Bố già trở lại - Phần IV - Chương 14 - Phần 1
PHẦN IV
1956 - 1957
Chương 14
Mùa xuân năm ấy, sau nhiều tháng thương lượng, cuối cùng Ủy ban cũng đồng ý gặp nhau. Mục đầu tiên trong chương trình nghị sự sẽ là kết nạp Louie Russo ở Chicago làm thành viên thứ tám. Tiếp theo sẽ là việc long trọng chấp thuận điều ước hòa bình. Những người đứng đầu của cả hai mươi bốn gia đình đều được mời. Lần này mọi bên đều thể hiện thiện chí muốn bảo đảm một nền hòa bình lâu dài.
Michael Corleone bay đến New York trên chuyến bay đêm, chỉ có ba vệ sĩ tháp tùng. Hagen, một ứng viên đã công bố vào Thượng viện Hoa Kỳ, nên không thể dính líu tới chuyện này. Bởi vì mỗi hạng mục quan trọng của chương trình nghị sự đều đã được quyết định, nên hôm nay, cái mà Michael cần bên cạnh mình không phải là một chiến lược gia xuất sắc nhưng là cần một nhân vật mà chỉ sự hiện diện không thôi cũng gợi ra cảm tưởng về tính ổn định và sự tôn trọng đối với truyền thống. Clemenza là mẫu consigliere hoàn hảo cho một cơ hội như thế.
Michael không hề có ý định chọn một consigliere thường trực. Vị trí này đòi hỏi một tập hợp linh hoạt những kĩ năng trái ngược nhau. Một kẻ đa mưu túc trí nhưng lại phải rất trung thành. Một thuyết khách sắc sảo hùng biện cỡ Machiavel nhưng không lừa đảo, không láu cá vặt. Một mẫu người đặc biệt loại” đại gian đại tín, đại nịnh đại trung”.
Một con người có khả năng xoay chuyển tình thế, biến nguy thành an hoặc biến trị thành loạn đều được cả nhưng không mang tham vọng cho riêng mình. Thuở trước đã lên kế hoạch là Vito là người cuối cùng nắm giữ chức vụ đầy quyền lực này. Một Tổng Giám đốc có một Hội đồng Giám đốc và cả một tiểu đoàn luật sư. Chủ tịch Hội đồng Quản trị có một bộ tham mưu, một văn phòng thường trực, và những thẩm phán mà chỗ ngồi của họ ở pháp đình là nhờ ông ta, và việc kiểm soát đội quân mạnh nhất thế giới. Tổ chức Corleone sẽ phát triển công khai hợp pháp và theo những tuyến như thế.
Clemenza đích thân đón họ ở sân bay. Chính việc nhìn thấy ông béo cũng đem lại cảm giác an toàn. Ông đã bỏ việc nhai que tăm và trở lại với xì - gà. Tất cả những gì thay đổi nơi người ông kể từ khi Michael còn là cậu thiếu niên đó là hiện nay ông đi lại phải chống gậy.
Họ lái vào Manhattan, dừng xe trước một tiệm bánh trên phố Mulberry để mua một hộp bánh nướng, rồi đến một căn hộ trên đường chín mươi ba, phía Tây nơi nhà Corleones đang giữ một con tin của dòng họ Bocchicchio, một thiếu niên mặt còn non choẹt đến từ Sicily ngày hôm qua. Cậu ta đang chơi dominos với Frankie Pants, Little Joe Bono, và Richie Nobilio Hai tay Hai súng - thủ hạ của Clemenza. Cậu bé không thể quá mười lăm tuổi. Cả bọn đứng lên. Michael và Pete ôm hôn lần lượt từng đứa. Bằng tiếng Anh ngập ngừng, cậu bé, có tên là Carmine Mario, thưa gửi với Michael là “Don Corleone” và cám ơn Ông Trùm đã cho cậu có được cơ hội đến nước Mỹ. Cửa sổ duy nhất của căn hộ được sơn đen hình như là bằng hắc ín. Michael đáp lại lời cám ơn của cậu: “Prego, fa niente” (Ồ, không đáng gì đâu).
“Ông không mang theo cà phê à?” Richie hai súng hỏi khi mở hộp bánh.
“Hãy pha cà phê đi, thằng lười biếng,” Clemenza nói. “Tiệm bánh ngon thì khó tìm chứ cà phê ở đâu mà chả có.”
Clemenza nháy mắt, xoa nhanh vai Frankie, lấy bánh nướng ra, và, giống như một hướng dẫn viên du lịch, giải thích những điểm đặc biệt của loại bánh nướng này.
Các cuộc thương nghị hòa bình bắt đầu lúc hai giờ chiều. Giờ đây, mỗi Gia đình đến bàn hiệp thương đều nắm giữ một con tin dòng họ Bocchicchios. Các con tin tự nguyện đi theo. Đây là cách kiếm tiền của họ Bocchichios. Nếu, chẳng hạn, có chuyện gì xảy ra cho Michael hay Clemenza, thì thủ hạ của họ sẽ giết cậu bé này. Không một người nào trong dòng họ Bocchichios ngồi yên cho đến khi việc giết hại cậu bé được trả thù - không phải trả thù kẻ đã trực tiếp giết cậu bé mà là trả thù những ai đã làm hại những người thân của sát thủ. Dòng họ Bocchicchios là thị tộc nuôi chí trả thù với đầu óc đơn giản nhất mà Sicily từng sản sinh ra, hoàn toàn không nao núng bởi tù tội hay cái chết. Không có gì phòng vệ chống lại họ được. Bảo đảm của Bocchichio còn tốt hơn là cả hàng trăm vệ sĩ. Những người đi đến bàn thương nghị sẽ làm thế với các consiglieres của họ thôi.
Quay trở lại trong xe, Michael hỏi Clemenza ông nghĩ chú nhóc Bocchichio mặt búng ra sữa kia bao nhiêu tuổi.
“Carmine ấy à?” Ông béo ngẫm nghĩ chuyện này một hồi lâu. “Ta chẳng rành ba chuyện này lắm đâu. Bỗng dưng trước mắt ta, mọi người đều là con nít cả.”
“Thằng bé trông chừng như chỉ độ mười lăm.”
“Ta nghe dòng Bocchicchios này cũng không còn nhiều nhân khẩu lắm đâu,” Clemenza nói. “Đàng khác, vào tuổi của ta, đôi khi cháu dường như cũng chỉ mới mười lăm. Không phải là bất kính hay gì đâu - ”
“Dĩ nhiên.” Mười lăm. Khi Michael mười lăm, chàng ta đã đứng lên ở bàn ăn, nhìn vào mắt bố mình, và nói rằng mình thà chết hơn là lớn lên để thành một người như ông. Những gì xảy ra sau đó vẫn còn làm cho Michael rùng mình nhiều năm sau đó. Nếu không có cái thời khắc tự phụ trẻ con đó, Michael tự hỏi, liệu bản thân anh có đi vào công việc này không? “Tôi sẽ không nghĩ,” Michael nói,” rằng một cậu bé trẻ như thế lại có thể được phép bay đến đây một mình.”
“Tôi cũng không biết rõ lắm về chuyện đó,” Clemenza nói, “nhưng mà thằng nhóc không bay đến đây. Nó đến trên một con tàu, cùng với phần lớn những con tin khác. Trong khoang hạng bét. Tôi nghi là đám Bocchichios có trả tiền cho chúng không. Phần lớn là chúng gửi đến những bà con xa lơ xa lắc chỉ cần được đến Mỹ sống là mãn nguyện rồi. Chúng ta trả khoản tiền chuộc vua chúa cho chuyện này, anh biết đó, nhưng rồi họ phân phối của cải như thế nào. Mà thôi đó là chuyện của họ, chúng ta cũng chẳng cần phải bận tâm làm gì.
Clemenza lắc cái đầu bự, buồn bã. Họ vượt qua cầu Tappan Zee, hướng về phía bắc.
“Này, chú nói tôi nghe xem,” Michael nói sau một hồi lâu im lặng. “Những lời đồn mà chú nghe được về Fredo là gì?”
“Những lời đồn gì?”Pete lửng lơ.
Michael nhìn trừng trừng vào con đường phía trước.
“Chú nói đây,” Pete nói. “Bia rượu quá nhiều, còn những chuyện khác đến từ những nguồn xấu, không đáng tin.”
Michael hít vào một hơi sâu. “Chú có nghe rằng anh ấy là dân đồng tính?”
“Cháu nói gì lạ vậy? Cháu nghĩ đó là điều chú nghe sao?”
“Anh chàng bị anh ấy đập một trận dữ dội ở San Francisco là một người đồng tính.”
“Nói vậy hóa ra ai đánh đập một người đồng tính thì cũng là đồng tính cả sao? Nếu là như thế thì ngoài đường nhan nhản người đồng tính ra đấy.”
Theo lời Fredo thì anh đã ra ngoài tản bộ một lát cho đầu óc thanh thản sau tang lễ Molinari và tạt vào quán uống vài li. Một anh chàng từ quán bar đi theo anh đến khách sạn và sau đó lẻn vào phòng anh để trộm. Fredo dần cho hắn ta một trận hơi nặng tay và chẳng may trúng chỗ nhược nên hắn... ngoẻo! Chuyện này nghe ra hơi tức cười đấy - tại sao, chẳng hạn, tên trộm kia không trổ ngón với Fredo ngay trên đường phố khi lúc ấy anh cũng khá say xỉn rồi mà phải đợi kiếm chìa khóa rồi lẻn vào phòng Fredo? Vả chăng là, cha mẹ chú bé kia mới vừa mất gần đây và có để lại cho chú khoảng ba mươi ngàn đô - chưa phải là gia tài nhưng cũng không túng quẫn đến nỗi phải liều mình đi ăn trộm để rồi toi mạng một cách tức tưởi? Hagen - hành động trong tư cách một luật sư - đã thu xếp để giữ cho vấn đề ngoài tầm với của báo chí và để mắt sao cho vụ việc không bị ghi vào hồ sơ lưu, nhưng anh ta đã trở về từ San Francisco với nhiều “iêu tư” canh cánh bên lòng!
“Chú có đoan chắc là chú chưa bao giờ nghe chuyện đó?” Michael hỏi.
“Ta chưa bao giờ nói rằng ta chưa bao giờ nghe chuyện đó. Ta chỉ nói là chuyện đó đến từ những nguồn không đáng tin cậy. Nếu như ta đã bắt đầu tin mọi thứ ta nghe được từ những nguồn không đáng tin cậy, ta đã không bao giờ - ” ông nói. “Ôi lạy Chúa! Mike à. Đây là anh ruột của cháu. Có thể anh ấy đã làm những điều ngu ngốc và đã lỡ tay đánh chết một tên đồng tính, nhưng ta không thể tin là cháu lại nghĩ rằng anh ấy cũng là một tên đồng tính. Đây là Fredo mà chúng ta đang nói về phải không? Tóc quăn, dáng dong dỏng cao, khỏe mạnh? Tiêu tiền cho chuyện mua nữ trang tặng các em và cho các em phá thai khi dính bầu, lấy một ngôi sao điện ảnh danh tiếng - có phải đó là người mà ta nói đến? Chú kể cháu nghe câu chuyện từ một nguồn đáng tin cậy. Anh chàng bác sĩ mà các anh có đấy? Tên gì nhỉ?... Phải rồi, bác sĩ Segal. Anh ta bảo tôi rằng ngay cả sau khi kết hôn với Deanna Dunn, Fredo vẫn còn tằng tịu với một em vũ công người Pháp, hình như tên là Marguerite hay Rita gì đó. Cháu xem, đấy có thể là hành vi của một kẻ đồng tính hay không?”
Michael vẫn thản nhiên, như không hề bị thuyết phục tí nào.
Anh đã cho Fredo cơ hội để chứng tỏ mình, và chuyện gì đã xảy ra? Bia rượu nhiều hơn. Gái gú nhiều hơn. Michael không chắc Fredo muốn chứng tỏ điều gì khi chạy theo và kết hôn với con đĩ Hollywood nọ (nguyên văn: that Hollywood puttana). Mặc dầu nếu có điều gì làm cho người đàn ông đậm tính đàn ông hơn, thì đó hẳn là hôn nhân. Vả chăng, cũng có một giá trị hình ảnh công chúng nào đấy khi một người trong gia đình Corleone kết hôn với một minh tinh điện ảnh tiếng tăm đã hai lần đoạt giải Oscar, cho dầu giờ đây những năm trên đỉnh cao màn bạc của nàng đã qua rồi. Vậy nên anh phải tính điểm cho Fredo chuyện đó.
“Cháu muốn biết điều này không?”Pete nói. “Ta muốn kể cháu nghe chuyện này dầu cháu thích hay không. Chính cháu là người mà bố cháu lo nghĩ về chuyện đó. Trong một thời gian.”
Michael nghiêng người qua và vặn radio lên. Clemenza chẳng kể cho anh nghe chuyện gì mà Michael không từng nghe trực tiếp từ bố mình. Qua nhiều dặm đường, cả Michael lẫn Clemenza không ai nói lời nào.
“Bocchicchios,” Clemenza cuối cùng lên tiếng.
“Cái gì?”Michael hơi giật mình hỏi. Họ đã im lặng khá lâu đủ cho Michael nghĩ lan man qua hàng tá đề tài khác. “Có chuyện gì về chúng?”
“Chúng làm một cái nghề cũng quái thật. Làm thế nào mà một người - nhất là những đứa trẻ ngốc nghếch, tiêu biểu như thằng nhóc Bocchichio theo anh - có đời nào lại nghĩ ra một dịch vụ quái gỡ như thế?”
“Nếu điều gì đó là thuộc về số mệnh của mình, có lẽ ta không cần phải suy nghĩ gì,” Michael nói. “Ta chỉ cần lắng nghe”
“Lắng nghe như thế nào, theo ý anh?”
“Nếu có bất kì ai cháu biết mà từng phát hiện ra số mệnh mình, thì người đó là chú đấy, chú Pete à.”
Clemenza nhíu mày, động não như vũ bão để “điều nghiên” cho tường tận cái câu nói có phần bí hiểm này. Thế rồi khuôn mặt ông nở bung ra thành một cái cười nhăn nhở. “Hà!” ông nói. “Ta nghĩ mình đã nghe ra ơn kêu gọi của số mệnh!” Ông nhướng đôi lông mày biểu lộ sự ngạc nhiên chế nhạo và cong bàn tay quanh vành tai trái như cố căng tai để lắng nghe tiếng động nào đó đến từ trong rừng. “Pete” ông tự gọi tên bằng một tiếng thì thầm rất “sân khấu kịch trường”: Giờ lịch sử đã điểm rồi đấy!
Nick Geraci nhớ lại vụ rơi máy bay và mọi chuyện cho đến điểm anh bị sốc và trồi lên trên mặt nước. Có lẽ giờ đây đã có cách để khám phá ra những ngón tay của ai mà anh đã bẻ gãy để gỡ mình ra, nhưng anh hi vọng mình sẽ chẳng bao giờ biết được.
Anh đã bất tỉnh trong toàn bộ thời gian nhập viện và nhiều ngày sau đó. Khi cuối cùng tỉnh lại, anh thấy mình trong một căn phòng màu vàng chanh nhỏ xíu đến nỗi chiếc giường đôi anh nằm hầu như đã choán gần hết không gian căn phòng. Chân anh được băng bó và nối với một cái ròng rọc gắn vào một thanh ngang trên trần. Ánh sáng tràn vào từ hai cửa lớn kiểu Pháp dường như mở ra một ban - công. Nơi đây không phải là bệnh viện, nhưng anh được kết nối với mọi trang thiết bị bệnh viện. Anh nhìn trừng trừng lên trần nhà, cố tái cơ cấu lại các biến cố đã đưa anh đến đây. Dầu đây là đâu.
Nhiều, rất nhiều bác sĩ ở đây là người Do Thái, nhưng khi người đầu tiên mà Geraci thấy sau khi anh tỉnh lại trong căn phòng đó là một ông già rõ là trông có vẻ dân Do Thái với một cái ống nghe đeo nơi cỗ, thì Geraci nhận định rằng - và cũng lạ thay, là ngẫu nhiên mà lại đúng - rằng dầu anh đang ở đâu thì cũng là bởi công ơn của nghĩa phụ anh, Vincent Forlenza, người Do Thái.
“Anh ta tỉnh lại rồi, thần thánh ôi,” vị bác sĩ gọi lại, qua vai anh. Từ phòng kế bên vọng lại âm thanh của những chiếc ghế được kéo ra sau từ một cái bàn và ai đó đang quay số điện thoại.
“Ông là ai?” Geraci lẩm bẩm. “Tôi đang ở đâu đây?”
“Ta chẳng là ai cả,” ông bác sĩ nói. “Ta cũng không ở đây, và, nếu như ta có thể phiêu lưu một lời đoán, thì anh cũng chẳng phải ở đây.”
“Tôi đã ở đây bao lâu rồi?”
Bác sĩ thở dài và thực hiện một loạt khám nhanh và xem xét các vết thương của anh. Geraci, đọc giữa hai hàng chữ, đoán là (một lần nữa, lại đúng) anh đã ở trong phòng này chưa đến một tuần. Cái gây cho anh đau đớn nhiều nhất là mấy chiếc xương sườn, nhưng anh từng bị gãy xương sườn nhiều lần đủ để biết rằng đó chỉ là... chuyện nhỏ! Cũng thế với cái mũi. Đã là võ sĩ quyền Anh, dám lên đài chịu đấm ăn... đô la thì chuyện bị dập mũi, bầm mắt, gãy ba sườn, thậm chí vỡ sọ, âu cũng là chuyện thường. Bác sĩ gỡ chân anh khỏi thiết bị kéo giãn. “Về lâu về dài điều duy nhất mà tôi e ngại,” bác sĩ nói, “là chuyện chấn thương sọ não. Không phải lần đầu, với anh, đúng không?”
“Tôi từng là dân đấm bốc chuyên nghiệp mà,” Geraci nói.
“Như vậy anh đã,” bác sĩ nói. “Và, nếu anh vui lòng tha lỗi cho tôi vì đã nói như thế, không làm tốt lắm.”
“Ông đã thấy tôi thượng đài?”
“Tôi chưa hề thấy anh trước đây trong đời tôi,” bác sĩ nói. “Dầu anh là ai thì anh đã lãnh một cú chấn thương sọ não sau cùng mà anh có thể lãnh mà không trở thành một kẻ thiểu năng trí tuệ ở mức độ đáng tội nghiệp nhất.”
“Như vậy là ông nói rằng hiện nay tôi không phải là kẻ thiểu năng trí tuệ đáng tội nghiệp? Một cái tin tuyệt vời! Hoan hô Bác sĩ!”
“Tôi chẳng nói điều gì quan trọng,” bác sĩ bảo. “Tuy nhiên tôi dám tuyên bố là khả năng chữa lành của anh chạm đến biên giới của cái phi thường.”
“Đó là nhờ cái gien của gia đình,” Geraci nói. “Bố tôi đã được nhận nghi lễ lâm tử sau khi bị tai nạn lúc lái thuyền cao tốc, ấy thế mà một tháng sau ông lại đi chơi bowling và suýt ghi điểm 300.”
“Đó là chưa kể lần ông bị bắn vào bụng vào ngày thứ năm vậy mà đến ngày thứ hai đầu tuần ông lại ngồi vào buồng lái, nắm vô - lăng xe tải như thường lệ. Thưa bác sĩ, ông có biết những trường hợp như thế không?
“Tôi chẳng biết về bất kì chuyện gì.” Bác sĩ nhún vai tỏ vẻ nhân nhượng. “Đừng lo ngại gì.” Ông dùng đầu bút gõ nhẹ vào cánh tay Geraci. “Tôi chỉ biết về y khoa thôi.”
Ông bảo Geraci đừng động đậy nhiều và đi ra.
Geraci ngửi được mùi bánh rán. Của hiệu Presti. Lại một phỏng đoán buồn cười khác. Ai có thể phân biệt mùi hương của tiệm bánh này khác với tiệm bánh kia thế nào? Ngay cả nếu anh ở đâu đó tại Cleveland, thì nơi chốn cuối cùng mà anh chờ đợi mình sẽ có mặt có lẽ là khu Little Italy. Hiển nhiên là thế. Nhưng mấy phút sau, Geraci nghe âm thanh của một người bước nặng nhọc lên bậc cầu thang. Cửa mở ra và Laughing Sal Narducci khập khiễng đi vào, tay giang ra, nắm lấy một túi lớn từ tiệm bánh... Presti! Anh chàng Geraci này quả là có cái mũi cực nhạy của loài chó săn thiện nghệ! “Cậu có thích hương vị quê nhà?” Narducci hỏi. “Nào, dùng tự nhiên đi.”