Bố già trở lại - Phần III - Chương 13 - Phần 3
“Em đoán sai rồi, em bé à.” Kathy lớn hơn Francesca bốn phút. “Lâu hơn nhiều. Rắc rối là ở chỗ ấy.” Khi cô Connie thông báo việc đính ước và hẹn lễ cưới vào tháng mười hai, Kathy cũng bị sốc như bao người khác. Nàng cho rằng chắc Connie đã dính bầu nên mới gấp thế, nhưng một khám phá tình cờ nơi phòng tắm của Connie đã loại trừ giả thuyết đó. Kathy, theo đúng bản chất Kathy, đã đi vào thư viện và làm mấy cuộc gọi để hỏi và được trả lời. Phải mất một năm tròn trước khi chính quyền tuyên bố một người là đã chết về phương diện pháp lí, mà cũng nhiêu khê lắm. Còn hầu hết những tuyên bố hủy hôn ước của nhà thờ, ngay cả đối với một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, cũng phải lâu khoảng đó.
“Ồ, thôi nào,” Francesca nói. “Nói hết chưa? Một khoản đóng góp cho quỹ tranh cử của vị thẩm phán nào đó, một khoản khác cho Hội Hiệp sĩ Columbus, và mọi chuyện sẽ tăng tốc ngay. Chuyện đời là thế. Có nhiêu khê thì mới phải lót tay, đấm mõm chớ. Dễ dãi sẽ bị thiên hạ khinh nhờn, giỡn mặt ngay. Còn lấy gì kiếm chác?”
Kathy lắc đầu. Nàng nhìn lãng khỏi cô em, vào bóng tối. “Em không rõ chuyện này đâu. Cô không xin nhà thờ hủy hôn ước. Chuyện dối trá đấy thôi. Vì thực ra cô không cần. Họ nói dối chúng ta. Họ bưng bít, ỉm đi sự thật. Chú Carlo không mất tích. Chú ấy bị ám sát.”
“Họ là ai?”
“Chú Mike và những người mà chú kiểm soát được.”
“Chị hơi bị thiểu năng trí tuệ đấy,” Francesca nói. “Ngay cả đám tang cho chú Carlo cũng không có mà.”
“Có một chứng thư khai tử trong hồ sơ lưu,” Kathy nói. “Chị đã đến tòa án và tìm thấy chứng thư đó.”
“Em cá rằng trong niên giám điện thoại New York có đến hàng tá người mang tên Carlo Rizzi.”
Kathy đứng trong bóng tối, hút thuốc, lắc đầu. “Con mắt người ta hoàn toàn thụ động,” nàng nói, hiển nhiên là trích dẫn lời vị giáo sư nào đó hay quyển sách giáo khoa nào đó. “Chỉ trí não mới có thể nhìn thấy.” (The human eye is utterly passive. Only the brain can see).
“Điều đó giả định là có nghĩa gì vậy?”
Kathy không trả lời. Hút hết điếu thuốc, nàng đốt tiếp thêm hai điếu nữa và lại bắt đầu kể. Một Chủ nhật nọ nàng gặp cô Connie ở thành phố và cùng đi ăn trưa ở Waldorf.
Connie uống rượu say, với một người không phải là Ed Federici, hôn từ biệt người ấy, rồi ngồi lại chỗ, và khi Kathy đối đầu nàng bằng cách hỏi vụ hủy hôn thú đến đâu rồi, Connie nói toạc ra: Carlo không mất tích, cô nói, mà Mike giết chú ấy. Connie cầm tay Kathy và bảo nàng đừng nói lại chuyện ấy với ai. Cô đã say nhưng giọng nói vẫn rõ ràng, dứt khoát. Mike đã giết hoặc cho người giết Carlo vì Carlo đã giết Sonny, bố nàng.
Francesca phá ra cười.
Đôi mắt Kathy trông như mất thần. “Connie nói rằng Carlo đánh cô ấy vì biết rằng Bố chúng ta sẽ đến giải cứu cho cô. Khi cô gọi, Bố chúng ta phóng xe đến ngay. Những người với súng máy đã phục sẵn và giết Bố khi Bố dừng xe ở trạm thu phí cầu đường trên đường đắp cao Jones Beach.”
“Cô Connie mất trí rồi,” Francesca nói,” Và chị cũng thế nếu chị tin vào chuyện đó.”
“Nghe đã,” Kathy nói. “Okay?”
Francesca không trả lời.
“Những vệ sĩ của Bố có mặt tại hiện trường ngay sau khi ông bị giết, và họ đem xác ông về một người mai táng, người này từng chịu ơn Ông nội Vito. Không một tí gì từ biến cố này lọt tai giới báo chí. Một số cớm đã nhận hối lộ để trình bày toàn bộ vụ việc như một tai nạn.”
“Bố không có vệ sĩ. Không một người nào - ”Nàng định nói giết Bố nhưng không hiểu tại sao lại không thể nên bỏ lửng.
Kathy ném tàn thuốc ra xa. “Thôi nào. Em không nhớ những vệ sĩ sao?”
“Em biết chị đang nghĩ về điều gì, nhưng đó là những nhân viên trong công ty xuất nhập khẩu của ông.”
Kathy bĩu môi. “Thành thật mà nói, em có nghĩ rằng chị đùa về chuyện này?”
“Em không nghĩ là chị đùa. Mà chỉ nghĩ là chị nhầm.”
“Chuyện này nghe nặng lòng lắm,” Kathy nói. “Nhưng nếu không nghe thì không nghe từ đầu còn đã nghe thì phải nghe cho đến đầu đến đũa.”
Francesca nhíu mày, và làm một cử chỉ có nghĩa “xin tùy ý”.
“Được rồi,” Kathy nói. “Vậy là lúc đó cô Connie nói rằng những người... à, những người ở trạm thu phí cầu đường, những người ấy, hóa ra, là làm việc cho cùng những người đã trả tiền cho Carlo để đánh cô. Cô khóc lòi cả mắt khi kể đến điểm này, và nếu em thấy cảnh đó, tin chị đi, em cũng sẽ tin cô ấy. Chính chồng mình lại lấy tiền người khác thuê để đánh mình, và hắn ta làm điều ấy, và lí do để hắn ta làm điều ấy là để tạo điều kiện thuận tiện cho những kẻ kia có thể giết anh ruột mình,” Kathy sụt sịt, “để bọn chúng có thể giết Bố chúng ta - ”
“Ngưng chuyện đó đi.”
“ - và cô vẫn ở với Carlo thêm bảy năm nữa. Vẫn đéo với hắn ta để - ”
“Thôi đủ rồi.”
“ - cho ra đời thêm những đứa con với tên quái vật đó. Nhưng có điều còn trầm trọng hơn chuyện đó nhiều, hơn rất, rất nhiều. Connie nói rằng cùng những người đã làm mọi chuyện đó cũng là những người đã bắn Ông nội Vito và cũng chính chúng là những người đã giết vợ của chú Mike.”
“Trước tiên là,” Francesca ngắt lời Kathy, “Thím Kay đâu có - ”
Kathy lại đưa tay ra, chận Francesca lại. “Không phải Kay. Người kia, Apollonia, vợ đầu của chú, ở Sicily, mà Kay không hề biết gì. Thím ấy nổ banh xác với một quả bom cài trong xe.”
Apollonia? Francesca nghĩ. Bom cài trong xe? Kathy đủ trí tưởng tượng để phát minh những chuyện hoang đường, nhưng cô Connie chắc là không. Nếu Connie thực sự nói như thế, thì hoặc là cô ấy bị người ta lừa, hoặc là cô đã nói sự thật.
Kathy tiếp tục nói càng nhanh hơn, những câu chuyện mà Connie đã kể gom lại thành những điều mà sau đó Kathy đã có thể kiểm chứng tính xác thực. Lúc này lúc khác giọng của Kathy nghe ra lạnh hơn. Cô đã nói trong năm phút hay năm giờ, Francesca cũng không còn ý niệm chính xác nữa. Francesca không thể đứng đó lâu hơn nữa và cũng không thể di chuyển đi. Nàng tập trung vào tiếng nổ đanh gọn của pháo hoa nhỏ ở sân trước, âm thanh tiếng cười của bọn trẻ. Sau đó nàng nhận thấy những âm thanh này đi xa dần nhưng không dứt hẳn. Trong một lúc nàng tập trung tâm trí vào việc cảm nhận xem tuyết tan trên tóc nàng như thế nào. Nàng cố nhìn vào chị mình và đồng thời đi qua chị, đến những gì còn lại trong mùa đông từ khu vườn yêu quý của ông nôi, nơi ông đã ra đi thanh thản, yên bình.
“... và đó là lí do tại sao thím Kay trở thành tín đồ Công giáo và tại sao thím đi rước lễ Mi - sa mỗi ngày và đôi khi đến hai lần trong ngày. Họ quỳ gối cầu nguyện cho linh hồn những người chồng sát nhân, tội lỗi của họ được cứu thoát khỏi địa ngục, cũng như Má chúng ta cầu nguyện cho - ”
Và sau đó Francesca nhìn chị mình ngồi xổm trong tuyết, lại chảy máu, lần này từ mũi. Điếu thuốc lá vẫn còn trong miệng nàng. Đôi mắt kính đã bay khỏi mặt nàng và rơi xuống đất cách đó mấy bước. Tay phải của Francesca vẫn còn nắm chặt lại thành nắm đấm và nàng thấy đau. Kathy kích động. “Điên rồ,” nàng lẩm bẩm.
Một ngọn sóng giận dữ trào dâng trong tai Francesca. Cô đá vào hông chị mình. Chỉ là một cú đá quờ quạng thôi, không đúng chiêu thức, nhưng cũng đủ làm cho Kathy nhăn mặt vì đau.
Francesca quay người, chạy đi.
Francesca nằm nghiêng một bên trên mép của chiếc giường đôi, trong một căn phòng tối trước đây từng thuộc về chú Fredo, chú đã sống ở đây với bố mẹ cho đến lúc chú ba mươi tuổi. Chú đã ở Las Vegas cả mười năm nay, nhưng cách trang trí trong phòng - khăn trải giường màu tối và tường ốp gỗ, một tấm bản đồ đảo Sicily đã mờ, và một bức tranh đàn cá chuồn bay trên mặt nước biển - hình như không thay đổi, như thể bà nội Carmela vẫn chờ mong chú trở về bất kì ngày nào.
Sau một hồi có thể là mấy giờ hoặc cũng có thể là mấy phút, Francesca nghe người nào đó trong phòng tắm bên kia sảnh lớn, đóng sầm cửa và nước chảy theo một nhịp điệu không thể nhầm lẫn là của Kathy. Francesca nghe tiếng bước chân của Kathy, nghe nàng ta ngồi vào mép kia của chiếc giường. nàng không cần nhìn cũng biết rằng Kathy đang đối mặt bức tường kia, nằm nghiêng một bên, một hình ảnh trong gương của Francesca ngoại trừ bộ pijama. Francesca mặc áo dài ngủ.
Trong một lúc lâu, hai đứa nằm yên. Nếu Francesca không từng ngủ chung với Kathy cả hàng mấy ngàn đêm rồi, ắt cô đã có mọi lí do để ước chừng là nàng ta đã ngủ. “Tại sao chị nói là tôi có mang?” Francesca hỏi.
“Cô đang nói về cái gì thế?”
“Khi chúng tôi mới về nhà. Khi chị chạy đến chiếc xe giống như chị thực sự vui sướng khi gặp lại tôi.
Một lần nữa, bất kì người nào khác cũng có thể nghĩ rằng Kathy đã chìm vào giấc ngủ. “Ôôô,” cuối cùng cô ta nói. “Chuyện đó... Em không nhớ à? Khi để em lại trường, điều cuối cùng em nói với chị là đừng làm hỏng mắt vì đọc quá nhiều. Còn chị bảo em là đừng để dính bầu. Em về đây và điều đầu tiên là bảo rằng chị đeo kính, một nhận định mà người kém thông minh nhất cũng thấy ngay ra tính hiển nhiên tự thân không cần minh chứng! Vậy nên chị - ”
“Lại một kiểu vòng vo tam quốc. Chị nói đừng để dính bầu còn em nói đừng làm hỏng mắt.”
“Chị vẫn đứng vững. Còn em?”
“Không,” Francesca nói. “Tất nhiên là không.”
‘Em không có? Tí gì cả?”
“Tại sao? Chị có không?”
“Không,” Kathy đáp, nhanh đến độ Francesca hình dung câu trả lời là có.
Hai đứa không nhắc lại những gì đã xảy ra phía sau mấy chùm đèn rọi - những câu chuyện cũ của gia đình hay cú đá hay số phận cặp mắt kính của Kathy. Hai đứa nằm trên phần hông đối nhau, trên hai phía đối nhau của chiếc giường. Và thức đủ lâu để nghe bước chân bà nội đi xuống cầu thang, bắt đầu chiên xúc xích, điều đó có nghĩa là khoảng chừng bốn giờ rưỡi sáng. Cuối cùng chúng cũng rơi vào giấc ngủ. Cuối cùng, dầu không muốn, chúng cũng lăn vào giữa giường rồi đan tay chân với nhau. Mớ tóc dài của chúng như hòa trộn vào nhau và cả hơi thở của hai đứa cũng quyện vào nhau.
“Ô, cưng ơi,” Francesca thì thầm trong bóng tối, giả định như chị mình đã ngủ. “Em không thể tin những gì mình đã làm. Với chị.”
“Có thể ta là ngươi” Kathy thầm thì, và hai đứa, như một, lại đi vào giấc ngủ.
Francesca thức giấc vì tiếng la hét điếc tai của đám nhóc và tiếng rì rầm của người lớn đang tụ tập lại với nhau. Cô ngồi dậy. Tuyết đang rơi. Dưới cầu thang, cường độ tiếng ầm ĩ hỗn loạn tăng cao dần. Nhưng trên tất cả nổi lên tiếng cầu chúc trầm, vang mạnh mẽ của Bà nội Carmela, Buon Natale! (Giáng sinh vui vẻ!) Ai đó vừa mới đến. Francesca bước vội xuống cầu thang hẹp phía sau. Nhà bếp đầy thức ăn nhưng vắng người. Cô nghe hai cặp bước chân đi về hướng mình và dừng lại nhờ đó nàng không bị đập mặt vào cửa nhà bếp. Cánh cửa mở tung ra. Kathy và Billy cùng lúc xuất hiện, quần áo chỉnh tề, cười toe toét như thể họ vừa bắt được quả tang Ông già Noel đang phạm tôi và họ bèn trưng dụng chiếc xe trượt tuyết của ông. Billy diện chiếc áo có phù hiệu riêng của trường, màu đỏ, cà vạt xanh lá cây và một áo sơ-mi trắng đến độ tuyết cũng phải xấu hổ. Những cỗ tay áo trắng tinh như màu kẹo dâng cho thần linh.
“Em sẽ không bao giờ đoán được ai vừa đến đây với chú của em,” Billy nói.
“Chú nào chứ?” Cô vuốt đầu tóc rối. Cô vẫn còn chưa kịp đánh răng.
“Em nghĩ là chú nào?” Kathy hỏi lại.
“Mike.” Hai đứa chúng nó tìm gặp mình bởi vì chúng tranh nhau để báo với mình cái tin sốt dẻo.
“Ô, thử đoán lại xem.” Kathy đảo tròn mắt. “Chú Fredo.” Nàng không mang kính. Một mắt nàng hơi đen hơn mắt kia. Biết đâu chừng có người thích của lạ đấy.
“Nào, cố đoán thử xem,” Billy nói.
“Em chịu thua,” Francesca nói. “Hay là Ông già Noel.”
“Còn tuyệt hơn thế nữa kìa,” Kathy nói.
“Ai mà còn tuyệt hơn cả Ông già Noel?”
“Deanna Dunn,” Billy nói.
Francesca đảo tròn mắt. Vào dịp hẹn mới đây nhất của hai đứa chúng đã đi xem bộ phim trong đó Deanna Dunn đóng vai bà mẹ của một đứa con câm điếc, có chồng hi sinh trong khi chữa cháy Vụ Hỏa hoạn Lớn ở Chicago. “Kể em nghe đi.”
“Tôi nghiêm túc như một quan tòa,” Chàng ta đưa tay lên sẵn sàng long trọng thề. Mặc dầu mới hai mươi hai tuổi, đang mặc chiếc áo đỏ trong một buổi sáng Giáng sinh, Billy cũng dễ dàng được hình dung như một quan tòa.
“Chàng ta không đùa đâu,” Kathy nói. “Đúng là Deanna Dunn. Dấu thánh giá trên tim tôi.” Cô thực sự làm như thế. “Thực ra tôi từng nghe lời đồn rằng cô ấy và chú Fredo đã hẹn hò nhau, nhưng tôi không - ”
Đúng lúc đó cửa nhà bếp mở rộng ra và theo gót Bà nôi là chú Fredo và cô Deanna Dunn. Gặp mặt trong đời thật, người ta thấy cái đầu của Deanna Dunn dường như hơi khổng lồ. Cô rất cao và đẹp hơn là xinh xắn. Trên bàn tay trái của cô là một chiếc nhẫn kim cương cũng phi lí về tỉ lệ như cái đầu của cô, nhưng là theo hướng ngược lại.
“Cô Dunn!” Francesca reo lên.
“Thấy chưa? Chị đã nói với em mà!” Kathy nói, mặc dầu điều này đã được Billy thông báo cho nàng. Kathy thích phim nước ngoài hơn. Deanna Dunn là nhân vật mà trước nay nàng chỉ coi là chuyện đùa. Thế nhưng xét theo cái cung cách mà hiện nay nàng đang nhìn cô ấy thì có vẻ nàng đã sẵn sàng nhận chân thư kí của Hội Hâm mộ Deanna Dunn!
“Này, bé cưng. Hãy gọi chị là Deanna cho thân mật.” Âm sắc của cô không thuần Mỹ cũng không hẳn Anh và khi ta nghe trực tiếp cô nói ta cảm thấy rất khác lạ so với giọng nói bình thường của con người.
Cô bắt tay Francesca.
Deanna Dunn, đầy từ lực khiến Francesca cảm thấy choáng váng như thể bị ù tai, hoa mắt, xây xẩm. Chuyện xảy ra ngày hôm qua ở Jacksonville chỉ, theo cách gián tiếp nhất, giải phóng cuộc trao đổi tối qua với Kathy. Không liên quan gì với cuộc hội kiến đầy tính siêu thực với Deanna Dunn trong cái nhà bếp xưa cũ, thân mật này. Cuộc sống của Francesca đã bị vây bủa bởi một thứ lô - gíc mơ mộng và ác mộng.
Anh chàng thế gia công tử mà Francesca yêu dịu dàng, đang phục vụ cà phê đen cho nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar. Bà nội của Francesca hát một bài ca Giáng sinh - không phải loại thanh vịnh, nhưng là một bài hát về Ông già Noel. Người cha quá cố của Francesca từng là kẻ sát nhân rồi lại bị mưu sát. Chú Fredo đứng hơi khòm xuống, tựa khung cửa, nhìn vào đôi giày của mình. Trông giống như chú bị ngộ độc thực phẩm vậy. Đằng sau chú, như thể ai đó đã ra hiệu, có tiếng tách của bóng đèn flash. Francesca chờ đợi được thấy những con người với kính chiếu hậu và cameras lớn chạy tìm vị trí để chụp ảnh, la lối họ như thể từ mép tấm thảm đỏ. Fredo vẫn không nhìn lên.
Từ phòng kế bên, bên trên những tiếng cám ơn và tiếng mở quà sột soạt, vang lên giọng nói của mẹ cô - giọng nói vẫn luôn dối trá với cô suốt đời.
“Nếu các người không nhanh nhanh lên,” Sandra gọi oang oang, “các người sẽ để lỡ cuộc vui Giáng sinh đấy.”
“Giáng sinh!” Deanna Dunn kêu lên, bước vội qua chú Fredo. Deanna Dunn thật ra không cao lắm. Cô chỉ có vẻ cao vì đứng bên chú Fredo vốn hơi thấp người, và bởi vì cô đi sải bước và cũng vì cái đầu hơi quá khổ. Con mắt thì thụ động. Chỉ trí não mới thấy rõ. “Kì diệu thật!”