Đông Cung - Chương 13 - Phần 02

Nghe xong những chuyện này, tôi lại cảm thấy bực bội. Tình cảm của đàn ông thật khó mà tin được, nhất là đàn ông sinh ra và lớn lên trong hoàng thất, đứng trước toàn thể thiên hạ, phụ nữ có là gì? Cố Kiếm từng nói, một người muốn lên ngôi hoàng đế, tránh sao được máu lạnh và nhẫn tâm. Tôi thấy sư phụ nói cũng phải.

Chiều xuống, bỗng nghe tiếng mưa rơi tí tách. Vĩnh Nương trông ra làn mưa ngoài cửa điện, khẽ than thở:

- Năm nay hoa kém tươi rồi!

Bệnh của tôi đã đỡ hơn, nhưng tôi lại mắc thêm bệnh ho. Thái y kê nhiều loại thuốc, ngày nào cũng uống mà vẫn không khỏi. Tôi vừa ho, Vĩnh Nương đã vội kéo cho tôi chiếc chăn, chỉ lo tôi bị nhiễm lạnh. Tôi cũng mong bệnh của mình sớm khỏi, để tôi và A Độ còn về Tây Lương.

Dù Tây Lương của tôi đã thay đổi như thế nào, tôi vẫn muốn quay về.

Tôi ngồi trước cửa sổ, ngắm cánh hoa anh đào mong manh, ủ dột trong mưa, như những miếng lụa cắt vụn sũng nước, nặng trĩu còn bấu víu lấy cành. Vĩnh Nương đã sai người dựng màn gấm, những nhà giàu ở Trung Nguyên thường làm cách này để giữ hoa, mưa rơi xuống không thể tàn phá được cây cối, hoa cỏ dưới tấm màn che. Tôi nhìn những bông hoa anh đào núp mình dưới tấm màn gấm, bốn góc còn móc những chiếc chuông vàng nhỏ xinh để đuổi lũ chim, gió lay chuông văng vẳng tiếng ngân.

Tôi thường ngồi thẫn thờ nhiều canh giờ, Vĩnh Nương nghĩ tôi đã biến thành một người khác. Trước kia tôi rất nghịch ngợm, giờ lại trầm như thế này, bà ấy thường nhìn tôi vẻ rất đỗi lo âu.

A Độ cũng lo lắng không kém, muội ấy rủ tôi ra ngoài chơi không chỉ một lần, nhưng tôi không thể nào vực nổi tinh thần. Tôi chưa kể cho A Độ nghe tôi đã nhớ ra những chuyện trước kia, tôi thầm nhủ có nhiều chuyện, tự mình chịu đựng thì tốt hơn.

Lúc hoa tàn thì tiết trời cũng bừng ấm. Trong cung thay áo mới, Đông cung cũng rục rịch thay sang những bộ xiêm y mỏng manh, qua đợt này sẽ bước vào hè. Vĩnh Nương sai người dựng trong sân điện một cột xích đu, trước kia tôi thích ngồi dây đu lắm, nhưng trong mắt Lý Thừa Ngân, xích đu biến thành một trò hề, chẳng trách trong Đông cung chưa từng có xích đu. Giờ Vĩnh Nương sai người làm một cái cho tôi, nhưng tôi chẳng thiết chơi trò đó nữa.

Lúc đang dựng xích đu thì tôi gặp Bùi Chiếu. Lâu lắm rồi tôi mới thấy bóng dáng gã, từ lúc gã khuyên tôi không nên qua lại với Nguyệt Nương, tôi không gặp gã thêm lần nào nữa. Tôi sực nhớ lần đầu gặp Bùi Chiếu, gã đã đoạt đao trên tay A Độ, rồi cả tiếng kêu kinh hoàng bên bờ sông Quên. Chắc gã không biết tôi đã nhớ lại tất cả.

Mà tôi sẽ không kể với gã chuyện đó, nếu biết thể nào gã cũng đề phòng tôi. Người Trung Nguyên là những kẻ giả dối, giờ tôi cũng tiếp thu được ít nhiều, tôi phải giấu đi, có thế mới tìm được thời cơ cùng A Độ bỏ trốn.

Bùi Chiếu mang biếu tôi ít quà trong cung ngự ban, nghe nói là chiến lợi phẩm Đại tướng quân Bùi Huống mang về từ Cao Ly. Bệ hạ ban thưởng không ít người, chỗ tôi cũng có phần.

Đều là đồ cổ và châu báu, xưa nay tôi chẳng có hứng thú với những thứ này, chỉ bảo Vĩnh Nương để gọn gàng vào một chỗ.

Bùi Chiếu vẫn ôm trên tay một chiếc giỏ, tự tay dâng lên tôi.

Tôi không nhận, sai Vĩnh Nương mở ra xem, thì ra bên trong có một chú mèo con, lông trắng muốt. Hai mắt nó một bên màu lam, một bên màu lục, vô cùng đáng yêu. Nó vươn người trong giỏ, khẽ kêu.

Tôi hỏi:

- Bệ hạ ban thưởng cả cái này ư?

Bùi Chiếu nói:

- Con mèo này cha mạt tướng mang về, nghe nói là cống phẩm của Xiêm La. Huynh đệ trong nhà nghịch ngợm, e không nuôi được, mạt tướng liền đem tặng Thái tử phi.

Tôi bế chú mèo con, nó nằm trong lòng tôi kêu “meo meo”, cái lưỡi màu hồng nhỏ xíu liếm liếm ngón tay tôi. Tay tôi có cảm giác râm ran, tê tê khó chịu mà đáng yêu vô cùng. Tự nhiên tôi thấy thích con mèo con này. Tôi liền cười, nói với Bùi Chiếu:

- Vậy giúp ta chuyển lời cảm ơn tới Bùi lão Tướng quân nhé!

Chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác Bùi Chiếu vừa thở phào. Tôi tươi cười nhìn gã. Thoạt đầu, gã theo Lý Thừa Ngân đi chinh phạt Tây Vực, gã là người rõ mọi chuyện hơn ai hết. Ngày đó, bên bờ sông Quên, cũng chính gã đã nhìn thấy tôi nhảy xuống. Thế mà trước nay gã im lặng, không hé răng dù chỉ nửa lời. Tôi nghĩ, thực ra gã hết mực trung thành với Lý Thừa Ngân. Nếu gã biết tôi đã nhớ lại mọi chuyện, liệu gã có lập tức thay đổi thái độ, đề phòng tôi không? Người Trung Nguyên đầy âm mưu, quỷ kế, tôi phải học từ từ, rồi mọi đau đớn bọn chúng chất chồng lên tôi, tôi sẽ trả lại hết.

Tôi dỗ chú mèo con:

- Meo meo ơi, em muốn ăn cá không?

Mèo con đáp lại bằng một tiếng “meo”, nó lè lưỡi liếm ngón tay tôi khiến tôi ngưa ngứa, bất giác bật cười thành tiếng. Tôi ẵm nó lên cho A Độ xem:

- Xem này, mắt nó đẹp thật!

A Độ gật đầu. Tôi bảo Vĩnh Nương lấy sữa bò cho nó uống, rồi lại bàn với A Độ xem nên đặt tên cho nó là gì.

Tôi hỏi A Độ:

- Gọi nó là Tiểu Hoa nhé?

A Độ lắc đầu. Tôi cũng thấy buồn cười, lông con mèo trắng muốt, làm gì có sợi khác màu nào đâu, chắc chắn không hợp với cái tên Tiểu Hoa rồi.

- Thế gọi là Tiểu Tuyết nhé?

Tôi lảm nhảm với A Độ mãi, bảo phải làm cho nó cái ổ, rồi đặt tên... chẳng rõ Bùi Chiếu đã về từ bao giờ.

Từ khi có con mèo này, tôi ở Đông cung cũng bớt phần cô quạnh. Tiểu Tuyết rất nghịch ngợm, mỗi trò vờn đuôi thôi mà nó chơi mãi không chán. Khi hoa đào, hoa mận vào mùa tàn phai, cánh hoa mỏng manh bay trong gió như những bông tuyết giữa lưng chừng trời, Tiểu Tuyết lại chồm mình vờn bắt, thế mà khi những cánh hoa rơi đầy trên cầu, nó lại không thèm đoái hoài. Thỉnh thoảng có con bướm dạo qua, Tiểu Tuyết vờn nó chạy vòng quanh sân, bướm bay đến đâu, nó nhảy theo đến đó…

Lần nào Vĩnh Nương cũng mắng:

- Mèo đâu mà mèo, nghịch hơn cả cáo thành tinh.

Những ngày tháng bình yên cứ thế trôi qua. Ngày ngày ngắm Tiểu Tuyết nghịch ngợm chạy khắp nơi, ngắm hoa trong vườn đơm nở rồi lại héo tàn, trái anh đào chín đỏ rủ đầy cành, rồi lại ngắm đào, ngắm mận đã dệt những quả to cỡ hạt đậu nành trên cành lá xanh mướt. Thời gian như dòng nước trôi không một tiếng báo trước, ngày lại ngày cứ thế qua đi. Tối tối, tôi lại ra bậc thềm ngồi, ngắm trăng treo lơ lửng trên ngọn cây. Hàng triệu năm nay, trăng vẫn lên cao trong im lặng, không trĩu buồn, cũng chẳng cười vui. Một ngày gió sương, ánh trăng đổ xuống mái ngói lưu ly, như dát một lớp sương bạc mỏng. Dòng sông sao vẫn lặng lẽ tỏa sáng, Tiểu Tuyết nhoài mình kêu “meo meo” dưới chân, tôi vuốt ve cái cổ ấm nóng, mềm mại của nó, ôm nó vào lòng. Tôi cứ im lặng chờ đợi thời cơ để thoát khỏi chiếc lồng son này.

Thời gian qua tôi ốm nằm một chỗ, mọi lễ tiết trong Đông cung cũng được giản tiện, không nhất thiết phải hỏi ý kiến tôi. Trước kia, tuy có nhiều việc Triệu Lương đệ cai quản, song cơ bản vẫn do tôi nắm quyền quyết định. Tôi đổ bệnh nhiều ngày nay, những lễ lạt và yến tiệc trong cung đều vắng mặt. Đến khi bệnh tình khá hơn thì Tự Bảo lâm lại ngã bệnh.

Bệnh tình của muội ấy rất trầm trọng, thuốc thang đủ cả song vẫn không có chuyển biến, vậy mà người trong Đông cung chẳng có ai ngó ngàng, nếu Vĩnh Nương không buột miệng nói ra thì tôi cũng chẳng biết Tự Bảo lâm bị bệnh sắp chết.

Không hiểu vì sao tôi lại chủ động đến thăm cô ấy. Phần vì cảm thông, phần vì chính bản thân tôi cũng muốn cho Lý Thừa Ngân thấy rằng, tất cả vẫn vậy, chẳng có gì khác thường, hoặc để Lý Thừa Ngân vẫn nghĩ tôi chỉ là một Thái tử phi ngớ ngẩn, khờ khạo, trong lòng không hề toan tính âm mưu.

Tự Bảo lâm vẫn sống trong tiểu viện nằm lẩn khuất trong Đông cung trước kia, hai cung nữ hầu hạ cô ấy đã được đổi từ lâu. Chuyện bùa ngải tuy không làm ầm ĩ, song Triệu Lương đệ vẫn kiếm cớ bắt nạt cô ấy. Tôi ốm một thời gian dài nên sự quan tâm dành cho cô ấy cũng vơi đi phần nào. Tôi vô cùng áy náy, nếu tôi sớm phát hiện ra, chưa biết chừng Tự Bảo lâm đã không ốm đến nông nỗi này.

Tự Bảo lâm gầy rạc đi, chẳng khác nào một bộ xương khô, tóc tai xỉn màu, khô như một khóm cỏ dại. Tôi thoáng nhớ lần đầu gặp nhau, cô ấy vừa mất đi đứa con trong bụng, dáng vẻ cũng võ vàng, nhưng vẻ võ vàng hồi ấy chỉ như bông hoa tươi tắn đang oằn mình dưới cơn mưa rào, còn bây giờ, cô ấy chỉ còn là một bông cúc tàn hứng gió tây, vẻ tươi tắn ngày nào đã trở nên héo rụi.

Tôi gọi rất lâu, Tự Bảo lâm mới hé mắt nhìn, ánh mắt hốt hoảng, lờ đờ.

Dường như cô ấy không nhận ra tôi, chỉ hé mắt một lát rồi lại khép mi thiếp ngủ.

Vĩnh Nương khéo léo thuật lại lời của thái y cho tôi nghe, tình hình Tự Bảo lâm thế này, chỉ e không kéo dài được mấy ngày nữa.

Năm nay cô ấy mới mười tám tuổi, tuổi thanh xuân của người con gái, chớp mắt đã trôi qua, mà chốn Đông cung cô quạnh này chẳng khác nào một con quái thú, ngấu nghiến tất cả những điều tốt đẹp, tươi vui. Người con gái đương tuổi xuân thì như bông hoa, mà chỉ nửa năm ngắn ngủn đã héo hon, tàn úa.

Tôi thấy buồn rầu, lúc rời khỏi chỗ Tự Bảo lâm, tôi hỏi Vĩnh Nương:

- Lý Thừa Ngân đâu?

Vĩnh Nương cũng không biết, liền sai người đi hỏi, mới hay Lý Thừa Ngân và Ngô Vương đã đi đá cầu.

Tôi đến chính điện đợi Lý Thừa Ngân, đợi mãi đến xế chiều mới trông thấy một đội chừng bảy, tám tên lính Vũ lâm lang bước qua cửa Minh Đức. Những kẻ khác đều xuống ngựa, chỉ có mình chàng rong ngựa băng qua khoảng sân rộng trước điện, tiến thẳng về phía này. Tôi thấy trong lòng rối bời, phải vài tháng rồi chúng tôi không nhìn mặt nhau. Trước đây, tuy tôi và chàng không phải ngày nào cũng gặp, nhưng cứ cách một dạo, chàng lại hùng hổ đến chỗ tôi chỉ để tranh cãi những chuyện cỏn con. Nhưng bây giờ, tôi và chàng đã không còn gặp gỡ, cũng chẳng thể cãi nhau nữa rồi.

Thực ra, tôi luôn tránh mặt chàng. Mỗi khi nhớ đến chuyện cũ, tôi lại muốn giết chàng để báo thù.

Có lẽ, hôm nay tôi đi thăm Tự Bảo lâm chỉ là một cái cớ tôi tự biện cho mình, cốt để đến tìm chàng. Tôi dõi theo bóng chàng cưỡi ngựa tiến lại gần, lòng chợt nhớ đến nụ cười rạng ngời trên gương mặt chàng lúc phi ngựa chạy về phía tôi trên thảo nguyên bao la.

Chàng chưa từng cười như thế thì phải. Dẫu sao, đó là Cố Tiểu Ngũ chứ nào phải Thái tử Lý Thừa Ngân.

Nội thị tiến lên hầu Lý Thừa Ngân xuống ngựa, chàng ném roi da cho thái giám, bước lên bậc thềm, như không hề trông thấy tôi.

Tôi đứng dậy gọi chàng, rồi nói:

- Chàng đến thăm Tự Bảo lâm một lần đi.

Đến lúc đó chàng mới quay lại nhìn tôi. Tôi lại nói:

- Cô ấy bị bệnh nặng, sợ không qua khỏi.

Chàng cũng chẳng bận tâm, cứ thế rảo bước tiến thẳng vào điện.

Mình tôi bơ vơ đứng đó, gió đầu hè phả hơi mát lành lên gò má, vậy ra mùa xuân đã qua.

Nếu là trước đây, hẳn chúng tôi sẽ lớn tiếng đôi co, tôi sẽ ép chàng đi thăm Tự Bảo lâm, dẫu phải trói, tôi vẫn lôi chàng đến đó bằng được.

Còn giờ thì sao? Tôi biết rõ rằng, không yêu tức là không yêu, dẫu hôm nay Tự Bảo lâm có trút hơi thở cuối cùng thì đã sao? Chỉ e chàng đã sớm quên cô ấy rồi. Quên đi người con gái xinh đẹp, quên đi họ từng có với nhau một đứa con, quên đi bao nhiêu đêm dài cô ấy thao thức đợi chờ là bấy nhiêu đêm héo hon, quạnh quẽ. Giống như chàng đã quên tôi, quên tôi từng yêu, từng hận chàng, quên một trăm con đom đóm chàng từng bắt, quên tôi từng nhảy xuống sông Quên, cắt lìa mọi ràng buộc giữa tôi và chàng…

Tất cả, chẳng phải là cầu được ước thấy đó sao?

Trời ngày càng nóng, Tự Bảo lâm chìm vào hôn mê, cứ yếu dần, đến lúc chẳng còn ăn uống được gì. Hằng ngày tôi đều đến thăm cô ấy, Vĩnh Nương cũng khuyên tôi vừa mới ốm dậy, không nên ở lại chỗ người bệnh quá lâu, nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi chăm sóc Tự Bảo lâm, như thể đang chăm sóc chính cái tôi đang hấp hối trong thâm tâm mình.

Tôi túc trực bên Tự Bảo lâm, bọn cung nữ có muốn kiêng dè cũng không dám lên tiếng. Song bệnh tình của Tự Bảo lâm đã đến nông nỗi này, giờ đây, sự chăm sóc, lo lắng dành cho cô ấy có phải là thừa thãi?

Tiết chiều oi ả, chuồn chuồn vờn bay trước khoảng sân, tàu lá chuối im lìm bên bờ tường, không khí ngột ngạt không một gợn gió. Sắc trời dần ngả tím, mây đen kịt phía trời tây, có vẻ sắp mưa.

Bữa nay tinh thần Tự Bảo lâm có vẻ khá hơn, cô ấy hé mắt nhìn những người xung quanh một lượt. Tôi nắm tay cô ấy, hỏi:

- Muội có muốn uống nước không?

Cô ấy nhận ra tôi rồi mỉm cười, song cũng không uống nước, một lát sau lại chìm vào mê man, hơi thở đuối dần.

Tôi triệu thái y đến. Ông ấy bắt mạch xong, liền nói:

- Nếu Bảo lâm có phúc hơn người, ắt sẽ bình yên vô sự.

Tuy tôi nông cạn, song cũng ngộ ra lời ngự y nói, bệnh của cô ấy đã vô phương cứu chữa.

Vĩnh Nương toan khuyên tôi ra về, nhưng tôi không nỡ. Bà ấy đành sai người âm thầm đi chuẩn bị hậu sự. Sắc trời thêm âm u, trong phòng hầm hập, cung nữ nhón chân đi châm đèn. Ánh nến chan hòa, rọi xuống bên giường bệnh. Sắc mặt Tự Bảo lâm trắng bệch, khóe miệng mấp máy, tôi kề tai bên môi cô ấy mới nghe được hai tiếng thốt ra nhẹ bẫng, thì ra là: “Điện hạ…”

Tôi thấy buồn vô hạn, có lẽ trước lúc lâm chung, cô ấy chỉ mong được gặp Lý Thừa Ngân một lần.

Thế mà tôi lại không thể gọi chàng tới đây.

Người đàn ông này quyến rũ rồi hất bỏ, để cô ấy một thân một mình trơ trọi trong chốn thâm cung. Nhưng sao cô ấy lại không thể quên chàng?

Dẫu có bạc bẽo, dẫu có phụ tình, dẫu chỉ là thờ ơ…

Chỉ cần bấy nhiêu, chỉ cần một lần vô tình nhớ tới, thế mà cũng chẳng được thỏa lòng…

Tôi nắm tay cô ấy thật chặt, cốt để truyền cho cô ấy chút hơi ấm cuối cùng, thế mà bàn tay ấy cứ lạnh dần…

Vĩnh Nương khuyên tôi nên ra về, để cung nữ thay quần áo cho Tự Bảo lâm. Bà ấy từng nói việc ma chay có rất nhiều thứ phải lo. Thêm vào đó, vẫn còn một số chuyện cần phải giải quyết cho đường hoàng, như dâng thư lên lễ bộ, biết đâu sẽ truy phong cho cô ấy một danh phận cao hơn, hoặc ban một chức quan nho nhỏ cho người nhà cô ấy... Tôi nhìn cung nữ phủ một chiếc khăn gấm lên khuôn mặt đã tắt thở của Tự Nương, dù là khổ đau hay vui vẻ, tất cả đã chấm dứt thật rồi, tuổi đời dù ngắn ngủi nhưng cũng đã dừng lại ở đây…

Tiếng sấm rền từ phía chân trời vọng lại, Vĩnh Nương nán lại lo chuyện hậu sự. A Độ đưa tôi về tẩm điện. Lúc bước lên cầu, chợt nghe văng vẳng tiếng nhạc từ phía chính điện. Âm thanh xa vời bỗng gợi tôi nhớ về một buối tối xa xưa bên bờ sông, vẳng nghe đằng xa có tiếng hát của người Đột Quyết, ấy là một bài tình ca trầm thấp mà êm dịu, có chàng dũng sĩ Đột Quyết đứng ngoài cửa lều của người con gái mình yêu, nhờ lời ca tiếng hát để bày tỏ tình cảm thầm kín từ tận đáy lòng mình với người ấy.

Trước đây, tôi không nhận ra giọng hát ấy lại đi vào lòng người đến thế, nó thoắt ẩn, thoắt hiện như tiên khúc. Bầy đom đóm rập rờn quanh những bụi cỏ mọc ven sông, từng đốm chợt sáng rồi chợt tắt, thật giống sao băng, hoặc tựa như có nắm bụi vàng ai đó vung tay vẩy xuống. Thậm chí, tôi còn nghĩ, bầy đom đóm lập lòe ấy chính là sứ giả nhà trời, họ cầm những chiếc đèn lồng nhỏ xíu, nhóm lên những đốm lửa lung linh giữa trời đêm lộng gió. Vùng đất ven sông thoáng đó đã rải rác những ánh lửa li ti, tiếng cười vui như xa cách một tầng mây…

Tôi thấy chàng nhảy lên, lòng bàn tay đã chụp được mấy con đom đóm, chúng tỏa sáng lập lòe giữa những kẽ ngón tay. Võ công của người Trung Nguyên giống như một bức tranh, hoặc một bài thơ phóng khoáng. Nhất cử nhất động của chàng như đang nhảy múa, trên đời này chẳng có điệu múa nào khí khái, hào hùng đến thế. Chàng tung người giữa không trung, xoay những góc tuyệt diệu, đuổi theo lũ đóm đóm thoắt ẩn thoắt hiện. Ống tay áo khẽ gợn theo làn gió...

Bầy đom đóm chen nhau bay vụt đi, tản vào không gian như những ngôi sao băng nhỏ xíu rồi vây quanh chúng tôi. Ánh sáng rạng rỡ chiếu lên khuôn mặt chúng tôi, tôi thấy đôi mắt đen láy của chàng đang nhìn mình say đắm... Lời ca cách trở, xa xôi, xa như người trên trời, kẻ dưới đất...

Máu trong tôi như muốn sôi lên, trên bầu trời thẫm đen như mực đột nhiên lóe lên những lằn chớp sáng rực, ánh sáng màu tím như một đường gươm, chớp ngoằn ngoèo rẽ nhánh, vạch vào màn trời những vết nứt…

Tôi bảo A Độ:

- Muội về trước đi!

A Độ không chịu, lại lẽo đẽo theo tôi. Tôi gỡ chuôi đao đeo bên hông A Độ, nói:

- Muội về thu vén những thứ cần thiết, khi ta về, chúng ta sẽ lập tức khởi hành đi Tây Lương.

A Độ nhìn tôi với ánh mắt đầy nghi hoặc lẫn khó hiểu. Tôi thúc giục mãi, muội ấy mới chịu quay về.

Ngày hôm nay, tôi phải chấm dứt mọi chuyện.