Ký ức độc quyền - Chương 02 - Phần 1

Chương 2

Mộ Dung Thừa Hòa công tử và tiểu thư hoa hồng

1

Chủ tịch Mao từng dạy rằng: “Người Trung Quốc ngay cả chết cũng không sợ, há sợ khó khăn sao?”

Tôi từ nhỏ đã nhận được sự khai trí từ câu nói này, chăm chỉ học tập, khắc phục mọi khó khăn, nhờ vậy, tôi rất hiểu đạo lý cầu xin người khác không bằng dựa vào thực lực của chính mình.

Thế là tôi và Bạch Lâm đã bỏ ra một tiếng đồng hồ để tìm kiếm đầy đủ đồ nghề, cuối cùng chốt cài cửa bên trong phòng ký túc xá của chúng tôi cũng được lắp xong. Tôi xoa xoa ngón tay chẳng may bị búa đập trúng, kêu than bằng giọng... hứng khởi: “Cuối cùng cũng thấy an toàn rồi!”

Tống Kỳ Kỳ cười cười, bước tới kiểm tra rồi vỗ tay: “Thật tuyệt!”

Tống Kỳ Kỳ là cô gái chín chắn nhất trong phòng chúng tôi, đến từ miền Bắc, cô ấy học rất giỏi, học kỳ nào cũng nhận được học bổng. Còn Triệu Hiểu Đường thì hoàn toàn trái ngược.

Con người của Triệu Hiểu Đường, nếu dùng câu nói của Bạch Lâm để miêu tả, thì là Triệu Hiểu Đường không phải người trái đất. Bản thân Triệu Hiểu Đường có bệnh ưa sạch sẽ, mà mức độ sạch sẽ của cô ấy thì chúng ta không thể nào theo kịp.

Còn nhớ tháng học quân sự đó, nhà trường đưa tân sinh viên của khóa chúng tôi đến doanh trại quân sự vừa xây xong ở ngoại ô thành phố A. Đó là một nơi khỉ ho cò gáy. Cái được gọi là doanh trại đó chẳng qua chỉ là một cái lều che nắng che mưa, không có bất cứ thứ gì bên trong. Chúng tôi chỉ có thể ngủ trên chăn gối và đệm lót do mình tự vác đến.

Đừng nói là tắm, đi vệ sinh cũng phải xếp hàng rất lâu. Chúng tôi đứng chịu trận dưới cái nắng gay gắt giữa tháng Chín, một tuần không tắm, cũng không dám thay quân phục.

Thầy huấn luyện thấy đám con gái yểu điệu thục nữ phải chịu khổ sở như thế, cảm thấy có chút đau lòng nên đã đến thương lượng với sĩ quan huấn luyện, dắt chúng tôi đến một thị trấn cách doanh trại mấy cây số, thuê một phòng tắm lớn, cho chúng tôi tắm thỏa thích, sau đó dẫn toàn đội trở về.

Trong lúc tắm, tôi phát hiện quân phục bị thấm mồ hôi, phai màu dính trên da thịt, thấm một ít nước ấm và xà phòng thơm xoa lên người, khắp người nhuộm một màu xanh không nhận ra nữa.

Nửa đêm, đến phiên tôi và Bạch Lâm trực ở cửa lớn doanh trại, nghe thấy hình như có tiếng ai đang giặt giũ. Tôi nhấc báng súng bằng gỗ lên, tiến tới xem rốt cuộc đó là gì. Ngờ đâu lại trông thấy một cô gái ngồi nghịch nước bên khe suối. Cô ấy tóc tai bù xù, làn da trắng như tuyết, dưới sự phản chiếu của ánh trăng, làn da ấy càng sáng lấp lánh, rất giống một mỹ nữ xà.

Tay Bạch Lâm run cầm cập, kéo tôi lại và nói: “Thôi bỏ đi, nói không chừng lại chết chìm ở đây đấy.”

Tôi thót tim, cũng có chút sợ hãi. Nhưng vẫn cứng đầu nói: “Tớ cái gì cũng nhỏ, chỉ có gan là to nhất. Tớ không sợ!”

“Vậy được, giao cho cậu đó. Cậu đi đi, sáng mai mình tới nhặt xác cậu.” Bạch Lâm vỗ vai tôi, quay đầu chuẩn bị đi về.

“Không được!” Tôi kéo cô ấy lại. “Cậu... một mình cậu về đó canh gác, tớ... không an tâm.”

Thế là tôi nắm chặt tay lại thành nắm đấm, men theo bức tường từ từ tiến về phía cô gái, Bạch Lâm bị ép phải đi theo sau.

Đợi đến khi tôi chỉ còn cách cô gái đó vài bước chân, đối phương hình như nhận ra tiếng động từ phía sau, quay đầu lại nhìn chúng tôi, mỉm cười. Đó là một mỹ nữ, nhưng không phải là mãnh xà, mà là cô bạn cùng phòng - Triệu Hiểu Đường.

Nhưng đó chưa phải là điều kinh ngạc nhất, điều kinh ngạc hơn là bên cạnh chân cô ấy là một cái chậu, trong chậu là tấm chăn vừa được giặt xong...

“Cậu giặt chăn ư?” Tôi vẫn còn chưa hết hoảng hồn.

Cô ấy nhìn tôi cười: “Chính xác, toàn là mùi mồ hôi, ngay cả bông ở trong cũng làm mình cảm thấy khó chịu, nên mình giặt hết luôn.”

Sau đó một tuần, tấm chăn của Triệu Hiểu Đường vẫn chưa khô, cô ấy đành phải ngủ chung với Tống Kỳ Kỳ. Tấm chăn treo ngay ở cửa thông gió của doanh trại ấy đã trở thành giai thoại của cả khoa.

Đấy cũng chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về Triệu Hiểu Đường.

Giờ Triệu Hiểu Đường đang đắm chìm trong thế giới internet, thích kết giao bạn bè trên mạng, hết người này đến người khác. Mỗi lần hẹn hò gặp bạn trên mạng đều kéo ba đứa chúng tôi đi cùng. Chúng tôi dùng mỹ sắc của Triệu Hiểu Đường làm mồi nhử, vô tư, thoải mái bắt chẹt đối phương một bữa ăn ngon, coi như là cải thiện bữa ăn nhàm chán của mình trong nhà ăn.

Và lúc này, trong quán ăn Tất Thắng, chàng trai đeo kính ngồi ở phía hơi chếch với tôi cũng là một trong số bạn trên mạng của Triệu Hiểu Đường. May là bàn ăn của quán Tất Thắng khá to, đủ cho năm người ngồi.

Tôi và Tống Kỳ Kỳ ngồi một bên, Bạch Lâm và Triệu Hiểu Đường ngồi phía đối diện, anh chàng đeo kính ngồi ghế phụ.

Bạch Lâm cười hi hi với anh ta: “Anh đoán thử xem trong bốn người bọn em, ai là Tiếu Tiếu?”

Triệu Hiểu Đường quen anh bạn này khi chơi “Ảo mộng tây du”, trong trò chơi đó, cô ấy lấy tên là Tiếu Tiếu, và ID của anh ấy là Mộ Dung Thanh Phong. Khi nhìn thấy anh ấy, rồi liên tưởng đến cái tên Mộ Dung Thanh Phong, tôi thật sự cảm thấy chẳng liên quan gì đến nhau.

Mộ Dung đại ca bỗng dưng ngượng ngùng, lướt mắt nhìn bốn chúng tôi, cuối cùng dừng lại ở chỗ tôi.

“Em là Tiếu Tiếu à?” Anh ấy dịu dàng đặt câu hỏi.

“Hở?” Tôi suýt sặc.

Nhưng trước đó bốn chúng tôi đã thỏa thuận với nhau, anh ấy nói ai là Tiếu Tiếu thì người đó sẽ phải nhận vai, tuyệt đối không được phản bác, đấy là cách đền đáp chút ơn có phúc cùng hưởng của Triệu Hiểu Đường.

Ba người họ nhìn tôi, cười xảo quyệt, khóe môi của tôi bất giác giật giật, đành phải nhận thôi.

Xem ra hôm nay lúc ra khỏi cửa đã quên không xem vận may trong ngày rồi.

Thấy tôi không phủ nhận, Mộ Dung đại ca mặt mày hớn hở, ngay lập tức chăm sóc tôi rất chu đáo, ân cần. Tôi chưa bao giờ chơi game online, để tránh bị lộ tẩy khi trò chuyện, chúng tôi đều cố gắng nói về những chuyện khác, lúc nào đề tài có dính đến “chuyên ngành”, Bạch Lâm hay Triệu Hiểu Đường sẽ phụ trách nói mấy câu cho qua chuyện.

Nhưng Mộ Dung đại ca vẫn mãi lưu luyến với trò chơi trên mạng đó, bắt tôi cùng nhớ lại cảnh tượng lần đầu gặp nhau của “Tiếu Tiếu” và “Mộ Dung Thanh Phong”.

Triệu Hiểu Đường nhanh nhẹn lái sang chủ đề khác: “À phải rồi, tại sao anh lại lấy họ Mộ Dung? Anh họ Mộ Dung sao?”

Mộ Dung đại ca vừa nghe thấy câu hỏi này lại càng hứng khởi, đĩnh đạc nói: “Không phải, thật ra anh họ Mộ. Nếu phải tìm về cội nguồn của cái họ này thì tiền thân của họ Mộ chính là Mộ Dung, sau này là giản thể hóa đi mà thôi, còn nếu tìm về tổ tiên thì anh thuộc tộc Tiên Ti[6].”

[6] Tiên Ti: Là một dân tộc thiểu số thời cổ, ở vùng Đông Bắc, Nội Mông, Trung Quốc.

Bạch Lâm gật gù như đã hiểu: “Ồ, thầy giáo dạy tiếng Nga của chúng em cũng họ Mộ, chắc chắn cũng có nguồn gốc giống anh rồi.”

Cô ấy không nói thì thôi, nhắc một cái là tôi lập tức nghĩ ngay đến Mộ Thừa Hòa, tìm về họ gốc thì tên của lão ta sẽ là Mộ Dung Thừa Hòa, tôi hình dung trở về thời cổ đại, bắt lão để tóc dài, rồi buộc lên, sau đó lão nhìn tôi, nở một nụ cười xinh tươi.

Tôi bỗng dưng rùng mình.

Gương mặt lão ta như thế, thật đúng là nỗi bi ai của phụ nữ, là nỗi sỉ nhục của đàn ông.

Mộ Dung đại ca nhìn thấy nét mặt quái lạ của tôi, khẽ hỏi ba người họ: “Tiếu Tiếu sao vậy?”

Bạch Lâm nói: “Anh làm nó mơ màng rồi.”

“Mơ màng?”

“Đại ca tên Mộ Dung Thanh Phong, sư phụ tên Mộ Dung Thừa Hòa, công tử nhà Mộ Dung thật khiến bạn ấy khó chọn mà.”

“Sư phụ? Cũng quen trên Tây du sao?” Anh ấy hỏi.

Tôi làm vẻ giận dỗi gõ đầu Bạch Lâm: “Đừng có tin lời bạn ấy!”

2

Tên thật của Mộ Dung đại ca là Mộ Hải, quả nhiên cái tên ấy khác xa với ID Mộ Dung Thanh Phong. Anh ấy học ngành Thiết kế nội thất, giờ đang làm việc tại một công ty trang trí nội thất.

“Vậy anh là nhà thiết kế rồi?” Tống Kỳ Kỳ hỏi.

“Gì mà nhà thiết kế chứ.” Mộ Hải tự cười trêu. “Bây giờ tu sửa nhà cửa, chủ nhà đều yêu cầu phải tiết kiệm, phải đẹp, phải thực dụng, nhưng lại không chịu bỏ tiền vào khâu thiết kế. Thông thường họ chỉ ước tính căn nhà trong khoảng hai trăm ngàn, vì thế về căn bản không thể nói là có phong cách thiết kế hay không. Cũng chỉ là công trình phụ, nhà bếp, ti vi treo tường, nhà nào cũng thế, rập khuôn theo một công thức.”

Nghe Mộ Hải nói thế, tôi đột nhiên nhận thấy thật ra người này cũng không tệ như chúng tôi đã dự đoán.

“Haizz...” Tống Kỳ Kỳ cũng thở dài. “Năm sau nữa là chúng ta tốt nghiệp rồi, đúng là khó thật, chẳng biết làm gì nữa.”

Bạch Lâm cúi đầu: “Mẹ mình bảo mình về quê tìm việc, mẹ nói ở thành phố A này không quen biết ai, khó lắm.”

Triệu Hiểu Đường nói: “Vẫn là Tiểu Đồng sướng nhất, nhà ở ngay đây.”

Tôi há miệng, nhưng không nói gì. Thật ra mỗi nhà mỗi cảnh, đều có những khó khăn riêng.

Chớp mắt đã là sinh viên năm ba, vậy mà cả ngày chỉ sống một cuộc sống mù mờ không lý tưởng, nghĩ đến ngày tốt nghiệp phải rời khỏi ngưỡng cửa nhà trường, bước ra xã hội, bỗng có cảm giác không mấy dễ chịu.

Nói đến đề tài này, cả bốn chúng tôi đều im lặng. Mộ Hải thanh toán xong, thấy tâm trạng mọi người ủ rũ nên rủ đi hát.

Vốn dĩ những chuyện gặp gỡ bạn bè trên mạng thế này, là một cô gái thì không nên đi, nhất là đến phòng karaoke để hát hò. Nhưng bốn người cùng đi, gan đủ lớn nên cũng không sợ nữa, dù gì cũng đang rảnh rỗi, vậy cứ nghe theo ý kiến của Mộ Hải.

Tôi gào khô cả cổ, lát sau đứng dậy để đi toilet, bất ngờ lại gặp Mộ Thừa Hòa. Tuy chỉ là thấp thoáng nhìn thấy bóng lưng, nhưng lão ta có hóa thành tro thì cũng không thoát nổi cặp mắt của tôi.

Lão đứng nhìn ra cửa sổ, hình như là đang nghe điện thoại.

Tôi khẽ khàng bước đến gần hơn, định nghe lén xem lão đang nói gì để về lớp kể với mọi người, ngờ đâu mới rút ngắn được khoảng hai mét, thì lão đã cúp máy, quay đầu lại.

Tôi vội vàng quay lưng, giả vờ như đang đi, sau đó thầm cầu nguyện: “Lão ta không thấy mình, lão ta không thấy mình...”

Ngay lúc này, Bạch Lâm mở cửa bước ra, nhìn thấy tôi, cũng lập tức nhìn thấy Mộ Thừa Hòa, cô ấy liền đứng nghiêm hét lên: “Chào thầy Mộ, thật là trùng hợp quá!” Sau đó, Bạch Lâm quay sang nhìn tôi: “Tiểu Đồng, cậu không thấy thầy Mộ sao? Ở đằng sau cậu kìa.”

Tôi bóp trán, không còn cách nào khác, quay lại nói: “Mộ... chào thầy ạ!”

“Hai em đến hát à?” Lão ta hỏi.

Đúng là thừa lời, tới quán karaoke không hát, chẳng lẽ để ăn cơm?

“Dạ phải.” Bạch Lâm ngoan ngoãn gật đầu. “Bạn cùng phòng ký túc xá của bọn em gặp gỡ bạn trên mạng.”

“Bạn trên mạng?” Mộ Thừa Hòa nhìn vào căn phòng Bạch Lâm vừa bước ra, vẻ mặt cảnh giác. “Bạn trên mạng của ai?”

“Dạ... của Tiết Đồng.” Bạch Lâm lại lắc đầu. “Không, không, không, của Triệu Hiểu Đường.” Hình như câu trả lời này vẫn không ổn lắm, thế là cô ấy đành tự thú với vẻ oai phong, lẫm liệt: “Không, thật ra, là của em ạ!”

Triệu Hiểu Đường chọn học tiếng Pháp, không thuộc lớp Mộ Thừa Hòa dạy, đương nhiên là lão ta không quen biết cô ấy. Nhưng Bạch Lâm thay đổi câu trả lời hai lần liên tục như vậy, khiến người khác cảm thấy đây hoàn toàn là đang giúp tôi thoát tội.

Mộ Thừa Hòa xem chừng cũng không tin, nhìn tôi một cái, nói: “Chẳng phải nhà trường đã nhắc nhở rất nhiều lần, bảo các em không được tùy tiện ra ngoài gặp gỡ bạn trên mạng sao? Việc đảm bảo an toàn thân thể là rất quan trọng!”

Đây là lần đầu tiên tôi thấy lão nói chuyện nghiêm khắc như thế ngoài giờ học, trông giống một ông cụ non vậy.

Bạch Lâm cười hi hi nói: “Thưa thầy, bọn em đảm bảo sẽ bảo vệ bản thân thật tốt. Lần này xin thầy rộng lòng bỏ qua cho ạ, lần sau bọn em không dám nữa.”

Dù Bạch Lâm đã đại diện chúng tôi đứng ra đảm bảo, nhưng Mộ Thừa Hòa vẫn không an tâm, lão để lại số điện thoại cho tôi và Bạch Lâm rồi nói: “Tôi phải đi rồi, nếu gặp chuyện khẩn cấp, nhất định phải gọi cho tôi.”

Lão đi nhanh vài bước rồi lại quay lại nói: “Tiểu Đồng, tôi có ý này.”

“Là gì?”

“Nếu như em thích hát, em có thể chọn bài Ai cũng bảo quê hương em đẹp.”

“Tại sao?”

“Em nghe thử là biết liền.” Lão ta cười cười. “Nhớ phải chọn bài của Bành Lệ Viện đấy.”

Ô! Hóa ra người này là fan hâm mộ của cô Bành à?

Tôi và Bạch Lâm cùng nhau từ nhà vệ sinh trở về phòng hát, thấy Tống Kỳ Kỳ đang cầm micro ngâm nga. Giọng cô ấy rất hay, nghe nói khi còn trẻ, mẹ cô ấy ở trong đội văn nghệ của nhà máy, chuyên làm công tác tuyên truyền, có lẽ vì thế mà ít nhiều cô ấy cũng được thừa hưởng chút gien di truyền từ mẹ, hát nhạc dân ca rất hay.

Ngay từ ngày nhập trường, Tống Kỳ Kỳ đã khác với ba chúng tôi.

Cô ấy học giỏi, tính tình dễ chịu, có thể xem là một cô gái hiền thục, mỗi năm đều nhận được học bổng cao nhất của trường, học kỳ này còn được kết nạp Đảng, nghe nói đến cả chơi piano cô ấy cũng thuộc cấp tám. Tóm lại là, bất kể xét từ phương diện nào, Tống Kỳ Kỳ cũng hơn hẳn chúng tôi một bậc.

Học viện Tự nhiên ở trường chúng tôi nổi tiếng cả nước, đặc biệt là khoa Vật lý, luôn dẫn đầu và liên tục giành giải thưởng toàn quốc, trái lại ngành Xã hội thì không mấy nổi bật. Thật khó tưởng tượng một người có điểm thi cao nhất khóa như Tống Kỳ Kỳ lại thi vào khoa tiếng Anh, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy ấm ức thay cô ấy. Có lần tôi hỏi Tống Kỳ Kỳ, nhưng cô ấy chỉ điềm nhiên trả lời: “Đại học A rất tốt, là trường nổi tiếng toàn quốc, hơn nữa, từ nhỏ mình đã thích học ngoại ngữ, nên chọn trường này thôi.”

Tôi ngồi phịch xuống sofa: “Bấm cho mình bài Ai cũng bảo quê hương em đẹp.”

“Cậu hát á?” Triệu Hiểu Đường hỏi.

“Không, chúng ta nghe.” Tôi nghiêm giọng nói.

Triệu Hiểu Đường chẳng hiểu gì.

Bạch Lâm cười nói: “Nhiệm vụ thầy Mộ giao.”

“Ai là thầy Mộ?” Mộ Hải xen vào, tưởng chúng tôi đang nói đến anh ấy.

“Đi, đi, đi. Không phải nói anh.” Bạch Lâm nói.

Tôi bấm nút bật âm thanh gốc, tiếng hát của cô Bành từ từ truyền đến.

Những ngọn núi biếc xanh liền kề trùng điệp

Từng áng mây trắng tinh trôi dập dềnh quanh núi

Những mẫu ruộng bậc thang lớp lớp xanh non

Mỗi câu ca cất lên vang vọng trong từng cơn gió...

Tôi biết bài hát này và cũng đã nghe qua rất nhiều lần, nhưng từ trước đến giờ chưa từng để ý xem lời bài hát có gì đặc biệt, nên bây giờ, tôi cố gắng tập trung tinh thần nhìn phụ đề trên màn hình, suy xét từng câu chữ. Khi bài hát đến đoạn: “A... ai cũng nói quê em rất đẹp, tơ ra ớ ơ ớ ơ...

Âm bật hơi của cô Bành quả là rất du dương, uyển chuyển, ý vị vô cùng. Bạch Lâm tức thì hiểu ra, lập tức ôm bụng cười sặc sụa.

Tôi tức điên lên, gào tới ba lần: “Tiểu Bạch! Cười nữa đi!”

3

Tôi là một người rất thích hát, bất kể là tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng dân tộc, tiếng phổ thông hay tiếng Quảng, chỉ cần nghe thuận tai thì tôi sẽ ngâm nga vài câu.

Sau một công đoạn so sánh tỉ mỉ, tôi phát hiện bài dân ca Sơn Tây Ai cũng bảo quê hương em đẹp này, ngoại trừ bản do cô Nhậm Quế Trân hát, còn một số phiên bản khác cũng rất hay. Bài hát có giai điệu hay, lại rất nổi tiếng nên được nhiều người hát lại. Và phiên bản của cô Bành mà Mộ Thừa Hòa bảo tôi hát đích thực là bản có âm bật hơi nghe dễ chịu và nhẹ nhàng nhất.

Cũng trong quá trình tìm kiếm ấy, tôi phát hiện rất nhiều nhạc dân ca đều vận dụng âm bật hơi như thế, ví dụ như bài hát mà ta thường hát lúc nhỏ - Phụng Dương Hoa Cổ[7], trong đó có một đoạn thế này: “Tay trái cầm chiêng, tay phải cầm trống, tay cầm chiêng trống để hát hò. Bài hát khác em không biết đâu, em chỉ biết hát Phụng Dương thôi. Hát Phụng Dương a á a á a..., tơ ra ớ ơ... lang tang bay bay, tơ ra ớ ơ... lang tang bay bay...”

[7] Hoa Cổ: là một điệu múa dân gian, gồm một nam, một nữ, một người gõ thanh la, một người gõ trống, cùng múa.

Sau này, bài hát Phiêu Di của Châu Kiệt Luân cũng được dùng thủ pháp này, khiến cho khắp đường phố đều hát “tơ ra phiêu, tơ ra phiêu”.

Một buổi sáng tinh mơ, gió thu xào xạc.

Tôi dụi mắt đứng dậy đi đánh răng, vừa lấy kem đánh răng vừa hát theo thói quen: “Ai cũng bảo quê hương em đẹp, tơ ra ớ ơ...”

Ban đầu tôi cũng không phát hiện ra điều gì, cho đến khi Bạch Lâm đang đứng rửa mặt ở bên cạnh bất chợt quay sang nhìn tôi, vẻ mặt vô cùng kinh ngạc: “Tiểu Đồng, hát lại xem!”

Tôi lại hát: “Tơ ra ớ ơ...” Mặc dù đầu lưỡi còn chưa linh hoạt lắm, nhưng những âm bật ra và rung rung đó thật rất rõ ràng trong buổi sớm mai gió lạnh này.

Tôi hét lên, ôm chầm lấy Bạch Lâm: “Tiểu Bạch, mình thành công rồi! Thành công rồi! Cuối cùng cũng không bị khinh bỉ nữa rồi!”

Dù rất vui mừng, nhưng tôi cũng hiểu đạo lý: thuyền đi ngược dòng, không tiến ắt lùi, cho nên suốt đường đi tôi vẫn cứ mãi lắc lư cái đầu: “Tơ ra ớ ơ... tơ ra ớ ơ...” Những người đi ngang qua đều nhìn tôi bằng ánh mắt quái lạ.

Sau đó, tôi lại làm theo cách mà Mộ Thừa Hòa hướng dẫn, lược bớt “tơ” phía trước đi. Vài ba hôm sau, cuối cùng tôi cũng phát ra được một âm [p] dễ chịu, thậm chí còn có thể bắt chước Mộ Thừa Hòa kéo dài âm đọc nữa.

Từ đó, ngày nào tôi cũng ở trong phòng ký túc, luyện tập âm bật hơi.

Bây giờ, đến cả Bạch Lâm - người chỉ có thể bật hơi một cách cứng ngắc, cuối cùng không chịu nổi nữa, nói với tôi bằng giọng đầy oán hận: “Nhìn cái mặt đắc ý của cậu kìa, đúng là tiểu nhân!”

Tôi ngồi xuống, chống cằm, thở dài: “Haizz... thật là cô đơn như tuyết mà...”

Buổi chiều, bốn chúng tôi ôm sách cùng học tiết đọc hiểu.

Bài học mới bắt đầu được mười phút, thầy hướng dẫn đã đến gõ cửa, gọi thầy dạy đọc hiểu ra ngoài, lát sau thầy trở về truyền đạt lại một thông tin khiến tất cả mọi người đều phấn khởi: “Hai hôm nay có lãnh đạo đến Học viện Ngoại ngữ chúng ta kiểm tra, nhà trường thông báo các lớp học chiều nay được nghỉ để làm vệ sinh.”

Lời thầy vừa dứt, chúng tôi đồng loạt vỗ tay hoan hô. Quả là trời ban tin tốt lành, tự nhiên được nghỉ hai tiết đọc hiểu. Buổi học đọc hiểu của chúng tôi lần nào cũng vậy, đầu tiên thầy bảo chúng tôi xem bài, sau đó mỗi người đứng dậy dịch một đoạn, rồi thầy sẽ sửa. Nhạt nhẽo vô cùng.

Bạch Lâm khá kích động, vừa thu dọn sách vở vừa nói: “Các vị lãnh đạo, em yêu các vị lắm!”

Thầy dạy đọc hiểu đẩy đẩy gọng kính nói: “Tôi nói...”

Thầy vừa mở lời, chúng tôi lập tức im phăng phắc.

“Các em thật sự thích lao động vậy sao?”

Chúng tôi đều ngượng ngùng mà cười hì hì.

Thầy cũng cười: “Các em không phải là thích lao động, mà là không thích học.”

Nói trúng tim đen rồi!

Tiết tiếng Nga tối hôm đó vẫn học như bình thường.

Mộ Thừa Hòa còn chưa vào lớp thì đồng hương của Tiểu Bạch cùng những bạn khác đã xắn áo xoa tay, cử động các khớp tay cho linh hoạt, tất cả đều mang dáng vẻ hôm nay nhất định phải thành công với bất cứ câu hỏi nào của Mộ Thừa Hòa.

Giờ học bắt đầu, Mộ Thừa Hòa bảo mọi người lật đến trang từ vựng của tiết học trước, sau đó nói: “Em nào đồng ý...”

“Em đồng ý!” Tôi giơ thẳng tay.

Lão ta chỉ mới nói được nửa câu đã bị tôi bất ngờ cắt ngang.

Đồng hương của Tiểu Bạch mang đầy quyết tâm, thấy vậy liền không cam tâm, huých huých tôi một cái: “Bạn à, đúng là phản ứng nhanh đấy, chí ít cũng cho người ta một cơ hội chứ.”

Mộ Thừa Hòa hơi nheo mắt, ra hiệu cho tôi đứng lên, hỏi: “Lớp trưởng, tôi còn chưa nói xong mà em đã đồng ý rồi sao?”

“Dạ, đồng ý!” Tôi gật đầu rất khẩn thiết.

Thì chỉ là đọc từ vựng thôi mà, khó khăn lắm tôi mới đọc được âm bật hơi, đương nhiên là phải biểu diễn trước lớp để rửa mối hận trước đó rồi.

“Điều tôi muốn nói là, sau giờ học hôm nay có em nào đồng ý giúp tôi quét dọn văn phòng không, nghe nói ngày mai có thanh tra. Bây giờ thì tốt rồi, thật là cảm ơn em.” Khóe môi lão cong lên, nhìn tôi, cười rạng rỡ.

“... Không phải đọc từ vựng, mà là tổng vệ sinh ư?” Tôi hỏi lại.

“Lần nào cũng gọi các em đọc từ vựng, thật là nhàm chán. Dạy học là phải có sáng tạo, có sáng tạo mới có thể làm cho học sinh cảm thấy hứng thú, hứng thú là động lực tốt nhất để thúc đẩy tinh thần học tập, có đúng không?” Lão ta lại cười.

“Dạ đúng, thầy Mộ nói hay lắm!” Đồng hương của Tiểu Bạch vỗ tay đầu tiên.

Lập tức, cả phòng học ngập tràn tiếng vỗ tay.

Cuối cùng Mộ Thừa Hòa cũng chú ý đến đồng hương của Tiểu Bạch: “Em thắt bím ngồi phía trước lớp trưởng, em đến từ khoa Số học ấy. Đúng rồi, chính là em.”

Đồng hương của Tiểu Bạch vì được chú ý đến mà giật mình đứng dậy, nét mặt tràn đầy hạnh phúc. Tuy chỉ là học chui, nhưng mỗi buổi học, ngoài việc ngắm Mộ Thừa Hòa ra, cô ấy cũng không hề lãng phí thời gian, bấy lâu rất nghiêm túc học tập.

Nhưng điều khiến tôi thấy lạ là, tại sao Mộ Thừa Hòa lại biết cô ấy học khoa Số học nhỉ?

Mộ Thừa Hòa rất thân thiện, nói với cô ấy: “Mời em đọc đoạn đối thoại ở trang 55.”

Lòng vòng nửa ngày trời, cái được lão ta cho là “có sáng tạo” chính là gọi một sinh viên học chui của khoa khác không đọc từ vựng mà là đọc đối thoại, và bảo tôi - một đứa rốt cuộc cũng lấy hết dũng khí hy vọng được đọc từ vựng - đi tổng vệ sinh văn phòng cho lão...

Giây phút này, nếu có ai hỏi tôi, trên đời này có tình cảm nào sâu đậm hơn tình yêu, và lâu dài hơn tình thân, tôi sẽ không do dự mà đáp rằng: chắc chắn là mối hận của tôi đối với Mộ Thừa Hòa.