấy có thứ gì đó nặng nề đang xé gió lao đến, dường như có hòn đá to nhằm đúng đầu tôi mà nện. Tôi ngẩng nhìn lên theo bản năng, thấy A Độ hớt hải lao về phía mình, khói bụi xộc lên, âm thanh chát chúa như rung chuyển đất trời, muốn nghiền nát ngôi miếu nhỏ này.
Có luồng khí vô hình bao lấy tôi, tay A Độ vừa rờ tới gấu váy. Tôi thấy Cố Kiếm toan giữ tôi lại, nhưng đám người hung hãn kia đã nhanh tay cuốn gã vào cuộc ẩu đả. Mái ngói như chực đổ sụp, đầu vừa đụng vào thứ gì đó, đau buốt khiến tôi mất đi cảm giác trong nháy mắt, rồi cứ thế sa vào màn đêm vô tận.
“Tách!”
Thân thể nặng trĩu lẳng mình xuống nước, nước xanh biếc vây hãm bốn bề, đau như bị ngàn nhát dao sắc lạnh xẻ dọc da thịt. Đành rằng vậy, tôi vẫn yên tâm buông xuôi mọi thứ, thả lỏng cơ thể cho chìm xuống đáy sâu, như đứa con trở về với mẹ, như cánh hoa nhỏ xinh hạ mình về với đất. Đó là một cõi đi về rất đỗi bình yên trong tôi, tôi hiểu hơn ai hết...
- Nước sông Quên, đặng quên tình...
…
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.”
- Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!
- Nhưng tôi chỉ biết mỗi bài này thôi…
...
- Muôn đời muôn kiếp, mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!