Bố già trở lại - Phần IV - Chương 14 - Phần 2

Nick Geraci làm theo.

Mấy người ở phòng kia kéo một chiếc ghế đến sau Laughing Sal và ông ta ngồi xuống. Ông giải thích mọi chuyện. Geraci đã được đem đến một căn hộ ở tầng ba trong khu Little Italy ở Cleveland, chỉ cách căn nhà chật hẹp nơi Geraci từng lớn lên có mấy dãy nhà. Không ai ngoài những người thân tín nhất của Don Forlenza biết Geraci ở đây. Ý tưởng hoàn toàn là của Don Forlanza, một quyết định đột xuất mà ông thực hiện vì ngại rằng ngay cả nếu như vụ rơi máy bay không phải là lỗi của ai đi nữa thì hoạc là tổ chức của ông, hoặc nghĩa tử của ông cũng có thể bị người ta nghi ngờ, trách móc. “Ta không đi thêu dệt với chú mày đâu,” Narducci bảo chàng, “nhưng nhiều người trong truyền thống chúng ta, nếu có một người bạn của họ bị đột quỵ tim mạch, thế là họ bắt đầu lên kế hoạch trả thù... Ông Trời!”

“Chú cứ nói thế, chú Sal. Chú biết Don Falcone đã phải ê mặt như thế nào trong cuộc chiến đấu đó.”

“Lão ta như thế nào à?” Narducci cười khà khà. “Đúng thế! Một quả đích đáng cho lão ngã lăn quay, bởi anh, một người đang ngồi, trong khi lão đang hùng hổ lao đến ta. Ấy thế mà rồi lão lại muối mặt cười cầu hòa. Kể ra cái đức chịu nhục của lão này cũng vào hàng thượng thặng đấy! Đáng tiếc là ông Trời lại bắt lão ta vắn số...”

Xin phục vụ ngài, Geraci nghĩ. “Ồ không, tôi muốn nói đến trận đấu quyền Anh kìa. Lão ta nằn nì tôi cứ bay dầu thời tiết xấu, vì cú cá độ ấy - ”

“Tay đấm mà lão bắt đã thắng trận đó, cậu có biết chuyện ấy không? Trong khi địch thủ của lão cá năm ăn một. Phải chi lão không chết vì tai nạn bữa đó thì ngày đó đã là ngày hên cho lão, vì lão cá đến một trăm ngàn đô mà. Và như thế, lẽ ra, lão đã bỏ túi được nửa triệu đô rồi mà không phải tốn giọt mồ hôi nào. Đáng tiếc cho lão!”

“Còn gia đình tôi,” Nick hỏi. “Vợ tôi và các con - ”

“Charlotte và các con anh đều ổn cả thôi Bố của anh vẫn... anh biết đấy. Ông cụ nằm một chỗ, không nói gì nhiều nhưng theo chỗ chúng tôi biết, thì cũng ổn.”

“Họ có biết rằng tôi ổn không?”

“Ổn sao?” Narducci lặp lại. “Tôi không biết nữa. Anh thấy mình ổn à?”

“Tôi sẽ ổn nhanh thôi, Geraci nói. “Một người hình như là bác sĩ đã nói rằng theo ý kiến chuyên môn của ông thì tôi không đến nỗi thành một... xác chết biết đi đâu!”

“Một xác chết biết đi, một tử thi còn động đậy,” Narducci lẩm bẩm. “Bọn bác sĩ thì biết đếch gì bí ẩn của chuyện này? Xem nào. Nói ta nghe coi. Điều gì đã xảy ra ở đó khiến anh la lên phá hoại?”

“Tôi không nói thế bao giờ.”

Narducci nháy mắt. “Ta cứ nghĩ là có lẽ anh đã nói thế đấy.”

“Ơ,” Geraci cố ý chơi tình vờ, giả bộ ngây thơ cụ. “Tôi chẳng nhớ được gì cả. Không một tí ti nào.”

“Không một tí ti nào? Trên sóng radio anh không hề la hét gì? Cho tháp không lưu? Và nơi đây đã rung chuông khẩn cấp. Anh không nhớ gì cả?”

“Không,” Geraci quyết định đóng kịch tới cùng.

“Không? Nghĩ kĩ lại xem.”

Geraci có ý nghĩ khá hay về lí do tại sao Narducci lại coi chuyện này thành vấn đề nghiêm trọng đến thế. Nếu giả như có âm mưu phá hoại, điều ấy sẽ có nghĩa là có ai đó, bằng cách nào đó, đã xâm nhập hòn đảo thuộc sở hữu riêng của Don Forlanza và làm chuyện ấy. Ngay cả nếu sau này kẻ đó lộ diện là ai đi nữa, và dầu ai đứng đằng sau vụ việc, thì Don Forlenza vẫn bị thiên hạ quy tội, dầu không chính thức mà chỉ là xầm xì, ngay cả là chỉ trong ý nghĩ, thì cũng sẽ tổn hại đến thanh danh ông rất nhiều.

Phải chăng là có âm mưu phá hoại? Quá nhiều chuyện đảo điên lộn xộn trong những giây phút cuối cùng đó. Geraci nghĩ rằng mình nhớ được mọi chuyện và tuy thế chàng vẫn không có ý tưởng thực sự nào về những gì đã xảy ra. Cũng không hẳn không phải là lỗi là hoàn toàn do chàng ta. Biết rằng máy bay sắp sửa rơi đã khiến cho chàng nói và làm nhiều việc quờ quạng, mất kiểm soát. Chàng đã hốt hoảng la toáng lên. Phá hoại. Tháp không lưu đã bảo Nói lại đi, nhưng anh không nói. Có lẽ là sai lầm khi vào thời điểm thập tử nhất sinh đó anh đã không tập trung tất cả tinh thần và sức lực để cố điều khiển máy bay trong mức độ tối đa có thể, mà anh lại nghĩ đến Charlotte và hai cô con gái yêu, đến những khuôn mặt vặn vẹo lại vì đau đớn khi họ tiếp nhận tin chẳng lành là anh đã chết. Ý nghĩ đó có lẽ không kéo dài đến vài giây, nhưng ai biết được? Có lẽ là vài giây cực kì quý giá mà nếu anh hoàn toàn dành cho việc điều khiển chiếc máy bay thì câu chuyện có thể sẽ khác đi? Anh có thể đã không thấy được đường băng hạ/cất cánh, nhưng anh đã biết là mình không còn xa bờ. Có vấn đề với chân trời giả tạo, nhưng có rất nhiều yếu tố có thể góp phần tạo nên hiện tượng đó. Những thiết bị đã chỉ ra cho anh nhiều điều trái ngược nhau, và anh đã đi đoong với những gì anh cảm nhận là đúng. Nếu anh buông thả cho những cảm nhận của mình, tay huấn luyện viên bay đã nói, chúng sẽ giết anh. Tay huấn luyện viên là một cựu phi công thử nghiệm. Thực tại, anh ta thuyết pháp, là tuyệt đối. Một phi công lão luyện không bao giờ lơ là về điều này. Geraci e rằng mình đã phạm lỗi đó.

“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh mà lại như một mớ bòng bong rối mù,” Geraci nói.

Narducci vẫn chờ đợi. Lão không chuyển động.

“Nếu tôi có nói điều gì về chuyện phá hoại - chuyện này thực ra tôi không nhớ, nhưng nếu như tôi nhớ - thì cũng chỉ là thoáng qua thôi. Hãy loại trừ khả năng này.” Geraci nghĩ là mình đã ăn hết cả hai chiếc bánh rán và ngạc nhiên thấy vẫn còn lại một miếng lớn. Chàng ta xơi hết luôn. “Những gì xảy ra quả là khủng khiếp, nhưng chẳng phải lỗi của ai.”

“Chẳng phải lỗi ai.” Narducci lặp lại câu ấy nhiều lần nữa, có vẻ bình thản. “Được rồi,” cuối cùng ông ta nói,“thế thì tốt. Tôi còn một câu hỏi nữa ngay đây.”

“Xin nghe”

“Hãy nói với ta về O’Malley. Ai biết rằng hắn là anh? Hay có thể hình dung ra? Đừng nên quên là trên thế giới này có lắm kẻ đoán mò mà may mắn lại trúng đấy nhé. Lắm kẻ còn khôn ranh, tinh ma hơn là bạn nghĩ đấy. Xin nhắc lại. Cứ nhẩn nha, chẳng đi đâu mà vội. Chỉ riêng ý nghĩ phải đi ngược trở lại tất cả những bậc thang đó...” Lão ta rùng mình.

Một danh sách ngắn thôi. Không ai khác ngoài Narducci, Forlenza, và những nhân vật chóp bu trong gia đình Corleone. Không có lí do nào để không kể ra. Nếu tất cả những gì Don Forlenza muốn làm là che đậy những dấu vết dính líu vào chuyện này của ông ta, thì Geraci có lẽ đã toi mạng lâu rồi. Vì chỉ có anh là nhân chứng duy nhất còn sống và biết được nhiều điều. Thế nhưng ông đâu có tuyệt tình với anh. Vậy thì nếu Forlenza và người của ông sắp giúp Geraci biện giải con đường của anh thoát khỏi cái mớ bòng bong này, ắt là họ cần những thông tin nào đó.

Trên một con đường hẹp ở Thượng New York thường được xe tải và xe kéo đi lại nhiều hơn, bỗng thấy một dòng bất thường và liên tục xe Cadillacs và xe Lincolns. Những sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục hướng dẫn chiếc xe của Clemenza đến một bãi cỏ ở phía sau một nông trang màu trắng có ốp ván nghiêng bên ngoài để bảo vệ tường nhà. Xét theo cái hàng dài những chiếc xe đồ sộ bóng lộn đang đậu có trật tự thứ lớp thì họ nằm trong số những người đến sau cùng. Nếu như Hagen vẫn còn là consigliere, Michael có lẽ sẽ nghe nói rằng Vito Corleone hẳn là trong số những người đầu tiên. Đó là một cách hành xử; cách của Michael lại khác. Ngay cả bố anh, trong những tháng cuối cùng còn có mặt trên đời, đã nhấn mạnh rằng Michael cần hành xử theo cách riêng của anh. Clemenza huýt sáo một bài dân ca xưa và không hỏi han gì, ngay cả là mình phải cuốc bộ bao xa.

Họ bước ra khỏi xe. Đằng sau nhà là một căn lều phục vụ. Gần đó, treo mình trên đống than hồng đỏ rực và xoay xoay trên một cái xiên nướng dài là một bác lợn đủ to để được phong cấp thành một anh hà mã vị thành niên!

Cả Michael lẫn Clemenza chưa từng bao giờ tham dự một cuộc họp mặt kiểu này, nhưng họ tiếp cận căn nhà như thể những người biết rõ mình chờ đợi điều gì. Michael tỏ ra khá tự tin là mình biết. nhưng anh cũng khá tự tin anh biết cái gì nên chờ đợi khi anh ngồi xổm trong chiếc xe kéo thủy bộ, ra khỏi bờ nước Peleliu, sẵn sàng đổ bộ lên bãi cát.

Ở đây là chuyện khác, anh tự nhủ. Chiến tranh đã ở lại sau lưng. Hòa bình đang chờ anh phía trước.

“Cứ mỗi mười năm, đúng thế không?” Clemenza vỗ vào đồng hồ đeo tay. Cử chỉ đó tạo cớ khoan miễn tốt cho ông dừng lại một lát và lấy lại nhịp thở khò khè. “Giống vòng quay đồng hồ.”

“Thực ra,” Michael nói, “chỉ mới tám năm.” Mặc dầu có bảo hiểm của Bocchicchio, anh vẫn thấy cây lại tưởng là người bắn tỉa hoặc là một người nào đó lẽ ra không nên có mặt ở đó. Một tâm trạng “kinh cung chi điểu” (con chim bị ná sợ cành cây cong).

“Vậy thì lần tới sẽ là mười hai. Từ đó lấy ra con số trung bình. Nào, vồ một miếng lớn từ con lợn khổng lồ kia đi.”

Michael cười. “Chú có chắc chú không muốn làm chuyện này thường xuyên?”

Clemenza lắc đầu và bắt đầu tản bộ trở lại. “A chi consiglia non vuole il capo.” Kẻ làm tư vấn thì không muốn làm chủ; một câu ngạn ngữ từ xưa. “Không khác gì Hagen hay Genco, chú chỉ là người hỗ trợ.”

Cửa sau mở ra. Họ được chào đón bởi cả một dàn đồng ca lời chào, như thể từ những người bạn tại một buổi party. Với một cái liếc mắt nhanh về phía sau nhìn vào con lợn quay, Clemenza vỗ tay lên vai Michael và theo anh vào bên trong.

Nick Geraci trải qua mấy tuần lễ trong căn hộ màu vàng chanh đó, mỗi sáng thức giấc nghe mùi thơm của bánh rán và âm thanh của những phụ nữ đi dép nhựa, lầm bầm tiếng Ý và tản ra trong tư thế khom khom. Charlotte và hai cô con gái nhỏ vẫn bình an, anh được an tâm về mặt ấy, và biết rằng mình đang hồi phục tốt. Anh được cho biết rằng Vincent Forlenza và Michael Corleone đang làm mọi chuyện trong khả năng của họ để thương lượng dàn xếp đưa anh về nhà an toàn. Hiếm có ngày nào trôi qua mà không có người nói với anh là anh đã may mắn biết bao khi có được hai bề trên, một nghĩa phụ và một ông chủ, cả hai đều yêu thương, lo lắng cho anh.

Trong suốt thời gian đó Geraci không hề biết được tên của vị bác sĩ già hay việc ông ta đã chịu ơn Don Forlenza như thế nào. Chắc hẳn là một điều gì đó rất lớn lao. Để chuẩn bị cái thi thể sẽ được phát hiện nơi khe núi do dòng sông mang tấp vào, ông bác sĩ đã đứng đó, bên một tấm bảng với nhiều biểu đồ, và chỉ bảo người của Forlenza trong lúc họ mang đến một tử thi nào đó có kích cỡ như Geraci và tạo ra những tổn thương gần giống với những tổn thương trên người Geraci. Bác sĩ tự tay khâu những vết thương, phỏng theo cách khâu vá các vết thương trên người Geraci của phòng cấp cứu. Geraci không bao giờ phát hiện được cái tử thi kia đến từ đâu. Câu hỏi duy nhất anh đặt ra, vào cái ngày họ đưa anh ra khỏi nơi đấy và gửi anh đến Arizona để gặp gia đình, là họ có biết rằng những con chuột sẽ ăn cái tử thi nhiều đến thế hay không và nếu có, thì làm thế nào họ biết được. Khuôn mặt đã được hủy hoại có phương pháp, anh nghe nói thế, và những con chuột sống bên trong cái tử thi mục rửa. Có phải tự nhiên điều đó xảy ra khi người ta vất một cái xác gần bên sông? Hay là họ tự tay làm thế cho chắc ăn?

“Có gì khác đâu nào?” Laughing Sal hỏi, ngồi sau anh trong chiếc xe tang mà họ dùng để đưa anh đến nhà ga xe lửa.

Geraci nhún vai. “Biết để biết thôi mà.”

“Đấy, chú mày lại thế!” Narducci nói, gật đầu. “Cái khía cạnh học trò mà chú mày ưa diễn xuất đó cũng không tệ.”

“Ờ, một cái gì đại khái như thế.”

“Ta dám cá rằng có những người chẳng mê đắm gì lắm cái khía cạnh đó đâu.”

“Những người,” Geraci nhất trí. “Ta dám cá.”

Anh học theo cách mà Narducci vận dụng lối “tiếng vọng và yên lặng” (echolalia và

silence). Anh sao y bản chánh lối nói đó. Người ta chẳng bao giờ nhận ra mình. Ngay cả trong một sàn đấu quyền Anh bạn có thể hạ “nốc - ao” đối thủ bằng chiêu này.

“May rủi vẫn hiện diện,” cuối cùng Narducci lên tiếng trở lại, “song thiên nhiên vẫn đi theo lộ trình của nó. Nhưng giống như nhiều chuyện trong đó may rủi tạo thuận lợi cho người nào đó, chú mày vẫn muốn chắc cú.”

Dầu đường đến Arizona có bao xa đi nữa, Geraci cũng từ chối ngồi máy bay, ngay cả trong một chiếc máy bay y tế sang trọng đến mức chỉn chu với một dàn máy hi - fi và một cô điều dưỡng duyên dáng, dễ thương mà muốn thương cũng dễ. Không máy bay máy lượn gì nữa, không bao “vờ”! Một lần là cạch đến già! Và do vậy, họ đành phải gửi anh về nhà trong một chiếc quan tài, đút vào trong xe tải đi đến cùng chỗ nhà táng mà anh từng đi đến trong mùa hè năm đó, sau khi mẹ anh qua đời.

Song những thời điểm duy nhất của cuộc hành trình mà Geraci thực sự phải nằm bên trong quan tài là lúc lên hàng và lúc xuống hàng. Khi lên xe rồi, với bốn quan tài khác và một cây đàn pano được đóng thùng, anh có thể ra ngoài, đọc sách báo giải trí, thư giãn, chơi bài với hai người theo chăm sóc anh, và xài mọi thứ họ có. Anh cũng hơi áy náy là mình thì có chỗ để ngủ nghỉ còn họ thì không, phải ngồi suốt lộ trình. Anh gợi ý là họ lấy hai cái thây ma ra, ghép đôi vào hai quan tài kia, và như thế họ có được hai quan tài trống để ngã lưng. Nhưng họ thà ngủ ngồi chứ không tự nguyện vào nằm trong quan tài. Làm như thế dễ “có huông” lắm! Như một cử chỉ thiện chí anh tặng cho họ một phần tiền mà nghĩa phụ Forlenza đã cho anh làm lộ phí một cách rất hào phóng và hậu hĩ, nhưng dĩ nhiên là họ từ chối, đâu dám nhận vì đã có lệnh rồi. Mấy chàng trai Cleveland này có khuôn phép đấy, tốt.

Khi xe lửa về đến ga Tucson, anh nói lời từ biệt với hai chàng kia và tự tay đóng nắp quan tài lại. Hai ngày nằm trong cái của nợ chết tiệt này, và chiếc gối nhung đã bốc mùi hôi thối muốn phát ói! Khuôn mặt sắp tới mà anh sẽ nhìn thấy có thể hoặc là của Charlotte vợ yêu, như anh đã được bảo thế, hoặc có thể là một tên chó đéo thối tha nào đó sắp sửa cho anh đi chầu ông bà ông vải.

Anh nằm trong bóng tối, hoàn toàn yên tĩnh. Chẳng mấy chốc anh nghe mấy người nói tiếng Tây ban Nha và cảm nhận những bàn tay móc vào mấy cái núm, dỡ nắp quan tài lên. Rất nhiều giằng xóc và va chạm vào tường cho đến khi Geraci nghe ai đó nói “Hãy cẩn thận!” bằng tiếng Anh và một lát sau anh chạm nền đất, mạnh đến nỗi làm anh phải “lấy gió trong người anh ra” thành... một phát trung tiện khá to. Mấy anh chàng Mễ phá ra cười ồ.Geraci đặt tay lên tim ép xuống cho nó bớt đập mạnh. Như vậy có lẽ khuôn mặt anh sắp nhìn thấy sẽ không phải là của Charlotte cũng không phải của một sát thủ.

Mấy người đó tiếp tục cười đùa, chửi thề lẫn nhau loạn xạ bằng một thứ ngôn ngữ pha tạp giữa tiếng Anh và tiếng Tây ban nha. Họ nâng quan tài lên. Nhịp tim và nhịp thở của Geraci trở lại gần như bình thường. Anh cũng bị va chạm mạnh vào đầu mà lúc đó anh mới nhận ra. Ngay lập tức họ lại tuồn anh vào một cái gì đó có lẽ là một chiếc xe tang khác.

Michael Corleone đã nhắn lời rằng ông ấy không phiền trách gì Geraci về vụ rơi máy bay và rằng sau tất cả những công việc nặng nhọc mà Geraci đã đảm trách trong mấy tháng qua anh xứng đáng được hưởng vài tháng an dưỡng với gia đình tại một khu nghĩ dưỡng thích hợp. Anh đã được bảo đảm rằng mọi chuyện diễn biến tốt, rằng sẽ không có ai tìm kiếm anh, quấy rầy anh. Phải bí mật đưa anh ra khỏi Cleveland như thế này chính là một biện pháp “cẩn tắc vô ưu”, lo xa để không phải bị phiền gần, một tính toán rất dụng công nhằm đánh lạc hướng bọn cớm và những kẻ đoán mò may mắn.

Có lẽ mọi điều ấy đều thật. Nhưng cũng có thể đó chính là loại trấn an mà một nạn nhân được cho uống nước đường trước khi được giải phẫu chỉnh hình để cắt tỉa bớt một vài bộ phận không cần thiết lắm như tim, gan, phổi chẳng hạn!

Vả chăng, dầu cho Geraci có lẽ sẽ chẳng bao giờ thích Michael Corleone, nhưng anh thực sự ngưỡng mộ ông ta. Nhìn toàn cảnh trong giới hắc đạo giang hồ, Michael Corleone quả đúng là trí dũng song toàn, là con đại bàng lược thao hiếm thấy và giấc mộng xưng bá đồ vương gồm thâu lục quốc của ông không phải là hoàn toàn không có cơ sở, không hẳn là hoàn toàn không có tính khả thi. Chỉ có điều... mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, muốn biết kết cục thế nào, xin xem... đến dòng cuối sẽ rõ!

Geraci tin ông ta. Michael có lẽ sẽ cứu Geraci dầu cho chẳng vì lí do nào khác hơn là ông ta cần anh. Ông ta cần lòng trung thành, tài năng kiếm tiền của anh, trí thông minh của anh. Michael muốn biến đổi một tổ chức gồm những tên tội phạm gốc nông dân chỉ biết dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề thành một đại doanh nghiệp có chỗ đứng hợp pháp trong cái mưu đồ cờ bạc hợp pháp vĩ đại nhất từng được phát minh ra - Thị trường Chứng khoán New York. Nếu ông sắp thành công, thì chắc chắn ông không thể phí phạm để mất một người như Geraci. Xét trong tổng sơ đồ mọi sự, Geraci biết, mình chỉ là một tiện dân đến từ Cleveland, một kẻ đấu tranh biết giành phần nào của mình, làm việc năng nổ, cật lực, chịu khó đi học thêm lớp đêm, và có được chút thành công trong tư cách một luật sư tập sự và một doanh nhân. Chưa có gì đáng kể so với những “cây đa cây đề” nhưng nếu làm một phép “đối chiếu tỉ giảo” với những tên óc đất sét, chỉ biết làm thiên lôi sai đâu đánh đó trong cái thế giới ngầm này thì quả thật Fausto Geraci Jr. này xứng đáng được coi là... Albert Einstein cũng không có gì quá đáng!

Song dầu thế, Geraci đã phạm những sai lầm. Lẽ ra anh nên giữ vững lập trường trước Falcone và từ chối bay trong điều kiện thời tiết như thế. Lẽ ra anh không nên nói rằng anh nghĩ máy bay đã bị phá hoại khi anh thực sự cũng không có ý tưởng nào. Máy bay rơi, chuyện đã đủ tồi tệ rồi. Hẳn nhiên anh không nên bơi quá xa khỏi hiện trường vụ tai nạn đến thế làm như thể mình có tội hay sao ấy. Những sai lầm đã thu hẹp những chọn lựa của anh. Anh không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chơi những con bài còn lại trên tay theo cách ranh ma nhất để đạt hiệu quả tối ưu trong chừng mực cho phép.

Đây có thể là một phương cách rất dụng công tỉ mỉ để thủ tiêu anh dầu là khó loại trừ khả năng. Anh đã từng nghe những vụ dụng công nhiều hơn. Anh cũng đã tham dự vào một vụ còn dụng công tỉ mỉ hơn.

Khi bị buộc phải giết Tessio, Geraci đã giận Michael đến độ không thể nào còn giận hơn được nữa. Nhưng từ lúc đi xa khỏi nấm mồ lộ thiên của Tessio cho đến lộ trình từ chuyến xe lửa đến bất kì nơi nào anh thực sự đi đến, Geraci thực sự không dành cho nó tư tưởng nào khác.

Chiếc xe tang dừng lại. Anh được “xuống hàng”bởi những người không nói tiếng nào, điều này coi bộ không phải là một dấu hiệu tốt lành.

Đầu Geraci choáng váng vì bị va đập mạnh. Anh thở khó khăn. Không phải vì quan tài không có lỗ thông hơi. Chắc anh sắp chết mất vì sợ hãi, lo lắng làm cho ngạt thở. Chắc là đám người này đến để nện cho anh một trận nhừ đòn trước khi cho thưởng thức những thực đơn rùng rợn khác. Chư vị thánh thần ôi, ai sẽ cứu con đây, để con còn cơ hội thấy mặt vợ con? Nghĩ đến vợ con bỗng giúp anh định thần, cố gắng làm đúng theo lời dặn, nằm yên bên trong với nắp quan tài đậy kín cho đến khi Charlotte đến nhận anh.

Mấy người nọ khiêng anh qua nền xi - măng và đặt anh xuống trên cái gì đó, cũng là xi - măng, anh chắc thế. Đây rất có thể là phòng sau của Công ty Mai táng Anh em nhà Di Nardo. Đêm anh ta giết Tessio thì cái lò thiêu nơi họ lấy mấy cái đầu được cưa rời ra cũng có nền xi - măng thì phải?

Đây cũng có thể là một nhà kho, hay một garage nhỏ của ai đó. Bất kì thứ gì.

Anh nghe cánh cửa mở ra. Đôi giày đế cao su của ai đó lướt nhẹ khi đến gần anh. Một nền xi - măng bóng. Anh nín thở.

Nắp quan tài mở ra.

Khuôn mặt của... Charlotte!

Anh ngồi bật dậy và cảm nhận khí oxy lùa xuyên qua người mình, gây tê tê, ngứa ran khi chạm vào tay chân anh.Anh có thể cảm nhận không khí chạy lên từ chân đến đầu. Charlotte trông rám nắng và có vẻ vui. “Trông anh khỏe lắm!” cô nói. Cô có vẻ thành thật. Cô không phản ứng gì với cái ôm của anh. Khá lâu. Chỉ khi đó anh mới để ý Barb và Bev đứng bên nhau dựa vào tường sau có ốp váng, vẻ sợ hãi, giữ một cặp nạng cao ngang ngực, dành sẵn cho anh.

Charlotte hôn nhanh lên môi anh. Dường như nàng đang bận tâm điều gì đó. Geraci không ngửi thấy mùi rượu mùi. “Chúc mừng trở về nhà”

“Cám ơn,” anh nói. Ờ, không phải nhà, nhưng anh biết nàng có ý chỉ gì. Bên trên đang cử hành tang lễ. Lời thánh ca rầm rì. Lời kinh và lời cầu nguyện. “Trở về, thật là tuyệt. Em thế nào?”

Geraci giang đôi cánh tay về phía hai cô con gái. Chúng gật đầu chào anh nhưng vẫn đứng yên tại chỗ.

“Bận rộn lắm,” Charlotte nói. “Nhưng ổn.” Nhẹ nhàng, nàng chạm tay vào cái gút trên đầu chàng.

Barb được mười một tuổi; Bev vừa lên chín. Barb là một bản sao tóc vàng nhỏ của Charlotte. Bev là một cô gái tóc đen to lớn, cao nhất trong lớp (kể cả con trai), và cao hơn chị mình đến hai inches, dầu cô chị cũng khá cao.

“Hai đứa được đi xem cảnh quay phim trong sa mạc và kể từ ngày ấy đến giờ, chúng cứ bàn tán suốt về chuyện đó,” Charlotte nói, vẫy tay cho các con tiến về phía quan tài. “Nào, lại đây, các con. Nói chuyện với bố đi.”

Bev chỉ tay về phía bố. “Thấy chưa?” cô bé nói với chị. “Chị thấy không? Em đã nói với chị là bố không chết mà.”

“Chưa, có lẽ,” Barb nói. “Nhưng rồi cũng sẽ...”

Geraci ra hiệu cho Charlotte giúp anh trèo ra nhưng nàng không nhận thấy.

“Bố sẽ không bao giờ chết,” Bev nói.

“Em khờ quá,” Barb nói. “Ai rồi cũng phải chết, một ngày nào đó.”

“Này, các con,” Charlotte bảo. “Ngoan nào.”

Làm như thể nàng không hề thấy ra cái vẻ kì lạ nơi màn cảnh này: bôn ba từ hai ngàn dặm đến đây, phía sau một nhà tang lễ để nhận lại người chồng mất tích của mình từ một chiếc quan tài, nhưng vẫn còn sống nhăn! Bên trên, chiếc đàn organ, không hiểu vì lí do nào, có mà Trời biết, bắt đầu chơi bài “Yes, Sir, That’s My Baby.”

“Bố rồi cũng sẽ chết,” Barb tái khẳng định. “Mọi người đều phải thế.”

“Nhưng bố thì không,” Bev xác định. “Bố đã hứa như thế, đúng không, Bố?”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay