Bố già trở lại - Phần V - Chương 18
Chương 18
Tháng ba năm ấy bố của Nick Geraci đến New York - lần đầu tiên ông đến đó kể từ khi Nick di chuyển khỏi Cleveland. Tất nhiên là ông tự lái xe. Dầu qua đến mấy ngàn dặm kể rừ Arizona, ông vẫn lái xe một mình trong ba ngày liền. Cho đến cuối đời ông vẫn là Bác tài Fausto.
Thoạt đầu ngay khi mới đến, dường như ông hài lòng khi nuôi dưỡng cơn giận trong cái vỏ kén tự bao bọc của niềm nuối tiếc hay hờn dỗi, nhiều hiềm oán, vốn đã trở thành một yếu tố nổi trội trong tính cách của ông từ khi được cho về hưu sớm. Ông trừng mắt nhìn vào cái hồ bơi của con mình. Ông không còn điếu Chesterfield Kings nào. Cô con dâu Charlotte biếu cho ông một tút thuốc của cô mà ông bảo rằng cũng tốt thôi. Đó là loại thuốc lá cho quý bà, nhưng ông nói rằng một người bạn của ông hút loại đó và ông cũng đã quen với chúng vào lúc cần thiết. Nick nháy mắt và hỏi có phải đó là cô Conchita Cruz. “Hãy câm niệng về những điều mà mày chẳng biết gì cả, được không? Mày muốn tiền cho những thứ này?” Ông rút ví tiền ra.
“Được rồi bố à. Đừng thế.”
“Anh đang đắt sô, có giá lắm, nhưng tôi chi trả theo cách của tôi, hiểu chứ?”
“Chúng con chỉ muốn bố có được thời gian thoải mái thôi mà.”
“Một áp lực lớn cho tôi đấy,” ông nói. “Tại sao không chú tâm vào công việc của mấy người đi. Và cứ lấy tiền đi, trừ phi đồng tiền của tôi là không tốt.”
“Không phải là không tốt nhưng là không phù hợp để chi ra, bố à,” Nick nói. “Ở đây bố là khách mời của chúng con mà.”
“Khách mời?” Ông cười nhạo. “Đừng có ngốc thế, anh thằng ngốc lớn xác. Tôi là trong gia đình mà.”
“Thật vui khi gặp bố,” Nick nói, vẫn từ chối cầm tiền, và ôm hôn bố, ông thực sự cũng ôm anh lại, và hai bố con hôn nhau lên má.
Buổi sáng, có năm trăm đô để dưới ví tiền của Charlotte.
Ngày hôm sau, ấm áp một cách hơi trái mùa đối với New York vào tháng ba, họ cùng đi ăn trưa, như một gia đình, ở Patsy’s, nhà hàng Ý yêu thích của Geraci ở thành phố này, nơi anh thực sự được dành cho một bàn riêng trên lầu, và sau đó đi chơi một vòng trên du thuyền Circle Line, theo ý tưởng đề xuất bởi Charlotte. Cuộc đi thuyền đó cho người ta nhìn thấy phong cảnh New York mà ngay cả một cư dân bản địa như nàng cũng chưa từng thấy được theo cách khác, hơn nữa dường như là một buổi chiều thích hợp cho một người hàng ngày vẫn để thời gian suy nghĩ miên man và nhìn đăm đăm vào mặt nước. Nick và Charlotte đã hẹn sớm để lấy chỗ cho chuyến đi, nhưng các cô con gái họ trước nay chưa từng được đi chơi thuyền. Barb hiện nay đã vào Trung học và hầu như không thể đi đâu mà không cùng đi với bạn bè - gần cả một liên đội gặp cô ở cầu tàu. Còn Bev, tuy chỉ mới mười một tuổi nhưng trông lớn như chị, đứng kế bên ông nội, đang hỏi ông những chuyện về đảo Ellis mà khi còn bé, là nơi cuối cùng Fausto từng ở khi còn là dân New York. Trong thời gian thuyền chạy từ đó đến đảo Roosevelt cô bé tìm cách bảo ông nội dạy cho mình phương ngữ Sicily. Sau khi họ đi qua Polo Grounds nhưng trước khi đến chỏm phía bắc của Manhattan, Fausto, tinh thần đã có phần hồi phục, kéo riêng con trai ra một bên để bảo rằng, thực ra, ông đến New York vì công việc.
Nick nhíu mày và gõ đầu “Thông điệp từ Người Do Thái”, ông nói, có ý chỉ Vince Forlanza. “Chuyện dài lắm.Đây không phải chỗ để nói. Ở đây, chúng ta cách thành Troy bao xa?”
“Troy nào? Troy, là New York?” Nick Geraci khá chắc chắn là bố mình chưa hề kể cho mình nghe một câu chuyện dài dầu bất kì loại nào.
“Không phải đâu. Thành Troy với nàng Helen và con ngựa gỗ to tướng đó. Đúng, Troy, để chỉ New York.”
“Chúng ta cần đi đến Troy để bố kể cho con nghe những gì bố cần kể cho con?”
“Chúng ta đâu cần đến Troy làm gì. Chúng ta có thể làm những gì chúng ta cần làm tại nhà anh hay tại Câu lạc bộ Chính trị Henry Hudson khả kính của anh, bất kì nơi nào chúng ta có thể bàn bạc mà - ”
“Câu lạc bộ Patrick Henry,” Nick chỉnh sửa. Tổng hành dinh của anh tại Brooklyn. Văn phòng của anh.
“Bất kì ở đâu. Để tôi kể anh nghe đôi điều. Tôi muốn đi đến Troy. Được chứ? Anh có thể nào bực bội hay ghen tị với một lão già đang chờ chết về một chuyện nhỏ nhặt như thế?”
“Bố chờ chết từ khi nào vậy?”
“Từ ngày mới sinh ra đời.”
“Con nghĩ bố sắp nói từ ngày con ra đời chứ.”
“Anh quá tự tin đến thành tự tôn quá đấy, chàng đắt sô ạ.”
Hóa ra là, Fausto nghe phong thanh có những cuộc đá gà ở Troy, được cho là ở trên cùng của bang và như vậy hẳn là dưới quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của Gia đình Cuneo. Fausto vẫn luôn là một kẻ mê đá gà và qua nhiều năm đã đổ bao nhiêu tiền vào một hắc điếm ở Youngstown đến độ lẽ ra phải được ghi tên vào sổ vàng những người khách quý! Tucson có nhiều trường gà nhưng do bọn Mễ tổ chức và vì vậy Fausto nghĩ rằng chúng chơi gian lận, chứ không phải ăn thua sòng phẳng.
“Thật ra thì đám nào cũng cờ gian bạc lận cả thôi, bố à,” Geraci nói. “Chơi tí để giải trí thì được chứ quyết chí ăn thua thì chỉ có từ chết tới bị thương. Chủ sòng mới làm giàu, chứ con bạc mà máu mê thì cuối cùng đều trắng tay cả thôi.”
“Đại thể thì là thế nhưng bọn Mễ còn tệ hơn. Tuy vậy chúng là những tài năng “kì bẻo” xuất sắc, phải công nhận như thế.”
Họ không cần phải rời đi cho đến giữa buổi chiều nhưng Fausto Geraci cần dậy sớm sáng hôm sau từ bốn giờ, nghiên cứu bản đồ đường đi và kiểm tra lại cái động cơ hơi đỏng đảnh của chiếc Olds 88. Tất nhiên là ông nhấn mạnh việc chính mình cầm lái. Tay tài xế của Geraci - Donnie Bags, một anh em họ xa, chỉ là một anh chàng biết lái xe thôi, còn ông bố của anh mới là một người cầm lái thực sự, một tài xế cừ khôi. Nếu ai thấy ông ta ngồi sau vô - lăng, phớt lờ mọi chuyện gì khác, có lẽ sẽ cho là ông ta lái như một ông già: đôi mắt kính to tướng, đầu nghiêng về phía trước, bên trên vô - lăng, hai tay mang găng, radio tắt đi để có thể tập trung tư tưởng vào con đường trước mặt. Nhưng ông vẫn luôn luôn lái xe như thế. Trong khi đó ông “đan xen” chiếc Tên lửa 88 đó xuyên qua mạng lưới giao thông chính xác và khéo léo như một Tay đua Thể thức Một (Formula One Racer) mà lẽ ra ông nên là, bay lượn lả lướt từ lằn xe này đến lằn xe kia, cắt vào những khoảng không gian tưởng chừng như quá nhỏ nhưng thật ra không hề nhỏ song cũng không lớn hơn bề ngang của xe là mấy! Ngoại trừ những chiếc xe hơi và những chiếc xe tải mà ông đã cố tình làm hỏng theo chủ đích, Fausto Geraci chưa bao giờ gây ra tai nạn giao thông nào. Ông ta có giác quan thứ sáu để đoán biết nơi nào có cảnh sát giao thông phục kích, và, vào những dịp hiếm hoi mà ông bị mấy anh cớm tuýt còi, thì ông cũng biết đo kích cỡ của quan và ngay lập tức biết nên chìa cho anh ta thấy cái huy hiệu chỉ ra rằng tớ đây cũng là một thành viên đã nghỉ hưu của Đội Kiểm tra Xa lộ Ohio (huy hiệu là thật, nhưng là thứ của rơi mà ông tình cờ nhặt được), người nhà với nhau cả mà, hay là nên đưa bằng lái, giấy đăng kí xe kèm một tờ năm mươi đô gấp lại để bên dưới. Ông vẫn luôn để sẵn một tờ năm mươi đô đã gấp lại trong hộp đựng bao tay giữa chiếc huy hiệu và giấy đăng kí xe. Có lần khi Nick lên mười hai tuổi, cu cậu xoáy món tiền này. Và ông bố đã huấn luyện quyền cước cho cậu con một trận lên bờ xuống ruộng. Đấy là động cơ thực tế khiến cu cậu bắt đầu tự xưng mình là “Nick” (cho đến lúc đó cu cậu vẫn được gọi là “Junior” hay “Faustino”) và đăng kí học quyền Anh.
Nick chờ ông bố khai khẩu. Dầu câu chuyện như thế nào thì ông ta cũng chỉ sẽ nói khi ông ta thấy thoải mái và sẵn sàng. Và chắc là chuyện lớn. Nếu không ông đã chẳng chịu khó lặn lội đường xa đến thế. Ông có một phong thái nhìn mình như là cuối cùng đã được phó thác cho một công việc xứng tầm với tài năng của mình.
Cuối cùng, khi họ đi vào đầu kia của cầu George Washington và qua hai dãy phố, Fausto Geraci nhìn lại đằng sau con đường một tí, hít một hơi thở sâu, và bắt đầu kể lại cho con mình mọi chuyện mà bản thân ông đã học được từ ông chủ Vinnie Forlanza.
“Con nghe đấy chứ?”
“Với mọi lỗ tai mở rộng.” Nick nói, nhích nhích hai tai.
Hình như là Sal Narducci đã mõi mòn chờ đợi Ông Do Thái về chầu Chúa. Nhưng mặc dầu Sal Cười ngất có lẽ từng giết hàng đống người trong suốt một đời dọc ngang giang hồ gió tanh mưa máu của mình, song lão ta cũng không thể giết vua để soán ngôi. Nhưng lão ta cũng không vì thế mà không muốn hạ bệ ông chủ, song muốn theo một cách nhẹ nhàng hơn để không mang tiếng thí quân sát chủ. Lão ta tìm cách làm cho Forlenza cảm thấy nhục mà phải “thoái vị” và nhường ngôi cho lão. Trước tiên bằng cách cho người phá hoại chiếc máy bay đó - đúng, chiếc máy bay đó - và sau đó thực hiện ý tưởng bắt cóc Nick từ bệnh viện và giấu đi với ý định làm cho Forlenza trông có vẻ khinh suất và yếu thế, và điều này có lẽ ít ra cũng có hiệu quả nhất định.
“Nhưng này, Át chủ bài,” Fausto nói, gọi cậu con bằng hỗn danh, như luôn luôn là thế, với một chút cạnh khóe, nhạo báng trong giọng nói,” cũng đừng chạy theo níu áo ông chủ của anh, nghe chưa? Chính tay đại gian hùng này đứng đằng sau mọi chuyện đấy.”
Nick Geraci cảm thấy điều này hơi khó tin.
“Anh nghĩ tại sao anh vẫn còn sống, hỡi anh to đầu mà dại?” Fausto nói. Anh nghĩ họ để anh sống nếu họ nghĩ rằng anh đã rối loạn tinh thần? Có bao nhiêu kẻ anh biết từng làm chuyện như anh nơi cái hồ kia mà không kết thúc bằng cách trở thành hai người chung một cái đầu, butta - beepa - da - boppa - da - boop?”
Có đầy đủ lí do. Michael cần anh. “Vụ rơi máy bay được cho là tai nạn.”
Fausto thở ra. “Mọi người bảo tôi rằng tôi có phúc sinh được đứa con thiên tài. Anh tin nổi điều ấy không?”
Lúc đó Nick chỉ nghĩ rằng anh không có ý tưởng nào về chuyện những người làm việc cho Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kì là loại người nào, có thể hay không thể hối lộ cho họ là chuyện dễ dàng đến thế nào. Mặc dầu vẫn luôn luôn có những người được trả lương thấp, không có quyền lực gì mà người ta có thể lung lạc: một chàng thợ lặn, một phụ tá trong phòng thí nghiệm hình sự, một kẻ nào đó có thể nói dối về những vấn đề sinh tử chỉ vì một nhúm tiền mặt hay một đêm ngủ với một em mái tơ hạng sang.
Một hồi lâu Nick không nói gì. Anh chàng yên lặng nghe. Bố anh lướt qua chuyện đó. Mọi chuyện cứ đổ dồn vào. Đã có cái gì đó được tuồn vào trong các bình xăng. Don Forlenza đã hình dung ra chuyện ấy khi ông nghe phong thanh về việc một anh chàng được đi nghỉ phép ở Las Vegas và biến mất luôn. Anh chàng đó là một thợ cơ khí, nhưng cũng là một người anh em họ, muốn hết lòng chứng tỏ là một người có khả năng. Fausto bật cười. “Bản thân tôi có thể quả quyết với anh rằng những kẻ đó không để ai lọt lưới một khi đã biết được những bí mật chết người của họ.”
Fausto cho xe giữ vững tốc độ tám mươi tám, như cái tên của hiệu xe nói lên điều ấy.
“Dầu thế nào, thì người anh em họ cũng không trở về từ Las Vegas, và người bạn thân của anh ta, một người anh em họ khác, quay về trụ sở hội, cố tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Một tia sáng lóe lên trong đầu ông Do Thái. Một thợ cơ khí. Mất tích, có lẽ - ” Fausto tạo dáng bàn tay phải thành một khẩu súng, nghiêng người qua và làm bộ như bắn vỡ sọ anh con trai. “Thế là Forlanza kêu anh chàng kia vào phòng riêng để nói chuyện. Hỏi một câu chỗ này, một câu chỗ khác, butta-beepa-da-boppa-da-boop. Anh chàng này biết mọi chuyện. Phần còn lại anh có thể đoán.”
“Bố có ý chỉ gì mà nói ‘phần còn lại anh có thể đoán’? Ông lại chơi trò đánh đố, bố ai biết đâu mà lần. Hay bố muốn nói, những gì còn lại từ anh chàng kia chỉ là... một chút tro tàn vào nơi gió cát?
“Có chút thông minh đấy. Thôi quên vụ anh chàng kia đi. Nói túm lại là, ông chủ của anh và Sal Cười ngất đã sai chàng thợ cơ khí chết toi đó tuồn cái gì đó vào bình xăng của anh. Nhìn vào hộp đựng găng tay đi, chàng trai thông minh.”
Nick nhìn ông bố. “Tới đi,” Fausto nói. “Tôi sẽ không đánh anh như ngày xưa đâu.”
Ba mươi năm trước cuộc chỉ dạy quyền cước đến bò lê bò càng đã diễn ra khá là gay go, và từ đó đến giờ họ chẳng hề nhắc tới nữa. Ba mươi năm giữa bố và con có thể trôi qua như thế. Và thực sự thì thời gian cũng làm được nhiều việc.
Giống như phần còn lại của chiếc xe, cái hộp đựng bao tay không vướng tí bụi: chiếc huy hiệu, được xếp ngăn nắp trên tờ năm mươi đô được gấp lại (mà Nick cẩn thận tranh không động đến), giấy đăng kí xe, hai phong bì màu trắng và sách hướng dẫn sử dụng xe cho người sở hữu. Một phong bì đựng những ghi nhận dịch vụ cho xe. “Phong bì kia,” Fausto nói. “Cái kia kìa.”
Bên trong là sáu vé xe lửa đi Cleveland, cho Nick và năm thuộc hạ của anh, điều này khiến cho mọi nghi ngờ nào về bất kì một cuộc mai phục nào ở đó sẽ là khó chấp nhận.
Fausto giải thích vào chi tiết về chuyện nơi nào cần đến và những biện pháp an toàn cần tuân thủ để gặp Don Forlenza, có thể diễn ra nơi Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, giữa những cuộc trưng bày và lúc đóng cửa với công chúng. “Có lẽ anh không nhớ bác Polack Mike Zielinsky ngày xưa thường làm chung với bố?”
“Bố nói nghiêm túc đấy chứ? Dĩ nhiên là con nhớ.” Polack Zielinsky là người bạn cố cựu của gia đình từ xưa đến giờ. Bác ta là bố đỡ đầu chị của Nick và là một trong những người bạn chí cốt nhất của Fausto.
“Tốt, vậy thì ổn. Đến viện bảo tàng đúng chín giờ mười lăm. Anh sẽ thấy lão béo ấy đứng bên ngoài kế bên Người Suy tư - ”
“Tác phẩm điêu khắc?”
“Ờ, một bức tượng. Ở phía trước.”
“Con biết.”
“Bác ấy ở đó - bác Polack, không phải bức tượng - anh biết những đồ vật ở đó đều tuyệt hảo, tiếp tục đi vào. Nếu không gặp Polack, thì quay trở lại khách sạn, bác sẽ đợi anh ở phòng khách.”
Đối với Nick Geraci, toàn bộ vụ việc này đã đi từ khó tin đến khó chấp nhận. Nhưng đâu có thể là những động cơ của Michael? Tại sao hắn lại muốn giết mình?
“Tôi biết anh đang nghĩ gì.” Fausto lắc đầu. “Anh quả là ngây thơ.”
“Bố hình dung thế nào?”
“Anh đã làm việc trong tuyến này bao lâu?”
“Quan điểm của bố là gì?”
“Quan điểm của tôi là,” ông bố nói,” chẳng quan điểm mẹ gì cả. Chuyện vô nghĩa được làm chẳng vì lí do gì, chẳng có nghĩa gì cho bất kì ai, trừ ra với người làm chuyện đó và những người tham gia vào chuyện đó. Phần lớn thời gian họ cũng chẳng biết đó là chuyện vô nghĩa. Họ chỉ làm chuyện vô nghĩa, thế thôi. Anh chưa chết từ lâu quả là một phép lạ đấy, chàng đắt sô ạ.”
Quả là tốt khi cuộc lái xe đến Troy khá dài và bố anh không phải là người ham nói. Những khoảng lặng dài giúp cho Nick Geraci có thời gian để hình dung ra những gì cần làm. Dầu thế nào anh cũng phải cạnh tranh để sinh tồn. Anh nhìn sâu sát hơn vào bản chất của mọi sự việc, kiểm chứng những gì mình có thể kiểm chứng mà không gửi đi một hiệu kì nào. Anh sẽ tính kĩ từng nước đi. Anh sẽ học hỏi thêm. Anh sẽ xem xét mọi nước đi, từ mọi góc cạnh.
Một điều mà anh biết chắc: nếu những gì bố anh nói là thực sự đúng, Nick Geraci sẽ hình dung ra độc chiêu nào dành cho Michael Corleone khiến đem lại đớn đau hơn cả cái chết.
Họ đến Troy. Những trận đá gà được tổ chức trong một ngôi nhà trước đây là xưởng làm nước đá. Mặt tiền nơi đây đã được xây dựng lại thành một quán bar. Có một bãi đậu xe rất rộng phía sau tòa cao ốc, khuất tầm nhìn từ mặt đường.
“Làm sao bố biết được chỗ này, hở Bố?”
Fausto Geraci đảo tròn mắt. “Anh biết mọi luật lệ liên quan đến chuyện ra vào các cửa ải, đúng không? Còn lão già này tuy chẳng bén mảng đến các trường cao đẳng hay đại học luật ngày nào nhưng lệ làng thì cũng biết ít nhiều.”
Nick lơ đi chuyện đó. Họ đi ra. Bố anh than phiền chuyện trời lạnh dầu xưa nay ông từng là kẻ chịu lạnh rất cừ ở Cleveland.
“Bây giờ đang là tháng ba ở New York mà bố.”
“Anh chịu lạnh giỏi hơn ta đấy.” Ông đứng lại để đốt một điếu thuốc, cười nhạo một tiếng, lầm bầm điều gì đó, và hướng về phía cửa.
“Cái gì vậy?”
“Tôi nói ‘Tôi có thể thấy rằng cuộc không chiến kia là một vụ mưu sát khoa học.’ Ông đang di chuyển khá nhanh so với một người già cỡ tuổi đó.”
“Bây giờ bố có thể làm gì?”
“Từ quyển sách Eddie Rickenbacker của anh đấy, thưa ngài thiên tài,” Fausto nói. “Ông ta đã nói như thế. Còn anh bỏ lại quyển sách của ông ở nhà tôi. Làm ơn nào, đừng nhìn tôi như thể anh nghĩ rằng một chữ bẻ đôi tôi cũng không đọc được vậy.”
Nick ngờ ngợ nhớ lại rằng câu đó ghi ở bìa gập quyển sách thì phải.
Bên trong, những người Nick không biết nhưng họ lại nhận ra anh và nhường đường cho anh. Chuyện này xảy ra nhiều ở New York, nhưng thật dễ chịu khi xảy ra ở đây, qua đôi mắt bố anh.
Họ đi đến toa-lét quý ông. “Vài lời cuối về đề tài,” Fausto thì thầm, mắt nhìn lên tường phía trên máng tiểu. “Anh muốn tôi trông chừng người anh biết là ai” - ông buông cu ra, quay sang con trai, và búng các ngón tay, bằng cả hai tay - ”Tôi sẽ làm chuyện đó, ngày mai.”
Nick cười. “Cám ơn bố,” anh nói. “Con sẽ cho bố biết sau.”
“Đừng coi nhẹ lão ta,” Fausto nói, vừa kéo phéc - mơ - tuya lên. “Trong lúc thịnh thời lão ta đã đưa nhiều người đi chầu Diêm vương hơn - ”
“Con sẽ không để sơ sẩy đâu. “Nick rửa tay và giữ cửa cho bố ra trước. “Để con đánh cược cú đầu nhe.”
Anh đặt cược bằng chính năm tờ trăm đô mà bố đã để dưới ví Charlotte. Vào con gà Mặt Xanh xấu xí to xác, một con ở kèo dưới được chấp mười ăn một mà họ thấy lần đầu trong lồng đang ỉa ra tùm lum. Fausto nhìn vào đống phân tiêu chảy của con gà và còn cho một ngón tay vào một giọt lầy nhầy rớt trên sàn rồi đưa lên mũi ngửi. Sau ba mươi giây giao đấu, con gà ỉa chảy kia đã nhảy song phi lên móc cựa vào động mạch cảnh của địch thủ và con kia, máu tuông ra òng ọc từ cổ, quáng quàng chạy ra khỏi vòng đấu. Như Bác tài Fausto đã đoán, chuyện ỉa chảy kia chỉ là chiêu lừa, được bôm vào hậu môn với muối Epsom.
Bố con nhà Geracis cứ mặt lạnh như tiền, tỉnh táo nhận định thế trận và tương quan lực lượng và đoán trúng gần như đến tám mươi phần trăm. Kết quả là hai bố con vớ được một chầu khơ khớ!