Bố già trở lại - Phần V - Chương 19 - Phần 1

Chương 19

Pete Clemenza đang chủ trì buổi họp mặt ăn tối ngay bên ngoài Khu Quần áo, một địa điểm với phòng ăn phía sau nơi không ai ngoài gia đình Clemenza từng ngồi vào. Người sở hữu địa điểm này đủ già để đứng vào hàng cha chú của Pete và Pete cũng đã lên hàng thất thập. Họ đã là bạn vong niên của nhau lâu hơn là ai trong hai người có thể nhớ. Buổi sáng đặc biệt đó, ông chủ bệnh ở nhà và Pete vào nhà bếp, một khăn làm bếp phủ bên trên bộ đồ lụa, nấu món trứng với tiêu, hành thái nhuyễn, và chỉ những làn dây cho đám người làm việc cho bạn mình, giữ cho chúng thẳng hàng. Hai bộ hạ của Clemenza ngồi ở một cái bàn bằng kim loại để trong góc, nghe Clemenza kể chuyện. Đây là điều ghi dấu ấn tình thân giữa ông và Vito Corleone. Pete là một người kể chuyện bẩm sinh còn Vito lại là người nghe bẩm sinh.

Chuyện này xảy ra năm năm trước, ngay sau khi Pete vừa ra khỏi nhà tù trong một quãng thời gian ngắn mà ông tạm nằm ấp vì tội danh tống tiền(bản án bị lật ngược khi kháng cáo). Pete đã đi xem chiếc ti vi mới của Tessio.“So sánh với những chiếc ti vi trong các hàng quán bình dân,” Pete nói, “thì chiếc này rõ nét đến độ làm bạn sướng đến... cứng cu” (it made your dick hard). Hôm đó là tối thứ năm, và Tessio kêu mấy người chúng tôi đến xem các trận đấu, làm mỗi người vài ve và đánh cá hữu nghị với nhau chơi. Pete kể chuyện tếu làm mọi người cười lăn lộn.

Clemenza thích chí cười sặc sụa và ngã lộn nhào trên vỉ nướng.

Mọi người có mặt ở đó đều tưởng ông sắp cười một tràng lớn nữa. Trong một lúc - trong khi trái tim to tướng của ông béo thổi mạnh như một cái lốp xe tải cũ. Ông đã bị đột quỵ tim. Sau đó thịt từ gương mặt phì phị của ông cháy sém và nổ lách tách và tấm khăn choàng cháy thành lửa ngọn. Mấy người kia nhảy lên và kéo ông ra khỏi vỉ nướng. Họ lập tức dập tắt ngọn lửa.

Tất cả những thành viên ban đầu của Công ty Dầu Ô - liu Nguyên chất Genco - từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vito Corleone đến Giám đốc Điều hành Genco Abbandando và hai Trưởng phòng Tiếp thị và Kinh doanh, Sal Tessio và Pete Clemenza đều đã qua đời.

Nhà ga xe lửa Cleveland gần sát bờ hồ đến độ những cơn gió giật lạnh buốt làm cho những hành khách vừa bước xuống tàu đều liêu xiêu. Nick Geraci lảo đảo suýt ngã và hai bộ hạ của anh ta cũng suýt cuốn theo chiều gió. Eddie Paradise ngã và gãy một cánh tay, mặc dầu vài ngày trước đây chàng ta đã hình dung ra chuyện đó.

Ông già Polack đứng bên ngoài Bảo tàng, kế bên Người Suy tư.

Hôm đó là ngày trước tang lễ của Clemenza và một giờ sau khi Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland đóng cửa. Geraci được dẫn đến một căn phòng toàn màu trắng, trống vắng hoàn toàn, trừ sự có mặt của Vincent Forlanza - người hiến tặng nặc danh hào phóng nhất trong lịch sử của viện bảo tàng danh tiếng này - và chiếc xe lăn của ông. Ông lệnh cho thuộc hạ kiếm một cái ghế cho Ông Geraci nhưng Geraci nói rõ rằng, được thôi, chàng ta sẽ đứng để nghe nghĩa phụ dạy bảo. Cô điều dưỡng cùng tất cà các vệ sĩ của Forlanza đứng hầu ở đầu kia của căn phòng dài.

Geraci thú nhận rằng xung động đầu tiên của chàng ta là ra lệnh phá hoại xe của Sal Cười ngất và dàn cảnh sao cho giống một tai nạn. Đời có vay có trả, thế mới là công bằng. Còn Forlenza thì có ý cài bom vào xe Narducci để biến chủ nhân nó thành vài trăm mảnh tan tành vào hư không. Cài bom vào xe là đòn sát thủ đặc trưng của các Gia đình miền Trung tây nước Mỹ. Đây là cách tiết kiệm lao động tối ưu, khỏi phải tốn công tái lắp ráp các thi thể (và dầu có muốn thì cũng... vô phương!).

Họ bàn luận về những điều kiện tiện và bất tiện trong việc dùng nhục hình tra khảo Narducci, như Forlenza đã vận dụng với người bạn thân của anh chàng thợ cơ khí đã chết. Nhưng mà xét ra Narducci sẽ chẳng có gì để cho họ biết ngoài những chuyện họ đã biết chắc rồi. Nếu cần khử lão ta, có thể ban cho lão vài phát ân huệ vào đầu hay một quả đại pháo cho xe lão thăng thiên. Đơn giản thế thôi, chứ bày vẽ tra khảo làm gì cho thêm phần rắc rối vô ích, mà lại có vẻ bất nhẫn với một cựu chiến hữu đã từng sống chết có nhau. Ấy, người ta phải ăn ở cho có hậu, là thế!

Nhưng Geraci thuyết phục Forlanza để cho Narducci sống. Ít ra là hiện nay.

Trước nhất, nếu Narducci chết hay biến mất, Michael Corleone sẽ chăm chắm vào họ. Vả chăng Narducci, khi ta đã biết tẩy lão rồi mà vẫn tỉnh như không, thì sẽ không còn là một đe dọa đáng kể nữa. Lão ta sẽ tìm cách tác động đến Forlenza theo cách gián tiếp nhất có thể. Hơn nữa, theo như hiểu biết của Geraci, chưa có consiglierenào lại đi phản bội chủ một cách thẳng thừng. Trong trường hợp của Narducci, nếu lão ra mặt hạ bệ Forlanza, điều đó sẽ gây ra xáo trộn khủng khiếp cho tổ chức ở Cleveland và lão sẽ khó lòng mà thu phục nhân tâm để yên vị trên ngôi minh chủ. Còn Forlanza muốn xử lí Narducci cũng phải khéo léo tính toán thế nào để vụ việc không có vẻ như được ra lệnh hay ngay cả là được dung thứ bởi Don Forlanza. Đã là huynh đệ “đào viên kết nghĩa”, thề sống chết có nhau, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, mà đến khi có kẻ hai lòng thì sẽ đẩy nhau vào chỗ khó là vậy.

Giết Michael Corleone có thể là một chọn lựa khác, và, cũng như giết Narducci, là một chọn lựa thỏa đáng (Về mặt lương tâm, không có gì phải ray rức cả). Thế nhưng, tính toán điều hơn lẽ thiệt, chuyện ấy sẽ đưa đến đâu? Hỗn loạn, chiến tranh, mất đi hàng chục triệu đô la lợi nhuận trong thời gian đánh nhau. Ngay cả nếu thắng, thì họ cũng chịu thiệt.

Trước mắt, chiến thuật của họ sẽ là nhắm mắt làm ngơ đối với những kẻ đã phản bội mình và dồn nỗ lực vào việc xây dựng một mạng liên minh mới. Geraci đã làm việc với Tony Stracci và tổ chức của ông ta. Forlenza có những quan hệ hữu hảo với Paulie Fortunato. Với cái chết của Clemenza, Geraci sẽ kiểm soát mọi tác vụ thường nhật của Gia đình Corleone ở New York. Trên thực tế, hiện nay anh đã là một ông chủ. Như vậy, họ là ba trong số “Nữu Ước Ngũ Đại Gia” (The Five New York Families).

Chìa khóa sau đó sẽ là Chicago. Louie Russo đã có sẵn một liên minh bao gồm Milwaukee, Tampa, Los Angeles, New Orleans và Dallas. Kết hợp liên minh đó cùng với những gì mà Geraci và Forlanza có thể xây dựng và lúc đó Michael Corleone chỉ còn có nước ngửa mặt lên trời mà than rằng Trời đã sinh Mike sao còn sinh Nick! Tức chết đi được mà lại không chết được, thế mới càng tức hơn!

Đòn trả thù hiểm nhất đối với Michael Corleone chính là cú ăn miếng trả miếng này.

Họ sẽ cài Fredo thành quân tốt đen, theo cùng cách mà Michael đã thử dùng Geraci.

Chiếm vị thế “Tọa sơn quan hổ đấu” họ sẽ ung dung ngồi xem những kẻ thù của mình cấu xé nhau.

Thật từ từ, thật cẩn trọng, nghĩ cho chín nước cờ, họ sẽ là ngư ông đắc lợi.

Tàn cuộc chiến, Cleveland và Chicago và những Gia đình Trung tây khác sẽ lại kiểm soát Trung Tây và Viễn Tây. Nick Geraci sẽ là ông chủ của những gì trước đây vẫn thuộc về Gia đình Corleone, kinh doanh trong và chung quanh New York. Điều họ cần làm là đặt Fredo ở giữa Michael và Hyman Roth.

Don Forlanza lắc cái đầu mảnh dẻ, nhỏ nhắn (nhưng không hề thiểu năng trí tuệ đâu nhé!). Các nhà xác đầy những người mới tới trông có vẻ còn đầy sức sống hơn cả Ông Trùm ngày xưa. “Nói tôi nghe thử, Fausto,” ông nói. “Tại sao Fredo lại làm chuyện đó?”

Fausto. Chỉ có ông và Michael Corleone gọi Geraci bằng Fausto và chuyện này luôn làm anh hơi bực, một tí thôi. Còn Fausto bố không hề gọi anh bằng cái tên này thêm chữ con, cũng không bao giờ gọi là Faustino mà là những biệt danh pha chút mỉa mai, Thiên tài. Chàng đắt sô. Át chủ bài. Thế nhưng bên trong cái vẻ gây gổ, cạnh khóe kia anh vẫn cảm nhận cái chất âu yếm của tình phụ tử.

“Cái lần mà chàng ta khóc lóc trên đường phố New York sau khi bố mình bị bắn?” Forlanza nói. “Có phải chuyện đó xảy ra sau khi người anh Sonny của chàng ta đứng về phía chống lại Gia đình về vấn đề ma túy?”

Don Forlanza vẫn chưa có ý niệm nào về chuyện chính nghĩa tử của mình lại là nhà nhập khẩu heroin lớn nhất xứ Huê kỉ. “Con không biết,” Geraci nói. Mặc dầu thật ra anh ta biết, tất nhiên. “Hình như là thế.”

“Sonny ít hay nhiều đã khiến cho Vito bị bắn, đó là câu chuyện tôi được nghe. Tôi không nghĩ rằng, anh chàng Fredo này, sau một kinh nghiệm như thế, lại làm điều gì còn tệ hơn.”

“Trước nhất,” Geraci nói, “Fredo luôn say sưa bét nhè nên hay lỡ việc khiến anh em anh ta rất bực bội và chẳng còn tin tưởng để giao trọng trách cho anh ta nữa. Đến lượt nó, điều này lại làm cho anh ta phẫn khích vì thấy bị coi thường, phải chịu dưới cơ, lép vế quá nhiều so với thằng em. Mâu thuẫn nội bộ phát sinh từ đó. Lại nữa anh ta còn có một cuộc hôn nhân tồi tệ đến khó tin với một cô vợ đẹp đến mê hoặc, tài năng xuất sắc, danh tiếng lẫy lừng nhưng cũng lẳng lơ trơ tráo đến không thể nào chịu nổi! Loại đàn bà như thế mà không làm cho anh khuynh gia bại sản mới là lạ! Chưa kể là còn có thể mang họa sát thân hay nằm ấp bóc lịch triền miên cũng là những chuyện hoàn toàn nằm trong tầm tay! Nên anh chàng Fredo này rất dễ mất tự chủ. Thứ nhì, và đây là cách chúng ta khiến anh ta tự treo cổ - ”

“Tự treo cổ?”

“Một kiểu mĩ từ pháp thế thôi.”

Forlanza nhún vai. “Nếu anh ta muốn tự treo cổ thì anh ta cứ việc tự treo cổ.”

“Được, tốt thôi. Chắc chắn rồi. Đường nào cũng thế. Chuyện là thế này: Fredo nảy sinh ý tưởng về việc xây dựng một thành phố cho người chết ở New Jersey. Anh ta giống như một kẻ tưởng mình được một khải tượng tôn giáo hay gì gì đấy.”

“Thành phố cho người chết?”

“Một dự án rất lớn về việc di dời nghĩa trang. Chuyện dài lắm. Michael không nhất trí và có lẽ là anh ta đúng. Làm thế nào mà Fredo, đã chuyển về sống ở miền Tây và kết hôn với một minh tinh màn bạc, lại có thể quản lí một công cuộc kinh doanh lớn, mới mở màn - trên lãnh địa của Gia đình khác, dầu ít hay nhiều? Điểm chính là Fredo nghĩ rằng anh ta xứng tầm với công cuộc kinh doanh hàng tỉ đô-la còn Mike thì quá bận bịu với chuyện làm ăn ở Cuba nên không có thời gian để bàn việc với anh cho đến đầu đến đũa, Hay là quá bực với chàng Fredo nên không muốn cho chàng ta gì hơn là một tước vị tượng trưng và một nhà thổ hợp pháp để quản lí. Ý chừng muốn nói, tài năng cỡ anh, bản lĩnh cỡ anh thì như thế là vừa tầm rồi, đừng đòi vói cao hơn nữa, chỉ tổ rách việc!”

Geraci vừa nói vừa nghe mình nói tất cả những lời này và biết rằng không còn đường quay lại nữa. Anh đã quyết tâm đứng về phía chống lại Gia đình Corleone rồi, dầu ngoài mặt hãy còn tạm thời làm ra vẻ phục tùng, tận tụy. Trung thành phải là một con đường hai chiều. Nick Geraci này chưa từng thở một hơi thở bất trung - cho đến khi Michael Corleone muốn thí mạng ta để được việc cho hắn.

Báo thù, trong tự điển của Nick, khác hẳn với phản bội.

Don Forlanza nhắm mắt lại và ngồi yên lặng hồi lâu đến độ Geraci nhìn vào ngực của ông để chắc rằng ông vẫn còn thở.

“Hyman Roth đã là đối tác với nhà Corleones,” Geraci nói,” còn lâu hơn cả chuyện ông ta hợp tác với bố, nhưng cú làm ăn mà ông ta và Mike đang bàn tính ở Cuba lớn quá đến độ họ đang đi đến chỗ bế tắc.” Geraci lại gần hơn. Anh hơi lên giọng, đủ để đánh thức Forlenza, nếu cần. “Chúng ta có thể dùng Fredo để phá hỏng chuyện này. Roth vẫn còn nhiều ảnh hưởng chính trị ở New York. Nếu Fredo nghĩ rằng Roth sẽ hậu thuẫn cho dự án nghĩa địa kia thì anh ta sẽ rất nôn nóng lôi kéo sự quan tâm của ông ta.”

Forlenza tiếp tục thở. Mấy ngón tay ông giật nhẹ tấm chăn trong lòng ông.

“Những gì chúng ta cần làm,” Geraci nói, “là thông qua Louie Russo đối với mọi chuyện. Đám ở Los Angeles là những con rối trong tay Russo. Fredo rất thân thiết với nhiều người trong bọn họ. Chuyện xảy ra là chúng ta làm cho Russo đánh tiếng cho L.A. Gussie Cicero hay người nào đó có thể dàn dựng sao cho một trong những thuộc hạ của Roth - Mortie Whiteshoes, Johnny Ola hay một tên nào đó - tình cờ chạm trán Fredo ở Beverly Hills. Fredo sẽ cho những thuộc hạ của Roth bất kì thông tin nào về Mike mà chúng muốn bao lâu mà anh ta nghĩ rằng phần thưởng sẽ là nếu bố chết ở New York thì Fredo sẽ có được phần lợi từ đó.”

Cuối cùng, Forlanza nhìn lên. “Làm cái đéo gì mà ta sẽ chết ở New York City?”

“Thưa nghĩa phụ, con tin chắc rằng nghĩa phụ sẽ không bao giờ chết ở nơi nào khác.”

Forlenza xua tay anh và bật cười. “La testa di cazzo, hở?” Điều gì khiến anh tin chắc là Lão Mặt Đéo sẽ chấp nhận kịch bản này?”

“Lão ta sẽ được lợi từ đó. Đấy là điểm chính. Nhưng lí do khác là nhân vật mà lão sẽ liên minh với là bố, ông Trùm duy nhất không phải là con rối cũng không phải là kẻ thù của Russo.”

“Con nghĩ thế hở?” Forlanza hỏi, rõ ràng là thấy khoái vì được nịnh đúng.

“Con không được như ngày hôm nay nếu con không chuyên cần chịu làm bài tập ở nhà, bố biết mà.”

Forlenza mỉm cười. Ông biết. Ông chấp thuận kế hoạch và đóng dấu bằng một nụ hôn.

Nếu có chuyện chuệch choạc, sự chê bai, trách móc sẽ đổ xuống đầu Russo. Nếu lớp cách li đó thất bại, lời chê trách sẽ rơi vào Forlanza, người có thể tin cậy, trong việc giao dịch với Russo, sẽ không nhắc đến Geraci - vừa để bảo vệ nghĩa tử của ông và cũng bởi vì ông muốn nhận công lao về mình cho kế hoạch này. Geraci không muốn lời chê trách rơi vào Forlanza, nhưng lỡ có rơi vào ông thì cũng đỡ hơn là rơi vào Nick Geraci.

Trên trường kỉ, họ sẽ bàn vào chi tiết.

“Tin con đi,” Geraci nói khi họ kết thúc. “Fredo ngốc lắm, anh ta sẽ phản bội Mike mà vẫn nghĩ rằng mình đang giúp cho em mình.”

“Đừng bao giờ nói Tin tôi đi. Bởi vì sẽ không ai tin những lời đó đâu.”

“Thật thế à?”

“Tin tôi đi.”

Geraci cười nhăn nhở “Nhưng bố tin con chứ, phải không, thưa Nghĩa phụ?”

“Tất nhiên rồi, ta tin. Tất nhiên.”

“Đủ để chấp nhận cho con một ân huệ? Một tình tiết kết thúc chúng ta chưa bàn đến?”

Forlanza cong môi lên và xoay cả hai lòng bàn tay ra phía trước, một cử chỉ có ý nói - ta - nghe - đi.

“Đến đúng thời điểm,” Geraci nói, “Con muốn tự tay giết con chuột Narducci đó.”

Con chuột đó. Trong con mắt tâm linh của mình, Geraci thấy con chuột nước đó nhảy ra khỏi ruột kết của cái thây ma mà Sal Cười ngất đã ném xuống sông, cái xác mà người ta đã tưởng lầm là Gerald O’Malley.

“Nói thật với con là,” Forlanza nói. “Ta cũng đã định nói con làm điều đó.”

Clemenza vốn là bạn cố cựu nhất của Vito Corleone, thế mà thành viên duy nhất trong gia đình ông Trùm quá cố đến New York dự tang lễ chỉ có Fredo. Carmela bị máu đóng cục, lần này ở hai cổ chân, và không thể đi xa. Michael bận công việc. Kay theo như nhiều người nghĩ, chắc là sắp rời xa anh ta. Connie đã bỏ rơi anh chồng thứ nhì, chàng kế toán trông mặt thấy chán chết Ed Federici, để bay sang công quốc Monaco, nghĩ dưỡng trần truồng trên các bãi biển, đú đởn cùng đám ma cô châu Âu chuyên đi moi tiền mấy chị nạ dòng rủng rĩnh tiền bạc, no thịt rửng mỡ mà các anh chồng thì lại chán cơm thèm phở. Thôi thì anh ăn chả, ả ăn nem, hai bên cùng vui vẻ!

Có điều không rõ, với Nick Geraci, là tại sao Hagen không thể đến. Cùng thắc mắc đó với mọi thành viên của tổ chức ở Nevada, ngay cả Rocco Lampone, một anh chàng đi cả đoạn đường dài từ một cựu chiến binh loàng xoàng rất ít triển vọng đến địa vị caporegime hiển hách, mỗi bước đi đều có sự hậu thuẫn của Clemenza. Không ai ngoài Fredo, được gửi đi vì giá trị tượng trưng, hẳn thế, mặc dầu khi Geraci đón anh ta ở sân bay Fredo nói rằng anh ta sẽ không để lỡ cơ hội, vì bất kì chuyện gì, để tỏ bày kính ý với bác Clemenza thân thiết mà anh rất mực quý mến ngay từ khi còn nhỏ.

Trên đường đến tang lễ, trong một cơn bão tuyết, Fredo Corleone và Nick Geraci dừng lại để tản bộ qua Vườn Bách thảo Brooklyn. Đây từng là nơi chốn yêu thích của Tessio để bàn công việc và cũng đã trở thành nơi ưa thích của Geraci. Ở đây không bao giờ quá đông người, nhất là vào ngày thường, để trở thành khó nói chuyện riêng. Ưu điểm nữa là, ở đây không sợ bị nghe lén.

Tuyết rơi thành những bông ẩm ướt, đường kính cả bốn inches hoặc hơn. Vườn Đá tảng nhìn giống như bề mặt gồ ghề lồi lõm của mặt trăng. Lẽo đẽo theo sau với một khoảng cách khá xa, đủ ngoài tầm nghe, là bốn thuộc hạ của Geraci gồm Momo Con Gián, Eddie Paradise và hai anh chàng mới đến từ Sicily, rất hăng hái lập công để lấy lòng tin của chủ nên luôn sẵn sàng làm bất kì chuyện gì được sai bảo. Hai người khác, Tommy Neri, đi theo Fredo, và tài xế của Geraci, Donnie Bags, ở lại coi xe.

“Theo những gì tôi nghe,” Fredo nói,” đó là cơn đột quỵ tim của Pete không phải là đột quỵ tim như y học định nghĩa.”

“Giải phẫu tử thi bảo là đột quỵ tim mà,” Geraci nói. “Làm cho ai đó có được cơn đột quỵ tim? Ôi lạy Chúa! Ai mà giỏi quá vậy? Biết tôi nghĩ gì không? Người ta xem ti vi nhiều quá nên đầu óc bị đầu độc nặng rồi. Không có ý xúc phạm đâu nhé.”

“Có cũng chả lấy,” Fredo nói “hơn nữa là, không chừng bạn nói đúng đấy.” Lời xầm xì được loan truyền nhiều nhất đó là những kẻ nói rằng họ đã kéo Clemenza ra khỏi vỉ nướng thực ra là chính họ đã đẩy ông ta ngã sấp mặt trên đó, rằng những kẻ đó đã mưu đồ quay sống ông ta và đốt cháy luôn phòng ăn, nhưng họ đã gặp may: đúng lúc đó ông ta lên cơn đột quỵ tim và thế là mọi chuyện được thu xếp theo hướng mới mà họ không phải tốn công sức gì nhiều. Có những người cả bên trong lẫn bên ngoài binh đoàn của ông ta bị nghi ngờ vụ mưu sát, nếu quả thực có vụ mưu sát, một chủ đề hiện đang được tranh luận rộng rãi nhưng không công khai lớn tiếng mà bằng những lời xì xầm.

Điều đó cũng không ngăn cản những lời xì xầm khác đang túa ra khắp bốn phương. Nhiều người dường như nghĩ rằng Clemenza bị tay đầu sỏ Do Thái Hyman Roth mưu sát, nếu chỉ vì Roth đang trong quá trình thương lượng với Michael Corleone để kiểm soát thế giới ngầm ở Cuba. Bộ sậu Chicago của Louie Russo cũng không thể bị loại trừ. Nếu là một vụ mưu sát, Geraci sẽ đánh cá vào đám Anh em Rosato, những phần tử gian giảo trong binh đoàn của Clemenza có quan hệ lén lút với Don Rico Tattaglia. Nói là nói thế, chứ cả lưỡi dao phẫu thuật của Ockham lẫn chế độ ăn kiêng của Clemenza đều chỉ ra một vụ đột quỵ tim không ngụy trang, không chế tác. Cuộc mổ tử thi khám nghiệm cho thấy trái tim của ông ta gấp đôi kích thước trái tim người thường.

“Hagen nói anh ta nghĩ rằng tất cả các lời đồn đều lố bịch.” Fredo nói.

“Ông Trùm nói gì?”Geraci hỏi.

“Mike đồng ý với Hagen,” Fredo nói. “Tôi đã đích thân trao đổi riêng với chú ấy về chuyện này rồi.” Anh ta nhún nhẩy trên đôi chân khi nói điều này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay