Bố già trở lại - Phần II - Chương 07

Chương 7

Văn phòng của Phil Orstein nơi tầng bốn mươi mốt được xếp đầy những đĩa vàng và những bức tranh gia đình Philly, những con người bình thường, chứ không hề có tranh ảnh của những người tiếng tăm. Đây có thể là một sự màu mè giả vờ hay là một lí do để yêu mến anh chàng hơn. Anh ta dẫn Johnny đến chỗ ngồi đằng sau cái bàn inox của mình. “Cứ ngồi bao lâu tùy thích “, anh nói, mặc dầu anh không có thể muốn nói như thể. Milner đang điều phối ban nhạc cho tiết mục sắp tới. Johnny quay số về nhà cũ của mình.

Đang nửa chừng bỗng dưng chàng khựng lại. Ginny và các cô con gái chắc không nghĩ là chàng đang ở Los Angeles. Nếu chàng không gọi, có lẽ họ sẽ không hiểu thêm được gì. Anh đang gọi để xin lỗi đã không lại thăm họ trong khi anh ở thành phố nhưng điều duy nhất khiến cho cuộc gọi trở thành cần thiết là chính cuộc gọi.

Anh lấy ra mấy viên amphetamine, nhìn nhãn hiệu, rồi lấy ra một viên, nuốt khô.

Quái quỷ thật. Anh là cái gì, một cậu học trò nhút nhát, e sợ không dám ngỏ lời mời nữ hoàng của cuộc khiêu vũ ở trường? Anh đã biết Ginny, cô vợ cũ, từ thưở mới lên mười. Cô bé ở nhà kế bên. Anh gọi lại.

“Anh đây,” chàng nói.

“Hello, cuộc sống của em,” Ginny nói. Nàng tìm phương án để nói điều đó theo một cách sao cho vừa ngọt ngào lại vừa chua cay châm biếm, không giống chút gì với bản chất bộc trực của một cô gái Brooklyn. “Anh đang ở đâu vậy?”

“Lạy Chúa! Thật tuyệt khi nghe giọng nói của em,” Johnny reo lên. “Em đang làm gì vậy?”

Ba mẹ con vừa trở về từ May Company, nàng bảo chàng. Cô con gái lớn của anh đã mua chiếc áo nịt vú đầu tiên rồi đấy.

“Em nói nghiêm chỉnh đấy chứ?” Johnny nói.

Anh đã từng có những việc làm được trả lương hậu hĩnh ở Atlantic City và ở các câu lạc bộ nơi vùng Jersey Palisades và một câu lạc bộ mà Louie Russo sở hữu bên ngoài Chicago.

Chàng đã làm một phim quay tại hiện trường ở New Orleans. Những cảnh đầu của bộ phim được quay ở đây. Hình như là Memorial Day thì phải.

“Chỉ là chuyện mĩ từ pháp” nàng nói. “Còn bây giờ anh đang ở đâu?”

“Nhớ rằng đó là một ngày lễ Lao động, nhưng anh không biết là năm nào” anh nói. “Chúng ta đã thuê một chỗ ở Cape May và cả gia đình mình đi dạo chơi trên bãi biển, nấu và ăn hải sản.”

“Tiếc là em lại không nhớ,” nàng nói kiểu ỡm ờ vờ vịt.

“Em cứ đùa!” anh nói. Anh có thể nghe mấy cô con gái đang cãi nhau chí chóe nơi sân sau.

“Tất nhiên là em đùa. Đấy là những khoảng thời gian ngọt ngào đáng nhớ nhất trong đời em. Nhưng biết bao giờ tìm lại những hương xưa...”

Les Halley đã kì kèo rằng Johnny nên làm bộ như đang độc thân để cho các cô nàng choai choai tiếp tục reo hò mỗi khi thấy mặt anh. “Chưa bao giờ tôi có ý tưởng đó” anh nói.

“Và anh luôn có một cô nàng dễ dãi, hừng hực ham muốn, đợi anh bên kia phố để mỗi lần anh muốn ra ngoài mua thuốc lá - ”

“Em có nhớ khi anh bị bỏng tay lúc cố nấu món cháo ngô và - ”

“Và rồi lại làm bỏng chúng vì pháo hoa - ”

“Đúng” Anh bật ra tiếng cười.

“Ngày mai có buổi party thân mật,” nàng nói. “Và sẽ có liên hoan nhẹ. Anh thích đến không?”

“Đến dự party?”

“Anh đang ở thành phố này, đúng không? Tiếng nói của anh nghe rất gần.”

Anh kẹp điện thoại vào vai và dùng cả hai tay che mắt. “Ồ không,” anh nói “Anh không ở gần đâu. Chỉ là nhờ đường kết nối tốt đấy thôi”.

“Ồ, tiếc quá!” nàng nói. “Thế là anh bị thiệt đấy. Em đang làm mónscarpariello gà đây. Theo đúng công thức chế biến mà má anh đã chỉ em. Hiện nay thì mấy cô con gái đang ở đây. Nếu như chúng không giết nhau. Chúng đang ở lứa tuổi ấy.”

Johnny yêu chúng, nhưng trong mức độ mà anh có thể nói, hình như chúng luôn ở lứa tuổi ấy.

Nàng hỏi chàng có muốn nói chuyện với chúng không. Chàng bảo muốn, nhưng rồi chỉ có cô bé hơn đến cầm điện thoại. Philly bước vào, vỗ lên đồng hồ.

“Nói với má con,” Johnny nói, “rằng bố sẽ cố gắng hết sức để đến dự buổi party ngày mai.”

“Okay,” con bé nói. Nó truyền lại thông điệp, nhưng có một nốt trong giọng của con bé cho người ta thấy rõ là nó biết tỏng rằng bố nó sẽ không “trình diện đơn vị” đâu.

Mấy viên thuốc màu xanh lá cây kia đã được kê toa bởi Jules Segal, cùng tay bác sĩ ấy đã chẩn đoán các mụn cóc trên các thanh quản của Johnny và gửi anh đến một bác sĩ chuyên khoa để cạo bỏ chúng đi, một phẫu thuật đã giúp cho Johnny có thể lấy lại giọng hát thiên phú của mình và trở lại với các studio, một sự chẩn đoán mà hai bác sĩ chuyên khoa khác đã không tìm ra. Chuyện thông thường hiện nay là có hàng ngàn tay lang băm ở Hollywood mà sự quan tâm đến cơ thể con người chỉ còn co cụm lại ở những phần đầy đặn nở nang của các nàng starlets đương thời và những điểm nhạy cảm trên người họ, làm giàu nhờ bán thuốc ngừa thai hay những loại thuốc gây nghiện và săn sóc cho các cô nàng lỡ dại để dính bầu. Và rồi có Segal, một bác sĩ cũng có cùng loại tiếng tăm kiểu đó nhưng hóa ra lại là một tay bác sĩ hạng nhất, đủ tài năng để trở thành Trưởng khoa phẫu thuật tại bệnh viện mới xây của Gia đình Corleones ở Las Vegas. Vậy thì tại sao mỗi lần Johnny nuốt một viên thuốc kia - đúng với liều lượng được chỉ định bên cạnh chai, không bao giờ quá liều - anh lại cảm thấy choáng váng, mất phương hướng một thời gian?

Johnny lắc đầu xua đi ý nghĩ đó, giống một con chó bị ngứa ngáy trong lỗ tai. Anh sẽ ổn thôi, thực vậy. Cả dưới sự kiểm soát và không. Thế thì cũng được thôi và điều đó phù hợp với công việc hiện nay. Anh đang uống bốn viên mỗi ngày, hai mươi li trà, một bình cà phê, một sandwich, và không ngủ được. Trong khoảng không gian giữa da đầu và hộp sọ anh cảm thấy muôn vàn con kiến nhỏ li ti đang nhảy múa rộn ràng như mừng ngày hội lớn. Cảm giác đau đớn nơi các bắp thịt lớn trên đầu hai đùi anh, dầu gọi bằng cái gì đi nữa, gia tăng kịch liệt hầu như từng giây phút. Nhưng Johnny vẫn ráng đứng trên đôi chân, quá mệt lử để còn có thể rơi xuống sàn và chợp mắt một lát. Cùng lúc, anh lại thấy có quá nhiều năng lượng. Anh không hiểu sao nhưng vẫn cố làm tròn vai của mình.

Lẽ ra anh đã bỏ rơi mọi chuyện dừng lại.

Anh có thể đã bỏ mọi chuyện để làm cho cảm giác này kéo dài mãi mãi.

Anh đã đến đây vừa nghĩ rằng anh sẽ nằm xuống trong một nửa khoảng thời gian của cuộc ghi âm kéo dài. Vài phút trước khi bắt đầu, anh nhận ra rằng tốt hơn anh nên kết thúc bài hát để anh và cả Cy Milner đều hài lòng. Tuy vậy, mấy phút trước khi anh bắt chuyến bay về Vegas, anh cảm thấy mình hát bài thứ ba trong ngày quá hay đến độ anh làm một mạch cho đến kết thúc mà không dừng lại hay bị dừng lại.

Dứt bài hát, anh mở mắt và thấy Jackie Ping-Pong và Gussie Cicero đứng bên trong cánh cửa đằng kia của studio. Họ đã ở đây bao lâu rồi thì Johnny chẳng có ý niệm gì.

Milner đã rút ra một xấp giấy. Trong tư cách nhạc trưởng, anh nói ngắn gọn và trôi chảy nhưng anh viết các bè rất tỉ mỉ, chỉn chu. Anh quên đi mọi chuyện khác, ngay cả người phục vụ đứng bên cạnh với một chai soda và một nắm bút chì.

Johnny ngồi lên ghế đẩu và đốt một điếu thuốc. “Cha mẹ ơi!” Johnny kêu to, lúc đầu nhìn vào Milner rồi đến Orstein, rồi chỉ vào Ping-Pong và Gussie. “Phần ứng tác của tôi là đây. Đừng thức chờ tôi nhé.” Hai chân anh thấy nặng kinh khủng. Cuối cùng anh nhìn lên và vẫy tay chào Ping-Pong và Gussie.

“Bạn quý của ta!” Jackie Ping-Pong reo lên, vừa lạch bạch tiến về phía anh. Lão ta mập núc ních, đúng là chỗ thân tình, thật vậy. “Trông bạn bảnh như cả một triệu đô. Giọng ca của bạn lại càng trên cả tuyệt vời!”

Riêng Johnny tự biết rằng mình trông như... một tử thi đang cụng li! “Này, nói nghe coi, cái gì tốt hơn một triệu đô hở?”

“Vẫn là một triệu đô nhưng thêm một cuộc đánh trống thổi kèn đến tê lê mê!” Gussie Cicero nói theo cái giọng bồ tèo thân thiết từ lâu.

“Bậy!” Johnny nói. “Nếu một nàng mái tơ mà biết là bạn đang nắm một triệu đô nàng sẽ gióng trống thổi kèn rộn ràng vi vu cho đến khi bạn ngu đi thấy rõ! Và hoàn toàn miễn phí!”

“Ở “lâu” có? Chỉ ngộ, ngộ cho tiền cò!” Jackie xen vào.

“Làm gì có chuyện miễn phí. Sạch ví thì có! Đừng có mà nằm mơ!” Gussie”đế” thêm.

Cuộc tán nhảm giúp Johnny vui hẳn lên. Anh vỗ vào lưng Cicero. “Ờ, nếu mình trông giống một triệu đô,” Johnny nói, “thì hai cậu trông giống cái của nợ mà mình định vất đi nhưng lại tiếc nên cứ mang theo hoài!”

Johnny đứng lên và để cho Ping-Pong và Cicero ôm hôn mình. Trong nhiều năm Johnny đã tưởng rằng cái hỗn danh Ping-Pong của Jackie đến từ đôi mắt lồi của anh ta, nhưng không lâu trước đây Frank Falcone bảo với chàng rằng thật ra không phải vậy, mà cái hỗn danh này chính là do cái tên gốc tiếng Ý của anh ta, Ignazio Pignatelli. Gussie Cicero làm chủ một câu lạc bộ thanh lịch nhất ở Los Angeles. Johnny đã không xuất hiện ở đó trong suốt thời gian anh mất giọng và tờ Variety tung chuyện lên như đó là một cơ hội cho toàn bộ ban nhạc bùng nổ ở Crown Royal và nhảy múa trên huyệt mộ còn chưa xanh cỏ của Johnny.

Dầu thế Gussie và Johnny vẫn là bạn bè với nhau.

“Frank Falcone gửi lời chào,” Gussie nói. Gussie được cho là một tay quan trọng trong tổ chức Los Angeles, có quan hệ trong một số lãnh vực với Chicago.

“Anh ta không đến à?” Johnny hỏi.

“Ông Falcone bị ốm,” Ping-Pong nói. Bàn tay mập mạp của anh ta nắm chặt một cái cặp trông còn mới. Anh ta là phó tướng. Cho đến nay Johnny vẫn không biết một phó tướng thì làm cái gì. Về những chuyện loại này Johnny cố gắng không biết hơn những gì mình cần biết. “Ngoài những lời thăm hỏi, ông còn gửi cái này.”

“Đẹp quá,” Johnny thốt lên.

“Tôi sẽ gửi tặng bạn một cái,” Ping-Pong nói, “Nhanh như tôi có thể đặt hàng và gửi bằng tàu thủy từ Sicily đến đây. Ở đó tôi có một thuộc hạ làm việc cật lực nhưng cũng chỉ làm ra được mười cái như thế này mỗi năm. da thuộc nguyên si, loại tốt nhất. Bạn muốn mình gửi nó đến Lâu Đài Trên Cát hay đến nhà bạn? Chỗ nào?”

“Té ra cái này không phải cho tôi?”

“Cứ từ từ. Tôi sẽ đặt cho bạn một cái, mới toanh”

“Anh đùa tôi đấy à, Jack?”

“Không phải tôi đang chào hàng, mà tôi đang bàn công chuyện với bạn. Hiểu chứ? Nhưng cái này đây,” anh ta nói và đưa nó choJohnny, “là để cho MikeCorleone, rõ chứ?

Hàm ý là: Thôi đùa thế đủ rồiDầu gì đi nữa, này cậu, chỗ thân tình nói thật, khôn hồn thì đừng có mà táy máy mở ra.

Cái gói được buộc chặt, nặng như một quả bóng bowling. Johnny cầm lắc thử mấy cái, giống như một em bé vào dịp lễ Noel, rồi đưa nó lên tai, làm bộ như xem nó có kêu tích tắc không.

“Chú mày buồn cười thật!” Ping-Pong nheo mắt lại trong khuôn mặt phì phị của mình và đứng yên đó, cho đến khi lão ta ra vẻ thỏa mãn là Johnny đã “ngộ” ra cái thông điệp vô ngôn nhưng lại rất hùng hồn kia. “Tôi cũng xin rất lấy làm tiếc mà nói rằng,” cuối cùng lão cũng phát ngôn. “Tôi còn phải xem xét một vài công việc riêng của gia đình.”

“Không có gì,” Johnny đáp lời. Vậy ra tôi phải biến thành kẻ mang tiền hối lộ cho anh? Nghĩ là nghĩ vậy nhưng chàng vẫn đứng yên, nuốt nhục xuống, như acid ăn mòn vào xi - măng rẻ tiền.

“Lâu quá không gặp bạn quả là thiệt thòi cho chúng tôi,” Ping-Pong nói. “Bạn hát hay tuyệt, John à”.

Milner tiếp tục viết. Các nhạc công đi thành hàng một ra ngoài. Johnny nói lời từ biệt và quay đầu ra cùng với Gussie và Ping-Pong. Một chiếc Rolls - Royce màu xám bạc đang chờ ở cửa sau.

“Nữ hoàng ở đâu?” Johnny hỏi.

“Xin lỗi?” Ping-Pong nhíu mày như thể anh ta nghĩ rằng mình đang bị gọi là một tên bóng và cảm thấy... quá nhột!

“Anh ấy muốn nói của nước Anh ấy mà!” Gussie đỡ lời. “Đùa tí mà!”

Ping-Pong lắc đầu, hơi sượng với phản ứng có phần quá đà của mình.

“Xe của tôi đó, Johnny,” Gussie nói.

Một chiếc Lincoln màu đen trờ tới. Ping-Pong và đám thủ hạ của ông ta chui vào và chiếc xe phóng vù đi.

Khi họ làm thế, Johnny bắt gặp một ánh chớp của kim loại nơi khóe mắt và anh giật nảy mình, chệch ra khỏi đường. Anh trượt chân và đi loạng choạng dọc theo chiếc Rolls.

Không phải là viên đạn.

Johnny phân vân không hiểu tại sao mình lại nghĩ có thể đó là viên đạn.

“Hú ba hồn chín vía em bé!” Gussie nói kiểu nhại đùa. “Cưng không sao chứ?”

Johnny cúi người xuống để nhặt lên chùm chìa khóa xe của Cicero. “Ngày dài thật,” Johnny nói giọng uể oải.

“Tất cả những gì bạn cần nói,” Gussie bảo, “chỉ là, không cám ơn”

“Không cám ơn cái gì chứ?”

“Không cám ơn bạn không muốn lái chiếc Rolls - Royce cà tàng của tôi.”

Johnny ném trả lại cho anh ta chùm chìa khóa. “Không cám ơn tôi không muốn lái chiếc Rolls - Royce cà tàng của bạn.”

“Nào, chuyện có trầm trọng đến thế không?”

“Coi như tôi không nghe bạn nói gì, nhứt trí như vậy đi. Mình kiệt sức rồi, người anh em à.” Mặt trời sắp lặn. Johnny không thể xác định là đã từ bao lâu rồi kể từ khi anh có được một đêm ngon giấc không phải trằn trọc thao thức.

Gussie ôm siết Johnny và nói rằng quả là một đặc ân khi nghe anh hát. Họ ngồi vào xe và quay về hướng sân bay. Johnny bắt đầu xoay vặn chiếc radio của Gussie. Vặn đến đài nào, băng tần nào cũng là những sở thích thời thượng. Rock-and-roll. Những chàng disk-jockeys nói liến thoắng. Rồi nhạc nhảy Mambo: một thời thượng khác. Những nữ ca sĩ sướt mướt đẫm nước mắt: lại một thời thượng khác nữa. Johnny chưa bao giờ thử một lần nghe lại chính giọng mình. Có lẽ các hãng thu âm khác đã có lí. Có lẽ loại thu âm mà Johnny Fontane đang thử sản xuất không có được cơ may của anh chàng Trung Quốc gặp hên. Anh tiếp tục dò đài. Gussie đã phải suy đoán thần kinh của Johnny căng thẳng đến thế nào và trong phần lớn cuộc hành trình anh ta đã cố gắng nghiêm túc để không nói điều gì cho đến khi họ ra khỏi đường cao tốc để đi vào đường đến sân bay.

“Đâu là sự khác biệt,” Gussie nói, “giữa Margot Ashton và chiếc Rools-Royce?”

Margot từng là đời vợ thứ nhì của Fontane và là đời vợ thứ nhất của Gussie. Fontane đã bỏ Ginny để theo Margot. Chiếm hữu trái tim chàng vẫn chưa là đủ, Margot còn lấy đi mọi thứ, luôn cả lòng tự trọng của chàng. Có lần, chàng chường mặt ra nơi phim trường nàng đang đóng và viên giám đốc sản xuất sai chàng đi nấu spaghetti. Không một lời phàn nàn, Fontane đeo chiếc khăn làm bếp lên và xăng xái vào bếp. Tình yêu mà! Thứ tình yêu sao mà ranh ma quỷ quái! “Không phải mọi người đều từng ngồi trong một chiếc Rolls - Royce,” Johnny phát biểu.

“Bạn nghe nói thế?”

“Mọi người đều nghe nói thế. Bạn biết đấy, với những chiếc xe sang trọng khác nhau và với những cô ả dâm đãng phóng túng khác nhau”

“Các cô ả dâm đãng phóng túng cũng không khác nhau nhiều lắm so với Margot Ashton đâu”

“Đó là chỗ bạn nhầm đấy, bạn thân mến của ta ơi. Mỗi dâm nữ là một dâm nữ với bản sắc độc đáo rất riêng, không thể trộn lẫn vào nhau được. Thế nên mới khiến cho Anh hùng nan quá mĩ nhân quan chứ! Nếu em nữ dâm tặc nào cũng giống với bất kì em nữ dâm tặc nào, thế thì... chán bỏ mẹ, và làm sao còn khiến cho Anh hùng ẩm hận đa được!”

Gussie cua nhầm một vòng, hướng đến các chuyến bay thương mại.

“Bạn bẻ cua nhầm rồi đấy,” Johnny nói, vừa chỉ tay về phía con đường đi đến các hangars để máy bay riêng.

Gussie lắc đầu. “Thực sự ra,” anh ta nói, “tôi chẳng đi nhầm đường đâu. Frank không hề muốn làm tổn thương bạn, nhưng, bạn hiểu cho, sử dụng nguyên cả một chiếc máy bay chỉ cho mỗi một người, e rằng...”

Anh ta đưa tay vào túi ngực. Rút súng chăng? Ồ không, không phải súng. Johnny đã nhầm. Gussie lôi ra một phong bì. “Vé thương mại, nhưng là hạng nhất.”

Johnny cầm lấy vé máy bay. Chuyến bay sẽ cất cánh trong vòng mười lăm phút nữa. “Thực sự bạn không đi à?”

“Thực thế,” Gussie nói. “Mình đâu có được mời.”

“Dĩ nhiên là bạn được mời. Mình mời bạn đây.”

“Được rồi,” Gussie nói. “Gina và mình đã có những kế hoạch.” Gina là cô gái anh đã cưới sau khi anh bị Margot Ashton bỏ rơi. Ashton đã kết hôn với một tù trưởng Á rập sau đó và rồi chẳng bao lâu cũng đã li dị lão này để ẵm được một số tiền chia của khơ khớ. “Chúng tôi đang chuẩn bị lễ kì niệm ngày cưới lần thứ năm, nếu bạn có thể tin vào điều ấy,” anh ta nói, vừa dừng xe lại. Những nhân viên tạp vụ nhanh nhẩu chạy đến để đỡ đần tay chân, khi thấy một chiếc Rolls, hình dung rằng có những hành lí to nặng hơn và tiền boa ắt cũng khá hơn. “Tuy nhiên, cuối tuần tới, nàng và tôi sẽ lấy vé đến đó và hội ngộ với bạn.

“Hẹn tái kiến, bạn thân mến.”

Có một đám đông, chừng độ hai mươi người, tất cả ở độ tuổi khác nhau. Johnny bảo đám nhân viên tạp vụ sân bay rằng anh không có túi xách nào ngoại trừ cái túi nhỏ ở đây, nhưng dầu sao anh cũng boa cho bọn họ, mỗi em hai mươi đô. Hai người trong áo khoác thể thao màu xanh da trời ùa đến để gặp anh và giúp anh đi qua đám đông, điều này gây sự chú ý của mọi người, ngay cả tại một nơi chốn như Los Angeles. Đám đông nở phình ra như khối cầu tuyết, nhấp nhô phía sau anh khắp đường đi đến cổng. Làm ngược lại với sự phán đoán tốt hơn của mình, Johnny trao cái túi xách cho một trong những nhân viên hàng không để mình có thể rảnh tay kí tên cho nhanh, những chữ kí không đọc ra được, kể cả cho một bà muốn anh kí tên ngay lên mặt bà ta. Anh boa cho hai nhân viên hàng không năm mươi đô.

Khi anh bước lên máy bay, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Anh vẫy tay, cười chào nhưng không gỡ mắt kiếng ra. Anh vào chỗ ngồi. Anh đặt cái túi xách lên sàn giữa đôi chân mình. Trong những tình huống khác có lẽ anh đã tán tỉnh cô tiếp viên hàng không tóc đỏ với đôi vú to trông thơm ngon như hai trái táo chín kia rồi. Thế nhưng giờ đây tất cả những gì anh yêu cầu ở cô chỉ là một chiếc gối, một li buốc - bông có đá, và một li trà nóng pha mật. Anh liếc nhìn vào cái túi. Giá như người khác có lẽ đã mở cái túi ra lúc này. Nhưng Johnny không thể phạm một lỗi khinh suất ngớ ngẩn.

Phải mất một hồi lâu cô tiếp viên mới mang thức uống lại. “Chúng tôi không có mật” cô nói.

“Hình như trà cũng không”

“Em đi nấu nước ngay bây giờ”

Cô xoay người một vòng. Anh nhìn xuống chiếc túi. Anh mở nó ra.

Nó được nhét đầy tiền mặt, dĩ nhiên rồi. Trên cùng là một bức thư ngắn đánh máy, không chữ kí, vỏn vẹn mấy chữ, “Đã bảo là đừng nhìn vào trong.” Bên dưới là một nụ cười treo ngược.

Johnny chèn bức thư lên. Anh thấy cô tóc đỏ đi đến với li trà và anh uống một hơi hết nửa li bourbon. Anh nhai đá lúc cô đặt li trà xuống. Anh xếp bàn tay trái thành một khẩu súng ngắn, chỉa vào cô, nháy mắt, và tạo ra một tiếng tạch nhỏ. Cô đỏ mặt.

Lúc cô tóc đỏ đi qua buồng nhân viên, thu xếp mọi thứ đâu đấy để chuẩn bị cho máy bay cất cánh, thì chàng đã dứt điểm li bourbon, cạn li trà và đi vào giấc ngủ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3