Bố già trở lại - Phần IV - Chương 15 - Phần 3

“Không,” Hagen nói. “Cậu biết đấy. Tôi không dính líu những chuyện ấy. Nghe này, tôi thực sự cần phải đi.” Anh chận ngang Fredo và rồi bước lùi, hi vọng kết thúc chuyện này. “Nói với Deanna tôi gửi lời chào, nhé?”

Fredo dừng lại và lộ vẻ bối rối. Dầu chàng ta có mang kính râm. Hagen không thể thấy đôi mắt chàng ta.

“Deanna,” Hagen tiếp lời. “Vợ cậu. Có tin vui chưa?”

Fredo lừng khừng. “Nói với Theresa và bọn nhóc rằng tôi yêu mến họ,” chàng nói. “Đừng quên nhé, okay?”

Có cái gì đó nơi cách chàng ta nói chuyện ấy khiến Hagen không thích lắm. Anh kéo Fredo vào một lối đi nhỏ. “Cậu ổn chứ, Fredo?”

Fredo nhìn xuống và nhún vai, giống như một trong những cậu con trai tuổi teen hay hờn dỗi của Hagen.

“Cậu có muốn nói với tôi nhiều hơn về những gì xảy ra ở San Francisco?”

Fredo ngước lên và lấy mắt kính ra. “Nghe kĩ này, okay? Tôi không thể trả lời cho anh, Tommy à.”

“Cậu dính vào ba cái thứ nhảm nhí gì của Hollywood vậy, Fredo?

“Tôi vừa mới nói gì, anh quên rồi à?Tôi không có bổn phận phải trả lời anh, rõ chứ?”

“Ma làm quỷ ám hay sao mà tất cả bạn bè của Fontane đều hoặc là ngủ với những phụ nữ mà chàng ta đã từng ngủ với hoặc là từng ngủ với những phụ nữ mà hiện nay chàng ta đang ngủ với?”

“Nói cái gì bây giờ?”

Hagen lặp lại.

“Chuyện buồn lắm, Tommy à.”

Buồn thật. “Thôi quên đi,” Hagen nói.

“Không, tôi biết anh mà,” Fredo nói, áp sát vào Hagen, đẩy anh ta tựa lưng vào bức tường bên đường đi. “Anh chẳng quên cái quái gì cả. Anh cứ tiếp tục đảo lui đảo tới, xoay phải xoay trái vấn đề trong đầu óc anh cho đến khi anh nghĩ là anh đã tìm ra một giải pháp, ngay cả khi không có giải pháp nào, hoặc là giải pháp quá đơn giản khiến anh không thể chịu nó bởi vì nếu thế anh đã không phải lao tâm khổ tứ nghĩ tới nghĩ lui về nó - và đến đây Fredo ấn mạnh vào xương ức của Hagen - anh đã không phải loay hoay nghĩ xuôi nghĩ ngược về nó mãi như thế.”

Hagen bị Fredo ấn tựa lưng vào bức tường gạch đen như bồ hóng. Hồi nhỏ, Fredo từng là một đứa bé hung bạo trong một thời gian ngắn, và rồi sau đó, cái phần hung bạo ấy nơi chàng ta lại biến đi, nhường chỗ cho một con người tình cảm, cởi mở và nói chung là khả ái. Cho đến khi chàng ta nện nhừ tử cái anh chàng “bóng” kia ở San Francisco. Hiện tượng này có lẽ do nơi tính khí của chàng ta dầu nói chung là dịu dàng trong đa số thời gian nhưng vẫn có một phần “đồng bóng”, dễ bị khích động nên thỉnh thoảng cũng có những cơn tuôn trào bất chợt, khó lường trước được.

“Tôi phải đi,” Hagen nói. “Được chứ? Tôi cần phải đi mà.”

“Anh nghĩ anh khôn ngoan lắm đấy.” Chàng ta đẩy một cái vào ngực Hagen. “Có đúng tim đen của anh không nào?”

“Nào, Fredo. Thư dãn đi.”

“Trả lời tôi đi.”

“Cậu có mang súng bên người đấy không, Fredo?”

“Sao lại hỏi vậy? Anh sợ tôi à?”

“Trước nay vẫn thế,” Hagen đáp tỉnh rụi.

Fredo cười lớn, nhưng buồn chứ không hề vui. Anh tiến lại, bàn tay mở ra và tặng vào má Hagen một động tác nặng hơn là một cái vuốt âu yếm nhưng nhẹ hơn là một cái tát. “Xem nào, Tommy,” Fredo nói. “Chuyện đâu có gì rắc rối.”

“Có cái gì mà không rắc rối?” Hagen mím môi và gật đầu. “Không thật à?”

“Ờ, không.” Hơi thở Fredo nồng mùi hành tỏi và mùi rượu vang. “Xem này, khi người ta là một kẻ nghiện “pussy” như Johnny? Và tất cả bạn bè anh cũng đều là những tay nghiện cái một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa đó? Thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là chuyện ấy! Tin tôi đi. Trên mặt đất này số “pussy” loại thượng hảo hạng cũng không nhiều lắm. Và những chàng nào tốt số đào hoa thì vơ về phần mình được một số kha khá. Thế rồi chuyện gì phải xảy ra thì nó đã xảy ra. Như anh biết đấy.”

“Trên lí thuyết thôi,” Hagen nói, “vâng, hẳn rồi. Tôi biết.”

Fredo lùi lại vài bước và mang kính lên lại. “Lần tới khi nói chuyện với Mike,” chàng ta nói, “nhớ bảo chú ấy rằng tôi còn có một ít chi tiết nữa về lịch trình thực hiện ý tưởng của tôi, nhé?”

“Nào, Fredo. Như tôi đã nói, tôi không còn - ”

“Thôi đi đi, đếch cần nói nữa.” Fredo mơ hồ chỉ về phía đại dương xa khơi. “Anh cần đi, thì đi đi.”

Đêm đó, khi Tom Hagen trở về nhà bố mẹ của Theresa ở Asbury Park, mấy đứa con trai của anh đang chạy vòng quanh chiếc sân nhỏ xíu trước nhà, đánh nhau.

Anh bước ra khỏi xe. Cuộc đánh nhau hình như là vì... giành gái, một con bé mà Andrew quen trước, thích nhưng chưa làm gì được còn Frank mới quen sau nhưng lại ăn hớt qua mặt ông anh và hôn được nàng trước. Hagen để cho chúng đánh đấm nhau một lát cho hả tức, nhưng khi anh thấy Theresa đi qua cửa chính để vào cổng vòm, anh đút mấy ngón tay vào miệng và huýt còi, rồi đi vào giữa cuộc đánh đá để cách li chúng ra. Anh ra lệnh chúng ngồi vào xe, sau đó đi vào phòng mình để lấy chiếc đồng hồ. Gianna đang xem phim cao - bồi trên ti vi với ông bà ngoại. Anh bồng con bé lên và dồn mọi người vào trong xe để cùng đi ăn kem. “Ba má có sẵn kem ở đây mà,” Theresa nói, nhưng Tom bắn vào nàng một tia nhìn và nàng chấp nhận.

Họ đến tiệm Nữ Công Tước Sữa ngoài xa lộ ngay lúc tiệm đang đóng cửa. Tom Hagen đi vòng về phía cửa sau và dúi một tờ năm mươi đô cho viên quản lí và một lát sau gia đình Hagen ngồi cùng nhau nơi một cái bàn dã ngoại màu xanh lá cây, dưới một ngọn đèn vàng vọt lờ mờ vì hơi ẩm: một gia đình. Gianna ăn cốc kem hình nón một cách khủng khỉnh, khó chiều như một cô hiệu trưởng trường điểm. Cốc kem trái cây của Theresa chảy ra vì nàng mãi lo chấm chấm nhẹ cái mặt phụng phịu của Andrew bằng cái khăn giấy. Frank ngốn ngấu những lát chuối đặt trong một cái đĩa hình chiếc thuyền bằng plastic màu đỏ. Tom chỉ dùng cà phê.

Khi mọi người ăn xong, Tom Hagen đứng lên ở đầu bàn và bảo rằng mọi người sẽ sống phần còn lại của mùa hè ở Washington, như một gia đình. Trước khi trường khai giảng họ sẽ cùng đi xe trở về lại Nevada, như một gia đình. Nếu như anh thua trong cuộc bầu cử, như anh cảm thấy gần chắc là như thế, thì họ cũng sẽ đối mặt với chuyện đó, và như thế nào?

Gianna nhanh chóng đưa tay lên. “Như một gia đình!”

“Bé giỏi quá!” anh khen con gái, hôn lên cái đầu tóc đỏ của bé. “Tôi biết rằng chuyện này không hề dễ dàng đối với bất kì ai trong gia đình chúng ta. Tôi biết rằng báo chí đã tung ra nhiều điều nhảm nhí, và tôi biết rằng người ta đã nói nhiều điều còn tệ hơn vào mặt chúng ta. Nhưng chúng ta đã xuống chung trong một con thuyền, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, ngọt bùi cay đắng có nhau. Giờ đây tôi là một Hạ nghị sĩ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Đó là cả một vinh dự, một đặc ân, một phép lạ, thật thế. Một kinh nghiệm mà tôi muốn mọi người nhớ mãi trong phần đời còn lại. Suốt cuộc đời của chúng ta.”

Mấy đứa con quay sang nhìn mẹ chúng. Nàng hít một hơi thở sâu và gật đầu. “Anh nói đúng,” nàng nói. “Và em ân hận mình đã không - ”

“Không cần phải thế đâu,” Tom nói, khoát tay cho nàng. “Anh hoàn toàn hiểu mà.”

Không phải vì quên mà anh không nói với Theresa và đám nhóc rằng Fredo yêu mến họ nhưng chỉ vì anh chưa tìm thấy đúng lúc để nói điều này.

Ngày hôm sau, họ cùng vào trong xe và hướng về Washington DC. Vào lúc họ đến đó, Ralph đã chuyển đồ tế nhuyễn của Hagen vào một dãy phòng lớn hơn và phân công một nhân viên làm nhiệm vụ hướng dẫn viên. Họ tham quan mọi dinh thự, thực hiện các tours “nhìn từ hậu cảnh” (behind - the - scenes tours) ở Tối cao Pháp viện và Thư viện Quốc hôi. Họ đi xem mọi viện bảo tàng, và Theresa, vốn có bằng Lịch sử Nghệ thuật ở Đại học Syracuse, có vẻ hạnh phúc hơn so với nhiều năm qua. Tom và mấy cậu con trai chơi bóng rỗ ở khu thể dục thể thao của quốc hôi và cắt tóc ở tiệm hớt tóc của quốc hôi.

Ralph còn sắp xếp một cuộc tham quan Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, như một gia đình, đi gặp mặt Tổng thống. Hơn nữa, Công chúa, con chó chăn cừu của Tổng thống vừa sinh một lứa chó con và nhà Hagens sẽ được tặng một con. Họ cùng đi bộ từ khách sạn đang ở đến phủ tổng thống và cả gia đình được chụp hình lưu niệm cùng Tổng thống bởi nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng.

Tom yêu cầu sang một bức hình cực lớn. Khi về lại Las Vegas, anh treo bức hình trên giá lò sưởi, thay thế bức tranh thạch bản của Picasso mà Theresa đã bỏ ra một món tiền lớn để mua, song dầu sao bức tranh này đặt ở phòng ăn vẫn hợp hơn.

Thất bại của Hagen là một trong những thất bại không cân xứng nhất trong lịch sử bang Nevada, so với chiến thắng quyết định nhất mà người chết lại giành được từ người sống, ít nhất là trong một cuộc bầu cử.

Lặp đi lặp lại mãi - dầu là trong những cuộc họp của Phù luân hội Quốc tế (Rotary International), của Công nhân Hầm mỏ Thống nhất (United Minerworkers), của Công đoàn Nhà giáo(Teacher Union), của Hội Những Người Chăn nuôi Gia súc bang Nevada - thì Hagen đều chứng tỏ là một diễn giả cứng nhắc, thiếu tính hài hước và xa rời quần chúng. Anh là một luật sư người Ái Nhĩ Lan, theo Công giáo, khắt khe, trong một bang được điều hành bởi những người Tin lành phái Báp - tít và những tay cao - bồi không cần biết trên đầu có ai (agnostic cowboys). Lần đầu tiên Hagen thực sự thấy bang quê nhà mới của mình là khi anh bắt đầu chiến dịch tranh cử ở đó. Nhiều cư dân ngắn ngày trong các đoàn cứu trợ chống thiên tai dịch bệnh còn có nhiều thời gian cư trú ở Nevada hơn là Tom Hagen. Cuộc tranh luận giữa anh với bà quả phụ nhỏ người nhưng dữ tính của vị đại biểu quá cố là một sai lầm tệ hại mà Hagen đã phạm phải vì tuyệt vọng, một nỗ lực cuối cùng, bởi vì mọi chỉ định, đến thời điểm đó đều cho thấy anh là một tay đua đường trường đã tụt hậu quá xa và không còn gì để hi vọng được nữa. Cùng tính thuyết phục của kẻ chơi bài mặt lạnh như tiền (poker - faced persuasiveness) mà Hagen từng triển khai rất hiệu quả khi tiến cống hàng trăm những chào mời không thể từ chối, được tung lên màn ảnh nhỏ như là bò sát một cách trân tráo (frankly reptilian). Nevada có rất nhiều chủng loại thằn lằn rắn mối cắc kè kì nhông hơn bất kì bang nào ở Mỹ nên người dân ở đó rất tinh mắt, nhận ra ngay khi có bất kì cá thể bò sát nào xuất hiện!

Những ngày trước cuộc bỏ phiếu, một tờ báo ở Las Vegas tường thuật rằng Hạ nghị sĩ Hagen từng không chỉ là luật sư cho tay găng-x-tơ nổi tiếng Bố già Vito Corleone, như người người đều biết, mà còn là người được bảo trợ không chính thức của lão ta. Theo như câu chuyện của báo, thì những đứa con còn sống của Vito vẫn gọi Hagen là người anh em của họ. Hagen không phủ nhận điều gì. Anh lấy trường hợp của mình như một trong hàng ngàn những cố gắng từ thiện của các thành viên gia đình Corleone, cùng với dãy rộng nhất của bệnh viện lớn nhất ở Nevada và viện bảo tàng nghệ thuật sắp xây vốn sẽ là viện bảo tàng tốt nhất nước kể từ phía tây rặng Rockies và phía đông bang California. Anh trưng ra cho phóng viên bản photocopy một bài báo của tờ Saturday Evening Post trong đó Quỹ Vito Corleone được gọi là một trong những tổ chức nhân đạo mới tốt nhất trong thập niên 1950s và một bài trong Life viết về những hành động anh hùng của Michael Corleone trong Đệ nhị Thế chiến. Hagen chỉ ra rằng gia đình Corleones mà phóng viên có ý nhìn như những kẻ phạm tội thì thực ra, chưa hề bị kết án một tội ác nào, ngay cả tội đi ẩu, vi phạm luật giao thông cũng không. Cô phóng viên hỏi anh về những lần mà họ bị quy cho nhiều tội ác, đặc biệt là Santino Corleone. Hagen trao cho cô bản sao hiến pháp Hoa Kì và khuyên cô đọc phần về một người được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Câu chuyện chỉ ra rằng kiểu diễn tả này đâu có thấy ở chỗ nào trong văn kiện kia.

Không rõ là cô phóng viên hoặc người tổng biện tập có được đầu mối nào về nguồn gốc của Hagen hay không. Nếu họ có, thì điều ấy có thể đến từ nhiều người khác nhau. Những người bạn và những người láng giềng đã biết Hagen từ nhỏ đến lớn. Fontane, người chưa bao giờ thích Hagen. Bộ sậu Chicago, vốn rất giận dữ về chuyện bổ nhiệm Hagen. Có thể ngay cả - xét theo cái cung cách đồng bóng thất thường mà anh ta hành xử trong thời gian vừa qua - Fredo. Cũng không loại trừ là cô nữ phóng viên đã “tự thân vận động “để hình dung ra toàn bộ câu chuyện. Nhà báo nói láo ăn tiền mà! Còn nhà văn? - Là chuyên viên bịa chuyện! Đấy gọi là trí tưởng tượng sáng tạo vốn là một ân sũng đặc biệt trời ban cho nhà văn, nhà thơ và nói chung là những người nghệ sĩ mà!

Cho dầu nó xảy ra như thế nào thì cả Hagen lẫn Michael đều không chọn cách phí thời gian để thử hình dung ra một chuyện rắc rối như thế, ít ra là trong lúc này. Có kiếm được điểm nào đâu? Ngay cả không có bài báo đó thì Hagen cũng đã phải thất cử rồi vì những lí do như ta đã biết, và không chỉ thua mà là thảm bại.

Tuy vậy, chẳng bao lâu sau đó, khi trở về Washington, một chuyện rắc rối nhỏ khác được giải quyết, một chuyện bất công tầm thường hơn được uốn nắn lại. Đỉnh điểm của những tuần lễ sôi động đến khi một chiếc Cadillac đỏ và đen mang biển số New York chạy ào đến trước một khu chung cư cao ốc gần sông Anacostia. Tuyết rơi. Hai người da trắng ra khỏi xe, một người thấp mặc đồ sáng bóng và một người cao trong bộ đồ màu xám. Họ đi thẳng đến cửa trước, và gần như không ngừng sải bước người mặc đồ xám đá tung cửa ra. Một lúc sau, người ta nghe tiếng súng nổ. Đây là một khu hỗn tạp với đủ thành phần dân cư linh tinh nên những tiếng súng thì cũng bình thường như những con kì nhông, tắc kè ở Nevada vậy thôi. Người mặc đồ sáng bóng bước ra ngoài khu cao ốc trước, kẹp một cái mũ trắng lớn dưới nách như một quả bóng. Đằng sau hắn ta, với chiếc đồng hồ cũ của Hagen cuộn lại trong lòng tay, là người mặc đồ xám. Trên gác, kẻ trấn lột - vì quá thích chiếc đồng hồ nên không bán nó - nằm bất tỉnh trên sàn phủ vải bạt linoleum lạnh ngắt. Anh ta đã bị đấm một trận thật tàn bạo bởi tay đấm bốc hạng nặng Elwood Cusik, một lính lác từng chịu ơn Ace Geraci. Người thấp lùn - Cosimo Barone, cháu của Sally Tessio - đã bắn một viên 38 vào bàn tay trộm cắp của anh chàng da đen, như một bài học. Anh chàng trộm cắp này chưa tỉnh lại. Cusik trước nay chưa từng làm chuyện như thế này, cầm bàn tay không bị thương tật của chàng ta lên và xem mạch. Hình như bình thường. Hơi thở cũng vậy. Vết thương thì nhẹ thôi, chỉ có tính cảnh cáo. Nếu như chàng ta tỉnh lại trước khi chảy máu đến chết và trừ phi chàng ta có kế hoạch học đàn piano hay violon thì chắc là hơi bất tiện, chứ ngoài ra thì sẽ ổn thôi.

“Cái đồng hồ đeo tay là của ai vậy?” Cusik hỏi, đeo thử khi ngồi vào xe.

Momo Cần sa - biệt danh của Cosimo Barone - không trả lời. Chàng ta hạ kinh chiếu hậu xuống và soi gương sửa lại mái tóc.

Họ ra khỏi thành phố trước khi chàng võ sĩ nói điều gì khác.

“Chiếc mũ là cũng của hắn hay là của ai khác?”

“Đội thử cái mũ lên đi, tại sao không?” Cần sa nói.

Cusik nhún vai và làm theo. Cái mũ rất vừa vặn với đầu anh ta. “Ông nghĩ gì?”anh ta hỏi.

Cần sa lắc đầu. “Nghe này, Tex,” anh ta nói. “Làm ơn chứng tỏ anh có thể câm miệng cũng tốt như nện túi đấm, được không?”

Cusik lại nhún vai và tuân lệnh.

Tay trấn lột - ngồi bệt trên sàn của một căn phòng bé xíu nơi một góc khuất của thế giới rộng lớn này, nơi người ta thường rề rà chậm chạp trong việc kêu cảnh sát đến và cảnh sát thì còn rề rà khệnh khạng hơn khi trả lời - nên thực sự đã chảy máu đến chết.

Một cái chết phi lí và bất công đối với một anh chàng sống bằng nghề trộm cướp, trấn lột nhưng vẫn có một trái tim nhân hậu với cách “tác nghiệp” lịch sự, nhẹ nhàng, khiến cho bất kì ai có một tấm lòng đều cảm thấy chạnh lòng. Cứ gọi đó là công việc. Hay gọi đó là số mệnh. Hay gọi đó là định luật về những hậu quả không cố tình. Gọi là gì cũng được. Tại sao Tom Hagen phải quan tâm? Ông luật sư tài ba, ngài Hạ nghị sĩ đường bệ Thomas Hagen kia, xét về phương diện con người, có đáng chút nào để so sánh được với anh chàng trấn lột kia chăng? Nhưng biết làm sao, mỗi người một số phận. Người ta làm chuyện gì đó, và chuyện đó làm chuyển động những chuyện khác. Một người chết không bắt buộc phải có ý nghĩa gì. Chết có ý nghĩa ư? Cực kì hiếm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay