Đông Cung - Chương 12

PHẦN IV

VỰC NƯỚC SÂU

Chương 12

Dọc đường đi, lòng tôi nóng như có lửa đốt, chỉ sợ mình về chậm một bước, Tây Lương cũng bị Lý Thừa Ngân thảm sát giống như Đột Quyết. Bất chấp gió tuyết, tôi và A Độ gấp rút lên đường, cả chặng đường trải qua bao nhiêu cơ cực, cuối cùng đã nhìn thấy Vương thành Tây Lương.

Thấy thành quách vẫn bình yên vô sự, tôi bất giác thở phào nhẹ nhõm. Cổng thành vẫn mở toang như thường lệ, tiết trời sắp vào đông, những đội buôn thưa dần, lính gác co mình trong tấm áo da, núp trong cổng tò vò ngủ gật. Tôi và A Độ âm thầm tiến vào Vương thành.

Đêm khuya thanh vắng của tiết cuối thu lạnh lẽo, cung điện hiện ra thân thương mà trang nghiêm, tôi không đánh động lính gác mà tiến thẳng vào vương cung qua lối cổng nhỏ. Vương cung của Tây Lương chỉ có vài nghìn cảnh vệ, phòng thủ rất lỏng lẻo, suy cho cùng, Tây Lương chẳng gây thù địch với ai, khách vãng lai đều là dân buôn bán. Tuy là Vương cung nhưng thực chất cảnh giới còn không nghiêm ngặt bằng phủ đô hộ An Tây. Trước đây, tôi thường lén ra khỏi Vương cung bằng lối cửa nhỏ, ở ngoài chơi chán rồi lại về bằng lối ấy, chưa lần nào bị lộ.

Cả tòa cung điện chìm trong giấc ngủ say. Tôi dẫn A Độ về phòng mình, bên trong lặng như tờ, không một bóng người. Tiết trời buốt lạnh, A Độ lạnh đến mức mặt mày trắng bệch, tôi lấy một tấm áo da, choàng lên người muội ấy, ủng đi nhiều cũng mòn, thủng lỗ, hở cả ngón chân, tôi lại tìm hai đôi ủng mới để đi, giờ thì ấm rồi.

Men theo hành lang, tôi chạy về phía tẩm điện của mẹ, chỉ mong sớm được gặp bà.

Phía tẩm điện không châm đèn, nhưng trong cung có đốt lò, trên nỉ trải sàn cũng đặt đến mấy chậu sưởi to. Tôi thấy cha đang ngồi trước lò sưởi, hình như người đang cúi đầu.

Tôi khẽ gọi:

- Cha ơi!

Cha giật thót người, từ từ quay lại, nhìn tôi, hai mắt đỏ quạch:

- Con gái, con đã bỏ đi đâu?

Chưa bao giờ tôi thấy cha như thế này, mắt tôi cay sè, tưởng chừng như nỗi tủi thân trong lòng bấy lâu nay đều vỡ òa, chực theo khóe mắt mà tuôn ra. Tôi kéo tay áo cha, hỏi:

- Cha ơi, mẹ đâu ạ?

Mắt cha càng hoen đỏ, tiếng người nghèn nghẹn:

- Con gái ơi, mau chạy đi, mau trốn đi!

Tôi ngẩn người nhìn cha, A Độ đã bật dậy, tuốt đao. Bốn bề bỗng sáng ánh đèn, rất nhiều lính cầm đèn lồng, bó đuốc xông vào. Kẻ dẫn đầu trông rất quen, gã chính là sứ thần mà Trung Nguyên phái đến Tây Lương cầu thân, lúc này gã vênh váo ra vẻ ta đây, thủng thẳng bước vào. Gã nhìn cha tôi, không quỳ xuống vái chào mà hống hách nói:

- Tây Lương vương, Công chúa đã về, đã đến lúc phải thực hiện hôn ước giữa hai nước. Giờ thì ngài không thể kiếm cớ thoái thác được nữa rồi.

Lũ người này thật đáng ghét, tôi kéo tay cha, gặng hỏi:

- Mẹ đâu rồi cha?

Giọt nước mắt chợt chảy dài trên gương mặt cha, lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Tôi giật thót mình khi thấy cha bất ngờ tuốt đao bên hông, chỉ thẳng vào lũ người Trung Nguyên, giọng khàn khàn:

- Lũ Trung Nguyên này… Con ơi, con nhìn đám người Trung Nguyên này đi, chính chúng nó đã dồn mẹ con vào chỗ chết. Chính chúng nó ép Tây Lương chúng ta, bắt ta phải giao mẹ con cho chúng, mẹ con không cam tâm chịu nhục, bà ấy đã dùng đao tự vẫn chính tại Vương cung này. Lũ chúng nó... lũ chúng nó còn dám xông vào Vương cung, nhìn thấy xác mẹ con rồi chúng nó mới thỏa lòng... Chính chúng nó đã ra tay sát hại mẹ con...

Giọng cha giống như đang nguyền rủa, vang vọng giữa chốn Vương cung, còn tôi như bị đấm một cú trời giáng, phải lùi về phía sau. Cha tự rạch má mình, máu đầm đìa trên mặt, người vung đao về phía sứ thần Trung Nguyên. Thấy người dũng mãnh như loài sư tử, lũ người Trung Nguyên nháo nhác tản ra tứ phía, một tiếng động trầm thấp vang lên, đầu sứ thần rơi xuống dưới lưỡi đao của cha. Cha gạt đao, thở hổn hển, đám binh lính Trung nguyên xộc lên, thắt chặt vòng vây, có kẻ hét:

- Tây Lương vương, ngài giết sứ thần Trung Nguyên, lẽ nào định tạo phản?

Mẹ! Mẹ ơi! Tôi đã vượt muôn ngàn đắng cay để trở về đây, vậy mà vẫn không thể gặp mẹ nữa rồi...

Toàn thân run rẩy, tôi chỉ vào lũ người đó, rít giọng quát:

- Lý Thừa Ngân đâu? Hắn đâu? Hắn trốn đâu rồi?

Không kẻ nào trả lời. Một tên bước ra từ đám đông, trông phục sức trên người có vẻ là tướng quân Trung Nguyên. Gã nhìn tôi, nói:

- Bẩm Công chúa, Tây Lương vương trong lúc hoảng loạn đã ngộ sát sứ thần Trung Nguyên, đợi đến lúc yết kiến Điện hạ, thần sẽ bẩm báo lên người để làm sáng tỏ sự việc. Mong Công chúa bình tĩnh, tránh làm ảnh hưởng đến thể diện hai nước.

Tôi nhận ra gã Tướng quân này, lúc đuổi theo tôi và A Độ trên thảo nguyên, chính gã đã hạ gục thanh đao trên tay A Độ, còn bắt tôi về đại bản doanh của quân lính Trung Nguyên. Võ công của gã hẳn rất cao cường, chắc chắn tôi không phải đối thủ của gã. Lần trước, may nhờ có sư phụ giúp tôi trốn ra khỏi doanh trại của bọn chúng, giờ sư phụ không có ở đây, ai có thể cứu tôi?

Tôi nói:

- Ta muốn gặp Lý Thừa Ngân.

Gã Tướng quân Trung Nguyên đáp:

- Tây Lương vương đã hứa gả Công chúa cho Thái tử Điện hạ nhằm kết mối thâm giao giữa hai nước. Thái tử Điện hạ cũng có thành ý, người đích thân hạ giá đến Tây Vực rước Công chúa về. Rồi Công chúa sẽ được yết kiến Điện hạ, hà tất phải nóng vội?

Tôi căm tức nhìn đám binh lính đang siết chặt vòng vây, cha vung đao đâm loạn xạ, song cuối cùng vẫn bị chúng chế ngự. Vương cung xảy ra chuyện lớn như thế này mà không một vệ binh nào đến xem xét, chứng tỏ cả Vương thành này, từ trong ra ngoài đã bị người Trung Nguyên kiểm soát. Cha bị bọn chúng đè sấp xuống đất, người vẫn mắng như tát nước. Lồng ngực tôi nóng sực như chảo dầu sôi, sự giày vò đè nặng lên lục phủ ngũ tạng, tôi định xông lên thì bọn chúng đã kề đao vào cổ cha, chỉ cần tôi manh động, chưa biết chừng chúng sẽ giết người ngay tức khắc. Người Trung Nguyên vẫn nói chúng tôi là lũ man rợ, nhưng chúng giết người còn hung ác hơn chúng tôi, tàn bạo hơn chúng tôi. Khi nước mắt tôi rơi lã chã, gã Tướng quân nọ cất lời:

- Công chúa, xin người khuyên Vương thượng vài câu, chớ để ngài tự làm mình bị thương.

Cổ họng nghẹn ứ khiến tôi không thốt nên lời. Có người nắm cánh tay tôi, là A Độ, những ngón tay mát lạnh làm chỗ dựa cuối cùng cho tôi. Tôi nhìn muội ấy, đôi mắt đen láy in bóng hình tôi, cái nhìn đầy nôn nóng, sốt ruột. Tôi hiểu, chỉ cần tôi nói một câu thôi, muội ấy sẽ chẳng do dự, liều mạng xông lên vì tôi. Nhưng sao phải làm vậy? Sao phải kéo cả A Độ vào chuyện này? Đột Quyết đã diệt vong, Tây Lương thì rơi vào tay Trung Nguyên, tôi bảo:

- Cấm các ngươi được đụng vào cha ta, ta theo các ngươi là được chứ gì!

Cha đã trở nên lẩm cẩm. Nghe nói cha ra nông nỗi này từ khi mẹ qua đời, thỉnh thoảng, cũng có lúc người tỉnh táo nhưng cũng có lúc người lẩn thẩn. Khi nào minh mẫn, cha lại đòi đánh giết bọn Trung Nguyên, còn lúc không tỉnh táo thì lại làm những chuyện mà tôi chưa thấy bao giờ. Tôi nghĩ thà cha cứ mãi hồ đồ, mẹ qua đời, trái tim cha cũng chết theo. Các ca ca của tôi bị giam lỏng, đàn bà con gái trong cung thì hoang mang, lo sợ, còn tôi, tôi vẫn dằn lòng nín nhịn.

Thù còn đó, sao mình có thể chết dễ dàng được?

Tôi tiếp nhận chiếu thư của Trung Nguyên, quyết định lấy Lý Thừa Ngân. Trung Nguyên vừa bình định Đột Quyết đã gấp rút nâng đỡ thế lực mới trên đất Tây Vực, đề phòng Nguyệt Thị ngày càng lớn mạnh. Đột Quyết vừa diệt vong, các bộ tộc ở Tây Vực càng thêm hỗn loạn, Hoàng đế Trung Nguyên hạ chiếu sắc phong cha tôi làm Định Tây Khả hãn, tước hiệu ấy tôn quý không gì sánh được. Vì thế mà Nguyệt Thị rất bất bình, bọn chúng liên quân với Trung Nguyên đánh bại Đột Quyết, thoạt đầu mơ tưởng sẽ nuốt gọn cả vùng lãnh thổ rộng lớn của Đột Quyết, vậy mà Tây Lương lại sắp trở thành thông gia với Trung Nguyên. Các nước chư hầu ở Tây Vực trước kia ngầm tôn vinh Đột Quyết như nước đứng đầu, nay quay sang phục tùng Tây Lương.

Khoác lên mình tấm áo cưới đỏ rực mà người Trung Nguyên mang đến, tôi theo đoàn quân hộ tống của Trung Nguyên chầm chậm tiến về phía đông.

Khi đến chân núi Thiên Hằng, tôi mới được gặp Lý Thừa Ngân. Đáng lẽ, theo khuôn phép của Trung Nguyên, vợ chồng chưa cưới không được phép gặp mặt trước lễ thành thân, nhưng vì chúng tôi đã quen biết từ lâu, vả lại giờ đang trên đường hành quân, mọi việc đều có thể tùy cơ ứng biến. Sau nhiều lần tôi đòi gặp, cuối cùng Lý Thừa Ngân cũng đến lều của tôi. Đám đầy tớ đã lui ra ngoài, trong trướng chỉ còn lại hai chúng tôi.

Tôi ngồi trên thảm nỉ, hồi lâu vẫn không cất lời. Cho đến khi hắn trở gót quay đi, tôi mới nói:

- Chàng đồng ý với ta một chuyện, ta sẽ cam tâm tình nguyện lấy chàng.

Vẫn quay lưng về phía tôi, hắn chỉ hỏi:

- Chuyện gì?

- Chàng bắt cho ta một trăm con đom đóm.

Người hắn cứng đờ, sau cùng hắn mới chậm rãi xoay người nhìn tôi. Thậm chí lúc đó tôi đã cười:

- Cố Tiểu Ngũ, chàng bằng lòng không?

Ánh mắt ấy vẫn như buổi tối nọ bên bờ sông, nhưng chẳng còn sự điềm đạm, mọi thứ xưa kia rặt phỉnh lừa, dối trá, lòng tôi đã biết từ lâu. Còn hắn thì sao? Bấy lâu nay diễn kịch, hắn cũng thấy mệt mỏi rồi chăng?

Cuối cùng, hắn mở lời, giọng bình thản như chưa từng có sóng gió:

- Trời đã vào đông, không còn đom đóm nữa. Ở Trung Nguyên rất vui, có đóm đóm, có chim chóc, có rất nhiều loài hoa đẹp, trong phòng trang hoàng cũng rất đẹp… Rồi nàng sẽ thích Trung Nguyên.

Tôi nhìn hắn đăm đăm, còn hắn né tránh ánh nhìn của tôi.

Tôi hỏi:

- Chàng đã bao giờ thật lòng thích ta chưa, dù chỉ một chút?

Hắn không đáp, thẳng tay vén tấm mành rồi rảo bước ra khỏi lều.

Gió thốc thẳng vào lều cuốn theo tuyết, gió gợn hơi lửa ảm đạm trong chậu sưởi đặt trong lều, lửa bập bùng, rồi lại tắt. Trời vào đông dậy cơn buốt cóng.

Tôi và A Độ bỏ trốn lúc nửa đêm. Lý Thừa Ngân đích thân dẫn ba nghìn kỵ binh truy đuổi. Chúng tôi bỏ chạy vào núi, thế mà chúng vẫn theo sát sau lưng.

Tảng sáng, tôi và A Độ leo lên một vách núi cao và dốc.

Ẩn náu lâu ngày trên núi, chúng tôi thường xuyên gặp lũ chó sói. Từ ngày vua sói bị bắn chết, lũ sói mất con đầu đàn, lâm vào cảnh giao tranh kịch liệt. Mỗi lần đụng độ đàn sói, chúng chỉ lo cắn xé lẫn nhau, không hề gây hấn với chúng tôi, tôi nghĩ có thể Trung Nguyên đã dùng cách này để đối phó với Tây Vực. Bọn chúng tiêu diệt Đột Quyết, cũng như giết đi con sói đầu đàn, những bộ tộc còn lại sẽ lao vào giành giật nhau, chém giết rồi nội chiến liên miên... Sẽ chẳng còn nước nào đe dọa đến Trung Nguyên nữa. Tất cả có khác nào bầy sói kia, chúng chỉ lo tàn sát đồng loại, tranh đoạt ngôi vị vua sói, đâu còn là mối nguy hại đối với con người nữa!

Tiếng áo quần bị gió thổi phần phật, tôi đứng bên vách núi, gió khiến chúng tôi khó mở nổi mắt. Nếu gieo mình từ đây, phải chăng tất cả những buồn đau sẽ như vết khói mờ, tan dần vào hư vô?

Lý Thừa Ngân đã đuổi tới nơi, tôi lùi về phía sau một bước, tướng quân cầm đầu phe Trung Nguyên lo tôi nhảy thật, gã nói:

- Bẩm Điện hạ, xin người cho phép thần lên khuyên Công chúa.

Suốt chặng đường hành quân, tôi cũng hiểu sơ sơ vài câu tiếng Trung Nguyên, tôi còn biết vị tướng quân người Trung Nguyên này họ Bùi, còn là đại tướng mà Lý Thừa Ngân trọng dụng nhất. Nhưng giờ đây, ngay cả Bùi Tướng quân cũng không khuyên nổi Lý Thừa Ngân, tôi thấy hắn xuống ngựa, leo lên vách núi.

Tôi cũng không cản hắn, chỉ lặng lẽ dõi theo hắn trèo lên vách đá. Gió reo như tiếng nức nở, mây mù bay ngang khe núi, chẳng biết rốt cuộc vực sâu đến chừng nào. Hắn đứng bên bờ vực, thở hổn hển sau cả chặng đường vội vã. Tôi chỉ xuống vực sâu, hỏi:

- Chàng biết dưới đó là gì không?

Chắc bởi gió tuyết giật đùng đùng nên mặt hắn trắng bệch. Gió thốc hạt tuyết quất vào mặt ran rát, tôi vuốt đám tuyết còn bám trên mặt, rất có thể hắn không biết khuyên tôi thế nào nên lặng thinh. Tôi nói với hắn:

- Dưới đó có sông Quên. Nước sông Quên, đặng quên tình… Ở Tây Vực có một truyền thuyết, có lẽ xưa nay chàng chưa từng nghe. Truyền thuyết kể rằng chỉ cần nhảy xuống sông Quên là con người ta sẽ quên đi tất cả mọi muộn phiền chốn nhân gian, thay da đổi thịt, làm lại cuộc đời. Thần kỳ lắm, thánh thần lại có sức mạnh như thế đấy, nước thần sẽ giũ sạch mọi đau khổ trên thân thể chúng ta, nước thần cũng cho phép chúng ta quên đi muộn phiền, song trước nay chưa một ai có thể sống sót trở về từ sông Quên, sự quan tâm của thần thánh, nhiều khi rất đỗi tàn nhẫn... Chàng dùng cha ta, huynh đệ, tỷ muội của ta để uy hiếp ta, buộc ta phải lấy chàng...

Tôi cười với hắn:

- Nhưng… sống chết thế nào… ta mới là người quyết định.

Hắn nhìn tôi trân trối, nói:

- Nếu nàng dám manh động, ta sẽ mai táng cả Tây Lương theo nàng.

Tôi bình thản nói, đấy là lần đầu tiên tôi gọi hắn là Điện hạ, mà có lẽ cũng là lần cuối cùng:

- Điện hạ sẽ không làm vậy đâu. Điện hạ có chí lớn muốn bình định Tây Vực, thống nhất thiên hạ, chẳng gì có thể bì được với sự nghiệp trị vì thiên hạ của Điện hạ. Đột Quyết vừa mới ổn định, Nguyệt Thị đang hùng mạnh, Điện hạ vẫn cần Tây Lương để giữ chân Nguyệt Thị, mà cũng cần Tây Lương để tỏ rõ tấm lòng của Điện hạ với các nước Tây Vực. Điện hạ dùng thủ đoạn nham hiểm để dẹp yên Đột Quyết nhưng lại mở tấm lòng từ bi hòng vỗ về Tây Lương. Thái tử thiên triều cao quý mà lại hạ mình cưới một cô công chúa Tây Lương man di về làm chính phi ư? Các nước chư hầu Tây Vực hẳn sẽ cảm động phát khóc trước tấm lòng của Điện hạ.

Tôi giễu hắn bằng cái nhìn mỉa mai.

- Nếu Điện hạ tàn sát Tây Lương, những thứ mất đi không chỉ có mình Tây Lương nhỏ bé, mà còn có tất cả những gì chàng vất vả, tốn sức gây dựng bấy lâu nay.

Lý Thừa Ngân nghe tôi nói thế, sắc mặt hơi đổi khác, cuối cùng hắn không cưỡng được, tiến lên một bước, tôi liền lùi lại phía sau một bước. Bàn chân đã chạm vào trống rỗng, hư không, gió trên vách núi lay tôi đứng không vững, như thể sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào. Gió vẫn giật áo quần bay phần phật, ống tay áo như một lưỡi dao mỏng dính, không ngừng cà vào cánh tay. Hắn không dám tiến thêm bước nữa.

Tôi nói:

- Trước kia ta nhìn lầm chàng, giờ mới sinh ra nước mất nhà tan, là trời phạt ta phải chịu nỗi đau này.

Tôi gằn từng tiếng:

- Muôn đời muôn kiếp, mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!

Lý Thừa Ngân kinh hãi, vươn người toan túm lấy tôi, thế nhưng chỉ giữ được ống tay áo. Tôi giơ tay trái, lưỡi dao sắc lẹm cắt xẹt cánh tay áo, cơ thể tôi lơ lửng giữa không trung. Nhanh như cắt, Lý Thừa Ngân rút dải dây lưng, vung ra như một sợi roi dài, quấn lấy người tôi, treo tôi lơ lửng giữa lưng chừng vực sâu. Dải dây lưng ấy, hôm đó chính tôi đã thắt cho chàng, dải dây lưng của tân nương ngày cưới được nạm chi chít san hô và ngọc trai... Tôi từng khao khát thứ hạnh phúc đầu bạc răng long, tôi từng tưởng thế là vĩnh hằng, tôi từng ngỡ, chính thánh thần se duyên cho tôi yêu con người này... Trước lúc chàng lên đường ra trận, tự tay tôi thắt chiếc dây lưng ấy cho chàng, thầm nhủ vô vàn những yêu thương cùng lòng cảm mến, mong sao chàng sẽ bình yên trở về, rồi chính tay chàng sẽ thắt cho tôi dải dây lưng của mình... Đến lúc ấy, chúng tôi chính thức trở thành vợ chồng dưới sự chứng giám của thánh thần... Tôi vung con dao nhỏ trên tay, cắt lìa sợi dây, gió núi thổi qua khe gập ghềnh, những hạt ngọc trai tuôn rơi tựa giọt mưa sa... Tôi thấy rõ vẻ mặt chàng lúc đó, khổ sở, đớn đau muôn phần...

Tôi khẽ ngả người ra sau, cả người đã buông rơi. Nhiều kẻ hoảng sợ kêu gào, trong đó có cả gã Bùi Tướng quân người Trung Nguyên nọ, giọng hắn có vẻ kinh hãi hơn cả:

- Điện hạ...

Mọi thứ trên vách núi thoáng chốc đã khuất khỏi tầm mắt, chỉ còn sắc trời trong veo... cứ ngỡ như gió nâng mây, tôi rơi qua những tầng mây mù. Cơ thể tôi lộn nhào, mặt chúi xuống, chẳng còn thấy bầu trời đâu nữa, gió liên miên đâm chọc khiến tôi không tài nào hé mắt được. A Độ từng kể dưới đáy vực này có dòng sông Quên, thế nhưng sông Quên như thế nào? Là một hồ nước xanh biếc ư? Hay là vực thẳm có thể nuốt trọn bất kỳ ai... Sự tuyệt vọng, trống rỗng bủa vây, tôi nhớ mẹ, nghĩ mình đi gặp mẹ thế này hóa ra lại hay. Lòng tôi đã chết, trần đời này chỉ có mẹ là người yêu thương tôi nhất.

Bỗng có người nắm lấy tay tôi, gió ào ào lướt qua vành tai, người đó ôm tôi vào lòng. Gió đưa chúng tôi lao xuống mỗi lúc một nhanh... Chàng ôm tôi giữa vòng gió xoáy... Nhiều lần toan chụp lấy mỏm đá, nhưng chúng tôi rơi quá nhanh, đá vụn lả tả rơi cùng tôi và chàng, như làn mưa sa... Giống buổi tối nọ ở ven sông, vô vàn đom đóm cất cánh vút bay từ ống tay áo, như có cơn mưa sao rực rỡ, soi tỏ khuôn mặt tôi và chàng... Giữa đất trời bao la,đôi mắt chàng vẫn đắm đuối nhìn vào mắt tôi.

Đôi mắt ấy chỉ đong đầy bóng hình tôi.

Tôi có nằm mơ cũng không ngờ, chàng sẽ nhảy xuống giữ tôi. Tôi cứ ngỡ, chàng chưa bao giờ yêu tôi thật lòng.

Chàng gọi:

- Tiểu Phong!

Gió lướt qua vành môi thổi bạt tiếng chàng, nhẹ đến nỗi chẳng lọt vào tai. Tôi nghĩ, hẳn mình nghe nhầm rồi chăng, hoặc tất cả chỉ là ảo giác. Làm gì có chuyện chàng nhảy xuống, vì chàng là Lý Thừa Ngân, chứ nào phải Cố Tiểu Ngũ của tôi. Cố Tiểu Ngũ của tôi đã chết rồi, chàng đã hy sinh trong cuộc chiến với Nguyệt Thị và Trung Nguyên.

Chàng nói một câu bằng tiếng Trung Nguyên, tôi chẳng thể hiểu.

Câu nói cuối cùng đọng lại trong hồi ức, mà có lẽ chàng nhảy xuống theo tôi chỉ để nói với tôi câu đó. Song tôi chẳng muốn biết chàng đã nói những gì... Tôi chỉ cảm thấy thanh thản và bình yên, tôi biết vào khoảnh khoắc cuối cùng của cuộc đời, tôi không lẻ loi một mình... Thân thể nặng trĩu rơi xuống, nước xanh biếc vây xung quanh tôi, đau tựa ngàn nhát dao sắc lạnh xẻ vào da thịt. Tôi buông xuôi, phó mặc cho người lắng xuống đáy nước sâu, như đứa con trở về với mẹ, như bông hoa nhỏ xinh đáp mình xuống đất, là một cõi đi về rất đỗi bình yên, bấy lâu nay tôi vẫn luôn hiểu…

Nước sông Quên, đặng quên tình…

...

“Có con cáo nhỏ cô đơn,

Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,

Cơ mà đâu phải ngắm trăng,

Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.

Có con cáo nhỏ bơ vơ,

Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,

Nào đâu cáo muốn sưởi mình,

Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.”

Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!

Nhưng ta chỉ biết mỗi bài này…

...

Muôn đời muôn kiếp, mãi mãi về sau ta sẽ quên được chàng!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3