Bố già trở lại - Phần IV - Chương 14 - Phần 4

Đó là cái giá mà một người phải trả để nói sự thật. Không có gì. Fausto Geraci là một kẻ cả đời chẳng làm được cái quái gì tốt đẹp ngoại trừ cho hai cháu mình và một người đàn bà Mễ sống trong một chiếc xe moóc và hầu như chẳng biết tí gì về ông. Và giờ đây những đứa cháu gái của ông cũng ra đi. Ông tự tay lái xe đưa chúng đến nhà ga và tiễn chúng mà lòng nặng trĩu. Thằng con ông và người đàn bà kia không thèm ngoái đầu nhìn lại, và đứa cháu gái lớn cũng không. Nhưng con bé Bev quay nhìn quanh, thẳng vai lên, ngướng cỗ ra và hôn gió ông nội với một nụ cười thiên thần. Cháu nên cười nhiều hơn nữa, Bev cưng quý của ông.

Chuyến đi đến nhà ga đã làm ông lỡ hẹn bữa ăn trưa với Conchita. Ông cũng hết hứng với việc chạy một vòng vào sa mạc. Ông về căn nhà trống vắng của mình. Ông có thể đơn độc bất cứ ở đâu nhưng ông đã quen với khoảng sân kia rồi. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, ông nghĩ, trước khi Conchita cũng biến đi như làn khói. Fausto Geraci nhìn vào hồ bơi. Thêm một điếu Cheterfield King, có thể là hai - tối đa là ba - và sau đó ta sẽ rút hết nước khỏi cái hồ trời đánh kia.

Những người viết tiểu sử và những ai quan tâm đến lịch sử Mafia ở Hoa Kì thường lưu ý rằng mọi quyết định táo bạo trong những năm hình thành nhân cách của Michael Corleone được đưa ra trong thế đối nghịch lại bố anh. Như chuyện nhập ngũ Thủy quân Lục chiến. Lấy một cô gái như Kay Adams làm vợ. Nhúng tay vào công việc của gia đình trong khi Vito Corleone còn đang hôn mê và không thể ngăn cản chuyện đó. Lao vào việc buôn bán ma túy. Vài nguồn khác còn gợi ý rằng Michael Corleone đã dùng cái chết của ông bố như một cái cớ để phát động chiến tranh với hai Gia đình Barzinis và Tattaglias sớm hơn theo dự định của Vito Corleone.

Sự phá vỡ đầu tiên mô thức này có lẽ là quyết định của Michael để cho Nick Geraci được phép... tiếp tục sống. Dầu người ta có thể nói gì đi nữa về những hậu quả của quyết định này, thì đó cũng chính là quyết định mà bố anh có lẽ cũng làm thế, vì bốn lí do.

Trước tiên, việc phong cho Geraci chức capo chỉ huy regime trước đây thuộc quyền Tessio đã, như Michael mong đợi, làm lắng xuống mọi hiềm oán về cuộc hành quyết Tessio, tuy là chuyện chẳng hay ho gì nhưng tất yếu phải thế. Geraci quen thuộc với dân đường phố, những người này chẳng có ý niệm nào về chuyện anh ta mang tên O’ Malley, họ chỉ nghĩ rằng anh ta đến Tucson để mở ra những chuyện làm ăn mới, điều mà Geraci thực sự cũng có làm. Gia đình Corleone quản lí một số những tay cho vay nặng lãi, có một quán bar và quán thịt nướng nơi đó, nắm được một đại úy cảnh sát và thọc tay vào một nguồn marijuana được một cựu tổng thống Mexico bảo kê.

Thứ nhì là, mọi lí do để cảnh giác về Geraci đã được giảm nhẹ hay được loại trừ. Ngay cả Chicago, Los Angeles hay San Francisco không bao giờ gửi người đến để giết anh ta, anh ta cũng vẫn e dè về chuyện đó, điều này sẽ kìm hãm bớt tính hiếu chiến của anh ta. Anh ta dường như biết ơn thành thực và sâu xa đối với Michael đã bảo vệ anh ta sau cái trò nguy hiểm bắt cóc lố lăng của Forlenza, đưa anh ta về Tucson và sắp đặt cho anh ta trở về New York. Và giờ đây khi Narducci sắp sửa nắm quyền ở Cleveland, những quan hệ của Geraci với Forlenza cũng không mấy quan trọng.

Thứ ba là, Geraci là tay kiếm tiền cừ khôiDường như hắn có ngón tay chỉ đá hóa vàng.

Thứ tư là, Michael Corleone cần hòa bình. Tổ chức của anh ta không phải là Binh chủng Thủy quân Lục chiến Mỹ. Anh ta không có đủ người, nhất là không đủ người thiện chiến để tiến hành chiến tranh vô thời hạn. Để cho Geraci sống sẽ giúp cho Michael củng cố cảm tưởng rằng Louie Russo là kẻ đáng nguyền rủa về vụ rớt máy bay, một yếu tố chủ chốt cho hiệp thương hòa bình được chính thức hóa tại cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên đó ở Thượng New York.

Vậy tại sao còn cần đến một hội nghị thứ nhì? Tại sao còn phải tổ chức những hội nghị kiểu đó hàng năm? Và tại sao cứ phải tổ chức tại cùng một địa điểm.

Những người đến tham dự lần đầu trong căn nhà nông trại màu trắng đó chắc hẳn không có lí do bắt buộc nào để nhất trí là sẽ gặp lại tại đó vào năm sau (và, thực vậy, cuộc gặp gỡ năm 1957, xét về mọi khía cạnh, chỉ là một sự kiện thông lệ, hầu như chắc chắn là không thực sự cần thiết, chỉ là một cước chú lịch sử - a historical footnote - cho cuộc gặp gỡ năm 1956 và cuộc gặp gỡ định mệnh vào mùa xuân năm 1958). Những vấn đề mà họ đến để thảo luận và giải quyết, đã được thảo luận và giải quyết. Nền hòa bình được thỏa thuận vào ngày đó có tính lịch sử và lâu dài; cho đến hôm nay, chưa có một cuộc bùng nổ bạo lực nào giữa các Gia đình so với cuộc chiến 1955 - 1956 (hay với hai cuộc chiến trước đó, Cuộc Chiến Giữa Năm Gia Đình trong thập niên 1940s và Cuộc Chiến Castellamarese năm 1933). Chưa có tiền lệ nào để lên lịch cho một cuộc gặp gỡ như thế; mọi hội nghị thượng đỉnh trước đó chỉ được triệu tập nhằm trả lời trực tiếp cho những vấn đề đang tồn tại.

Quyết định triệu tập những hội nghị này hàng năm được tán thành không phải tại hội nghị năm 1956 nhưng là chẳng bao lâu sau đó. Không có điều gì trong quyết định đó đã xảy ra nếu không vì ngẫu nhiên mà ngày hôm đó thời tiết lại vào lúc giao mùa và, hơn thế, bởi con lợn khổng lồ kia.

Michael đã có ý rời đi ngay sau khi mọi chuyện đã xong xuôi. Nhưng trong nhiều giờ, các cửa sổ đã được mở. Trong nhiều giờ liên tục, mùi thơm từ con lợn quay đã lan tỏa vào trong phòng tạo hiệu ứng ma thuật khiến người ta thèm rỏ dãi. Clemenza - giống như hầu hết mọi người khác ở đó - không phải là loại người đi qua một lộ trình dài mà không có miếng gì bỏ bụng. Mùi bánh mì nướng tỏi đủ ngon để khiến người lớn cũng... khóc vì thèm, ngay cả những người lớn rất đặc thù này! Thế mà đây còn là loại bánh mì thượng hảo hạng vừa mới ra lò còn nóng hổi nữa! Chỉ cần chấm xì dầu ớt tỏi cũng đủ mê rồi huống hồ là còn được ngốn ngấu với thịt heo quay thơm lừng, béo ngậy rồi làm vài cốc rượu vang Bordeaux Pháp ướp lạnh nữa thì cứ gọi là lâng lâng! Vừa hay khi nên trời cũng chiều người: hóa ra hôm đó lại là ngày lập xuân, thời tiết lại chuyển qua ấm áp một cách ôn hòa, dễ chịu. Cảnh ấy tình này ai nỡ lòng nào bỏ đi cho đành, nhất là khi bụng đã đói meo sau mấy giờ bàn bạc thương nghị?

Thế mà, bỗng dưng Michael Corleone cảm nhận một bàn tay lạnh ngắt chạm vào sau gáy anh. Ai mà giỡn nhột ghê! Dễ được xơi một cú cùi chỏ cho phù mỏ quá!

“Tớ không xơi được thịt nợn,” một giọng the thé cất lên, chỉ thấp hơn giọng con bé ba tuổi của Michael một tí. Hóa ra là “Ngài Mặt Đéo” Louie Russo. “Cũng thèm lắm nhưng mà không thể ăn được. Máu nhiễm mỡ. Ăn thịt nợn vào là tim làm biếng đập ngay,” y lấy tay đập đập vào ngực. “Này, xin được một lời riêng với anh, trước khi tớ đi, mong anh không phiền?”

Họ cùng tản bộ qua sân cỏ trong lúc mấy người kia lục tục vào căn lều để đánh chén. Tay quân sư quạt mo(consigliere) của Russo lo đi lấy xe.

“Tớ đã không muốn nói điều này lúc ở trong phòng họp. Tớ là người mới. Người mới phải biết yên lặng và lắng nghe.”

Michael gật đầu. Russo thực ra cũng nói nhiều lắm tại bàn hội nghị.

“Tớ không được ăn học nhiều như anh,” lão ta nói bằng cái giọng cao the thé, kì quặc của mình,” và tớ hơi lơ mơ về đôi điều. Khi anh nói đến đoạn cuối về chuyện thay đổi, anh làm tớ thực sự bối rối đấy.”

“Tôi không hề quan tâm việc bảo ban người khác nên quản lí công việc của họ như thế nào. Nhưng sẽ đến một lúc mà người khác sẽ nắm quyền kiểm soát tội ác đường phố, theo cách mà người Ý đã giành lấy từ tay người Ái Nhĩ Lan hay người Do Thái. Hãy nhìn bọn da đen kìa; ở một vài đô thị quyền lực bọn chúng đang lớn lên từng ngày.”

“Không phải ở Chicago.”

“Trong bất kì trường hợp nào, tôi thấy chẳng được gì nếu chúng ta tích lũy được tiến bạc, của cải, quyền lực lớn hơn nếu chúng ta không chuyển được quyền lực và của cải đó từ bóng tối ra ánh sáng. Và đấy là điều tôi dự định làm.”

Có tiếng cười vọng lại từ bóng đêm vừa buông xuống. Ngồi trên một hòn đá lớn kế bên chiếc lều, Pete Clemenza và Joe Zaluchi, trở thành thông gia qua đám cưới giữa hai đứa con họ, đang chuyện trò bù khú với nhau có vẻ tương đắc lắm.

“Anh lại làm tôi bối rối với bóng tối và ánh sáng đấy.” Russo nói.

Michael bắt đầu giải thích.

“Không, không, không,” Russo xổ liền một tràng phủ định ba tiếng. “Xin đừng nói với tớ cứ như thể tớ là thằng ngu vậy.”

Michael chẳng biện hộ hay công nhận sự bùng nổ nho nhỏ của cơn bực bội kia, vốn có vẻ xúc phạm nơi một Ông Trùm, cho dầu là một kẻ đến từ Chicago.

“Tớ xin nói với anh như thế này,” Russo nói. “Anh nói về chuyện bằng cách nào một ngày kia con cái chúng ta có thể trở thành đại biểu quốc hội, thượng nghị sĩ, hay ngay cả là thống đốc, tổng thống, mà chúng ta vẫn có những người ấy trên bảng lương của chúng ta.”

“Tổng thống thì không bao giờ,” Michael nói, nghĩ đến Ngài Đại sứ và nghĩ chưa.

“Chưa,” Russo nói. “Đừng nhìn tớ như thế. Tớ biết anh đã nói chuyện với Mickey Shea. Anh nghĩ anh là người duy nhất mà lão ấy thương lượng với hay sao?”

Nhiều Ông Trùm khác đang nhìn đường đi của họ. Michael đâu muốn có ai đó nghĩ rằng mình đang mưu đồ điều gì. “Chúng ta nên trở lại,” anh nói.

“Tớ không quay lại, xin anh nhớ cho?” Russo nói. “Tớ đang đi. Nhìn này, tất cả những gì mà tớ cố gắng nói ra đó là, ít ra là ở Chicago, chúng tớ chọn những người chúng tớ muốn, và một khi họ an vị rồi thì chúng tớ sẽ lấy lại từ họ những gì chúng tớ muốn lấy ra từ họ. Ngay cả những kẻ mà chúng tớ không kiểm soát được, cũng được kiểm soát bởi ai đó.”

Đừng nói với tớ cứ như thể tớ là thằng ngu. Michael Corleone nghĩ nhưng đếch nói.

“Như vậy, tại sao,” Russo nói, “chúng ta lại mong ước điều này cho con cái chúng ta? Tại sao chúng ta muốn chúng trở thành những con bù nhìn? Chúng ta chẳng ngây thơ, anh biết mà, không ai trong chúng ta ngây thơ cả, thế mà vẫn có một số người trong chúng ta vẫn ôm giấc mộng lớn nhưng cũng thật hão huyền đó. Tớ không hiểu nổi. Tớ chẳng hiểu một li ông cụ nào, nói thật đấy.”

Mấy người ở dưới căn lều đang gọi họ.

Michael mỉm cười. “Không ai vượt quá sự kiểm soát của những người khác cả, Don Russo à. Kể cả chúng ta cũng không.”

“Chỉ muốn nói phần mình thôi,” Russo nói. “Ô, vả chăng - ”

“Hey, Mike!” Clemenza gọi. “Khi anh gặp vận may, chúng tôi cần anh đôi việc.”

“Sao ạ?” Michael quay sang Russo, tỏ ý sẵn sàng nghe tiếp điều lão đang nói nhưng bị cắt đứt nửa chừng bởi tiếng gọi của Clemenza.

“Nhanh thôi,” Russo nói. “Tớ muốn làm sạch không khí và làm sáng tỏ hành vi của mình. Tớ chắc rằng anh biết là Capone gửi người anh em tớ, Willie và một tay khác nữa đến giúp Maranzano trong lúc khó khăn, và trở về khi ông ấy và bố anh đã giải quyết được cơn khủng hoảng.”

Vậy ra đây chính là điều cốt lõi mà cuộc tản bộ mạn đàm này nhắm tới.

“Tôi đã được nghe thân phụ nói về chuyện đó rồi, Don Russo à, ông cứ an tâm,” Michael nói. “Giữa chúng ta không có gì vướng mắc về chuyện đó đâu.”

“Tớ nguyền rủa Capone. Tớ muốn anh biết điều đó. Đâu phải chuyện của lão ta, những gì xảy ra ở New York. “Russo đưa bàn tay mềm và nhỏ nhắn ra.” Bố anh đã làm điều mà ông ấy phải làm thôi.”

Michael chấp nhận cái bắt tay, vốn trở thành một cái ôm, được đóng dấu bởi một cái hôn, và Don Russo ngồi vào xe mình, đang đợi lão ta từ nãy giờ.

“Don Russo đi đâu vậy?” Clemenza hỏi khi Michael quay trở lại căn lều. Pete khó chịu muốn chết khi không thể gọi Russo kèm theo cái hỗn danh “Lão Mặt Đéo” trước mặt các Ông Trùm khác.

“Lão không thể ăn thịt heo,” Michael nói.

“Tôi nghĩ Winnie Forlenza là người Do Thái làm tin của chúng ta,” Zaluchi nói.

“Đủ rồi đấy!” Forlenza hét lên từ chiếc xe lăn. “Nếu không có những tên Do Thái mà ta gửi đến Las Vegas thì phần lớn các anh sẽ chẳng có xu nào để tiêu xài đâu.”

“Chúng tôi còn có nhiều hơn là chúng làm ra cho chúng tôi,” Sammy Drago, Ông Trùm của Tampa phản pháo, “nếu chúng tôi có được một hào mỗi lần chúng tôi phải nghe ông kể lể công đức của ông và người của ông đối với chúng tôi.”

Forlenza xua tay tỏ vẻ ghê tởm. “Này, Joe. Anh kêu gọi một cuộc đầu phiếu, vậy thì chúng ta bỏ phiếu đi.”

Hài lòng với món barbecue (nướng ăn tại chỗ) và có được bạn tâm giao, Pete Clemenza nêu ý kiến là họ nên tổ chức chuyện này hàng năm, và Joe Zaluchi nâng một bên kính mắt lên tỏ ý tán thành và đề xuất cuộc bỏ phiếu sau khi họp. Tất cả, trừ một người trong số các thành viên của Ủy ban vẫn còn hiện diện tại đó. Cuộc bỏ phiếu đạt kết quả đồng thuận tuyệt đối.

Không lâu trước khi quay về lại New York, Nick Geraci gặp Fredo Corleone trong một phòng quay đang dựng cảnh cho phim Ambush at Durango. Cảnh trông khá thực nếu bạn đừng nhìn vào nhưng dây cáp và những lối đi men (catwalks). Fredo có một vai diễn trong phim nhưng chưa thay trang phục diễn. Họ ngồi ở một cái bàn gần cửa ra vào. Họ là những người duy nhất ở đó. Bên ngoài, giám đốc sản xuất, một người Đức với kính một mắt, la lối người nào đóvì ông ta không thích màu sắc và tạo dáng của bùn.

“Anh thấy cái thứ rác rưởi này chưa?” Fredo nói, ném tờ báo buổi sáng lên bàn. BÀ HOÀNG ĐIỆN ẢNH ĐI HƯỞNG TUẦN TRĂNG MẬT Ở ĐÂY VỚI ANH CHỒNG CÔN ĐỒ, đó là cái tít giật gân của bài báo. Hai đoạn đầu có những câu trích vô hại từ Deanna Dunn. Đoạn thứ ba nêu ra rằng Fredo cũng tham gia diễn xuất, “bắt đầu sự nghiệp điện ảnh như một tên vô lại.” Sau đó câu chuyện là một mớ pha trôn tạp nham đầy những tin cũ, qua nhiều năm, đã từng xuất hiện trên báo chí ở New York và được cho thêm tiêu hành ớt tỏi với những cụm từ được cho là như thế, người ta xầm xì rằng, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng được độ tin cậy... làm như anh nhà báo này có lương tâm nghề nghiệp lắm lắm, không xác định điều gì mà mình chưa kiểm tra chắc chắn, nhưng thực ra đó chỉ là mánh khóe câu khách, khêu gợi óc tò mò của người đọc bởi những tờ báo lá cải chuyên nghiệp. Tuy vậy nó lại được kèm theo những hình ảnh có thực. Fredo giận tím mặt khi nhìn thấy bức ảnh chụp anh đang ngồi thu mình ngay sau khi Vito bị bắn, trố mắt ra nhìn thay vì cố tìm cách cứu mạng sống ông già. “Tôi đâu đóng vai tên vô lại,” Fredo nói. “Tôi bắt tên vô lại lừa đảo mà.”

“Có gì quan trọng?” Geraci nói. “Nếu anh gọi cho báo hoặc trực tiếp đến tòa soạn phân trần, thì sau đó họ lại sẽ thực sự có một câu chuyện. Nó sẽ làm cho mọi chuyện rối mù hơn và tệ hại thêm lên chứ chẳng giúp được gì.”

“Anh nói tệ hại thêm, đúng không? Vậy là anh đồng ý. Cái này là xấu. Người ta không đi đến tệ hơn từ tốt hayđược lắm. Không, trừ phi anh đã ở mức xấu.

“Anh quan tâm làm quái gì?” Geraci nói. “Chỉ là một tờ báo lằng nhằng cấp huyện, hơi đâu phí tâm trí để ý đến làm gì.”

“Chúng đăng toàn những chuyện sai lạc.”

Như sự kiện là Deanna Dunn đâu còn được gọi là Bà hoàng điện ảnh nữa. Nàng ta là một con sâu rượu, và ánh mắt nhìn cũng như sự nghiệp của nàng ta bị tổn hại bởi chuyện đó. Geraci hình dung rằng nàng kết hôn với Fredo chỉ để cho nàng có thể tiếp tục cuộc sống xa hoa ngay cả khi tài năng diễn xuất của nàng đã cạn kiệt hoàn toàn.

Bên ngoài, đạo diễn ra lệnh “Action!” Một toa xe lao ầm ầm xuống con phố bụi mù, và Deanna Dunn bắt đầu la hét.

“Cảnh đó ở trong kịch bản,” Fredo nói. “Fontane chết và Dee Dee la hét.” Nàng đóng vai góa phụ của viên quận trưởng cảnh sát. Fontane là ông mục sư mang súng.

“Nếu anh muốn những sự kiện,” Geraci nói, “thì có nhiều chỗ tốt hơn để đến, chứ không phải là tờ báo.”

“Chúng tôi kết hôn đã hơn một tháng nay. Chuyện này đâu phải là bí mật gì, như tờ báo nói, và chúng tôi đã có tuần trăng mật. Nghỉ cuối tuần ở Acapulco nơi chiếc xe Jeeps màu hồng rơi xuống bãi biển đó.”

“Kì trăng mật ngắn ngủi.”

“Chúng tôi ai cũng đều bận rộn cả.”

“Tôi có làm anh phát cáu không?”

“Ồ, ai mà không muốn dành nhiều thời gian cho tuần trăng mật của mình, anh biết mà”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3