Đông Cung - Chương 11 - Phần 02

Khi tôi choàng tỉnh dậy, đã thấy đầu mình cắm xuống, cả người vắt ngang trên yên ngựa như một bao kê, móng ngựa xối bùn lên mặt mũi, nhưng tôi không sao nhúc nhích nổi. Xung quanh tôi toàn là vó ngựa, hàng nghìn chân ngựa nhấp nhô như lau cỏ dậy sóng trước cơn gió, tôi chếnh choáng một hồi, mắt mũi nhắm tịt. Chẳng biết bao lâu sau mới thấy đàn ngựa dừng bước, tôi bị xách khỏi lưng ngựa, nhưng đùi bị điểm huyệt quá lâu, đứng không vững, liền ngã nhào ra đất.

Dười sàn nhà phủ lớp nỉ dày, đây hẳn là lều trại của tướng lĩnh Trung Nguyên, có thể là của gã quan đô hộ nọ. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, lúc ấy đập vào mắt lại là Cố Tiểu Ngũ. Biết bao dũng sĩ Đột Quyết đã tử trận, nhất là ba vạn quân Đột Quyết tiên phong kia, nào có ai sống sót trở về, nhưng Cố Tiểu Ngũ vẫn còn sống.

Chàng vẫn tồn tại trên đời này, nhưng thay vì bộ giáp trụ, chàng khoác trên mình trang phục của người Trung Nguyên, trông chàng nho nhã như thư sinh, nhưng tôi biết, lều trại này chắc chắn không phải chỗ dành cho thư sinh ở. Quanh chàng là những vệ binh, gã tướng quân bắt tôi về vừa tiến vào đã quỳ xuống lạy chàng, mũ giáp trên người hắn sột soạt. Hắn hành lễ theo nghi thức tối cao của người Trung Nguyên, nghe nói chỉ khi bái kiến bậc tôn quý nhất, người Trung Nguyên mới thực hiện nghi thức này. Tôi chợt hiểu, chính là Cố Tiểu Ngũ… thì ra Cố Tiểu Ngũ là nội ứng của Trung Nguyên! Chính chàng… chính chàng dẫn địch tập kích bất ngờ. Chẳng hiểu sức lực ở đâu ra, tôi gồng mình, nói:

- Đồ gian tế!

Đám vệ binh vùng lên quát tháo, có kẻ đá vào chân tôi, chân tôi mềm oặt rồi ngã nhào ra đất. Tôi thấy gã quan đô hộ đang khom mình lạy Cố Tiểu Ngũ, bọn chúng nói chuyện bằng tiếng Trung Nguyên, tôi nghe không hiểu lấy một câu. Cố Tiểu Ngũ không hề liếc nhìn tôi, gã quan đô hộ nói rất nhiều, tôi thấy sắc mặt Cố Tiểu Ngũ sa sầm. Khi đám người đó rút khỏi lều, Cố Tiểu Ngũ mới cầm dao, tiến về phía tôi.

Tôi tưởng hắn sẽ giết mình, không ngờ hắn lại cắt đứt dây trói trên tay tôi, rồi nói:

- Oan cho nàng rồi!

Tôi nghiêng đầu nhìn hắn, cố nói bằng giọng bình tĩnh:

- Cố Tiểu Ngũ, rồi sẽ có một ngày ta giết ngươi, báo thù cho ông ngoại! Đồ phản bội! Đồ gian tế!

Tôi không thốt nổi lời lăng mạ nào thậm tệ hơn, mấy câu mắng chửi cứ nói đi nói lại, vậy mà hắn vẫn không hề nổi cáu, trái lại còn cười:

- Nếu thấy giận, nàng cứ chửi vài câu cho bõ tức.

Tôi nhìn hắn như nhìn một người dưng. Kẻ đã dắt theo ba vạn binh sĩ Đột Quyết rời khỏi hôn lễ của chúng tôi đi nghênh chiến. Ngờ đâu, chính kẻ đó thông đồng với Nguyệt Thị, không chỉ ba vạn quân tinh nhuệ của Đột Quyết bị tiêu diệt, mà bọn chúng còn kéo vào lều chúa. Ông ngoại trở tay không kịp, bị chúng giết chết. Đột Quyết diệt vong thật rồi! Tôi và A Độ đã tháo chạy khỏi chốn địa ngục Tu La ấy. Hai mươi vạn dân... Một cuộc tàn sát… Máu của hai mươi vạn dân tưới ngập thảo nguyên, mà kẻ đầu sỏ còn nhởn nhơ đứng đây.

Tôi mắng chửi đến kiệt sức, ngồi co quắp một chỗ, song vẫn tự hỏi rốt cuộc lòng dạ hắn được đúc từ thứ sắt đá gì. Tôi mệt mỏi nhìn hắn, hỏi:

- Bấy lâu nay ngươi vẫn lừa ta, sao bây giờ không giết quách ta đi?

Hắn nhìn tôi, rất lâu sau không hề lên tiếng, rồi hắn bỗng quay ra nhìn vệt nắng xuyên qua bức mành rèm chiếu xuống nền đất. Bụi ám tấm rèm ngả xám, chẳng còn vẹn nguyên màu trắng tinh như thuở ban đầu, nắng chớm thu in trên nền nhà sáng ngời, đổ xuống bóng của chúng tôi. Bất thình lình hắn vươn tay chụp lấy cổ tay tôi, tôi yếu ớt buông rơi con dao nhỏ vừa mới rút ra. Con dao ấy vốn thuộc về hắn, chính là con dao kết nghĩa với Hách Thất, là con dao Hách Thất đã dúi vào tay tôi. Tôi và A Độ khốn cùng suốt dọc đường, tôi vẫn thủ con dao này trong người, định bụng đến lúc bức bách nhất sẽ dùng nó để tự sát, tránh bị giặc làm nhục. Nhưng khi bước vào trướng, tôi liền đổi ý, tôi muốn dùng nó đâm chết người đàn ông đang đứng trước mặt mình, nhưng không may bị hắn phát hiện ra. Phải làm sao mới báo thù được cho ông đây? Tôi nằm vật ra đất, thở hổn hển.

Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt thâm trầm, rồi nói:

- Nàng đừng làm những chuyện dại dột như thế!

Dại dột ư? Tôi muốn phá lên cười, trên đời còn ai dại dột hơn tôi? Tôi nhẹ dạ cả tin, suýt nữa đã lấy gã gian tế của Trung Nguyên làm chồng, tôi cứ đinh ninh hắn đã bỏ mạng trong cuộc chiến với Nguyệt Thị, tôi còn nuôi hận báo thù cho hắn…

Đúng lúc ấy, bỗng có người bước vào bẩm báo với Cố Tiểu Ngũ mấy câu bằng tiếng Trung Nguyên. Trông mặt hắn sa sầm, hắn nhấc con dao nhỏ lên, quẳng lại cho tôi rồi rảo bước ra ngoài. Tôi rệu rã phủ phục xuống sàn. Cũng chẳng biết bao lâu sau, có người kéo áo, gọi tên tôi:

- Tiểu Phong!

Ngoảnh lại mới nhận ra đó là sư phụ, không kiềm được nỗi mừng vui khôn xiết, tôi túm chặt tay sư phụ, hỏi:

- Sao sư phụ lại ở đây?

Sư phụ nói:

- Nơi này không phải chỗ để nói chuyện, ta đưa muội trốn trước đã.

Sư phụ vung kiếm rạch lên tấm vải bạt, chúng tôi trốn ra từ lối sau lều. Đằng kia đã buộc sẵn vài con ngựa, chúng tôi lên ngựa. Lúc sắp ra khỏi doanh trại, tôi sực nhớ:

- A Độ! Còn A Độ nữa!

- A Độ nào?

Tôi nói:

- A Độ là tiểu muội của Hách Thất, muội ấy luôn bảo vệ ta, ta không thể bỏ mặc muội ấy được.

Sư phụ đành chịu thua, dẫn tôi quay lại tìm A Độ. Chúng tôi tìm A Độ trong trại nhốt tù binh, nhưng lại đánh động đám lính canh. Tuy kiếm pháp của sư phụ rất giỏi, song đã sa chân vào chốn doanh trại này thì chém giết là điều đương nhiên, khó mà thoát thân được. Đồn trú đã dấy tiếng xôn xao, người từ bốn phía đổ đến mỗi lúc một đông. Thấy thế bất lợi, sư phụ bèn vừa đánh vừa lui, rút về phía chuồng ngựa, quệt một mồi lửa quẳng vào đống rơm.

Tàu ngựa của doanh trại chất rất nhiều rơm khô làm thức ăn nuôi ngựa, đám rơm khô này mà bùng lên thì chỉ trong nháy mắt, lửa sẽ lan khắp nơi, khó mà dập ngay được. Cả doanh trại lập tức nhốn nháo, quân binh hấp tấp đi dập lửa, sư phụ chớp thời cơ dẫn tôi và A Độ tháo chạy. Kỷ luật nhà binh của Trung Nguyên rất nghiêm, chỉ trong chốc lát, tiếng huyên náo trong doanh trại đã dần lắng xuống, vẫn có kẻ cấp tốc cứu hỏa, một đám khác lại phi ngựa đuổi theo chúng tôi.

Vừa đánh vừa lui, lùi dần đến tận chân núi Thiên Hằng, đám quân truy đuổi mỗi lúc một đông. Tôi nhìn đám người ấy kéo cờ hiệu màu mơ, bên trên có viết chữ Trung Nguyên mà tôi không hiểu, liền hỏi sư phụ:

- Bọn này thuộc phủ đô hộ An Tây à?

Quân đóng ở phủ đô hộ An Tây có lực lượng hùng hậu, nhưng không ngờ bọn chúng giao chiến cũng lợi hại đến vậy.

Trên gò má sư phụ có vết máu, tính sư phụ ưa sạch sẽ, vội giơ tay quệt ngang vệt máu, rồi cười khẩy:

- Phủ đô hộ An Tây làm gì có nhiều kỵ binh đến thế... Bọn này là Vũ lâm quân của Đông cung, người Trung Nguyên quen gọi là Vũ lâm lang, bọn này toàn con nhà quan, đợt này ra biên thùy định kiếm chút công danh, bổng lộc. Muội xem, đứa nào đứa nấy hùng hổ xung phong, muốn lập chiến công đây mà.

Tôi hỏi:

- Chiến công gì?

Sư phụ nói:

- Bắt sống muội chính là một chiến công.

Xưa nay tôi chưa từng nghĩ mình lại quan trọng đến thế. Bọn Vũ lâm quân quyết truy đuổi chúng tôi đến cùng, chúng không ngừng buông lời xỉ vả, có tên trọ trẹ nói tiếng Tây Lương, chửi chúng tôi chỉ biết cúp đuôi bỏ chạy. Nếu là bình thường, thế nào tôi cũng sửng cồ, quay ngoắt lại, có điều, sau một loạt những sóng gió, cuối cùng tôi đã nghiệm ra một điều, một kẻ đứng giữa vạn quân chỉ như hạt muối bỏ bể, hoặc như cây cỏ trước cơn bão, không ai có thể ngăn được thế tấn công của thiên binh vạn mã. Ông ngoại không thể, Hách Thất không thể và sư phụ cũng thế mà thôi…

Lúc chúng tôi rút lên núi Thiên Hằng thì trời ập tối, đạo quân kia không tiện lên núi, đành dừng lại dưới chân núi. Từ trên núi đá nhìn xuống, chân núi bập bùng lửa trại, gần đó, những đạo quân tiếp viện từ doanh trại liên tục kéo đến, chúng đốt đuốc nối đuôi nhau tạo thành thân rồng lửa ngoằn ngoèo. Tôi hỏi sư phụ:

- Cố Tiểu Ngũ là ai?

Giọng sư phụ vẫn bình tĩnh như thường ngày:

- Hắn vốn không mang họ Cố. Hắn là Lý Thừa Ngân, con thứ năm của Hoàng đế Trung Nguyên, cũng chính là Đông cung thái tử đương triều.

Tôi từng nghi ngờ Cố Tiểu Ngũ không phải loại tiểu thương buôn chè bình thường. Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi vẫn lờ mờ đoán, có lẽ hắn là tướng quân của triều đình Trung Nguyên. Nhưng vì hắn còn trẻ, mà trong số ít ỏi những tướng quân nổi danh của Trung Nguyên, tôi chưa từng nghe nói có vị tướng quân nào mang họ Cố. Thì ra hắn không mang họ Cố, chẳng những thế, thân phận hắn còn đặc biệt như vậy.

Tôi chẳng biết mình muốn cười hay muốn khóc nữa.

Tôi nhớ đến chuyện Trung Nguyên phái sứ thần tới, lúc đó sứ thần thay mặt Thái tử Trung Nguyên đến cầu thân. Vì đâu đến nông nỗi này? Trước kia, tôi không có mấy thiện cảm với Trung Nguyên, song giờ đây tôi càng căm thù Trung Nguyên đến tận xương tủy.

- Sao hắn lại xưng là họ Cố?

Sư phụ im lặng một lát, thật không ngờ người cũng biết im lặng cơ đấy, sau đó, người nói cho tôi nghe sự thật:

- Bởi vì mẹ hắn mang họ Cố.

Tôi nhìn sư phụ, thực ra trong bóng tối, tôi chẳng thấy được gì, chỉ nghe thấy giọng người trầm đều:

- Đúng vậy, như muội đã biết, ta cũng mang họ Cố. Mẫu thân của hắn là Thục phi, cô ruột của ta. Cho nên ta cũng chẳng phải người tốt. Bệ hạ phái hắn đến biên cương Tây Vực, hắn lại sai ta âm thầm trà trộn vào Tây Lương giúp hắn làm nội ứng...

Đầu óc tôi rối bời, ngẫm nghĩ hồi lâu mới nhớ ra cái tên đầy đủ của sư phụ. Tôi bình tĩnh thốt lên cái tên ấy:

- Cố Kiếm!

Tôi hỏi:

- Vậy… bao giờ sư phụ mới giết ta, hoặc bao giờ mới giao ta cho Thái tử Điện hạ?

Cố Kiếm im lặng. Trời tối như bưng nhưng tôi vẫn thoáng thấy khóe môi sư phụ đọng nụ cười buồn rười rượi. Rất lâu sau, sư phụ mới nói:

- Muội biết ta sẽ không làm vậy.

Sự thù hận trong tôi bùng cháy như ngọn lửa, ngọn lửa ấy nuốt chửng trái tim tôi. Tôi siết chặt nắm đá dăm, cạnh sắc nhọn găm vào lòng bàn tay sâu hoắm. Tôi nghe giọng mình ai oán:

- Lũ Trung Nguyên các người có gì mà không dám làm? Các người lừa gạt ta bấy lâu! Cố Tiểu Ngũ lừa ta, ngươi cũng lừa ta hết lần này đến lần khác! Hẳn các người tính kế này từ lâu lắm rồi chứ gì? Lũ các người còn gì không dám làm? Ngươi lừa ta từ đầu đến cuối, uổng công cha ta tin tưởng ngươi! Uổng công ta tôn ngươi làm sư phụ...

Tôi không biết mình đang nói gì nữa, tôi mắng ra rả, tôi mắng cả Trung Nguyên là một lũ bịp bợm… Nhưng thực ra, trong lòng tôi hiểu rằng, tôi chỉ hận một mình Cố Tiểu Ngũ. Sao hắn lại đối xử với tôi như vậy? Tôi chưa từng căm ghét ai đến vậy. Thà Cố Tiểu Ngũ cứ giết tôi đi, thà sư phụ đừng cứu tôi… biết đâu tôi đã sớm chết... Tôi chửi mắng đến mệt lử. Tôi nhìn Cố Kiếm, giọng mỉa mai:

- Lần này ngươi cứu ta, ngươi định làm gì ta nữa... để sau này gặp Hoàng đế Trung Nguyên lĩnh thưởng?

Sư phụ nhìn tôi, một lúc lâu sau mới lên tiếng:

- Tiểu Phong, đúng là ta cố tình quen biết muội, trước kia ta luôn lừa muội, thế nhưng... thế nhưng lần nào ta cũng buồn bã khôn cùng. Muội vẫn chỉ là một đứa trẻ, dù ta nói thế nào, muội cũng tin. Càng lừa muội, ta càng thêm áy náy. Lúc gửi bồ câu đưa thư cho Lý Thừa Ngân, ta mong hắn đừng bao giờ đến... Muội ngồi đợi trên cồn cát, còn ta đứng cách đó không xa đợi cùng muội, đợi ba ngày ba đêm... Trăng đêm ấy đổ tràn xuống khuôn mặt muội, khuôn mặt muội lúc đó giống hệt con cáo nhỏ trong bài hát...

Giọng sư phụ thấp dần:

- Ta biết mình mê muội... Rõ ràng muội chỉ là một đứa trẻ... nhưng khi đó, thật tình ta chỉ mong Lý Thừa Ngân vĩnh viễn đừng xuất hiện, rồi ta còn muốn đưa muội bỏ trốn... dẫn muội đến một nơi nào đó thật xa Tây Lương... Nhưng sau đó, hắn vẫn xuất hiện và mọi việc diễn ra theo kế hoạch, buộc lòng ta phải lánh mặt muội... Ta không biết nữa... Ta vẫn ôm một tia hy vọng nhỏ nhoi, chỉ cầu mong muội đừng thích hắn... Thế nhưng... lúc Lý Thừa Ngân đòi đi giết vua sói, ta đã hiểu, sự tình không còn đường lui nữa rồi. Chính ta đã giúp hắn giết con sói dữ kia, sói cắn vào chân hắn, ta đã hỏi: “Sao Điện hạ phải làm vậy?” Thực ra trong lòng ta đã khinh bỉ chính mình hơn bao giờ hết, sao ta phải làm tất cả những chuyện này... Ta biết hắn giết vua sói để đi gặp muội. Ta đã giúp hắn, chính ta đã đẩy muội vào lòng hắn...

Tôi không hiểu sư phụ đang nói gì, sắc mặt sư phụ buồn bã, sau cùng chỉ nói:

- Tiểu Phong, ta có lỗi với muội.

Tôi lặng thinh không đáp, trên đời này không ai có lỗi với tôi cả, mà là tôi có lỗi với tất cả.

Tôi có lỗi với ông ngoại, tôi cõng rắn cắn gà nhà, vì tôi nên ông ngoại mới tin tưởng Cố Tiểu Ngũ, khiến Đột Quyết diệt vong...

Tôi có lỗi với Hách Thất, nếu không vì tôi, chắc huynh ấy đã không phải bỏ mạng…

Tôi có lỗi với A Độ, nếu không vì tôi, muội ấy đã chẳng bị tổn thương...

Tôi có lỗi với toàn thể nhân dân Đột Quyết, những người họ hàng của tôi, chính tôi vô tình khiến họ bị thảm sát…

Trên đời này, chẳng ai có lỗi với tôi cả, trừ Cố Tiểu Ngũ...

Nhưng không sao, rồi tôi sẽ giết hắn, tôi sẽ tìm cơ hội giết hắn.

Tôi ngước nhìn những vì sao trên bầu trời đêm, xin thề với thánh thần rằng, sẽ có ngày tôi giết hắn.

Tảng sáng, tôi vừa chợp mắt được một chút, tiếng trống hạt[71] dưới chân núi gọi tôi bừng tỉnh. Tôi mở mắt, thấy A Độ đang bật dậy. Cố Kiếm mang bộ mặt nặng trĩu, nói với A Độ:

[71] Một loại trống cổ của Trung Quốc.

- Dẫn Công chúa đi!

Tôi bướng bỉnh nói:

- Ta không đi. Nếu chết thì cả ba cùng chết.

Cố Kiếm tuốt kiếm, giọng bình tĩnh:

- Ta phải đánh lạc hướng địch, A Độ sẽ đưa muội đi. Con người Lý Thừa Ngân vốn máu lạnh, lẽ nào muội vẫn mong hắn sẽ thực lòng với muội? Một khi muội rơi vào tay hắn, sẽ càng tạo điều kiện cho hắn tiến đánh Tây Lương mà thôi.

Tây Lương!

Tôi suýt nhảy dựng lên. Cố Kiếm nhìn tôi, tôi líu lưỡi, nói:

- Hắn định tấn công Tây Lương?

Cố Kiếm bật cười:

- Đối với bậc đế vương, thiên hạ này biết thuở nào mới có tận cùng?

Tôi nghẹn họng, không thốt nên lời, tiếng trống hạt gióng quá ba hồi, quân Trung Nguyên dưới núi đã bắt đầu xung phong.

Cố Kiếm nói:

- Đi mau!

Tuy người ngợm đang xây xát, song thân thủ của A Độ vẫn khá linh hoạt, muội ấy kéo tôi leo lên vách núi, tôi vội ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ kịp thấy Cố Kiếm đứng trên mỏm đá, ánh nắng sớm mai phủ lên người, máu loang đẫm bộ bào trắng, sau một đêm, máu chuyển màu đen. Gió thốc tay áo, sư phụ đứng trong nắng sớm như một pho tượng, tay lăm lăm trường kiếm. Tôi nghĩ đến những gì sư phụ nói đêm qua, tưởng như một cơn mộng mị. Rồi chợt nhớ dạo đầu khi chúng tôi vừa quen biết, lúc ấy, sư phụ cứu một đứa bé trước vó ngựa, người ngã lăn trên đất, áo trắng nhuộm bụi vàng, vậy mà lúc ấy, sư phụ vẫn oai phong, lẫm liệt vô cùng. Chuyện lúc đó cũng hệt như một giấc mơ. Và mọi việc xảy ra trong mấy ngày nay, đối với tôi, tất cả như cơn ác mộng.

Tôi và A Độ ẩn náu trong núi, ban ngày thì trốn, ban đêm tiếp tục chạy. Quân lính Trung Nguyên sục sạo khắp nơi, nhưng chúng tôi lanh lẹ lẩn tránh, tạm thời chúng không thể tìm ra được. Tôi và A Độ trốn trên núi nhiều ngày, khát thì lấy tuyết làm nước uống, đói thì đào hang chuột, trong đó lúc nào cũng có sẵn quả khô và hạt, ăn cho đỡ xót ruột. Chẳng hay Cố Kiếm còn sống hay đã chết, mà chính tôi cũng không biết mình trốn trên núi được bao lâu rồi.

Có lẽ đã bước sang tháng Tám, vì tuyết đã rả rích rơi. Dường như chỉ trong một đêm mà tuyết đã bao trùm cả núi Thiên Hằng, tuyết có ở khắp nơi, cỏ cây rũ tàn, héo úa. Tuyết rơi, ngọn núi này không còn là nơi thích hợp để trú ẩn, thậm chí loài linh dương cũng không còn ra ngoài kiếm ăn nữa. Gió đêm trên núi lạnh đến mức có thể khiến con người hóa băng. Trước đợt tuyết rơi, đoán chừng toán quân Trung Nguyên đã rút hẳn, vì quân đồn trú dưới tuyết lâu, cạn kiệt lương thực là điều vô cùng đáng sợ, kẻ cầm đầu buộc phải cân nhắc. Tôi và A Độ cố thủ trên núi thêm hai ngày, không thấy có dấu vết bọn chúng lùng sục nữa, mới đánh liều xuống núi xem sao.

Chúng tôi đã gặp may, xuống núi rồi đi cả một ngày đường về phía nam, lại gặp được dân du mục. Ông ta đun chảy tuyết cho chúng tôi rửa mặt mũi, chân tay, còn luộc thịt dê mời chúng tôi ăn. Tôi và A Độ nhếch nhác như người rừng, ẩn mình lâu ngày trên núi, không được ăn một bữa no nê, sau đợt tuyết rơi, trên núi càng khó sống. Ngồi trong căn lều ấm cúng và uống sữa dê, tôi và A Độ như hai kẻ vừa trở về từ địa ngục. Tuy người đàn ông du mục này là dân Nguyệt Thị, song cũng rất đồng cảm với tình cảnh của Đột Quyết, ông ta tưởng chúng tôi là nữ tù nhân vừa trốn khỏi Đột Quyết nên đối đãi với chúng tôi rất ân cần. Ông ta bảo đại quân Trung Nguyên đã rút về phía nam, mấy nghìn người Đột Quyết cũng bỏ trốn, chạy cả về cực tây.

Tôi không nghĩ được gì nhiều, sữa nóng đun chảy mọi ý định trả thù. Tôi biết, nếu chỉ dựa vào tôi và A Độ, e rằng chẳng cách nào chống lại được bọn người Trung Nguyên, chứ đừng nói đến chuyện báo thù cho ông ngoại. Tôi quyết định dẫn A Độ về Tây Lương, tôi rất nhớ cha mẹ tôi. Tôi nghĩ bằng mọi giá phải về được Vương thành, rồi kể cho cha nghe toàn bộ những chuyện xảy ra ở Đột Quyết, nói người nhất định phải đề phòng bè lũ Trung Nguyên. Ông ngoại mất rồi, hẳn mẹ sẽ rất đau lòng, tôi nóng lòng muốn gặp và an ủi bà. Mặc dù ông ngoại không còn trên đời này nữa, song mẹ vẫn còn có tôi ở bên cơ mà.