Đông Cung - Chương 13 - Phần 01

Chương 13

Trong ký ức, đốm sáng lập lòe lúc tỏ lúc mờ, dường như tấm màn sương mù dày đặc vừa được vén mở, hé lộ ra ảo ảnh. Tôi hé mắt, mọi thứ xung quanh dần trở nên rõ ràng. Tôi thấy A Độ đang ngồi bên cạnh, tôi thấy Vĩnh Nương với khóe mắt đỏ hoe...

Tôi thấy những hoa văn tinh xảo thêu trên màn, tôi dần dần nhận ra, nơi đây là Đông cung, là tẩm điện của tôi.

Tôi từ từ mở mắt, tưởng mình vừa gặp ác mộng. Trong cơn mơ tôi thấy những điều đáng sợ: tôi bị thích khách bắt cóc, rồi Cố Kiếm chính là gã thích khách nọ, tôi đứng ở Thừa Thiên Môn, mắt đăm đăm nhìn lên lầu cao nơi Lý Thừa Ngân đang đứng... Và điều đáng sợ cuối cùng, tôi mơ thấy mình đã quen biết Lý Thừa Ngân từ lâu, chàng hóa thành Cố Tiểu Ngũ, chàng tàn sát Đột Quyết, giết ông ngoại, bức tử mẹ... Cha trở nên lẩn thẩn và tôi nhảy xuống sông Quên... Cơn ác mộng ấy thật đáng sợ… Đáng sợ đến nỗi tôi không muốn nhớ lại...

May thay tất cả chỉ là ác mộng, tôi chậm rãi nắm tay Vĩnh Nương, mỉm cười muốn nói:

- Ta đói...

Nhưng tôi chẳng thốt nổi câu nào, cổ họng nhói đau, luồng khí từ cổ thoát ra ngoài mà không bật thành tiếng. Tôi vội đưa tay sờ lên cổ mình, Vĩnh Nương ứa nước mắt, giữ tay tôi:

- Thái tử phi chớ lo, thái y nói người bị ngạt khói nên tạm thời cổ họng bị tổn thương. Chữa trị cẩn thận sẽ mau khỏi thôi...

Tôi nhìn A Độ, rồi lại nhìn Vĩnh Nương. Cung nữ dâng lên một chén nước mát, Vĩnh Nương tự tay bón cho tôi. Nước có vị ngọt và man mát làm tôi thấy dễ chịu hơn, cơn đau họng chẳng mấy đã dịu xuống. Tôi uống một ngụm lớn, Vĩnh Nương nói:

- Từ từ, từ từ nào... kẻo sặc... Trời đất ơi, mấy ngày rồi Thái tử phi chẳng ăn uống được gì... Nô tì lo muốn chết...

Mấy ngày?

Tôi hôn mê mấy ngày?

Tôi ra hiệu bảo lấy giấy bút, Vĩnh Nương sai người lấy cho tôi. Cung nữ dâng nghiên mực, tôi chấm mực, nhưng lúc hạ bút, lại lưỡng lự...

Viết gì đây?

Tôi muốn hỏi gì đây? Hỏi Đột Quyết phải chăng đã diệt vong, hỏi phải chăng bấy lâu nay cha tôi đã thành người lẩn thẩn? Từ ngày đến Trung Nguyên, cha chưa từng phái người đến thăm tôi, còn tôi ngày đêm vẫn mong về Tây Lương, vậy mà chẳng ai đến thăm hỏi. Ngày xưa tôi chẳng lấy làm lạ, cứ mải trách cha vô tình, giờ mới biết, thì ra từ lâu Tây Lương của tôi đã trở thành giấc mộng hão huyền. Tôi không dám hỏi A Độ. Sao tôi có thể làm thế, sao tôi có thể hỏi Vĩnh Nương?

Mãi lâu sau tôi vẫn không hạ được bút...

Mực trên ngòi bút đã ngưng tụ thành giọt, nhỏ xuống, loang thành đốm mực trên trang giấy…

Tôi sực nhớ tới “Cửa vẩy mực”, nhớ tới bức tranh núi non tráng lệ bằng phấn hồng và than kẻ mày mà Lý Thừa Ngân từng vẽ, tôi nhớ tới phường Minh Ngọc, nhớ lại điệu múa tối hôm đó, rồi nhớ cảnh chết chóc tàn khốc... Nhớ chàng bẻ đôi mũi tên, cao giọng thề... Tôi nghĩ về cuộc chiến đẫm máu rất chân thực trong mơ, tôi thấy mình nghêu ngao hát trên cồn cát, tôi nhớ Cố Tiểu Ngũ từng bắt một trăm con đom đóm cho tôi, rồi cả cơn gió buốt thấu xương trên dòng sông Quên... Và vẻ mặt đau đớn của chàng khi tôi cắt lìa dải dây lưng...

Quẳng bút xuống, tôi chui vào chăn, tôi sợ mọi thứ lại hiện về tìm tôi trong trí nhớ.

Vĩnh Nương tưởng tôi thấy khó ở, bèn vỗ nhẹ lên lưng tôi như dỗ dành một đứa trẻ nhỏ.

A Độ đã ra ngoài, tiếng bước chân se sẽ, song tôi vẫn nghe thấy.

Tôi bỗng thấy buồn, nhưng tôi không dám hỏi A Độ về Đột Quyết, không dám hỏi những chuyện trước đây. Những chuyện trong giấc mơ của tôi phải chăng là thật? A Độ hẳn sẽ buồn hơn tôi, vì muội ấy là người Đột Quyết, song vẫn theo tôi đến tận Trung Nguyên, cùng tôi chung sống với kẻ thù bấy lâu nay... Tôi thấy mình bỗng trở thành kẻ hèn nhát, chẳng hay biết điều gì.

Tôi mê mệt ngủ tới tầm tối thì Vĩnh Nương lay tôi dậy, cho tôi uống một bát thuốc rất đắng.

Rồi Vĩnh Nương hỏi tôi có muốn ăn món gì không.

Tôi lắc đầu, tôi không muốn ăn.

Bây giờ còn thiết ăn gì nữa?

Vĩnh Nương vẫn sai người làm món bánh canh, bà ấy nói:

- Bánh canh mềm lại có nước, người ốm ăn món này sẽ mau khỏe!

Tôi không muốn ăn bánh canh, cầm đũa gắp một miếng rồi buông.

Bánh canh gợi tôi nhớ đến Lý Thừa Ngân.

Đúng hơn là, mọi thứ ở Đông cung này đều nhắc tôi nhớ về Lý Thừa Ngân.

Mà tôi chỉ mong mình dứt ra khỏi những suy nghĩ về chàng. Không biết những chuyện trước kia thật giả thế nào, nhưng tôi không muốn gặp chàng nữa.

Vĩnh Nương vừa bưng bát bánh canh xuống thì Lý Thừa Ngân đến thăm. Chàng hồ hởi bước vào, nét mặt rạng ngời như thường lệ. Chỉ riêng tôi biết, tất cả đã khác xưa. Giữa chúng tôi đã tồn tại một quá khứ đớn đau, dòng sông Quên thần kỳ cho tôi quên đi tất cả, và cũng lấy đi trí nhớ của chàng. Hai kẻ u mê, chẳng hiểu nguồn cơn nào đã run rủi cho chúng tôi lấy nhau thế này, và ngô nghê thế nào mà tôi đã ở bên chàng suốt ba năm...

Đang miên man nghĩ ngợi thì Lý Thừa Ngân rảo bước đến bên giường, định vươn tay ra, xoa trán tôi.

Tôi nghiêng mặt tránh né.

Tay chàng chưng hửng giữa chừng, song chàng chẳng lấy làm giận, nói:

- Mãi nàng mới tỉnh, làm ta lo quá!

Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn chàng, vẻ dửng dưng như những người xa lạ. Chàng nhận ra sự khác lạ của tôi, bèn hỏi:

- Nàng sao thế?

Thấy tôi phớt lờ, chàng liền nói:

- Hôm nàng bị thích khách bắt cóc, lại đúng dịp tết Nguyên tiêu, chín cổng thành đều mở...

Cơn bức bối trong tôi khó nói thành lời. Tôi đã quên bóng dáng chàng đứng trên cổng lầu hôm đó, nhưng chỉ sợ hình ảnh chàng bên bờ vực sông Quên sẽ khắc sâu trong tim tôi trọn đời. Giờ đây nhắc lại thì có ích gì? Chàng vẫn định ngon ngọt lừa tôi nữa sao? Chàng đã giũ sạch những chuyện trước kia, song tôi vẫn nhớ, tôi đã nhớ lại cả rồi!

Chàng nói:

- Mấy ngày lục soát khắp nơi trong thành mà không tìm được nàng, ta cứ tưởng... - Nói đến đó, giọng chàng thấp dần. - Ta cứ tưởng sẽ không được gặp lại nàng nữa...

Chàng giơ tay kiếm tìm bờ vai tôi. Tôi nhớ đôi mắt sũng lệ, lờ đờ của cha, tôi thấy mẹ nằm trên vũng máu, tôi nhớ tiếng gào thét cuối cùng của ông, tôi nhớ đôi bàn tay đẫm máu của Hách Thất đẩy tôi lên lưng ngựa... Thế rồi tôi bất ngờ rút cây trâm trên đầu, đâm thẳng vào ngực chàng

Tôi dồn hết sức lực vào nhát đâm ấy. Chàng không ngờ tôi sẽ làm vậy, chỉ ngây ra, rồi bỗng đưa tay chặn trước ngực theo bản năng. Đầu trâm nhọn hoắt chọc xuyên qua lòng bàn tay, ứa máu. Chàng sững sờ nhìn tôi, ánh mắt ấy phức tạp, tôi không sao cắt nghĩa được, tựa như chàng không tin tôi sẽ đối xử với chàng như vậy.

Thực ra, chính tôi cũng không tin. Tôi ấn ngực mình, cảm giác toàn thân đang run rẩy.

Thời gian trôi qua thật lâu, chàng mới nắm chặt đầu cây trâm, rút mạnh. Chàng hành động chóng vánh, mà không hề rên một tiếng, chỉ có đôi chân mày khẽ cau lại, như thể máu thịt này không thuộc về mình. Máu ứa ra, tôi nhìn máu đầm đìa chảy theo cổ tay chàng dính vào ống tay áo. Chàng cầm chiếc trâm còn vương máu, rồi nhìn tôi, lòng tôi bấn loạn.

Chàng quẳng cây trâm xuống đất đánh “keng” một tiếng, chuỗi thạch anh văng bốn hướng, lanh canh đập nẩy trên sàn. Tiếng chàng se sẽ, như sợ làm kinh động đến thứ gì đó:

- Sao lại thế?

Chàng bảo tôi phải nói thế nào, kể ra những chuyện khủng khiếp trong quá khứ ư? Tôi và chàng, giữa chúng tôi là ân oán, là đôi bờ cách trở bởi biển máu hận thù. Thì ra lãng quên không hẳn là bất hạnh, có khi đó lại là một sự may mắn. Ước gì tôi có thể quên như chàng thì tốt biết mấy.

Tôi ngoảnh mặt né tránh. Chàng lại nói:

- Ta hiểu rồi.

Tôi không biết chàng hiểu gì, nhưng thoáng nghe trong giọng chàng có chút lạnh lùng:

- Thấy nàng ốm đau ra nông nỗi này nên ta không định hỏi tới. Nhưng một khi đã vậy, ta buộc phải hỏi câu này, sao nàng thoát được khỏi tay thích khách? Lúc A Độ cõng nàng về, có hỏi thế nào muội ấy cũng không chịu khai hành tung của thích khách, càng không chịu nói đã cứu nàng ở đâu. Ta không tiện dùng hình truy hỏi dân Tây Lương các nàng, nhưng nàng phải nói cho ta hay, rốt cuộc kẻ nào đứng đằng sau thích khách...

Tôi nhìn người đàn ông này, người đã ôm tôi nhảy xuống sông Quên. Chàng đã quên thật rồi, nhưng tôi vĩnh viễn không thể quên được. Tôi không quên được chính chàng đã giết ông ngoại, tôi không quên được chính chàng khiến tôi phải chịu cảnh nước mất nhà tan, tôi không quên mình giờ đây đã chẳng còn Tây Lương để về... Tôi mấp máy môi, nhưng không thốt thành lời, thay vào đó là cái nhìn đầy mỉa mai. Chàng còn hỏi tôi thích khách là ai cơ đấy? Lẽ nào chàng không biết thích khách là ai ư? Hay sông Quên cũng khiến chàng quên Cố Kiếm là ai rồi?

Tôi nhìn chàng, ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Rất lâu sau, chàng bỗng ném ra ngay trước mặt tôi một đôi ngọc bội. Tôi giương mắt nhìn đôi ngọc bội hình uyên ương bóng mịn như mỡ dê, tôi biết chúng, tôi từng cầm một mảnh ngồi ba ngày ba đêm trên cồn cát. Lúc ấy chàng xưng mình là Cố Tiểu Ngũ, lúc ấy tôi háo hức ngồi đợi người tưởng sẽ là chồng mình, lúc ấy tay chàng cầm một mảnh ngọc bội, mỉm cười trêu đùa tôi, lúc ấy sắc đêm bao trùm sa mạc Tây Lương và chúng tôi cùng nhau thúc ngựa về Vương thành...

Dạo đó, đôi ta nào có hằn học như bây giờ. Tôi là Cửu Công chúa vô tư lự của Tây Lương, còn chàng, chàng là Cố Tiểu Ngũ, thương nhân buôn chè đến từ Trung Nguyên.

Tay Lý Thừa Ngân còn đang ứa máu, chàng siết chặt cánh tay tôi, chặt đến nỗi xương cốt nhói đau, nhức nhối. Chàng ép tôi phải ngước lên, rồi nhìn xoáy vào mắt tôi, hỏi:

- Tại sao?

Chàng lặp đi lặp lại, tại sao?

Tôi cũng muốn biết. Tại sao? Tại sao số phận lại đùa giỡn, hết lần này đến lần khác dồn chúng tôi vào mối quan hệ đoạn tuyệt này. Tôi thấy trong mắt chàng có sự khổ sở khó nói nên lời và thoáng tia khao khát cuối cùng, dường như chàng còn mong mỏi tôi sẽ nói câu gì đó.

Tôi hé môi, song vẫn im lặng.

Máu từ bàn tay chàng loang trên mặt tôi âm ấm, chàng nói:

- Tại sao nàng có thể bình yên trở về từ chỗ thích khách? Tại sao A Độ lại không chịu nói cho ta biết hành tung của gã thích khách kia? Sao trong tay nàng lại có đôi ngọc bội uyên ương này... Uyên ương ư...? Hay chính ta đã chia cắt đôi uyên ương các người?

Chàng siết mạnh vai khiến tôi đau nhói, tôi bỗng thấy lòng mình nguội lạnh. Lúc đứng bên bờ sông Quên, rốt cuộc chàng nghĩ gì mà lại nhảy xuống? Phải chăng chỉ để nói với tôi câu đó? Nhưng dạo ấy tôi đâu có biết tiếng Trung Nguyên. Tôi quên mất chàng nói gì từ lâu rồi. Tôi chỉ nhớ tiếng hét cuối cùng của Bùi Chiếu, chắc gã phải kinh hãi lắm. Nhưng Lý Thừa Ngân không phải là Cố Tiểu Ngũ, có lẽ, Cố Tiểu Ngũ của tôi đã hy sinh trong cuộc chiến ngày đó rồi. Cuối cùng, tôi ngước mắt trông lên hai con ngươi đen láy, rốt cuộc chàng là ai? Là Cố Tiểu Ngũ từng bắt cho tôi một trăm con đom đóm? Hay là người chồng đã lên đường ra trận vào đúng ngày cưới của chúng tôi? Hoặc, lúc ở sông Quên, phải chăng vẻ hối hận trên khuôn mặt chàng khi thấy tôi cắt lìa dải dây lưng không có thật?

Hết lần này đến lần khác tôi mắc lừa người đàn ông này, cho đến tận bây giờ, có trời mới biết, rốt cuộc chàng có lừa tôi hay không? Chàng bẻ mũi tên thề với thích khách, nói những lời hùng hồn, đầy lý lẽ, thế mà chỉ trong chớp mắt, chàng sánh vai với Triệu Lương đệ trên Thừa Thiên Môn... Cố Tiểu Ngũ của tôi thực sự đã chết rồi, chỉ nghĩ như vậy, tôi đã thấy lòng quặn thắt. Giọng tôi khàn khàn, đáng sợ như thể đây không phải giọng của mình. Tôi nói:

- Chính chàng đã chia lìa đôi ta, chính chàng đã chia lìa ta… và Cố Tiểu Ngũ.

Chàng thảng thốt, rồi lại cười phá lên, vẻ khinh miệt:

- Cố Tiểu Ngũ?

Tôi nhìn chàng, máu từ tay chảy ròng xuống áo bào. Lúc đứng bên bờ vực sông Quên, trái tim tôi đã hóa tro tàn, đến giờ khắc này, tôi chẳng còn sức lực để vùng vẫy. Tôi thấy bải hoải, tôi thấy rã rời, tôi mệt mỏi lắm rồi, rồi nhả từng chữ:

- Chàng đã giết Cố Tiểu Ngũ.

Cố Tiểu Ngũ của tôi, chàng đã giết chàng trai duy nhất tôi từng yêu. Cố Tiểu Ngũ đã vĩnh viễn nằm lại với Đột Quyết, Cố Tiểu Ngũ bỏ mạng khi hôn lễ của chúng tôi còn dang dở, Cố Tiểu Ngũ bị chàng giết trên chính mảnh đất Tây Lương…

Tôi đã quên tất cả những chuyện trước kia, để rồi đến nơi này, để rồi lấy Lý Thừa Ngân… Chúng tôi đều quên hết quá khứ, thậm chí tôi còn không biết Cố Tiểu Ngũ đã chết…

Cơn giận của chàng hóa thành tràng cười:

- Được! Được! Được lắm!

Rồi chàng quay người bỏ đi.

Lúc Vĩnh Nương quay lại thì kinh ngạc lắm, bà ấy nói:

- Sao Điện hạ đã đi rồi?

Rồi bà ấy kêu toáng lên.

- Trời ơi, sao dưới sàn nhiều máu thế này?

Bà ấy gọi cung nữ vào lau dọn, sau đó hỏi dồn tôi, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Tôi không muốn cho bà ấy biết, chỉ thần người, mặc bà ấy lải nhải bên tai. Tôi phải làm sao đây? Tôi còn về Tây Lương được không? Giả sử tôi về được Tây Lương, nhưng Cố Tiểu Ngũ đã ra đi vĩnh viễn rồi...

Vĩnh Nương nghĩ chắc tôi muốn ngủ nên không gặng hỏi nữa. Bà ấy gọi A Độ vào ngủ với tôi, A Độ vẫn theo lệ cũ, nằm dưới thảm trải trước giường tôi.

Song tôi không thể nào chợp mắt được. Tôi bật dậy, A Độ cũng dậy theo, lại tưởng tôi khát nước bèn rót cho tôi một tách trà.

Tôi không cầm tách trà đó, mà kéo tay muội ấy, viết mấy chữ vào lòng bàn tay.

Tôi hỏi: “Chúng ta về Tây Lương nhé?”

A Độ gật đầu.

Tôi thấy rất an tâm. Tôi đi đâu thì muội ấy sẽ theo đó. Tôi không biết trước kia muội ấy từng chịu nhiều đau khổ đến thế, thậm chí tôi không biết vì sao muội ấy lại cam tâm tình nguyện theo tôi đến nơi này. Tôi níu tay A Độ, ngẩn người rồi bỗng nhỏ giọt nước mắt. A Độ thấy tôi khóc thì bối rối, liền dùng gấu tay áo lau nước mắt cho tôi. Tôi lại viết vào lòng bàn tay A Độ, nói với muội ấy rằng tôi không sao. Dường như A Độ rất xót xa, muội ấy ôm tôi vào lòng, khẽ xoa đầu tôinhư đang an ủi một đứa trẻ. Muội ấy cứ vỗ về như thế, cuối cùng tôi cũng chợp được mắt.

Thực ra, trong thâm tâm tôi biết rằng, tôi đã thất bại. Trước kia tôi thích Cố Tiểu Ngũ, sau khi mất trí nhớ, tôi lại thích Lý Thừa Ngân. Dù chàng lừa dối tôi từ đấu đến cuối, vậy mà tôi vẫn cứ yêu chàng.

Nước sông Quên, đặng quên tình. Hễ ai đầm mình trong dòng nước thánh thần đó, về sau sẽ quên hết những chuyện đau khổ từng trải qua. Tôi quên chàng, chàng cũng quên tôi, chúng tôi không còn vướng bận tiền duyên, thế nhưng, đã quên nhau rồi sao trái tim tôi vẫn hướng về chàng? Trước kia chàng đối xử tệ bạc với tôi, song tôi không ngăn được mình thích chàng. Ba năm chúng tôi không chỉ một lần hắt hủi nhau, cớ gì lại đến bước đường ngày hôm nay? Thánh thần đã từng nghe lời khẩn cầu của tôi, để tôi được quên đi những khổ đau, sầu muộn mà chàng gây ra cho tôi, vậy mà hôm nay, thánh thần đang trừng phạt tôi chăng? Người khiến tôi nhớ lại tất cả, còn tạo trớ trêu đưa đẩy tôi yêu chàng thêm một lẫn nữa.

Kể từ đó, Lý Thừa Ngân không còn ghé chỗ tôi nữa.

Tôi ốm dai dẳng một thời gian dài, mãi đến khi mở miệng nói được thì cây ngọc lan ngoài hiên đã héo rũ, mà anh đào đang rộ phớt hồng như mây.

Anh đào trổ bông sớm hơn cây đào, cây mận, hoa vừa đơm mà đã khiến đất trời ngập sắc xuân. Trong vườn có mấy cây anh đào đương độ sum suê, hoa nở rộ, bung màu như ráng chiều rực rỡ, như mây bồng bềnh, như lụa hững hờ phủ dưới mái hiên…

Lúc tôi còn ốm nằm một chỗ thì ngoài kia đã xảy ra rất nhiều chuyện, nhờ Vĩnh Nương kể tôi mới hay. Thoạt đầu, Thủ phụ[72] Diệp Thành bị vạch tội mua quan bán tước, rồi nghe nói vụ việc lần này có liên quan đến rất nhiều người, chỉ một thời gian ngắn mà trong triều ai nấy đều bất an, chỉ lo mình bị vu tội “kết bè kết đảng với nhà họ Diệp”. Rồi cả chuyện Đại tướng quân Bùi Huống ca khúc khải hoàn sau cuộc chinh phạt Cao Ly, Bệ hạ đã ngự ban không ít vàng bạc. Còn nữa, Bệ hạ còn nạp thêm một quý phi tuổi đời còn rất trẻ, vô cùng xinh đẹp, trong cung gọi là Nương Tử. Nghe nói Bệ hạ hết mực sủng ái vị quý phi này, thậm chí người tạm thời nắm quyền ở hậu cung là Cao Quý phi cũng còn kém xa. Sở dĩ người ta xôn xao bàn tán liệu có phải Bệ hạ sẽ sắc lập vị quý phi kia lên ngôi hoàng hậu, vì kiểu ân sủng này xưa nay quả hiếm thấy. Nhưng dù là chuyện triều chính hay chuyện hậu cung, tôi nghe vào tai trái ra tai phải, chẳng mấy chốc đã quên hết.

[72]Người đứng đầu nội các.