Bố già trở lại - Phần III - Chương 12 - Phần 2

Theo thông lệ thì một Ông Trùm sẽ chỉ tham dự lễ tang của những người như thế nếu họ là chỗ bạn bè thân thiết. Nhưng lúc bấy giờ không phải là những thời điểm bình thường. Và thế là, vượt qua những vòng nội bộ của riêng họ và xuyên suốt thế giới ngầm, người ta đã biết rằng, như được chờ đợi, Jackie Ping-Pong và Nicodermo “Butchie” Molinari đã tiếp quản việc kiểm soát tổ chức, một cách hòa bình, theo như bề ngoài người ta thấy thế.

Các ông chủ của Aspromonte và Mancuso, tức Frank Falcone và Toni Molinari, được chôn cất vào ngày hôm sau. Hai người này có nhiều bạn chung, nhưng không ai có thể tham dự cả hai tang lễ.

Một sự lựa chọn là bắt buộc. Và những lựa chọn đó sẽ được theo dõi.

Trên một lối đi qua lại ngang qua những căn nhà còn xây dở dang nơi ngõ cụt của Tom Hagen, với Al Neri và hai thủ hạ khác trong xe, đậu xe như thế nào để phong tỏa toàn bộ con phố, Michael Corleone hút thuốc điếu, chỉ nói với Hagen, đang hút xì - gà, rằng anh ta nên bắt đầu gom góp lượng tiền mặt không theo dấu được, để dự phòng trường hợp phải trả tiền chuộc. Michael muốn được bảo vệ từ việc biết chính xác tiền đến từ đâu, và mặt khác anh cần bảo vệ Hagen khỏi toàn bộ vấn đề này. Hagen dừng ở cuối ngõ cụt. Ở đầu xa của con phố, đứa con trai mười ba tuổi của anh, Andrew, chạy ra khỏi cửa trước với một quả bóng cặp dưới nách, rồi có vẻ như vì thấy chiếc xe của Neri, thằng bé ngoẹo đầu có vẻ cáu tiết, bực tức, kiểu trẻ con khi bị mất hứng và đi trở vào trong. Hagen nhìn qua Michael đến một điểm mơ hồ nào đó trên chân trời hình răng cưa, và trong một thời gian rất lâu anh trầm ngâm không nói gì. Michael châm điếu thuốc khác và nói đấy chính là cách mọi sự phải diễn ra. “Mặc dầu vậy, có lẽ anh sẽ không trả tiền chuộc, đúng không?” Hagen hỏi. Michael nhìn anh với sự thất vọng thấy rõ nhưng chỉ nhún vai. Hagen vẫn giữ yên lặng trong một khoảng còn lâu hơn trước, rồi dụi điếu xì - gà mới hút dở một nửa trên nền xi - măng trắng bóng và nói, “Hãy bảo vệ tôi,” theo một cách chẳng phải là lời cầu xin cũng không phải là lòng nghi ngờ, mà chỉ là một phát biểu. Michael gật đầu. Không ai nói gì thêm.

Michael triệu tập Rocco, Clemenza và Fredo đến nhà anh. Họ thở dốc khi lên hết cầu thang và ngồi đối diện bàn giấy màu vàng của Mike trong những chiếc ghế nhựa màu cam. Anh ta hỏi thẳng là có ai trong bọn họ có ý tưởng nào về chuyện gì đã xảy ra với Geraci. Từng người đều nói không với sự bình thản như nhau. “Không phải ông à?” Rocco hỏi và Michael lắc đầu và cả bọn dường như ngạc nhiên. Một tai nạn đã đủ xấu rồi, nhưng cuối cùng những ai thắc mắc có lẽ sẽ biết rằng viên phi công là Geraci. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra thôi,” Clemenza nói. Ừ, thì biết là thế nhưng cứ giữ được càng lâu càng tốt.

Michael gật đầu. Phương cách duy nhất để ổn định tình trang hỗn loạn này, anh nói, là triệu tập một khoáng đại hội nghị của mọi Gia đình, lần đầu tiên kể từ khi cuộc hội nghị mà bố anh đã triệu tập ngay sau khi Sonny bị sát hại. Sự phục hồi có thể được thực hiện, mọi Ông Trùm đều sẽ long trọng tuyên hứa là vấn đề đã khép lại và cuối cùng mọi chuyện có thể sẽ là chuyện rủi lại hóa ra may bởi vì họ có thể đi thẳng từ đó đến chỗ hợp thức hóa một thỏa thuận hòa bình lâu dài rộng lớn hơn. Mọi người đều có lợi. Đúng là một hội nghị như thế sẽ có nghĩa là sẽ có một cuộc đầu phiếu về việc đưa Russo vào Ủy ban, nhưng nếu đạt được kết thúc dứt khoát cho cuộc chiến thì dẫu như thế cũng đáng. Dầu thế nào việc đó cũng sắp xảy ra, sớm hay muộn thôi. “Nhưng vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là,” Michael nói, “đó là bất kì chuyện gì xảy ra - bưng bít sự thật, bắt cóc, có thể ngay cả là sự can thiệp của chính quyền - cũng có thể làm hỏng tính khả thi của một kiểu thượng đỉnh như thế.”

Clemenza khịt mũi và bảo rằng ông ngửi thấy mùi thiu thối ở Cleveland, và Michael ngẩng đầu lên. “Tôi thấy Hamlet với trái cây đó, tên hắn ta là gì nhỉ? Nổi tiếng lắm.” Anh nhìn vào Fredo và Fredo nói “Cái gì?” và Clemenza nhún vai và hỏi Mike rằng anh có hình dung là người của Forlanza phá hoại chiếc máy bay hay chuyện họ đang cố giữ bí mật lí lịch nhân thân của Geraci để người khác sẽ không nghĩ rằng họ đã phá hoại chiếc máy bay. Bởi vì con đường tốt nhất để ra khỏi tình trạng lộn xộn này có lẽ là chỉ ra rằng lão Do Thái chắc chắn không phá hoại chiếc máy bay do chính nghĩa tử của lão lái, điều này sẽ lại mở ra nguyên cả một thùng sâu bọ bò lổm ngổm khắp nơi. Có thể lại chỉ là một toan tính lạc hướng của Forlanza nhằm bảo vệ nghĩa tử của lão? Và ngay cả cũng có thể là từ chúng ta?

Dưới nhà, ông bố vợ nửa điếc của Michael mở ti vi oang oang. Bằng giọng the thé chói tai của trẻ con, bé Anthony Corleone hát theo bài hát chủ đề của một phim cao bồi.

“Jesus, lạy Chúa tôi! Sao mà ồn ào hỗn độn quá!” Fredo nói. “Nhức đầu quá với cái mớ âm thanh hỗn tạp này!”

Michael gật đầu, thật chậm rãi để lộ rõ đấy là một... khoảng lặng đầy tính sân khấu để... dành đất diễn cho suy tư, chứ không phải để biểu thị sự đồng tình! Một khoảng lặng cần thiết. Anh không thể, trong lúc mới vừa đặc cách thăng cấp ông anh mình lên phó súy (sotto capo), lại ra mặt tỏ ý bất đồng, thì còn ra cái thể thống gì nữa! Dầu là chỉ trước mặt những cận thần thân tín nhất như Clemenza hay Rocco Lampone. Đúng là một con người có phẩm chất thiên phú để làm lãnh tụ, dầu là lãnh tụ... Mafia!

“Không có điểm nào trong chuyện này,” Michael nói, mang chúng ta đến gần hơn để khám phá điều gì đã xảy ra cho Geraci.”

Anh nghiêng người qua chiếc bàn giấy nhập khẩu từ Đan mạch, theo mốt tân tiến nhất. Đã đến lúc ngừng lại mọi tư biện trên mây, mọi tranh luận lí thuyết suông. Đã đến lúc bắt tay vào công việc, vào hành động cụ thể.

Ngày hôm sau, Clemenza quay về New York với thượng lệnh là điều hành công việc như thể hòa bình đã được bảo đảm và vụ rớt máy bay đã không hề xảy ra. Bộ hạ của ông ta cũng phải chấp hành theo những chỉ định đó. Sau đó một ngày, Rocco, vốn cũng biết đám thuộc hạ của Geraci, cũng đi New York, nơi anh ta sẽ lưu lại và giám sát những chiến dịch đó cho đến khi có lệnh mới. Fredo, trong tư cách phó súy, sẽ tạm thời đảm trách đám thuộc hạ của Rocco ở Nevada.

Gia đình Corleones từ lâu đã rất thân cận với Toni Molinari, người từng che chở cho Fredo sau dư chấn từ âm mưu ám sát bố anh và sự hợp tác quý báu đã giúp cho Gia đình Corleones có thể đổ quân đến và lập căn cứ địa ở Las Vegas và hiện nay là ở Tahoe và Reno. Còn Bố già Vito ngày xưa cũng như Michael bây giờ đều chưa bao giờ nhìn Falcone như một nhân vật nghiêm túc, đáng mặt ngồi vào chiếu trên cùng các bậc trưởng thượng. Cũng không tin rằng cái cung cách hành động hào nhoáng kiểu lòe loẹt sặc sỡ thuộc hạng chiếu nhì của lão ta lại sở hữu được phương tiện hay ý chí để thoát ra khỏi cái váy của Chicago. Michael đã có thể chọn lựa để đại diện gia đình đi viếng tang đám nào tùy ý. Nhiều người trông chờ anh đích thân quyết định chuyện đó, và, xét trên bề mặt, điều này có vẻ dường như là một chọn lựa ý tứ hơn và thận trọng hơn. Nhưng đó cũng chỉ là ngôn từ thôi - ý tứ, thận trọng - chúng là những từ có thể dễ dàng được thay thế bởi những từ khác - kiêu căng, sợ hãi, yếu đuối. Ôi dào, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, cho nên bậc tuấn kiệt cũng không quá bận tâm với những thị phi của thế gian! Một con người là những hành động của hắn ta, dầu ở chỗ công khai hay nơi chốn riêng tư, cả khi bị người đời nhòm ngó lẫn khi đơn độc riêng mình.

Fredo, người, xét theo mọi giác độ, từng là người thân cận nhất hơn bất kì ai trong tổ chức, đối với Toni Molinari, được gửi đi San Francisco. Michael, được tháp tùng bởi Tommi Neri và hai tay thủ hạ từng theo anh ta ẩn mình trong rừng gần hồ Tahoe, đi Chicago: thành phố nơi Frank Falcone đã sinh ra, đã có được xương thịt hình hài, cũng là nơi mà xương thịt hình hài của lão ta, hay đúng hơn là những gì còn lại từ cái hình hài đã bị phân tán tứ tung kia, sẽ được chôn cất. Những ai từng biết Vito Corleone sẽ nhận ra cái lô - gíc trong quyết định của Michael. Giữ những người bạn của ta ở gần, Ông Trùm vĩ đại từng nói câu để đời, và những kẻ thù của ta càng ở gần hơn.

Cuộc lễ được cử hành trong một nhà thờ nhỏ xíu sơn màu trắng, bên ngoài có ốp ván nghiêng gối lên nhau để bảo vệ tường, về phía cận tây của thành phố trong khu phố Ý gọi là khu Patch, nơi Falcone đã lớn lên và nơi cha mẹ ông ta đã từng có thời làm chủ một tiệm tạp hóa ở góc phố. Tháng chín ở Chicago còn nóng. Cảnh sát Chicago đã chận giao thông trong hai dãy phố về mỗi hướng. Nhiều vị quan quyền chức sắc - kể cả phó thống đốc California, tay vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới Di Maggio, nhiều ngôi sao điện ảnh, kể cả Johnny Fontane, đều được hộ tống bằng mô tô đến tận bậc thềm. Những người khác, kể cả Michael Corleone đến đủ sớm để có chỗ ngồi mà không cần đến những phô trương hợm hĩnh kia. Phía ngoài, đường phố đông kịt người. Những nguồn gốc xuất thân của Falcone là chất liệu dồi dào cho pho truyện truyền kì của địa phương và mặc dầu những người dự lễ tang ở bên trong giữ sự yên lặng thành kính - như phải thế - không ai trong số đám đông lao nhao nơi đường phố lại có thể bỏ lỡ dịp để nghe người nào đó kể câu chuyện hấp dẫn về người đã khuất. Khi Frank mới là một cậu trai mười lăm tuổi, lúc bố cậu vừa đóng cửa tiệm và người chị đang đếm những biên lai bán hàng trong ngày thì cả hai bị giết trong một vụ cướp có vũ trang bằng hàng nóng, một tội ác mà cảnh sát chỉ điều tra qua loa chiếu lệ - ” chẳng có gì ầm ĩ. Chỉ là chuyện bọn dagos giết bọn dagos ở Phố Dago, thế thôi. Chuyện thường ngày ở huyện,” tay cớm phụ trách điều tra hình sự vừa nói vừa cười, trong tầm nghe của Frank và tệ hơn nữa, của cả mẹ Frank - khiến cậu bé uất hận thề sẽ trả thù (Xin mở dấu ngoặc: dago là tên gọi có hàm ý khinh miệt những người nước ngoài da hơi sẫm như người Ý, người Tây ban Nha, Bồ đào Nha, Mễ... và những khu họ ở tập trung đông thì bị gọi một cách miệt thị là Dagotown). Chuyện này chẳng phải đợi lâu. Một cách nào đó lòng sục sôi thù hận của cậu bé được hân hạnh lọt vào tai Ngài Al Capone, Chúa đảng lẫy lừng của Chicago thưở ấy. Thế là cậu bé được đặc ân có cuộc diện kiến... Đại lãnh tụ và được khai tâm vào hắc đạo. Mấy ngày sau, tử thi của tên cướp được dựng đứng đối diện, tay vạch cu chỉa vào bót cảnh sát và theo truyền thuyết, trên người y bị đâm sáu mươi tư nhát (bố của Frank bị giết lúc bốn mươi lăm tuổi, chị của cậu mới vừa mười chín tuổi). Còn tay cớm kia cùng với bạn gái cuối tuần đi vi vu câu cá ở Thung lũng Wisconsin và vĩnh viễn lạc lối, không bao giờ tìm thấy đường về. Trong một thời gian Frank và mẹ còn duy trì cửa tiệm.

Nhưng kí ức ám ảnh họ quá nặng đến không chịu nổi. Không biết từ đâu hiện ra một thương lái đến trả giá khá cao để mua lại cả cửa tiệm và nhà ở. Bà mẹ Frank lấy tiền và chuyển về ở với gia đình cậu em mình. Frank đến đầu quân cho Ông Capone. Sau khi Ông Capone gặp nhiều vấn đề, Frank đi tìm kiếm vận hội mới ở Los Angeles. Lúc đầu anh ta tìm cách đắc nhân tâm bằng cách làm những điều tốt, biết mình từ đâu đến, ăn ở thủy chung, có tình nghĩa với những ai đã giúp mình, ân đền oán trả phân minh. Khó mà nói được lúc nào điều đó xảy ra nhưng đến một lúc dường như Falcone đã tách rời, không còn là một phần trong lãnh địa phía Tây của Chicago nữa - vốn từng được giả định, vào cái thời thịnh trị của Lãnh chúa Al Capone, là cái gì phía tây Chicago cũng là của Chicago - mà đã tự khoanh vùng cho mình riêng một góc trời. Falcone không bao giờ chuyển mẹ về ở chung với gia đình mình mà mua riêng cho bà một biệt thự khang trang ở khu sang trọng Hollywood Hills với hồ bơi, vườn cây cảnh...

Hai mươi cảnh sát cưỡi ngựa - con nào cũng được che hai bên mắt để tránh bóng đèn nháy liên tục từ các cameras - dọn thông một đường xuyên qua đám đông, và đám đưa tang, với nhiều chiếc xe mang các biển hiệu tranh cử lớn cho các chính trị gia và các thẩm phán, sắp thành hàng dài đi đến Nghĩa trang Núi Carmel. Hàng ngàn người đi bộ theo. Ngay bên trong cổng vào chính, đám rước đi ngang nơi an nghỉ cuối cùng của những phần di thể mục nát, mang bệnh giang mai của Ngài Al Capone lừng lẫy xưa kia và cái đám tang với kết thúc không như ý của chính ông ta chỉ được đưa tang bởi một phần nhỏ những người có mặt hôm nay trong đám tang Falcone. Và hồi ấy Bố già Vito Corleone chỉ gửi một tràng hoa viếng tang chứ không có gì hơn.

Lăng mộ của Falcone được xây bằng đá granit đen bóng, trên cùng là bức tượng một thiên thần với một chim ưng (falcon) đậu trên tay phải. Chim ưng trong tư thế đang bay lên, đôi cánh xòe rộng đủ phủ bóng mát chào đón nhiều người đứng xem đang đổ mồ hôi. Bố và chị của Falcone không được chôn tại đây nhưng những tấm biển đồng trên hai cánh cửa mang tên họ.

Mẹ, vợ và các con của Falcone đứng bên quan tài. Người ngoài duy nhất đứng ở hàng đầu là Louie Russo, mang đôi kính râm to tướng. Phần còn lại của gia đình Falcone ngồi ở hàng thứ nhì, cùng với Jackie Ping-Pong và Johnny Fontane, được liệt kê trong báo như là người hộ tang danh dự. Fontane khóc lóc như đàn bà.

Bốn mươi chín người hộ tang danh dự khác - các chính trị gia, sĩ quan cảnh sát, thẩm phán, doanh nhân, vận động viên, nghệ sĩ sân khấu; ngoài ra không có ai từ Bộ sậu Chicago hay bất kì tổ chức nào khác - được xếp ghế ngồi gần hàng đầu như vậy.

Chắc chắn có những người ngắm nghía Michael Corleone, nhưng, đặc biệt là trong khung cảnh rất đông người tụ tập này, thì cũng không mấy ai để ý đến anh. Anh không phải là người nổi tiếng, chắc chắn là không nổi tiếng bằng nếu đem so với Fontane, hay tay vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới, hoặc ngài Phó Thống đốc California, hoặc ngay cả với Ngài Corbett Shea, nhà hoạt động nhân đạo và là cựu Đại sứ ở Canada(ngồi ở hàng thứ sáu, kế bên Mae West). Michael Corleone không phải là mục tiêu của các ánh đèn nhiếp ảnh và chỉ có một ít viên chức thi hành pháp luật biết nhiều vế anh ta hơn là công chúng biết, nhưng đám này cũng không nhiều. Anh từng là một anh hùng thời chiến nhưng biết bao nhiêu người cũng từng là anh hùng thời chiến. Tên tuổi của anh từng lên mặt báo thời gian New York có nhiều lộn xộn vào mùa xuân, nhưng những búc hình của anh rất mờ, được chụp ở cự li xa, và trí nhớ của đám đông lại ngắn hơn là trí nhớ của một con chó già. Trong thế giới của anh, thì Michael Corleone được mọi người biết, nhưng nhiều người chỉ biết anh qua tiếng tăm và không thể dễ dàng nối kết cái tên với khuôn mặt. Những cái gật đầu buồn và nghiêm nghị là đủ. Ngay cả Fontane cũng không có vẻ nhận ra sự có mặt của anh. Sau đó anh kiên nhẫn đứng sắp hàng chờ đến lượt mình nói lời chia buồn cùng bà quả phụ Falcone và mẹ anh ta; đó là những lời duy nhất anh nói trước đám đông suốt ngày hôm ấy, sau đó biến đi vào chỗ ngồi phía sau của chiếc Dodge màu đen khiêm nhường trước đó đã chở anh đến.

Bên trong xe, lần đầu tiên, Michael Corleone khóc cho ông bố quá cố của mình.

Đám tang Ông Trùm Molinari chầm chậm đi qua trong sương mù, một hàng dài gồm hơn một trăm chiếc xe nối đuôi nhau làm ùn tắc giao thông, hướng về phía nam và ra khỏi San Francisco. Frederico Corleone ngồi trong chiếc xe thứ tư đằng sau xe tang, trong một chiếc Cadillac nặng hai tấn - trắng và đen - mà Tony Molinary thưở sinh thời vẫn thích tự tay lái. Anh đã bảo với Michael rằng nếu đem theo Capra và Figaro, sau bao nhiêu những bảo bọc, chăm sóc mà gia đình Molinaris đã dành cho Fredo trong bao nhiêu năm, sẽ có vẻ như là thiếu tôn trọng - hoặc tệ hơn, có vẻ như nhà Corleones có gì đó phải sợ ở San Francisco - và anh lại bị sốc khi người anh em của mình nhất trí như thế! Tài xế là một soldato (lính đã được vào biên chế chính thức) của Molinari mà Fredo đang cố nhớ lại tên. Ngồi phía trước là vợ của Dino, em của Tony. Hai cô con gái nhỏ của nàng ta ngồi phía sau bên cạnh chú Fredo.

Đó là lần đi đến nghĩa trang lâu nhất mà Fredo từng trải qua, càng thấy lâu hơn vì các cô bé cứ khóc suốt và những toan tính vụng về của anh nhằm dỗ dành chúng. Anh đã tiên liệu mang theo hai cái khăn bằng lụa mềm có chữ đan lồng vào nhau để cho hai bé lau nước mắt nước mũi đến ướt nhẹp!

“Chỗ này ở đâu vậy?” Fredo hỏi, nắm lấy tấm thiệp cầu nguyện có tên của nghĩa trang trên đó: NGHĨA TRANG Ý.

“Colmar,” tay tài xế nói. “Họ đều ở Colmar.”

“Ai đều ở Colmar?” Fredo thắc mắc. “Colmar ở đâu vậy?”

“Các nghĩa trang. Ở San Francisco chính quyền không cho xây nghĩa trang. Phải đi đến Colmar, mà chúng ta sắp đến đây. Trở lại thời đổ xô đi tìm vàng, người ta cứ việc chôn người chết bất kì nơi nào họ ngã xuống. Trong vườn, ở sân sau, ven lối đi, bất kì cái gì. Thời ấy có vài khu được quy hoạch làm nghĩa trang, chủ yếu là cho nhà giàu. Nhưng rồi sau đó chỉ được để lại đầu ở nghĩa trang còn thân mình và tay chân thì phải di dời về Colmar. Họ phải làm thế. Bà ngoại tôi vẫn còn kể chuyện trong những lần động đất trên khắp thành phố, những tử thi sẽ hiện ra phập phồng trên mặt đất rồi đứng lên, không đầu, kêu gào - ”

“Đủ rồi đấy!” vợ của Dino quát lên. “Khép cái mõm đáng nguyền rủa của nhà anh lại.” Mấy đứa con của chị ta không có vẻ gì là hiểu tiếng Ý.

Bác tài cụt hứng, hết bép xép và... câm như hến.

Fredo cũng nghĩ rằng câu chuyện của bác tài không phải là thứ thích hợp để kể cho trẻ con, nhưng cả hai đứa đều ngưng khóc và trông có vẻ khá quan tâm đến câu chuyện.

Bên ngoài, nhà cửa, sân vườn dừng lại và được tiếp nối ở mỗi hướng bởi những khoảng đất bằng uốn lượn nhấp nhô được bao phủ bởi các bia mộ, các hầm mộ, tượng, thánh giá và những cây cọ, một thành phố rộng lớn, kiên cường của người chết, và vì một vài lí do nào đó anh bỗng nghĩ đến lời của anh mình, Sonny, từng nói khi anh ta thực sự đã trục xuất Fredo khỏi gia đình: Las Vegas là thành phố của tương lai. Không phải đâu, Sonny. Colma đây này mới là thành phố của tương lai. Thành phố vĩnh cửu của tương lai. Thành phố của người chết, xứ sở muôn đời của vong nhân. Chết, như Sonny. Fredo cảm thấy một tiếng cười loạn thần kinh, điên dại dâng lên trong người và anh cố kìm nén nó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3