Bố già trở lại - Phần III - Chương 13 - Phần 2

“Lại là một chuyện whaddyacallit” (Bạn gọi nó là cái gì nhỉ?) Francesca nói. “Một hoạt cảnh Giáng sinh, tôi đoán thế.” Nàng tự dừng lại và nhìn Kathy, cô này hiểu điều không được nói ra và gật đầu: vâng, cái máng cỏ cũng đủ thiêng liêng, phù hợp với việc Bà nội Carmela còn đang để tang. “Nơi phòng khách đó. Cậu sẽ thấy ngay thôi.”

Bà mẹ của Francesca nhướng một bên mày lên, đưa tay trái lên xem đồng hồ.

“Tuyết, mẹ ạ” Francesca nói, “Nó làm chúng con phải chạy chậm lại.”

“Tuyết rơi suốt cả lộ trình sao?” bà hỏi vặn.

“Từ Washington D.C. trở đi,” Francesca nói, theo kiểu đoán mò. Bởi nàng ngủ lơ mơ, đâu biết gì.

“Không phải đâu, chắc là hai cô cậu đã dành thời gian để vi vu du dương đâu đó rồi,” một lão đầu hói nói oang oang. Lão ta tự giới thiệu là “Ed Federici, bạn của cô các cháu.”

Kathy đã kể về lão ta trong một bức thư, lão ta và cô Connie đã đính hôn mặc dầu việc hủy hôn thú của cô vẫn chưa xong.

Stan Jablonsky nhất trí. “Đừng quá bận tâm đến cô ấy nữa,” lão ta nói, nháy mắt với Sandra, điều làm Francesca luôn khó chịu. “Má cô đã dậy từ sáng sớm, ngồi vén màn trông chờ cô đấy.”

Hai chàng vị hôn phu ra mang số hành lí còn lại và trên đường vào nhà bắt đầu thẩm vấn Billy về các con đường, các cây cầu... và đủ thứ các cái linh tinh.

Sao lại như thế được nhỉ, một ngày lễ Giáng sinh gia đình, và hai người ngoài này là những người khác duy nhất? Stan, người đã đính hôn với má cô gần ba năm mà chưa hẹn ngày cưới, còn tay thư kí kế toán lo việc khai báo thuế cho gia đình cô, lại đi đính hôn với một phụ nữ trên danh nghĩa vẫn còn có chồng. Con người mang nam tính mạnh mẽ nhất trong số họ, Santino, bố của Francesca, đã chết. Ông nôi cô, luôn luôn là tâm điểm vui cười, âu yếm và tận tụy của bất kì cuộc họp mặt gia đình nào, cũng mất rồi. Chú Mike không về (chú ấy đang bận công việc ở Cuba hay Sicily - cô nghe cả hai, có lẽ là cả hai, nhưng cả trong dịp Giáng sinh? Ông nội Vito hẳn là phải lăn lộn trong mồ). Gia đình Hagens đã chuyển đến Las Vegas và cũng không đến. Chú Fredo được dự tính là có mặt ở đây từ hôm qua nhưng hình như đã gọi đến và bảo là có thể chú ấy không về được. Còn dượng Carlo thì dường như... đã biến mất khỏi mặt đất.

Chỉ có hai vị hôn phu lóng ngóng. Và Billy. Billy của nàng.

Francesca nhìn chàng đi, lòng nôn nao muốn giải cứu chàng khỏi một buổi chiều phải ngồi chơi bài hoặc xem bóng đá qua ti vi hay được mời ăn snacks liền tù tì dầu đã ngấy đến tận cổ. Bỗng dưng nàng khụy gối xuống với ham muốn về chàng, ham muốn quay quắt muốn làm lại những chuyện như khi ở Jacksonville. Nhưng nàng bị kéo xa khỏi chàng, bất lực không thể cưỡng lại ngọn triều dâng của những người đàn bà cuốn lấy nàng, như trong một giấc mơ, vào trong gian nhà bếp nóng ran với mùi hăng cay nồng của bà nội: một pháo đài của tình yêu chịu đựng mà thời gian dường như chưa bao giờ chạm đến.

Những đám mây hơi nước, một làn sương bụi gồm các loại bột, những chảo dầu sôi, những thau bột nhào, những lát cá tươi ướp gia vị sắp lớp trên các khay. Và cái chảo trắng khổng lồ kia, một món đồ bảo tàng có lẽ sống lâu hơn tất cả những con người thuộc thế hệ thứ hai ở đây. Trong phòng kế bên, chiếc máy hát đang phát ra những bài ca Giáng sinh mà Francesca từng nghe từ khi mới chào đời đến giờ và có lẽ còn nghe đến trọn đời, qua những giọng ca của Caruso, Lanza, Fontane... Trẻ con chạy ra chạy vào, miệng mút kẹo ngọt. Thím Kay đứng ở bồn rửa chén bát liên tục, chất thành từng đống cao. Mẹ nàng, Sandra, cường tráng và kiên quyết, và cô Connie, giọng the thé và chua đến giấm cũng phải kêu bằng chị, hai người chưa bao giờ ưa nhau, nhưng nơi nhà bếp này họ dự đoán những nước đi và những nhu cầu của nhau như thể họ là cặp diễn viên chuyên diễn những màn tung hứng nhịp nhàng như cặp Fred Astaire và Ginger Rogers. Angelina, bà cô người Palermo của bà nội nàng, hiện nay cụ chắc là đã hơn trăm tuổi, vẫn không thèm biết một từ tiếng Anh nào - ngồi trong một góc đằng sau một bàn chơi bài, đang điều phối các thành phần gia vị theo ý bà. Và tất nhiên là có mặt bà nội Carmela tổng giám sát mọi chuyện, quát tháo những chỉ dẫn, bắt tay vào những phần việc tinh tế nhất, tất cả với một tình yêu thương đầy chịu đựng luôn được cảm nhận nhưng không bao giờ tuyên bố.

Kathy chỉ vào một kim tự tháp làm bằng trứng màu trắng như sữa, rồi đưa cho Francesca một con dao làm bếp và một chai soda Brookdale vừa mới mở nắp, được ngâm lạnh từ một thùng đá bên ngoài. Nhìn vào cái chai - tất nhiên chúng không thể có nó ở Florida - Francesca bỗng dưng lại òa ra khóc. Cô gái cứng cỏi đâu mất rồi? Cái phần nơi nàng đã từng là Kathy đâu mất rồi?

“A, những giọt nước mắt ngọt ngào của niềm vui,” bà nội nói bằng tiếng Ý. Bà nâng cốc cà phê đã mẻ miệng lên, cái cốc mà bà dùng đã từ lâu lắm như Francesca còn có thể nhớ được, cái hình ảnh đã mờ về các hòn đảo Hawaii giờ đây được cẩn phía bên ngoài với những tàn tích của hàng tá thứ bột nhào và hỗn hợp bột mì, trứng, sữa. “Để làm một bữa tiệc đêm Giáng sinh thì đây là thành phần chủ yếu nhất!”

Ai mà ngăn được cảm xúc trước câu khẳng định này từ đôi môi của một người đàn bà mới là góa phụ chưa đầy một năm. Từng người đàn bà khác tranh nhau tìm li, cốc hay chai của mình và nâng lên cao.

Từ sau gáy mình, Francesca cảm nhận khuôn mặt Kathy với thái dương mang đôi kính to tướng. Em đúng là ngốc nghếch,” Kathy thì thầm và hai đứa cùng nhau cười vang, giống hệt nhau.

Lúc làm thánh lễ Mi - sa, Francesca phải thì thầm những chỉ dẫn cho Billy (gia đình chàng theo đạo Tin lành), trước nay chàng chưa từng đặt chân vào một nhà thờ Công giáo. Chàng rất vụng về trong việc quỳ gối và việc làm dấu thánh giá chẳng khác lúc chàng lóng ngóng trên sàn nhảy. Nhưng nàng có thể cảm nhận đôi mắt Kathy chiếu về phía Billy, cho dù Billy không cảm thấy. Nàng có thể nghe Kathy nói rằng đây chính là loại sự vật bây giờ thì đáng yêu và về sau làm cho bạn mê cuồng, ngay cả nếu Kathy - ngồi ở đầu kia của chiếc ghế dài và lo đỡ cụ Angelina lọm khọm - không nói gì khác ngoài lời kinh và thánh vịnh.

Khi chuông nhà thờ ngân nga lời chuông sám hối, Francesca nắm tay đấm nhẹ vào ngực bốn lần, mỗi lần cho một giờ ở Lữ quán Sand Dollar. Lúc lên chỗ chấn song bàn thờ, nàng làm lại động tác đó, một cú đấm ngực cho mỗi lần làm tình. Đi trở về ghế ngồi, nàng cúi đôi mắt xuống, sám hối, ngồi xa Billy, nhưng một khi nàng quỳ gối và đọc xong bài kinh, nàng ngồi gần lại và nắm tay chàng. Chỉ khi đó nàng mới nhận ra thím Kay - kế bên nàng, vẫn còn quỳ gối, đôi môi mấp máy bài kinh yên lặng - cũng đã nhận lễ rước Thánh thể.

“Thím ấy đã cải đạo,” Kathy nói trên đường trở về nhà.

“Em đã hình dung chuyện ấy, nhưng mà sau bao nhiêu năm?” Francesca nói. “Vì mấy đứa nhỏ, em đoán thế?”

Họ ngồi vào chiếc Thunderbird của Billy.

Kathy nhướng một bên mày. Ngay cả khi mang kính, nàng vẫn còn giống mẹ đến làm ngạc nhiên. “Per l’anima mortale di suo marito” (Vì linh hồn đã khuất của chồng bà).

Linh hồn đã khuất của chồng bà? Francesca nhướng mắt với chị.

“Má đi mỗi ngày,” Kathy nói. “Giống như Bà nội. Và cũng cùng lí do.”

“Mọi người đi vì cùng lí do.” Francesca vẫn chưa có thể kéo chị ra một bên và hỏi cô ta có ý chỉ gì khi nói, Còn em đang mang thai. “Ít hay nhiều.”

Đôi mắt Kathy mở rộng, giận dữ.

Mặc dầu, hay dường như đúng hơn là, vì những sự vắng mặt nặng nề được cảm nhận bởi hầu như mọi người chung quanh bàn, bữa tiệc đêm Giáng sinh truyền thống của gia đình Corleone với bảy loại cá, vẫn rộn rã, ồn ào như trước nay vẫn thế. Rượu chảy tự do, phụ nữ cũng nâng li như đàn ông, cũng “Dzô! Dzô!” năm mươi, một trăm phần trăm, rất rôm rả và xôm tụ! Sau một vài tuần rượu đầu tiên, những bức thư Giáng sinh của các đứa con biểu lộ tình yêu thương chân phác đối với cha mẹ, được đọc từng bức một, từ thư của đứa nhỏ tuổi nhất đến thư của người lớn tuổi nhất. Dầu bằng lời lẽ ngô nghê vụng về hay lời trang nhã, thâm thúy, nhưng mọi bức thư đều được đón nhận với sự cổ vũ nhiệt tình, lên đến đỉnh điểm với bức thư từ cô Connie. Đây là lần đầu tiên trong hơn ba mươi năm Carmela Corleone đã nhận được chỉ một bộc lộ của tấm lòng hiếu thảo của một người con đối với mẹ hiền, một thời điểm tế nhị mà Connie - khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên - đã thắp sáng lên với một bức thư cực kì thích thú khiến nhiều người còn chuyền tay nhau đọc trong những tuần rượu sau đó.

Tương tự như thế, mọi trái tim được sưởi ấm lên bởi câu chuyện về sự quan tâm ân cần nhưng âm thầm của Vito Corleone đối với đời sống tình cảm của các con mình, chẳng hạn ông từng sắp xếp cuộc hẹn bất ngờ cho Connie với một cậu trai tử tế dễ thương vừa mới tốt nghiệp đại học với một văn bằng quản trị kinh doanh, hứa hẹn sẽ thành một chàng rể thảo, một người chồng đàng hoàng. Thế nhưng Connie đã hẹn hò với Carlo Rizzi, một anh chàng có vóc dáng của một lực sĩ thể hình vai u thịt bắp trông ngon lành hấp dẫn hơn để rồi sau đó thành một tên chồng vũ phu thô lỗ, chẳng làm được cái tích sự gì, đụng đâu hư đó, lại còn sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay cho vợ tím bầm mày mặt khiến ông anh vợ Michael vừa ngứa mắt vừa xót cho em gái, bèn lệnh cho thuộc hạ “quét cái thứ rác rưởi đó khỏi mặt đất!”. Âu cũng là thêm một chuyện người tính không bằng trời tính vậy.

Rồi Mama Corleone cho khui một chầu sâm - banh để chúc mừng vị hôn thê mới Ed Federici của cô con gái Connie lận đận tình duyên của bà và sai dọn ra những món đặc sản truyền thống của gia đình: món cocktail cua và tôm, món baccala chiên và calamari nhồi, trai và hến hấp dùng với nước xốt marinara và bột tóc thiên thần tươi. Và kết thúc với - trước khi dùng tráng miệng - món cá bơn nhồi rau spinach, cà chua phơi khô, phô - mai mozzarella và nhiều gia vị bí mật khác mà cụ cố Angelina chỉ pha trộn vào khi không có ai nhìn ngắm.

“Nguy cơ đột quỵ tim,” Ed Federici lên tiếng, với hai lòng bàn tay để lên mặt bàn, choáng váng, bàng hoàng như một người nhìn vào khoảng không gian trống rỗng nơi chiếc xe hơi của mình vẫn thường ở đó (mà nay đâu rồi?), “tăng gấp ba trong giờ đầu tiên sau một bữa ăn thịnh soạn.”

Stan đã bỏ dở nửa chừng món cuối và đi ngủ ở phòng kế bên, tắm trong anh sáng chập chờn toát ra từ ti vi đang phát một trận bóng đá không ai xem cả. Chỉ có hai người vẫn còn ăn: Frankie vẫn còn hăng hái như muốn trở thành nhà vô địch... ngốn thức ăn, và Billy đang chọc chọc vào con cá bơn như một người tìm thấy vàng và đang cố nhớ lại tại sao vàng lại quý.

Connie bảo Ed im lặng và vỗ mạnh vào chóp của cái đầu hói sớm, đỏ ửng của lão ta. “Má đã nghe bác sĩ chẩn đoán là má có thể bị đột quỵ tim.” Từ ngày chồng mất tích, Connie cứ uống rượu suốt theo một “tiến trình” đều đặn mỗi ngày và nàng vừa mới khui thêm một chai Marsala. Cái vỗ tay của nàng xuống đầu Ed, trên lí thuyết là để đùa vui, song cũng đủ lớn để những ai chứng kiến sự việc cũng phải ngần ngại chùn bước. Nhiều người nơi các phòng khác quay đầu về góc đó để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Cú đập ngay lập tức đã lưu lại dấu vết hình bàn tay.

Francesca dẫn Billy đi khỏi bàn, dẫn chàng ta vào văn phòng trước đây của ông nội nàng đúng lúc thím Kay dọn dẹp xong bàn của đám nhóc. “Cháu ăn đủ chưa, Billy?” Kay hỏi.

“Vâng, thưa cô.” Chàng ta ngồi xuống một cách nặng nhọc lên chiếc ghế bọc da kê sát tường.

“Xin mời dùng món tráng miệng,” Kay tươi cười nói. “À này, có ai thấy Anthony ở đâu không?”

“Cháu nghĩ là em ở ngoài kia, với Chip và đám nhóc nhà Clemenza.” Billy nói. Bọn nhóc đó là con của đám nhóc mà ngày xưa Francesca thường chơi đùa với khi nàng ở lứa tuổi của Chip. Giờ đây những bạn chơi thuở ấu thơ đó đã có gia đình riêng của họ và sống trong những căn nhà dưới phố.

Giờ đây hai cô cậu lại được riêng biệt với nhau. “Xử sự tốt đấy, bé cưng. Em có thể nói là họ thích anh đấy.”

“Sao em lại cười nhăn nhở như thế?” chàng hỏi, nằm trên chiếc ghế dài, ôm chặt bụng.

Nàng quỳ trên sàn nhà kế bên chàng. “Không gì giống như một bữa ăn tự do thoải mái,” nàng thì thầm. “Trả phí đi chứ, cậu. Hôn em đi.”

Chàng vâng lời. Nhưng là một nụ hôn nấn ná, chần chừ, lần lữa, không phải loại nụ hôn mà Francesca muốn có trong căn nhà này. Khi nàng mở mắt, ánh sáng chớp tắt mấy lần rồi mở ra luôn.

“Đừng để tôi phải tạt nước lạnh vào người cô nhé,” Kathy nói. “Nào. Cả hàng đống chén bát đĩa muỗng kia kìa. Đứng lên, bước, nhanh! Tôi rửa, cô sấy, người nào việc nấy!”

Billy nằm lại, cùng một cái nhìn bão hòa trên mặt chàng ta mà chàng từng có khi ở khách sạn, và vẫy nhẹ tay chào.

Phụ nữ tất nhiên phải lao vào việc rửa chén bát suốt ngày hôm ấy. Một chương trình nhạc jazz được phát ra từ chiếc radio nhỏ mà Kathy tìm được đâu đó. Trên một chiếc ghế gỗ ở trong góc, cụ cố Angelina khịt mũi. Hai chị em sinh đôi lại được riêng biệt với nhau. “Bà nội đâu?” Francesca hỏi.

“Đi rước lễ Misa. Bà và thím Kay mới vừa đi.”

“Hai lần trong ngày? Chị đùa tôi đấy à?”

“Đến mà xem kìa. Xe đi rồi.” Kathy nghiêng đầu về phía Angelina. “Cám ơn cụ cố khịt mũi,” Kathy nói. “Nếu không chúng ta phải đi kiểm tra suốt ngày để xem cụ còn sống hay đã chết. Đừng nhìn ta như thế chứ. Cụ điếc đặc chẳng nghe, chẳng hiểu một tiếng Anh nào đâu.”

“Chị muốn cá bao nhiêu rằng cụ hiểu nhiều hơn là cụ để lộ ra?”

“Ồ, em muốn nói giống như Bee - Boy?”

“Chị nói về cái gì vậy?”

“Bộ cô em nghĩ rằng mọi người khác đều mù hết cả sao - ”

“Tôi chẳng nghĩ mọi người là sao cả.”

“ - nhưng cô em là kẻ mù quáng. Cái thằng nhãi thò lò mũi xanh làm bộ làm tịch kia, nằm ngủ trong văn phòng của Ông nội - chuyện đó thấy chướng mắt chứ, cô em không nghĩ thế à? Cô em không thể thấy là hắn ta đang sử dụng cô?”

Sử dụng tôi?” Francesca nói. “Chị đừng có quá đáng thế chứ. Tôi đưa anh ấy về nhà mình mà.”

“Cô là cái gì, Nàng Công chúa Phóng đãng của Tallahassee?” Đôi mắt kính của Kathy bị phủ sương một nửa do hơi nước thoát ra từ vòi, nhưng nàng vẫn để vậy.

“Chị mất trí rồi. Buồn thật. Tôi thấy tiếc cho chị đấy.” Francesca cầm lên một cái đĩa bẹt hình con cá, bằng sứ và nhướng đôi lông mày.

“Không có ý gì,” Kathy nói. “Cô em không nhận thấy rằng Billy ở đây chỉ là để trải nghiệm một Mùa Giáng sinh Mafia thứ thiệt? Đối với hắn, chúng ta là một đám dân Ý bẩn thỉu. Một thứ gì đó để hắn có đề tài bông đùa với bạn bè, gia đình hắn, về cái dịp hiếm hoi mà hắn được “mục sở thị” những găng-x-tơ Ý thứ thiệt với súng ống giấu trong mấy hộp đàn violon.”

Anthony Corleone đã mang cây đàn violon của cậu ta tít từ Nevada về đây để chơi bài “Đêm Thánh Vô Cùng” cho cả nhà nghe; tuy tiếng đàn cậu bé còn non nớt nhưng cũng đủ ngọt ngào bùi tai. Nhất là sự ngây thơ trong việc làm của cậu, tính hồn nhiên, thánh thiện trong tiếng đàn của cậu. Nỡ lòng nào đem so sánh với chuyện súng đạn, xương máu như vậy? “Ta chẳng dại gì trả lời để đem lại phẩm giá cho một câu nói kiểu đó.” Francesca nghĩ.

Kathy làm va đập một cái li uống rượu nho vào vòi nước và cái li vỡ. Nàng bị đứt tay nhưng cố nén, im lặng không nói gì. Lúc đầu máu chảy nhiều nhưng thực ra không có gì. Cả hai cùng lo chùi sạch máu mà không nói gì. Francesca lấy băng băng lại.

Kathy buông ra tiếng thở dài, gặp đôi mắt của cô em, và nói điều gì đó bằng giọng nhỏ đến nỗi Francesca phải yêu cầu cô lặp lại. “Ta nói,” Kathy thì thầm, “rằng tất cả đều đúng.”

“Cái gì mà tất cả đều đúng?”

Kathy dội nước rửa lớp váng trên bồn rửa bát và bào Francesca đi lấy chiếc áo khoác. Hai đứa đi về góc xa nhất của khu vườn, ẩn mình sau cái đèn rọi, và Kathy - một trò đùa cũ kĩ mà trước đây chúng đã đùa hàng bao nhiêu lần rồi - đốt lên cùng lúc hai điếu thuốc, theo phong cách một tay đầu đảng trong phim ảnh Hollywood, và trao một điếu cho cô em. “Em và Billy? Đấy có lẽ là nụ hôn đầu tiên mà bất kì người nào có trong phòng đó lại không dẫn trực tiếp đến - ” Nàng ngước nhìn vào tuyết đang rơi như thể cái từ đúng sẽ đậu lên môi nàng.

“Đến cái gì?”

Kathy đứng chống nạnh và xua luồng khói thuốc khỏi ánh sáng.” Em có biết là phải mất bao lâu để một người được tuyên bố, một cách hợp pháp, là đã chết? Và có biết là cần bao lâu để được nhà thờ tuyên bố hủy bỏ hôn ước?”

“Vài tháng, em đoán là thế.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay