Ký ức độc quyền - Chương 02 - Phần 2

4

Văn phòng của Mộ Thừa Hòa là phòng số bốn cuối hành lang tầng bảy.

Phòng không lớn, diện tích sử dụng chỉ khoảng mười mét vuông, có ba bàn làm việc và hai máy vi tính, còn có một tủ đựng hồ sơ, bên trong là lý lịch của toàn bộ sinh viên trong học viện. Bên ngoài cửa có treo biển “Ủy viên Đoàn Học viện Ngoại ngữ”.

Trong học kỳ này, Trần Đình ngoài việc là giáo viên dạy tiếng Nga cho chúng tôi, còn là phó bí thư Đoàn Học viện Ngoại ngữ. Đừng xem thường nơi này, từ việc nhỏ nhặt như mấy chuyện lặt vặt của sinh viên, cho đến những việc lớn như tiến cử sinh viên xuất sắc vào Đảng đều do bộ phận này giải quyết.

Bây giờ Mộ Thừa Hòa đang chiếm giữ gian phòng này.

Tôi đứng ngoài cửa phòng, dò xét xung quanh, rồi nói bằng vẻ hằm hằm: “Thưa thầy, thầy muốn em quét chỗ nào?”

Mộ Thừa Hòa đặt quyển sách và hồ sơ xuống bàn: “Thật ra cũng không có gì nhiều, em vứt túi rác này đi.”

Đơn giản thế thôi ư?

Tâm trạng của tôi lập tức nhẹ nhõm hơn, đi tới thùng rác buộc bao ni lông lại, sau đó vui vẻ đem vứt nó đi. Khi tôi trở về, Mộ Thừa Hòa đang ngồi làm việc trước máy vi tính, ngón tay nhảy múa cực nhanh. Nhận ra tôi đã trở lại, đôi mắt của lão vẫn không rời khỏi màn hình: “Về rồi à?”

“Dạ!” Tôi gật đầu.

“Đọc một âm bật hơi tôi nghe xem.” Lão ta vừa gõ bàn phím vừa nói. Đối với nhiệm vụ này, tôi càng vui vẻ nhận lời hơn, rồi rất đắc ý đứng biểu diễn thành quả của mình.

Lão ta dừng tay, quay đầu qua nhìn tôi, cười: “Học nhanh đấy chứ.”

Tôi quay đầu qua hướng khác, không thèm để ý: “Đó là vì em thông minh.”

Lão ta nói: “Đáng được biểu dương.”

Tôi bắt đầu ngông nghênh, tự đắc: “Đương nhiên ạ!”

“Kỳ thi lần trước, tôi biết em nhất định không phải là một học trò hư, chỉ là nhất thời sai lầm, nên đã không báo lên khoa.” Lão đột nhiên nói.

Tôi giật thót tim.

Kỳ thi lần trước...

Lão vẫn nhớ chuyện đó, hơn nữa còn nhớ tôi, thảo nào luôn đối xử kỳ quái, khó hiểu với tôi.

(Mộc Đầu nói: Tiểu Đồng à, thầy Mộ đối với em như vậy là khéo léo dẫn dắt, muốn đưa em về chính đạo, có gì mà kỳ quái khó hiểu...)

“Ồ, thì ra thầy chính là giám thị hôm đó ạ?” Tôi cố tình làm ra vẻ ngạc nhiên, để tránh lão tưởng tôi cố ý tỏ ra không quen biết, còn lén lút nguyền rủa lão.

“Tôi còn tưởng, tôi có hóa thành tro thì em cũng nhận ra chứ!”

“Làm gì có ạ!” Tôi chột dạ.

Lão nhìn tôi, rất nghiêm túc, một lúc sau mới điềm đạm nói: “Từ nay phải cố gắng học hành chăm chỉ đấy!”

Tôi nhìn lại, hai con ngươi nhạt màu của lão toát ra sự trầm tĩnh, trông như một bức tranh sơn thủy.

Thật ra, suy cho cùng thì cũng là lỗi của tôi trước.

Là một sinh viên trường điểm nổi tiếng, còn là một người có tinh thần cầu tiến như tôi, lại muốn giở trò quay bài trong giờ thi Khái luận Mao. Bị lão bắt được, tuy đúng là có hơi oan nhưng tội chứng rành rành, không thể phản bác. Lão không trình báo lên khoa, mà để mọi việc dừng lại ở đấy, để tôi được tiếp tục học tập với lý lịch trong sạch. Sau khi nhận dạy tiếng Nga, biết tôi phát âm còn có chỗ thiếu sót, liền giám sát khích lệ, lời nói và việc làm cũng đều hết sức mẫu mực. Mà tôi thì lại không biết đền đáp công ơn ấy, còn ôm hận trong lòng.

“Sao vậy?” Lão hỏi.

“Thưa thầy, em xin lỗi thầy, trước đây em đã không hiểu được tấm lòng của thầy.” Lương tâm tôi bỗng nhiên thức tỉnh, tôi cảm động vô cùng. Tôi ngẩng đầu, mắt lóng lánh lệ, phát hiện lão đã rời khỏi chỗ ngồi tự lúc nào, bước tới trước mặt tôi.

“Không sao, em hiểu được tấm lòng của người làm thầy như tôi là được rồi.”

“Dạ!” Tôi quyết định làm hòa với lão.

“Học trò à!” Lão cúi đầu nhìn tôi, cười dịu dàng, nói: “Thật khó nhưng cuối cùng em cũng đã hiểu được nỗi khổ tâm của giáo viên, vậy bây giờ em hãy lau sạch văn phòng này đi, sau đó lau cửa lớn, cửa sổ, tủ và bàn nữa.” Lão chỉ chỉ bốn phía, sau đó nhỏ nhẹ bổ sung: “Nếu như có thể, tháo rèm cửa sổ xuống, mang về ký túc xá giặt sạch cũng được.”

Nói xong, lão trở về bàn, tiếp tục làm việc trên máy vi tính.

Tôi ngẩn người, đứng đực ra, nhất thời không kịp tiêu hóa những mệnh lệnh mà lão vừa nói. “Học trò ơi...” Lão lên cao giọng. “Còn không nhanh lên, quá mười giờ ở đây sẽ ngắt điện đấy.”

Học trò! Học trò! Lại là học trò!

Cả đời này tôi ghét nhất người khác gọi tôi là “học trò”!

Trong trường đại học không có phong trào gọi người đẹp, mà thường chỉ gọi: “Học trò, thế này thế kia...”, “Học trò, sao vậy...”, trong những trường hợp bình thường, tôi sẽ nhịn, nhưng nếu gặp phải tên nam sinh nào đó gọi thêm vài tiếng, tôi sẽ phát cáu. Vậy mà tên Mộ Thừa Hòa này lại suốt ngày học trò này học trò kia, nếu không phải nể tình thầy trò, tôi đã sớm cho lão ta một quyền rồi.

Ban đầu, bọn Bạch Lâm cũng không hiểu vì sao tôi lại phản cảm với cái cách xưng hô vừa thân thiện vừa trong sáng thế này, cho đến một ngày vô tình đọc ngược tên của tôi, họ mới hiểu ra.

Lúc nhỏ khi học tiểu học, có một lần cô giáo nói nhịu, từ đó từ “học trò[8]” đã thành biệt danh của tôi. Hai từ “học trò” ấy từng là nỗi ám ảnh của tôi suốt cả thời tiểu học. Nhưng Mộ Thừa Hòa lại cứ như là cố ý vậy, rắp tâm gợi lại chuyện đau lòng này. Thông thường, lão chỉ gọi tôi bằng ba cách: Học trò! Lớp trưởng! Học trò lớp trưởng!

[8] Trong tiếng Hán, từ 同学 tức bạn học, học trò, được đọc là /tongxue/, và tên của Tiết Đồng 薛桐đọc là /xuetong/, đọc ngược lại thành /tongxue/, lúc đọc ngược tên của Tiết Đồng và từ “học trò” phát âm giống nhau.

Liếc nhìn theo lão ta, tôi chỉ hận là không thể xẻo hai cân thịt từ trên người lão xuống.

Nhớ lại những gì lão đã làm, tôi thật muốn hỏi lão: “Thầy ơi, lúc đến trường, thầy đã quên mang theo nhân tính rồi sao?”

5

Một ngày giữa tháng Mười một, không khí dị thường bao phủ khắp sân trường.

Buổi chiều, sau giờ học, giám thị đích thân đến khu ký túc xá của khoa chúng tôi để kiểm tra, nghe nói nhận được thông báo của nhà trường, họ đến kiểm tra xem có sinh viên nào vi phạm quy định tàng trữ rượu bia hay không.

Bởi vì, tối nay sẽ diễn ra trận bóng đá vòng loại World Cup cuối cùng của đội tuyển Trung Quốc, cho dù là thắng hay thua thì đội tuyển Trung Quốc cũng có khả năng đánh mất cơ hội rất nhỏ là bước vào vòng trong của giải bóng đá này.

Bạch Lâm là đứa si mê bóng đá, bởi thế ba bọn tôi cũng tự nhiên bị ảnh hưởng theo, mỗi tuần đều ngồi xem tình hình thi đấu của Giải vô địch bóng đá Đức và Ý.

Mỗi phòng ký túc xá nữ sinh đều có gắn một ti vi 21 inch. Ngày cuối tuần đường truyền tín hiệu ti vi được mở liên tục, do đó có thể xem chương trình cho đến khi tắt đèn. Nhưng bình thường, mỗi ngày chỉ có hai quãng thời gian là có tín hiệu, đó là từ 12:00 PM – 1:30 PM và từ 5:00 PM – 7:30 PM, ngoài quãng thời gian này, phòng điều khiển của trường sẽ tự động ngắt tín hiệu.

Nhưng tất cả đều có ngoại lệ.

Không phải trận đấu mang ý nghĩa to lớn nào cũng được truyền hình trực tiếp vào những giờ mà chúng tôi có thể xem, hoặc là phát vào những lúc không có tín hiệu đường truyền, hoặc là phát đúng giờ tắt đèn, huống chi thời này vi tính vẫn chưa phổ biến đến mức mỗi người trong trường đều có một cái.

Vậy thì, đây chính là lúc sinh viên hăm hở biểu tình phản kháng.

Thường sẽ là mọi người cùng chạy ra hành lang, đồng thanh la hét vào khu trường tối đen như mực: “Điện đâu! Mau có điện!” Còn không thì là: “Tôi muốn xem đá bóng! Mau mở ti vi!” Thậm chí, còn có người cầm môi thìa, hộp đựng cơm, chậu rửa mặt, vừa gõ gõ tạo ra âm thanh cực kỳ ầm ĩ, vừa phát ra những kháng nghị rất có tiết tấu. Chốc lát đã tạo thành một khúc giao hưởng bát đũa đặc biệt.

Thông thường, không đến mười phút, yêu cầu chắc chắn sẽ được đáp ứng.

Phương pháp này được sinh viên sử dụng trong những ngày trọng đại, và chưa hề thất bại lần nào. Do đó, dù hôm nay là Chủ nhật, nhà trường vẫn thông báo trước tối nay sẽ mở ti vi, sinh viên có thể xem bóng đá trong phòng.

Buổi tối, trận bóng đang trong giai đoạn nghỉ giữa giờ.

Bình luận viên A nói: “Để cho công bằng, AFC[9] đã sắp xếp cho lượt đấu cuối cùng của các đội yếu hơn tiến hành cùng một lúc. Nhưng thật không ngờ tình cảnh lại như thế này.”

[9] AFC: Liên đoàn bóng đá châu Á.

Bình luận viên B nói: “Đúng vậy. Theo quy định thi đấu vòng loại của FIFA, xếp hạng của các đội ở khu vực châu Á là phải căn cứ theo điểm tích lũy, sau đó nếu số điểm bằng nhau thì sẽ xét hiệu số bàn thắng thua. Hôm nay, đội Trung Quốc và đội Kuwait chiến thắng đối thủ của mình là điều không cần bàn cãi, quan trọng bây giờ là phải xem hiệu số bàn thắng thua, nếu xét về mặt này thì chúng ta đang ở tình thế không thuận lợi.”

Bình luận viên C nói: “Theo thông tin trước khi trận đấu diễn ra, đội tuyển Trung Quốc rất bất lợi.”

Bình luận viên A cười bất lực, nói: “Đội Trung Quốc có lẽ sẽ bị loại, trừ phi có kỳ tích xuất hiện.”

Bình luận viên C nói: “Giờ đây không thể trách người khác, mà chỉ trách đội Trung Quốc, có lẽ lại khiến cho những người đam mê bóng đá phải chờ thêm bốn năm nữa rồi.”

Nói đến đây, ti vi bắt đầu phát quảng cáo, tôi liếc nhìn Bạch Lâm một cái.

Cô ấy đã nước mắt lưng tròng.

Gần đến phút thứ chín mươi, tình thế càng ngày càng bất lợi.

Lúc mười rưỡi, trận đấu vẫn đang diễn ra thì cả ký túc xá bất ngờ chìm vào bóng tối. Sinh viên tức thì huyên náo, thề nếu không cho xem thì nhất định sẽ không bỏ qua!

Một người ở nhà đối diện chạy ra hành lang, kêu lên: “Thầy! Nếu không cho chúng em xem, em sẽ nhảy lầu đó.” Vẻ mặt đó, khẩu khí đó thật sự đã làm không ít người phải bật cười, nhờ vậy không khí bi thương cũng dịu bớt.

Chỉ năm, sáu phút sau, chúng tôi lại được nhìn thấy ánh sáng, liền bật ti vi lên, ai cũng mang tâm trạng nặng nề ngồi trước ti vi, mãi đến khi trận đấu kết thúc.

Trung Quốc đã thắng, nhưng vẫn bị loại. Ba bình luận viên đau lòng ngồi phân tích tình trạng của đội tuyển Trung Quốc.

Tôi nhìn thấy Bạch Lâm khóc.

Thà nói là cô ấy khóc còn hơn là nói cô ấy âm thầm rơi lệ, nước mắt rơi ướt cả gò má, liền lấy tay lau đi, vừa lau khô, lệ lại tuôn xuống. Bạch Lâm là một cô gái vô cùng lạc quan và tích cực, ngày thường cũng lớt pha lớt phớt như tôi vậy, chưa bao giờ thấy chuyện gì có thể khiến cô ấy đau lòng đến rơi lệ trước mặt chúng tôi như thế này. Tôi chỉ là một đứa xem bóng đá vì ham vui, không thể hiểu được tâm trạng hận “sắt không thành thép” của cô ấy. Nhưng lúc này tôi lại bị lây nhiễm sự xúc động của cô ấy, trong lòng cũng dâng tràn nỗi bi thương.

Tôi đi tới bên cạnh, ôm lấy Bạch Lâm.

“Đừng khóc nữa, Tiểu Bạch.”

“Sau này tớ sẽ không xem bóng đá nữa.” Cô ấy thút thít nói.

Đèn lại tắt.

Nhưng lần này hoàn toàn trái ngược với lần tắt đèn lúc nãy, cả khuôn viên trường vô cùng yên tĩnh, không có lấy một âm thanh. Dường như chỉ trong tích tắc, cả thế giới đều rơi vào tĩnh lặng.

Đột nhiên có tiếng “hu...hu...”.

Hình như là một nữ sinh nào đó của tòa nhà khác trong ký túc xá chúng tôi đã chạy ra hành lang khóc òa lên, tiếng khóc xuyên qua màn đêm, cao vút.

Âm thanh này biến thành một chất xúc tác, khiến cảm xúc của mọi người tuôn trào, phải chăng vì con gái vốn dĩ tình cảm hơn nên trong phút chốc, cả khu ký túc xá nữ đã tràn ngập tiếng khóc.

Một nữ sinh ở tầng trên chạy ra hét lên: “Khóc gì chứ! Không có tiền đồ! Không có chí khí! Khóc cho đội bóng đá Trung Quốc ư? Đúng là uổng phí nước mắt!”

Nghe thế, lập tức có thêm rất nhiều người ùa ra hùa theo.

Bạch Lâm lau nước mũi, phản bác: “Lão nương đây cứ thích khóc đấy, làm gì được nào?”

Và rồi tiếng khóc, tiếng cãi vã trộn lẫn vào nhau.

Không biết ai đã đầu têu, ném nguyên chai nước suối xuống khu đất trống không có người. “Bịch”, một tiếng nổ cực lớn vang lên.

Sau đó lại thêm vài người bắt chước làm theo.

Trong lúc các phòng hùa nhau ném chai nước suối để trút giận, bên dưới đột nhiên vang lên một tiếng nổ lớn, át hết toàn bộ tạp âm, khiến trái tim của chúng tôi đập thình thịch. Cả khu ký túc xá nữ lập tức yên lặng, vì bị tiếng động đó làm cho hoảng hồn.

“Cái gì vậy?” Tống Kỳ Kỳ còn chưa hoàn hồn, vội hỏi.

Có người cầm đèn pin rọi xuống đống nát vụn bên dưới, Triệu Hiểu Đường nhìn theo luồng sáng đó, quan sát một lúc rồi nói: “Là một cái bình đựng đầy nước nóng, còn đang bốc khói, chả trách nổ to như vậy.”

Triệu Hiểu Đường vừa dứt lời, lại nghe thấy phòng kế bên vang lên tiếng kêu inh ỏi: “Tiểu Quỳ, cậu tức giận muốn ném bình nước thì ném cái của cậu thôi, hà cớ gì ném cái của tớ!” Người đó vừa nói xong, chúng tôi cười ồ lên, ngay cả Bạch Lâm cũng vừa khóc vừa cười.

Dường như việc này kết thúc tại đó.

Cả bốn đứa chúng tôi đi tắm rửa rồi leo lên giường nằm ngủ.

Bạch Lâm ngủ ở giường đối diện, tôi nghe thấy cô ấy trở mình liên tục, hình như không ngủ được. Một lát sau, trên tường hắt ra chút ánh sáng le lói, tôi quay qua nhìn.

Cô ấy đang cầm đèn pin, nằm chống tay trên gối viết nhật ký. Bóng người thanh mảnh phản chiếu trên màn, cả cử động nhấc bút viết chữ cũng hiện lên rõ nét, hình ảnh ấy mang một niềm thương cảm không nói nên lời.

Tôi có lòng tự hào dân tộc, cũng có lòng nhiệt tình đối với chiến thắng, nhưng sau khi trải qua tất cả cung bậc cảm xúc, điều còn lưu lại trong tôi chỉ là một chút tình cảm bị cảm hóa. Tôi không hiểu lý do vì sao những người đam mê bóng đá như Bạch Lâm lại vì một kết quả và một chiến thắng không hề liên quan đến cuộc sống của mình mà đau lòng đến thế.

6

Tôi đang mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi thì đột nhiên bị tiếng đóng cửa làm cho tỉnh giấc.

Tôi lập tức ngồi dậy, phát hiện giường của Bạch Lâm trống không, liền vội vàng thay quần áo, đi giày, chạy theo cô ấy.

Đi xuống tầng, tôi thấy thấp thoáng bóng Bạch Lâm đang đi về phía bức tường thấp ở đằng sau khu ký túc. Tôi muốn gọi thật to, nhưng lại sợ bị phát hiện, nên cố hạ thấp giọng gọi: “Tiểu Bạch!” Bạch Lâm vẫn không nghe thấy, chỉ cắm đầu đi đến chân tường, chuẩn bị trèo ra.

Cô ấy cao hơn tôi, trèo qua tường cũng dễ dàng hơn tôi nhiều. Nếu như cô ấy trèo qua rồi, còn lại một mình tôi thì chắc chắn tôi không thể nào leo qua được. Thế là tôi tăng tốc, chạy tới, túm gót chân cô ấy lại khi cô ấy đang cố gắng trèo qua tường.

Bạch Lâm thoáng giật mình, sau khi nhìn thấy tôi, cô ấy mới thở phào: “Tiểu Đồng, cậu làm mình hết hồn.”

Tôi tức điên lên: “Để bắt được là bị phạt đó!”

Cô ấy đã ngồi trên bức tường, một chân bị tôi kéo lại, ở trên cao nhìn tôi nói: “Mình không ngủ được, muốn ra ngoài hít thở một chút.”

“Khuya như vậy rồi, cậu đi một mình sẽ rất nguy hiểm.”

“Không sao đâu, lúc học phổ thông mình cũng thường xuyên đi thuê truyện khuya như thế này.”

”Không được!” Tôi kiên quyết.

“Vậy cậu nói phải làm sao bây giờ?” Bạch Lâm đầu hàng.

“Vậy...” Tôi cân nhắc. “Mình đi với cậu.”

Sau đó, cô ấy ì ạch kéo tôi leo ra ngoài, rồi đường hoàng đi ra khỏi cổng lớn của khu ký túc.

Tôi hỏi: “Cậu định đi đâu?”

Bạch Lâm nhún vai: “Đi dạo thôi.”

Tuy là nói thế, nhưng ở chỗ khỉ ho cò gáy này, thật sự chẳng có chỗ nào để đi dạo. Rạp chiếu phim mà chúng tôi thường đến xem cũng đóng cửa rồi.

Sau khi lượn một vòng, chúng tôi quyết định đi hát karaoke.

Phía cửa Nam ở khu Tây có vài quán karaoke, chất lượng bình thường, tính phí theo giờ, và mức phí đó rất phù hợp với túi tiền của sinh viên. Hơn nữa, nếu bao cả phòng sau mười giờ tối, chi phí sẽ rẻ hơn. Vì vậy, đến cuối tuần hay ngày lễ, bốn chúng tôi thường ưu tiên cho tiết mục karaoke thâu đêm.

Mỗi lần nhắc đến chuyện này, những bạn nữ khác trong lớp chúng tôi đều lắc đầu cảm thán: “Người trong phòng 407 quả nhiên toàn là bá chủ micro.”

Vì thế, khi Bạch Lâm quyết định bao phòng, tôi lập tức hối hận vì không gọi luôn Tống Kỳ Kỳ và Triệu Hiểu Đường đi cùng.

Hai chúng tôi gọi bia, vừa uống vừa hát. Bạch Lâm thay đổi hẳn phong cách thục nữ mà ngày thường cô ấy cố gắng tạo ra, hát từ Tinh trung báo quốc cho đến Mượn ông trời thêm năm trăm năm. Khi cô ấy hát đến câu cuối cùng: Tôi thật sự muốn sống thêm năm trăm năm, tôi cười khì khì, gõ đầu cô ấy, nói: “Tiểu Bạch, suy nghĩ này của cậu vô cùng đúng đắn. Cậu mà không sống thêm năm trăm năm, chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy ngày bóng đá nước nhà vươn lên.”

Sau khi chia đôi một tá bia, Bạch Lâm dần dần không chống đỡ được nữa, ngã ra sofa ngủ gật. Tôi là người không quen ngủ chỗ lạ, huống chi lúc nãy toàn là cô ấy hát, tôi còn chưa hét đã, nên cầm micro lên biểu diễn. Hát hết bài của Vương Phi, SHE, rồi sau đó là của Lương Tịnh Như, trong lúc tôi đang hưng phấn gào lên: “Yêu là cần phải có dũng khí, để tin rằng có thể đến với nhau...” thì có vài người đẩy cửa bước vào, nói: “Cô bé, công an kiểm tra chứng minh nhân dân.”

Ngay từ nhỏ mẹ đã dạy tôi, không thể lúc nào cũng mang chứng minh nhân dân bên người, phải cất giữ trong ngăn tủ an toàn nhất, chí ít cũng phải đặt chung với hộ khẩu ở đáy ngăn tủ cuối cùng, giống như thể nếu mất chứng minh thư thì sẽ biến thành ở chui, bị khai trừ khỏi quốc tịch Trung Quốc vậy. Do đó, là một sinh viên đương đại, thói quen của tôi là không bao giờ mang chứng minh nhân dân bên mình.

Kết quả không cần suy nghĩ cũng biết rồi đấy.

Chú công an đó ngồi xuống trước mặt tôi, nhìn tôi, rồi lại nhìn Bạch Lâm say bia nằm kế bên, không biết là đang suy nghĩ điều gì.

“Quán karaoke này kinh doanh phi pháp, các cháu không biết sao?”

Tôi muốn khóc mà không có nước mắt: “Chú công an, trước đây chúng cháu đã từng tới đây hát nên không hề nghi ngờ. Hơn nữa, chẳng lẽ trước khi vào đây, cháu bắt ông chủ phải lấy giấy phép kinh doanh cho cháu kiểm tra sao?”

“Vậy hai cháu có biết phòng bên cạnh có người đang hút thuốc cấm không?”

Hút thuốc cấm?

Câu nói này thật sự dọa được tôi rồi.

Tôi run cầm cập, vội vàng xua tay nói: “Cháu không biết, chúng cháu không có...” Sau đó, tôi liền chỉ sang Bạch Lâm: “Bạn ấy chỉ là bị say bia thôi, không liên quan gì đến thuốc. Cháu nói thật, chúng cháu là sinh viên Đại học A.”

“Sinh viên?” Chú công an nhìn tôi.

Lần này, tôi biết mình thảm rồi, nhất thời lỡ lời rồi.

“Khuya thế này rồi mà sinh viên còn lêu lổng ở ngoài đường sao?”

Một người mặc quân phục đứng bên cạnh lắc đầu: “Sinh viên bây giờ đúng là càng ngày càng không thể tưởng tượng nổi.”

Hai người thương lượng một lúc, cuối cùng đưa ra kết luận: “Vậy hãy gọi giáo viên đến đây đón hai cháu về.”

Tôi hoảng lên, vội nhận lỗi. Nếu để trường biết thì gay to, trừ điểm không nói làm gì, lỡ như để mẹ tôi biết được, không chừng sẽ đánh gãy chân tôi mất.

Nhưng tôi khẩn thiết năn nỉ rất lâu, hai chú cảnh sát vẫn không hề dao động.

Hiện giờ Bạch Lâm đang ngủ như heo chết vậy, không trông cậy được gì, tất cả trách nhiệm đổ dồn lên vai tôi. Tôi ngồi đó, vừa giả vờ mở danh bạ tìm số điện thoại của giáo viên, vừa cố gắng vò đầu nghĩ cách.

Chính lúc này, trong danh bạ chữ M của tôi hiện ra tên của Mộ Thừa Hòa.

Số điện thoại này là do lão ta cưỡng chế lưu vào máy sau khi bắt gặp tôi giả danh Triệu Hiểu Đường gặp gỡ bạn trên mạng lần trước.

Một tia sáng xẹt qua trong đầu, tôi nảy ra một ý.