Bố già trở lại - Phần II - Chương 04 - Phần 2

Đó là một phim cao bồi nhưng thuộc loại nhảm nhí thứ thiệt! Làm như bất kì ai cũng tin rằng một anh chàng dân chơi như Johnny lại sẵn sàng xả thân vào chốn gian nguy, cưỡi ngựa ào ào như gió, nổ súng đì đùng vào bọn vong mạng để cứu khốn phò nguy cho dân lành. Một chàng hiệp sĩ anh hùng rơm trong một phim truyện loại... ba xu rưỡi! Johnny hỉ hả tặng chữ kí cho chàng cớm ái mộ mình ngay sau tấm vé.

“Ông lại ghi âm mấy bài hát nữa, phải không?” anh cớm hỏi.

“Ờ, cũng đang định thế” Johnny đáp.”

“Bà nhà tôi vẫn luôn thích các đĩa hát của ông”

Đó là lí do tại sao không một hãng đĩa nào ở New York muốn kí hợp đồng với Johnny - không một ca sĩ nào từng nổi tiếng với phụ nữ hơn với đàn ông lại không từng tìm cách thay đổi điều đó. Phim ảnh thì cũng tốt thôi, mặc dầu ngay cả bây giờ, với hãng sản xuất phim của riêng mình và một giải thưởng của Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ, những người điều hành công việc ở đây vẫn tiếp tục làm cho anh cảm thấy mình như là một tên Ý ngu khờ, kẻ phá bĩnh đám tiệc. Những lần chờ đợi quá lâu làm anh chán ngán đến ê ẩm và anh cũng đã ngán đến tận cổ chuyện nghe bọn con lừa làm mặt lanh xưng tụng anh là Johnny Độc nhất Vô nhị! Ôi dào! Đây xin lạy cả nón! Từ đây trở đi, nếu anh có thể lấy được đúng phần, thế thì tốt, nhưng anh đang hướng đến chân trời khác. Tâm anh không trụ ở đây. Thực ra anh không phải là diễn viên, không phải là vũ công chuyên nghiệp, không phải là thần tượng cho tuổi teen, càng không phải là ca sĩ nhạc sến. Anh là Johnny Fontane, ca sĩ thính phòng - đầy tài năng và, nếu như anh toàn tâm toàn ý vào đó, mà hợp đồng này với National đem lại cho anh cơ hội để thực hiện ước nguyện, có lẽ là một trong những ca sĩ thính phòng lỗi lạc nhất từng có mặt trên đời. Cũng có thể là giọng ca tuyệt vời nhất. Tại sao không? Quả là đáng chán khi con người mà bạn biết đó mới đúng là mình lại không phải là con người mà người ta thấy khi họ nhìn vào bạn. Không phải là anh sắp nói điều gì. Bạn không nói bất kì điều gì xấu với hoặc về bất kì ai trước nay vẫn trung thành với mình. “Tên bà xã anh bạn là gì?” Johnny hỏi.

“Irene”

“Bạn và Irene chưa từng đến Vegas?”

Chàng cớm lắc đầu. “Chúng tôi có nói về chuyện đó”

“Bạn phải thấy tận mắt mới tin được. À, thế này nhé. Tôi ở Lâu Đài Trên Cát suốt tháng tới. Phòng thượng hạng. Nếu bạn muốn tới, tôi đưa bạn vào.”

Chàng cớm cảm ơn rối rít: “Quý hóa quá! Ông chu đáo quá!”

“Đồ nỡm!” Johnny nói với Phill khi hai người ở trong thang máy đi lên studio. “Cá với anh là hắn sẽ đi khoe tùm lum là đã quen anh và tôi. Cá với anh là hắn tích lũy bộ sưu tập chữ kí đủ chất đầy một ga-ra đấy.”

“Anh bạn nói giọng kiêu bạc quá đấy, Fontane à”

“Thả lỏng đi, Philly à, anh bạn làm ra vẻ đạo mạo gớm!” Mặc dầu Johnny nhìn thấy cái cốc của anh trong những bức tường thép sáng loáng của thang máy và anh chẳng nhìn cái gì là nghiêm chỉnh cả. Anh giở mũ ra, lấy tay chải tóc, rồi đội mũ lại. “Mọi thứ xong xuôi đâu đó cả rồi chứ?”

“Hơn một giờ rồi”, Phill nói. “Nhưng có điều này. Xin hãy nghe tôi nói cho hết đã, OK?”

Johnny làm mặt lạnh như tiền và đếch nói gì, nhưng có lẽ anh chịu nghe. Chính Phill Orstein là người đã - sau khi mọi nhãn hiệu lớn khác đã qua đi - thu xếp cho Johnny một hợp đồng bảy năm (dầu tiền thù lao hơi èo uột, nhưng đã sao nào? Tiền bạc không thành vấn đề. Cái chính là cơ hội thể hiện đúng giá trị đích thực của mình). Chính Phill Orstein đã nhấn mạnh rằng giọng của Johnny Fontane đã trở lại và rằng hình ảnh trước công chúng của chàng ta như là một tên côn đồ ác ôn, lúc nào cũng say mèm, ưa cãi lộn, đánh lộn vừa là không có gì bảo đảm lại vừa có khả năng làm tăng mại vụ cho xê-ri băng đĩa của chàng ta mà thôi.

“Tôi biết anh muốn có Eddie Neils làm giám đốc âm nhạc, và nếu đó là điều anh thực sự muốn, thì được thôi, chúng tôi sẽ cố.”

Johnny bấm vào nút stop trên thang máy. Eddie Neils đã hòa âm phối khí cho Johnny lần cuối khi mà chàng không còn bài “hit” nào. Johnny đi đến nhà ông và có lẽ đã không rời nơi đó cho đến khi ông già này mở cho chàng nghe ngay tại thính phòng lát đá hoa cương của ông, giữa những bức tượng đại bàng và tượng người khỏa thân, và khi Johnny khắc phục được độ vang âm và thể hiện được ở mọi âm vực và mọi cung bậc tình cảm, thì cuối cùng Eddie đã đồng ý làm việc lại với anh.

“Anh nói với tôi rằng Eddie không có ở đây?”

“Đúng, tôi nói với anh như vậy đó,” Phill đáp, vừa vỗ vào bụng mình. “Bị ung sang xuất huyết bao tử. Phải vào bệnh viện tối qua. Cũng không đến nỗi gì đâu. Sẽ khỏi thôi. Nhưng - luôn luôn vẫn có một chữ nhưng...”

“Ông ta không có ở đây.”

“Ờ, thì ông ta không có ở đây. Đúng. Song lẽ, đây mới là cốt lõi của câu chuyện. Bởi, dầu sao, ông ấy cũng chưa bao giờ là lựa chọn của chúng tôi cho anh.”

Rằng Phill đủ thẩm quyền và uy tín để nói cho anh thay vì là để anh trở lại, chuyện ấy không phải trong tâm trí Johnny. “Các anh vẫn luôn luôn thích anh chàng kia hơn,” Johnny nói. “Thằng nhóc đó. Một tay kèn trombone.”

“Đúng, Cy Milner. Anh ta không phải là thằng nhóc. Anh ta đã ngoại tứ tuần, bốn mươi lăm rồi đấy. Chúng tôi đã thuê anh ta viết cho một vài bài hit mới nhất đấy”

Milner từng là cột trụ của ban Les Halley, nhưng chỉ sau khi Johnny rời khỏi nhóm. Từ đó đến giờ hai người chưa từng gặp lại nhau.

“Các anh thuê hắn viết ca khúc từ bao giờ vậy? Từ hôm qua phải không?”

“Đúng, mới từ hôm qua. Nhưng anh ta làm việc nhanh khiếp lắm. Một huyền thoại về làm việc nước rút đấy.”

Thằng nhóc là một huyền thoại, còn tôi là Johnny Độc nhất Vô nhị. “Còn những bài Eddie đã viết thì sao?”

“Cả những bài đó nữa. Chúng ta có quyền khai thác mà.”

Phill đưa cả hai bàn tay lên vuốt tóc, dầu anh bị hói, tóc chỉ còn lơ thơ vài cọng. Anh ta là loại người, một cách vô thức, hay bắt chước những kiểu làm điệu của người khác.

“Anh nghĩ tôi thế nào, khó tính, khó nết, khó ưa phải không?” Johnny ấn mạnh vào nút stop. “Coi nào, Philly. Mình là dân chuyên nghiệp mà. Chúng ta cho Cy xoay tít một vòng, thử một vài chuyện, xem chúng ta có thể tung ra một trò ảo thuật nho nhỏ nào chăng, nhé?”

“Cám ơn Johnny.”

“Tôi vẫn luôn thích một tay Do Thái ưa làm điệu”

“Đừng có đùa nhảm, Johnny.”

“Mà vẫn thẳng ruột ngựa, chứ không vờ vịt, ỡm ờ”

Johnny ra khỏi thang máy và sải bước xuống sảnh, đến phòng 1A, studio duy nhất đủ lớn cho dàn đàn dây mà anh mong muốn. Anh ào qua các cánh cửa và đi thẳng tới anh chàng tóc vàng xám bên kia phòng. Anh ta mặc bộ côm-lê vải tuýt Anh quốc, đeo kính gọng sừng, với một lăng kính thật dày làm cho con mắt đằng sau đó trông thật ngộ nghĩnh. Đôi bờ vai rộng, giống một chàng cầu thủ bóng đá hơn là dáng một người cầm đũa chỉ huy dàn nhạc.Trông anh ta giống hình ảnh một ông hiệu trưởng trong các bộ phim. Johnny và Cy Milner làm quen với nhau bằng sự trao đổi rất kiệm lời, chỉ vừa đủ mức tối thiểu cần thiết. Johnny xỉa một ngón cái về chiếc mi-cờ-rô, và Milner gật đầu.

Milner nói lí nhí mấy lời hướng dẫn cho tay kĩ sư âm thanh rồi bước lên bục chỉ huy. Các nhạc công ôm ấp nhạc cụ của mình. Milner cởi bỏ áo khoác, giang cao đôi cánh tay khỏe khoắn, nhấc thẳng đũa chỉ huy. Johnny đứng trước micro, sẵn sàng vào cuộc.

“Nào, các bạn, bắt đầu!” Milner nổ phát súng lệnh. Và anh chỉ nói có thế.

Johnny khởi động bài hát mạnh mẽ ngay từ nốt nhạc đầu tiên, và dàn nhạc - tất cả đều là người của Eddie Neils - cuồn cuộn trào dâng lên làn sóng âm thanh xum xuê phồn mậu và lộng lẫy theo sau anh. Giống hệt như ngày xưa. Anh cảm thấy như mình đang cưỡi qua đầu sóng lời ca, bập bềnh lắc lư trên biển nhạc. Anh vẫn còn đầy đủ tài năng để thực hiện kì công này. Như đang ngối trên lưng con tuấn mã không cần có yên cương, mà vẫn lao đi vun vút theo ý mình, chỉ cần vài lời điều khiển ngắn gọn.

Khi họ chấm dứt, cả khán thính phòng sững sờ lặng ngắt, chỉ có tiếng vỗ tay rào rào trong tâm tưởng!

Milner ngồi xuống một chiếc ghế đẩu. Johnny hỏi anh thấy thế nào. Milner nói rằng anh ta đang suy nghĩ. Johnny hỏi anh ta có nghĩ rằng họ nên làm lại không. Milner không nói gì. Mà chỉ đứng dậy và giang cao đôi cánh tay. Họ làm lại. Milner ngồi xuống và bắt đầu ghi chú.

“Anh đang làm gì vậy?”

Milner lắc đầu nhưng không nói gì khác. Johnny nhìn vào Phil; anh chàng này nắm bắt được thông điệp và mang họ vào căn phòng nhỏ trở lại.

“Chúng ta phải tinh giản bớt hai phần ba quân số dàn nhạc”, Milner nói.

Không phải “chúng ta nên” hay “có lẽ chúng ta nên” mà chỉ là câu phát biểu thẳng thừng, phẳng lì, không úp mở, quanh co. Johnny gắt gỏng. Đây chính là loại dàn nhạc thường hòa âm cho anh trong những bài hit thành công nhất, đúng là loại âm thanh mà người ta vẫn khao khát.

Milner đứng yên tại chỗ, không một dấu hiệu biểu cảm nào, chỉ cố miễn cưỡng “hấp thụ” tràng dài chỉ trích của Johnny.

Cuối cùng, Milner trao cho Phil một mẩu giấy. Trên đó ghi danh sách những người được mời về nhà nghỉ ngơi, ngồi chơi xơi nước vối. Phil nhướng cao một hàng lông mày, rồi lấy một ngón tay chỉ vào mình. Milner bảo rằng anh không quan tâm ai sẽ làm chuyện đó.

“Chết tiệt!” Johnny thở ra. “Cứ làm điều gì anh thấy cần làm.” Chàng ta thả phịch người xuống chiếc ghế nệm bọc da.

Milner là người tống tiễn đám “thặng số biệt phái”. Johnny ngồi nhìn lướt qua danh sách những bài hát chàng đã chọn, so sánh những bài “hot” mà Neils đã sáng tác với những bài Milner sáng tác. Những bài của Milner được viết ra nhanh, điểm xuyết bởi những ghi chú chi chít, nhếch nhác, luộm thuộm. Về chuyện này không có cái gì giống như ngày xưa.

Lát sau, Johnny trở lại đứng sau micro, nhìn trừng trừng vào mấy bản nhạc trên giá để nhạc trước mặt mình. Lần này là một bản do Milner soạn tổng phổ. Một bài ca bất hủ của huyền thoại Nat “King” Cole lừng lẫy thời xưa mà trước đây anh cũng từng ghi âm thành công. Johnny vừa muốn giết anh chàng Milner này vừa muốn ôm siết anh ta. Có lẽ anh muốn chứng minh rằng anh ta sai. Nhưng anh thầm cầu nguyện là anh ta đúng.

Những người từng thấy Johnny Fontane hát nơi các câu lạc bộ, hay ngay cả những ai từng thấy anh thu âm mười năm trước đây, có lẽ sẽ khó nhận ra con người đang cuộn mình lại, có vẻ ủ ê, hơi thở đều, đang đứng sau micro lúc này. Số nhạc công được giữ lại bước vào vị trí. Tay kĩ sư âm thanh muốn “check” lại micro. Ngay lúc họ đang sẵn sàng, một chú nhóc đi vào và hỏi cháu nên đặt li trà cho Ông Fontane ở đâu. Johnny chỉ tay nhưng không nói, nhún nhảy chầm chậm tại chỗ nhưng không làm động tác nào khác, dán mắt mình vào bản nhạc nhưng không thực sự nhìn vào đó. Tất cả chuyện này chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng với Johnny dường như hàng bao giờ đã trôi qua và cũng dường như chẳng có thời gian nào. Tâm trí anh như rơi vào cõi phi thời. Anh nhắm đôi mắt lại. Lần cuối cùng mà anh đã hát bài này lúc đó giọng anh trong trẻo như tiếng hạc bay qua, như giọt mưa mùa hạ lóng lánh trên các tàng lá, và như anh có thể nhớ, quả là làm người nghe mê mẩn.

Johnny gần như không ý thức được lúc khúc hát bắt đầu. Việc kiểm soát hơi thở của anh đã được xây dựng kĩ trong suốt thời gian anh lặn xuống hồ bơi khiến anh chỉ còn ý thức là mình đang hát. Sự cải biên là ở khắp nơi và chẳng ở nơi nào, nhảy vào khi anh muốn, hay ở bên ngoài đường đi của anh mà không cần biết tại sao. Một khổ thơ được đưa vào và tất cả những gì Johnny ý thức được đó là kẻ kém cỏi được nhắc đến trong bài ca, cố gắng dùng những từ dễ nghe và những câu đùa để tự thuyết phục mình rằng mình vẫn có thể sinh tồn mà không cần người đàn bà đã bỏ mình. Vào lúc Johnny xướng đoạn nhạc đầu tiên, chàng ta là kẻ kém cỏi đó. Chàng đang hát không phải cho những người khác có thể đang nghe chàng nơi studio, trên làn sóng phát thanh, hay trong sự riêng tư của phòng khách nhà mình với một chai whiskey được nốc cạn nhanh hơn nhiều so với tốc độ lẽ ra nên uống. Chàng đang hát cho mình và vì mình, nói lên những sự thật rất riêng tư đến độ có thể đốt cháy những cái lỗ xuyên qua đá! Chẳng có điều gì mà bất kì người nào thực sự lắng nghe âm nhạc có thể làm ngoại trừ trông cậy vào những ngôn từ dễ nghe và những biểu kiến giả tạo mà tình yêu đã mất gợi ra, vào tất cả những lời trách móc, thóa mạ được “ban tặng” một cách hào phóng cho ai đó đã hành động đúng khi bỏ rơi anh (đáng đời tên bất tài, kém bản lĩnh đã không dám buông cho các em rơi tự do trước khi các em kịp “giở quẻ” với mình!). Và rồi chàng tuyệt vọng, rên rỉ.

Khúc hát chấm dứt.

Milner hạ thấp que chỉ huy và nhìn vào chàng kĩ sư âm thanh, chàng này gật đầu. Mọi người trong studio - ngay cả ban nhạc đã được tinh giản - bùng nổ thành tràng pháo tay giòn giã. Milner hướng đầu về chỗ quầy nhỏ.

Johnny bước lùi ra xa micro. Anh nhìn quanh vào những bộ mặt tươi cười của tất cả những kẻ xu nịnh này. Milner quay lại từ cái quầy nhỏ và bắt đầu tái định vị các micro. Anh không nói gì. Có lẽ người ta sẽ nói anh chàng này là dân Sicily, vì cái kiểu lầm lì ít nói và lại nói rất nhỏ.

“Không” Johnny nói. Cám ơn rất nhiều tất cả các bạn, nhưng không. Các bạn tuyệt vời lắm nhưng tôi không thể làm tốt hơn. Nhưng cứ thử một cái gì khó hơn xem sao, OK?”

Milner tái định vị micro kia.

“Tốt lắm, Cy.” Johnny nói. “Bạn có thể làm điều đó giống như Puccini không?”

Milner câu ra một mảnh giấy nhăn nheo từ túi áo sơ-mi, trông giống một giấy biên nhận giặt ủi, và ngồi xuống trước piano, ngơ ngác nhìn quanh một tí, ghi tháu mấy chú thích, đưa ra một ít hướng dẫn vắn tắt cho những thành viên dàn nhạc.

Johnny có lẽ se không làm việc với Eddie Neils sớm bất kì lúc nào.

Anh đã ở nơi nào đó, đi nơi nào đó, hát bài ca đó, và anh có thể lại đến đó, anh tuyệt đối chắc chắn điều đó, và đi sâu hơn, và sau đó làm điều đó cả hàng chục lần nữa. Anh có thể làm đầy nguyên cả một đĩa với những bài ca đưa người ta ra khỏi cuộc sống thường ngày với những lo toan cơm áo gạo tiền, đề ru hồn về bến mơ, và đi sâu vào thâm cung hồn viễn mộng khôn khuây của họ, và, một tia chớp lóe lên trong đầu óc chàng - xâu chuỗi các bài hát theo cách Les Halley đã làm khi Johnny là ca sĩ độc quyền của ông ấy, tất cả chỉ trên một băng ghi, để mọi thứ thi đấu trận quyết định với mọi thứ khác, theo một cách và đến một mức độ mà không một ai, kể cả những tay ca nhạc jazz hay nhất, từng làm trước đây.

Phil Orstein tiếp tục khen ngợi mọi người. Philly sẽ không hạnh phúc khi bảo họ tiêu phí nguyên cả một kì tập dợt vào chỉ một bài ca này nhưng không làm sao được. Johnny Fontane sẽ thách bạn chỉ cho chàng ta một tiệm băng đĩa nào mà khách hàng đi vào hỏi mua những sản phẩm mới ra của National Records. Cái họ muốn là những bài hát họ yêu thích, được những ca sĩ thần tượng của họ hát. Milner bước lên bục chỉ huy. Hai mắt kiếng khác độ nhau xa của anh làm cho giống như thể là con mắt bình thường của anh nhìn vào dàn nhạc còn con mắt phồng to lên sau cái lăng kính lớn độ lại nhìn vào Johnny. Johnny nhìn xuống và họ lại bắt đầu.

Dường như bóng ma của Puccini nhập vào bài hát, mở ra xa hơn và Johnny hít đầy không khí vào buồng phổi và bơi lội trong đó.

Michael và Kay trải qua giờ bay đầu tiên trong yên lặng tương đối. Có lần Kay tỏ ra ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp gây sững sờ của sa mạc và so sánh vẻ đẹp đó với tác phẩm của các họa sĩ trừu tượng thì Michael nhận định rằng mình cũng nên biết. Chàng ta làm bộ hứng thú và cố tỏ ra cũng hiểu biết đôi chút về nghệ thuật, thế là nàng say sưa thuyết pháp một thôi một hồi về hội họa trừu tượng, hội họa phi hình dung... khiến chàng ù cả tai, lơ mơ thần trí không biết mình đang bay ở tầng mây thứ mấy! Và rồi chàng tự hỏi tại sao về một chuyện tầm thường như vậy, chàng cũng không chịu trung thực. Có lẽ là vì chàng đã quen... nói dối thành tinh rồi!

Michael hỏi về việc dọn nhà. Kay định nói với chồng về cái ngày trong tuần rồi khi những người nhà Clemenzas hiện ra tại ngôi nhà cũ của bố mẹ chàng, mà họ đã mua lại, và Kay thấy mẹ chồng, Carmela Corleone đứng ở cửa sổ nơi văn phòng người chồng quá cố của bà, một căn phòng mà ít khi bà đặt chân tới trong nhiều năm rồi. Bà đã lâng lâng với vài ve và đang lẩm bẩm những bài kinh bằng tiếng Latinh. Đây là nhà của tôi, bà thông báo. Và tôi sẽ không dời đến sa mạc nào. Chẳng bao lâu nữa đâu rồi chàng sẽ nghe chuyện đó. Bà đang đùa ai vậy? Mà không chừng là chàng đã biết rồi cũng nên. “Nhưng sắp ổn thôi,” Kay nói. “Connie thường rất đắc lực trong những chuyện này.”

Ngay cả lời bình luận trung lập đó cũng chất chứa nhiều ẩn ý. Michael không phản ứng lại việc Kay nêu tên cô em gái mình, nhưng chàng biết Connie vẫn còn hận anh mình về cái chết của chồng cô, Carlo, mặc dầu là một phụ tá mà anh biết từ Guadalcanal đã đổ vấy cuộc mưu sát đó cho một thuộc hạ của nhà Barzini.

“Lạ thật”, Kay nói sau một hồi yên lặng kéo dài. “Bay qua sa mạc bằng một chiếc thủy phi cơ.”

Về mọi hướng sa mạc hoang vắng tiêu điều, chỉ có cát và những cây còi cọc trải dài ra đến tận chân trời. Cuối cùng những hình dáng mà hóa ra là những ngọn núi hiện lên từ lớp sương mù mỏng ở phía bắc.

“Bọn trẻ thế nào?” Cuối cùng Michael lên tiếng.

“Anh thấy bọn chúng sáng nay mà”, Kay đáp lời. Mary, lên hai tuổi, khóc và la “Daddy, Daddy”, khi hai người rời nhà. Anthony, vào thời điểm này năm tới sẽ bắt đầu đi nhà trẻ, đang ngồi dưới một cái hộp đặt trên sàn nhà, xem ti vi qua một cái lỗ. Đang chiếu chương trình trong đó những khuôn mặt bằng đất sét chạm trán các vấn đề của đời sống: mối cám dỗ không chịu chia sẻ cái wagon đỏ của mình hay những đức tính để chấp nhận vai trò của người ta trong việc làm bể cái bóng đèn nơi máy khâu của má. Nói rằng cậu bé bằng đất sét kia sẽ không bao giờ tranh đua với hai ông chú bị ám sát của mình thì chắc cú rồi. Ông bố đất sét của cậu với cái áo len mướt mồ hôi sẽ không bao giờ bị gọi là “một bộ mặt của thế giới ngầm” trong The New York Times. Ông nội đất sét mảnh mai dường như không ngã xuống chết dưới chân cậu. “Anh nghĩ chúng thế nào?”

“Chúng có vẻ ổn đấy. Chúng có bạn chưa? Ở gần nhà ấy?”

“Lúc đó em còn lo lấy đồ ra, Michael à. Em đã không có đủ thời giờ - ”

“Được thôi. Anh đâu có phê phán gì.”

“Anh đủ gần phi trường Reno để làm thủ tục bay vào”

“Bố mẹ em đã có cuộc du hành dễ chịu chứ?”

“Vâng, tốt. Bố nàng đã dạy thần học ở Dartmouth đủ lâu để có thêm phần trợ cấp nhỏ hàng tháng, từ đó tăng thêm phần trợ cấp ông lãnh hàng tháng từ khi ông nghỉ hưu với tư cách mục sư năm năm trước đây. Ông và mẹ Kay đã mua một xe kéo lữ hành (travel trailer) và dự định đi thăm thú khắp nước Mỹ. Họ đến ngày hôm qua để giúp Kay sắp xếp lại nhà cửa và trông nom mấy đứa cháu.” “Hai cụ khen chỗ đậu chiếc trailer trông thật xinh xắn dễ thương khiến hai cụ không muốn rời đi”. Lâu Đài Trên Cát cũng có bãi đậu xe trailer riêng.

“Xin rước các cụ cứ ở lại bao lâu tùy thích.”

“Các cụ nói đùa cho vui vậy thôi, “nàng nói. “Anh đã lên kế hoạch gì chưa? Mình sẽ làm gì ở Tahoe?”

“Ăn tối rồi xem phim, em thấy sao?”

“Bây giờ còn chưa đến mười một giờ.”

“Ăn trưa và xem phim. Suất buổi chiều. Ở đó có một suất buổi chiều chúng ta có thể coi kịp.”

“Okay. Ôi lạy Chúa! Michael, nhìn kìa! Đẹp quá!”

Hồ nước, lớn hơn Kay đã tưởng tượng nhiều, được điểm xuyết bởi những thuyền câu và viền quanh bởi các rặng núi. Xung quanh phần lớn của hồ, những rừng thông dày ăn lan ra đến mép nước. Mặt nước trông bóng mượt như một mặt bàn bằng sơn mài.

“Đúng vậy, đẹp quá.” chàng đồng tình. “Anh chưa bao giờ thấy nơi nào đẹp hơn đây.”

Chàng liếc mắt tình tứ nhìn vợ. Nàng đang xoay xoay quanh ghế ngồi, vươn cổ ra để ngắm phong cảnh lộng lẫy huy hoàng mà họ đang đáp xuống. Nàng rạng rỡ hạnh phúc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay