Ngõ Cây Bàng - Chương 02 - phần 1
CƠN giông thường nổi lên từ lúc nửa chiều. Cái ngõ nhỏ bỗng náo động hẳn lên. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng chân chạy thình thịch. Người ta hối hả đóng vội những cánh cửa, cánh liếp gió đập lại.
- Chúng bay đâu, ra hứng nước đi kìa! Nhanh nhanh lên.
Nghe tiếng mẹ gọi, Vọng và Ân cuống quýt chạy vào trong sân, trong bếp tìm kiếm: chậu thau, chậu sành, nồi sành và cả ống bơ đem ra để dưới mái hiên. Bà ngoại gọi các con rồi đi tìm những mảnh áo tới, nón lá, miếng giấy sơn đem che những chỗ trống, căng ra trên những giường ngủ và chỗ đun bếp.
Bên ngoài, gió vẫn điên cường, lồng lộn thốc vào các cửa ngõ, các ngôi nhà. Gió lay những cành bàng và vặt lá bàng ném xuống đất.
- Chúng bay đâu, ra nhặt lá đi kìa! - Người mẹ lại gọi.
Ngoài đường, ai đang quét. Tiếng chổi trẻ xiết trên mặt đường mòn. Vọng và Ân chạy ra đường nhặt lá bàng. Những cái lá bàng to dầy, tím bầm được chúng xếp lại thành chồng thành tập đem về. Người mẹ chọn những cái lá to nhất, đầy nhất cài thêm vào chỗ vách thủng, còn những chiếc lá nhỏ thì vun thành đống trong gầm bếp, ít nhất cũng được một bữa đun.
- Khéo lại chỉ ầm ì mà không được một giọt nước cũng nên - Người mẹ làu bàu nói rồi xếp dọn quang gánh, chuẩn bị đi bán hàng.
Trong bếp, chị Hạnh đã nấu xong nồi cháo đậu xanh đặc sánh, chị ủ vào tải. Đậu rán ướp hành để vào liễn. Bây giờ, chị đang lau khô những cái bát, bó thìa xếp lên sành cạnh một liễn nước lã. Chị móc thêm vào bên cạnh quang một cái ghế con rồi nhìn trời. Mây xám màu vỏ chai. Những vồng mây bay cuồn cuộn, tản tác, vỡ nát nặng nề đè xuống sát mái nhà.
- Trời này chưa chắc đã mưa đâu! - Chị Hạnh nói rồi đi lấy đôi thùng gánh nước.
Người mẹ gánh cháo ra khỏi ngõ thì trời đổ mưa. Mưa ào ào như giội. Trong ngõ vang lên những âm thanh kỳ lạ: Tiếng lanh canh trong các thùng, chậu sắt. Tiếng lộp bộp trong các thùng chậu gỗ, tiếng mưa giòn căng ra trên những mái tôn và bờ hè gạch. Chị Hạnh gánh thùng ra gần đến giếng lại quay về, vội vã xếp thùng vào chỗ giọt gianh.
Cả cái ngõ dài này chỉ có hai cái giếng, một cái giếng đất và một cái giếng thơi. Ngay từ đầu mùa thu cái giếng đất đã cạn trơ ra như một lòng chảo nông choèn, nước màu rỉ sắt. Cái giếng thơi thì sâu thẳm, kéo dây đến rát hai bàn tay mới được lưng gầu nước. Tiếng gầu va vào đáy giếng. Bùn lềnh trong nước. Gạn chắt, cả một thùng đầy chỉ còn một nửa. Mà đâu phải cứ đến giếng là múc ngay được nước. Phải tranh giành và chờ đợi. Năm nào gặp hạn thì chả tìm đâu ra nước. Nhiều nhà xoay trần ra đào những cái hố thật sâu để tìm nước vẫn chẳng thấy nước đâu. Bên bờ những cái giếng người chen chúc, đen ngòm những đầu tóc.
Vọng nhớ mãi lần giỗ bà ngoại năm ngoái, cũng đúng vào những ngày nắng hạn. Từ tối hôm trước, mẹ đã cắt việc cho các con: Hạnh đi chợ, Vọng và Ân thì trông nhà, rửa bát, lau bàn thờ, anh Hy thì di lấy nước. Nhận việc này, anh Hy lo lắm. Trước khi đi ngủ anh sang hàng xóm mượn một cái thang con mang về dựng sẵn ở sân.
Sáng hôm sau, khi Vọng thức dậy đã thấy anh gánh về một gánh nước đầy. Vọng tròn mắt, ngạc nhiên không hiểu Hy làm cách nào mà gánh được nước sớm như thế.
- Mày ra giếng vác cái thang về cho tao! – Hy nói rồi đổ nước vào vại, vào nồi. Nồi nấu cơm, nồi nấu canh…
Vọng chạy ra giếng. Nhiều người đang xúm xít chung quang giếng, chờ nước. Thi ra, anh Hy đã dậy sớm để vét những giọt nước đầu tiên ri ra trong lòng đất đọng lại sau đêm. Giếng cạn quá không gầu nào múc được. Hy phải lấy thang trèo xuống vét nước dưới đáy giếng. Bây giờ giếng chỉ còn là một cái hố sâu thẳm. Nhiều người đợi nước. Có người cầm cả cái áo bông rách ném xuống để thấm nước dưới đáy giếng.
Sáng ấy, người mẹ đi mua hàng một lúc rồi về. Chị Hạnh đã nấu cơm, nấu canh, luộc thịt xong. Thịt lợn luộc thái mỏng xếp dính vào đĩa. Canh cà chua nấu sườn. Khói hương nghi ngút. Vọng và Ân chả dám đi đâu xa cứ quanh quẩn đứng bên cạnh bàn thờ nhìn những nén hương xem nó cháy đến đâu. Hương mà cháy đến chân là hương tắt. Hương tắt, mẹ lễ tạ cụ. Lễ tạ cụ xong là được ăn.
Lâu lắm trong nhà mới lại có một bữa cơm ngon. Đĩa thịt luộc để ở giữa mâm, bát xếp vây tròn xung quanh. Cơm xới vào các bát. Chị Hạnh bưng nồi canh xuống bếp hâm lại. Mấy đứa chan canh và lua lua.
Cơm dẻo thơm và canh ngọt. Những miếng sườn nhừ, béo ngậy.
- Cho con tí ớt! - Vọng nói. Con bé đã biết ăn cay. Nó đã cảm thấy ăn có tí cây hình như ngon hơn.
- Cho em thêm tí canh! – Ân bảo.
Chị Hạnh múc canh cho em. Cái muôi to và dài, cái muôi mẹ dùng để múc cháo bán hàng ngày. Chị Hạnh khoắng dưới đáy nồi để vớt những miếng sườn chia cho các em. Mặt chị đầy hơi nước. Bỗng chị kêu lên thất thanh:
- Ối giời ơi, con gì thế này?
- Con gì đâu? – Đám trẻ giật nẩy cả người, nhổm lên nhìn vào trong nỗi chỗ cái muôi chị vừa liệng xuống: một con cóc to sụ, da sần bóng mỡ nằm duỗi dài trên cái muôi.
Thế là cả nhà buông bát đũa, chả còn ai muốn ăn gì nữa. Mặt Hy đỏ bừng:
- Trời tói quá! Giếng nước cứ om om như miệng hũ chả nhìn thấy gì cả.
Bữa cỗ ngừng lại dở chừng, mọi người chưa ai no và ai cũng cảm thấy chẳng ngon bằng bữa cơm thường ngày.
…
- Mưa gió chết tiệt! Được vài giọt nước chỉ thêm bẩn đường! - Chị Hạnh lẩm bẩm cầm thùng trút vào chậu. Nước mái gianh đỏ như nước chè và ngầu ngầu bụi rác.
- Nước thế này thì ăn uống cái gì! - Chị vớt mấy con cuống chiếu vứt ra ngoài, lẩm bẩm.
Nước trong ang không còn một giọt. Chị móc xích vào thùng và đi ra. Chị đi gánh nuwocs ao trong làng. Chị đi sát vào các hiên nhà, một tay giữ đầu móc xích, một tay bíu vào các cây cúc tần. Chân chị lầy lụa những bùn, người chị xiêu xiêu như sắp ngã.
Trời tối rất nhanh. Ngọn đèn thắp lên đỏ ngầu, xanh đục ánh vỏ chai ám khói. Ân bẻ đóm nhóm lửa. Vọng bốc mùn cưa phủ chung quanh bếp. Củi ẩm thổi mãi mới cháy. Ngọn lửa thoi thóp lan ra trên đám mùn cưa. Nước trong nồi sôi réo. Đổ gạo vào trong Vọng và Ân gẩy lá vào bếp. Chị Hạnh nhặt rau, những ngọn rau muống xanh tươi gẫy ròn tanh tách, thoáng cái đã rơi vào đầy một rổ. Vừa nhặt rau chị vừa nhìn ra ngoài cửa, vẻ sốt ruột:
- Sao mãi mẹ chưa về nhỉ?
Vọng cũng nhìn ra cửa. Nó không mong mẹ bằng mong anh Hy. Anh Hy đi học trên phố, buổi sáng, còn buổi chiều anh đi làm thuê. Ai thuê gì anh làm nấy. Anh ra sông Hồng xúc cát chở về cho những người đang xây nhà. Anh khuân vác, đẩy xe bò, chở hàng thuê ở ngoài ga. Chiều nay, anh ra hồ Bẩy mẫu xem tát cá. Vọng tin chắc thế nào hôm nay nhà cũng có các ăn. Anh đi một lúc lâu mới về, người lấm nhuối, tay xác cái lạt buộc cổ ba con cá trê nhỏ. Anh chạy vào trong bếp vợi thùng nước chị Hạnh vừa gánh, dội ùm mùm. Chị Hạnh càu nhàu:
Hy nhe răng ra cười. Hàm răng to, trắng bóng nổi bật lên giữa khuôn mặt đen sạm. Tắm qua quýt xong, Hy chạy vào trong nhà, lên giường nằm, kéo chiếu trùm lên người rồi bảo Vọng:
- Đứa nào hỏi bảo tao đi vắng nhé! Đừng có nói là tao đi hôi cá về! Dặn cả chị Hạnh với cái Ân nữa! Nhớ đấy!
Một lúc sau Việt, Trung, hai người bạn thân cùng lớp với Hy đến. Nhớ lời dặn, Vọng bảo anh đi vắng, Trung kéo Vọng ra một góc, nói thầm:
- Các anh vừa đánh thằng Đôn – Con nhà Tường xây một trận nhừ tử rồi vùi đầu nó xuống bùn. Bây giờ chắc nó đã mách bố nó rồi. Bảo anh Hy trốn tạm đi đâu khuya hãy về. Các anh cũng đi đây, chứ không về nhà.
Nói rồi hai người chạy biến.
Vọng lặng người, sợ hãi.
Sao anh Hy lại dại dột như thế nhỉ? Sao anh lại dám trêu vào con nhà Cai Thực? Nhà Cai Thực còn có tên là nhà Tường xây khét tiếng cả vùng này, ai cũng sợ hãi kiềng tránh mỗi khi có việc gì liên quan đến ông ta.
Nhà ấy, buổi trưa ai đi qua cũng phải đi thật khẽ, sợ mạnh chân làm nhà ông mất giấc ngủ trưa. Buổi trưa thật yên ắng. Cứ sau bữa cơm, bà vú Êm lại đem cái rổ may và chiếc chiếu con ra giải ở ngoài cổng ngồi may vá để nhắc những người đi qua khẽ chân, bé tiếng.
Những đứa trẻ trong ngõ cây bàng lại rất thích đi qua nhà Tường xây vào buổi trưa. Thường, chúng đi chân đất, nhưng đến trưa, để qua nhà Cai Thực đứa nào cũng cố mượn cho bằng được đôi guốc của mẹ hay của chị - những chiếc guốc mỏng và vênh gõ giòn trên nền gạch.
Chỉ khổ bà vú Êm, gió trưa hây hẩy như quạt, mắt bà buồn ngủ cứ nhíp lại mà vẫn phải thức! Sáng nào bà cũng phải dậy từ ba bốn giờ để giặt giũ, quét dọn, nấu nước cho học trò uống rồi mới đi nấu cơm. Nhà đông người lại nhiều tính nết nên bữa nào bà cũng phải thổi có tới ba nồi cơm: cơm nếp cho ông Cai Thực đau dạ dầy, com nhã cho hai cụ cố đã ngoài bẩy mươi, cơm xuê cho các cô, các cậu và bà Cai Thực… Thức ăn lại càng phức tạp hơn bữa nào cũng năm bảy món. Lửa than ngùn ngụt suốt ngày. Nước thì lạnh. Nóng rồi lạnh. Ngâm nước, hơ lửa suốt ngày tay bà cụ cứ nhợt ra. Đến trưa, được một lúc rỗi rãi bà lại phải ra ngồi trông đường. Lúc nào không có người đi qua bà mới khẽ nhắm mắt thiu thiu ngủ, đầu tựa vào tường hoa. Nghe thoáng tiếng guốc của bọn trẻ con bà choàng dậy ngay, chạy lại:
- Các cháu ơi, đi đâu mà đi nhiều thế? Làm gì mà đi những đôi guốc to như thế kia? Ngộ nhỡ trượt chân ngã xuống ao, xuống chuôm thì có khổ không?
Nghe giọng bà cụ thật thương, cứ y như giọng bà ở nhà. Mà ở nhà đứa nào chẳng có bà. Thế là đám trẻ tụt guốc ra cầm tay, đi về, đứa nọ nối sau đứa kia.
Vọng vừa sợ vừa ngại đi qua nhà Tường Xây bất cứ lúc nào chẳng cứ gì vào buổi trưa. Đó là một khu nhà to lớn đẹp nhất trong khu vực này. Nhà hình lục lăng nằm giữa một khu vườn rộng đầy cây ăn quả. Nhà có rất nhiều buồng, các buồng đều có cửa riêng và cửa thông sang nhau. Nhà Cai Thực ở phía trong còn phía ngoài làm trường học. Mỗi buồng là một lớp học. Lớp nhất, lớp nhì, lớp ba, lớp tư, lớp năm… Trường dạy cả hai buổi. Có tháng học trò đông, bà vú Êm phải kê thêm ghế ngoài hiên cho chúng ngồi.
Lão Cai Thực là hiệu trưởng. Lão không dạy lớp nào nhưng trường học là của lão. Các thày giáo dạy ở đây ai cũng sợ lão. Nhất là trong giờ học. Lão đi chậm, đầu cúi nhìn xuống đất. Đôi lông mày rậm cứ nhíu lại dưới cặp kính trắng gọng đồi mồi rất to. Lão vừa đi vừa gật đầu như thể lão đang phải tính toán điều gì, thỉnh thoảng lão mới ngửng lên nhìn phía trước. Sau cặp kính, cái nhìn lóe lên những tia sáng thâm hiểm và đe dọa như muốn nói: “Tao đã biết cả rồi đấy!”.
Lão mở trường dạy học sau khi lão gặp vận hạn. Với người khác thì cái vận đến rồi đi nhưng với lão Cai Thực thì cái vận đến rồi không đi nữa. Nó ở mãi trên bàn tay phải còn có ba ngón. Lão phải đi nằm nhà thương mấy tháng trời. Sau đó lão xin thôi việc cai đề lao về nhà thuê người mở trường dạy học. Trong những người lão thuê dạy có cả ông Ngoạn bố Vọng. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông bị đuổi không được dạy học nữa, buồn chán nên ông bỏ nhà đi từ lâu rồi. Cả nhà không ai hiểu rõ nguyên nhân là vì sao, chỉ thấy một hôm tự nhiên ông ở nhà và không đến lớp dạy nữa.
Chuyện bắt đầu từ hôm bà vú Êm cầm cái giấy của lão Cai Thực đến đưa cho ông Ngoạn. Thấy chồng loanh quanh mãi không muốn đi, bà Ngoạn phải giục. Đợi bố ra đến cửa mẹ mới bảo Vọng đi theo xem sao.
Buổi tối, nhà Cai Thực đèn thắp sáng choang. Mỗi phòng một đèn. Đèn ba giây, đèn bốn ngọn, đèn năm ngọn… Phòng giữa nhà là cái đèn đất sì sì phun lửa xanh. Vọng nhìn thấy lão Cai Thực đang đi đi lại lại trước hiên dáng chờ đợi ai. Ông Ngoạn cóm róm bước lên hè, hai tay chắp lại trước ngực:
- Chào ông hiệu trưởng, ông gọi tôi có việc gì ạ?
- Vâng, tôi có chuyện muốn nói với ông mới mời ông đến. Mời ông vào trong này. – Lão Cai Thực nói nhỏ, giọng lạnh lùng. Tay lão cầm cái ba-toong làm bằng một khúc cây song, cán giát bạc vừa đi vừa vung vẩy. Vọng lùi lại, xương sống bỗng lạnh cứng. Cái gậy ấy đã có lần vụt vào mắt cá chân Vọng khi cô bé trèo lên cây táo trong vườn. Chả có đứa học trò nào của trường này không bị cái gậy ấy đánh vào người, đánh vào chân, đánh vào tay, đánh vào sống lưng, đánh vào đầu… Vì đi học muộn, vì đang ngồi học nói chuyện, vì giờ chơi nghịch ngợm, leo trèo, vì đóng tiền học phí chậm…
Khi các lớp vào học rồi, lão cầm cái gậy đi quanh, mắt lừ lừ cúi nhìn xuống đất. Lão nhìn xuống đất như không để ý đến đứa nào nhưng nếu đứa nào cựa quậy, ngồi không đúng chỗ qui định là cái ba-toong của lão vung lên.
- Cớp! - Tiếng kêu giòn khấc như có cái gì bị gẫy ra. Nhưng, không có cái gì gẫy ra cả. Mà chỉ sưng lên. Sưng vù và tím bầm. Vọng sợ cái gậy đó hơn sợ lão Cai Thực. Bàn tay lão cụt hai ngón giá có nắm lại mà đấm cũng chả đau là mấy nhưng còn cái gậy thì cứng quá và chẳng từ chỗ nào.
Vì thế nên trông thấy lão Cai Thực nhà Tường Xây vung vẩy cái gậy lên thì Vọng sợ quá. Vọng sợ lão đánh bố. Người bố gầy gò toàn những xương là xương thế kia, gõ vào đâu mà chẳng đâu cơ chứ?
- Tôi nghe nói ông không chịu dạy bài học luân lý trong sách Luân lý giáo khoa thư – Lão Cai Thực gằn giọng - Tại sao vậy?
- Tôi… Vâng… Đúng. Tôi không muốn nói những điều tôi không nghĩ, tôi thấy không phải – Ông Ngoạn ấp úng.
- Ông có thể nói cho tôi nghe xem những điều như thế nào là không phải? – Đôi mắt lão Cai Thực long lên sau cặp kính trắng.
- Ví như nói lớp thanh niên phải cố học tập cho tốt để phụng sự Tổ quốc lâm nguy khi có giặc. Tôi không hiểu phải giảng như thế nào cho đúng vì lẽ Tổ quốc là thứ cụ thể chứ không phải là một khái niệm trừu tượng. Còn giặc, giờ đây ai là giặc cơ chứ? – Ông Ngoạn nói, giọng bất đầu trôi chảy lưu loát, giống lúc ông giảng bài, ông thích lật xuôi, lật ngược vấn đề…
- Hay là ông đã bị bọn “Vẹm” nó mua chuộc thật? Người ta nói cho tôi hay như thế đó.
- Chả ai mua chuộc tôi cả. Tôi nói và tôi làm bằng lương tâm con người của tôi. Tôi đã hai thứ tóc trên đầu rồi chả nhẽ tôi không phân biệt được điều trái phải? – Ông Ngoạn nói, cái đầu tóc đã bạc lổ đổ của ông ngước lên, giọng nói môi xlucs một mạnh dạn, cứng cỏi.
- Thế ra ông cho rằng chúng tôi không có lương tâm? – Lão Cai Thực lại hỏi gằn giọng.
- Tôi không nói như thế. Nhưng lương tâm mỗi người một khác. Tôi chỉ biết theo lương tâm tôi là không nên nói những gì trái với sự thật.
- Thế sự thật của ông là sự thật nào? - Giọng lão Cai Thực bắt đầu gay gắt. Bước chân lão đi lại trong nhà nhanh hơn và quay tròn chung quanh ông Ngoạn.
- Sự thật là những thứ đang diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người. Mà cả ông và tôi không ai có thể che dấu được… - Ông Ngoạn nói.
Vọng chỉ nghe được có như thế vì lão Cai Thực bỗng giơ tay đóng sầm cánh cửa lại. Vọng cố nấn ná đứng chờ xem nhưng chả nghe thấy gì, chẳng nhìn thấy gì nữa ngoài tiếng đàn băng-giô đánh tâng tâng ở một phòng khác vọng ra. Chắc là tiếng đàn của Đôn con trai út Cai Thực, hoặc của đám con cô Khánh ở trên phố về chơi, chứ anh San không đánh cái đàn này - Vọng nghĩ. Chợt Vọng giật nẩy mình. Cái gì ở chân nghe mát mát. Vọng ngoảnh lại. Con chó Lài!
- Tô… Tô… Tô… - Vọng gọi.
Con chó ngoe nguẩy đuôi và bỏ đi.
Vọng chạy ra ngoài ngõ và về nhà.
Từ sau đêm ấy ông Ngoạn không đi dạy học thuê cho nhà Tường Xây nữa.
Thế mà anh Hy dám đánh thằng Đôn và vùi đầu nó xuống bùn! Nguy to đến nơi rồi! Bố nó đã biết, bố nó sẽ đến phá nhà ta ra mất thôi! Phá hoặc là đốt. Nhà cửa nhỏ bé, khô nỏ như thế này thì chỉ một que diêm là cháy ra than hết.
Còn Hy, Vọng cứ tưởng là anh vẫn còn nằm trong buồng nên ra ngoài buộc cửa lại, nhưng khi trời chạng vạng tối Vọng đánh thức anh dậy thì trên giường chỉ là đống chiếu trùm chăn lù lù.
Vọng thả mấy con cá trê vào vại nước. Cái giống cá trê sống thật dai, cứ tưởng là chúng đã chết thế mà vừa có hơi bùn đọng trong đáy vại là nó đã ngoe ngoe lên ngay. Vọng lấy cái nón úp lên miệng vại rồi bảo chị:
- Có ai hỏi, chị bảo mua cá này ngoài chợ nhé!
- Việc gì lại cứ phải nói dối thế không biết! - Chị Hạnh gắt.
- Tại anh Hy đánh thằng Đôn nhà Tường Xây. - Vọng nói cho chị nghe mọi chuyện. Nét mặt chị Hạnh vẫn thản nhiên như không. Một lát, chị nói:
- Cho nó đáng kiếp!
- Em chỉ sợ anh San biết.
- Việc gì phải sợ! - Chị Hạnh nhìn em, khuôn mặt hơi nghiêng đi. Trong bóng chiều nhập nhoạng, ánh sáng ở mấy vũng nước đọng trên sân hắt lên lấp loáng trong mắt chị. Lửa trong bếp thì hắt lên đôi môi, đôi má, hồng hồng, đỏ đỏ. Chiếc áo nâu chị mặc bó gọn lấy người, mái tóc mới gội còn ướt đen bóng, những sợi mềm thả dầy cả hai vai. Vọng thấy chị đẹp quá. Nhất là nụ cười, hàm răng trắng cứ ánh lên. Vừa cười chị vừa giơ tay tung tung đám tóc ra đằng sau vai.
Ngoài cửa có tiếng huýt sáo và tiếng gọi:
- Hạnh ơi! Hạnh ơi!
Chị Hạnh thôi không cười nữa, quay vào ngồi đun bếp, bảo:
- Vọng ra xem ai hỏi gì chị, mời họ vào trong này.
Vọng chạy ra. Nó nhìn thấy một thanh niên đang gếch xe vào bậu cửa. Cái xe sáng loáng những nước kền. Chỉ cần nhìn cái xe là Vọng biết ngay đó là ai, nó quay vào:
- Anh San đến đấy, chị ạ!
- Em châm thêm ngọn đèn nữa lên.