Bố già trở lại - Phần II - Chương 04 - Phần 1

Chương 4

Qua hồ ERIE, chiếc máy bay nhỏ bay vào nanh vuốt của một cơn bão giông. Buồng lái rất nóng nhưng điều này lại hợp với Nick Geraci. Những người khác trong máy bay cũng đầm đìa mồ hôi như chàng ta. Mấy tay vệ sĩ đã càu nhàu chửi bới cái nóng. Bọn vô lại. Chàng ta cũng từng là một trong số đó, một con bò lớn xác nhỏ đầu, chỉ biết ai sai đâu đánh đó.

“Tôi nghĩ cơn bão ở đằng sau chúng ta”, Frank Falcone, người mặt áo lụa màu cam phát biểu. Anh ta không biết viên phi công thực ra là ai.

“Bạn nói chính xác đấy”, người mặc áo lụa màu ngọc xanh biển, Tony Molinari, lên tiếng đồng tình. Người này biết rõ Nick.

Những cuộc gặp gỡ giữa mấy tay chóp bu của các nghiệp đoàn tội ác Barzini, Tattaglia, Corleone đã lôi cuốn sự chú ý của bộ máy thực thi pháp luật ở khắp nơi từ các sếp cớm địa phương cho đến FBI (mặc dầu ngài Giám đốc Cục Điều tra Liên bang, bị cho là vì nhà Corleones nắm được một bí mật đáng xấu hổ nào đó của ông ta, nên tiếp tục giữ lập trường cho rằng cái gọi là Mafia chỉ là một huyền thoại). Trong gần suốt mùa hè ngay cả những tay cho vay nặng lãi nơi các quán bar, nhà thổ cũng phải co cụm hoạt động lại. Hai Ông Trùm kia của New York, Ottilio “Leo Bán sữa” Cuneo và Anthony “Tony Mặt sắt Đen sì” Stracci, đã giám sát một cuộc ngưng bắn. Phải chăng điều này có nghĩa là chấm dứt chiến tranh thì chẳng ai biết được.

“Thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi muốn nói đến cơn bão thực sự kìa”, Falcone nói. “Cơn bão đằng kia. Cơn bão chó đẻ.”

Molinari lắc đầu. “Ông bạn thân mến, hình như bạn không thích đùa.”

Mấy tay vệ sĩ của họ, giờ đây thấy rõ là xanh mặt hơn, nhìn xuống sàn máy bay. “Hiệu ứng hồ nước”, Geraci nói. “Nó tạo ra hiệu ứng là không khí và nước có nhiệt độ rất khác nhau.” Chàng ta cố lấy giọng như một phi công nhà nghề, trong một bộ phim mà phi công là người cầm đầu. Chàng buông chùng. “Đó là điều khiến bão giông có thể bất thình lình ập đến từ bất kì hướng nào. Quý vị vẫn có hứng thú theo dõi đấy chứ?”

Molinari đặt một tay lên vai Geraci. “Cám ơn Ông Khoa học ấm ớ!”

“Xin hầu Ngài”, Geraci đáp tỉnh rụi.

Falcone từng là tay móc mối chóp bu ở Chicago - mua chuộc các chính trị gia, các thẩm phán, các sếp cớm - và giờ đây điều hành cơ ngơi riêng của mình ở Los Angeles. Molinari sở hữu một nhà hàng bốn sao cạnh bến cảng ở San Francisco, thêm vào một chút của bất kì cái gì nơi nào anh ta muốn xí phần. Theo bức thư ngắn mà Michael đã đưa cho Geraci thì Falcone và Molinari vẫn luôn có những bất đồng, đặc biệt là khi nhận định về các Đại gia ở New York. Falcone cho là họ thời thượng kiểu rởm đời còn Molinari thì lại cho là họ bạo loạn vô tổ chức. Molinari cũng cảm thấy một tình cảm quyến luyến riêng tư đối với Bố Già quá cố Vito Corleone, điều mà Falcone không hề chia sẻ. Nhưng trong mấy năm vừa qua hai Ông Trùm của Bờ Tây đã thành lập một liên minh thận trọng và hữu hiệu, đặc biệt là trong việc tổ chức việc nhập khẩu và phân phối ma túy từ Philippines và Mexico (một lí do khác mà Michael đã không phải nói, để Geraci được gửi đến gặp họ). Cho đến khi Michael nắm quyền ở Gia đình Corleone, thì hai tay này là hai Ông Trùm trẻ nhất ở Mỹ.

“O’ Malley, thế à?” Falcone lẩm bẩm.

Geraci hướng mũi máy bay xuyên qua đầu sấm, để tìm không khí tốt hơn. Chàng ta biết Falcone có ý chỉ gì: tên trên bằng phi công của chàng. Chuyến bay hiển nhiên là đủ thách thức để Falcone chấp nhận chuyện Geraci làm thinh, không trả lời mình để tập trung vào việc điều khiển máy bay. Có những điều đôi mắt chẳng nhìn thấy được gì đâu, mà phải nhờ đến cái đầu. Như Michael đã tiên đoán, Falcone đặt một cái tên Ái Nhĩ Lan cùng với một anh chàng Sicily vai rộng, tóc vàng, một người mà anh ta tự nhiên giả định là làm việc cho chiến dịch Cleveland, và anh ta lại thấy một người Ái Nhĩ Lan. Tại sao không? Cleveland làm việc với rất nhiều người Do Thái, Ái Nhĩ Lan và da đen khiến dân ở đó gọi nó là Tổ hợp. Những người bên ngoài thì gọi Ông Trùm ở đó, Vincent Forlenza, là “Tên Do Thái”.

Đó là một thủ đoạn cần thiết. Rattlesnake Island (Đảo Rắn Rung chuông) chẳng phải là nơi dễ đi vào. Falcone có thể không lên một chiếc máy bay của nhà Corleone. Don Forlenza đã hi vọng đến dự đám cưới nhưng sức khỏe không cho phép. Cuối cùng máy bay lên cao khỏi những đám mây. Mọi người được tắm trong ánh sáng chói lòa.

“Này, O’ Malley,” Falcone nói, “vậy là bạn đến từ Cleveland, phải không?”

“Vâng, thưa ngài, sinh ra và trưởng thành ở đó.” Đánh lạc hướng, nhưng mà đúng.

Molinari bắt đầu nói về việc xem Di Maggio chơi cho San Francisco Seals và ngay thời đó anh ta đã là một vị thần giữa con người như thế nào. Qua nhiều năm Molinari đã kiếm được bộn tiền từ việc đánh cá ở Seals, nhưng chưa có lần nào trong suốt thời gian Di Maggio ở đó. “Người ta vẫn có thành kiến với dân Ý, tôi nói đúng không, O’Malley?”

“Tôi không chắc là mình có thành kiến hay không, thưa ngài”

“Chúng ta gặp thứ cacasangue rồi,” Falcone nói.

“Xin thứ lỗi?” Geraci nói, mặc dầu chàng ta biết quá rõ từ đó có nghĩa gì.

“Đồ láu cá”, một vệ sĩ của Falcone nói.

Kẻ raaaanh ma, hả?” Geraci nói, nhại giọng Curly trong phim hoạt hình Ba tên hề.

Molinari và hai tên vệ sĩ cười phá lên. “Thôi, đủ rồi đấy!” Molinary nói. Geraci cố rặn ra một tiếng cười hùa, cho ra vẻ hòa đồng. Tiếng cười đó làm mọi người thấy vui, nhưng Falcone thì không.

Cuộc nói chuyện trở nên lác đác, rời rạc vì bị ngăn cản bởi chuyến bay luôn nhồi xóc và cả bởi cái tên của Geraci trên tấm bằng phi công. Họ nói một lúc về những nhà hàng khách sạn và sau đó về cuộc chiến giành tước hiệu ở Cleveland Armory mà họ định tham dự tối nay thay vì đến Vegas để nghe Fontane - một số chỉ dành cho khách mời, do nhã ý của Michael Corleone, để phá bỏ quy ước của Nghiệp đoàn Xe tải. Họ cũng nói về phim The Untouchables (Những kẻ không thể chạm đến), mà cả hai đều thích, mặc dầu có phần bởi vì họ thấy nó khôi hài. Geraci đã nghe kịch bản này trên radio và phát cáu bởi hình ảnh sao chép khô cứng về những tay cớm đoan chính, liêm khiết đối đầu với những tay tội phạm Ý xảo quyệt, khát máu. Một kịch bản mang tính ước lệ, vụng về, nghe đã chán nhìn càng thấy tức. Cho nên chàng chẳng bao giờ thèm xem phim truyền hình. Chàng thích đọc sách để nghiền ngẫm hơn. Chàng đã thề sẽ không bao giờ sắm ti vi, nhưng năm rồi vì Charlotte và các con gái nài nỉ chàng phải nhượng bộ, song chàng luôn tìm cớ để né không xem phim truyền hình, chỉ xem những trận đấu thể thao ưa thích mà thôi.

Geraci hướng mũi máy bay chúc xuống những đám mây. “Chúng ta đang hạ dần cao độ”, chàng thông báo.

Máy bay nhảy chồm chồm như ngựa lồng. Hành khách ai nấy đều dán mắt vào từng mỗi thanh giằng, từng con bù-loong, từng con ốc vít, như thể họ chờ chúng sẽ bung ra, mỗi thứ một nơi.

Geraci cố gắng tin vào những công cụ của mình, chứ không tin vào mắt mình hay những nỗi lo ngại trong lòng mình. Chàng thở đều. Chẳng mấy chốc mặt hồ màu nâu hiện ra trong tầm mắt.

“Rattlesnake Island, đúng không?” Molinary vừa nói vừa lấy tay chỉ.

“Đúng rồi” Geraci đáp, trở lại giọng trịnh trọng. “Đây là phi công nói, thưa các bạn”

“Chúng ta sẽ đáp xuống đó?” Falcone hỏi. “Cái dãi đất bé tí xíu như cái hĩm kia?”

Hòn đảo chỉ rộng khoảng bốn mươi sào, chừng một phần mười lăm của Công viên Trung tâm của New York, và phần lớn diện tích của nó, nhìn từ trên không, hình như bị lấy đi bởi một sân golf và một rẻo đất để làm bãi đáp, nhỏ một cách... đáng báo động! Một cầu cảng dài từ Đảo Rắn Rung Chuông nhô ra hướng bắc thật xa đến độ thực tế là đã thuộc về lãnh hải Canada; và điều này, trong thời kì Cấm rượu, tất nhiên là có chỗ hữu dụng. Cái hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân này là một phần của Hiệp chủng quốc theo cái kiểu lập lờ sớm nắng chiều mưa đến độ nó còn tự phát hành cả tem bưu chính riêng cho vùng lãnh thổ của mình nữa!

“Thật ra hòn đảo lớn hơn nhiều so với khi ta nhìn từ đây,” Geraci nói để trấn an mọi người, chứ thật ra chàng ta cũng không lấy gì làm chắc về chuyện đó. Không những chàng ta chưa bao giờ hạ cánh xuống hòn đảo này, cho dầu nghĩa phụ của chàng vì những ý đồ và những mục đích nào đó mà đã tiêu tốn số tiền lớn để sở hữu nó, Geraci còn chưa bao giờ đến đó.

Molinari vỗ vào tay Falcone: “Hãy thả lỏng, ông bạn à.”

Falcone gật đầu, ngồi lùi ra sau trong ghế của mình, và cố hút một ngụm cà phê cuối cùng từ cốc của mình.

Mấy lần trước họ tưởng chừng sắp tiếp đất, nhưng máy bay lại bị một cơn gió hút như thể có một bàn tay khổng lồ vỗ mạnh vào cho nó tung ra giữa trời rồi đột ngột tụt nhanh xuống mặt hồ. Geraci có thể nhìn thấy bọt sóng sủi lên. Chàng kéo cần nâng độ cao, cố gắng kiểm soát, chỉnh thăng bằng đôi cánh cho máy bay lướt tới.

“Oooo-kay,” Geraci thở phào, kéo mạnh cần ra sau. “Hãy thử lần nữa xem”

“Lạy chúa, này cậu bé”, Molinari nói, mặc dầu anh ta chỉ lớn hơn Geraci có mấy tuổi. Geraci khe khẽ đọc bài Thánh vịnh thứ Hai mươi ba, bằng tiếng Latinh. Khi đọc đến phần nói về không sợ ma quỷ, thay vì đọc “vì có Chúa bên con”, chàng ta lại đọc thành, “vì con là cái thằng đéo mẹ ngổ ngáo nhất, lì lợm nhất nơi thung lũng này”.

Falcone cười ngất. “chưa từng nghe câu đó trong tiếng Latinh”.

“Bạn biết tiếng Latinh à?” Molinari hỏi.

“Mình từng học ở chủng viện để ra làm thầy dòng mà”, Falcone đáp.

“Chắc là có, nhưng chỉ độ một vài tuần thôi. Đừng làm phi công chia trí nữa, Frank à”

Geraci ra dấu hiệu biểu lộ đồng tình.

Chàng tìm gặp một túi không khí dịu và toan tính tiếp đất lần thứ nhì của chàng lại nhẹ nhàng đến không ngờ. Một lát sau, mấy người mặt áo mưa dài, rộng màu vàng xuất hiện ở cuối đường băng để đón họ.

Geraci hít không khí mát lạnh từ cửa sổ máy bay, và hành khách đi ra. Mấy người dưới đất mở dù che cho họ, đặt mấy cái nêm sau các bánh máy bay, buột chặt cánh, và mang mọi va li đi, trừ một cái. Một xe ngựa lớn màu đen, lót nhung đỏ, do những con ngựa trắng kéo, chờ họ trên bãi biển để chở họ lên những đỉnh đồi - cách đó khoảng một trăm yard.

Gerachi nhìn mấy Ông Trùm và đám vệ sĩ của họ chạy ùa tới để chui vào trong xe ngựa. Một khi họ vào hết bên trong rồi, Geraci mới xách chiếc va li của mình đi lên đồi một mình, mở cánh cửa hầm chứa, và biến đi xuống các bậc thang, bước vào một nơi trước đây từng là một casino náo nhiệt, đi qua quầy băng đĩa và quán bar ổ nhện để đến phòng thay quần áo. Anh bật đèn lên. Tường phía sau làm bằng một thứ cửa thép trượt giống như mấy ga-ra ô-tô ở Brooklyn, nhưng ngoài ra căn phòng lại trông giống một phòng suite cao cấp ở Vegas: giường rộng khổ vua chúa (king-sized bed), nhung đỏ khắp nơi, bồn tắm rộng đủ để bạn nghịch nước cùng lúc với hai, ba em. Đằng sau cánh cửa thép là một căn phòng đầy đồ hộp, mặt nạ chống hơi độc, bình chứa oxy, máy phát điện, một hệ thống xử lí nước, một chiếc radio lớn, và một hầm chứa ngân hàng. Bên dưới, gắn dính vào tấm đá sàn, là một bồn chứa nhiên liệu khổng lồ và, có lẽ là những phòng khác và những tiếp liệu khác. Bao lâu mà ông trùm Forlenza chưa có bất kì cảnh báo nào, dầu bất kì chuyện gì xảy ra - cảnh sát bang tổ chức bố ráp đột kích, hay có người lạ muốn hành thích ông, hay ngay cả trường hợp Liên Xô tấn công - ông vẫn có thể trú ẩn ở đây trong nhiều năm trời. Forlenza kiểm soát công đoàn làm việc nơi mỏ muối dưới hồ gần Cleveland; người ta đồn rằng có cả một đoàn công nhân chuyên nghiệp ngày đêm không làm việc gì khác hơn là đào những đường hầm đến và từ Đảo Rắn Rung Chuông. Geraci bật cười. Một tên nhãi nhép như chàng ta, con của một tài xế xe tải, lại đang đứng đây bên trong một nơi chốn mà một người bình thường ắt sẽ không bao giờ nghe nói đến. Chàng ta mang gói tiền vào phòng khác và đặt xuống trước hầm chứa.

Chàng ta đứng đó, nhìn trừng trừng vào gói tiền.

Tiền là một ảo tưởng. Cái túi da kia còn có giá trị cố hữu hơn là hàng vạn những tờ giấy nhỏ đựng bên trong. “Tiền” không là cái gì khác hơn là hàng vạn tờ giấy được in ấn theo những mẫu nào đó được ấn định bởi một chính quyền vốn, trên thực tế, không có khả năng chi trả cho một phần trăm mệnh giá lượng tiền được tung ra lưu hành trên thị trường. Còn chuyện này mới là... ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ chứ: chính quyền muốn phát hành bao nhiêu tờ giấy bạc cứ tùy thích rồi thông qua những đạo luật để cho những tờ giấy kia không bao giờ bị triệu hồi. Theo chỗ Geraci ước đoán, những tờ giấy kia biểu thị giá trị một tháng hớt váng kem của một casino ở Las Vegas mà cả hai gia đình Corleones và Forlenza đều có phần hùn, cùng với một phần quà tầm cỡ đáp ứng lại lòng hiếu khách và ảnh hưởng của Ông Trùm Forlenza. Những bó tiền đó biểu thị công sức lao động của hàng trăm con người giản quy thành cổ phần bằng chứng khoán tạm thời, thành vỏ sò ốc dùng làm tiền, được trao đổi trong cuộc thương lượng quyền lực của một số ít người, những cổ phần cho một số người còn ít hơn. Những mảnh giấy chẳng có giá trị gì mấy mà Ông Trùm Forlenza sẽ chấp nhận không cần suy nghĩ. Chỉ là những tờ giấy in.

Minchionaggine, bố anh có lẽ sẽ nói thế, nếu biết anh đang chìm trong suy tư như thế. Con suy nghĩ nhiều quá đấy.

Fredo quay cửa xe xuống và chìa cho nhân viên hải quan bằng lái của anh. “Không có gì để khai báo cả.”

“Còn số cam kia?”

“Số cam nào?”

“Ở ghế ngồi sau. Trên sàn xe kìa.”

Hẳn rồi, chúng ở đó: một giỏ mắt lưới cam hiệu Van Arsdale. Chúng không phải là cam của chàng. Fredo sẽ không thèm ăn một quả cam nào cho dầu đó có là mẩu thức ăn cuối cùng trên đời này. Dứt khoát là không thèm!

“Thưa ông, ông có thể cho xe về làn đường kia? Gần người mặc đồng phục trắng đó?”

“Anh có thể lấy số cam kia. Giữ lại hay ném đi tùy anh. Tôi không quan tâm. Chúng không phải của tôi.” Bố chàng đang mua cam vào cái ngày chàng thấy ông bị bắn chết. Một trong những viên đạn đã nghiền nát một quả cam trên đường phóng vào gan ruột ông già. Nhiều chuyện từ ngày ấy đã lờ mờ trong kí ức. Fredo nhớ lại mình lóng ngóng với cây súng. Anh nhớ lại mình trông theo đám sát thủ chạy đi, ngược Đại lộ Số Chín, bỏ lại Fredo không bị bắn, quá vô nghĩa cho cả một viên đạn lẻ. Anh nhớ lại quả cam ấy. Anh không nhớ là đã quên không kiểm tra xem bố đã chết chưa và thay vì thế cứ ngồi trên ghế mà khóc, mặc dầu vậy bức hình anh trong tư thế đó, trong những nét biểu cảm tự nhiên đó đã đem lại cho người nhiếp ảnh đủ loại giải thưởng. “Tôi quên mất là chúng vẫn còn đó.”

“Ông Frederik” Anh chàng nhân viên công lực đang nghía kĩ để “ngâm kíu” bằng lái của Fredo. Bằng lái mang tên giả, Carl Frederick, nhưng là bằng thiệt được chính Cục Xe Cơ Giới Nevada cấp. “Sáng nay ông đã uống bao nhiêu cồn vào người rồi?”

Fredo lắc đầu. “Lại đằng kia hở? Bên anh chàng đó?”

“Vâng, nếu ông vui lòng.”

Hai người ăn mặc giống như cớm ở Detroit đang đi vế phía người mặc đồng phục trắng. Fredo kéo ra và với tay đến ghế ngồi sau tóm lấy chiếc sơ mi màu vàng và dùng nó phủ lên chai whiskey. Người mặc đồng phục trắng yêu cầu anh tránh xa khỏi chiếc xe.

Chuyện này ít nhiều giống như chuyện đã xảy ra với anh Sonny của chàng. Nếu đây là một trò dàn cảnh và nếu chúng đón lõng để giết anh, thì cơ may duy nhất anh có được là, ngay bây giờ, chộp lấy khẩu súng dưới ghế ngồi, rồi vụt ra khỏi xe, bắn xối xả. Nhưng nếu như bọn họ là người thực của Sở Cảnh sát? Thì sự vụ sẽ ra sao đây? Trong trường hợp này có lẽ anh sẽ giết một hai tay cớm rồi chính mình cũng sẽ bị khử hoặc bởi súng đạn ngay tại chỗ hoặc là bị bắt rồi chờ ngày lên ghế điện. Mặc dầu Mike cũng từng rơi vào tình huống tương tự nhưng đã thoát hiểm chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng là do chú ấy có mạng lớn.

Chàng động não quay cuồng.

“Thưa ông”, người áo trắng nói. “Giờ đây, xin vui lòng”

Nếu họ là người thật và nếu họ tìm thấy khẩu súng ở đó, anh sẽ bị bắt. Chuyện này sẽ có người, có thể là Zaluchi, sẽ dàn xếp được. Vả chăng giờ đây không còn cách nào thoát khỏi rắc rối với cái của nợ đó được nữa.

Fredo nắm lấy một trong các quả cam. Anh mở cửa xe và nhẩn nha đi ra. Không có những động tác bất ngờ. Anh tung quả cam trong tay cho người mặc đồng phục trắng và chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết. Người áo trắng chỉ bước xéo qua để tránh. Mấy tay cớm nắm lấy hai cánh tay của Fredo trước khi quả cam rơi xuống đất.

“Các anh là Cảnh sát kị binh Canada?”, đôi mắt Fredo chiếu thẳng, tìm kiếm mấy người mang súng tự động Tommy.

“Ông đang đi vào nước Mỹ đấy, thưa ông. Vui lòng theo lối này.”

“Các anh biết chiếc xe đó chứ?” Fredo nói. “Nó là của ông Joe Zaluchi, người mà chắc có lẽ các anh cũng biết, là một doanh nhân có vai vế ở xứ Detroit này.”

Nắm tay của họ chùng ra, nhưng cũng chỉ một tí thôi. Họ dẫn anh đến sau khu cao ốc hải quan. Trái tim của Fredo đập loạn nhịp. Anh tiếp tục nhìn quanh tìm kiếm mấy người mang súng, lắng nghe âm thanh của những tiếng búa hay những băng đạn được nạp vào súng. Anh định tự giải thoát và chạy đi. Ngay lúc anh sắp sửa làm điều đó, mấy người kia chỉ vào một tuyến đường trên mặt đất và yêu cầu anh bước vào.

Họ là người thực. Họ không sắp sửa giết mình đâu, anh nghĩ. Có lẽ thế.

“Ông Zaluchi hẳn là đang sốt ruột muốn lấy lại chiếc xe của ông ấy đấy” Fredo lên tiếng.

“Với đôi cánh tay ông giang ra như thế này, thưa ông”, một trong mấy tay cớm nói. Anh ta dùng giọng Canada để nói kiểu giễu nhại nghe cũng khá khôi hài.

“Chắc chắn anh không phải là Cảnh sát kị binh Canada đâu”, Fredo nói, nhưng anh vẫn làm như được bảo.

Theo như anh nghĩ, anh đã đi qua tuyến đường một cách hoàn hảo, nhưng mấy anh chàng thích đùa này chưa thấy ấn tượng. Họ bảo anh đọc ngược bảng chữ cái mà phải nhanh như đọc xuôi và anh cũng... hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc! Anh nhìn đồng hồ.

“Nếu các bạn cho mình biết tên”, anh nói,” Tôi chắc là Ngài Zaluchi sẽ rất vui lòng gửi món quà tặng vào quỹ hưu trí của bạn hay đại khái một khoản nào đó. Bất kì ông ta làm cái gì thì tôi cũng làm như thế.”

Họ ngẩng đầu lên, có vẻ muốn gây sự.

Không biết mắc chứng gì mà Fredo lại bỗng nhiên cười rúc rích.

“Có gì đáng buồn cười đâu, ông Frederik?”

Fredo lắc đầu. Bị chính những dây thần kinh của mình phản bội, anh cố gắng, nói đúng theo nghĩa đen, quét nụ cười ra khỏi khuôn mặt mình. Đúng, có cái quái gì đáng buồn cười đâu?

“Này, thưa Ngài, tôi xin lỗi nếu như tôi lỡ hiểu lầm”, một tay cớm nói giọng ngọt nhạt. “Có phải Ngài muốn ban tặng chúng em đây một ít... chất bôi trơn?”

Chàng nhíu mày. “Chẳng phải chữ tôi đã dùng là quà tặng?”

“Đó là một từ chấp nhận được thôi,” tay kia nói. “Tôi cho rằng Bob đã nghĩ là anh đang đề xuất một vụ “bánh sáp đi, bánh quy lại” đấy mà.”

Một tay cớm học một số dụng ngữ của luật sư, anh ta được ủy thác một nhiệm vụ kì kèo mặc cả ở biên giới. Nhiệm vụ kì kèo mặc cả: ý tưởng đó khiến anh ta nhếch mép, mặc dầu anh ta đang tự giận mình chứ chẳng phải vui thú gì. Kì kèo mặc cả. Không phải Fredo Corleone, kẻ đã làm cho một nửa các cô gái trình diễn ở Vegas mang bầu và đang trên đường quay trở lại đó để tiếp tục “nựng” nửa số còn lại. Anh lấy một hơi thở sâu. Anh không sắp sửa cười. “Tôi không muốn chuyện rắc rối. Tôi không muốn giả định bất kì điều gì, nhưng” - và đến đây anh lại phải chiến đấu chống lại cơn cười - “tôi đã qua được trắc nghiệm hay chưa?”

Họ trao đổi một cái nhìn. Người mặc đồng phục trắng đi đến quanh góc cao ốc. Thôi bỏ mẹ rồi, Fredo nghĩ. Nhưng anh ta không mang khẩu súng của Fredo. Thay vì thế, anh ta cầm một tờ giấy ướt nhẹp, gần như nát bét, trải nó ra trên tấm bảng có kẹp giữ giấy tờ, ấn nhẹ xuống đó với một cái khăn tay. “Ông Frederik?” anh ta lên tiếng. “Ông có thể giải thích chuyện này không?”

“Cái gì vậy?” Fredo nói. Đó là lúc anh nhớ lại: hắn đã để lại khẩu súng trong phòng.

“Tôi chưa bao giờ thấy cái đó.”

Người áo trắng kề mặt sát vào tờ thư ngắn. “Chữ kí cuối thư là, Tha lỗi cho tôi, Fredo”, anh ta đọc. “Ai là Fredo?”

Fredo phá ra cười lớn.

Những động tác làm ấm mà bác sĩ đã chỉ định phải tập trong nửa tiếng thuộc loại được nghiên cứu kĩ, nhưng Johnny Fontane không còn đủ thời gian. Anh bắt đầu trong sa mạc, dừng lại ở Barstow uống một cốc trà nóng bốc khói pha mật và chanh và đi qua cả một đội quân những tiếng tru tréo, gào thét có lẽ đến lần thứ năm mươi khi anh phóng xe vượt đèn đỏ liền mấy dãy phố từ Tháp Ghi âm Quốc gia. Một xe mô-tô của Sở Cảnh sát Los Angeles đang đánh võng đằng sau xe anh. Họ cùng đến một chỗ dừng, gần cửa sau của tòa cao ốc. Phil Orstein - chỉ huy phó ở Tháp Ghi âm Quốc gia - đứng một mình ở bục chỉ huy, vừa hút thuốc vừa đếm bước.

Johnny lấy mấy ngón tay vuốt chải đầu tóc lơ thơ của mình, tóm lấy cái mũ từ ghế ngồi bên cạnh, và ra khỏi xe. “Coi chừng cái này,” Johnny nói, chỉa một ngón cái về phía anh cớm. “Mạnh khỏe, Philly?”

“Bình thường thôi”. Phill rút ra điếu thuốc. “Chúng tôi nghĩ anh lái đến đây sau sô nửa đêm. Chúng tôi đã đặt phòng cho anh ở Khách sạn Ambassador và trả tiền trước luôn rồi nhưng anh chẳng thèm hạ cố đến đấy.”

Tay cớm dỡ mũ bảo hiểm ra. “Ông là Johnny Fontane, phải không?” anh ta hỏi.

Vẫn không ngừng sải bước, Johnny quay đầu lại, toe toét một nụ cười nhăn nhở đáng giá cả... triệu đô la, xếp mấy ngón tay thành khẩu súng sáu, nháy mắt và bắn mấy phát tưởng tượng vào anh cớm.

Phil, trên đường đi đến nói chuyện phải quấy với anh cớm, dừng lại, thở ra và lấy mấy ngón tay chải tóc.

“Bà xã và tôi đều thích bộ phim vừa rồi của ông lắm”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay