Bố già trở lại - Phần III - Chương 12 - Phần 3

Nghĩa trang Ý trải dài hàng mấy dặm dọc hai bên đường. Đám tang đi vào một đường nhỏ ở hướng nam, ngang qua một dinh thự có hàng tá bàn tay bằng kim loại màu xanh gắn vào phía ngoài nắm lấy một dây xiềng dài màu đen.

Fredo lắc đầu ngạc nhiên. Đây là thủ đoạn làm tiền tài tình nhất mà ta từng thấy. Tất nhiên ở đây có một nghĩa trang dành riêng cho người Ý. Trước khi có bất kì nghĩa trang nào ở đây, ngược về thời kì mà người ta còn có thể chôn người chết dưới bụi hoa hồng nhà mình, Fredo dám đánh cá rằng toàn bộ khu vực này đã được những người Ý âm thầm mua hết. Đất đai ở đây giống như ở vùng quê Sicily, nơi những người nông dân nghèo vật lộn với thiên nhiên để trồng nho và ô - liu cho đến khi có người nào đấy nẩy ra ý tưởng về một vụ thu hoạch tốt hơn. Bạn kiếm những giấy tờ để tạo ra những câu chuyện thương cảm đau lòng từ quý vị đốc - tờ thuyết giảng về những nguy cơ y tế, bạn chạy chọt để có được một giấy phép, và thế là bạn có thể phù phép được rồi đấy. Bạn được trả gấp đôi để cải táng những người đã từng được mai táng. Được trả một lần cho lúc đào lên và dời đi, và trả thêm lần nữa cho huyệt mộ ở Colmar. Đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm thợ cắt đá người Ý, nhưng kẻ giờ đây nợ bạn một ân huệ. Cũng như thế cho bất cứ kẻ nào cần việc làm và có thể cầm một cái xẻng hay cái cuốc. Sau đó, một cách rất công khai, chính đáng, bạn mua sạch đất đai ở những nơi từng là nghĩa trang trong lòng thành phố San Francisco với giá cực rẻ bởi vì đó từng là nơi đầy những xác chết. Đất nghĩa trang, tha ma, mộ địa mà. Đầy âm binh, oan hồn vất vưởng, đêm đêm còn thấy ánh ma trơi lập lòe. Giá rẻ là phải mà cũng chẳng mấy ai muốn mua. Vả chăng có muốn cũng đừng hòng tranh với dân Ý. Người ta đã vắt óc nghĩ ra diệu kế, dàn dựng kịch bản công phu, bộ người ta ngu dọn cỗ sẵn cho anh vào xơi à? Thế là dân Ý mua những đất ấy, san lấp phẳng phiu, cải tạo khang trang, quy hoạch chỗ này làm chợ chỗ kia làm tiểu công viên có cây có cỏ có hồ nước v.v... Thế là đất ấy thành bất động sản giá trị. Vì ở đây là nước Mỹ mà. Không bị mê hoặc bởi lịch sử, cũng không để bị ám ảnh bởi quá khứ. Nhìn vào hiện tại và hướng đến tương lai. Và thế là thiên hạ xếp hàng để mua đất mới quy hoạch. Đất nghĩa trang giờ lại nở hoa. Và dân Ý trúng những quả thật đậm đà. Ăn thua là có cái đầu biết tính!

Colma. Nghe ra âm hưởng đầy chất... Italiana! Hay chính xác hơn là chất... Siciliana!

Một cơn buốt lạnh xuyên qua người anh. Mạng dây thần kinh ở bụng của anh co thắt liên tục. Anh nhắm mắt lại. Anh có thể thấy viễn cảnh đó: những đầm lầy ở New Jersey trải dài trước mắt anh thành mười Colmas. Nhà Corleones có đủ ảnh hưởng chính trị ở New York để giấy phép được thông qua. Cuộc chiến tranh giành đất đai ở New Jersey với nhà Straccis có thể được dàn xếp êm thắm. Anh có thể thực sự nghe giọng nói của Bố: Mọi con người đều có một phần số.

“Chú ổn chứ?” vợ Dino hỏi.

Fredo mở mắt. Chống lại ngọn triều dâng hưng phấn của chính mình, Fredo coi những gì mình hi vọng và vừa vẽ ra viễn cảnh chỉ là giấc mộng kê vàng. Đừng vội nói trước e bước không tới. Cứ âm thầm hành động, khi nào thành công thiên hạ sẽ rõ mặt anh hùng. Dino và đám nhóc ra khỏi xe. Fredo uống cạn phần whiskey còn lại nơi chai nhỏ đút trong túi áo vest và nhanh chân tiến đến chỗ của mình kế bên những người hộ tang khác.

Sau tang lễ mọi người lái xe trở về lại thành phố và qua đó đến Bến tàu của Ngư dân, nơi nhà hàng của Molinari, nhà hàng tốt nhất của thành phố đã đóng cửa với công chúng từ khi những người làm ở đó nghe tin về cái chết của ông chủ họ. Tuy vậy lúc Fredo bước ra khỏi xe, một mùi thoang thoảng bay tới và rõ ràng là đám nhân viên nhà hàng đã không qua một tuần nằm nhà, cuộn người trên những chiếc ghế xô-pha lớn để khóc than cho ông chủ mình. Gió biển bềnh bồng với những mùi hương của bơ và gia vị phết lên cua, cá, tôm ghẹ, mực, sò... chiên, xào, nướng, luộc, cùng mùi nước xốt marinara, những món hải sản ngon lành mà Bờ Tây hào phóng ban tặng cho dân miền Viễn Tây. Bọn trẻ, độ vài mươi đứa, chạy ùa ra từ mấy chiếc xe, đến phía sau của nhà hàng, nơi một người đầu bếp chờ chúng, không phải với những mẩu thừa như thường lệ chúng vẫn nhận được, mà là những xô sắt bóng loáng đựng đầy nhóc cá mòi tươi cho bọn trẻ kéo đến cuối bến tàu và ném lên không từng con một, làm phát ra tiếng nổ của những đôi cánh đập mạnh và bóng lờ mờ bay lượn của những con mòng biển và những con bồ nông. Khi Fredo vươn người ra ngoài, quan sát, lũ chim di chuyển thành đàn bay ngang qua đầu đám trẻ, đông nghịt như những trận đại dịch cào cào châu chấu khủng khiếp. Hiện tượng này có lẽ đã làm Fredo hoảng sợ khi còn bé. Nó có làm cho Connie, em gái anh hoảng sợ không? Quên chuyện đó đi. Có lẽ cô ta vẫn còn la hét. Mike có lẽ sẽ ngồi một chỗ, quan sát việc hoang phí những con cá tươi ngon như thế và thầm lặng lên án, hai tay bịt hai tai. Còn Sonny. Sẽ ném đá chứ không phải ném cá cho chim. Còn nếu có được khẩu súng thì anh ta chẳng ngại gì mà không đoàng! đoàng! đoàng! liên tục vào lũ chim háu ăn kia (dầu anh ta cũng háu ăn chẳng kém gì chúng, có khi còn hơn!). Hagen cũng máu bắn chim lắm, nhưng anh ta sẽ không bao giờ dám vọng động làm phật lòng Bố khi biết Bố không tán đồng chuyện gì và có lẽ sẽ ngồi yên nhìn toàn bộ sự việc diễn ra qua cửa xe. Còn bọn nhóc này nhảy nhót reo hò cười đùa quanh bến cảng, mặt mày hân hoan rạng rỡ cứ như thể chúng đã được trao chìa khóa để đi vào xứ sở thần tiên. Ngay cả khi có một vài con chim mòng biển bắt đầu lao xuống oanh tạc mấy chiếc xô đựng cá, bọn trẻ cũng thích thú cười rú lên. Nhưng chẳng được bao lâu trước khi người lớn can thiệp, làm hỏng cuộc vui hồn nhiên của chúng, bảo chúng hãy bớt giỡn để tỏ lòng kính trọng Bác Tony. Chắc chắn là, chỉ một lát sau sẽ có bà cô hay bà dì nào đó, mặt mày cau có, hối hả soãi bước về phía bọn chúng, quát nạt cả bọn, nhéo tai vài ba đứa xui xẻo bị tóm, để dẹp yên đám lâu la cười đùa vô phép vô tắc, không phải lúc, không đúng nơi. Fredo không thể nén lòng khi nhìn cảnh đó và quay mặt đi, nhìn vào mấy dải ruy - băng đen trên cửa chính nhà hàng. Đã đến lúc với bất kì giá nào để anh làm điều mà anh đã đến đây để làm. Có lẽ anh nên trở về phòng khách sạn của mình và nghĩ cách làm thế nào trình bày kế hoạch Colma Miền Đông cho Mike. Nếu như anh thành thật với chính mình, điều mà anh chưa say đủ để là như thế, thì có lẽ anh đã tự cho phép mình nghĩ đến những nơi chốn khác mà ngày và đêm có thể đưa anh đến, nhưng anh sẽ không cho phép mình nghĩ đến điều đó. Thay vì thế, anh hít một hơi sâu và đi vào bên trong.

Dầu xét dưới góc cạnh nào thì nhà hàng của Molinari cũng là một nhà hàng hơi tối với những bức tường bằng ván gỗ bách đen, các quầy bọc da thuộc đen, và các cửa sổ có màn màu đỏ để lọt ánh sáng lờ mờ. Hôm nay ngay cả những bức màn đó cũng khép lại. Ánh sáng lờ mờ thường ngày càng xuống thấp hơn, các ngọn nến càng thấy nhỏ hơn và căn phòng đầy người vai kề vai với những con người tóc sẫm, nước da màu ô - liu, mặc tang phục màu đen. Những vật trắng sáng nhất trong phòng là các khăn trải bàn, được giặt và hồ kĩ đến độ trắng... không tưởng, khiến Fredo phải lác mắt! Đứng giữa suối cẩm thạch nổi tiếng của nhà hàng là một tác phẩm điêu khắc băng lớn bằng người thật - một bức tượng Toni Molinari - với một bàn tay giang thẳng về phía quầy bar. Người ta tiếp tục lội qua nước và chạm tay vào trán bức tượng.

Đám đông còn đông hơn là khi ở nghĩa trang - điều mà bất kì ai có hiểu biết một tí về mọi chuyện đều có thể giải thích được. Fredo đi vòng vòng, ôm hôn người này người kia và lắc đầu về bi kịch và sự mất mát lớn lao từ đó. Vài người nêu lên những ẩn ý bóng gió về việc anh vừa được thăng lên phó súy, và Fredo cám ơn họ và nói, các bạn biết đấy, người ta ai cũng phải ăn và người ta ăn, thế thôi. Anh uống bia để không bị say. Anh thiếu sự cuốn hút mạnh mẽ (charisma) mà bố anh và anh em của anh đều được trời phú cho, nhưng cùng với thời gian anh trưởng thành, anh nhận ra rằng đó chính là lí do giúp anh làm tốt hơn loại công việc này hơn là họ. Anh không dọa nạt ai, không làm ai phải khớp. Anh tỏ ra vụng về một cách thẳng thắn khiến phụ nữ muốn âu yếm anh như mẹ cưng con. Còn đàn ông sẽ thấy anh lơ lửng lảng vảng bên lề cuộc đối thoại của họ, trao cho anh li nước, khuyến khích anh tham gia vào câu chuyện họ đang bàn tán nãy giờ. Anh đáp trả lại; uống với hắn một lần và cho đến tận cùng thời gian, Fredo Corleone vẫn còn ghi nhớ những gì bạn đem lại cho hắn ta, mật ngọt hay thuốc độc. Anh đã trui rèn bản lĩnh trong những năm lưu đày trong ngành kinh doanh khách sạn và casino bởi vì anh thật lòng muốn thấy người ta vui vẻ, chứ không phải vì sau đó họ nợ anh một ân huệ.

Chung quanh những người đàn ông khác trong gia đình Corleones người ta ứng xử như là những người máy, âm thầm tổng diễn tập trong đầu họ từng lời trước khi họ dám nói ra. Còn khi ở chung quanh Fredo, họ có thể là chính mình. Người ta yêu mến anh. Anh biết rằng nhiều người nhìn điều này như là nhược điểm, nhưng đó chính là chỗ họ sai lầm. Trong đời, không có lợi thế tự nhiên nào lớn hơn là khi được kẻ thù thổi phồng lên những nhược điểm của ta, những sai lầm của ta. Bố đã dạy thế. Không phải dạy anh, đúng vậy. Mà dạy Sonny. Bố đã cho Sonny nhiều bài học, nhiều lần với Fredo ngồi chung phòng mà hoàn toàn bị phớt lờ. Sonny nghe lỗ tai này qua lỗ tai kia. Fredo nghe và nhập tâm.

Căn phòng xì xào với nhưng lời suy diễn, bàn luận về anh chàng phi công lái thuê mất tích được biết dưới cái tên O’Malley, và người ta mở lòng ra với Fredo về chuyện ấy trong khi họ sẽ không bao giờ làm thế với Mike. Anh nghe ngóng mọi gíả thuyết được nêu ra, mà giả thuyết được nhiều người hưởng ứng nhất cho rằng O’Malley là một thứ cớm ngụy trang hoặc nếu không thì là hắn ta có liên hệ thế nào đó với đám Cleveland. Có thể là cả hai. Nhưng những nhân vật cấp cao hơn lại có những ý tưởng khác. Chẳng hạn Butchie Molinari lúc buông Fredo ra sau khi ôm, chỉ khẻ nói, “Lão Mặt Đéo, phải không?” Nghĩ rằng còn ngày rộng tháng dài, Fredo treo lửng lơ câu trả lời, chỉ nói anh chưa có bất kì ý niệm nào về chuyện đó. Đây cũng là điều mà Mike chẳng bao giờ có thể thành công.

Tại sao anh lại làm chuyện này với chính mình? Cuộc đối chiếu, tỉ giảo, so sánh bất tận đó với anh em mình. Fredo đứng trước tấm gương có khung mạ vàng nơi phòng vệ sinh quý ông. Anh đứng thẳng và thấy nhộn nhạo trong người. Đôi mắt anh trông giống như hai trái sơ - ri trong một li sữa bơ. Anh em trai của anh, anh tin chắc điều ấy, không phí thời giờ so sánh giữa họ với nhau, và càng chắc là không so sánh với anh. Anh lùa bàn tay qua mớ tóc dày. Anh đã uống khá nhiều, điều đó thì chắc rồi. Anh nhìn vào khuôn mặt tròn của mình và cố không nhìn thấy nơi đó những nét mà anh thừa kế từ bố mẹ mình, cái phiên bản mạnh mẽ hơn của quai hàm anh mà Sonny có được, đôi mắt giống hệt mắt Mike chỉ là sát với nhau hơn. Anh cầm lên cái bình thủy tinh đầy lược và thuốc nước dưỡng tóc và đập mạnh nó vào bóng của anh trong gương. Chất nước xanh lá cây chảy tràn lan khắp nơi. Tấm gương chỉ bị nứt. Fredo đưa mấy tờ trăm đô-la cho anh chàng đứng nơi bồn rửa kế bên anh và cho anh bồi da đen. Anh chàng này nói rằng mình hiểu mà, bởi chúng ta ai cũng yêu mến Ông Tony. Fredo quay đầu đi qua nhà hàng lúc này gần như vắng người, đi qua pho tượng băng của Tony Molinary với cái trán đã chảy ra, lõm hẳn xuống trông thật dễ sợ, như thể là đã nhận một viên đạn xoáy sâu vào thay vì là hàng ngàn cái vuốt ve âu yếm, và bước ra cửa đi vào đêm tối lạnh giá, quyết định không là ai cả, ngay cả là chính mình cũng không.

Anh không biết những người đứng ở trạm taxi và, đầu cúi thấp, anh lầm lũi đi tiếp xuống bến tàu. Sẽ chẳng lâu đâu, anh biết vậy, trước khi anh đi vào những quán bar đầy công nhân bến tàu và thủy thủ và những quán bar có lối đi ra phía sau mà chỉ những kẻ hoang dâm trụy lạc nhất trong mấy đám người trên mới biết.

Anh tự dừng lại. Không. Không lặp lại chuyện đó nữa.

Trước mặt là Phố Powell. Thẳng một lèo là đến khách sạn của anh. Phải đi bộ một quãng đường khá dài nhưng sẽ tốt cho anh. Giúp đầu óc thông thoáng. Anh nhìn về những ánh đèn lờ mờ xa xa của các quán bar đằng kia rồi nhìn lên Phố Powell. Anh khá chắc chắn rằng nó đi qua khu phố Ý cổ gọi là North Beach. Anh có thể dừng chân tại đó, nghỉ ngơi một tí, uống li cà phê, nghĩ kĩ hơn cho thông suốt về kế hoạch Colma Miền Đông. Sẽ hay đấy. Đúng điệu đấy.

Đúng giây phút ngoặc vào phố Powell, anh cảm thấy một luồng sóng thư giãn tự khen mình trào dâng lâng lâng.

Tuy nhiên khi trèo lên ngọn đồi lớn đầu tiên anh lại toát mồ hôi và muốn nghĩ lại. Anh đã quá mệt để nghĩ về kế hoạch lớn của mình hay bất kì điều gì khác ngoại trừ một điều là anh không muốn uống cà phê nữa mà muốn cái gì đó mát lạnh, có thể là một li bia, có gì hại đâu nào?

Con đường bằng phẳng trở lại. Các cửa hiệu bắt đầu mang tên Ý, nhưng hình như có điều gì đó sai lạc. Đường phố đầy những đứa trẻ nhếch nhác dơ dáy mặc áo thun quần lửng, có nhiều đứa da đen, ít đứa nào đặc biệt rặt Ý. Anh cố nhớ lại anh đã đến nơi đây lần cuối là lúc nào - năm 47? Hay 48? Anh nhìn xuống phố Vallejo và thấy tiệm cà phê mà anh đang nghĩ đến, ngửi được mùi cà phê từ cách xa cả một dãy nhà, và tiệm ấy vẫn giữ nguyên tên cũ, Caffè Trieste mà anh cho là một dấu hiệu mang ý nghĩa - ở đây chỉ bán cà phê, không bán bia rượu - nhưng khi anh mở cửa anh thấy một đứa bé da trắng tóc đỏ đang chơi trống bongos trong khi một anh chàng da đen mặc áo gió màu đen đứng kế bên la rú cái đếch gì đó ai mà hiểu nổi - thật khó để phân biệt cái gì ra cái gì trong cái mớ hỗn độn đinh tai nhức óc gồm tiếng gào rú của ca sĩ và tiếng vỗ tay, nhịp chân, hòa giọng của đám khán thính giả bát nháo ngồi ở các bàn. Những cô em mắt dâu tằm đỏ thẫm... Những chàng trai thiên thần rụt cổ rùa... Hình như đó là những lời ca bốc lửa thoát ra từ cái mồm mở hết volume của chàng ca sĩ dị hợm!

Một đám nghệ sĩ bô-hê-miêng lang thang lếch thếch nghe chán chết! Anh vội rời đi. Một nơi nào đó tại thành phố này có dựng một chai whiskey thật cao với tên của Fredo Corleone trên đó.

Anh dừng lại ở một khu Ý khác mà anh nhớ - Enrico’s - trông hầu như cũng... cùng một duộc, ngoại trừ một bảng hiệu bên ngoài ghi NHẠC JAZZ SỐNG TỐI NAY! Lại cũng là bô - hê - miên ở đây nhưng âm nhạc nghe có vẻ khá hơn, vậy nên, thôi, vô đại đi. Anh trả tiền trước và lấy chỗ ngồi ở quầy bar. Piano, saxo giọng soprano và một tay trống với giàn trống hùng hậu. Một đám cũng khoái được điên rồ đây, nhưng Fredo đã cầm li lên và lắc lư cái đầu theo điệu nhạc giậm giật. Anh là người duy nhất trong phòng mặc đồ vest, điều này, vì lí do nào đó dường như khiến người ta ùa đến với anh và vẽ ra cho anh cái “lạc cảnh vi vu” đi mây về gió cùng những ép - phê diệu kì của marijuana. Anh cố chống lại sự thôi thúc muốn bảo với chúng rằng anh vừa mới đến từ đám tang của con người từng thu về phần lớn lợi tức từ thứ thần dược kia đấy. Sau một li rượu nữa anh bắt đầu nghĩ rằng loại nhạc này là thứ quái quỷ hay nhất mà anh từng được nghe. Chẳng bao lâu sau anh ngồi vào bàn với một đám đông người, có đủ nam nữ, chuyền tay nhau một điếu “diệu kì” và đến tour mình anh cũng... không nỡ từ chối cuộc “phiêu bồng theo ảo mộng”. Ban nhạc tạm ngưng một lát, và một anh béo người Na - uy đội mũ nỉ đỏ, chóp phẳng, có tua, chiếm lĩnh sân khấu và nói rằng sau thời gian tạm nghỉ anh ta sẽ cho quý vị khán thính giả thưởng thức những bài thơ hài cú bất hủ của mình và giàn nhạc sẽ đệm theo để minh họa. Fredo cảm nhận một bàn tay đặt trên cánh tay mình. Đó là một anh chàng mặt dài, với mớ tóc mai dài, khoảng ba mươi, mặc áo nịt len và mang kính.

“Tôi có ban nhạc ngày mai sẽ chơi ở đây,” anh chàng nói, và bắt đầu mô tả âm nhạc của anh ta trong một thứ tiếng Anh ba rọi, lắp bắp, chí chóe, nghe chẳng ra ngô ra khoai gì cả! Lại một chàng trai thiên thần rụt cổ rùa, Fredo nghĩ. Anh nhìn chàng ta từ chỏm tới gót. Một thứ đầu thừa đuôi thẹo lăng nhăng chán ngắt.

“Mình là Dean,” anh chàng hăng hái tự giới thiệu. “Mình thích bộ vest của bạn.”

“Rất vui, Dean,” Fredo nói, mặt tỉnh “bưa”. “Còn mình tên là... là gì nhỉ?” Anh lấy tay vỗ vỗ lên trán. “À, à, là Troy. Đúng rồi, Troy.”

Cuộc tìm kiếm viên phi công mất tích chấm dứt mấy tuần lễ sau, khi một thi thể được tìm thấy dưới đáy khe gần sông Cuyahoga, không xa bệnh viện lắm, bị kẹt vào khung sắt của cống rãnh. Việc thoát nước đã tăng tốc sự phân rã. Những gì còn lại đã được lũ chuột nước đánh chén thỏa thuê. Bộ mặt và đôi mắt đã hoàn toàn biến mất, và khi cái thi thể được vớt lên, những con chuột nhảy ra khỏi miệng và trực tràng. Cái vòng đeo nhập viện (GERALD O’MALLEY, NAM, GỐC CAUCASIAN, TUỔI 38) và những gì còn lại từ chiếc áo khoác được cho là đích thực. Nhân viên điều tra kết luận rằng những thương tích trên thi thể tương ứng với những thương tích mà viên phi công đã bị, phù hợp với cách khâu nối của y sĩ phòng cấp cứu. Những ghi chú về hàm răng có thể hữu ích nhưng nhà chức trách chẳng có ý tưởng nào về việc Gerald O’Malley thực sự là ai. Dầu anh ta là ai, dầu bằng cách nào mà anh ta đi từ Phòng Chăm sóc Đặc biệt đến đáy khe kia, thì anh chàng xấu số cũng đã thực sự - nói một cách “thành thật thấy thương” - ngoẻo!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay